Cuốn sách “Nhập môn tư duy phức hợp” không phải là sách phổ cập. Nó tập hợp sáu văn bản được Edgar Morin công bố trong vòng 15 năm, từ giữa những năm 1970 đến năm 1990 – năm sách này được xuất bản lần đầu. Các văn bản khá đa dạng, được chọn lọc, sắp xếp tương đối hệ thống, nhằm làm nổi bật hệ vấn đề tính phức hợp mà tác giả khẳng định là “nằm ở trung tâm những suy tư của tôi”.
Là “cha đẻ của tư duy phức hợp”, Edgar Morin đã kể lại quá trình hình thành tư duy phức hợp từ cuối những năm 1960, dưới sự tác động của lý thuyết thông tin, điều khiển học, lý thuyết hệ thống và lý thuyết tự-tổ chức như thế nào. Để xác lập cơ sở vững chắc cho tư duy phức hợp, ông đã tập trung mọi nỗ lực vào việc “triển khai một lý thuyết, một logic, một tri thức luận về tính phức hợp để có thể nhận biết con người”. Mục tiêu trung tâm của tư duy phức hợp là nhận biết con người – một siêu phức hợp của tiến hóa vũ trụ. Dưới đây là lời nói đầu của cuốn sách. Đầu đề do tòa soạn đặt.
Chúng ta có yêu cầu rất chính đáng là mong muốn tư duy xóa tan đi bóng đêm và sương mù, mang lại cho thực tại ánh sáng và trật tự, biểu lộ những quy luật mà thực tại phải tuân theo. Tính phức hợp [complexité] bản thân nó chỉ biểu hiện sự lúng túng, lầm lẫn, bất lực của ta trong việc định nghĩa một cách giản tiện, đặt tên một cách rõ ràng và mang lại trật tự cho những ý niệm của mình. Do vậy, xưa nay tri thức khoa học vẫn thường được coi là có nhiệm vụ xua tan bề ngoài phức hợp của các hiện tượng, nhằm thể hiện trật tự đơn giản đang chi phối chúng.Nhưng nếu những phương thức nhận thức đơn giản hóa cắt xén nhiều hơn là thể hiện thực tại hoặc các hiện tượng mà những phương thức ấy tìm cách kiến giải, nếu người ta nhận thấy một cách hiển nhiên rằng những phương thức nhận thức đơn giản hóa như vậy che khuất nhiều hơn là soi tỏ, thì sẽ nảy sinh vấn đề sau: Làm sao có thể hình dung tính phức hợp một cách không đơn giản hóa? Song, vấn đề này không thể được tức thì đặt ra. Phải tìm được cho nó sự chính đáng, vì không hề có một di sản triết học, khoa học hoặc tri thức luận cao sang nào đứng đằng sau làm chỗ dựa cho khái niệm phức hợp cả.Trái lại, nó còn mang một khuyết điểm lớn về mặt ngữ nghĩa, bởi nó chứa trong lòng sự lẫn lộn, bất định và vô trật tự. Định nghĩa sơ đẳng về nó không cung cấp cho ta một sự tỏ tường nào: Việc một cái gì đó là phức hợp không thể được tóm gọn thành một từ chuẩn, không thể đưa thành một quy luật, không thể được quy giản thành một ý niệm đơn thuần. Nói cách khác, cái phức hợp [le complexe] không thể tóm lược bằng khái niệm tính phức hợp [complexité], không thể thu gọn thành quy luật về tính phức hợp, không thể quy giản thành ý niệm về tính phức hợp. Tính phức hợp hẳn không phải là một cái gì đó có thể thay chỗ cho tính giản tiện và không thể được định nghĩa một cách đơn giản. Tính phức hợp là từ ngữ mang tính vấn đề [mot problème] chứ không phải là từ ngữ mang tính giải pháp [mot solution]. Một lời nói đầu không đủ biện minh cho sự thiết yếu phải có một tư duy phức hợp. Sự thiết yếu như vậy chỉ có thể được vạch ra từng bước trong quá trình mà trước hết phải làm rõ được những giới hạn, những thiếu sót và những khiếm khuyết của tư duy đơn giản hóa, sau đến là những điều kiện không cho phép chúng ta lẩn tránh sự thách đố của cái phức hợp. Tiếp đó chúng ta phải đặt nghi vấn xem liệu có thể có các loại tính phức hợp khác nhau hay không và liệu người ta có thể liên kết các loại tính phức hợp ấy lại với nhau trong một phức hợp của những phức hợp [complexe des complexes] hay không. Cuối cùng phải xem liệu ta có được một phương thức tư duy, hoặc một phương pháp đủ mạnh để vượt qua sự thách đố của tính phức hợp hay không. Đây không phải là việc vãn hồi tham vọng của tư duy đơn giản luôn muốn kiểm soát và chế ngự thực tại, mà là muốn nói đến sự rèn giũa một tư duy có khả năng xử lý với thực tại, đối thoại và thương thuyết với nó.Cần xua tan hai ảo tưởng đang luôn đánh lạc hướng những tinh thần cơ bản của vấn đề tư duy phức hợp.Ảo tưởng thứ nhất, người ta cho rằng tính phức hợp dẫn tới việc loại bỏ tính đơn giản. Tính phức hợp xuất hiện ngay khi tư duy đơn giản hóa thất bại, nhưng nó lại tích hợp trong mình tất thảy những gì làm cho nhận thức trở nên trật tự, tỏ tường, rạch ròi, chuẩn xác. Trong khi tư duy đơn giản hóa tìm cách xóa đi tính phức hợp của thực tại thì tư duy phức hợp lại tìm mọi cách tích hợp các phương thức tư duy đơn giản hóa, nhưng luôn khước từ những hệ quả mang tính cắt xén, quy giản, phiến diện, tóm lại là khước từ những hệ quả mang lại sự mù quáng của việc phản ánh đơn giản những gì là thực của thực tại.Ảo tưởng thứ hai là đồng nhất tính phức hợp với tính trọn vẹn [complétude]. Đúng là tư duy phức hợp có tham vọng làm lộ diện những khớp nối liên kết các lĩnh vực chuyên môn với nhau đã bị tư duy chia tách [disjonctive] tháo rời (đó là một trong những khía cạnh chủ yếu của tư duy đơn giản hóa); loại tư duy này cô lập những cái nó đã tách rời ra và che đậy tất cả những gì kết nối, những gì tương tác, những gì đan xen. Hiểu theo cách này, tư duy phức hợp mong muốn đạt đến một tri thức đa diện [multidimentionelle]. Nhưng lối tư duy này cũng ý thức được ngay từ đầu rằng tri thức toàn vẹn là bất khả dĩ: Một trong những tiên đề của tính phức hợp là tính bất khả dĩ, dù chỉ trên lý thuyết, của một toàn thức [omniscience]. Tư duy phức hợp lấy câu nói của Adorno làm phương châm cho mình, “toàn vẹn là phi chân lý” [la totalité est la non-vérité]. Nó dung nạp sự chấp nhận một nguyên lý bất toàn [incomplétude] và bất định [incertitude]. Nhưng ngoài ra, như một nguyên tắc, nó còn chấp nhận những mối liên kết giữa các thực thể mà chúng ta thường nghĩ cần phải được phân biệt, nhưng không hoàn toàn biệt lập với nhau. Pascal thật có lý khi nói rằng vạn vật “đều có nguyên do và đều là nguyên do, đều tương trợ và đều được hỗ trợ, đều gián tiếp và đều trực tiếp, và mọi thứ đều (được duy trì) bởi một mối liên hệ tự nhiên và khó nhận thấy, kết nối những cái xa xôi nhất và khác biệt nhất lại với nhau”. Bởi vậy, tư duy phức hợp luôn được kích thích bởi một một sự căng kéo thường trực giữa khát vọng có được một tri thức không bị xé vụn, không bị ngăn ô, không bị quy giản, và việc phải chấp nhận tính thiếu hoàn chỉnh và tính bất toàn của mọi tri thức.Một sự căng kéo như vậy đã kích thích tôi suốt cuộc đời.Cả đời mình, tôi chưa bao giờ chịu nổi thứ tri thức bị xé vụn, chưa bao giờ đủ sức tách một đề tài nghiên cứu khỏi bối cảnh của nó, khỏi những gì có trước nó, khỏi tương lai của nó. Tôi luôn khao khát có được một tư duy đa diện. Tôi chưa một lần đủ sức loại bỏ mâu thuẫn nội tại. Tôi lúc nào cũng cảm thấy chính những chân lý sâu xa, đối kháng nhau, là những gì bổ sung cho nhau trong khi vẫn không ngừng đối kháng. Tôi chưa bao giờ muốn tìm cách cưỡng lại sự bất định và tính mơ hồ.Ngay từ những cuốn sách đầu tiên, tôi đã phải đối mặt với tính phức hợp, nó đã trở thành mẫu số chung cho rất nhiều công trình khác nhau mà dưới con mắt nhiều người chúng dường như không mấy liên quan tới nhau. Tuy thế, tôi vẫn chưa hề nghĩ đến khái niệm phức hợp. Cho mãi đến cuối những năm 1960 nó mới được lý thuyết thông tin, điều khiển học, lý thuyết hệ thống, khái niệm tự tổ chức dẫn lối để rồi xuất hiện dưới ngòi bút, hay đúng hơn là trên bàn phím của tôi. Lúc này nó mới thoát ra được cách hiểu tầm thường (sự phức tạp, sự lẫn lộn) để nối kết trong nó cả trật tự, vô trật tự và tổ chức, và, trong lòng của tổ chức nó nối kết cái một với cái đa dạng [l’un et le divers]. Những khái niệm này hòa trộn lẫn nhau một cách vừa bổ sung vừa đối kháng; chúng ở vào thế cùng chòm với nhau và tương tác với nhau. Khái niệm phức hợp đã được hình thành, lớn lên, phát triển và đâm chồi nảy lộc, nó đã chuyển hẳn từ vùng ngoài lề vào trung tâm những suy tư của tôi, nó đã trở thành một khái niệm vĩ mô, một vị trí tham vấn then chốt, từ nay sẽ luôn là mấu chốt của vấn đề tưởng chừng như nan giải về mối quan hệ giữa cái kinh nghiệm, cái logic và cái duy lý. Diễn biến này trùng khớp với quá trình biên soạn bộ Phương pháp [La Méthode], được khởi thảo từ năm 1970. Tổ chức phức hợp, hay thậm chí siêu phức hợp, đã chính thức trở thành khái niệm trung tâm của cuốn Le Paradigme Perdu của tôi (1973). Vấn đề logic của phức hợp là chủ đề của một bài viết công bố năm 1974 (Au-delà de la Complication, la Complexité, được đăng lại trong lần xuất bản đầu tiên của cuốn Science avec Conscience). Đích thực, Phương pháp là và sẽ là phương pháp phức hợp [méthode de la complexité]. Bằng việc điểm lại nhiều bài viết khác nhau, cuốn sách đây là một cuốn nhập môn hệ vấn đề phức hợp. Nếu tính phức hợp không hẳn là chìa khóa của vũ trụ mà chỉ là thách thức cần đối mặt, thì tư duy phức hợp cũng không phải là nhằm để né tránh hoặc thủ tiêu thách thức, mà là để giúp làm bộc lộ và đôi khi thậm chí để vượt qua thách thức ấy.
Edgar Morin
Edgar Morin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét