Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009

Tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học mộ táng

Tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học mộ táng
trong nghiên cứu trường hợp miền Trung Việt Nam thời kỳ Sơ sử[1]
I. Tảng nền Tự nhiên
I.1.Không gian địa-văn hóa: Theo phân vùng địa lý [Lê Bá Thảo, 1998, tr.385-386), miền Trung Việt Nam (hay Trung bộ), tính từ bắc Thanh Hoá đến nam Phan Thiết, dài hơn 1500 km. Diện tích 96.366 km2, hơn 3/4 lãnh thổ là rừng núi.
Không gian địa - văn hoá miền Trung không hoàn toàn trùng với không gian địa lý, từ góc độ văn hoá - khảo cổ học, từ trước sau công nguyên, Thanh Nghệ Tĩnh thuộc không gian văn hoá Đông Sơn, không gian văn hoá Việt cổ. Theo các nhà nghiên cứu Bình-Trị-Thiên là khu đệm giữa văn hoá Đông Sơn và văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn trước Công nguyên rồi giữa văn hoá Việt và văn hoá Chăm thiên niên kỷ I đầu Công nguyên. Như vậy, không gian cả tự nhiên cả văn hoá được đề cập trong nghiên cứu này được tính từ Quảng Trị phía bắc đến Phan Rang, Phan Thiếc phía nam với cốt lõi là hai khu vực Quảng Nam – Bình Định và Phú Yên –Phan Thiết.
I.2. Địa hình, khí hậu: Đây là dải địa hình hẹp, mang tính chuyển tiếp dần từ những mạch núi cao trong dãy Trường Sơn nam ở phía tây qua những đồi núi thấp ở giữa và miền đồng bằng ven biển ở phía đông. Mô hình hoá địa thế này chúng ta sẽ có một trục dọc hẹp đựơc phân cách và nối nhau bởi những đèo-nhánh núi chạy cắt ngang từ dãy Trường Sơn trải dài theo chiều dọc. Đó là đèo Ba Dội, đèo Ngang, đèo hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả... và vô số những đèo nhỏ khác. Những đèo này không chỉ là ranh giới phân cách mà còn là đường kết nối địa lý, văn hoá chính trị các tiểu vùng văn hoá miền Trung.
Dưới chân đèo là các sông lớn nhỏ, đều chảy ngang theo chiều Tây-Đông ra biển. Mỗi một tỉnh ở miền Trung đều ứng với một lưu vực sông cấu tạo nên lãnh thổ đó. Những sông này tạo nên một số đồng bằng khá rộng rãi như đồng bằng sông Hàn và sông Thu Bồn ở Quảng Nam Đà Nẵng, đồng bằng sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, đồng bằng Quy Nhơn ở cửa sông Cả, đồng bằng Tuy Hoà ở cửa sông Đà Rằng và Nha Trang ở cửa sông Cái. Sông miền Trung ngắn, nước biếc xanh, ít phù sa do đó châu thổ hẹp, nhiều cửa sông sâu, cùng với đường bờ biển cao và khúc khuỷu tạo thành vịnh cảng là nơi đậu thuyền rất tốt. Bờ biển miền Trung lồi lõm, ngoài bờ là những đảo, cụm đảo được hình thành trong quá trình tạo sơn như : hòn Gió (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn-Cù Lao Ré (Quảng Ngãi), Hòn Tre (Khánh Hoà), Phú Quý (Ninh-Bình Thuận)... Những đảo này là những “bình phong” ngăn chặn bớt sóng gió Biển Đông, mặt khác là tuyến đầu trong quá trình giao thoa văn hoá khu vực và quốc tế, nối Đông Nam Á Lục địa với Đông Nam Á Hải đảo, nối bắc- nam và đông – tây.
Miền Trung là lãnh thổ duy nhất ở Việt Nam có những con đường ngắn nhất nối liền các đường hàng hải quốc tế ở biển Đông với những tuyến giao thông bộ và thuỷ trong Đông Nam Á lục địa, đường hàng không cũng vậy [Lê Ba Thảo, 1998, tr. 391].
Một trong những địa hình của miền Trung là đồng bằng duyên hải. Diện tích của từng đồng bằng tương đối nhỏ hẹp, có nguồn gốc khác nhau. Phù sa mới chỉ kéo dài ven thung lũng sông bị thu hẹp về phía biển bởi các thành tạo hỗn hợp sông biển, hoặc đơn giản là các thành tạo biển dưới dạng những cồn cát duyên hải như ởThanh Hoá- Nghệ An, hay các trảng cát rộng lớn kéo dài suốt từ Quảng Bình xuống cho đến Phan Thiếc, mà nguồn gốc cũng rất khác nhau. Nói chung đất dù là đất phù sa sông cũng nghèo hơn so với châu thổ hai miền bắc, nam, lại hay bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô.
Có thể nói đối với việc tìm hiểu văn hóa thời sơ sử cần lưu ý những mối liên hệ không gian cả theo chiều ngang-tức mối liên kết từng tiểu vùng, từng lãnh địa theo kiểu “một đèo, một đèo, lại một đèo” như đã nói ở trên. Mối liên hệ không gian theo chiều dọc ở mỗi ô kiểu Núi-Đồi-Đèo-Sông-Biển cùng với liên hệ kiểu sinh thái Cồn-Bàu-Đầm Phá cũng là cách tiếp cận cần thiết để hiểu miền Trung. Sông (và) núi cắt ngang và chia nhỏ miền Trung, nhưng bến cảng thì lại trải dọc dài khắp vùng, nối liền các mạng cửa sông tạo nên sự hoà quyện đặc sắc giữa yếu tố sông-đồng bằng và yếu tố biển. Sông và biển phối hợp nhau tạo nên đất nước và ảnh hưởng vào văn hoá con người [Trần Quốc Vượng, 1998, tr. 424].
I.3. Một số tiếp cận địa sinh thái văn hóa miền Trung.
Đường bờ biển dài, thuận lợi cho việc tiếp xúc, giao lưu văn hoá mạnh mẽ là nơi tiếp nhận từ rất sớm và mạnh mẽ những luồng văn hoá-cư dân từ biển vào, những dòng sông chảy từ Tây sang Đông cắt ngang dải đất này cũng đồng thời là những dòng chuyển tải con người, hàng hoá, ý tưởng… từ biển lên nguồn và từ nguồn xuống biển, tạo thành một mạng trao đổi dọc, ngang nhộn nhịp, sôi nổi suốt thời kỳ thiên niên kỷ I TCN và tăng cường mạnh mẽ trong thiên niên kỷ I SCN.
Bảy hằng số địa lý của phức hệ sinh thái Núi đồi - Đèo – Sông - Biển - Cồn - Bàu - Đầm Phá cùng với địa hình đặc trưng Núi gần sát Biển Đảo chỉ cách nhau bởi một dải châu thổ - đồng bằng phù sa sông pha biển hẹp đã tạo hình không gian địa - chính trị, địa - văn hoá miền Trung thành dạng hình hộp chữ nhật đứng với cạnh Tây là núi đồi, cạnh Đông là biển, với các đèo-sông, chia nó thành các xứ - vùng hình chữ nhật ngang [Trần Quốc Vượng, 1998, tr. 314-31), đặc điểm phát triển kinh tế và trao đổi nội/liên vùng được quy định bởi những điều kiện sinh thái này.
Nếu nhìn toàn bộ hệ thống, miền Trung (nhất là Nam Trung Bộ từ Quảng Nam trở vào) là túi hứng từ Biển - Đảo vào, từ Núi – Rừng xuống của nhiều tộc người và ngữ hệ. Về cơ bản có hai hệ: Hệ Nam Đảo bám biển và ven biển (châu thổ - đồng bằng hẹp) và Hệ Nam Á bám đồi, bám núi, bám rừng. Trong mỗi hệ lại có sự phân hoá thành những nhánh nhỏ hơn làm gia tăng sự phân lập, phân ly tộc người và văn hoá. Tuy vậy, do đường sông và đường biển dài và dày nên việc di chuyển dân cư theo từng nhóm như một đơn vị tộc người-văn hoá xảy ra khá thường xuyên (sự di dân có đặc điểm theo kiểu tằm ăn lên vừa chậm chạp, vừa loang lổ- Trần Trí Dõi, 2005, tr. 8) nên sự có mặt của cư dân hệ Nam Á trong không gian Nam Đảo và ngược lại khá phổ biến.
Nghiờn cứu thời kỳ Sơ sử miền Trung Việt Nam từ góc độ tiến hoá sinh thái nổi lờn một số điểm đáng lưu ý [Fukui Hayao, 1999, tr.].
i. Thứ nhất: Theo quan điểm về sự tiến hóa về môi trường sống của con người, vùng khô thích hợp hơn cho việc định cư thuở sơ khai. Vùng khô không hoàn toàn khắc nghiệt mà cũng đủ tốt để con người có thể thích nghi và ổn định cuộc sống.
ii. Thứ hai: Vai trò của trồng trọt cụ thể của trồng lúa trong cơ cấu kinh tế thời Sơ sử và Cổ Trung đại vùng này. Trên thực tế, sự giàu có và thịnh vượng của chính thể (vùng khô - mà trong tr­ường hợp này là không gian của văn hóa Sa Huỳnh) không liên quan nhiều đến các sản phẩm nông nghiệp (tức là sản phẩm nông nghiệp vừa đủ để đảm bảo “an ninh lương thực” cho cư dân chứ không phải là hàng hoá xuất khẩu chính) mà chủ yếu dựa vào các phương thức mưu sinh khác như khai thác tài nguyên khoáng sản và các sản phẩm rừng (bao gồm các sản phẩm từ gỗ và phi gỗ - lâm thổ sản) cũng như trao đổi buôn bán do nằm ở trung tâm của các lộ trình mậu dịch quốc tế.
iii. Thứ ba: Vai trò của hệ thống trị thuỷ và điều phối sự sử dụng nước. Các công trình thủy lợi rất cần thiết ở các vùng khô, và việc xây dựng chúng gắn bó mật thiết với khả năng tổ chức của chính thể. Một số người thậm chí còn cho rằng nguyên nhân chính gây ra sự suy tàn của các chính thể vùng khô chính là sự thất bại trong việc giữ gìn những công trình đó.
Khi nghiên cứu khu vực này cũng cần đặc biệt lưu ý đến mạng lưới trao đổi từ vùng cao-thấp và ngược lại và những bến, cảng thị cửa sông ven biển như cầu nối giữa Bắc và Nam, giữa Lục địa và Hải đảo. Như nhận định của nhà nghiên cứu Momoki Shiro, Chămpa (tức miền Trung Việt Nam) là cánh cổng đi vào thế giới Trung Hoa đối với người Malay và Inđô, trong khi bản thân nó cũng là cánh cổng của thế giới Ấn Độ hóa đối với Philippin và Việt Nam (Bắc Việt Nam) [Momoki Shiro, 1999, tr. 71].
Một số yếu tố khác như sự chuyển dịch của các tuyến mậu dịch quốc tế, sự suy tàn của con đường tơ lụa nội địa và sự hình thành con đường tơ lụa trên biển cũng được xem là có tác động khụng nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu, nhìn chung, trư­ớc thế kỷ 16, khi chư­a có đư­ờng biển qua lại giữa Thái Bình D­ương với Đại Tây D­ương, Ấn Độ D­ương với Đại Tây Dương, chỉ duy nhất ở Ấn Độ Dư­ơng và Thái Bình Dư­ơng là hình thành những con đư­ờng đi qua Đông Nam Á; Melaka (Malacca), Sunda và các eo biển Lombok. Vào thời kỳ này, biển Đông Nam Á đóng vai trò kiểm soát các luồng văn minh thế giới [Sakurai Yomio, 1999, tr.28].
II. Dữ liệu mộ táng và cư trú
II.1. Loại hình di tích
Điều kiện tự nhiên sinh thái đặc thù nêu trên đã tác động đáng kể đến quá trình hình thành và diến tiến văn hóa của miền Trung Việt Nam. Trên mỗi loại địa hình chiều Tây Đông và phân đoạn không gian chiều Bắc Nam các cộng đồng cư dân Sa Huỳnh đã có những chiến lược thích nghi tương thích thể hiện trong sự kết tinh và phân hóa văn hóa theo không gian và thời gian.
Cho tới nay trên 110 di tích văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được phát lộ và nghiên cứu (khoảng 20 di tích Tiền Sa Huỳnh và khoảng 90 di tích Sa Huỳnh). Các di tích văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở mọi địa hình các tỉnh miền Trung Việt Nam với cực bắc là vùng giáp ranh với văn hoá Đông Sơn (Hà Tĩnh) và cực nam là vùng giáp ranh với văn hoá Đồng Nai (Đông Nam Bộ). Các di tích phân bố trên ba dạng địa hình chính: i. Núi và đồi gò trước núi ven sông; ii. Cồn/gò cát ven sông, ven biển, đồng bằng duyên hải và iii. Đảo.
Mặc dù các di tích phân bố ở hầu khắp các loại địa hình từ vùng núi, trước núi, đồng bằng duyên hải, hải đảo nhưng tập trung đậm đặc ở các lưu vực sông lớn, đặc biệt ở vùng cửa sông – biển. Ở địa hình này, các di tích thường phân bố tập trung thành cụm, quy mô di tích lớn ở ven các dòng sông mà điển hình ở lưu vực sông Thu Bồn, mật độ các di tích phân bố rất đậm đặc. Như vậy, những trung tâm chính của văn hoá Sa Huỳnh được tạo lập dựa trên điều kiện tự nhiên và sinh thái của những lưu vực sông lớn nối liền biển (bản đồ 1,2,3.
Trên bản đồ phân bố có thể nhận biết một số cụm di tích và di tích tiêu biểu
Hà Tĩnh: Bãi Cọi, Xuân An
[2]
Quảng Bình: Cương Hà, Cổ Giang[3].
Thừa Thiên-Huế: Cồn Ràng và Cồn Dài (xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, Cöa ThiÒng (thị trấn Phú Ốc, huyện Hương Trà) và dấu tích chum ở Phú Thượng (huyện Phú Vang).
Thành phố Đà Nẵng: Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà.
Quảng Nam: Cụm di tích văn hoá Sa Huỳnh thị xã Hội An, Lai Nghi, huyện Điện Bàn, cụm di tích văn hoá Sa Huỳnh Gò Mả Vôi/Gò Miếu Ông, Thôn Tư (di chỉ cư trú), Gò Dừa, huyện Duy Xuyên, Bàu Trám (Trảng Đổng Du), Phú Hoà, Tam Mỹ, huyện Núi Thành, Quế Lộc, Bình Yên, huyện Quế Sơn, Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Đại Lãnh, Đồi Vàng, Gß Mïn, huyện Đại Lộc, Paxua, Tabhing huyện Giằng, cụm di tích mới phát hiện ở huyện Hiệp Đức
[4] ... cho tới nay, Quảng Nam là nơi có số lượng di tích phát hiện được nhiều nhất.
Quảng Ngãi: Sa Huỳnh, Phú Khương, Thạnh Đức, Long Thạnh, huyện Đức Phổ, Bình Châu, Gò Quê, huyện Bình Sơn, Cù Lao Ré, Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Đồi Đông Tranh, huyện Sơn Tịnh... Mặc dù Quảng Ngãi là địa bàn trung tâm của văn hoá Sa Huỳnh, nhưng tại đây mức độ nghiên cứu chưa xứng với tiềm năng di tích.
Bình Định: Thuận Đạo, Chánh Trạch, Động Cườm...
Phú Yên: Rừng Long Thuỷ (hay Gò Bộng Dầu) (RLT – GBD), Suối Mây, Khe Ông Dậu, Bầu Sấu ...
Khánh Hoà: Vĩnh Yên, Hoà Diêm, Diên Sơn, Phước Hải...
Ninh, Bình Thuận: Mỹ Tường (lớp trên), Bàu Hoè, Phú Tường....
Trong số khoảng 90 di tích văn hóa Sa Huỳnh đã phát hiện cho tới nay chỉ có 02 di tích cư trú được khai quật và khoảng 03 di tích cư trú được khảo sát và thám sát. Khoảng trên 40 di tích mộ táng và mộ táng - cư trú đã được khai quật.
Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh, mộ táng là loại hình di tích tìm được với số lượng áp đảo. Đây là những khu mộ địa độc lập trên sườn cồn cát ven biển, đồi gò hay những giồng đất cao ven sông. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rộng tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều giai đoạn chôn cất tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ địa được tổ chức theo một quy hoạch định trước, do đó ta rất ít khi gặp mộ cắt phá nhau dù chôn ở các thời điểm khác nhau.
Khu cư trú nằm liền kề khu mai táng và thường ở vị trí thấp hơn như chân cồn cát ven sông ven biển, bậc thềm sông hay rìa những doi đất cao ven sông cận kề nguồn nước ngọt và đất thấp để canh tác. Ngoài ra còn có một số di tích cư trú kết hợp với mộ táng. Mộ táng thường có niên đại muộn hơn một chút so với nơi cư trú.
II.2. Đặc trưng cư trú: Cho đến nay rất ít các di tích cư trú Sa Huỳnh được phát hiện, số di tích cư trú được khai quật lại càng hiếm. Một số di tích tiêu biểu là Thôn Tư, Tiên Hà (Gò Miếu), Bàu Nê, đều ở tỉnh Quảng Nam. Gò Duối (Khánh Hòa). Ngoài ra còn có một số di tích cư trú khác tại Khánh Hòa như Ninh Thân, Ninh Đông, Diên Điền đã được phát hiện vào 1988 song không có thông báo cụ thể.
Bàu Nê, Tam Xuân, Núi Thành, Quảng Nam. Phát hiện và khảo sát năm 1984. Cư trú cách mộ Tam Mỹ khoảng 1km. Tầng văn hoá dày khoảng 0,50-0,70m. Hiện vật chủ yếu là mảnh vỡ của nồi, dọi se chỉ, không thấy mảnh chum. Di chỉ cư trú có thể đồng đại với Tam Mỹ [Trần Quốc Vượng, chủ biên, 1985, tr. 73-74). Tư liệu về địa điểm này đến nay không còn nữa.
Di chỉ Gò Miếu (Tiên Hà): di chỉ Gò Miếu cách di tích mộ táng Gò Quảng khoảng 1,5 km về phía đông. Di tích phân bố ở thềm sông Tiền (thềm này cao hơn nước sông tháng 3 khoảng từ 30-35m, và thường xuyên ngập lụt vào mùa lũ). Di vật phát lộ trong tầng văn hoá dày khoảng 60-80cm là đồ đá, đồ gốm, đáng chú ý là cụm gốm có 4 nồi (có nồi có chân) trong một khu vực được xác định là bếp. Đồ gốm kém phong phú, chủ yếu là nồi miệng loe, chân đế thấp, liền với thân. Không thấy đồ sắt, nhưng có đồ đồng là những mảnh của rìu tứ giác.
Di chỉ Thôn Tư: Thôn Tư, Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam. Tầng văn hóa dày khoảng từ 40- 50 cm, các mảnh gốm Sa Huỳnh phân bố rải rác khắp bề mặt hố trong các lớp đào và cũng có một số nằm co cụm thành từng đám, từng dải, điển hình như dãy gốm xuất lộ ở lớp 3 ở các ô f1, g1 và d2 của hố II, hoặc những cá thể gốm bị vỡ in situ và mảnh văng ra xung quanh. Bên cạnh gốm còn có đồ đồng, đồ sắt, trang sức bằng đá Jade, Nephrite, và một số vết tích của nghề đúc đồng như mảnh đồng vụn, mảnh nồi nấu đồng, bọt xỉ đồng, giọt đồng và nhiều tảng đất bị nung cháy. Di tích cư trú này nằm trong tổ hợp di tích cư trú và di tích mộ táng. Đồ gốm tìm thấy trong di chỉ cư trú có nhiều nét tương đồng với đồ gốm tìm thấy ở những khu vực mộ táng Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông. Tuy nhiên giữa mộ táng Gò Mả Vôi và cư trú Thôn Tư mặc dù đồng đại nhưng lại có những chênh lệch đáng kể về di vật. Đồ gốm, đồ đồng ở khu mộ táng phong phú và tinh xảo hơn nhiều so với những đồ tìm thấy ở nơi cư trú, đặc biệt bộ di vật đồng tùy táng với những loại hình như rìu, giáo, dao… kiểu Đông Sơn đã không phát hiện được trong nơi cư trú [Lâm Thị Mỹ Dung, 2007, tr.85].
Di chỉ Gò Duối: Di tích Gò Duối thuộc thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa thuộc phức hợp di tích Hòa Diêm. Phức hợp di tích Hòa Diêm gồm ba loại hình di tích chính là cư trú, mộ táng và mộ táng chôn vào nơi cư trú, trong đó Gò Duối là di chỉ cư trú.
Tầng cư trú dày trung bình 0.70-0.80cm, đất màu xám đen, cứng, nén chặt và chứa nhiều vỏ nhuyễn thể, đá mảnh vụn. Vết tích cư trú được nhận biết qua sự hiện diện của những tích tụ vỏ sò, xương động vật, than tro và gốm vỡ tập trung thành từng đám. Khu cư trú Gò Duối có niên đại thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, trong khoảng một vài thế kỷ trước sau Công nguyên. Các lớp văn hoá ở đây có sự phát triển liên tục từ khoảng thế kỷ 3,4 trước Công nguyên đến thế kỷ 2, 3 sau Công nguyên. Đồ gốm có những nét tương đồng với đồ gốm tìm thấy trong tầng cư trú của khu cư trú kết hợp mộ táng Hòa Diêm, ngoài ra cũng có một số loại hình và trang trí gốm riêng. Trong đồ gốm không có sự thay đổi đáng kể nào từ sớm đến muộn. Hiện vật gốm, đá, nhuyến thể và xương cho thấy có nhiều yếu tố kế thừa từ văn hoá Xóm Cồn. Giai đoạn sớm, công cụ bằng xương và bằng đá chiếm vai trò chủ đạo. Từ khoảng cận kề Công nguyên xuất hiện đồ sắt và đồ đồng. Những mảnh gốm kiểu Hán và mảnh bán sứ Hán - Lục Triều cho thấy từ sau Công nguyên có sự tiếp xúc và trao đổi văn hoá với thế giới bên ngoài. Như vậy tại di tích có sự chuyển biến văn hoá một cách dần dần và liên tục từ Sơ sử sang giai đoạn Lịch sử.
Như vậy, dấu tích cư trú đã phát hiện được của người Sa Huỳnh chưa tương xứng với các quy mô và số lượng các địa điểm mộ táng. Nơi cư trú có lẽ thường nằm ở khu vực gần dòng chảy, thấp hơn so với nơi chôn cất, tầng văn hoá không dày, dễ bị bào mòn và làm xáo trộn. Trong khi đó với đặc tính của các dòng sông miền Trung là ngắn, độ dốc lớn kết hợp với “những cơn lũ miền núi đột ngột và hung dữ, gây những hiện tượng lở bờ, đất đổ và đất trượt” [Lê Bá Thảo 1996, tr. 192] thì khả năng nhiều di tích cư trú bị lở xuống sông mất hết dấu tích là rất lớn, hiện tượng đó đến nay vẫn tiếp tục xảy ra.
II.3. Các địa điểm mộ táng
Những địa điểm mộ táng thường có diện tích rộng, mộ thường được chôn trên nhiều cồn cát hay gò đất phân bố liền kề. Mặc dù không có số liệu chính xác nhưng có thể đưa ra con số ước tính cho một số khu mộ như Cồn Ràng ước tính rộng 5000m2, Gò Mả Vôi ước tính rộng 3000 đến 4000m2…. Nhiều khu mộ được sử dụng trong một thời gian dài 3 đến 4 trăm năm với nhiều tầng lớp. Có thể thấy một sự chuyển biến rõ rệt trong táng thức đó là từ những kiểu táng thức mộ nồi nhỏ phân bố lẻ tẻ trong khu cư trú Tiền Sa Huỳnh đến những khu mộ tách biệt với quan tài gốm chuyên biệt hình trứng, hình cầu và hình trụ có kích thước lớn của văn hoá Sa Huỳnh. Những chum mộ quan tài gốm chôn đứng thẳng, có nắp đậy hình nón cụt, hình lồng bàn, mâm bồng… thậm chí có thể là đáy của một chum khác được tái tận dụng. Đồ tuỳ táng đặt bên trong, bên ngoài, dưới đáy hay ngay trên nắp chum.
Về táng tục, khu vực Sa Huỳnh bắc (từ Huế đến Bình Định) hầu như không tìm được vết tích xương cốt người trong các mộ. Khu vực Sa Huỳnh nam với địa điểm Hòa Diêm lại phổ biến các mộ quan tài có chứa nhiều cá thể. Khu vực đảo ven bờ Quảng Ngãi lại có những mộ nồi/ vò cải táng trẻ em được chôn trong các khu cư trú.
Trong một số địa điểm, xen kẽ với táng thức mộ chum, cư dân cũng thực hiện chôn theo kiểu mộ đất (điển hình như ở di tích Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Quê, Hoà Diêm…), táng thức mộ đất cũng thể hiện những táng tục đa dạng như hung táng, cải táng, hoả táng và chôn tượng trưng [Hoàng Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Hảo, 2009]. Tuy vậy, số lượng mộ đất so với mộ chum không đáng kể. Một số mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh có nhiều nét tương đồng với mộ đất Làng Vạc thuộc văn hoá Đông Sơn (ảnh 1) . Trong những di tích có niên đại muộn sau Công nguyên táng thức, táng tục và những đồ chôn theo phản ánh xu thế tiếp xúc và trao đổi mạnh mẽ với Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á hải đảo và xuất hiện nhiều loại hình quan tài gốm và đồ tuỳ táng gốm khác lạ hơn so với Sa Huỳnh cổ điển. Điển hình như ở di tích Xóm Ốc, Suối Chình (Quảng Ngãi), Rừng Long Thuỷ, Suối Mây (Phú Yên), Hoà Diêm (Khánh Hoà).
III.4. Mối quan hệ không gian/thời gian giữa khu chôn cất với khu cư trú.
Trong giai đoạn Sơ sử, mộ địa hầu hết được tách hẳn khỏi khu cư trú song cũng gặp một số nơi mộ táng được tìm thấy trong tầng cư trú. Có ba di tích có mộ táng trong tầng cư trú là Xóm Ốc, Suối Chình (Quảng Ngãi), Hoà Diêm (Khánh Hòa). Cả ba đều phân bố trên các cồn cát ven biển và trên đảo.
Hòa Diêm
Cư trú: Tầng cư trú ở Hoà Diêm có cấu tạo từ những tích tụ thức ăn nhuyễn thể, xương cá, xương động vật nhỏ như chim, gia cầm và xương động vật có vú vừa và lớn, mảnh gốm, công cụ xương, trang sức bằng vỏ nhuyễn thể các công cụ đá (hòn nghiền, bàn mài, …), hiện vật kim loại chỉ tìm thấy ở lớp trên. Trong tầng văn hóa còn phát hiện nhiều xương động vật bị đốt cháy ở những khu vực có đất đen lẫn than tro (có khả năng là tàn tích của bếp).. Tầng cư trú này ở nhiều điểm đã bị phá huỷ do có mộ chôn vào. Cư trú có niên đại bắt đầu từ khoảng thế kỷ 3, 4 TCN. Hiện vật (gốm) trong nơi cư trú đơn điệu hơn rất nhiều so với gốm trong mộ táng và cho thấy sự kế thừa từ văn hóa Xóm Cồn trước đó.
Mộ táng: Mộ táng Hoà Diêm - Khu mộ táng phân bố trên gò Đình Hoà Diêm. Mộ táng Hoà Diêm có hai loại mộ đất và mộ chum. Mộ đất có hung táng, cải táng và chôn tượng trưng. Mộ chum có cải táng, hoả táng và chôn tượng trưng, đặc điểm nổi bật là kiểu táng kết hợp nhiều cá thể trong một chum (ảnh 2). Mộ táng Hòa Diêm một mặt có nhiều những đặc điểm riêng về loại hình chum quan tài, cách thức mai táng và đồ gốm tùy táng so với mộ táng ở các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định mặt khác có những mối quan hệ lịch đại trực tiếp với nhóm Xóm Cồn, mối quan hệ đồng đại với mộ táng ở địa điểm Rừng Long Thủy và Suối Mây ở Phú Yên. Hòa Diêm mộ táng còn có quan hệ chặt chẽ với một số khu mộ táng ở Phillipin và Thái Lan. Điều này được thể hiện trong sự tương đồng về táng thức và táng tục giữa phức hợp mộ táng Tabon, mộ táng Kalanay, mộ chum đảo Samui (Thái Lan) và Hoà Diêm. Những táng tục của táng thức mộ chum Hoà Diêm không khác so với những phát hiện ở hang Tabon vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20. “Mộ chum ở hang Tabon có nhiều loại: Hung táng (primary), toàn bộ thây được đặt trong chum; Cải táng (secondary), một bộ phận xương cốt đặt trong chum; Kết hợp (multiple), thây hay xương người của nhiều cá thể hoặc kết hợp giữa hung táng và cải táng” [Fox R, 1970, tr. 67]. Mộ táng Hoà Diêm với các loại táng thức và táng tục cũng như đồ tuỳ táng có sự tiếp nối liên tục từ những thế kỷ trước đến sau Công nguyên.
Mối quan hệ giữa cư trú và mộ táng: Cư trú có niên đại khởi đầu từ khoảng thế kỷ 3, 4 TCN và lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa Xóm Cồn. Mộ táng có niên đại muộn hơn và kéo dài hơn so với niên đại kết thúc của nơi cư trú. Theo kết quả khai quật 2007, Hòa Diêm có tầng văn hóa gồm hai lớp. lớp cư trú dưới và lớp mộ táng ở trên [Bùi Chí Hoàng và nnk, 2007]. Mộ táng cho thấy có sự hiện diện của nhiều yếu tố văn hóa ngoại sinh và có niên đại muộn hơn so với cư trú.
Hai địa điểm Xóm Ốc và Suối Chình đều phân bố ở đảo Lý Sơn. Mộ nồi chôn vào nơi cư trú ở Suối Chình đều là mộ chôn trẻ em. Những mộ này đều có niên đại cận kề Công nguyên. Mộ đất cũng có niên đại tương đương và có một số nét tương đồng với mộ đất Hòa Diêm. Niên đại lớp cư trú Suối Chình kéo dài từ trước đến sau Công nguyên. Có thể thấy rằng địa tầng ở hai địa điểm này đã bị xáo trộn nghiêm trọng và mộ nồi hay vò ở hai địa điểm này chỉ dành cho một loại đối tượng là trẻ em.

III. Một số vấn đề kinh tế - văn hóa – xã hội từ dữ liệu mộ táng và cư trú.
Tang lễ là nơi biểu thị vật chất của hoạt động giao tiếp và văn hóa vật chất trong tang lễ không đơn thuần là cái còn lại, phần chuyên chở thụ động của thông tin về đặc tính giao tiếp (như bản sắc tộc người, vị thế…), thay vào đó văn hóa vật chất này là phần tích cực, không tách rời của cả hệ thống [Pader E. J., 1982, tr. 5].
Mai táng và nghi lễ kèm theo thể hiện một cách sinh động các mối quan hệ xã hội cho dù đó là các xã hội dạng đơn giản (kiểu bình quân địa tầng) hay xã hội phức hợp (kiểu phân tầng). Sự kiện mai táng vừa là nghi lễ (mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo…) vừa là sự kiện xã hội hay thậm chí là chính trị… Sự kiện có tính kết hợp này phản ánh gần đầy đủ những khía cạnh khác nhau của đời sống cá nhân và cộng đồng. Từ góc độ tâm lý văn hóa lễ mai táng còn mang tính đặc thù về thời gian và không gian mà ở đó cách ứng xử (giữa người sống với người chết, giữa người sống với người sống…) sẽ khác hơn so với thông thường.
Binford một đại diện tiêu biểu của Khảo cổ học Mới và muộn hơn là Khảo cổ học Quá trình, qua nghiên cứu liên văn hoá sử dụng tư liệu từ hàng chục các xã hội khác nhau đã nhận thấy như sau:
i. Có sự tương liên trực tiếp giữa cấp bậc xã hội của người chết với số lượng người quan hệ với người chết và
ii. Những khía cạnh thân phận xã hội ngưòi chết được nhận biết qua phong tục. Nghi lễ mai táng biến đổi một cách trực tiếp theo cấp bậc tương đối của vị thế xã hội khi còn sống của người chết (Pearson M., 2005: 28).
iii. Và nhiều vấn đề khác nữa.
Tuy nhiên mỗi xã hôi lại sẽ có những quy chuẩn riêng mà đôi khi không hợp với những nguyên tắc có tính chất chung đã được tổng kết từ các xã hội khác [xem giả thiết của Saxe trong Pearson M., 2005, tr. 29-30).
Từ quan điểm tiếp cận trên, sử dụng những tư liệu từ mộ táng và liên quan đến mộ táng, chúng tôi thử tìm cách lý giải một số vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế văn hóa xã hội của cư dân Sa Huỳnh. Tuy nhiên, một số ý kiến đưa ra chưa thể hoàn chỉnh, đôi khi mang tính võ đoán do tư liệu ít về số lượng, lại chưa được nghiên cứu đầy đủ về tính chất. Nguyên nhân vì các báo cáo khai quật cho tới nay chủ yếu mới chỉ cung cấp số liệu liên quan đến loại hình của đồ tuỳ táng và quan tài táng, gần như không có số liệu về nhân chủng học, bệnh lý, chế độ ăn, thức ăn, đồ ăn chôn theo hay sử dụng trong tang lễ.
III.1. Cấu trúc của nghĩa địa, táng thức và táng tục.
Địa thế của nghĩa địa: Từ vị thế của các khu mộ và cách phân bố chum mộ có thể thấy cư dân cổ đã dành riêng những khu đất đảm bảo các yêu cầu như gần kề nơi ở, cao ráo và ít bị tác động bởi lũ lụt để làm nghĩa địa và mộ được chôn theo một sơ đồ hay quy hoạch có từ trước. Điều này chứng tỏ mỗi khu nghĩa địa thuộc về một nhóm cư dân. Họ sử dụng, khai thác từ đời này sang đời khác theo quan hệ có chung những ông bà tổ tiên và duy trì qua các thế hệ con cháu. Việc chọn khu đất thích hợp chôn cất người chết nhằm biểu thị quan niệm về sự vĩnh cửu của con người. Nhà khảo cổ người Mỹ Arthur Saxe cho rằng quyền sở hữu đất đai của một cộng đồng/nhóm người dựa vào sự phán truyền của Tổ tiên [dẫn theo Pearson M., 2007, tr.30]. Người sống dành những phần đất “trang trọng” để an táng tổ tiên. Kết luận này được đúc kết từ nghiên cứu so sánh tư liệu của ít nhất 30 xã hội khác nhau và dù chưa phải là mẫu số chung, nhưng có thể thích hợp khi áp dụng cho đa số xã hội, đặc biệt là xã hội Phương Đông. Như vậy, có thể việc chôn theo từng cụm từ 3, 5, 7 chum trong văn hoá Sa Huỳnh phản ánh kiểu quan hệ gia đình dòng họ, có thể mỗi cụm hay nhóm cụm là khu vực chôn của một gia đình hay một dòng họ. Khu đất nghĩa địa thường do cư dân khu cư trú liền kề duy trì, quản lý và sử dụng
[5].
Cấu trúc nghĩa địa: Phân bố mộ trong khu nghĩa địa và một số cách xử lý mộ
Không có nhiều tư liệu để khôi phục lại sơ đồ phân bố các mộ trong một khu nghĩa địa. Nguyên nhân chủ yếu là các địa điểm thường bị phá huỷ trước khi các nhà khảo cổ có mặt để khai quật. Nhiều địa điểm mới chỉ được khai quật một phần, một số địa điểm tư liệu thiếu những chỉ dẫn cần thiết. Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, những chum mộ được chôn theo một số cách như sau:
i. Phân bố mộ theo kiểu ô bàn cờ (như mộ Cồn Dài –TT, Huế);
ii. Phân bố theo từng hàng (như mộ Gò Dừa- Quảng Nam) (ảnh 3);
iii. Phổ biến nhất là lối chôn thành từng cụm (ở rất nhiều địa điểm đều thấy báo cáo mộ chum chôn theo cụm).
Khoảng cách giữa các chum không đều và ở một vài địa điểm có hiện tượng chum chôn chồng lên nhau. Ở một số địa điểm những người khai quật đã xác định được dạng biên mộ. Ở địa điểm An Bang tất cả các mộ chum đều có biên mộ hình ô van, có trường hợp hai mộ chung trong một biên mộ [Nguyễn Chí Trung và nnk, 1996, tr. 128]. Một số mộ ở Gò Mả Vôi biên mộ hình tròn, có đường kính lớn hơn chum khoảng 10cm. Ở Gò Dừa biên mộ có hình tròn và có đường kính lớn hơn chum khoảng 5-7cm. Táng thức chủ đạo của người Sa Huỳnh là mộ chum đơn, song cũng có những mộ chum lồng đôi (dạng trong quan ngoài quách). Đặc biệt có trường hợp lồng ba như ngôi mộ ở B’rang. Đáy của một số chum mộ được xử lý đặc biệt như kè đá hay kè gốm. Dấu vết đốt củi sưởi mộ chỉ thấy ở một số vùng.
Trước đây mộ đất không được phát hiện nhiều trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh, tuy vậy nhiều tư liệu khai quật cho thấy số lượng mộ đất tăng lên đáng kể trong các địa điểm mới khai quật gần đây. Mộ đất cũng thường đơn táng, nhưng cũng có trường hợp song táng hay đa táng như ở Xóm Ốc, Hoà Diêm. Mộ đất không tồn tại độc lập mà được cư dân thực hành cùng với táng thức mộ chum. Không có sự khác biệt về không gian và mức độ giữa hai táng thức này.
Táng tục của cư dân Sa Huỳnh rất đa dạng. Cả ở hai hình thức mộ chum, mộ đất đều có táng tục như hoả táng, cải táng, hung táng và chôn tượng trưng. Tại một số địa điểm còn có hình thức chôn kết hợp (multiple) như trường hợp Hòa Diêm đã nói ở trên.
Chúng tôi cho rằng trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, táng thức dùng quan tài bằng gốm với những táng tục đa dạng như hung táng, cải táng, hỏa táng và tượng trưng được xem là đặc trưng chủ đạo và xuyên suốt (với những biến đổi cả theo thời gian và trong không gian). Từ góc độ khảo cổ học mộ táng táng thức biến đổi theo loại hình văn hóa địa phương và có những khác biệt đáng kể giữa vùng trung tâm/hạt nhân - ngoại vi - đệm. Loại hình quan tài gốm trong văn hóa Sa Huỳnh biến đổi theo ba giai đoạn và trong hai loại hình địa phương Bắc - Nam được diễn giải bằng những nguyên nhân nội tại như mức độ tiến hóa không đồng đều về phức hợp xã hội trong và giữa các cộng đồng dân cư; tính đa dạng trong phát triển và hấp thụ tôn giáo, tín ngưỡng… nguyên nhân có nguồn gốc từ bên ngoài như mở rộng mạng lưới buôn bán, trao đổi [Lâm Thị Mỹ Dung, 2008, tr. 72-74].
III.2. Một số vấn đề xã hội từ dữ liệu mộ táng
Lứa tuổi, giới tính: Gần như không có dữ liệu do xương cốt rất hiếm gặp. Tư liệu từ Hòa Diêm, Giồng Cá Vồ và Lai Nghi cho thấy không có sự phân biệt giữa các lớp tuổi và giới tính trong một khu mộ (bảng 1). Cho tới nay chỉ ở Suối Chình có sự phân biệt khu vực chôn cất, như khai quật năm 2000 cho thấy trong hố I có 06 mộ nồi thì tất cả đều là mộ cải táng trẻ em, khai quật năm 2005 phát hiện 03 mộ nồi thì 02 cải táng trẻ em, mộ kia chưa rõ vì không còn dấu tích xương. Những dấu vết còn lại cũng cho thấy không có tục hỏa táng trẻ em trong văn hóa Sa Huỳnh.

Nghề nghiệp. Hầu như không có tư liệu ngoại trừ mộ Gò Quê, Động Cườm và một số mộ khác có chôn theo quặng sắt. So sánh kiểu chôn này với một số mộ có nhiều tư liệu liên quan đến nghề nghiệp như mộ người thợ đúc đồng ở Non Nok Tha, Thái Lan và dựa trên cách tiếp cận phân tích chức năng, ý nghĩa của đồ chôn theo, có thể cho rằng, những đồ tuỳ táng là nguyên liệu sản xuất, dụng cụ lao động ít nhiều đều có liên quan đến nghề nghiệp của người được chôn. Tuy nhiên, do mức độ chuyên hoá về nghề thủ công trong văn hoá Sa Huỳnh chưa cao cho nên chúng ta không thấy những mộ “đậm đặc” tính nghề nghiệp sinh thời của chủ nhân mộ. Gần như trong các mộ có đồ tuỳ táng, mộ nào cũng chứa một vài vật dụng - công cụ lao động.
Thân thế địa vị. Thân phận có thể được quy định không chỉ theo uy tín và của cải mà có thể còn được kế thừa theo dòng họ. Chứng cứ về điều này có thể được tìm thấy trong những mộ táng trẻ em. Mộ nồi chôn trẻ em ở Suối Chình cho thấy có sự phân bố số lượng và chất lượng đồ tuỳ táng không đều từ nghèo, trung bình và giàu trong 5 ngôi mộ khai quật năm 2000 [Phạm Thị Ninh ].
Thân thế địa vị của người được chôn trong mộ có thể được xác định qua nhiều yếu tố liên quan đến cách thức xử lý xác chết, kích thước của quan tài, kích cỡ quy mô ngôi mộ, số lượng, chất lượng đồ tùy táng…
Có những ví dụ khác nhau về quan tài và sử dụng quan tài ví dụ như ở Gò Dừa (Duy Xuyên, Quảng Nam), kiểu chum lồng nhau được tìm thấy trong một nhóm gồm 5 cái, chôn sát cạnh nhau (có trường hợp giữa hai mộ chỉ có một khoảng chừng 10cm), chum bên ngoài có kích thước rất lớn, việc hạ chum được thực hiện khéo léo và cẩn thận cho thấy sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng đối với người được chôn. Những trường hợp chôn dùng quan tài kép này hay việc kè đá dưới một số đáy chum (Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông...) hay kè bằng mảnh gốm (Lai Nghi), một mặt cho thấy sự đa dạng trong nghi thức chôn cất và mức độ quan tâm của người sống đối với người chết mặt khác dẫn chúng ta đến việc xem xét thân phận chủ nhân của những mộ này tách biệt ra khỏi những thành viên khác của cộng đồng. Mặc dù không phải lúc nào thân phận của người được chôn cũng được phản ánh đầy đủ qua hình thức mộ, quy mô mộ, quy mô tang lễ và đồ chôn theo [Pearson M., 2005, tr. 29], nhưng nhìn chung địa vị, thân thế của người được chôn tỉ lệ thuật với số lượng và chất lượng của nghi lễ và đồ vật mai táng. Việc sử dụng những chum lớn lồng vào nhau như vậy còn phản ánh số của cải tiêu tốn, mức độ phức tạp của nghi thức và đặc biệt nhiều “năng lượng tiêu dùng” cho nghi thức mai táng. Nghiên cứu cách thức mai táng của 103 xã hội, Tainter Joseph nhận thấy rằng mức độ “năng lượng tiêu dùng” (energy expenditure) tiêu tốn của nghi lễ mai táng và xây dựng mộ táng mới chính là cái thể hiện rõ ràng nhất địa vị xã hội của người được mai táng (90% trường hợp nghiên cứu), còn đồ tuỳ táng thể hiện vị thế của người được mai táng chỉ ứng với 5% trường hợp nghiên cứu [dẫn theo Pearson M., 2005,tr. 31]. Hơn nữa, chất lượng của đồ tuỳ táng quan trọng và đáng kể hơn số lượng của đồ tuỳ táng.
Áp dụng một số phương pháp nghiên cứu khảo cổ học mộ táng trong một vài nghiên cứu của mình chúng tôi đã thống kê hiện vật chôn theo mộ của một số địa điểm đã khai quật để xem xét mức độ phân hoá của cải và xã hội. Số liệu của những thống kê này chỉ có ý nghĩa tương đối do nhiều nguyên nhân như mức độ bảo tồn giữa các địa điểm và giữa các mộ chum hay mộ đất trong từng địa điểm không đồng đều. Diện tích khai quật của mỗi địa điểm thường chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, số liệu thống kê không đầy đủ do nhiều mộ khi khai quật lên vẫn chưa được xử lý hết. Dưới đây là số liệu của một số địa điểm được xử lý khá kỹ và tương đối đầy đủ [Lâm Thị Mỹ Dung, 2008, tr. 104- 113; Hoàng Thuý Quỳnh, 2008, tr.].
Địa điểm Gò Mả Vôi. Khai quật chữa cháy 1998 được 30 chum mộ nhưng không rõ tình trạng. Do vậy chúng tôi chỉ sử dụng số liệu khai quật của năm 1999 và 2000.
Năm 1999 phát hiện 11 mộ chum và 3 mộ đất, năm 2000 phát hiện 6 mộ, tổng số mộ là 20. Dựa vào số lượng và loại hình đồ tuỳ táng có thể chia thành các mức sau (Biểu đồ 1).
i. Loại thứ nhất có gốm tuỳ táng và ít kim loại hay đá, thuỷ tinh (13 mộ).
ii. Loại thứ hai có số lượng vừa đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá (03 mộ).
iii. Loại thứ 3 có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh... số lượng khá nhiều, một số hiện vật quí- mộ giàu (03 mộ)

Số liệu thống kê cho thấy có ba mức phân hoá về của cải chôn theo người chết, tuy vậy giữa ba mức này sự cách biệt giữa mức 1 và 2 không lớn. Ở Gò Mả Vôi không có loại mộ rất giàu, mộ của thủ lĩnh lớn giống như ở Lai Nghi qua thống kê dưới đây.
Địa điểm Lai Nghi (khai quật năm 2002,2003, 2004)
Tại đây, có tỉ lệ thuận giữa số lượng đồ tuỳ táng trong một mộ, có nghĩa là mộ nào có nhiều đồ sắt thì thường có nhiều đồ trang sức.
Bằng cách thống kê đồ trang sức tìm thấy trong 63 ngôi mộ Lai Nghi đã phát hiện trong ba đợt khai quật 2002, 2003 và 2004 ta thấy rất rõ có sự phân hoá rõ rệt trong loại hình và chất lượng đồ tuỳ táng chôn theo. Ở đây có sự tỉ lệ thuận giữa chất lượng đồ trang sức (chất liệu, loại hình, hàng ngoại nhập) và số lượng đồ trang sức. Có thể nhận thấy ít nhất là ba mức/cấp độ phân hoá tài sản và địa vị qua đồ trang sức chôn theo từ nghèo đến rất giàu.
i. Loại thứ nhất hầu như không có đồ tuỳ táng kim loại hay đá, thuỷ tinh, chỉ có mảnh gốm (chum và gốm chôn theo?). Loại này không nhiều lắm về số lượng. Mộ nghèo. Có 11 mộ chum và 3 mộ đất.
ii. Loại thứ hai có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh ... nhưng số lượng ít. Mộ vừa. 19 mộ
iii. Loại thứ 3 có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh... số lượng khá nhiều, một số hiện vật quý, độc đáo- mộ giàu. 08 mộ.
iv. Loại thứ 4 có đồ tùy táng giàu, đặc biệt có những hiện vật đồng nghi lễ có nguồn gốc Trung Hoa và hạt chuỗi mã não có nguồn gốc Ấn Độ, nhiều hiện vật bằng vàng. Mộ rất giàu. 06 mộ


Trong số mộ rất giàu có 01 ngôi mộ đất chứa những đồ tuỳ táng đặt biệt có giá trị đó là mộ có ký hiệu 04LNH1M37. Đây là ngôi mộ đất có quy mô bề thế nhất trong các ngôi mộ ở Lai Nghi với bộ đồ đồng Đông Hán và một số hiện vật bằng đá sa thạch có chữ (nghiên, án mực) giống như một số mộ giai đoạn Sơ kỳ Đông Hán ở Quảng Châu, Trung Quốc [The CPAM of Guangzhou, 1981, hình CXIII.9]. Mộ này nằm dưới mộ hợp chất niên đại thế kỷ 17,18, nhưng rất may đã không bị mộ muộn xâm phạm vào và hiện vật gần như nằm insitu. Đây cũng là mộ lớn nhất trong số những mộ chum và mộ đất Sa Huỳnh đã phát hiện cho đến nay, tập trung một số lượng lớn đồ đồng như ấm, bình, bát, chậu, đỉnh nhỏ, móc thắt lưng và đặc biệt là bộ nghiên, án mài mực, trên án có chữ Hán, chữ này chưa đọc được, nhưng bước đầu nhận định chữ có bộ Nghiễm. Trên nghiên vẫn còn vết mực mài màu đen. Chôn theo mộ này còn có một số đồ sắt như dao có chuôi hình vành khăn, một số đồ gốm tuỳ táng - gốm văn hoá Sa Huỳnh. Xét theo chất và lượng đồ tuỳ táng trong tương quan với những mộ khác ở địa điểm này và những địa điểm mộ chum văn hoá Sa Huỳnh khác đã biết thì đây là mộ của người thuộc cấp bậc cao (nhất) trong cộng đồng cư dân, có nhiều khả năng là của vị đại thủ lĩnh một vùng. Đặc biệt sự có mặt của bộ nghiên ấn trong mộ cho thấy có nhiều khả năng chủ nhân ngôi mộ là người có học (mà là Hán học). Niên đại của mộ thuộc giai đoạn Sơ kỳ Đông Hán, nửa đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên (ảnh 4 ) .
Đồ bằng vàng có trong 6 mộ và cũng phần lớn trong những mộ giàu đồ tuỳ táng. Mộ đất, ngoại trừ những mộ bị phá chỉ còn lại những cụm gốm thì rất giàu, có thể nói là giàu nhất và chứa nhiều những hàng hoá có tính chỉ thân phận, địa vị (Status makers). Có thể nói khu mộ Lai Nghi là khu mộ của một cộng đồng cư dân giàu có, của cải tích luỹ được có lẽ phần nhiều do buôn bán nội vùng và liên vùng. Ở Lai Nghi có những mộ mà số lượng và loại hình đồ trang sức chỉ trong một mộ đã vượt xa so với đồ trang sức phát hiện trong tất cả các mộ của một khu nghĩa địa (ảnh5 ).
Mộ song táng và mộ 37 có đồ đồng Sơ kỳ Đông Hán chôn theo thể hiện sự chăm sóc đặc biệt và công sức bỏ ra khi chôn cất. Theo quan điểm của Koji đây có thể thuộc loại hình mộ của những cá nhân có địa vị cao trong cộng đồng [Koji Mizoguchi, 2005, tr. 304-326).
Địa điểm Gò Dừa trên diện tích khai quật 16m2 đã phát hiện 06 mộ chum (05 mộ chum lồng). Có lẽ đây là khu mộ của dòng họ của những người có địa vị cao trong cộng đồng. Mộ được chăm sóc đặc biệt qua việc sử dụng quan tài kiểu trong quan ngoài quách, mộ chôn sát liền nhau nhưng không cắt phá nhau chứng tỏ có sự chuẩn bị cẩn thận đất chôn. Trong số 5 mộ chum lồng có ba mộ 1,3 và 5 cũng thành cụm hình vòng cung liền kề nhau . Trong số các mộ, mộ 1, 3 và 5 có số lượng đồ tuỳ táng nhiều. Cả ba mộ này đều có đồ đồng nghi lễ Tây Hán như bát, đĩa, đồ đựng. Mộ số 5 có gương đồng Tây Hán (ảnh 6). [Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Chiều, Hoàng Anh Tuấn, 2002, tr. 191-207).
Hoà Diêm. 26 ngôi mộ khai quật năm 2002 ở Hoà Diêm [Nguyễn Đăng Cường, 2005] có thể được chia thành ba/bốn loại theo số lượng và chất lượng đồ tuỳ táng .
i. Mộ chứa ít đồ tuỳ táng, từ 1 đến 2 đồ gốm gồm M.1, M.14, M.23,M.26;
ii. Mộ chứa số lượng đồ tuỳ táng trung bình từ 2,3 đồ gốm và 1, 2 hiện vật sắt, xương gồm M. 4, M12b, M.16, M.17, M.22, ;
iii. Mộ chứa số lượng đồ tuỳ táng nhiều hơn và phong phú hơn về loại hình cũng như chất liệu gồm M.2, M.3, M.8, M.5, M.7, M.10 M.12 và
iv. Đáng chú ý là M.9 là mộ có nhiều nhạc khí (lục lạc đồng), hạt trang sức thuỷ tinh và bằng vàng.
Như vậy, mức độ phân hoá của cải qua đồ tuỳ táng ở Hoà Diêm không cao và từ đó có thể thấy sự phân hoá địa vị xã hội chưa sâu sắc. Tuy nhiên, sự khác biệt thân phận giữa các thành viên là điều không thể phủ nhận.
Khi so sánh Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Dừa và Hòa Diêm như là những địa điểm tiêu biểu ta thấy có những thay đổi trong đồ chôn theo. Trong đồ tuỳ táng có sự thay đổi đó là từ đặc tính tập thể lớn tới những đặc tính nhóm nhỏ hơn. Có hai xu hướng được nhận thấy đó là sự chuẩn hoá hơn trong đồ vật giữa các khu mộ và xu hướng phân hoá đồ vật giữa các mộ trong một khu mộ. Những khu mộ Sa Huỳnh càng về sau càng mở rộng quy mô và bề thế hơn. Đây là khu mộ của công xã thị tộc hay công xã láng giềng, câu trả lời khó mà thỏa đáng? Có thể cũng giống như trong văn hoá Đông Sơn, đây là những đơn vị sinh sống, quần cư dựa trên nguyên tắc đậm huyết thống cộng với quan hệ láng giềng ngày càng lớn mạnh [Hà Văn Tấn, 1994, tr. 405].
III.3. Xã hội thời Sơ sử: Phác dựng cấu trúc và quan hệ
III.3.1. Từ dữ liệu nghĩa địa, táng tục, táng thức và đồ tùy táng đến diễn giải văn hóa
Những khu mộ địa rộng lớn và những phức hợp di tích mộ táng cư trú phân bố ở nhiều loại địa hình với những khu tập trung ở các lưu vực sông cho thấy sự hiện diện của những cộng đồng dân cư đông đúc Những mộ địa Sa Huỳnh dù phân bố trên bất kỳ địa hình nào cũng đều chiếm cứ không gian cao ráo, gần đường giao thông/thương và cận kề nơi cư trú. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rông tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều mộ địa tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ điển hình như Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Hoà Diêm... cung cấp cho chúng ta chứng cứ về một dạng xã hội phức hợp phân tầng với sự phân hóa xã hội, địa vị và của cải ở mức độ cao và không kém so với những xã hội đương thời ở khu vực.
Trong nhiều nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu liên quan đến sự hình thành nhà nước sớm và quá trình tiến hoá của tính phức hợp xã hội, một số học giả đặc biệt chú ý đến một số chủng loại di vật đặc biệt như di vật có nguồn gốc ngoại, di vật bằng chất liệu kim loại, thủy tinh, di vật có kích thước lớn như là những chỉ dẫn, dẫn liệu về sự phát triển của tính phức hợp xã hội [Underhill .A., 1996]. Từ quan điểm cho rằng sự thay đổi trong sản xuất và sử dụng hàng hoá có vị trí đáng kể khi đánh giá bản chất của những nhu cầu xã hội và điều cần lưu ý đối với các nhà nghiên cứu là tìm hiểu ý nghĩa của hàng hoá trong bối cảnh lịch sử nhất định, chúng tôi cho rằng, trong di vật văn hoá Sa Huỳnh, có những loại liên quan rất chặt chẽ với cơ cấu và tổ chức xã hội, người Sa Huỳnh đã sử dụng những hàng hoá hay vật dụng chuyên biệt để dung hoá và thể hiện những mối quan hệ xã hội từ thân tộc đến láng giềng. Trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ tập trung phân tích loại di vật chuyên biệt có tính biểu trưng cao, đó là những chum gốm được dùng làm quan tài chôn người chết.
Bản thân chum gốm - quan tài có thể được xem xét từ nhiều khía cạnh, mỗi chum-quan tài hàm chứa nhiều mã số, đặc điểm và giá trị khác nhau. Việc vận chuyển chum-quan tài liên quan đến mối quan hệ ngang bằng hay phân tầng xã hội, thân tộc-láng giềng-thân quen. Từ góc độ giá trị xã hội chum-quan tài là vật biểu thị địa vị kinh tế, có thể phản ánh sự phân hoá xã hội và cấp bậc. Từ góc độ tâm linh, chum-quan tài là nơi chôn giữ xương tro người chết và thể hiện ý tưởng vũ trụ hay tôn giáo [Oestigaard T., 1999, tr. 351). Việc dùng những chum (gốm, đá, gỗ) có kích thước lớn làm quan tài mai táng nếu lý giải từ góc độ tổ chức xã hội cho thấy, ở những xã hội dạng bình quân địa tầng (egalitarian societies) giai đoạn Tiền Sa Huỳnh chưa phát hiện thấy bất cứ hiện vật nào có kích thước lớn, loại thường được các nhà nghiên cứu gắn với biểu tượng về mức độ tổ chức xã hội tập trung và thể hiện quyền lực của người đứng đầu. Trong xã hội dạng phức hợp, phân tầng ví dụ như xã hội kiểu lãnh địa hay tù trưởng quốc, những xã hội có cơ sở tư tưởng dựa trên việc làm nổi bật vị thế của những người đứng đầu bằng những không gian riêng biệt/thiêng hay vật riêng biệt/ thiêng, như cự thạch, kim tự tháp hay đơn giản hơn là những đồ vật có nguồn gốc ngoại, bằng chất liệu quý hiếm hay có kích thứơc lớn. Kích cỡ và chất liệu của quan tài mai táng biểu trưng quyền uy và vị thế của người được chôn trong đó. Để sản xuất ra được những chum gốm lớn này đòi hỏi việc tập trung sức người (quản lý nhân công), thời gian (chuyên hoá sản xuất thủ công và phân công lao động), tiền của (phân hoá của cải và quyền lực) của cộng đồng dành cho một nhóm thiểu số người hay một cá nhân trong một tổ chức xã hội. Việc chuyển biến trong cùng một táng thức từ những mộ nồi nhỏ Tiền Sa Huỳnh đến số lượng không nhiều chum gốm lớn giai đoạn Long Thạnh cuối thời kỳ Tiền Sa Huỳnh và khối lượng lớn chum có kích thước lớn giai đoạn Sa Huỳnh
[6] phần nào cho thấy những chuyển biến trong cấu trúc xã hội từ đơn giản không phân tầng đến phức hợp phân tầng. Sự đa dạng của loại hình chum quan tài song hành cùng sự chuẩn hoá của loại chum hình trụ (có thể thấy sự đồng dạng đến kinh ngạc giữa chum hình trụ An Bang (Hội An, Quảng Nam) với chum Diên An (Diên Khánh, Khánh Hoà). Thời kỳ cuối của văn hoá Sa Huỳnh chúng ta có thể nhận thấy hai xu hướng tưởng như đối lập nhau nhưng trên thực tế lại tương tác hữu cơ với nhau. Đó là xu hướng đa dạng hoá loại hình chum mai táng và xu hướng chuẩn hoá đồ tuỳ táng. Hiện tượng này, một mặt phản ánh quá trình hình thành những liên minh nội vùng và liên vùng, mặt khác sự đa dạng của hiện vật tìm thấy ở những địa điểm khác nhau có niên đại tương đồng và mức độ quy chuẩn của loại hình hiện vật trong một khoảng không gian rộng là những yếu tố cơ bản để nhận diện mức độ phức hợp của cấu trúc xã hội.
III.3.2. Tính chất và vai trò của quan hệ tiếp xúc và trao đổi trong việc hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế - chính trị
Việc trao đổi giữa vùng thượng nguồn với vùng hạ lưu sông (vùng cao với vùng thấp) diễn ra từ thời tiền sử do nhu cầu nội tại của các cộng đồng dân cư. Việc trao đổi này khá phát triển và giữa hai vùng đã có không ít loại hình di vật tương đồng như đồ gốm, rìu đá... Tuy vậy, bản chất của những trao đổi này là lẻ tẻ, tự phát, theo thời vụ và chỉ ở quy mô đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các nhóm cư dân trong vùng.
Trao đổi giữa vùng thấp với vùng cao tăng cường mạnh mẽ trong giai đoạn sơ sử, khi bắt đầu hình thành các lãnh địa với sự phát triển mạng lưới trao đổi nội vùng, liên vùng và ngoại thương. Khi tại các cộng đồng dân cư có những tầng lớp hay thành phần bên cạnh nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng gia dụng từ nguồn sản xuất địa phương theo kiểu tự cung, tự cấp còn cần những hàng quý hiếm hay xa xỉ vào nhiều mục đích kinh tế và phi kinh tế.
Việc trao đổi (nhiều cách thức) với bên ngoài ban đầu chủ yếu với Đông Sơn và Hán và muộn hơn một chút là với Ấn Độ và khu vực. Người Hán với sự bành trướng của mình sang cả phía tây và phía đông nam đã thiết lập trước hết quan hệ thương mại với cư dân bản địa, lúc đầu có thể chỉ giới hạn ở vùng ven biển, đảo ven bờ (Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré...) cửa sông (Hội An), sau đó mở rộng theo mạng lưới sông vào sâu trong nội địa để thiết lập một hệ thống cung cấp/trao đổi các mặt hàng mua và bán.
Sự tiếp xúc và trao đổi này chứng tỏ hai điều quan trọng đối với cư dân Sa Huỳnh (và đối với cả những đối tác của họ là người Đông Sơn và người Hán). Đó là:
i. Xã hội của người Sa Huỳnh lúc đó cũng đủ mềm dẻo để thích ứng với sự hiện diện của ngưòi khác (người Hán, người Đông Sơn) và đủ mạnh để giữ một khoảng cách vừa phải với họ và các mối quan tâm thương mại và lĩnh vực khác của họ trong một thời gian một vài thế kỷ. Nói một cách khác, chắc chắn không phải chỉ có người từ bên ngoài là độc quyền ấn định các điều kiện tiếp xúc và trao đổi
[7];
ii. Sự hiện diện của người từ bên ngoài ở các vùng khác nhau trong cương vực của văn hoá Sa Huỳnh đã tác động mạnh đến sự biến đổi cấu trúc xã hội, kích thích sự hình thành và phát triển của các hình thức xã hội mang tính phức hợp (phân tầng) tại một số khu vực mà trước đó có lẽ chưa thấy rõ. Những thay đổi này đầu tiên ở một số vùng trọng điểm (nút) đã kéo theo những thay đổi ở sâu trong nội địa mà chủ yếu là do việc tìm kiếm và trao đổi nguồn hàng trao đi để đổi lại những hàng hóa xa xỉ và thể hiện thân thế/địa vị xã hội.
Những tiếp xúc và trao đổi với thế giới bên ngoài dẫn đến những thay đổi dần trong phương thức mưu sinh, như có thể từ khai thác lâm thổ sản quy mô nhỏ, lẻ tẻ, tự phát đến quy mô lớn hơn, tập trung và có tổ chức hay lúc đầu thiên về nông nghiệp sau đó đến giai đoạn buôn bán gia tăng... Tất cả những cái đó cùng với những yếu tố khác như môi trường, di dân... đã dẫn đến những thay đổi trong lối sống, sinh hoạt, cơ cấu xã hội. Như vậy, trước những thách thức và sức ép từ bên ngoài các cộng đồng cư dân đã tổ chức lại và điều chỉnh truyền thống.
IV. Kết luận và nhận xét
Trong khoảng ½ thiên niên kỷ (từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN) những cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh chiếm cư hầu khắp các dạng địa hình của miền Trung Việt Nam. Kế thừa những thành tựu của những nền văn hoá Tiền Sa Huỳnh, đặc biệt là cách thích ứng bằng những phương thức/mô hình mưu sinh đa dạng với những điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái, những cộng đồng cư dân này đã mở rộng mạng lưới quan hệ trao đổi nội vùng, liên vùng và quốc tế , gia tăng mức độ ứng dụng và sản xuất công cụ, vũ khí kim loại và phát triển nông nghiệp (trồng lúa nước) để đạt được những thành tựu to lớn tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong đời sống kinh tế, xã hội.
i. Mở rộng không gian sinh tồn - Những di tích văn hoá Sa Huỳnh được phát hiện ở hầu hết mọi địa bàn từ vùng rừng núi đến các đảo ven bờ. Tuy mật độ phân bố các di tích không đồng đều (một phần do tình trạng nghiên cứu chưa hệ thống, một phần do tính chất không thuận tiện cho sinh sống của một số loại địa hình) phản ánh mật độ dân số khác nhau song tại các lưu vực sông lớn số lượng di tích đã phát hiện ngày càng tăng mạnh trong những năm gần đấy cho thấy tại những nơi này đã hình thành những không gian sống lớn tương đương với lãnh địa quy mô lớn hay liên minh giữa các lãnh địa theo mô hình hình cây hay mô hình những vòng tròn xoắn phổ biến ở Đông Nam Á cùng thời. Giữa những cộng đồng cư dân sinh sống trong những ổ sinh thái/văn hoá sông-biển-núi có những mối quan hệ không chỉ đơn giản là kinh tế mà còn là quan hệ chính trị (liên minh tương hỗ hay đối đầu), quan hệ văn hoá.
ii. Quy mô và phạm vi của những cộng đồng dân cư mở rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn Tiền Sa Huỳnh cho thấy sự tăng nhanh và mở rộng mức độ khai thác các nguồn lực tự nhiên và xã hội do sự gia tăng của đồ sắt dẫn đến sự tích luỹ của cải vật chất đẩy mạnh tính phức hợp xã hội . Quy mô những khu mộ địa và sự phân tầng của các mức mộ theo đồ tuỳ táng gia tăng theo thời gian từ sớm đến muộn.
iii. Các ngành nghề thủ công rất phát triển, một số ngành có quy mô sản xuất lớn và chuyên hoá ở mức độ nhất định như sản xuất đồ gốm và luyện kim sắt. Sự tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ của các cộng đồng cư dân kéo theo sự mở rộng và phức tạp hoá mạng lưới trao đổi trong, ngoài. Sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh tính phức hợp xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến sự có mặt của nhiều hàng hoá có nguồn gốc từ bên ngoài. Những ngôi mộ chứa hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ, miền Bắc Việt Nam... phân bố ở nhiều khu vực ở cả địa bàn Bắc và Nam của văn hoá Sa Huỳnh. Tác động ngược lại của những vật mang tính biểu thị địa vị, thân phận này đó là chúng đã góp phần thúc đẩy phân tầng xã hội trong từng lãnh địa và đặc biệt là sự phân hoá giữa các lãnh địa. Hiện vật nhập khẩu và cùng với chúng là những ý tưởng văn hoá-kỹ thuật đã góp phần tạo ra một số chuyển biến cơ cấu giữa các ngành thủ công và trong mỗi ngành. Tất cả những điều này đã tạo ra những thay đổi trong khai thác tìm kiếm nguyên liệu, tổ chức sản xuất và cách thức phân phối sản phẩm (thiết yếu và xa xỉ) trong từng lãnh địa và giữa các lãnh địa.
iv. Trong đời sống tinh thần, chuyển biến rõ nhận thấy nhất là táng thức. Từ những kiểu táng thức mộ nồi nhỏ phân bố lẻ tẻ trong khu cư trú Tiền Sa Huỳnh đến những mộ chum chuyên biệt với những quan tài hình trứng, hình cầu và hình trụ có kích thước lớn của văn hoá Sa Huỳnh. Những khu mộ của từng làng được phân chia nơi chôn cất có nhiều khả năng theo từng dòng họ hay gia đình lớn.
Văn hoá Sa Huỳnh sơ kỳ sắt cho thấy có sự phát triển tương đương với những văn hóa đồng đại khác ở Đông Nam Á như văn hoá Đông Sơn, văn hóa của các cộng đồng cư dân làm nông phát triển ở Thái Lan… Do vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng văn hoá Sa Huiỳnh là cơ sở nền tảng căn bản cho sự hình thành những nhà nước từ đầu Công nguyên.


References
Lê Bá Thảo (1998), Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý, Nxb Thế giới, Hà Nội
Pader, E.J., (1982), Symbolism, Social Relations and the Interpretation of Mortuary Remains. British Archaeological Reports British Series Vol. 82. Oxford: BAR.
Pearson M.P. (2005), The Archaeology of Death and Burial. Texas A & M University Press College Station. United States. Fourth printing.
Trần Quốc Výợng (1998), Việt Nam cái nhìn ðịa - vãn hoá. Nxb VHDT và Tạp chí VHNT. Hà Nội.
Trần Trí Dõi (2003), Bài nghiên cứu in trong Kỷ yếu Hội thảo nghiên cứu và đào tạo về khu vực học do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG tổ chức. Hà Nội.
Fukui Hayao (1999), An Overview: The Scope of the Dry Areas Study. Trong Fukui Hayao (chủ biên). The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment. The Center for Southeast Asian Studies. Kyoto University. March 1999. Tr. 1-15.
Momoki Shiro (1999), A Short Introduction to Cnampa Studies. Trong Fukui Hayao (chủ biên). The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment. The Center for Southeast Asian Studies. Kyoto University. March 1999. Tr. 65-74.
Trần Quốc Vượng (chủ biên), (1985). Những di tích Tiền, Sơ sử ở Quảng Nam –Đà Nẵng. Đà Nẵng.
Glover I., (2009), Sa Huỳnh – A Sociocultural Type. An attempt to develop an interpretative framework for a late prehistoric society drawing on archaeology, ethnography and analogy Bài tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”. Tháng 7.2009. Quảng Ngãi.
Hoàng Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Hảo 2009. Mộ đất văn hóa Sa Huỳnh: Nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Bài tham dự Hội nghị khoa học quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”. Tháng 7.2009. Quảng Ngãi.
Bùi Chí Hoàng, Yamagata Mariko và Nguyễn Kim Dung 2007. Khai quật di tích khảo cổ học Hoà Diêm (Cam Thịnh Đông – Cam Ranh – Khánh Hoà). Bài trình bày trong Hội nghị thông báo Khảo cổ học. Hà Nội, tháng 9 năm 2007.
Nguyễn Chí Trung và Trần Ánh 1999, Di chỉ khu vực I, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. NPHMVKCH năm 1998. NxbKHXH, Hà Nội.
Fox Robert 1970. The Tabon Caves. Archaeological Explorations and Excavations on Palawan Island, Philippines. National Museum. Manila.
The CPAM of Guangzhou and The Municipal Museum of Guangzhou 1981, Excavation of the Han Tombs at Guangzhou (chữ Trung Quốc, có tóm tắt bằng tiếng Anh). Nxb Văn vật, Bắc Kinh.
Koji Mizoguchi 2005 Koji Mizoguchi 2005: Genealogy in the ground: observations of jar burials of the Yayoi period, northern Kyushu, Japan. Antiquity; Jun 2005; 79, 304:316-326.
Lâm Mỹ Dung, Nguyễn Chiều, Hoàng Anh Tuấn 2002, Khai quật chữa cháy Gò Dừa năm 1999 trong 5 năm Nghiên cứu và Đào tạo của Bộ môn Khảo cổ học.. Nxb CTQG Hà Nội : 191-207
Nguyễn Đăng Cường 2005, Báo cáo khai quật địa điểm Hoà Diêm, Cam Ranh, Khánh Hoà. Khoá luận tốt nghiệp cử nhân ngành Lịch sử. Tư liệu Khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học. Hà Nội.
Lâm Thị Mỹ Dung (2007), “Di chỉ cư trú Sa Huỳnh Thôn Tư (Quảng Nam)”, Khảo cổ học (số 6), tr.72- 87
Hà Văn Tấn, Óc Eo – Những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. In trong Văn hóa Óc Eo và các văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Sở VHTT An Giang xuất bản, Long Xuyên, 1984, tr. 230
Underhill, Anne P. 2002. Craft Production and social change in Northern China. Kluwer Academic/Plenum Publishers. New York.
Terje Oestigaard 1999. Cremation as Transformations: When: The Dual Cultural Hypothesis was Cremated and Carried aways in Urns. European Journal Of Archaeology 2, 345.
http://www.sagepublications.com.
Lâm Thị Mỹ Dung 2008, Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang sơ kỳ lịch sử ở miền trung Trung bộ và nam Trung bộ Việt Nam, Đề tài khoa học trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (mã số QG.06.07). Tư liệu Bảo tàng Nhân học, trường ĐHKHXH & NV. Hà Nội.
Hoàng Thúy Quỳnh 2008. Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh. Luận văn thạc sĩ lịch sử, Tư liệu Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội.
Cầm Trọng, ( 1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội.
Phạm Thị Ninh, (2005), Báo cáo kết quả khai quật lần thứ hai di chỉ Suối Chình. Tư liệu Thư viện Viện KCH. Hà Nội.
Reinecke Andreas, Nguyễn Chiều và Lâm Thị Mỹ Dung 2002. Gò Mả Vôi-Những phát hiện mới về văn hoá Sa Huỳnh. LINDEN SOFT. Koln.




[1] Thời Sơ sử về cơ bản ứng với thời gian tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh Sơ kỳ sắt từ thế kỷ 5TCN đến thế kỷ 2,3 SCN.
[2] Bãi Cọi (thuộc xóm 1, thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khai quật cuối năm 2008 và đầu năm 2009, trên tổng diện tích 164,2m2, bên cạnh những ngôi mộ đất đã phát hiện 01 ngôi mộ chum hình trái đào, đáy bằng, được đặt nằm nghiêng theo hướng tây - đông, miệng chum được úp một chiếc nắp nón cụt; và một ngôi mộ bình gồm một chiếc bình vai gãy được chôn thẳng đứng và có một chiếc nồi vai xuôi úp khít lên được coi là loại hình táng thức tiêu biểu của cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung. Bên cạnh đó, các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn tìm thấy một chiếc khuyên tai 3 mấu màu xanh ngọc có chiều dài 3,5 cm và bề dày 2 cm, cũng được coi là loại hình hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.
[3] Hai địa điểm này do M.Colani thông báo từ năm 1935. Tuy vậy, theo khảo sát năm 1997 của Lê Duy Sơn và Andreas Reinecke thì có lẽ những chum gốm đó thuộc giai đoạn muộn hơn.
[4] Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bảo tàng Quảng Nam ít nhất 04 đến 05 địa điểm mộ chum văn hóa Sa Huỳnh đã được xác định.
[5] Trong nghiên cứu cấu trúc mộ táng Sa Huỳnh có thể sử dụng những tài liệu dân tộc học so sánh từ một số tộc người ở Đông Nam Á và Việt Nam. Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam mỗi bản đều có một khu đất chuyên dùng gọi là “rừng ma” dùng để chôn cất người chết. Đây phần lớn là những khu rừng già, nhiều cây cổ thụ. Việc chôn cất theo từng khu, mỗi khu là của một gia đình lớn “đẳm”, đây là dạng gia đình gồm những anh em chung một đời ông sống trong một nhà sàn lớn [Cầm Trọng, 1978, tr. 294). Người Mường và nhiều tộc ít người khác ở Việt Nam cũng có những vùng đất riêng thiêng dành cho người chết.
[6] Có thể so sánh công việc chôn gốm quan tài lớn với việc dựng cự thạch. Cả hai việc này bao gồm rất nhiều công đoạn từ lúc khai thác nguyên liệu, chuyên chở nguyên liệu, quy trình sản xuất, chuyên chở sản phẩm, chôn, dựng, đãi tiệc, hội hè...
[7] Có thể trong văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt ở giai đoạn muộn đã tồn tại những kiểu xã hội mà I. Glover gọi sociocultural type (kiểu xã hội văn hóa) tức là xã hội pasisir (theo tài liệu dân tộc học lịch sử ở Đông Nam Á) có xu hướng thương mại và những xã hội đó đã lập ra những cảng biển lớn nối những vương quốc nội địa với những cộng đồng bộ tộc bên ngoài (societies commercial orientation and some established great trading entrepôts linking and interior kingdoms and tribal societies to the outside world) [ Glover. I., 2009].


Abstract

Social archaeological and burial archaeological approaches in case studies on Central Vietnam during protohistorical period.
“The history of death is at least as complicated as the history of life” (Cannadine 1981: 242)
Key worlds: Central Vietnam, Social Complexity, Social structure, Cultural diversity, Early state, Proto - history

Archaeological records on burial and residence in Central Vietnam during the period from the 5th century BC to AD 5th century reflect various aspects of social development in both material and spiritual terms. It includes changes in social structure and relations in each resident community, their diverse and irregular development, the relationships within, between and outside these communities on both temporal and spatial axes.
Most studies on Sa Huynh culture have rarely discussed issues regarding the nature and causes of social evolution (i.e. the growing process of social composition). Therefore, many issues on the process of early state formation and socio-economic changes during early historical periods have only been hypothesized through examining ancient records.
Employing New Archaeology’s theories and methodologies (specifically social archaeology and burial archaeology), this research provides interpretations on the nature and causes of the growth of social composition, which closely associates with the formation of early state forms within a particular context (Central Vietnam).
Our sources of literature are diverse and benefit from the organic and close association between archaeology, ethnological archaeology and ancient records (physical and written materials).
Level of comparative study: Locating Central Vietnam within a wider context to examine the generality and particularity of the growing process of social composition, which results in the formation of state-form regimes. Particular historical characteristics of Southeast Asia, such as uneven population density, modest demography, distinct blood relationships, the parallel of social relations in vertical terms (stratification) and horizontal terms (network), as well as great cultural diversity, etc. will all be appropriately examined in this research.
The article consists of two main sections
Section I. Literature review draws on documentations on burial and residence in protohistorical Central Vietnam which have been accumulated to date.
Section II. Interprets literature through the employment of social archaeological and burial archaeological methodologies.



Lâm Thị Mỹ Dung

2 nhận xét: