Giải nghĩa lịch sử
Jorn Rusen
Lê Hải dịch và chú thích
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14651&rb=0302
Giới thiệu: Giáo sư người Đức Jorn Rusen hiện đang là một trong số những lý thuyết gia sử học hàng đầu thế giới, thuộc trào lưu những người viết sử sau giai đoạn mà Francis Fukuyama và nhiều người khác mô tả là lịch sử đã cáo chung. Hiện đang là chủ tịch Viện Nghiên cứu Cao cấp về Các khoa học Nhân văn (Institute for Advanced Studies in the Humanities) ở Essen, ông cũng đồng thời là người khởi xướng và biên tập cho loạt sách [1] nghiên cứu lịch sử thế giới theo nhân sinh quan mới, bắt đầu từ năm 2002, mà đến nay – mùa Thu năm 2008 – tập sách thứ 11 vừa được xuất bản. Bản gốc tiếng Anh của bản dịch này là lời tựa cho tất cả các tập sách được xuất bản trong series này, cũng có thể coi là tuyên ngôn cho một hệ tư tưởng đang ngày càng phổ biến trong làng sử gia phương Tây.
Giai đoạn bắt đầu của thế kỷ 21 cũng là lúc khái niệm “lịch sử” chuyển tải những nội dung trái ngược nhau trong tư duy. Từ một phía, 10–15 năm qua ghi nhận rất nhiều lời tuyên bố là lịch sử đã cáo chung [2] . Khi nói đến những thay đổi về cơ bản của diễn biến chính trị toàn cầu trong hai năm 1989–1990, hay về hậu hiện đại, hoặc thách thức đối với vai trò áp đảo của phương Tây từ phía xu hướng phản thuộc địa và đa văn hóa, “lịch sử”, như chúng ta từng biết theo truyền thống phương Tây, bị tuyên bố đã chết, đã lạc hậu, đã bị vượt qua, và đã đến hồi kết thúc. Từ phía còn lại, có cả một làn sóng toàn cầu của những khám phá về mặt học thuật trong các lĩnh vực có thể coi là “mang tính lịch sử” một cách tự nhiên: quá trình xây dựng bản sắc cá nhân và bản sắc tập thể [3] thông qua ký ức; ứng dụng và chức năng trong văn hóa, xã hội và chính trị của “phép kể quá khứ”; cùng các kết cấu tâm lý của ghi nhớ, ức chế và hồi tưởng [4] . Ngay cả các ngành học có vẻ như kêu gọi “kết thúc lịch sử” (toàn cầu hóa, chủ nghĩa hậu hiện đại, tư tưởng đa văn hóa) cũng nhanh chóng biến thành hiện tượng “lịch sử” rất tự nhiên. Hơn vậy, “lịch sử” và “ký ức lịch sử” còn xâm nhập không gian văn hóa đại chúng (từ các kênh truyền hình chuyên về lịch sử cho đến phim Hollywood). Chúng trở thành những yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết trong các cuộc tranh luận đại chúng và đàm phán chính trị (ví dụ các bàn cãi về dư âm của cuộc chiến ở Nam Tư cũ, hay thảo luận về quá trình thống nhất châu Ấu hoặc những di sản từ các chế độ toàn trị). Nói cách khác, hơn bao giờ hết từ sau ngày “lịch sử” bị khai tử, “các vấn đề lịch sử” có vẻ như đang quay lại báo thù. Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đòi hỏi phải có một hướng đi mới, hoặc ít nhất là một thể hiện mới về mặt lý thuyết. Hơn vậy, nó đòi hỏi phải có một hệ thống lý thuyết mới cho ngành sử học. Lý thuyết này không chỉ dành riêng cho một phân ngành bên trong ngành sử, cũng không phải là một tập hợp có hệ thống các định nghĩa, “qui luật” và luật lệ có giá trị phổ quát. Điều cần thiết là một ngành học đa ngành và liên văn hóa. Ngay tại thời điểm mà lịch sử bị tuyên bố là “đã qua”, cái ngay lập tức kết thúc chính là lý thuyết lịch sử. Phê bình theo phương pháp nhiều chiều (deconstruction) của Hayden White [5] đối với trường phái kể chuyện của các sử gia trong thế kỷ 19 có thể được coi là lời cuối cho lý thuyết lịch sử – khi mà lời phê bình cho tuyên bố của ngành về tính hợp lý đã đặt ra điểm kết thúc cho ý thức hợp lý của ngành; vì phê bình đó không phải là ý thức hợp lý theo luật nhân quả (rational self-reflection). Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1980s, “nghiên cứu mang tính phê phán về ký ức lịch sử” bắt đầu nhân rộng bên trong ngành lý thuyết lịch sử [6] . Nhưng mà bên trong phân ngành này người ta bỏ sót vấn đề là bất kỳ khảo sát nào vào ký ức lịch sử trong bối cảnh văn hóa khác nhau đều không chỉ là nghiên cứu mang tính đột phá, mà còn là viên gạch cho cả một lý thuyết bao quát hơn trong lịch sử. Bất kỳ phân tích nào đối với dù ngay cả một tình trạng đơn giản của ký ức lịch sử cũng không thoát khỏi các vấn đề thuộc về về lý thuyết và triết học cho môn lịch sử [7] . Và ngược lại: các tư duy trừu tượng nhất của các triết gia sử học cũng ngay lập tức gặp phải một phản ví dụ tự nhiên nhất trong quá trình ghi nhớ (ví dụ, khi cha mẹ kể lại các trải nghiệm trong quá khứ cho con cái nghe, hay khi một cộng đồng dân gốc Phi châu nhớ lại thời thuộc địa và công cuộc giải phóng). Cho đến khi nào chúng ta không công nhận mối liên hệ tự nhiên giữa lý thuyết lịch sử rắc rối nhất và các vận hành của ký ức lịch sử ẩn thân sâu nhất trong văn hóa và cuộc sống hàng ngày của con người, chúng ta sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong tư duy tuyến tính, vốn coi biến thể văn hóa của ký ức chỉ đơn giản là các đối tượng lý thú cho nghiên cứu hơn là nhận ra đó như là các ví dụ “làm thế nào để giải nghĩa lịch sử”. Bộ sách Making Sense of History đặt mục tiêu làm cầu nối bắc qua khoảng trống giữa lý thuyết lịch sử và các nghiên cứu về ký ức lịch sử. Đóng góp trong đó là hầu hết các ngành học về văn hóa và xã hội, khai phá một phạm vi rộng lớn các hiện tượng thuộc về một lãnh vực có thể đặt tên là “giải nghĩa lịch sử” (Historische Sinnbildung). Bộ sách không chỉ vượt ranh giới giữa các ngành học, mà còn giữa các nền văn hóa, xã hội, chính trị và lịch sử bao quanh đó. Thay vì giản lược ký ức lịch sử xuống thành một dạng mới nào đó của ngành “cấu trúc thực tế” xã hội hay văn hóa, đóng góp của bộ sách chính là soi sáng các hiện tượng cụ thể trong ký ức lịch sử: tìm cách diễn giải chúng như các ca nghiên cứu trong ngành nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm đang dần hình thành để “giải nghĩa lịch sử”. Theo trục chung đó, các bài luận lý thuyết không chỉ muốn thiết lập một hệ thống lý thuyết và phương pháp mới trong nghiên cứu lịch sử, mà còn đưa ra các cách nhìn so sánh, liên ngành, và liên văn hóa nhằm giúp thông hiểu cái có thể gọi là “công trình toàn cầu về ký ức lịch sử”. Công việc này không đòi hỏi phải loại trừ các đánh giá phê bình đối với chức năng làm công cụ cho hệ tư tưởng của ký ức lịch sử, nhưng mục tiêu chính của bộ sách không phải là đi tìm các hệ tưởng hay định nghĩa chính trị, cũng không phải là phương pháp luận tách rời hệ tư tưởng về “giải nghĩa lịch sử”. Nói cách khác, bộ sách có ý định nghiên cứu các hoạt động văn hóa liên quan tới quá trình tạo ra nghĩa cho lịch sử trong vai trò một thể đặc biệt quan trọng của suy nghĩ và hành động của con người, một ngành học có thể đóng góp vào các loại hình thông hiểu qua lại mới. Trong thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng, mà chủ yếu thể hiện trên bình diện kinh tế và chính trị (và rất ít trên bình diện văn hóa) thì việc xây dựng các dạng thức như vậy là nhiệm vụ khẩn cấp. Sử gia, chuyên gia nhân học, triết gia, các nhà xã hội học, tâm lý học và lý thuyết gia văn chương, cũng như các chuyên gia trong những ngành như truyền thông và nghiên cứu văn hóa [8] , cùng nhau khám phá các vấn đề như sau: Cái gì tạo ra “ý” (sense) và “nghĩa” (meaning) cho lịch sử? Trong những nền văn hóa khác nhau thì các khái niệm về “thời gian” (time) giữ vai trò tiềm ẩn như thế nào? Dạng đặc biệt nào của “nhân sinh quan” (perception) chuyên chở các khái niệm đó và liên quan với những vấn đề chung nào? Đâu là phương pháp thường dùng nhất để diễn tả ý nghĩa lịch sử? Rộng khắp từ các quan điểm chung cho đến lập luận lý thuyết cho các ca nghiên cứu, các bài viết đề cập tới rất nhiều vấn đề liên quan tới câu hỏi về “ý nghĩa lịch sử”, bao gồm các đề tài như bản sắc tập thể, tâm lý và phân tâm học của ký ức lịch sử, hay không gian liên văn hóa của tư duy lịch sử. Nói chung, các bài viết đều thể hiện rằng ký ức lịch sử không phải là chức năng riêng biệt của các hoạt động văn hóa mà con người dùng để thể hiện chính mình trong thế giới họ sinh ra, mà các ký ức đó còn bao gồm những ngành nghiên cứu đặc biệt trong tư duy đương đại của đời sống con người. Các ngành này xét quá trình tâm lý nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai từng được phương Tây tổng quát hóa và thể chế hóa, được coi là các phạm trù đặc biệt trong văn hóa mà chúng ta gọi là “lịch sử”. Trong số các khả năng đặc biệt của con người như tư duy, hành động, và đau khổ đòi hỏi phải có “tư duy lịch sử” đặc biệt gồm có (1) quá trình xây dựng và duy trì bản sắc tập thể, (2) quá trình tái xây dựng qui luật tư duy sau thảm họa và các sự kiện hủy diệt hàng loạt, (3) thách thức phải tạo ra qui luật tư duy được thể hiện bởi, và thông qua quá trình đối đầu với các nhóm cực đoan khác, và (4) kinh nghiệm chung về thay đổi và thỏa hiệp. Theo đúng mục tiêu chung của bộ sách Making Sense of History là mô tả một khu vực nghiên cứu liên ngành mới (chứ không phải đưa ra một lý thuyết riêng), các tập sách được thiết kế không phải nhằm để tạo ra các khu vực chung và chức năng của quá trình ghi nhớ lịch sử như khởi đầu cho một cách tiếp cận mới cho ngành sử ký; thay vào đó, khai phá các khu vực này trong tư cách các nhánh nhỏ của ngành nghiên cứu “các nền văn hóa sử”. Ví dụ như một điểm tập trung là phạm trù bản sắc tập thể (collective identity). Các quan điểm lý thuyết và vấn đề phổ quát được xem xét đặc biệt trong mối quan hệ qua lại với bản sắc, với cái khác (otherness) và tính đại diện. Cùng lúc, các ca nghiên cứu về quá trình hình thành bản sắc giới tính (đặc biệt là với phụ nữ), về bản sắc sắc tộc, và các loại hình khác nhau cùng sân khấu chính trị của bản sắc dân tộc cũng được được đính kèm. Các bài luận về vấn đề này sẽ nhằm mục tiêu chỉ ra rằng bất kỳ khái niệm nào về “bản sắc” như đang bị tách rời khỏi biến đổi lịch sử không chỉ kéo theo các vấn đề về lý thuyết, mà còn bỏ qua thực tế là đa số các dạng hiện đại của bản sắc tập thể bao gồm khả năng tự chuyển đổi theo thời gian. Do vậy, các bài luận sẽ không coi bản sắc là công cụ để phân biệt, mà là một “hoạt động” văn hóa cụ thể đang diễn ra của sự khác biệt. Mục tiêu sẽ là chứng minh khả năng sản sinh của “ý nghĩa” là điểm khởi đầu cho nhận thức luận, cũng như chính nó là một khu vực nghiên cứu lý thuyết và thực hành. Một số tập sách sẽ tập trung vào quá trình hình thành “thời gian” [9] và “lịch sử” trong tâm lý, phân tích mối liên hệ qua lại giữa ký ức, đạo đức và tính nguyên bản trong các loại hình khác nhau của câu chuyện lịch sử hay hồi ký. Các thành quả từ những nghiên cứu tâm lý thực hành (về sự phát triển của nhận thức hiện tại và lịch sử ở trẻ em, hay cơ chế tâm lý của quá trình tái dựng các kinh nghiệm trong quá khứ) sẽ được thảo luận trong ánh sáng của các nỗ lực muốn phác thảo một lý thuyết tâm lý cho khái niệm nhận thức lịch sử quanh phạm trù “cốt truyện” và “cấu trúc kể chuyện của thời gian lịch sử”. Một tập sách đặc biệt sẽ dành cho các tiếp cận từ môn phân tâm học để nghiên cứu ký ức lịch sử, xét lại các tranh cãi trước đây về mối quan hệ giữa phân tâm học và lịch sử, cũng như giới thiệu các công trình nghiên cứu gần đây. Thay vì chỉ đơn giản đưa ra một số góc nhìn từ ngành phân tâm học, vốn có nhiều khả năng được tiếp nhận và vận dụng trong một số khu vực của ngành nghiên cứu lịch sử, tập sách này cũng sẽ kết hợp các nhân sinh quan lịch sử với phân tâm học, chẳng hạn như khám phá ngay chính lịch sử của ngành phân tâm học, cũng như không gian “nhận thức” tiềm ẩn và chuyển giao các vấn đề khoa học và phi khoa học của ký ức lịch sử. Hơn vậy, tập sách cũng sẽ nhấn mạnh đặc biệt đến các dạng thức tổng quát hóa vượt ranh giới (transgenerational) của trí nhớ, về phạm trù của vết thương lòng như khái niệm then chốt trong ngành này, và về các ca nghiên cứu có thể mở hướng cho nhiều nghiên cứu mới. Trong kế hoạch sẽ có một tập hợp các bài viết tập trung đặc biệt vào không gian liên văn hóa của tư duy lịch sử, khái quát hóa các nền văn hóa sử học từ Ai Cập cổ đại cho đến Nhật Bản hiện đại. Với quan điểm khuyến khích nghiên cứu so sánh, tập sách sẽ gồm những bài luận tổng hợp và các ca nghiên cứu được soạn thảo nhằm đưa ra các diễn giải so sánh trên cơ sở các tài liệu cụ thể, cũng như khả năng áp dụng hệ thống lý thuyết đó vào các so sánh mới. Dưới ánh sáng của các thành tựu hiện tại của hệ thống quan điểm thế giới xoay quanh vấn đề sắc tộc (ethnocentrism), tập sách này sẽ tập trung vào câu hỏi là các nghiên cứu văn hóa và xã hội sẽ phản ứng như thế nào trước thách thức này. Mục tiêu sẽ là phản biện lại lối tư duy lấy sắc tộc làm trung tâm bằng cách bắc cầu cho khoảng trống hiện nay giữa quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng – thể hiện qua tăng trưởng hơn bao giờ hết về mức độ lệ thuộc kinh tế và chính trị giữa các quốc gia và các châu lục – và mức tăng trưởng tương tự theo chiều thiếu hụt mối thông hiểu qua lại giữa các thể chế văn hóa. Các bài luận sẽ cố gắng chỉ ra sự cần thiết phải liên lạc liên văn hóa [10] cả về cơ sở chung của nhiều nền văn hóa sử, lẫn sự khác biệt giữa chúng. Sự liên lạc này có vẻ không chỉ là có thể, mà còn điều kiện cần đầu tiên cho bất kỳ phép thử nào muốn giảm bớt khoảng cách văn hóa trên bình diện chính trị, bất kể là giữa các quốc gia hay bên trong các xã hội ngày càng đa văn hóa mà chúng ta đang sống. Điểm nhấn đặc biệt của bộ sách về vấn đề khác biệt văn hóa và liên lạc liên văn hóa thể hiện ý đồ của nhóm biên tập muốn vượt khỏi các mối quan tâm nằm trong định chế khoa học. Vấn đề liên lạc liên văn hóa là một thách thức lớn, và cũn là hi vọng lớn cho một công trình nhắm tới một hệ thống lý thuyết chung cho hiện tượng chung về “nhớ lại quá khứ”. Mặc dù trên thực tế “khác biệt văn hóa” từng là cụm từ thường gặp trong thập niên 1990s, đề tài này vẫn còn chứa đựng một mâu thuẫn cũng tương tự như tình hình hiện nay của phạm trù “lịch sử”. Các nước đã công nghiệp hóa gần đây tăng cường can thiệp chính trị và kinh tế vào nghị trình của phần còn lại của thế giới. Về phía mình, các nước đang phát triển cùng các nước cựu hoặc đang cộng sản phải nhận ngày càng nhiều (có lúc bắt buộc) các cơ cấu chính trị và kinh tế hiện đại. Vậy mà quá trình tạm gọi là hữu nghị qua lại trên bình diện chính trị và kinh tế lại đi kèm với mức độ thiếu kiến thức đáng kể, hay thậm chí thiếu cả sự quan tâm, về bối cảnh lịch sử và văn hóa của các quốc gia liên quan. Cho nên, các dạng chính thức đang tồn tại về liên lạc liên văn hóa, vốn thường bị đòi hỏi trong các bàn cãi của dư luận, lại thiếu đúng cái “văn hóa” trong đó, khiến đề tài và các vấn đề được phân tích trong bộ sách này (bản sắc, ký ức, hoạt động văn hóa, lịch sử, tôn giáo, triết học, văn học) nằm ngoài cái đang được liên lạc một cách rõ ràng – như thể các vấn đề đó không ảnh hưởng đáng kể tới các nghị trình chính trị và kinh tế. Tuy vậy, nhìn từ phía còn lại, các tiếp cận phổ biến từ phía các lý thuyết gia trong ngành văn hóa và những triết gia thuộc trường phái phê bình ở phương Tây thường cho rằng nói chung không thể liên lạc liên văn hóa trên một mặt bằng chung về “bản sắc văn hóa” – đặt cơ sở trên giả thiết là không tồn tại một mặt bằng chung như vậy (hiện thực hóa khái niệm “khác biệt”) – hoặc chính trị hóa các khác biệt văn hóa theo cách mà chúng bị hạ thấp xuống mức thuần túy vật chất nhằm xây dựng các vị trí cho đối tượng văn hóa. Mặc dù các hiểu biết tự thân được coi là “phê bình”, các tiếp cận khoa học này lộ ra là có tương ứng với quá trình loại trừ “văn hóa” trên bình diện trao đổi chính trị và kinh tế giữa các quốc gia. Do vậy, lý thuyết về văn hóa có lẽ phản ứng lại quá trình loại trừ văn hóa bằng cách loại trừ chính mình. Bộ sách Making Sense of History này có ý định đối phó với quá trình loại trừ đó bằng cách đưa ra một phương pháp nghiên cứu văn hóa mà trong đó khái niệm “văn hóa” được coi trọng đặc biệt mà không hòa tan nó vào nền chính trị bản sắc hay quá trình hiện thức hóa khái niệm cho rằng không thể bắc cầu cho “các khác biệt”. Cùng lúc công trình cũng nhằm mục tiêu tái giới thiệu phạm trù “lý thuyết lịch sử” không còn tách rời ra khỏi ký ức lịch sử và quá trình ghi nhớ như các hoạt động văn hóa cụ thể nữa, mà tìm cách khám phá các hoạt động đó, diễn giải chúng như các mối nối khác nhau của một nỗ lực toàn diện (nếu đa dạng) để “giải nghĩa lịch sử”. Do đó, bộ sách Making Sense of History cho rằng mỗi đóng góp khoa học cho vấn đề liên lạc liên văn hóa cần mở cửa trở lại với các đối thoại khoa học vào chính bản chất lịch sử (historicity) và bối cảnh văn hóa, cũng như các kiến thức mới về những hoạt động văn hóa khác, nhưng không mang tính hàn lâm, về “hình thành ý nghĩa” như các hình thức cũng quan trọng đối với tư duy của con người (human orientation) và quá trình tự hiểu về bản thân (các hoạt động mà chức năng chung của nó cũng không khác bao nhiêu so với các đóng góp của chính các tư tưởng khoa học). Dạng tuyên ngôn mới cho các thảo luận khoa học hiện đại thể hiện trong nhiều bối cảnh văn hóa, với ý định đặt điểm khởi đầu cho liên lạc liên văn hóa, là một công việc không thể đáp ứng toàn bộ, hay thậm chí chỉ phác thảo, trong một bộ sách vài quyển. Vì vậy, bộ sách Making Sense of History nên được coi là phép thử đầu tiên để vẽ ra lãnh vực nghiên cứu phù hợp với các ý định chung vừa kể: ngành học của “các nền văn hóa lịch sử”. Ý tưởng cho bộ sách này được hình thành trong quá trình nghiên cứu dự án có tên “Giải nghĩa lịch sử: Nghiên cứu liên ngành trong kết cấu học, logic và chức năng của nhận thức lịch sử – Phép so sánh liên văn hóa”, vốn đã kết thúc thành công. Dự án này được thực hiện ở Trung tâm nghiên cứu liên ngành (Zentrum fur interdisziplinare Forschung; ZiF) của Đại học Bielefeld, Đức, trong hai năm 1994–1995. Công trình được giúp đỡ một phần từ Viện nghiên cứu cao cấp về nhân loại ở Essen, thuộc trung tâm khoa học mang tên Northrhine Westfalia (Kulturwissenschaftliches Institut Essen; KWI). Công trình bao gồm một loạt các hội thảo và nhóm thảo luận. Các luận văn được chọn lọc tạo thành sườn chính cho các tập sách trong bộ sách này. Công việc phân loại, biên tập và hoàn chỉnh các bộ sách mất nhiều thời gian mà tập đầu tiên (bản tiếng Anh) vừa được xuất bản năm 2002. Cuộc tranh luận đang tiếp diễn trong ngành nhân văn về các cơ sở của nó và đặc biệt là về vai trò và chức năng của lịch sử không hề thay đổi đã xác nhận tâm điểm của bộ sách là đã đặt ra những vấn đề cơ bản trong cách giải nghĩa của tư duy lịch sử [11] . Bản tiếng Việt © 2008 talawas
[1]Do NXB Bergahn Books xuất bản, trang bìa và giới thiệu sơ lược được trình bày trên trang mạng http://www.berghahnbooks.com/series.php?pg=maki_sens >[2]Nổi bật nhất là quan điểm của triết gia Mỹ gốc Nhật Francis Fukuyama, được trình bày đầu tiên qua essay mang tên The End of History? đăng trên tạp chí chính trị quốc tế The National Interest năm 1989 và sau đó xây dựng lên thành tập sách xuất bản năm 1992: The End of History and the Last Man. Hệ thống lý luận của Fukuyama được nối tiếp từ nền tảng triết học Friedrich Hegel.[3]Mời đọc thêm bài phân tích về mối quan hệ giữa bản sắc cá nhân và bản sắc tập thể từ góc nhìn xã hội học của Jerzy Szacki, Lê Hải dịch: “Bản sắc tập thể hay Bản sắc xã hội của cá nhân”.[4]Trào lưu này của các sử gia Hoa Kỳ cũng có thể dễ dàng ghi nhận qua làn sóng bùng nổ các tập sách giải nghĩa lại lịch sử Việt Nam, đơn cử như: Mark Bradley và Marilyn Young biên tập (2008) Making Sense of the Vietnam wars: Local, National and Transnational Perspectives NXB ĐH Oxford; Hồ Tài Huệ Tâm biên tập (2001) The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam NXB ĐH California; Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid biên tập (2006) Vietnam: Borderless Histories NXB ĐH Wisconsin; Duncan McCargo biên tập (2004) Rethingking Vietnam: State, party and political change in Vietnam NXB Routledge... Có thể coi tuyên bố của Keith Taylor (phần nào được giải thích qua bài phỏng vấn dành cho đài BBC, được lưu ở địa chỉ Internet http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2003/09/030912_keithtaylor.shtml) là cột mốc ghi nhận bước ngoặt về lý thuyết sử học khi từ bỏ cách nhìn bản sắc thống nhất mà ông đã từng trình bày trong tập sách (1991) The Birth of Vietnam, NXB ĐH California, hay các sử gia chuyên về Việt Nam cùng thời như David Marr, Emile Durkheim và D.R.Sardesai. Nếu trước kia bản sắc tập thể (bản sắc dân tộc) là một điểm qui chiếu không đổi cho sử gia thì nay bản sắc cũng là một thay đổi mang tính lịch sử theo chiều thời gian, và bản sắc cũng không còn là một khối đơn vị, tự thân tạo thành từ nhiều thành phần khác nhau (ví dụ như phân tích của Amin Maalouf) và mang tính chất khác nhau khi đi từ tầm xã hội xuống từng tập thể và mỗi cá nhân (ví dụ như phân tích của Jerzy Szacki).[5]Lý thuyết gia sử học chịu nhiều ảnh hưởng của phép duy vật biện chứng lịch sử, hiện là giáo sư của ĐH Stanford và ĐH California ở Santa Cruz. GS Hayden White nhận thấy lịch sử luôn là một kịch bản được dựng lại, ít nhiều theo một trong bốn loại hình: chuyện tình, truyện châm biếm, hài kịch và bi kịch. Sử gia không chỉ là người tìm hiểu quá khứ mà còn phần nào tạo dựng ra lịch sử theo một trong bốn hệ tư tưởng được chấp nhận: bảo thủ, tự do, cực đoan và vô chính phủ.[6]Ví dụ như công trình của sử gia Mác-xít Eric Hobsbawm, viết theo ký ức cá nhân hoặc từ góc nhìn không lấy phương Tây làm trung tâm – showFile.php?res=12616&rb=0302[7]Ký ức (memory) là phạm trù đang là tâm điểm tranh cãi và được tìm giải pháp lý thuyết từ nhiều ngành học cùng lúc: triết học, khoa học nhận thức, tâm lý học, nhân học, văn chương, chính trị và xã hội học, cùng các ngành nhỏ và các liên ngành hình thành trong quá trình nghiên cứu một trường hợp cụ thể.[8]Cultural studies: tên ngành học do lý thuyết gia Mác-xít Stuart Hall thành lập ở Anh trong thập niên 1970s và nhanh chóng phát triển trên thế giới, nghên cứu truyền thông và xã hội qua mô hình ngữ pháp và mối quan hệ ngữ nghĩa cùng cốt truyện: showFile.php?res=12761&rb=0104[9]Thời gian không đơn giản là một trục tuyến tính mà trong các ngành khoa học xã hội còn được chia ra thành nhiều dạng thức khác nhau. Ví dụ đơn giản có thời gian thực mà mỗi người sống theo nhịp của môi trường tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, mùa màng... và thời gian do các nghi lễ qui định, du nhập qua tôn giáo hay từ nền văn hóa khác như lịch Tây, đồng hồ và chuông nhà thờ, rằm, Tết và lễ Phật Đản. Thời gian cũng có thể được ghi nhận hoặc thể hiện qua không gian (ví dụ như các công trình xây dựng nối tiếp nhau qua năm tháng), vật chất (ví dụ như thay đổi về chất và lượng của cùng một mặt hàng) hoặc phức tạp hơn là qua cách sắp xếp trình tự (ví dụ theo cốt truyện, theo nhân vật, sự kiện, hay theo thứ tự nào khác) trong ký ức của mỗi cá nhân, hay trong ký ức tập thể được 'vật thể hóa' qua các hoạt động văn hóa như lễ hội. Ví dụ lịch sử hiện đại và hậu hiện đại của Việt Nam đang được một số trường phái ghi nhận thông qua chiều tâm linh, đơn cử như các công trình của: Kwon Heon-ik (2008) Ghosts of War in Vietnam, NXB ĐH Cambridge; Shaun Malarney (2002) Culture, Ritual and Revolution in Vietnam, NXB ĐN Hawaii; Đỗ Thiện (2003) Vietnam Supernaturalism: Views from the Southern Region, NXB Routledge; Nguyễn Thị Hiền và Karen Fjelstad biên tập (2006) Possessed by the Spirits: Mediumship in Contemporary Vietnamese Communities, SEAP; Philip Taylor (2007) Modernity and Re-enchantment: Religion in Post-revolutionary Vietnam, ISAS...[10]‘Intercultural communication’ trong nguyên bản tiếng Anh, là tên của một trường phái trong khoa học và cũng là một chuyên ngành nhỏ, có lúc còn được gọi là cross-cultural communication, ghi nhận và nghiên cứu sự thay đổi khi thông tin được dịch chuyển từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Có thể lấy ví dụ cụ thể như các hệ giá trị, khái niệm và tư tưởng phương Tây khi du nhập vào Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 thường rất khác so với bản gốc vì đã qua hai lần chuyển dịch qua trung gian tiếng (văn hóa) Hán hoặc Nhật. Trong phạm vi bài viết này tác giả muốn đề cập đến độ rơ giữa các khái niệm và hệ thống lý luận cơ sở cùng văn hóa làm nền tảng cho nó, khác nhau không chỉ giữa các quốc gia cùng là phương Tây mà còn có lúc giữa các trường đại học nằm ở các vùng khác nhau trong cùng một quốc gia, những cơ sở khiến người ta hiểu khác nhau khi đề cập tới cùng một khái niệm như lịch sử.[11]Tiếp theo là một paragraph cám ơn những người đã đóng góp vào bộ sách, có chỉnh sửa tùy theo mỗi tập sách. Nội dung trong tập thứ ba cùng biên tập với Jurgen Straub như sau: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với các nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành tại Đại học Bielefeld, cũng như nhân viên của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Các khoa học Nhân văn ở Essen. Tôi cũng muốn cám ơn các biên tập và đồng biên tập của từng tập sách trong bộ sách này, và tất nhiên là tất cả những ai đã đóng góp nỗ lực cùng kiên nhẫn để hoàn thành nó. Cuối cùng, tôi muốn cám ơn bà Angelika Wulff đã giúp quản lý điều hành, và vợ tôi, Inge, đã ủng hộ nhiệt tình bằng cách giúp biên tập bài viết của tôi.” Tập sách thứ 11 về cách diễn tả quốc gia qua lịch sử, truyền thông và nghệ thuật đang được xuất bản vào mùa thu năm nay.
Nguồn: http://books.google.com/books?id=aN75LNV4SLsC&pg=PA1&dq=making+sense+of+history&ei=kecISb_CM4HYtgP8iPmiAg#PPR7,M1
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa