Xây dựng hình thức Bảo tàng Ảo - Bảo tàng Nhân học ở Trung tâm Truyền thông và Bảo tồn văn hoá, Trường ĐHKHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Khái niệm bảo tàng ảo hiện vẫn đang trong quá trình thiết tạo, với nhiều thuật ngữ khác nhau chỉ loại hình bảo tàng liên quan đến những nguồn thông tin số hóa. Ví dụ như khai niệm bảo tàng điện tử (electronic museum), bảo tàng kỹ thuật số (digital museum), bảo tàng trên mạng (online museum), bảo tàng siêu thông tin (hypermedia museum), siêu bảo tàng (meta-museum), bảo tàng mạng (web museum) và bảo tàng không gian điều khiển (Cyberspace museum), bảo tàng ghi trên đĩa VCD và DVD (VCD and DVD museum)... Tất cả những thuật ngữ này đều có chung một khái niệm về thông tin bảo tàng được số hóa bằng khả năng tiếp cận trên mạng những sưu tập.
Một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về bảo tàng ảo là của Geoffrey Lewis (Britannica Online, Article Section, 1996 dẫn theo Werner Schweibenz 1998)
“Một sưu tập của những hình ảnh, tệp thông tin âm thanh, văn bản và những dữ liệu khoa học lịch sử hay văn hóa khác được ghi lại bằng kỹ thuật số và được tiếp cận thông qua thông tin điện tử. Một bảo tàng ảo không lưu giữ những hiện vật thật và do đó nó không có những tính chất độc đáo và cố định của bảo tàng theo định nghĩa chính thức của thuật ngữ này".
Như vậy có thể hiểu một cách tương đối bảo tàng ảo dựa trên bảo tàng thật và giúp mở rộng, hiện đại hóa và thay đổi cách thức trưng bày, phổ biến thông tin các sưu tập hiện vật bảo tàng thật một cách cập nhật, nhanh chóng và đầy đủ hơn.
Bảo tàng ảo trong điều kiện hiện nay là giải pháp hữu hiệu giải quyết nghịch lý giữa trưng bày và bảo quản (hiện vật quý hiếm độc đáo, dễ hư hại), giữa số lượng/loại hình hiện vật với không gian trưng bày, giữa nhu cầu kỹ thuật/mỹ thuật trưng bày với không gian và kinh phí trưng bày, tương tác giữa sưu tập hiện vật với nhu cầu/ mục đích của khách tham quan... Như vậy Ảo và Thật cùng song hành và hỗ trợ lẫn nhau.
Bảo tàng trên thực tế là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp nguồn tư liệu cho nghiên cứu, đào tạo, giải trí...bằng cách lưu giữ và trưng bày hiện vật và tri thức, bắt hiện vật kể chuyện bằng phương thức đặc biệt. Tuy nhiên giữa bảo tàng và các phương tiện thông tin đại chúng có sự khác nhau rõ rệt. Đó là hiện vật của bảo tàng mang tính vật thể còn thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng có tính chất phi vật thể. Với giải pháp bảo tàng ảo sự khác biệt này không còn nữa và đã hình thành những cấu trúc mới trong giao tiếp, trao đổi và học tập giữa bảo tàng và thông tin đại chúng tạo ra một hoạt động liên lĩnh vực năng động giữa bảo tàng với thông tin đại chúng và với các lĩnh vực hoạt đông sống khác.
Trung tâm Truyền thông và Bảo tồn văn hoá sẽ được xây dựng dựa trên một trục được tạo bởi hai lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo chính là báo chí - truyền thông và bảo tàng ảo. Giữa truyền thông và bảo tàng ảo có những tương tác nhiều loại chặt chẽ và năng động. Theo nghiên cứu của nhà xã hội học Heiner Treinen có những nét chung giữa những người tham quan bảo tàng và những người sử dụng phương tiện thông tin đại chúng, ông gọi đó là hiện tượng của "sự lơ mơ tích cực" (active dozing)- một hoạt động vô đích và không có kế hoạch để đạt được lợi ích và duy trì sự kích thích/sự tiêu khiển thường xuyên. Trong bảo tàng "sự lơ mơ tích cực" được thể hiện dưới dạng "xem hàng văn hóa qua cửa kính "có nghĩa là những người tham quan bảo tàng coi bảo tàng như phương tiện thông tin đại chúng (Wenner Schweibenz 1998). Như vậy, đa phần khách tham quan bảo tàng không biết được toàn bộ ý nghĩa và giá trị của tham quan bảo tàng. Đó là lý do tại sao bảo tàng cần được thiết lập theo cách quyến rũ, thu hút hơn bằng cách cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hiện vật trưng bày và những phương tiện giải trí. Bằng cách sử dụng những phương tiện truyền thông kỹ thuật số để tạo dựng môi trường giáo dục dưới dạng trò chơi hay mang tính giải trí (edutainment), bảo tàng ảo sẽ tạo ra những cấu trúc mới trong giao tiếp và học tập kích thích sự tương tác năng động giữa bảo tàng và thông tin đại chúng và tất cả những điều này sẽ dẫn đến những kiểu riêng đặc biệt mà bảo tàng ảo và phương tiện thông tin đại chúng trong thể hiện và diễn giải thông tin.
Xây dựng bảo tàng ảo được tiến hành theo quy trình xây dựng bảo tàng thật, bao gồm các bước chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất và nội dung trưng bày theo quy định của Luật Di sản Văn hóa Việt Nam. Quan trọng nhất của xây dựng bảo tàng ảo chính là công việc số hóa bộ sưu tập và tổ chức trưng bày ảo.
Quy trình kỹ thuật gồm ba bước cơ bản: 1. Scan (quét) hiện vật bằng máy Scanner Laser; 2. Lập trình và xử lý hình ảnh bằng kỹ thuật 3D và 3. Xây dựng trưng bày ảo.
1. Bước 1. Quét hiện vật bằng máy Laser Scanner
Ví dụ quét hiện vật bằng máy Konica Minolta VIVID 910
(nguồn: Volkan Isler và NNK)
Bước 2. Xử lý bằng hệ thống CITRIS Digital Gallery Builder
The CITRIS Collaborative Gallery Builder là hệ thống được thiết kế cho phép các nhà nghiên cứu khoa học XHNV tương tác với hiện vật 3 chiều và nội dung số hóa liên quan
The CITRIS Collaborative Gallery Builder tạo ra những phòng trưng bày kỹ thuật số, tức là những cấu trúc không cạnh tranh với trưng bày và gallery thực. Những người xem có thể tự tìm thấy trong một không gian ảo tạo bởi những phòng khác nhau, với hiện vật 2 hay 3 D và và phương tiện trưnh bày trong không gian ảo. Mỗi người xem được giao diện bằng 1 avatar và với avatar đó họ có thể chuyển động trong không gian 3D
CITRIS Collaborative Gallery Builder dựng trên phần mềm HP Labs' Croquet software, cho phép hợp tác và tương tác nhóm trong không gian ảo.
Ưu thế của bảo tàng ảo
Ánh sáng: Có thể sử dụng ánh sáng theo mục đích của trưng bày (theo sưu tập, theo từng hiện vật) mà không sợ làm ảnh hưởng đến hiện vật hay bối cảnh trưng bày.
Quy mô: Có thể trưng bày những hiện vật có kích thước rất nhỏ và đặt trong một bối cảnh liên quan phù hợp, với thiết kế chiếu sáng phù hợp trưng bày ảo thu hút người xem tập trung sự chú ý vào từng chi tiết của hiện vật.
Tầm nhìn ngoại vi: Trong một bảo tàng ảo, một hiện vật có thể được trưng bày từ mọi góc độ.
Tính biến ảo của trưng bày: Tổ chức trưng bày năng động biến hóa theo chủ đề và tự người xem có thể tổ chức lại trưng bày theo ý của mình. Sự can thiệp của người xem đối với trưng bày ảo là vô hạn.
Tương tác hiện vật với bối cảnh trong trưng bày: Từ những năm 80 của thế kỷ 20, theo quan điểm của bảo tàng học hiện đại không phải hiện vật đóng vai trò trung tâm mà là hiện vật với bối cảnh (lịch sử, văn hóa, môi trường, kỹ thuật, xã hội, tôn giáo, kinh tế...)và thông tin liên quan. Trưng bày ảo cho phép tạo mối liên kết chặt chẽ và đa dạng hơn giữa hiện vật với hoàn cảnh lịch sử hay môi trường sinh thái, nhờ vậy hiện vật cung cấp nhiều loại thông tin hơn giúp người xem hình dung, trải nghiệm và tái tạo lại những giai đoạn lịch sử văn hóa theo điều kiện không gian và thời gian.
Bảo tàng ảo - một studio hay lab. nghiên cứu khoa học: Việc số hóa và sau đó là xây dựng cơ sở dữ liệu hiện vật số hóa cho phép các nhà nghiên cứu tiếp xúc không hạn chế với hiện vật theo cả hai chiều không gian và thời gian.
Bảo tàng ảo - Giải pháp mới hữu hiệu xây dựng bài giảng trên mạng: Cụ thể là xây dựng loại bảo tàng ảo đào tạo sử dụng chương trình Power Point (Virtual Educational Museums using Powerpoint) các môn lịch sử, văn hóa, nhân học...
Bảo tàng ảo - kênh thông tin đại chúng: Bảo tàng trên thực tế là một trong những phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp nguồn tư liệu cho nghiên cứu, đào tạo, giải trí...bằng cách lưu giữ và trưng bày hiện vật và tri thức, bắt hiện vật kể chuyện bằng phương thức đặc biệt. Tuy nhiên giữa bảo tàng và các phương tiện thông tin đại chúng có sự khác nhau rõ rệt. Đó là hiện vật của bảo tàng mang tính vật thể còn thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng có tính chất phi vật thể. Với giải pháp bảo tàng ảo sự khác biệt này không còn nữa và đã hình thành những cấu trúc mới trong giao tiếp, trao đổi và học tập giữa bảo tàng và thông tin đại chúng tạo ra một hoạt động liên lĩnh vực năng động giữa bảo tàng với thông tin đại chúng và với các lĩnh vực hoạt đông sống khác.
Bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH và NV) được thành lập từ tháng 3 năm 2004 dựa trên cơ sở bộ sưu tập hiện vật khảo cổ của bộ môn Khảo cổ học khoa Lịch sử. Bảo tàng Nhân học là cơ sở đào tạo, phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Chức năng chính của Bảo tàng Nhân học là sưu tầm, phân loại và lưu giữ những hiện vật vật thể và phi vật thể của lịch sử, văn hóa truyền thống và hiện đại Việt Nam phục vụ cho công tác nghiên cứu, đào tạo, công bố và trưng bày.
Với những mục tiêu như a) Thu thập, sưu tầm từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương thức, phân loại và gìn giữ hiện vật khảo cổ, văn hóa, dân tộc...b) Sử dụng những hiện vật này để nghiên cứu và đào tạo;c) Tổ chức trưng bày những hiện vật thu thập, sưu tầm; d) Nghiên cứu, công bố hiện vật và xây dựng cơ sở dữ liệu và d) Tiến hành những nghiên cứu liên quan đến các bộ sưu tập, bảo tàng Nhân học (Trường ĐH KHXH và NV) thực tế là cơ sở nghiên cứu đa ngành.
Trong những năm hoạt động vừa qua bảo tàng đã tham gia vào nhiều hoạt động liên quan đến nghiên cứu và đào tạo và cung cấp thông tin nhiều loại cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh thuộc một số chuyên ngành lịch sử, văn hóa, nhân học...
Tuy nhiên, bảo tàng Nhân học hiện còn một số hạn chế về không gian trưng bày dẫn đến hạn chế về tổ chức trưng bày và cách thức trưng bày, bởi vậy không phát huy được một cách tối đa hiệu quả của sưu tập hiện vật trong nghiên cứu và đào tạo.
Hiện vật chưa được giảng viên, sinh viên và người nghiên cứu cũng như công chúng tiếp cận rộng rãi và do vậy chưa phát huy được giá trị vốn có của từng hiện vật riêng biệt hay hiện vật tổ chức theo từng sưu tập.
Bảo tàng ảo với những ưu thế đã kể ở phần trên sẽ giúp khai thác tối đa giá trị của sưu tập hiện vật, liên kết các ngành đào tạo trong Trường và ĐHQG Hà Nội. Việc số hóa hiện vật và tổ chức trưng bày ảo còn giúp tích hợp những giá trị của BTNH vào hệ thống BT Việt Nam và thúc đẩy mạng lưới liên kết giữa các BT với Đại học, Viện Nghiên cứu...
Trên thế giới xu thế xây dựng bảo tàng ảo(dưới các hình thức khác nhau) ngày càng phát triển. Tìm kiếm trên Google kết quả "Virtual Museum" cho thấy 141.000 kết quả và danh sách bảo tàng ảo dài ra nhanh chóng. Tuy nhiên đại đa số những bảo tàng ảo mới chỉ là dạng trưng bày sưu tập hiện vật số hóa online và là một phần của trang Web của bảo tàng thực. Một số ít là bảo tàng ảo độc lập và một số ít hơn nữa là bảo tàng virual phát triển.
Ở Việt Nam việc xây dựng bảo tàng ảo của nhiều bảo tàng lớn, cấp quốc gia mới chỉ nằm trong ý tưởng. Hiện nay chỉ mới có Bảo tàng Dân tộc học đã phát hành đĩa DVD những bộ sưu tập hiện vật đã được số hóa của bảo tàng có kết hợp trưng bày ảo.
Lâm Thị Mỹ Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét