Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Pano 22-12

Huy Đức
Tôi vẫn cho rằng, tiến sỹ Nguyễn Thành Rum không cố ý khi Sở Văn Hóa mà ông làm Giám đốc phê duyệt tấm hình quân Trung Quốc làm nền cho những tấm pano mừng ngày Thành lập Quân đội Việt Nam. Tôi tin lời ông Rum: “Cái đó là cái sơ suất của nhân viên”. Cũng như, tôi đã tin lời ông Đào Duy Quát, chính lỗi của “cậu đánh máy” đã khiến cho sự kiện Hải Quân Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, Trường Sa khi được đưa lên website của ông, đọc thấy cứ như hai quần đảo ấy không còn là máu thịt của người Việt Nam ta nữa.
Nhưng, có những sơ suất thực sự là tai nạn, có những sơ suất là kết quả của một quá trình.
Sẽ không có những “sơ suất của nhân viên” khi những người chủ trương “cổ động” cho ngày 22-12 xuất phát từ ý thức giữ gìn núi sông cho Tổ quốc. Họ đã đi đâu làm gì trong những năm qua, họ có khi nào nghe đến tên Bản Giốc, họ có biết là Hoàng Sa đã mất, họ có bao giờ nhớ một “Biên Giới Tháng Hai”…
Làm việc gì thì cũng phải nghĩ tới mưu sinh, nhưng không phải công việc nào “tiền cũng là trên hết”. Anh không thể kêu gọi quốc phòng toàn dân trong khi anh không biết ai đang lục soát những chiếc thuyền của ngư dân. Một hành vi không để ý gì đến tình cảm của người dân thì nó không chỉ là phi chính trị.
Một lần, tôi được một vị lãnh đạo tiếp trong phòng riêng; nơi ngủ của ông là một tấm phản đơn, rải miếng nệm bông, đặt bên cạnh bàn làm việc. Ông chỉ cho tôi một tập sách báo, tài liệu gạch đầy dấu chì xanh, đỏ. Đó là những bài báo nói về chương trình “cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” mà ông không ủng hộ. Bằng một giọng khàn khàn lúc nào cũng như đang cố rướn, ông nói: “Ngày xưa người ta chỉ trích tôi cải tạo công thương nghiệp tư doanh để rồi ngày nay người ta đang cải tạo công thương nghiệp quốc doanh”. Nhìn vào ánh mắt rực lên của ông, tôi tin ông nói điều đó không chỉ để biện minh cho việc nắm quyền mà còn để bảo vệ điều mà ông tin tưởng.
Những người dám chiến đấu cho một lý tưởng mà mình tôn thờ, dù hậu quả mà họ gây ra thế nào, thì về mặt con người cũng có chỗ cho ta trân trọng. Tuy nhiên, khi niềm tin được chở che bằng quyền lực thì bao giờ cũng có những kẻ trục lợi đi theo. Ông Trần Đức Nguyên, Cựu Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đúc kết: Nhiều khi, những người vỗ ngực xưng tên lập trường quan điểm nhất lại là những người mà lưng nhiều tì vết nhất; có người rất lớn giọng quy kết “chệch hướng” với lực lượng tiên phong té ra chính anh ta lại từng “phản bội”.
Những kẻ trục lợi khi nào cũng kiếm được nhiều bổng lộc, nhưng không có trục lợi nào lắm bổng lộc như trục lợi niềm tin. Khi những tấm pano được mang đi cũng là lúc ngân sách được chi ra nhân danh những điều to tát. Khi một website được lập, thường kéo theo biết bao “mục đích, tôn chỉ, lập trường”. Nếu anh thực sự làm điều ấy vì niềm tin thì dù “sơ suất” anh cũng chỉ trông thật đáng thương. Còn anh nhân danh những điều ấy để trục lợi thì anh thật là trơ trẽn.

http://www.blogosin.org/?p=1079

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét