Ruồi trâu như một hiện tượng xã hội
Aleksey Svetkov
Phạm Nguyên Trường dịch (http://bauxitevietnam.info/c/14289.html)
Từ “ruồi trâu” trong tiếng Nga không có nghĩa bóng ổn định, không hiểu sao nó lại không mang cái nghĩa thịnh hành nhất trong tiếng Anh, mặc dù đã từng có một nhân vật mang tên Ruồi Trâu trong một cuốn tiểu thuyết và một bộ phim được nhiều người đương thời ưa chuộng. “Ruồi trâu”, tức là từ gadfly trong tiếng Anh, có nghĩa là một người phê bình phiền phức và không khoan nhượng, người tố cáo những khiếm khuyết và tệ nạn – cả có thực lẫn tưởng tượng. Cái nghĩa bóng này đã trở thành nghĩa chính vì đời sống đô thị đã đẩy ra bên lề nguyên mẫu.
Lĩnh vực hoạt động nào, xã hội nào và về nguyên tắc, đất nước nào cũng có những con “ruồi trâu” của mình. Ở Athens cổ đại, đấy là Diogenes, người đã thử mọi phương pháp có thể tưởng tượng được để thể hiện thái độ khinh bỉ đối với đồng bào của mình. Nietzsche, mà Hitler coi gần như là cha đẻ của chủ nghĩa quốc xã, cực kì căm ghét việc đi thành hàng lối. Ông này còn viết về đồng bào của mình như sau: “Tôi không thể cho phép mình nói ra những ý nghĩ của mình về người Đức”. Dù kẻ tố cáo có là ai, đặc biệt nếu đấy là người của công chúng và là một nhân vật kì đặc thì thái độ đối với người đó có thể được coi là mức độ trưởng thành về mặt tinh thần và bản lĩnh của dân tộc – các chỉ số này càng cao thì họ càng tỏ ra độ lượng, thậm chí còn trân trọng nữa, dĩ nhiên là theo một nghĩa nào đó. Trong trường hợp xấu nhất, người đó cũng có thể cho ta thấy kết quả sẽ tai hại như thế nào nếu ta không theo dõi kĩ các hành động của mình.
Ở Mĩ, Noam Chomsky, Giáo sư của Viện công nghệ Masachussets (Masachussets Institute of Technology), đã đóng vai một con “ruồi trâu” như thế suốt nhiều năm qua. Chủ nghĩa cấp tiến tả khuynh của ông đã làm lu mờ cả uy tín của ông trong lĩnh vực ngôn ngữ học, chí ít là đối với những người quan tâm đến chủ nghĩa cấp tiến nhiều hơn là lĩnh vực ngôn ngữ học. Chomsky coi Mĩ là nhà nước xâm lược và gieo rắc chủ nghĩa khủng bố chủ yếu trên thế giới hiện nay. Thế mà sách của ông ta được bày bán trong tất cả các hiệu sách lớn ở Mĩ, ông là khách mời thường xuyên của các talk-show và thường giảng về các đề tài chính trị. Có lần tôi đã nghe ông ta trả lời phỏng vấn trên đài BBC. Khi được hỏi vì sao ông vẫn cứ sống ở Mĩ, ông ta đáp rằng vì Mĩ là đất nước tự do, một người có quan điểm như ông ta vẫn có thể sống và làm việc mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Trong lĩnh vực này Chomsky cũng có một đối thủ, tuy không nổi tiếng bằng nhưng những người quan tâm đến văn học Mĩ đương đại hẳn biết rằng tôi đang nói đến ai: đấy là nhà văn Gore Vidal. Đọc Chomsky không phải là công việc nhẹ nhàng, cá nhân tôi, nếu không phải vì nhu cầu, thì tôi tránh xa ngay lập tức. Nhưng đọc Vidal lúc nào cũng là một ngày hội dù nội dung có làm người đọc tức giận đến đâu. Ban đầu Vidal giành được tiếng tăm nhờ những tác phẩm viết trực diện về đề tài đồng tính ái. Nhưng thể loại không có ai sánh nổi là tiểu luận, trong lĩnh vực này Vidal chính là một huyền thoại. Nếu vũ khí chủ yếu của Chomsky là những luận cứ đầy lí tính, tuy theo tôi không phải lúc nào cũng có đủ căn cứ, thì vũ khí của Gore Vidal lại là bút pháp. Có thể ông chính là hình ảnh lí tưởng cho câu cách ngôn của Voltaire: “Bút pháp chính là người”, dĩ nhiên đây là bút pháp trong lĩnh vực văn chương. Bị ngòi bút nóng bỏng của ông chạm vào là một thảm hoạ, thí dụ như một nữ nhà văn đã trở thành nhân vật trong một câu cách ngôn của ông: “Ba từ thảm hại nhất trong tiếng Anh: Joyce Carol Oates”.
Ông thuộc dòng giống những người đến Mĩ từ lâu và có họ với cựu Phó tổng thống Mĩ, ông Albert Gore – Gore chính là họ mẹ của nhà văn, ông lấy họ mẹ để tưởng nhớ người ông ngoại từng có thời là Thượng nghị sĩ của nước Mĩ. Cha ông là người đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử không quân và hàng không dân sự Mĩ và là thần tượng của nữ phi công nổi tiếng tên là Amelia Earhart. Vidal từng có quan hệ thân mật với cố Tổng thống John Kennedy và có thời đã mơ trở thành Tổng thống Mĩ, và như bài trả lời phỏng vấn trên tờ Times gần đây cho thấy, ông vẫn còn lấy làm tiếc vì giấc mơ đã không trở thành sự thật.
Rõ ràng là những lời phàn nàn về đất nước của một người thuộc tầng lớp quí tộc, hay ít nhất cũng là của một người gần gũi với khái niệm quí tộc của châu Âu hiện sống ở Mĩ, khác hẳn với ý kiến của hậu duệ của những người Do Thái di cư. Trong đó, rõ nhất là khía cạnh đạo đức và ý chí. Thí dụ như ý kiến của ông về những người đồng bào của mình, có lẽ cũng chẳng khác mấy với ý kiến của Nietzsche về người Đức: “Ai quan tâm đến việc người Mĩ nghĩ gì? Đây là dân tộc vô học nhất trong thế giới thứ nhất. Họ chẳng có tư tưởng gì, chỉ có mỗi phản ứng cảm tính mà các chuyên gia quảng cáo giỏi biết cách khêu gợi lên mà thôi”.
Tôi có lẽ không phải người duy nhất nhận thấy trong lời phê phán này cái nghịch lí của một mô hình quen thuộc: “tất cả người công giáo đều là bọn dối trá”. Còn nói về cách thức tấn công thì khác hẳn với Chomsky. Ông này cố gắng nhồi nhét hiện thực vào một khuôn mẫu của “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, của một trật tự hữu lí chỉ có trong đầu óc của ông ta mà thôi. Chủ nghĩa lí tưởng của Vidal hướng về quá khứ, ông trước tác những cuốn tiểu thuyết lịch sử, trong đó cuốn Lincoln có thể được coi là tác phẩm viết về vị Tổng thống thứ XVI của Hoa Kì, thành công nhất. Lời phê phán chủ yếu của Vidal đối với “dân tộc vô học nhất” là họ đã quên mất lịch sử và phản bội lại số phận của chính mình.
Không ai nghi ngờ xu hướng tả khuynh của Chomsky, nhưng thật khó mà biết được Vidal ngả về phía nào. Đây, thí dụ như ý kiến của ông về Barack Obama: “Ông ta tin các tướng lĩnh. Trong khi ngay cả Bush cũng biết rằng muốn kéo một viên tướng về phe với mình thì phải phát cho hắn một ngôi sao nữa. Obama cho rằng Đảng Cộng hòa là một chính đảng trong khi trên thực tế đấy chỉ là một cách nghĩ, tương tự như tổ chức Hitler-Jugendе (Thanh niên phát xít), dựa trên lòng hận thù, hận thù tôn giáo, hận thù sắc tộc. Khi các vị, những người nước ngoài, nghe thấy từ “người bảo thủ”, các vị tưởng đấy là những cụ già hiền từ đang đi săn cáo. Nhưng họ hoàn toàn không phải như thế, họ là những tên phát xít”.
Ở đây dường như mọi sự đều rõ ràng. Nhưng ý kiến của Gore Vidal về những người Cộng hòa cũng chẳng có gì khá hơn. Làm sao gắn kết được đường lối tả khuynh rõ ràng như thế với sự ràng buộc kì quặc với Timothy McVeigh, kẻ đã đánh bom trụ sở liên bang ở thành phố Oklahoma?
Tuy nhiên, trong sự điên rồ đó vẫn có một phương pháp, như nhân vật Polonius của Shakespeare đã nói. Nước Mĩ lí tưởng của Vidal là phương án không tưởng của Jefferson, hoàn toàn không thích hợp với thế giới ngày nay. Đấy là một đất nước tự cấp tự túc, không có những động cơ xâm lược cũng như xu hướng biệt lập. Tốt nhất là với chính ông làm Tổng thống.
Vấn đề ở đây không phải là tư tưởng của Vidal hay Chomsky, nói chung, tôi cũng chẳng thích thú gì những tư tưởng đó, mà là quyền được có những tư tưởng như thế. Nếu một người nghĩ xấu về đất nước tôi hay đất nước của anh ta thì nước đó bao giờ cũng có lựa chọn: cho người ấy phát biểu một cách tự do hay là bịt miệng hắn lại. Mà đấy không nhất định phải là nước Mĩ, một nước có nền tự do mà ngay cả Chomsky cũng phải ca tụng. Ở Nga cũng đã từng có một nhà văn như thế, đấy là M. E. Saltykov-Shedrin. Đến nay người ta vẫn còn nhớ “con ruồi trâu” này. Dĩ nhiên là có thể né tránh, bằng cách nói rằng ông không chế nhạo đất nước mà chỉ tố cáo những khiếm khuyết riêng lẻ mà thôi. Nhưng nếu xây dựng đất nước từ những khiếm khuyết như thế thì chắc chắn ta vẫn sẽ được nước Nga. Nhưng nước Nga đã từng in tác phẩm của Shedrin và sau khi ông qua đời đã có một chiếc tàu thủy mang tên ông.
Vai ruồi trâu, nếu có năng khiếu và biết cách đóng, có thể mang đến vinh quang tầm cỡ thế giới. Trong trường hợp của Gore Vidal vai này hoàn toàn phù hợp với khí chất của ông, không thể coi ông là người hiền lành hay khéo ăn khéo ở. Nhưng cũng có thể đóng một cách có tính toán, nếu biết cân đối một cách khéo léo giữa tấn công và bảo vệ. Đấy là trường hợp nhà văn Thổ Nhĩ Kì, Orphan Pamuk. Nhà văn này đã giận dữ tung ra đề tài về tệ diệt chủng người Armenia, nhưng sau khi đã đạt được hiệu quả tích cực thì lại rút nó xuống.
Nhưng có những nơi mà vai này, nói theo một thi sĩ là “diễn viên không chỉ đọc mà phải chết thật sự”. Chẳng phải tìm đâu xa, nước Nga sau khi Shedrin mất đã đi giật lùi một khoảng cách quá lớn. Trong thời Liên Xô, nhiều người trong chúng ta đã từng nín thở theo dõi số phận của một vài cá nhân dám bước lên con đường chống đối – có người bị trục xuất như Aleksandr Solgienytsyn hay Iosif Brodsky hoặc bị lưu đày như Andrei Sakharov, có người bị chết trong tù như Anatoly Martrenko. Còn ngày hôm nay là những viên đạn của bọn sát nhân, như trường hợp Anna Politkovskaia.
Nếu để thành tích nghệ thuật sang một bên và hỏi thẳng: nước Mĩ cần Gore Vidal để làm gì thì nhiều người sẽ bảo “cẩn tắc vô ưu” hay “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng ở những nơi mà những câu hỏi như thế này thường xuyên xuất hiện trong óc của nhiều người thì nhu cầu có những tiếng nói phản đối và nghi ngờ là rất rõ ràng. Xã hội cần những tiếng nói tố cáo như mỏ than cần những con chim hoàng yến vậy. Nhìn chim hoàng yến là ta có thể đoán được số phận của mình.
Nguồn: http://www.inliberty.ru/blog/transatlantic/1376/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét