Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009

Một cái tát văn hóa!!!

Một cái tát văn hóa!!!

http://bauxitevietnam.info/c/13401.html
Tối hôm CLB Ca trù Thăng Long và CLB Quan họ Đặng Xá (Bắc Ninh) hát thờ cửa đình Cống Vị (Hà Nội) mừng sự kiện 2 di sản được vinh danh, đã xảy ra một chuyện thật đáng xấu hổ. Bên trạm y tế phường (nằm kế bên đình), tiếng đàn organ cùng dàn đồng ca của đội văn nghệ cựu chiến binh phường, lực lượng công an phường và ông Phó chủ tịch phường đã “hợp lực” thể hiện một “cái tát văn hóa” như trời giáng vào các nghệ nhân, đào kép, liền anh liền chị, các nhà báo cùng những người tận tâm tận lực với Ca trù, Quan họ. Mặc dù trước đó, đại diện của CLB Ca trù Thăng Long đã sang có lời xin đội văn nghệ phường hoãn buổi tập để nhường cho lễ vinh danh di sản ở sân đình, nhưng họ quyết không chịu. Bởi vậy, chuyện hỗn tạp âm thanh như trêu ngươi đã xảy ra. Đám khách nước ngoài đến dự lễ hát cửa đình chốc chốc lại nhăn mặt mỗi khi tiếng nhạc xập xình với dàn amply lớn bên đội văn nghệ phường “chát xình chát chát bùm” thắng thế, lấn lướt chương trình cổ nhạc bên đình. Điều quái dị nhất, một nhóm người bao gồm công an và cán bộ lãnh đạo phường đã lập tức có mặt để… xử lý những người đang làm lễ tôn vinh di sản. Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long Phạm Thị Huệ đã bị gọi ra ngoài thẩm vấn, kết tội là dám biểu diễn hơn… 1 bài mà không xin phép, tụ tập đám đông quá mức cho phép (19 người), lại có cả… đám khán giả, người nước ngoài và… các nhà báo?!?! Điều lạ lùng là ngay từ ngày đầu đến nương nhờ cửa đình Cống Vị (mùa Thu năm 2008), CLB Ca trù Thăng Long đã có đơn xin phép Ủy ban nhân dân phường sở tại, thông qua Ban di tích đình Cống Vị kèm theo Giấy chứng nhận địa chỉ văn hóa của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Cả thời gian dài, CLB Ca trù Thăng Long đã biểu diễn đều đặn hàng tháng, sinh hoạt dậy trống chầu mỗi tuần 1 lần, tất cả đều miễn phí nhằm hoạt động quảng bá cho Ca trù. Một năm trời hoạt động, lãnh đạo phường không hề nói gì, vậy mà chỉ sau khi di sản được vinh danh thế giới có mấy ngày, họ đã đến đình chỉ sinh hoạt của CLB. Từ nay, CLB Ca trù Thăng Long lại rơi vào cảnh không chốn nương thân. Than ôi! Thương biết mấy thân phận bèo bọt của Ca trù, chợt nhớ đến các cụ Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ…
Blog Sĩ Phu Bắc Hà


Thêm tài liệu cho hồ sơ ca trù
Lại Nguyên Ân
Chắc hẳn nhiều người đang hân hoan với sự kiện ca trù của Việt Nam vừa được tổ chức UNESCO công nhận là di sản cần được bảo vệ. Để đạt được sự công nhận này, những người làm hồ sơ hẳn đã tốn rất nhiều công sức tập hợp các nguồn tài liệu khác nhau.
Tôi chưa có hân hạnh được xem hồ sơ của quý vị. Nhưng tôi dám chắc rằng trong hồ sơ ấy chưa có tài liệu sau đây, nó cho thấy cách nay trên 50 năm, chính báo Nhân dân đã lên tiếng đả kích ca trù, xem nó như thứ nghệ thuật lãng mạn, trụy lạc, không xứng đáng là vốn cũ cần bảo tồn.
Và đúng như thái độ mà báo Nhân dân thể hiện, kể từ giữa năm 1958, các nghệ nhân ca trù được đối xử tương tự các thày cúng, thày bói, cô đồng, được gọi chung là người làm nghề mê tín dị đoan, bị cấm hành nghề, bị các cơ quan văn hóa và an ninh theo rõi, quản lý. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự mai một của ca trù. Sự thật này chắc hẳn chưa có trong hồ sơ trình với UNESCO của quý vị.
Vậy, tôi xin đưa lại với công chúng bài văn châm biếm ca trù của ký giả Đào Viên, từng đăng trong mục “Nói thật không mất lòng” của báo Nhân dân ngày Chủ nhật 01/12/1957; Đào Viên chắc hẳn chỉ là bút danh; bút danh này của ai, bây giờ chỉ có thể hỏi các ông Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang… mà thôi. Lại cũng phải nhớ rằng, hơi khác chút ít với bây giờ, thời đó mỗi lời trên báo Nhân dân đều được hiểu là lời của Đảng, là chủ trương chính sách của Đảng. Vậy thì cũng không quan trọng gì lắm cái việc xác định người ký Đào Viên 50 năm trước này là ai.
12/10/2009
LNA

Một góc trang báo 'Nhân dân' Chủ nhật 01-12-1957 có in bài thơ 'Hát ả đầu'
Bài thơ trên báo Nhân dân Chủ nhật 01-12-1957:
NÓI THẬT KHÔNG MẤT LÒNG
HÁT Ả ĐẦU
Hôm nọ tôi dạo phố
Đi gần đến Hàng Đào,
Qua một căn nhà rộng,
Trong có tiếng ồn ào,Tôi chạy đến bên cửa.

Dừng chân đứng trông vào,
Nào chiếu hoa sập gụ,
Nào đàn nguyệt trống chầu,
Khá đông khách tham gia
Ghế ngồi chen chúc nhau.

Có người ra giới thiệu,
Giải thích một hồi lâu,

Rằng vốn cổ dân tộc
Cần phải được nâng cao.
Rồi các người ra mắt
Lần lượt đứng lên chào:
Anh kép gẩy đàn nguyệt
Đóng hệt như người mù
Hai chị em phụ nữ
Chóp chép miệng nhai trầu,
Chuỗi cườm thõng về trước,
Đuôi gà lòi ra sau,
Sênh phách đủ bộ tịch,
Dáng dấp như ả đầu;
Một quan viên đứng tuổi
Mép đã có chòm râu
Miệng toét ra nụ cười,
Tay cầm sẵn roi chầu,
Ai nấy ngồi xong xuôi,
Tiết mục liền bắt đầu.
Anh kép dạo đàn trước,
Ả đầu cất giọng sau.
Tiếng hát lúc cao thấp,
Đường tơ khi nhặt mau,Nào “trời đất gió bụi” [1]
Chinh phụ nhớ chinh phu,
Nào “chữ tài chữ mệnh” [2]
Thương phận bạc nghìn thu,
Nào “hồng hồng tuyết tuyết” [3]
Tiếc xuân khi bạc đầu,
Nào “non sông không thấy” [4]
Mượn chén cứ tiêu sầu.Tiết mục lại tiết mục
Tâm tư khơi càng sâu!
Ca như khóc như oán
Lòng thêm buồn thêm đau,
Liên hệ đến thân phận
Cô hát thường cúi đầu;
Lệ rơi đá chẳng thấm,
Máu chảy ruồi cứ bâu,
Quan viên như đắc ý
Tom chát rền nhịp chầu,
Bao tình tiết lãng mạn,
Được tán thưởng cùng nhau!
Bao tâm hồn trụy lạc,
Được khuyến khích nêu cao!
Vốn cũ chi mà thế?
Ai ơi nghĩ thử nào!
*
Trông vào đám khán giả
Thái độ cũng khác nhau:
Có người thấy vô vị,
Chuồn ngay từ lúc đầu;
Có người rất thích thú,
Mải miết nghe từng câu,
Tay đôi lúc đập nhẹ,
Đùi có khi rung mau,
Như cá được gặp nước,
Như cung vừa ứng cầu;
Có người rốn ngồi xem,
Để tìm hiểu nông sâu,
Nhưng cũng vẻ khó chịu,
Thường mặt ủ mày chau;
Mấy chị em bạn gái,
Tâm sự đầy một bầu,
Coi như bị vụ nhục,
Máu nóng bốc lên đầu,
Để tỏ nỗi chán ghét,
Nói ồn lên mấy câu:
“Thật là trò quái gở,
Xem chẳng ích gì đâu!”
Dắt nhau cùng đứng lên,
Lách mình ra cửa sau,
Người xem chuồn hầu hết,
Tôi không tiện đứng lâu,
Đi về gần đến nhà,
Tai còn nghe tiếng chầu [a]
Vừa đi vừa nghĩ ngợi,
Nên bài thơ tám câu:
Thơ rằng:
Quen thói trăng hoa xóm ả đầu,
Đồi phong bại tục ấy từ đâu?
Quan viên thích ý tay chầu nhặt,
Ca nữ thương thân tiếng hát sầu,
Hoa rụng chẳng mong gì đất sạch,
Hương phai càng được lắm ruồi bâu,
Ai ơi vốn cũ chi mà thế,
Xin chớ lừa nhau, mơn trớn nhau!
*
Xin chớ lừa nhau, mơn trớn nhau,
Những điều trông thấy nghĩ mà đau,
Tên rằng vốn cũ, rằng văn nghệ,
Cảnh vẫn quan viên, vẫn ả đầu.
Đã biết trò xưa không đẹp nữa,
Thì mang lốt mới có hay đâu!
Khâm Thiên tuồng ấy xin đừng diễn [5],
Bại tục đồi phong lại ngóc đầu!
ĐÀO VIÊN
Nguyên chú:
[1] “Thưở trời đất nổi cơn gió bụi, Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” là câu đầu của “Chinh phụ ngâm”.
[2] “Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” là câu mở đầu của “Truyện Kiều”.
[3] “Hồng hồng tuyết tuyết” là một bài hát ả đầu của Nguyễn Công Trứ, đại ý nói lúc tuổi già đầu bạc rồi gặp gái đẹp thêm ngại [b].
[4] Bài hát của Tản Đà có câu: “Say chẳng biết phen này là mấy, Nhìn non sông không thấy lại mà say”, lại có câu: “Vợ rằng say rượu là vô ích, ta muốn tiêu sầu cứ tự do”.
[5] Khâm Thiên trước kia là phố hát ả đầu.
[a] Có lẽ là “trống chầu” mà báo in sai (L.N.Â. chú).
[b] Chỗ này Đào Viên nhớ sai: “Hồng hồng tuyết tuyết” là bài hát ca trù nổi tiếng của Dương Khuê (L.N.Â. chú).
Nguồn: Nhân dân, Hà Nội, chủ nhật, 01/12/1957, tr. 3
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét