Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Vật lưu niệm từ thời kỳ cộng sản Hungary

Bảo Thạch, Hoàng Nguyễn
Tạp chí văn hóa 2/10/2009
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5151.asp

20 năm sau ngày “bức màn sắt” ngăn cách biên giới Hungary – Áo được dỡ bỏ, mở đường cho sự thống nhất của nước Đức và của một Châu Âu thống nhất, một đoạn màn sắt đã được dựng lại - một cách hình tượng - tại thủ đô Budapest.

Đoạn màn sắt này là tác phẩm của điêu khắc gia F. Kovács Attila, đặt trên vỉa hè đại lộ chính Andrássy (trung tâm Budapest), trước Bảo tàng Nhà Khủng bố (Terror Háza), nơi trưng bày những di chứng của hai thể chế độc tài toàn trị của thế kỷ XX.
Tượng đài Bức màn sắt trên đại lộ chính của thủ đô Budapest
Tên gọi chính thức của nó là Tượng đài Bức màn sắt, được khai trương vào dịp kỷ niệm 20 năm cuộc “Pích-ních Toàn Âu” (20-8-1989), khi hàng ngàn người Đông Đức đã tận dụng việc một cửa khẩu được bỏ ngỏ để tràn sang Áo mà không bị lính biên phòng Hungary ngăn cản.
Tác phẩm của nhà điêu khắc F. Kovács Attila là một khối hình hộp, có nhiều sợi dây xích rầt dày và hoen rỉ được bện lại và rủ từ đỉnh xuống đất, tượng trưng cho một bức màn sắt. Dưới chân tượng đài là từ “Bức màn sắt” (Vasfüggöny), được viết bằng nhiều tiếng Châu Âu.
Một bên của tượng đài khắc câu hỏi nổi tiếng trích từ thi phẩm “Bài ca Dân tộc” của thi hào Petőfi Sándor: “Hãy thành nô lệ - Hay người tự do?” (Rabok legyünk vagy szabadok?), và dòng chữ động lòng: Bức màn sắt đã “Ngăn cách Đông và Tây, chia đôi Châu Âu và Thế giới, lấy đi tự do của chúng ta, giam chúng ta trong tù đày và nỗi sợ hãi, hành hạ và làm nhục chúng ta - rốt cục, chúng ta đã dỡ bỏ nó!”
Tác giả của đoạn “bức màn sắt” này đã thể hiện được sự lạnh lùng, vô cảm và ngột ngạt của “bức màn sắt” đã ngắn cách Đông – Tây hơn nửa thế kỷ, khiến giới trẻ Hungary có dịp tới thăm phải bàng hoàng về một quá khứ mà họ dù có nghe nói tới, nhưng không nắm bắt được cụ thể. Tượng đài Bức màn sắt
Ngoài rìa Budapest, cách trung tâm thủ đô chừng 20 phút xe hơi, có một công viên rất nổi tiếng, thu hút sự chú ý của nhiều du khách ngoại quốc đến thăm nước Hung. Đó là Bảo tàng Công viên Tượng (Szoborpark Múzeum), một phần của đề án lớn mang tên Mementó Park, một bộ sưu tập độc nhất vô nhị trên thế giới gồm những bức tượng, những đài kỷ niệm tiêu biểu của thể độ cộng sản tại Hungary.
Đây là một công viên để ngỏ, không có hàng rào che chắn, được bổ sung liên tục và tạo cảm tưởng dang dở (đây cũng là ngụ ý của nhà thiết kế khi ông ám chỉ thử nghiệm của thể chế “cộng sản hiện thực” ở Hungary là dang dở và đi vào ngõ cụt).
Trong công viên, có thể chiêm ngưỡng 42 bức tượng, tượng đài cỡ lớn, từng được đặt tại các quảng trường ở Budapest thời kỳ 1945-1989. Trong số đó, đáng chú ý là tượng đài “Tình hữu nghị Hungary – Liên Xô” (khắc họa hình ảnh một quân nhân Liên Xô đứng hiên ngang giơ một tay, mặt vênh vác, còn người lính Hung thì nắm cả hai tay, có vẻ rất sùng kính), hoặc đài kỷ niệm mang tên “Giải phóng” (ngợi ca biến cố quân đội Xô-viết đưa quân vào Hungary trong Đệ nhị Thế chiến – ngày nay, động thái đó đã được các sách sử Hungary coi là một sự chiếm đóng).
Cổng vào của Công viên Memento Park
Cũng tại Công viên tượng, những bức tượng khổng lồ của các yếu nhân của phong trào công nhân thế giới (Marx và Engels) và Hungary, đặc biệt là các lãnh tụ Đệ tam Quốc tế Cộng sản như Lenin, Kun Béla, Dimitrov… đều được gìn giữ và sắp đặt một cách ấn tượng. (Pho tượng Stalin duy nhất ở Hungary đã bị phá hủy trong thời gian diễn ra cách mạng dân chủ 1956).
Một bức tượng nổi tiếng của Công viên là Tượng anh giải phóng quân Xô-viết, cao 6 mét, tay cầm lá cờ búa liềm, cổ đeo súng máy, có ánh mắt nhìn đe dọa. Bức tượng này từng được đặt trên đồi Gellért (trung tâm Budapest) và có thể nhìn thấy nó từ tất cả mọi điểm ở thủ đô.
Có thể nói, một thời, trong suốt hơn nửa thế kỷ của chế độ CNXH tại Hungary, những công trình kiến trúc này từng ngự trị tại các quảng trường Budapest, phục vụ hữu hiệu ý thức hệ cộng sản và đường lối văn hóa chỉ huy. Trong nhiều thế hệ, chúng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Hung và đọng lại như những di chứng khó phai mờ của quá khứ.
Tượng đài Marx – Engels theo trường phái lập thể
Nhà điêu khắc Előd Ákos, người đề xướng ý tưởng thành lập Công viên tượng, khẳng định: “Công viên này nhắc nhớ về sự độc tài, nhưng trong khoảng khắc mà có thể nói, có thể ghi lại, có thể xây dựng được sự độc tài, thì trong giờ phút ấy, công viên này lại nói về dân chủ. Chỉ có dân chủ mới có thể tạo điều kiện để chúng ta có thể tự do suy ngẫm về độc tài - hoặc về dân chủ, hay về bất cứ điều gì khác”.
Đến thăm Bảo tàng, du khách có cảm giác như đang đi ngược lại thời gian, về những năm tháng mà Đông Âu còn nằm sau "bức màn thép" của thời kỳ Chiến tranh lạnh; quá khứ ấy, mặc dầu đã trôi qua gần hai thập niên, nhưng dường như vẫn lẩn khuất, hiện hữu đâu đây, giữa và trong mỗi chúng ta.
Có thể cảm nhận một cách sâu sắc điều đó qua bài thơ “Một câu về độc tài” (Egy mondat a zsarnokságról) của thi sĩ Hungary Illyés Gyula khắc trên cửa vào của bảo tàng viện đặc biệt này, trên nền sắt hoen rỉ. Không chỉ là một bản án, cáo trạng mạnh mẽ giáng vào các thể chế độc tài, bài thơ bị cấm đoán hơn ba thập niên này (từ 1956 đến 1988) còn có tác động gìn giữ và củng cố tình yêu tự do và công lý trong lòng người dân Hung. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2006, trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ cuộc cách mạng 1956 của Hungary, Bảo tàng Công viên tượng đã được nhận tên mới và chính thức: Bảo tàng Một câu về độc tài.
Đài kỷ niệm Cộng hòa Xô-viết
Cũng có thế chứng kiến sự hiện hữu của những hồi quang quá khứ tại cửa hàng bán những vật lưu niệm từ thời cộng sản tại Công viên Tượng: băng đĩa, CD với những ca khúc ngợi ca lãnh tụ, ngợi ca đời sống mới, thúc giục cách mạng; những huân chương, huy chương, phù hiệu trao tặng các “anh hùng” trong “lao động, sản xuất và chiến đấu”; mô hình xe Trabant, được coi là đỉnh cao và niềm tự hào của nền công nghiệp XHCN Đông Đức; những áo phông có in hình và danh ngôn của các lãnh tụ cộng sản, hoặc những vật dụng thời “bao cấp” tại Hungary (Hungary cũng có những thập niên “bao cấp” với nền kinh tế kế hoạch tập trung như ở Việt Nam).


Đặc biệt được thích thú là những vỏ đồ hộp xưa được đóng lại với vỏ ngoài mang đậm dấu vết thời xưa, với hàng chữ “Hơi thở cuối cùng của CNCS”. Còn rất nhiều những điều thú vị như thế khi chúng ta đến thăm bảo tàng viện đặc biệt này. Không chỉ những hình ảnh, dấu ấn của thời cộng sản, mà sự hoài niệm, “vang bóng một thời” cũng rất rõ nét tại nhiều địa điểm giải trí ở Budapest.
Một trong số đó là Quán bia, tiệm cà phê mang tên Café Lánchíd Söröző tại trung tâm thủ đô Budapest, dưới chân Cầu Xích, cây cầu cổ nhất của Budapest đã có hơn 150 tuổi. Được coi là quán café và bia có không khí đô thị nhất của Budapest, Café Lánchíd Söröző có vài ngàn tấm ảnh đen trắng về những ngày xưa cũ treo trên tường, và rất nhiều những đồ vật nhắc nhớ quá khứ.


Đa số khách đến đây là người nước ngoài (đặc biệt là người Đức, Áo), họ thích thú vì có thể nhìn lại, hồi tưởng những con người, những địa danh từ Prague, Budapest đến New York, có dịp cầm trong tay những vỏ băng, đĩa từ hơn nửa thế kỷ, lắng nghe những bản nhạc hiếm, “độc” của các thập niên 50-60.

Tượng Lenin
Rất nhiều khách đến đây để cùng nhau xem lại một concert, một bộ phim hay một trận đấu bóng đá huyền thoại nào đó trong ký ức, bên cốc bia Hungary, trong bầu không khí thân tình của những ngày xưa. Theo đánh giá của người sành điệu, với giá cả phải coi là rất rẻ so với du khách ngoại quốc, thì đây quả là một lựa chọn “5 sao” khi họ muốn tìm về hoài niềm quá khứ khi đến thủ đô Budapest của Cộng hòa Hungary!


Lâm Thị Mỹ Dung. Đọc bài này mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau, với tôi đây là một cách lưu giữ quá khứ, dù quá khứ đó có tồi tệ đến đâu. Âu cũng là cách ứng xử đối với di sản văn hóa quá khứ mà ta nên tham khảo!

Nhớ hồi sang Budapest thăm bạn quá! Thích nhất là những cung điện cổ kính và những chiếc cầu bắc qua sông Đa Nuýp!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét