Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Nhiệt đới buồn và "tư duy về kẻ khác"


Tác giả: Linh Thủy

http://tuanvietnam.net/2009-10-28-nhiet-doi-buon-va-tu-duy-ve-ke-khac-
Sự xuất hiện bản tiếng Việt cuốn "Nhiệt đới buồn" đánh dấu một sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta.

"Một sự kiện trong đời sống tinh thần"
Tác phẩm thuộc hàng xuất sắc nhất của Claude Lévi-Strauss - Nhiệt đới buồn, bản tiếng Việt vừa được giới thiệu ra mắt. Trong cuộc trao đổi có tên "Tư duy về những kẻ khác" do NXB Tri thức tổ chức, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc đã coi đây là "sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta".
Tác giả Claude Lévi-Strauss được coi là một trong những nhà nhân học, dân tộc học, một nhà tư tưởng và nhà văn lớn nhất của thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX.

Tọa đàm "Nhiệt đới buồn" và Tư duy về những kẻ khác. Ảnh: Phương Loan
Nhiệt đới buồn là tác phẩm hội tụ những tư tưởng triết học, nhân học - một tác phẩm chuyên ngành nhưng lại được viết dưới dạng du ký, mang vẻ đẹp và hương vị của một tác phẩm văn học.
Theo giới thiệu của TS. Olivier Tessier - Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, Nhiệt đới buồn được viết vào lúc danh tiếng hàn lâm của tác giả Claude Lévi-Strauss đã vượt ra khỏi giới hạn riêng của lĩnh vực nhân học. Ông là hình ảnh của một nhà khoa học dấn thân ở tầm quốc gia và quốc tế.
Chẳng hạn, trong cuốn sách của mình, Lévi-Strauss xác định một lý thuyết về "liên minh hôn nhân", ở trung tâm "Lý thuyết cấu trúc về quan hệ họ hàng". Nhận thấy tình trạng phổ biến của việc cấm loạn luân, thay vì tìm cách cắt nghĩa sự thể này, ông coi thực trạng đó chính là cốt lõi của quan hệ họ hàng: vì một người đàn ông không thể cưới một người họ hàng gần của mình, chị em gái hay con gái của mình, nên anh ta đem cho người ấy làm vợ của những người đàn ông khác và ngược lại.
"Cuộc lang thang của một trí tuệ thiên tài mời gọi ta tham gia vào một cuộc hành trình thật sự khai mở trong việc tư duy về những kể khác bằng cách mô tả - như sự đa dạng không cùng của các mối quan hệ có thể có giữa con người với thiên nhiên, đồng thời đưa ra một phán xét không tha thứ đối với những tàn phá do tình trạng nô lệ hóa của chủ nghĩa thực dân ở Ấn Độ và sự đồng nhất hóa về văn hóa do phương Tây áp đặt."

Một trong những điều có thể suy nghiệm từ tác phẩm cho thấy một "sự thật cay đắng": "Sự sản xuất ra một nền văn hóa đại chúng, giống như một nền canh tác độc canh thay thế một cách dữ dằn một đa dạng thực vật, dẫn đến một sự chuẩn mực hóa các kiểu thức và đồng nhất hóa về văn hóa đồng nghĩ với đánh mất bản sắc, sự khác biệt và năng lực sáng tạo, và cuối cùng, là tính nhân văn",
Tác phẩm là "suy tư trăn trở chưa xong của người đã đi tìm đến các dân tộc nguyên thủy để lần lại con đường đi đã đưa nhân loại đến hôm nay, và tự hỏi một cách đau đớn, đồng thời lại vui mừng như một phát hiện cơ bản: chúng ta đã đi đến chỗ gì hơn tình trạng ban đầu, xa hơn 'nơi ta đã cất bước ra đi'", nhà văn Nguyên Ngọc.
Không chỉ có 'Marx kinh điển"
Dịch giả Đỗ Lai Thúy, trong phần giới thiệu về xuất xứ bản thảo cuốn sách (đầu tiên tại Tạp chí Văn hóa - Nghệ Thuật), đã nhận xét: "Quá trình tiếp nhận về cấu trúc luận ở Việt Nam là rất khó khăn".
Ông cho biết: "Trước kia, học giả Nguyễn Từ Chi đã nghiên cứu khá kĩ về lý thuyết nhân học, dự định trình bày trong 7 buổi. Nhưng chỉ đến buổi thứ 2, bài trình bày của ông đã bị lệnh dừng vì bị cho là... học thuyết tư sản".
Theo ông Thuý, "VN vốn chỉ coi trọng một số học thuyết là kinh điển - cơ bản là học thuyết Marx. Tuy nhiên, còn rất nhiều vị "tổ sư" nữa mà chúng ta cần tìm hiểu".
Nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc nhấn mạnh, việc xuất hiện các tác phẩm kinh điển trong điều kiện hiện nay ở nước ta là hết sức cần thiết, phục vụ cho việc nâng cao dân trí.
Cũng phải nói thêm rằng, việc chọn dịch, xuất bản những cuốn sách thuộc hàng kinh điển của thế giới đến độc giả VN là cả một câu chuyện gian nan.
Dịch giả Đỗ Lai Thuý cho biết, Tủ sách "Văn hóa học" hiện cũng chỉ mới ra mắt được 7, 8 tác phẩm. Việc thực hiện "Tủ sách" này hoàn toàn dựa vào việc xoay xở từ những khoản kinh phí khác, và cũng không có tư cách pháp nhân để làm.
GS Chu Hảo - Giám đốc NXB Tri thức cho biết, Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh (tên gọi trước là Qũy dịch thuật Phan Chu Trinh) từng đề ra danh mục 500 cuốn sách kinh điển cần dịch, giới thiệu tới độc giả VN. Thực thực tế, mới chỉ làm được vài chục cuốn. Bởi lẽ kinh phí hạn chế, không hề được nhà nước hỗ trợ, khó tìm người dịch tốt.
Với số lượng phát hành mỗi đầu sách từ 500 - 1000 bản, số sách kinh điển thậm chí còn không đủ tới tay các nhà nghiên cứu, chưa dám nói phổ biến rộng khắp cho nhiều độc giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét