Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

VẤN ĐỀ TÊN GỌI BIỂN ĐÔNG

VẤN ĐỀ TÊN GỌI BIỂN ĐÔNG TRONG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
Đinh Kim Phúc *


1. Tên gọi Biển Đông (Đông Hải – East Sea – 东海)
Từ xa xưa, đồng bào Việt Nam chúng ta đã có câu:
Đồng vợ đồng chồng, tát bể (biển) Đông cũng cạn
hay là:
Dã tràng xe cát biển Đông
Chứ không một ai nói rằng:
Đồng vợ đồng chồng, tát bể (biển) Nam Trung Hoa cũng cạn
hoặc
Dã tràng xe cát biển Nam Trung Hoa
Trước năm 1945, chúng tôi không tìm thấy tên gọi biển Đông trong các văn bản và văn kiện của Việt Nam, nhưng trong các văn kiện của nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay đều đã thống nhất sử dụng tên gọi biển Đông để chỉ vùng biển phía Đông của Việt Nam.
Bên cạnh tên gọi biển Đông đã được thống nhất sử dụng trong nước, tên gọi này cũng đã được nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài sử dụng trong phần Việt ngữ như:
- Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of American)
- Hãng truyền thông BBC (British Broadcasting Corporation)
- Đài RFI ( Radiofranceinternationale)
- …
2. Tên gọi Biển Nam Hải (南海)
Bộ Đại Việt Sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) đã chép:
“[3a] Con lạc Long Quân (không rõ tên húy), đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc).
Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam) …
“[2a] Lạc Long Quân. Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra 100 con trai (tục truyền sinh trăm trứng) là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó” bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền nam (có bản chép là về Nam hải) phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua”(1).
Nhưng trong bản dịch tiếng Việt của Viện Sử học, Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia, tập II, Nhà Xuất bản Giáo dục, năm 1998, ở trang 74 khi trình bày về địa giới nước ta thời kỳ Văn lang, sách đã viết: “Địa giới nước Văn Lang bấy giờ phía Đông giáp biển Nam, phía Tây giáp Ba Thục, phía Bắc giáp Động Đình Hồ, phía Nam giáp Hồ Tôn.
Lời cẩn án – Địa giới nước ta từ Trần (1225-1399), Lê (1428-1527) về trước, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Vân Nam, phía Nam giáp Chiêm Thành, phía Bắc giáp Quảng Tây, phía Đông Bắc giáp Quảng Đông, phía Tây Nam giáp Lão Qua. So sánh với các sách dư địa quận quốc thiên hạ chép nước An Nam phía Đông giáp biển, phía Tây giáp tỉnh Vân Nam và nước Lão Qua, phía Nam giáp nước Chiêm Thành, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây thì đại lược cũng giống nhau”.
Trong đoạn văn này, chúng ta thấy rằng Khâm định Việt sử thông giám Cương mục ở đoạn đầu cũng không nhắc gì đến các địa danh khác để chỉ biển Đông ngày nay.
Trong quyển Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, khi trình bày vị trí địa lý của Việt Nam, tác giả đã viết: “Đông và Nam giáp bể Trung Quốc (tức là bể Nam Hải); Tây giáp Ai Lao và Cao Miên; Bắc giáp nước Tàu, liền với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam”(2)
Bộ Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trong phần trình bày của mình về tục thờ cúng cá voi, Trịnh Hoài Đức đã viết: “trong điện thờ phụng, [19a] làm Nam Hải tướng quân, vì là ở biển Nam Hải thì mới linh ứng, còn ở biển khác thì không”(3)
3 Tên gọi Biển Nam Trung Hoa [South China Sea - 南中国海]
Trong tất cả các văn bản, văn kiện bằng tiếng Anh hiện nay như trang web của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đài CNN, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Nhi đồng LHQ (UNESCO), Tổ chức Thủy văn học quốc tế (IHO), Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức quốc tế như: Liên Hợp Quốc (UN), Cao ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR), Quỹ Phát triển LHQ (UNDP), các nhà xuất bản quốc tế như Rand McNally, Lonely Planet, Les Echos, Suddeutsche Zeitung, Britannica, tạp chí Địa lý quốc gia (Hoa Kỳ), … đều sử dụng tên gọi South China Sea để chỉ khu vực biển Đông.
Nhưng quan trọng hơn hết, trong các văn kiện của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đều sử dụng tên gọi South China Sea để chỉ khu vực biển Đông và thậm chí trong truyên bố chung ASEAN về biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea – tại Phnom Penh, Cambodia ngày 04-11-2002) tên gọi South China Sea trong văn bản tiếng Anh dùng để chỉ biển Đông cũng đã được Việt Nam thừa nhận.
Qua khảo sát các văn bản, và các văn kiện từ trước cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, chúng tôi thấy tên gọi South China Sea chưa bao giờ được sử dụng đến, thậm chí cho đến năm 1956, tên gọi China Sea vẫn còn được sử dụng như trong trường hợp Philippines lên tiếng đòi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa:
“Trong hai năm 1949 và 1950, Tomas Cloma, chủ một đội ngư thuyền và thương thuyền và giám đốc một trường hàng hải đã khám phá thấy một nhóm đảo lớn nhỏ ở cách đảo Palawan của Philippines khoảng 400 dặm về phía Tây. Ông hy vọng lập một nhà máy nước đá và một nhà máy đóng đồ hộp ở trên một hòn đảo lớn nhất ở đây, cũng như là khai thác phân chim trong những hòn đảo kế cận.
Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956 Cloma mới lại tiếp tục khám phá những hòn đảo này trong một chuyến du hành 38 ngày. Ngày 15.3.1956, chiếc tàu PMI IV – vẫn được dùng để huấn luyện các sinh viên trường hàng hải của Cloma – do thuyền trưởng Filemon Cloma, em trai Tomas Cloma, điều khiển đã lên đường ra các hòn đảo này chiếm đóng. 40 thủy thủ trên tàu, tất cả đều có quốc tịch Philippines, đã dựng quốc kỳ Philippines trên một hòn đảo và chính thức tuyên bố chiếm hữu đảo này theo tục lệ quốc tế. Tại mỗi hòn đảo họ tới chiếm đóng, họ đều niêm yết cáo thị chiếm hữu. Họ đặt tên những hòn đảo ở đây, tất cả có 53 đảo và cù lao với diện tích tổng cộng 64.976 dặm vuông, là “Freedomland“ hay Ðất Tự do.
Ngày 15.5.1956 Cloma chính thức thông báo cho Phó Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Philippines Carlos P. Garcia hay là một số công dân Philippines đã quan sát, trắc lượng và chiếm hữu “một lãnh thổ ở Nam Hải, bên ngoài hải phận Philippines và không thuộc thẩm quyền quản hạt của nước nào”. Cloma cũng nói thêm là lãnh thổ này đã được Cloma và các đồng sự tuyên bố chiếm hữu.
Mặt khác, Cloma đã gửi “cáo thị” về việc chiếm hữu này tới báo chí trong và ngoài nước, yêu cầu đăng tải theo thủ tục luật quốc tế. Cáo thị nhấn mạnh là sự tuyên bố này căn cứ vào quyền khám phá và hay chiếm hữu công khai”.(4)
Tên gọi South China Sea mà chúng tôi thấy được là lần đầu tiên nó được sử dụng trong báo cáo của Hải quân Hoa kỳ trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương vào năm 1945, còn trong bản đồ tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ, tên gọi này đã được sử dụng từ năm 1941.
4. Tên gọi Biển Đông và Biển Nam Trung Hoa trên các bản đồ thế giới và khu vực Đông Nam Á.
4.1. Tên gọi Biển Đông:
Tên gọi biển Đông chỉ được sử dụng duy nhất trong các bản đồ bằng tiếng Việt do các nhà xuất bản của nước CHXHCNVN xuất bản, nhưng rất hiếm (hầu như không có) tên gọi East Sea xuất hiện trong các bản đồ bằng tiếng Anh của Việt Nam. Chúng tôi chỉ tìm được một bản đồ duy nhất (bằng tiếng Anh) trong trang Web của Đài truyền hình TP.HCM được ghi chú tên gọi East Sea để chỉ biển Đông.
Còn trong các bản đồ Việt Nam bằng tiếng Anh, do các nhà xuất bản trong nước thì không thấy chú thích địa danh biển Đông (East Sea) trong khi biển Philippines thì lại có ghi.
4.2 Tên gọi Biển Nam Trung Hoa
Trong các bản đồ quốc tế hiện nay (chỉ khu vực Đông Nam Á, thế giới) tên gọi South China Sea là được sử dụng phổ biến nhất.
5. Sự cần thiết phải đổi tên gọi biển Đông
Chúng ta thấy rằng, về tên gọi chỉ khu vực Biển Đông ở Đông Nam Á giữa các nước lại không thống nhất.Việt Nam gọi là Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải và tên gọi quốc tế lại là Biển Nam Trung Hoa (South China sea). Những cách gọi này dễ gây ra ngộ nhận về vấn đề chủ quyền quốc gia ở biển Đông.
Chính vì vậy để góp phần tìm hiểu những vấn đề trên biển Đông cũng như những vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam .Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu bằng việc khảo sát tên gọi khu vực biển này trên các tài liệu mà chúng tôi có được.
Qua khảo sát nhiều bản đồ liên quan đến Trung Quốc, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, chúng tôi thấy rằng, bản đồ sớm nhất có chú thích vùng biển Đông của khu vực Đông Nam Á là bản đồ miêu tả khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc vào đời nhà Đường (618-907) của Đại học California được ghi là biển Giao Chỉ (Chiao-chih Ocean).
Bằng việc khảo sát các bản đồ nói trên, chúng tôi thấy rằng bản đồ liên quan đến Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam sớm nhất là bản đồ được xuất bản từ năm 1575 cho đến bản đồ được xuất bản trước năm 1814, khu vực biển Đông không được một tác giả nào ghi chú cả.
Tên gọi Biển Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa trong các bản đồ thời kỳ chiến tranh Thái Bình Dương đã được sử dụng không nhất quán trong Bộ Tư lệnh quân đội Đồng minh ở Đông Nam Á.
Trong tất cả các bản đồ của Trung Quốc công bố, chúng tôi thấy rằng Trung Quốc đã thống nhất sử dụng tên gọi Nam Hải để ghi chú khu vực biển Đông.
Như vậy, cho đến nay chúng ta thấy rằng để gọi tên khu vực biển Đông ở Đông Nam Á có nhiều cách gọi khác nhau:
- Việt Nam gọi là biển Đông.
- Trung Quốc gọi là Nam Hải.
- Các tổ chức quốc tế gọi là South China Sea.
Như chúng ta đã biết bờ biển của Việt Nam dài khoảng 3.260km từ biên giới Việt-Trung cho tới vịnh Thái Lan. Phía Đông Việt Nam là biển nên đã có danh xưng thông thường là biển Đông, lưu hành rộng rãi trong dân gian; một chứng cớ trong nhiều chứng cớ khác là đã được chuyển ngữ ra tiếng Pháp là L’Océan Oriental trong cuốn du ký của tác giả người Pháp năm 1736.(5)
Tên nôm na biển Đông chứa đầy tình tự dân tộc đã được luôn luôn nhắc nhở tới nhất là qua ca dao, phong dao và tục ngữ nước nhà .
Xem đó, danh xưng biển Đông đã ăn sâu vào bên trong ý thức của dân tộc Việt Nam và được người dân Việt Nam quen dùng để chỉ phần lãnh hải Việt Nam dọc theo duyên hải ở phía Đông Việt Nam. Tuy nhiên có một điều khiến một số người thắc mắc là biển ở phía Đông Việt Nam đó cũng đã được Trung Quốc đặt cho danh xưng là Nam Hải mà Âu-Mỹ đặt cho những danh xưng Mer de Chine Méridionale hay South China Sea. Để giải mã các nghi vấn này, chúng ta thử tra một số từ điển có uy tín của Trung Quốc cũng như của các nước khác xem họ ghi chép gì về vùng biển này.
Theo từ điển Từ Hải, “Nam Hải là tên biển, ở về phía Nam Phúc Kiến và Quảng Đông, phía Tây hải hiệp Đài Loan, phía Đông Việt Nam thuộc Pháp. Về phía Nam biển đó có bán đảo Malaysia, Bà-La-Châu (tức đảo Bornéo) thuộc địa Anh, Phi Liệt Tân thuộc địa Mỹ, cho nên hải quyền (tức chủ quyền trên mặt biển) là chung cho cả các nước Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật”.(6)
Từ điển Từ Nguyên định nghĩa Nam Hải đại khái như từ điển Từ Hải và đặt vị trí Nam Hải ở phía Nam Phúc Kiến, nhưng có thêm một chi tiết là phân giới giữa hải hiệp Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) và Vịnh Bắc Bộ (Du Quỳnh Châu hải hiệp nhi Tây vi Đông Kinh loan chí Khâm huyện chi Minh Giang Khẩu dữ An Nam phân giới .(7)
Cũng trong Từ Nguyên, nhưng là Từ Nguyên Cải Biên Bản in năm 1951 và tái bản năm 1984, Nam Hải đã được định nghĩa với mấy chi tiết mới như sau: Nam Hải: tên biển, xưa lại có tên là Trướng Hải; người nước ngoài gọi là Nam Trung Quốc Hải, vị trí ở phía Nam Phúc Kiến và Quảng Đông, phía Tây Đài Loan và Phi Luật Tân, phía đông bán đảo Trung Nam [tức Việt Nam] và bán đảo Malaysia, phía Bắc Ba-La-Châu (Bornéo) và đảo Tô-Môn-Đáp-Lạp [Sumatra]. Có điều là thời xưa, biển nước ta [tức Trung Quốc] mệnh danh là Nam Hải, có thời đã bao quát cả Ấn Độ Dương nữa; vậy chẳng nên giới hạn diện tích Nam Hải ở phạm vi như chép ở trên .(8)
Trong định nghĩa vừa trích dẫn, có mấy điều đáng chú ý như sau :
- Nam Hải xưa lại có tên là Trướng Hải. Danh xưng Trướng Hải dùng để chỉ biển ở cách huyện Hải Phong 50 dặm về phía Nam, mà huyện Hải Phong thuộc tỉnh Quảng Đông. Vậy vị trí của Nam Hải là ở về phía Nam hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông như cũng đã thấy ghi như vậy ở các tài liệu trên.
- Có một điểm mới mẻ so với các bộ từ điển Từ Hải và Từ Nguyên Hợp Đính Bản là từ điển Từ Nguyên Cải Biên Bản đã ghi sự kiện người nước ngoài gọi Nam Hải là Nam Trung Quốc Hải.
- Không rõ căn cứ vào sử liệu nào, Từ Nguyên Cải Biên Bản đã ghi thêm có thời Nam Hải đã bao quát cả Ấn Độ Dương.
Vì vậy, nhận xét chung về ba tài liệu trích dẫn bên trên, ta có thể ghi nhận mấy sự kiện sau: Cả ba tài liệu đều đặt vị trí Nam Hải ở phía Nam hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Tài liệu thứ nhất từ điển Từ Hải (in năm 1948) ám chỉ Nam Hải trải dài đến tận bán đảo Malaysia và chủ trương Trung Quốc cũng có quyền ở Nam Hải như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật.
- Tài liệu thứ hai, Từ Nguyên (in năm 1949) chỉ ghi phân giới giữa hải hiệp Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) và Vịnh Bắc bộ của Việt Nam lúc đó thuộc Pháp.
- Tài liệu cuối, tức Từ Nguyên Cải Biên Bản (in năm 1951 và 1984) đã lợi dụng danh xưng Mer de Chine (Méridionale) của Pháp và danh xưng South China Sea của Anh, Mỹ để ám chỉ Nam Hải có một diện tích kéo dài về phương Nam xa đến tận Ấn Độ Dương, có thời quá cả Ấn Độ Dương! Khi Từ Nguyên Cải Biên Bản ghi ngoại nhân xưng Nam Trung Quốc Hải (người nước ngoài gọi Nam Trung Quốc Hải hay Biển Nam Trung Hoa), chắc chắn là các tác giả đã lợi dụng các danh xưng Pháp Mer de Chine (Méridionale) và danh xưng Mỹ, Anh South China Sea. Cả ba danh xưng này có một điểm chung là thiếu minh xác khiến có thể hiểu là biển của Trung Quốc ở về phía Nam.
Sự thật là cả ba danh xưng đó chỉ có thể nghĩa là biển của Hoa Nam, của Nam phần Trung Quốc, như cuốn Tối tân thực dụng Hán Anh Từ điển đã ghi bằng Anh ngữ là the Southern Sea stretching from the Taiwan Straits to Kwangtung. Nói cho thật đúng, Nam Hải ở chữ Hán xưa, cũng có nghĩa là những nơi xa ở phương Nam, nhưng nghĩa này không hề có liên hệ gì với danh xưng Nam Hải (nghĩa số 2 ở trên) của biển Trung Hoa mang tên đó.
Một bằng chứng có giá trị khác nữa là định nghĩa sau đây của danh xưng Nam Hải trong cuốn Tối tân thực dụng Hán Anh Từ điển, do các học giả Trung Hoa biên soạn, ấn hành ở Hong Kong năm 1971, như sau: “Nam Hải: (1) name of a county in Kwangtung Province. (2) the Southern Sea, stretching from the Taiwan Straits to Kwangtung. (3) in old China, a term of faraway places in the South”.(9)
Ngoài cuốn từ điển của Liang Shi Chiu còn bộ từ điển vĩ đại Hán Hòa của T. Morohashi nhan đề Dai Kan Wa Jiten (Đại Hán Hòa Từ Điển ) Showa (niên hiệu Chiêu Hòa) năm 32 tức năm 1957, gồm 12 cuốn và một cuốn sách dẫn; cũng thấy ghi ở cuốn II, trang 566, cột 2: Nam Hải là Minami Shina Kai (hay: Nam Chi Na Hải, the South China Sea) và cuốn Longman Dictionary of English Language and Culture (London 1992, tr. 209, cột 2) thấy ghi chép như sau: Nam Hải: Minami Shina Kai (Nam Chi Na Hải – The South China Sea. China Sea: a part of the Pacific Ocean, off the Coast of China.
Báo chí Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đưa ra các “bằng chứng” về chủ quyền của họ trên biển Đông như: Thời Tần (từ năm 221 trước công nguyên đến năm 207 trước công nguyên), đã thành lập Quận Nam Hải quản lý nhiều đảo tại biển Hoa Nam trong đó bao gồm cả quần đảo Tây Sa; thời Hán (từ năm 206 trước công nguyên đến năm 220 sau công nguyên), từng cử các chuyên gia biển tới tuần tra khu vực Tây Sa; Thời Lưu Tống (từ năm 420 – 479 sau công nguyên) đã đưa quần đảo Tây Sa vào phạm vi tuần biển của Thủy quân Quảng Nam; Thời Nguyên (1271 – 1368), Quách Thủ Kính từng tiến ra biển Hoa Nam đo đạc và trong bản đồ “Quảng Hưng” vẽ ra sau đó đã đánh dấu quần đảo Tây Sa và gọi là khu vực “Thiên Lý Trường Sa”; Thời Minh (1368 – 1644), khi Trịnh Hòa đến Đại Tây Dương đều nghỉ ngơi tại Tây Sa…
Như chúng ta đã biết, nhiều lần các tác giả Trung Hoa đã khẳng định rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo tranh chấp từ đời nhà Hán. Tuy nhiên, có tác giả Trung Hoa lại xác định là những tài liệu sớm nhất ghi chép sinh hoạt của người Trung Hoa trên những đảo này, thuộc đời nhà Tống (Thế kỷ XIII).
Trung Quốc đã viện dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang biển Đông mà thôi. Ngoài ra, các đoạn được viện dẫn trước thế kỷ XIII cũng không nói đến đảo nào, mà chỉ nói đến biển Nam Hải. Những đoạn sách viết từ thế kỷ XIII mới bắt đầu nêu tên đảo, nhưng không có đoạn nào nói tới Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này.
Phía Trung Quốc cũng đã đưa ra những tài liệu để chứng minh rằng mình đã khám phá và hành xử chủ quyền trước tiên. Tuy nhiên, những tài liệu này chỉ cho thấy những thuyền bè của Trung Quốc thời đó đã lui tới biển Đông, và trong lộ trình, họ tình cờ thấy những đảo mang nhiều tên khác nhau, nhưng không có đảo nào tên là Xisha hay Nansha. Nếu đặt giả thuyết là Trung Quốc đã khám phá ra những đảo này, thì Trung Quốc đã không hành xử chủ quyền trên đó. Sự hiện diện của những người đánh cá không đủ để gọi rằng đó là hành xử chủ quyền của nhà nước. Do đó, những luận cứ và luận chứng chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc khẳng định mình có là rất yếu. Phần lớn các tác giả luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận điều này.
Theo ý kiến chúng tôi, giới hạn Nam Hải của Trung Quốc xưa, chỉ đến ngang đảo Hải Nam là cùng như chính danh xưng đảo Hải Nam chỉ rõ như vậy.
Mặt khác, nghiên cứu các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX chúng tôi thấy rằng cương vực của Trung Quốc được thể hiện cũng chỉ tới đảo Hải Nam mà thôi.
Thứ hai, biển Đông hay Đông Hải là một bán nội hải (semi enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt Nam. Biển Đông được nhân dân Việt Nam gọi theo thói quen như một danh từ riêng.
Cũng có người cho rằng gọi là Nam Hải với ý nghĩ “biển của người (Việt) Nam”. Còn tên gọi biển Nam Trung Hoa gợi ý cho những nhà hàng hải hiểu rằng vị trí nước Trung Quốc nằm ở phiá Bắc của “biển Đông” này.
Các nhà hàng hải phương Tây muốn cho tiện nên gọi nó là biển Nam Hoa (South China Sea-người nước ngoài gọi là Nam Trung Quốc Hải).
Theo quy định của Ủy ban quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn nhất gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi theo cách thứ nhất.(10)
Tuy nhiên, những biển có tên lục địa nguyên không có nghĩa thuộc quyền sở hữu của quốc gia nó mang tên, như một số người ngộ nhận, mà mọi chủ quyền về biển Đông đều tuân theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, song trên các bản đồ quốc tế đều phải ghi đúng như tên gọi quy định.
Về vấn đề theo quy định của Ủy ban quốc tế về biển, chúng ta thấy có mấy nội dung cần phải trao đổi :
Một là: biển rìa ở khu vực Đông Nam Á là biển Đông chưa bao giờ được người Trung Quốc phát hiện ra .
Mà ngược lại, nước Việt Nam chúng ta là một quốc gia ven bờ biển Đông, nên ngay từ xa xưa ông cha ta đã biết sử dụng biển để phục vụ cho cuộc sống sinh cơ lập nghiệp và bảo vệ tổ quốc, đồng thời giao lưu kinh tế văn hóa với nước ngoài. Nghề biển là một nghề truyền thống của dân tộc ta đã đi vào truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tục xâm mình mỗi khi xuống biển và thủy chiến là sở trường của Việt Nam từ xưa đến nay.
Biển Đông cũng đã đi vào ca dao tục ngữ và còn truyền miệng cho đến ngày nay. Trên trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của nền văn hóa biển vẫn còn đó. Trống đồng Đông Sơn cũng đã có mặt ở hầu hết các nước trong khu vực.
Nói như Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo “Tát cạn nước biển Đông cũng không rửa sạch tanh hôi” và trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi soạn năm 1435, vua Lê Thái Tông đã chép: “Hải, Đông Hải dã” có nghĩa là “Biển tức biển Đông vậy”.
Hai là: biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn nhất, gần nhất.
Với nội dung này, trong tình hình hiện nay dễ gây ra ngộ nhận vì tên quốc tế của biển Đông là South China Sea làm cho mọi người lầm tưởng khu vực biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc vì vào năm 1983 Trung Quốc cho vẽ lại bản đồ lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mở rộng khu vực, bao gồm bờ biển Philippines, Tây giáp bờ biển Malaysia mà họ gọi đó là “miền Đông hải” của Trung Quốc. Chúng ta phải làm cho dư luận quốc tế thấy rõ biển Nam Trung Hoa theo quy định quốc tế là không đồng nghĩa với cái gọi là “miền Đông Hải” của Trung Quốc.
Ba là: quy định của Ủy ban quốc tế về biển của Liên Hiệp Quốc như trên không có nghĩa là các biển rìa không thể không có tên khác.
Đối với biển Đông, có tên là biển Trung Hoa hoặc biển Nam Trung Hoa là do hiểu biết chưa đầy đủ về lịch sử vùng biển này của các nhà hàng hải phương Tây lúc họ đi qua và gọi tên, dẫn đến sau này người ta quen sử dụng chứ không hề có ý nghĩa là vùng biển của Trung Quốc.
Đối với một số biển rìa khác, người ta cũng không nhất định phải đặt theo địa danh lục địa lớn nhất, gần nhất như trường hợp biển Nhật Bản theo cách gọi của người Nhật hay biển Đông hoặc biển Korea theo cách gọi của Hàn Quốc mà quốc tế đã bước đầu công nhận.
Ở đây chúng ta phải nhắc lại trường hợp của Philippines, bờ biển phía Tây của quần đảo này không lấy tên là South China Sea mà được Philippines đặt tên là biển Luzón (Luzón Sea) vì Philippines phản đối việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Quan điểm và lập trường của Philippines trong trường hợp này cho đến nay đã được quốc tế thừa nhận.
Bốn là: đấu tranh để đổi lại tên gọi “biển Nam Trung Hoa” là một vấn đề cần thiết vì tương lai đấu tranh cho chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứ không chỉ là đổi tên cho phù hợp với vị trí địa lý hay cách gọi của người Việt Nam.
Một thực tế mà chúng ta thấy rõ là nếu chúng ta quan niệm theo quy định quốc tế về tên gọi biển mà chúng ta yên tâm rằng tên gọi “biển Nam Trung Hoa” không hề ảnh hưởng đến chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như hiện nay thì thật là tai hại và mơ hồ về âm mưu và thủ đoạn lâu dài của Trung Quốc về cái gọi là “miền Đông Hải”.
Tại sao trong nước ta gọi là biển Đông, còn các văn bản quốc tế và bản đồ tiếng nước ngoài thì gọi là biển Nam Trung Hoa. Chúng ta có thể giải thích rằng đó là tên quốc tế đã quen gọi và đã được thống nhất cách gọi trên các bản đồ quốc tế, chúng ta không thể sửa được. Vậy thì tại sao người Hàn Quốc họ làm được?
Do đó vấn đề đặt ra là một mặt chúng ta phải vận động để cộng đồng quốc tế hiểu rằng biển Nam Trung Hoa là tên gọi chứ không phải là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, trong những điều kiện có thể làm được chúng ta nên tiến hành đấu tranh về mặt luật pháp quốc tế ngay từ bây giờ để có thể đổi tên biển Nam Trung Hoa thành một tên gọi khác hợp lý hơn trong các quan hệ quốc tế.
Từ việc khảo sát và nghiên cứu vấn đề sử dụng thuật ngữ biển Đông và biển Nam Trung Hoa, chúng tôi thấy rằng căn cứ vào các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa và quan hệ quốc tế của Việt Nam và của các nước Đông Nam Á hiện nay, tên gọi biển Đông (tên gọi của Việt Nam) và tên gọi biển Nam Trung Hoa (South China Sea – tên gọi quốc tế) có thể được thay đổi theo ba phương án sau đây:
1. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Việt nam (Vietnam Sea) trên các văn bản, văn kiện và bản đồ quốc tế hiện nay bởi lý do sau đây: căn cứ vào Luật Biển quốc tế năm 1892, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam chiếm gần 1.000.000km2/ 3.500.000km2 của biển Đông.
2. Thay đổi tên gọi quốc tế của biển Đông hiện nay là South China Sea thành tên gọi chính thức biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea)
3. Thống nhất tên gọi quốc tế của biển Đông là biển Đông (East Sea).
Phương án thứ nhất giống như trường hợp hiện nay của Hàn quốc đang đấu tranh kêu gọi các tổ chức quốc tế thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” thành “biển Đông” hoặc “biển Korea” thuộc chủ quyền của Hàn quốc. Sau hơn năm năm đấu tranh, hiện nay Hàn quốc đã thu được những kết quả đáng kể, ví dụ như: website của Tổng thống Pháp Jacque Chirac đã thay thuật ngữ “biển Nhật Bản” (mer du Japon) thành thuật ngữ “biển Đông” (mer d’Orient). Nhà xuất bản sách giáo khoa BJU Press nổi tiếng và Tạp chí Địa lý quốc gia của Hoa Kỳ cũng đã thống nhất gọi biển Nhật Bản thành biển Đông hoặc Korea Sea.
Phương án thứ ba nếu gọi là biển Đông (East Sea) thì sẽ ngộ nhận với tên gọi “biển Đông Trung Hoa” thuộc Trung Quốc hoặc biển Đông của Hàn Quốc.
Phương án thứ hai là phù hợp đối với nguyện vọng và quyền lợi của tất cả các nước Đông Nam Á khi mà tất cả các nước Đông Nam Á đã trở thành thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và để tiếp tục đấu tranh với Trung Quốc trong cái gọi là “miền Đông Hải” của Trung Quốc.
Trong ba phương án trên, chúng tôi thấy rằng phương án thứ hai là khả thi và có khả năng thuyết phục các nước ASEAN thống nhất với phương án này.
CHÚ THÍCH:
(1) Đại Việt Sử ký Toàn thư, Viện KHXHVN, NXB KHXH-HN, 1998.
(2) Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, NXB Văn hoá Thông tin, 2002.
(3) Gia Định thành thông chí, NXB GD, 1998.
(4) “Freedomland: Gov’s States Position on Imbroglio over Isles”, Bán nguyệt san New Philippines, Manila, số tháng 2-1974.
(5) Le Royaume du Tonkin – Ce Royaume est situé entre La Chine, l’Océan Oriental, la Cochinchine et le Pegu. Langlet Du Freynoy (l’Abbé Nicolas, 1674-1755). Méthode pour étudier la Géographie; tr. 115, T. IV, 1736.
(6) Từ Hải Hợp Đính Bản, bản in lại năm 37 Trung Hoa Dân Quốc tức năm 1948, Tập Tý, trang 218.
(7) Từ Nguyên, bản in năm 38 Trung Hoa Dân Quốc, tức năm 1949, Tý Tập, trang 234
(8) Từ Nguyên Cải Biên Bản, Hong Kong, 1984, Tập Tý, trang 94.
(9) A New Practical Chinese English Dictionary – Editor in Chief: Liang Shi Chiu; Editors: Chu Liang Chen, David Shao, Jeffreg C. Tung, Chung Lu Shen – The Far East Book Co LDT, Hong Kong, 1971, tr. 121, cột 2.
(10) Xem website Đảng Cộng sản Việt Nam, phần Biển đảo Việt Nam.

http://anhbasam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét