Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

HÀ NỘI - VIỆT NAM

HÀ NỘI - VIỆT NAM:
100 NĂM GIAO THOA VĂN HOÁ ĐÔNG - TÂY, NAM - BẮC
(Lý luận và Thực tiễn)
*

Trần Quốc Vượng

I - Khái niệm
1.1. Thuật ngữ phương Tây ACCLTURATION được các nhà văn hóa Việt Nam từ thập kỷ 60 đến nay dịch một cách khác nhau:
- Văn hóa hóa (Nguyễn Khắc Viện)
- Hỗn dung văn hoá (Nguyễn Đức Từ Chi)
- Đan xen văn hóa (Trần Quốc Vượng)
- Tiếp biến văn hóa (tiếp xúc và biến đổi văn hóa) (Hà Văn Tấn)
- Giao hòa văn hóa (Hoàng Ngọc Hiến)(1)
- Gần đây nhất nhà nghiên cứu Hữu Ngọc dịch là “Tương tác văn hóa” (Tại hội nghị Quốc tế về Việt Nam học tại Hà Nội 1997).
Còn tôi (Trần Quốc Vượng) sau nhiều năm suy nghĩ đã quyết định dịch lại là “Giao thoa văn hóa” ý chỉ sự “móc ngoặc”, “móc nối” tương tác giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh (endogenous ><>
1.2. Có thể phân tích mối quan hệ tương tác giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc để làm sáng tỏ quan niệm trên. Trong nhiều bài viết trước đây (xem Trần Quốc Vượng - Văn hóa Việt Nam: Tìm tòi và suy ngẫm, HN, 2000). Tôi đã chứng minh rõ người Việt cổ ở lưu vực tam giác châu thổ sông Nhị với các hằng số sinh thái: Nóng - ẩm - Mưa nhiều - Gió Mùa (P. Gourou gọi là vùng “châu Á gió mùa” (Asie des Moussons) lấy nông nghiệp lúa nước làm nguồn sống chính, với mối bận tâm chính như Giáo sư Viện sĩ Đào Thế Tuấn vạch ra là Nước.(2) Nước có mặt “thủy hại”. Lũ lụt thì lút cả làng Đắp đê phòng lụt, thiếp chàng cùng lo! Và mặt “thủy lợi” - Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống - Lạy trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống Lấy ruộng tôi cày Lấy đầy bát cơm... Trong khi đó, cái nôi của người Hoa là vùng cao nguyên và bình nguyên hoàng thổ (loess) Hoàng Hà.(1) Đất không phải là phù sa sông màu nâu như châu thổ sông Nhị, cái nôi của người Việt, mà là do gió Tây thổi về rắc lên cao - bình nguyên Hoàng Hà. Độ ẩm kém, lượng mưa trung bình 400mm/năm và lượng bốc hơi lại cao nên người Hoa trồng khô với các giống kê, cao lương và sau này là mạch. Khi bành trướng xuống phương Nam, người Hoa với sự giao thoa văn hóa với các bộ tộc Bách Việt mới biết trồng lúa nước và biết ghi chép, kiểu Hoa hóa, các di sản văn hóa Việt cổ vô thể như huyền tích Bàn Cổ, huyền tích Ngưu Lang - Chức Nữ (“mưa ngâu” đâu có ở Hoàng Hà?) lịch 12 con vật (Lịch Hoa gốc từ Thương - Chu là lịch can - chi) v.v... rồi sau này dùng sách dạy lại người Việt y như một di sản văn hóa Trung Hoa... Cho nên huyền thoại, huyền tích “Thần Nông” (ngữ pháp Việt) đã mang tính giao thoa văn hóa Việt - Hoa (“cháu 3 đời”) Thần Nông là Đế Minh đi tuần thú phương Nam lấy nàng Vụ Tiên đẻ ra Lộc Tục (tên Việt đầu tiên còn ghi lại) Lộc Tục sau là Kinh Dương Vương, chia đất với “anh cùng cha khác mẹ” là Đế Nghi, Đế Nghi cai trị phương Bắc, Kinh Dương Vương trông coi cõi Nam. Rồi Kinh Dương Vương - Long nữ cũng như huyền thoại - huyền tích Âu Cơ - Lạc Long Quân là rất đáng trân trọng vì nó còn hoài niệm hồi cổ về một địa bàn Bách Việt cổ rộng lớn từ hồ Động Đình, hồ Bành Lãi xuống phía Nam Ngũ Lĩnh (mà người Trung Hoa thường gọi “hắt ra” là Lĩnh ngoại (Quảng Đông - Việt Đông), Quảng Tây (Việt Tây) - Âu Việt - Lạc Việt (Âu Lạc). Đấy là sự “chế tác” Folklore(1) của các nhà Nho yêu nước. Đây vẫn là truyền thống “con Rồng cháu Tiên” rất đẹp mà chúng ta, ở thời buổi giao thừa thế kỷ XX - XXI và thiên niên kỷ II - III cần gìn giữ. Tất nhiên, từ trước sau Công Nguyên, người Việt đã tiếp thu văn hóa Hoa Hạ (văn hóa Sở ở nơi giao thủy Hán Thủy - Dương Tử (Hán Khẩu) là kết quả giao thoa văn hóa Việt - Hoa đầu tiên, mà kết tinh là nhân vật văn hóa lớn Khuất Nguyên và các tác phẩm Ly Tao và Cửu Ca (Cửu Ca, theo sự nghiên cứu của Lăng Thuần Thanh và các tác giả khác, phản ánh khá rõ các hình ảnh trên trống đồng loại I Hegher mà ta thường gọi là trống Đông Sơn). Sách Hán Thư dẫn lời Hán Vũ đế nói về Việt phương, rất sợ phục phương thuật của người Việt. Vì vậy, ở một vài bài trước đây, tôi đã nói đến diễn trình của giới trí thức Việt Nam lần lượt là (vẫn có đan xen trong lịch sử):- Phương sĩ (vua Hùng là tiêu biểu, dùng yêu thuật để lên ngôi). - Thiền sư (tiêu biểu là Khuông Việt đại sư): Đây là kết quả giao thoa Việt - Ấn - Hoa từ đầu Công nguyên. - Nho sĩ (tiêu biểu là các Trạng nguyên) điển hình của giao thoa văn hóa Việt - Hoa. - Các trí thức “Tây học” hiện đại (mà ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX có câu : “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”. Điển hình của giao thoa văn hóa Việt - Pháp, Đông - Tây.(2)
1.3. Sự giao thoa - tương tác văn hóa Việt - Hoa không thể quy giản thành “bên cho” (Hoa) - “bên nhận” (Việt) sự ra đời bao giờ cũng “có đi có lại” người Hoa tiếp thu một số hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đưa vào gương đồng, kỹ thuật chế tác thủy tinh, một vài giống lúa chịu hạn, vải bông, mía đường (như đường phèn), kỹ thuật dùng kiến trừ sâu cam và một vài truyền thuyết như vợ chồng Ngâu v.v... Người Việt - đất Việt tiếp thu - hội nhập ở văn hóa Hán trước hết là mô hình tổ chức hành chính (xã - hương - huyện - quận - đạo - trấn - tỉnh...), ở hệ thống quan chức (tuy có giản lược đi, vì Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Hoa là nước lớn), ở chế độ khoa cử v.v... thậm chí không khỏi có khuynh hướng vọng ngoại “Nam nhân Bắc hướng” (chữ của GS Tsu - Đại học Princeton, Mỹ).(1) Thậm chí nhân danh, nhiều địa danh (từ tên Thăng Long là tên chữ (Hán - Việt, nhưng rất độc đáo Việt Nam) cũng chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa (trước sau Công nguyên, người Việt Nam không có tên họ như bây giờ, chỉ có tên kiểu (đã được ghi âm bằng chữ Hán, là một loại Việt - Hán) như Ích Xương, Thi Sách, Trưng Trắc, Lý Bí (sau mới đọc là Lý Bôn, Lý Phần) (sau mới đọc là Lý Thiên Bảo). Ở thế kỷ VI, Hậu Lý Nam Đế chỉ xưng là Lý Phật Tử (Phật Tử họ Lý chứ không xưng là Thiên tử kiểu Trung Hoa). Với thời gian đắp đổi, tiếng Việt cổ cũng hấp thụ nhiều từ, nhiều khái niệm triết lý - xã hội - văn hóa của người Hoa (trong tiếng Việt có trên 60% từ gốc Hoa, đọc chệch đi, ngữ âm khác, phần nhiều thành từ Hán - Việt) với một ngữ pháp, trật tự từ khác và nhiều khi cả ngữ nghĩa cũng khác đi (“khốn nạn”, “khoái trá” v.v...). Nhà văn Tô Hoài đã nói đến “tiếng Hồ Gươm” tức tiếng Việt của riêng người Hà Nội, không giống hẳn với bất kỳ tiếng địa phương nào.
1.4. Đến thời kỳ “Đại thương mại” (Grand Commerce XVI, XVII, XVIII) với “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” (và Hội An, cù lao Phố, Bến Nghé ở Đàng Trong) thì người Việt hội nhập một số từ và sản phẩm ngoại sinh như bánh chưng hình vuông, (kiểu Quảng Đông - thay cho bánh tét hình trụ), đậu Hà Lan, rượu vang (vin)... cũng một số từ mới như đầu (thay cho chốc), như hoa (thay cho bông), bát (thay cho đọi), thuyền (thay cho ghe), thìa (cuiller)) v.v...
1.5. Đặc biệt, từ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, dưới thời thuộc địa thực dân, thì sự giao thoa Việt - Pháp, Đông - Tây... diễn ra mạnh hơn, từ Nam chí Bắc trên rất nhiều lĩnh vực, dưới hai hình thức: - Giao thoa cưỡng bức (Forced Acculturation): (như trường Pháp - Việt (Franco - Annamite), trường trung học bảo hộ (Lycée (du) Protectorat) sau cách mạng là trường Chu Văn An) không kể trước đó là trường “Hậu bổ”... như chế độ Công sứ (tỉnh), Thống sứ (Bắc Kỳ), toàn quyền (Toàn Đông Dương), Đốc lý (Hà Nội), chế độ khoa cử tốt nghiệp tiểu học (Certificat), Trung học cơ sở (Diplôme), Trung học chuyên khoa (Baccalauréat), tốt nghiệp đại học (Licencies) v.v... Người Pháp cũng lập Học viện Pháp về Viễn Đông (École Francaise d' Extrême - Orient) (từ 1901)(8) và hệ thống Bảo tàng Bắc Trung Nam (ở Hà Nội là Musée Louis Finot, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Nhà Hát Lớn) (Grand Theatre) mà người Hà Nội trước gọi là “nhà hát Tây” chuyên diễn ca kịch, Opera v.v... cho phần lớn ông Tây, bà Đầm (9) xem. - Giao thoa tự nguyện (Voluntary Acculturation): Việc trồng một số cây rau cây hoa gốc ôn đới (đặc biệt vùng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Láng đã có nền tảng trồng hoa, rau từ trước). Từ đó tiếng Hà Nội, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương khác đã hội nhập hoa dơn (glaieul), Vi-ô-lét (Violette), Păng-xê (pensee)..., rau xà lách (Salade), xu hào (Chourave), xu xu (Chou chou), Xúp lơ (Choufleur) v.v... Và một số thức ăn, đồ uống Tây: Sâm banh (Champagne), Cô nhắc (Cognac), Uýt-ky (Whisky), Tách (Tasse), Cốc (Cup), Bít tết (Beefsteak), Giăm bông (Jambon), Bánh Tây (Pain, nay gọi là bánh mì (10)), Patee (Paté), Xúc xích (Saucisse)... Trong văn hoa cũng có sự áp đặt và sự tự nguyện về tư tưởng - ý thức hệ, thời Việt - Hoa (cũ) là Nho giáo, Đạo giáo, cả Phật giáo, thời Việt - Hoa mới, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là Tân Thư, với các tư tưởng cải cách của Khang - Lương (Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu), rồi tư tưởng Tam Dân của Tôn Dật Tiên, và ở cuối nửa đầu kéo dài gần suốt nửa sau thế kỷ XX là tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Stalin, tư tưởng Mao cho đến khi Bác Hồ mất khá lâu, cuối thập kỷ 80, ta mới nêu cao từ Hà Nội ra cả nước, tư tưởng Hồ Chí Minh (nền tảng bản địa gốc Việt Nam, có hấp thu tư tưởng Mác - Lênin sáng tạo(.(11)
1.6. Có thể sơ đồ hóa - hình học hóa quá trình giao thoa văn hóa của Việt Nam - Hà Nội là như sau (thiếu): Sơ đồ này chỉ muốn minh họa một ý tưởng của Giáo sư Olov Janse - người Thụy Điển, đào khảo cổ ở Việt Nam từ 1934 - 35 - 1938 - 39, sau dạy ở Đại học Havard Mỹ: “Việt Nam (là) ngã tư đường của các cư dân và các nền văn minh” (Sài Gòn - 1955, bản tiếng Pháp: “Viet Nam, carrefour des peuples et des Civilizations”). Cũng ý đó, nhưng được diễn tả một cách khác, GS Fukui Hayao, Đại học Kyoto đến Hà Nội năm 1998 đã nhận xét rằng: “văn hóa Hà Nội - Việt Nam cũng như các nền văn hóa khác nên được nhìn nhận như một quá trình tác động qua lại giữa những nhân tố nội sinh và những nhân tố ngoại sinh”.(12)
1.7. Không một nền văn hóa nào dù lớn, dù nhỏ mà không có sự vay mượn một số nhân tố của các nền văn hóa khác. Văn hóa Mỹ được gọi một cách biểu tượng là Melting pot (mà nhà văn hóa Hữu Ngọc dịch là “nồi hầm nhừ”, theo tôi thì nên dịch là “Bình dung hóa”). Australia tự coi là xứ sở đa văn hóa và có chiến lược đa văn hóa (Multiculturalism). Nhiều nhà văn hóa học thế giới cho rằng có nhiều nền văn hóa Trung Hoa: Văn hóa Hoa Bắc, văn hóa Hoa Nam, văn hóa Tây Nam, văn hóa Đông Nam (13)... có thể gọi chung là có nhiều văn hóa địa phương (Local cultures), trong một nước Trung Hoa. Ở Việt Nam, có lẽ hợp lý nhất là nên nêu luận điểm: thống nhất trong đa dạng. Và trong nhiều bài viết và nói trên Đài phát thanh và truyền hình, tôi đã nêu và được nhiều học giả đồng tình là quy luật bao quát nhất của Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là: hội tụ - giao thoa - kết tinh - lan tỏa. (14)
1.7.1. Một thí dụ là truyện cổ tích, hay huyền tích. Ở thế kỷ XIX, đứng trước lý thuyết của những người theo “trường phái vay mượn” (còn gọi là trường phái di chuyển cốt truyện), theo PGS.TS Nguyễn Xuân Kính thì A.N. Vêxêlôpxki (1838 - 1906): một học giả Nga nổi tiếng, đã hoàn thiện lý thuyết này. Ông không chỉ khảo sát các hiện tượng văn hóa của dân tộc có cốt truyện đem “cho”, mà còn nghiên cứu những điều kiện bên trong của dân tộc tiếp nhận. Ông viết: “Sự tiếp nhận những tài liệu về truyện cổ tích sẽ không thể có được nếu không có những tính chất nhất định của môi trường tiếp nhận” (15) Sẽ rất thú vị khi ta đối sánh truyện Tấm Cám với Cinderella với cuộc đời của Đức Ỷ Lan - thân mẫu Lý Nhân Tông ở Thăng Long thế kỷ XI (bà là Tấm hay là Cám?), khi ta đối sánh huyền tích về Tây Hồ ở Hàng Châu và Tây Hồ ở Thăng Long - Hà Nội (Hồ xác Cáo - Cửu vĩ hồ tinh - Hồ Kim Ngưu - truyện Trâu Vàng v.v...).
1.7.2. Người ta thường nói rằng: ở vùng Đông Nam Á - Viễn Đông thì Trung Hoa và văn hóa Hoa Hạ đóng vai trò trung tâm; các nước “Đồng văn” với Trung Hoa như: Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản là các nước “vệ tinh”! Trên một ý nghĩa nào đó và trong những thời điểm nào đó (như thiên niên kỷ I) thì điều đó đúng thôi. Thời buổi đó, như ở phương Tây thì văn minh - văn hóa - ngôn ngữ Hy - La là trung tâm, còn Pháp, Đức, Bắc Âu, Đông Âu... là những “vệ tinh”. Nhưng sự đời là biến đổi, là biện chứng. Ngày nay không ai nói Pháp - Đức là vệ tinh của Hy - La, Italy. Và thế kỷ XX, với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, với Cách mạng tháng Tám (19-8-1945 ở Hà Nội), với Điện Biên Phủ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một lần nói chuyện với sinh viên năm 1955 ở Việt Nam học xá (nay là khu Đại học Bách khoa) đã nói đại ý: Giải phóng Điện Biên là giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954), thực hiện lời thề cuối năm 1946 “Tạm biệt Thủ đô, rồi đây sẽ về!”). Việt Nam đi đầu (chứ đâu còn là vệ tinh) trong phong trào giải phóng chống ách thực dân ở cả Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á. Lịch sử thế giới thế kỷ XX ghi công đầu tiên cho Việt Nam, cho Hồ Chí Minh là về chuyện đó, vì theo mấy trăm tác giả của cuốn Văn hóa thế kỷ XX, chỉ năm tiểu sử (1983 - London - New York) thì: 1. Sự đảo lộn về các lý thuyết khoa học và kỹ năng công nghệ. (Việt Nam đóng góp rất khiêm tốn vào lĩnh vực này). 2. Sự giải tán chủ nghĩa thực dân (De-colonisation) (chứ chưa phải là giải tán chủ nghĩa tư bản (capitalism) để thay thế bằng chủ nghĩa xã hội (socialism): Việt Nam - Hà Nội - Hồ Chí Minh đứng hàng đầu (Prime Leader of anticolonial movement) trong lĩnh vực này với một Điện Biên Phủ dưới đất và một Điện Biên Phủ trên không ngay ở bầu trời Hà Nội). Giáo sư sử học nổi tiếng Mỹ - Autralia David Marr - một nhà Việt Nam học tài danh trong công trình “Những văn hóa thể chế ở Việt Nam trong một năm giữa thế kỷ XX (cuối 1945 - cuối 1946)” (Institutional Culture(s) of Viet Nam in the year 1946 - 1946) (17). Đã viết rằng: Nếu năm 1945, Việt Nam có tới 6 văn hóa thể chế: 1. Thể chế thực dân Pháp. 2. Thế chế quân phiệt Nhật. 3. Thể chế quân chủ Nam triều (dù vua Bảo Đại là “bù nhìn” nhưng vẫn) 4. Thể chế Tưởng Giới Thạch (ở Bắc Vĩ tuyến 16) 5. Thể chế Anh (ở Nam Vĩ tuyến 16) 6. Thể chế Dân chủ Cộng hòa của chính phủ của cụ Hồ Chí Minh. Thì kỳ diệu thay chứ đâu chỉ là “vận may” (Le moment favorable) như nhà báo - “nhà sử của hôm nay - J. Lacoutura nói, cuối cùng 5 thể chế đầu đều biến mất và đến nửa cuối thế kỷ XX (1954, 1975) chỉ còn lại 01 thể chế cộng hòa dân chủ, một biểu hiện cao đẹp của sự giao thoa - giao hòa văn hóa Đông - Tây, Nam - Bắc. Cố nhiên là có nhiều “trục trặc”, chiến tranh kéo dài, chộn rộn cả chiến tranh cách mạng - chiến tranh xâm lược, “can thiệp”, kể cả có lúc mang tính nội chiến (guere civile) nữa - có nhiều sai lầm nữa, (làm thì bao giờ chả có đúng có sai) như sai lầm trong cải cách ruộng đất (1956), sai lầm trong cải tạo công thương nghiệp (1959 - 60) sai lầm vì thể chế quan liêu bao cấp (trước thời kỳ đổi mới bắt đầu từ 1986) cũng có lúc cả giáo điều rập khuôn Xtalinit - Maoit nữa, nhưng cuối cùng Việt Nam vẫn hòa nhập với ASEAN, hội nhập với quốc tế (“Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”) (ý của ĐCSVN do cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố đầu tiên), hòa nhập mà không hòa tan, vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, để bước vào thế kỷ mới (XXI, vào thiên niên kỷ mới (thứ 3 sau Công nguyên), càng nhanh càng tốt, nhưng là những bước tiến vững vàng để trở thành một nước tương đối công nghiệp hóa, tương đối hiện đại hóa vào khoảng năm 2020. Tôi diễn giải có hơi dài dòng ý kiến của một nhà Việt Nam học nước ngoài để cho có vẻ khách quan. Ngược lại, nhiều học giả nước ngoài đã hoan nghênh nhiệt liệt khi tôi tuyên bố dõng dạc ở Mỹ trong “ngày dàn hòa” “Day of Reconciliatoin): “Chính trị qua đi, văn hóa ở lại” (Les politiques passent, les Cultures restent) (18). Chính trị thực dân đế quốc qua! Chính trị “can thiệp vào nội bộ nước khác” rồi cũng qua! Nhưng quần bò Jean áo T-shirt vẫn được giới trẻ Hà Nội và cả nước mặc, bộ Âu phục Complet, Cravate, vẫn được từ vị nguyên thủ quốc gia đến người thường dân như tôi dùng, hàng ngày Hà Nội vẫn tiêu thụ nho Phan Rang gốc California, hoa Đà Lạt “Tuy-lip” (Tulipe) gốc Bắc Âu, táo Tầu, rượu Tây... Agino-moto Nhật với nào những Son, Toyota, Daewoo, Samsung, Dream, Wave v.v... có xá kể gì!
1.7.3. Thời thuộc Pháp nửa đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng của văn hóa Pháp đã tràn vượt khỏi mục đích thực dụng - thực dân, tiếng Pháp và văn hóa Pháp đã tác động (tích cực) đến mặt cú pháp tiếng Việt, đến thơ văn (“thơ mới”, truyện ngắn tiểu thuyết..), đến báo chí. Đại Việt thời Lê sơ chỉ có một “Đình Quảng Văn” ở cửa Nam Hà Nội để dán các lệnh - chỉ của triều đình cho dân biết, chứ trước thời Pháp thuộc, nước ta không có Báo Chí, kể từ nhật báo, đến tuần san, bán nguyệt san, nguyệt san, tạp chí, tập san 3 tháng, 6 tháng, 1 năm một kỳ... đều chỉ có ở Hà Nội từ đầu thế kỷ XX trở đi). Cuối XIX đầu XX mới có “nhà Tây”, khu phố Tây ở Hà Nội. Những tác động vừa nêu là rất đáng kể, song nhìn chung văn hóa Pháp không gây ảnh hưởng lớn với Xóm làng Việt Nam. Người nông dân, người “nhà quê” Việt Nam nhìn chung vẫn thờ ơ với văn hóa Pháp, vẫn giữ (dù nhà cầm quyền Pháp có ý định và đã thực thi “Cải lương hương chính” nhưng nhìn chung là thất bại ở cuối thập kỷ 20) cơ cấu tổ chức cổ truyền (nhà - làng - họ - vùng - miền), có chăng một vài nhà giàu, nhà quan trong làng mới có “đèn Hoa Kỳ”, hay là cái “nhà Tây” 2 tầng, lợp “ngói Tây”, xây “xi măng” (ciment)...
1.7.4. Một trăm năm giao thoa văn hóa Đông Tây trên đất nước này chủ yếu là ở đô thị. Hãy lấy Hà Nội nội thành và lấy một thành tố văn hóa - Mỹ thuật - thôi để làm ví dụ minh họa: (19) Người Pháp đã mang đến cho mỹ thuật Việt Nam (chủ yếu từ khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương 1925) hai chiều kích (dimensions) mới: Kỹ thuật sơn dầu Luật viễn cận (và tính khoa học, duy lý, bổ sung cho chất trữ tình) đượm màu tâm linh (Spiritual) vốn có. Điều đáng chú ý là mặc dầu không có bề dày truyền thống như điêu khắc, song kể từ khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, lại chính là hội họa chứ không phải điêu khắc trở thành ngành phát triển nhất và có những thành tựu lớn nhất. Về sự phát triển của Mỹ thuật hiện đại Việt Nam, chúng tôi tạm chia làm 4 giai đoạn như sau (các thành tố văn hóa khác của Việt Nam tuy có phát triển chênh lệch nhau đôi chút (“tân nhạc” chậm hơn “thơ mới”, “văn chương kiểu mới”, “cải lương” (ca kịch mới) có thể xuất hiện sớm từ đầu thế kỷ - quãng thập kỷ đầu - thập kỷ hai (1910 - 1920) song nhìn theo vĩ mô thì về cơ bản là vẫn “vầy vậy” về giao thoa văn hóa Việt - Pháp, Đông - Tây, Nam - Bắc ở thế kỷ XX):
a. Giao thoa tiền Cách mạng (trước 1945): Năm 1898, Lệ Văn Hiến một trong hai người Việt Nam đầu tiên sang Pháp học vẽ và đã cho ra đời bức tranh Bình văn, tác phẩm hội họa Việt Nam đầu tiên vẽ theo kỹ thuật sơn dầu phương Tây, do “phát hiện lại” của Thái Bá Vân - Nguyễn Đỗ Cung ở một quán ăn uống khá tồi tàn cuối đường Khâm Thiên mà nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Nhưng phải đến năm 1925, khi họa sĩ Pháp Victor Tardieu (hiện Đại học Quốc gia Hà Nội còn giữ một tác phẩm của hoạ sĩ này trang trí ở Đại giảng đường (Amphithéâtre) số 19 đường Lê Thánh Tông, Hà Nội) thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thì mỹ thuật Việt Nam mới thực sự sang trang mới. Có thể coi đây là khởi điểm của mỹ thuật hiện đại Việt Nam (mặc dầu nhà văn hóa Hữu Ngọc trong công trình nghiên cứu mới nhất (1997) vẫn coi mọi thứ trước 1945 là “truyền thống” còn ông cho “hiện đại” chỉ là từ 1945 trở về sau và đến nay!). Trường nghệ thuật chính quy đầu tiên này của nước ta (sau đó sẽ đến trường Mỹ thuật Gia Định rồi Trường Mỹ thuật Huế) có một vai trò đặc biệt đến mức không thể nói về diễn triển của Mỹ thuật đương đại Việt Nam mà không nhắc tới nó. Trong 20 năm, nó đã đào tạo 128 họa sĩ, điêu khắc gia trong đó có những tên tuổi lớn như: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Trần Đình Thọ v.v... Nguyễn Phan Chánh, bậc thầy về tranh lụa, đã vận dụng kỹ thuật Âu Tây trên chất liệu phương Đông, tạo nên những kiệt tác thấm đẫm bản sắc thôn dã Việt Nam. Nguyễn Gia Trí, đã nâng sơn mài từ mỹ nghệ (có di tích - di vật từ thời đại Đông Sơn trước Công nguyên) lên thành một nghệ thuật độc đáo và sang trọng... Đây chính là thế hệ tiên phong đắp nền cho mỹ thuật đương đại Việt Nam. Đặc biệt, phải kể đến “bộ tứ”, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, những người có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đến diễn trình sau này của hội họa Việt Nam, cho đến tận thế hệ Trẻ hiện nay theo tinh thần “Đề cương văn hóa của Đảng Cộng sản việt Nam: Dân tộc - Khoa học - đại chúng” (1943). Bùi Xuân Phái có lẽ là cây cọ phì nhiêu nhất của thời kỳ này (như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng... bên VĂN). Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, không dưới chục ngàn bức lớn nhỏ (riêng tôi _ TQV - được ông tặng 2 bức). Ông vẽ những phố cổ Hà Nội (Thái Bá Vân (vừa quá cố) gọi là “phố Phái”), những đào kép Chèo, những cảnh biển... trên bất cứ cái gì trong tầm tay của ông: một trang giấy áo, (chính Ông đã vẽ một thiếu nữ đẹp trên trang báo tôi trải làm mâm ở nhà tôi một buổi trưa cuối năm 1968. Tranh này Phác Văn đã cầm về nhà - TQV), một nắp hộp các-tông, một bao thuốc lá, một hộp diêm... Với Phố cổ Hà Nội. Ông tựa như Utrillo với Paris cổ. Nguyễn Sáng là bậc tuyệt kỹ về sơn dầu. Những tác phẩm đầy cường lực của Ông dào dạt hào khí sử thi, phản ánh tinh thần của cả một thời kỳ cách mạng dân tộc. Nguyễn Tư Nghiêm là một trong những người đầu tiên khai thác di sản văn hóa dân tộc ẩn tàng ở điêu khắc và trang trí kiến trúc đình, đền, chùa... mở con đường đi đến hiện đại thông qua truyền thống. Ông là nhà cách tân ngôn ngữ tạo hình của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Cả 3 - 4 vị lão tướng trong nghệ thuật tạo hình vừa kể trên đã từ chối và rũ bỏ những nguyên lý, nguyên tắc hàn lâm học được ở nhà trường để khai phá những hình thức biểu hiện mới kết hợp truyền thống và hiện đại.
b. Giai đoạn cách mạng và kháng chiến (1946 - 1975): Văn nghệ sĩ Hà Nội ra chiến khu, “đi tiền tuyến. Đặc điểm của giai đoạn này là trong nhiều thập kỷ, cuộc chiến tranh yêu nước trở thành chủ điểm bao trùm và xuyên suốt mọi sáng tác văn học - nghệ thuật, với tư duy Hồ Chí Minh: Văn hóa hóa kháng chiến Kháng chiến hóa văn hóa “Văn nghệ là một mặt trận, các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó”... (21) Nó không hoặc rất ít chừa chỗ cho những vấn đề của cá nhân. Các cuộc hội nghị Văn hóa toàn quốc từ 1948 đã theo tinh thần đó. Trong lĩnh vực mỹ thuật, sự kiện căn bản về mặt đào tạo, xây dựng là việc lập Trường Mỹ thuật kháng chiến năm 1949 ở Chiến khu Việt Bắc. Trường này, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, hoạt động theo phương thức “học trong thực tế”. Thầy và trò (như Mai Long, Trọng Kiệm...) ở lẫn với dân, cùng tham gia sản xuất với nông dân, theo bộ đội đi chiến dịch (cũng như các văn sĩ như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng...) làm bài tập và tích lũy tài liệu chuẩn bị sáng tác. Từ lò luyện này đã trưởng thành nhiều họa sĩ tài năng như Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Linh Chi, Trần Đông Lương... Sau Hiệp định Genève (1954) “hòa bình được lập lại ở Đông Dương” (theo cách nói đương thời) một tình hình mới nảy sinh: Nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền cho dù tâm thức của nhân dân thì vẫn là: Lòng ta chung một cụ Hồ Lòng ta chung một Thủ đô Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam (Tố Hữu) Từ đấy, cho đến khi thống nhất đất nước (1975) văn nghệ miền Bắc - Hà Nội vẫn dành ưu tiên cho vấn đề trung tâm là phục vụ chiến đấu và sản xuất, “vì miền Nam ruột thịt”. Mỹ thuật, cũng như mọi ngành văn nghệ khác đều lấy công nông binh làm đối tượng chủ yếu để phản ánh và phục vụ và dòng chủ lực là phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa được tiếp thu và hội nhập từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Trong số các nghệ sĩ tạo hình trưởng thành qua kháng chiến “chống Mỹ cứu nước” có thể kể đến: Nguyễn Hải, Lê Công Thành, Đỗ Sơn, Nguyễn Quân, Tạ Quang Bạo, Phạm Viết Hồng Lan, Đặng Thị Khuê, Đỗ Thị Minh, Ca Lê Thắng (cùng thời gian này, trong miền Nam nổi lên những tên tuổi như Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Trịnh Cung, Nghiêu Đề, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận...). Nói thẳng thắn, trong thời chiến tranh lạnh toàn cầu và chiến tranh nóng ở Việt Nam (và Đông Dương) các văn nghệ sĩ ở miền Nam có điều kiện tiếp nhận rộng rãi hơn những thông tin về nghệ thuật thế giới phương Tây, ngược lại, các đồng nghiệp của họ ở miền Bắc thì tiếp nhận nhiều thông tin của khối các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc và cắm rễ sâu hơn vào truyền thống văn hóa dân tộc.
c. Giai đoạn hậu chiến và tiền đổi mới (1975 - 1986): Có thể coi đây là giai đoạn đệm để văn nghệ hai miền Nam - Bắc giao thoa và hội nhập sau khi tái thống nhất đất nước hay giai đoạn chuyển qua thời Đổi mới. Vẫn dùng mỹ thuật làm tượng trưng cho giao thoa văn hóa - văn nghệ thì hai cuộc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1980 và 1985 (cũng như các cuộc Liên hoan sân khấu, ca nhạc toàn quốc...) sau khi thống nhất đã tập hợp được nhiều gương mặt nghệ sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt, 1984 thành một cái mốc quan trọng của nghệ thuật tạo hình với ba triển lãm cá nhân đầu tiên của các bậc thầy Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái và Nguyễn Tư Nghiêm (khi ấy, cả 3 ông đã ngoài 60 tuổi). Quang cảnh sáng tạo nghệ thuật ở Hà Nội, ở miền Bắc bắt đầu có những chuyển biến do nội lực và do nhiều “cú huých” ngoại sinh: Các nghệ sĩ, vào những năm hậu chiến này, dần dần đỡ bị bó hẹp trong cái khung đề tài sản xuất - chiến đấu và có điều kiện hơn để quan tâm đến những vấn đề cá nhân, hướng cái nhìn vào nội tâm mình. Người ta chứng kiến sự hăm hở của một thế hệ tiếp nối (kiểu Lưu Quang Vũ ở lĩnh vực sân khấu, Nguyễn Quân ở lĩnh vực tạo hình, Nguyễn Huy Thiệp ở lĩnh vực văn chương...) đang náo nức tìm những hình thức biểu hiện mới, sẵn sàng đón nhận những khuynh hướng sáng tác. Và chủ trương “đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến đúng vào bước ngoặt lịch sử này.
d. Giai đoạn đổi mới (từ 1986 trở đi): Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, chứng kiến một sự bùng nổ - lan truyền chưa từng thấy trong đời sống văn nghệ Việt Nam - Hà Nội. Hội Văn nghệ dân gian được hồi sinh. Nhưng hãy chỉ nói ở lĩnh vực nghệ thuật tạo hình: các nghệ sĩ tận hưởng cơ hội tự do sáng tạo nghệ thuật trong không khí cởi mở của đổi mới, trở nên năng nổ, khám phá hơn, cố gắng hòa nhịp với các trào lưu quốc tế (ở lĩnh vực âm nhạc cũng vậy). Sự nở rộ đó có thể diễn giải như là một cơn lốc giải tỏa những khát vọng sáng tạo bị dồn nén từ bao lâu. Các nghệ sĩ Trẻ đang tìm kiếm bản sắc riêng của mình dựa trên những trải nghiệm cá nhân và cách nhìn riêng biệt, càng ngày càng tỏ ra tự tin và táo bạo trong công việc sáng tạo. Họ là một thế hệ không mặc cảm, họ không “ngợp” trước những gì các bậc tiền bối đã làm với tư cách tiền phong, nhưng cũng không hề tính chuyện “xóa sạch quá khứ” (mà làm sao xóa được phong trào văn hóa cứu quốc mà Tô Hoài đã viết rất hay). Tiếp tục đối thoại với quá khứ (kiểu Cát bụi chân ai hay Chiều chiều...), họ ráng làm một cuộc hôn phối giữa truyền thống và hiện đại. Có lẽ chưa bao giờ mảnh đất mỹ thuật Hà Nội - Việt Nam này nảy nở nhiều tài năng với những phong cách đa dạng như từ lớp già Nguyễn Thế Khang, lớp trung niên Trần Khánh Chương, Thẩm Đức Tụ đến nhóm họa sĩ trẻ đầu tiên giành được sự ngưỡng mộ quốc tế (ngoài Thái Bá Vân được nước ngoài coi là nhà bình luận mỹ thuật xuất sắc nhất Việt Nam). Đó là gang of five gồm 5 họa sĩ Hà Nội: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Phạm Quang Vinh. Bên cạnh đó còn có các gương mặt nổi bật như Trần Trọng Vũ, Lê Quảng Hòa, Phạm Ngọc Minh, Bùi Minh Dũng, Nguyễn Quốc Hội, Vũ Thăng... tiêu biểu cho một dòng tân xuất biểu (neo expressionnist) cường tráng. Khuynh hướng trừu tượng cũng phát triển. Năm 1992, một triển lãm trừu tượng quy mô toàn quốc đã được tổ chức (tại Thành phố Hồ Chí Minh), tập hợp được gần trăm tác phẩm của trên 40 họa sĩ của 3 trung tâm chính: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Các họa sĩ trừu tượng đáng chú ý là: Đào Minh Trí, Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo (ở Tp. Hồ Chí Minh) và Đỗ Minh Tâm, Trần Lương, Lê Hồng Thái ở Hà Nội. Trương Tân Như (Đỗ Lai Thúy bên văn) kẻ đập thánh tượng (Iconoclast), lật một góc khỏi dòng chính thống bằng những tác phẩm hết sức “trái thói”, nói thẳng toẹt những ý niệm tình dục. Những hình thức mới mẻ, tân kỳ như Insllation (“sắp đặt”), Performance (“trình diễn tạo hình”) cũng đã được khai thác và không còn xa lạ với công chúng thưởng thức nghệ thuật nữa. Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Minh Thành, Lê Thừa Tiến... là những họa sĩ đầu tiên dấn bước vào hình thức này. Có thể nói, chính cái “thế hệ không mặc cảm” này đang bắt giọng cho tương lai mỹ thuật Việt Nam. Tiếng nói của họ là tiếng nói sang trang thế kỷ. Họ không thỏa mãn với việc chỉ đơn thuần kế thừa truyền thống. Họ biết lập một cách nhìn hiện đại vẫn hút nhựa từ cội rễ dân tộc trong khi tạo ra một truyền thống mới - truyền thống của cái mới. Những lĩnh vực văn nghệ thuật khác, xin xem các phụ lục của Hoàng Trọng Phiến, Hà Văn Cầu, Nguyễn Thụy Kha...
II 01. Trên đây là nói sơ lược về 100 năm giao thoa văn hóa Đông - Tây, Nam - Bắc của Việt Nam, thường lấy một hệ quy chiếu là Hà Nội, thủ đô Việt Nam “ngàn năm văn vật: thủ phủ Đông Dương trong nhiều năm của thế kỷ XX. Đấy cũng là nơi cư trú và địa bàn nghiên cứu tìm hiểu tương đối kỹ của tôi.
02. Nay, nếu ta “chuyển hệ”, lấy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định làm hệ quy chiếu cả “Nam kỳ lục tỉnh”, cả miền Nam hôm nay thì ta có thể nhận định gì về 100 năm giao thoa văn hóa ở Sài Gòn - miền Nam trong thế đối sánh với Hà Nội - Miền Bắc? Có thể mô hình hóa, sơ đồ hóa Sài Gòn miền Nam như sau (thiếu): Thời Nguyễn Hữu Cảnh (1968) trung tâm chính trị của dinh trấn biên là Biên Hòa - và Cù Lao Phố tàn lụi cuối thế kỷ XVIII thì Bến Nghé - Sài Gòn - Chợ Lớn bật lên như một trung tâm cảng thị đã có xuất nhập khẩu phát triển, đã trở thành tâm điểm của “Nam Kỳ lục tỉnh”. Sài Gòn nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về Dưới thời Lê Văn Duyệt, Sài Gòn - Gia Định “mở” cả về tư duy kinh tế, cả về tư duy tôn giáo, là một cảng giao lưu kinh tế và giao thoa văn hóa vào bậc nhất ở vùng Viễn Đông. Cộng đồng người Hoa cũng đông đặc nhất ở đây và hình thành chợ lớn một “China - town) cũng vào loại bậc nhất Viễn Đông. Không phải bỗng dưng mà dưới thời thuộc Pháp. Sài Gòn đã nổi tiếng “hòn ngọc Viễn Đông”; Giao thoa văn hóa có ngay trong lòng Sài Gòn - Chợ Lớn “Gia Định Tam gia” - như Trịnh Hoài Đức - là Việt gốc Hoa. Minh Nho ở Đàng Trong phát triển trong khi ở Đàng Ngoài dường như vẫn chỉ dừng ở Tống Nho. Phật giáo phái Lâm Tế cũng phát triển mạnh ở miền Nam hơn ở miền Bắc với các thiền sư Nguyên Thiều, Nguyên Lượng... với các chùa Giác Viên, Giác Lâm... mà sư tổ ở đây là bạn thân Trịnh Hoài Đức. “Thiên địa hội” cũng hoạt động mạnh ở vùng đất mới này. Đó là vài chứng cứ của giao thoa Nam - Bắc. Dưới thời thực dân Pháp, Nam kỳ là đất “trực trị” dưới quyền Thống đốc Pháp trong khi Trung - Bắc kỳ trên danh nghĩa là đất “bảo hộ” vẫn còn nặng cơ cấu quan liêu của Nam triều - cho dù là “bù nhìn”, “hình thức”. Và dân Nam kỳ có được hưởng chút ít quyền tự do, dân chủ hơn Trung - Bắc kỳ. Nhiều trí thức Trung Bắc như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Hà Huy Giáp, kể cả Tản Đà, Tô Hoài... không chịu nổi sự o ép của các trí thức thực dân ở Bắc - Trung kỳ đã vô Sài Gòn viết báo, viết văn, đả kích thực dân... “Từ Thành phố này, Người đã ra đi”, Nguyễn Ái Quốc và nhiều người yêu nước khác của cả nước (Võ An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Trần Văn Giàu, Bùi Công Trừng...) và chính họ là một thế hệ giao lưu văn hóa Đông - Tây để mang về Việt Nam những tư tưởng Dân chủ - Khoa học, Mác-xít... Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gần như suốt thập kỷ 30 là đóng ở Sài Gòn - Côn Đảo, để giao lưu với Pháp và phương Tây, nơi này nhiều “Tân Thư” của Trung Hoa (Chợ Lớn), nhiều sách báo tiến bộ, Mác-xít được truyền bá.
0.3. Không thể nói rằng chính sách “chia để trị” của thực dân đã không có ảnh hưởng (dù là phần nào) đến tâm thức Việt Nam, nhất là với phần tử lớp trên, kẻ đại diện cho ý thức dân tộc. Đàng Trong - Đàng Ngoài từ thế kỷ XVII - XVIII đến hết thế kỷ XIX vẫn là Trung - Ngoài của một Đại Việt, một triều Lê. Với Gia Long - Minh Mạng, đã có một chính quyền quân chủ TƯ liền một dải từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Tuy vậy vẫn có một Bắc thành, một Gia Định thành, một phủ Thừa Thiên Thuận Hóa trực kỳ. Đầu thời thuộc Pháp, vẫn có Kinh Lược sứ Bắc kỳ dù là Khâm sai đại thần. Thời thực dân, dấu nhấn Nam - Trung - Bắc kỳ mạnh hơn nặng nề hơn. Người Bắc (như mẹ tôi) muốn vô Sài Gòn (thăm bố tôi làm công chức ở trỏng) vẫn phải cậy cục đi lấy “tít” (... d’ Identilé) ở các phủ Thống sứ Bắc kỳ, phủ Toàn quyền Đông Dương, như đi “ngoại quốc”. Nguyễn Công Hoan, trong Kép Tư Bền đã đặt vào miệng người dân Bắc kỳ câu: “Đi nước Sài Gòn!” nhẽ ra là “Xứ Sài Gòn” dù trong sâu thẳm ký ức tâm linh, đấy vẫn là một bộ phận của nước Việt Nam xưa. Tâm thức Nam kỳ thì cũng vậy mà đến tột cùng “phản văn hóa” là các quái thai “Nam kỳ quốc” của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh để cuối cùng phải tìm đến sự tự sát về hối hận và tuyệt vọng. Có vấn đề địa - văn hóa - lịch sử: nước Việt “hình cong như chữ S” này quá hẹp chiều Đông - Tây (nhất là ở miền Trung) nhưng lại quá dài (tương đối) chiều Nam - Bắc. Bắc là Đất Tổ lâu đời mấy ngàn năm; Nam là “Đất (tương đối) mới” (“Ba trăm năm Sài Gòn - Gia Định” (1698 - 1998)). Tâm thức vùng đất mới, dễ tiếp thu cái mới dễ bỏ rũ nhiều truyền thống. Thầy tôi (GS Trần Văn Giàu, người Nam) khi ở Đại học Văn khoa Hà Nội đã có lần dạy chúng tôi rằng: Người Việt trong lịch sử ngàn năm đã có công cuộc “Nam tiến” tìm đất mới làm ăn. Trèo núi đèo (“một đèo, một đèo, lại một đèo”) lội qua suối, qua sông, từng chặng, từng chặng... lại bỏ bớt dần “gánh nặng truyền thống” rồi giao hòa cuộc sống mới với cư dân bản địa Chăm, Mạ, Khơme... Nhìn theo khía cạnh Văn hóa học, hiện thực lịch sử lớn đó nên gọi là “Giao thoa văn hóa bên trong một quốc gia đa dạng học, đa dạng văn hóa và tộc người” (Inter Acculturation).
0.4. “Miền Nam đi trước về sau” thành ngữ đó vốn là của chính trị học, nói về phong trào và chiến tranh Giải phóng dân tộc. Nhưng theo tôi, miền Nam - Sài Gòn, trên nhiều mặt cũng “đi trước” về giao thoa văn hóa Đông - Tây. Vì đây là một tiểu luận nên không thể viết dài, dẫn dải cặn kẽ, chỉ xin lược kê như sau, để sau này, có điều kiện, sẽ phát triển thành một công trình dài hơi hơn.
1. Sài Gòn - Gia Định (và lục tỉnh Nam kỳ vốn ít ông Tú, ông Cử (Cống) ông Nghè hơn miền Bắc, lại bỏ các kỳ thi Nho giáo sớm hơn hai miền Trung Bắc (từ nửa cuối thế kỷ XIX, Bắc kỳ 1915, Trung kỳ 1918).
2. Nền giáo dục kiểu phương Tây phát triển sớm hơn, nhà trường dùng tiếng Pháp, dùng chữ Quốc ngữ sớm hơn (xem Petrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của v.v...).
3. Báo chí chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Hoa phát triển sớm hơn và theo dòng thời gian lịch sử có số lượng phong phú hơn, thủ tục xin ra báo dễ hơn hai miền Trung Bắc (Thầy tôi, GS Đào Duy Anh (gốc Bắc) ở thập kỷ 20, bỏ dạy học ở Đồng Hới (Quảng Bình) để vào Nam làm báo. Đến Đà Nẵng, gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng - Viện trưởng dân biểu Trung kỳ - cảm nể quay về Huế giúp cụ Huỳnh ra báo Tiếng Dân. 4. Các thể loại văn hóa, viết theo lối mới (ký, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết...), dù có cái “nửa Tây nửa Tầu”, đã phát triển ở Sài Gòn - Gia Định sớm hơn Trung Bắc (Petrus Ký, Paulus Của, Hồ Biểu Chánh v.v...).
5. Như tôi đã viết trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ VHTT) để dẫn giải vì sao Nam Bộ lại là mảnh đất sản sinh ca kịch cải lương (từ thập kỷ 10 - 20) sau mới lan tỏa ra Bắc - Trung. Cũng vậy, về các dòng “nhạc tài tử” về điệu “Vọng cổ” v.v...
6. Các nghệ thuật chớp bóng (điện ảnh: 1898), chụp hình (nhiếp ảnh - tuy vẫn biết cụ Đặng Huy Trứ mở hiệu ảnh ở Hà Nội sớm (nửa cuối XIX) song theo tôi đấy chỉ là hiện tượng cá biệt, chụp chân dung tiên tổ để thờ (“cảm hiếu”) chưa phải là một nghệ thuật chụp hình (“cái thường ngày”), kể cả nghệ thuật thể thao lối Tây (đá banh (bóng), quần vợt, đua xe đạp, đua bơi lội) đã phát triển sớm hơn và mạnh hơn ở Sài Gòn - Gia Định, Lục tỉnh Nam kỳ, so với hai miền Trung Bắc.
7. Sài Gòn - Gia Định, lục tỉnh Nam kỳ “làm quen” với nền kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa, xuất nhập khẩu... mạnh hơn hai miền Trung Bắc.
8. Trên báo Sài Gòn giải phóng Tết Bính Thìn (1976), từ Hà Nội, tôi đã viết bài đối sánh Hà Nội - Sài Gòn và ngay từ lúc đó “người Hà Nội” là tôi đã dám ca ngợi người dân Sài Gòn có tinh thần dân chủ hơn, tuân thủ kỷ luật hơn (tính pháp chế, pháp quyền), bộc trực thẳng thắn hơn tôi, người trí thức đại diện cho tâm lý tiểu nông Châu thổ sông Hồng, tỉ mẩn hơn, khép kín hơn, vờ vịt hơn... 9. Tôi rất thích lời khái quát này của GS.TS Keith Taylor “người Mỹ nhưng mà tốt”, bạn tôi, viết trong cuốn The Birth of Viet Nam (Sự sinh thành của Việt Nam). “The North resolve, The South release” (miền Bắc quyết tâm, quyết ý, miền Nam phóng khoáng, thích thẳng). Đúng hay Sai, xin các vị cao minh thức giả ba miền Nam Trung Bắc vui lòng chỉ giáo cho.
Xin cảm ơn!
* Nguồn: Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb. Hà Nội, H., 2000, tr. 253-281.

1 nhận xét:

  1. Nhiều lỗi chính tả quá!
    Kinh Dương vương thành Kim Dương vương, TQV lại thành TAV ... tốt nghiệp đại học (Licencíe)...
    Cô giáo ngồi gõ lại à?

    Trả lờiXóa