Gần đây trên báo chí và đâu đó có dư luận rằng VN có tâm lý " xa rừng né biển", không có chiến lược khai thác tài nguyên biển, có thực như vậy không? Tôi xin được giới thiệu bài viết này của tác giả Nguyễn Quang Ngọc trong loạt bài đã giới thiệu trước đây về chủ đề này để bạn đọc tham khảo và suy ngẫm. Chi)
Nguyễn Quang Ngọc
(Bài tham luận trình bày trong Hội thảo Quảng Yên và đã đăng trên tạp chí NCLS)
Việt Nam là đầu cầu nối liền Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, là giao điểm của các nền văn hóa, văn minh lớn của Thế giới. Việt Nam nằm trên đường hằng hải quốc tế từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc nên giữ một vị thế địa - chính trị, địa - kinh tế và địa - văn hóa hết sức đặc biệt.
Kết quả khai quật và nghiên cứu Khảo cổ học ở Việt Nam một thế kỷ qua đã xác định được khá rõ ràng những lớp cư dân cổ từ trong các vùng nội địa liên tục tiến ra khai phá, sinh cơ lập nghiệp và làm chủ các vùng đảo, quần đảo ngoài Biển Đông.
Bắt đầu từ khoảng Hậu kỳ Đá cũ và nhất là từ Sơ kỳ Đá mới (khoảng từ 25.000 năm đến 18.000 năm cách ngày nay) đã có những bộ phận cư dân từ lục địa tiến ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo ở khu vực Đông Bắc. Họ định cư tại đây khai phá đất đai, dựng nhà, lập làng và để lại các di tích, di vật thuộc thời đại Đá cũ ở Cồn Cỏ, Quảng Trị, thuộc thời đại Đá mới (các văn hóa Hòa Bình, Soi Nhụ, Đa Bút, Hạ Long, Bàu Tró) trên dải đảo, quần đảo chạy dài từ Móng Cái cho đến Bắc Trung Bộ và văn hóa sơ kỳ Kim khí (văn hóa Hoa Lộc) thuộc khu vực bờ biển Thanh Hóa, Nghệ An. Sự hiện diện của các nền văn hóa khảo cổ ở đây với số lượng, quy mô các di tích như vậy chứng tỏ số lượng người di cư ra các vùng biển đảo không nhỏ và ngay từ đó họ đã thuộc nhiều nhóm người, nhiều lớp người khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên, trận đánh lịch sử kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc Việt Nam lại diễn ra ở vùng cửa sông Bạch Đằng vào những ngày cuối năm 938. Trận thắng này mở ra truyền thống Bạch Đằng, truyền thống thủy chiến, nghệ thuật tiêu diệt thật nhanh chóng và triệt để các đoàn quân xâm lược hùng mạnh ở địa đầu sông biển của Tổ quốc chỉ trong vòng một con nước triều. Cũng từ sau chiến công kỳ diệu này, các nhà nước độc lập Việt Nam từ Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê-Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn luôn luôn ý thức một cách đầy đủ tầm quan trọng của biển, hải đảo và hầu như triều đại nào cũng đều có chiến lược đối với các vùng biển đảo. Tiếc rằng sử sách đời xưa ghi chép quá cô đọng nên dù có cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể nhận ra được một cách chính xác những hoạt động của các chính quyền độc lập đầu tiên trên lĩnh vực này. Mãi đến thời Lý, đặc biệt vào thời vua Lý Anh Tông mới thấy sử cũ chép về các hoạt động của nhà vua và triều đình ở các vùng biển đảo hay có liên quan đến các vùng biển đảo.
Trong bài viết này, chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu thư tịch cổ, chúng tôi bước đầu xác định thời kỳ vua Lý Anh Tông (1138-1175) là thời điểm mở đầu của các nhà nước Việt Nam xây dựng và thực thi các chiến lược của Vương triều mình đối với vùng biển đảo thiêng liêng và máu thịt của Tổ quốc.
1. Vua Lý Anh Tông và chiến lược đối với các vùng biển đảo
Lý Anh Tông là vị vua thứ 6 Vương triều Lý, sau Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1127) và Lý Thần Tông (1127-1138). Ông sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), lên ngôi Hoàng đế tháng 10 năm Mậu Ngọ (1138), khi mới chưa tròn 3 tuổi, ở ngôi 37 năm, mất tháng 7 năm Ất Tỵ (1175), thọ 40 tuổi.
Đánh giá về sự nghiệp của Lý Anh Tông cho đến nay trong giới sử học cũng còn có những ý kiến khác nhau về từng lĩnh vực cụ thể, nhưng trên tổng thể đều thống nhất khẳng định thời kỳ Lý Anh Tông trị vì vẫn nằm trong giai đoạn phát triển và thịnh đạt của Vương triều Lý. Trong thời kỳ trị vì của Lý Anh Tông, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của đất nước được giữ vững, vị thế của quốc gia Đại Việt, của Vương triều Lý được đề cao, đúng như sử gia Ngô Thì Sĩ thế kỷ XVIII ca ngợi: “Nghi thức khác thường, điển lễ long trọng, hàng mấy ngàn năm về trước chưa từng có. Công gây dựng nước thực bắt đầu từ vua Anh Tông có thể nói là tốt đấy”[1].
Các tư liệu và sự kiện lịch sử dưới đây chính là những minh chứng cho một chiến lược tương đối đầy đủ và hệ thống của triều đình Lý Anh Tông đối với các vùng biển đảo, từ việc xây dựng các cơ sở quản lý, tổ chức các đội tầu thuyền cho đến việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xác định ranh giới trên biển, bảo vệ dân chúng và mở rộng các quan hệ giao thương buôn bán với tầu thuyền ngoại quốc…
- Tháng 10, năm 1147 Lý Anh Tông cho “dựng hành dinh ở trại Yên Hưng”[2].
- Tháng 2, năm 1149 nhân việc thuyền buôn 3 nước Trảo Oa (Java, Indonesia), Lộ Lạc và Xiêm La (đều thuộc Thái Lan ngày nay) vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, vua Lý Anh Tông “bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương”[3].
- Tháng 11, năm 1161 Lý Anh Tông “sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về”[4].
- Tháng 2, năm 1171 “Vua đi tuần các hải đảo, xem khắp hình thế núi sông, muốn biết dân đinh đau khổ và đường đi xa gần thế nào”[5].
- Tháng 2, năm 1172 “Vua đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ ghi chép phong vật rồi về”[6].
- Thời Lý Anh Tông, nhà vua liên tục cho đóng thuyền lớn tham gia vào việc kiểm tra, kiểm soát, khai thác và bảo vệ các vùng sông nước, biển đảo như đóng 2 thuyền Vĩnh Long, Thanh Lan và 2 thuyền lớn Trường Quyết, Phụng Tiên (1147); đóng 2 thuyền Vĩnh Diệu, Thanh Lan (1151); đóng thuyền Vĩnh Chương (1154); đóng thuyền to bản của ngự trù, thuyền to bản của cung nội (1156); đóng thuyền Nhật Long (1167) và đóng thuyền Ngoạn Thủy (1173)[7]…
Chắc chắn vì những thành công của các chính sách này mà triều đình nhà Tống đã phải phong cho Lý Anh Tông làm An Nam Quốc Vương và chính thức công nhận nước ta là An Nam Quốc[8]. Ngô Thì Sĩ đã hoàn toàn có lý khi cho rằng thời vua Lý Anh Tông trị vì: “luyện binh giảng võ, chọn tướng sai sứ khiến cho Chiêm Thành phải giữ lễ phiên thần, nhà Tống phải phong là nước lớn, triều đình sáng sủa, biên giới yên lành, hầu như đem lại được nền thịnh trị như thời Thái Tông, thời Nhân Tông”[9] và “nếu không phải là người rất sáng suốt, rất anh dũng thì không được như vậy”[10].
2. Hành dinh trại Yên Hưng và vị trí của nó trong chiến lược biển
Công việc quan trọng đầu tiên của vua Lý Anh Tông (và cũng có thể được coi là của cả Vương triều Lý) đối với các vùng biển đảo là đặt ra hành dinh ở trại Yên Hưng[11] như là một cơ quan quản lý của triều đình trung ương đối với cửa ngõ yết hầu sông nước quan trọng nhất của đất nước, cũng như toàn bộ các vùng biển đảo của quốc gia Đại Việt nói chung.
Trại Yên Hưng có quy mô và vị trí như thế nào cũng là vấn đề cần phải bàn. Dưới thời Lý, hệ thống hành chính ở các địa phương có 24 lộ (tuy nhiên hiện nay cũng không có tài liệu xác định được đầy đủ cả tên gọi và vị trí của 24 lộ này). Ngoài lộ ra còn có phủ, ở miền núi hay các miền xa xôi còn có các đạo, châu, trại. Bên dưới các phủ, châu, trại là hương, giáp… Thật không thể hình dung trại Yên Hưng ở đây lại tương đương với các lộ, phủ giống như các vùng châu Hoan, châu Ái. Chúng tôi cũng không nghĩ quy mô của trại Yên Hưng chỉ như một xóm nhỏ của một đơn vị thôn làng đang hình thành sau này. Sử cũ cũng từng nhiều lần nhắc đến tên trại Yên Hưng như việc đất này từng được Trần Thái Tông cắt ban cho An Sinh Vương Trần Liễu (cha đẻ của Trần Hưng Đạo) vào năm 1237[12]; hay một vùng làng quê trù phú, một cứ điểm mạnh trấn giữ vùng quan ải Bạch Đằng mà sau khi không đón được thuyền lương của Trương Văn Hổ, Ô Mã Nhi đã cho đánh vào trại Yên Hưng vừa để cướp lương thảo về nuôi đội quân đang chết đói ở Vạn Kiếp, vừa triệt phá một cơ sở quân sự trọng yếu của nhà Trần[13]. Theo chúng tôi, trại Yên Hưng tuy không lớn như một đơn vị hành chính ngang với cấp phủ, lộ, nhưng cũng không phải là đơn vị hành chính cấp cơ sở, mà chỉ là tập hợp một số các đơn vị cư trú cả dân sự và quân sự ở khu vực tương đương với các xã Yên Hưng, Quỳnh Lâu tổng Hà Bắc trước đây[14]. Về vị trí của trại Yên Hưng, bản dịch các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên đều thống nhất chú giải “nay là đất huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh”, hay nói một cách cụ thể hơn tức là đất thị trấn Quảng Yên và các xã phụ cận như Yên Giang, Cộng Hòa huyện Yên Hưng.
Thời Lý, để tăng cường cho triều đình kiểm tra, quản lý các địa phương trọng yếu, nhà Lý còn đặt ra các hành cung, hành dinh và phủ đệ. Sau hành dinh ở trại Yên Hưng dựng năm 1147, liên tục trong các năm 1154, 1155, 1156, Lý Anh Tông cho dựng các hành cung Ứng Phong ở Nam Định, hành cung Lỵ Nhân ở Hà Nam, hành cung Ngự Thiên ở Thái Bình, phủ đệ ở Phú Lương (Thái Nguyên), phủ đệ ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng)[15]. Phủ đệ ở Phú Lương, Quảng Nguyên để dành riêng cho Phò mã, Công chúa cai quản các vùng biên giới phía Bắc. Hành cung cũng giống như cung điện được xây dựng giữa vùng nông nghiệp trọng yếu để nhà vua mỗi khi đi kiểm tra, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp (như xem cày ruộng, xem gặt lúa…) mà phải nghỉ lại. Còn hành dinh là dinh thự, doanh trại ở ngoài Kinh đô trên nguyên tắc xây dựng phục vụ cho việc quân ở nơi quan yếu, nhưng trong thực tế, người đứng đầu hành dinh thay mặt cho triều đình vẫn phải cai quản những việc dân sự mà triều đình ủy thác. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 8 năm 1044 sau khi đánh thắng Chiêm Thành, trên đường từ Phật Thệ trở về Kinh đô Thăng Long, vua Lý Thái Tông “đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu Nhật Quang đến úy lạo rồi trao cho tiết việt trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây vua ủy cho Uy Minh thu tô hàng năm ở Nghệ An và sai lập trại Ba Hòa khiến cho [trấn ấy] được vững chắc, lại đặt điếm canh các nơi cất chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế”[16].
Tiếc rằng cho đến nay chúng ta chưa có nghiên cứu cơ bản và nhất là chưa từng tổ chức khai quật khảo cổ học quy mô lớn để xác định chính xác vị trí và quy mô của hành dinh Yên Hưng thời Lý. Theo quan sát bước đầu của chúng tôi thì ở vùng cửa sông Bạch Đằng chỉ có hai địa điểm có nhiều khả năng có liên quan đến vị trí hành dinh này:
Thứ nhất là khu vực thành Quảng Yên thời Nguyễn. Tòa thành này nằm trên gò núi Tiên Sơn, xã Quỳnh Lâu, trực tiếp án ngữ cửa sông Bạch Đằng và sông Chanh, là vị trí trọng yếu nhất của toàn vùng[17]. Khi vua Gia Long thành lập Vương triều Nguyễn lập ra trấn Yên Quảng cai quản toàn bộ miền Đông Bắc, năm 1804 đã quyết định chọn gò núi này làm lỵ sở của toàn trấn. Lúc đó trên gò đã có đồn An Bang vốn là trị sở của phủ Hải Đông gồm 2 huyện Yên Hưng, Hoành Bồ và 3 châu Tiên Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn. Hơn 2 chục năm đầu dưới thời Gia Long và Minh Mệnh, trấn lỵ Yên Quảng rồi Quảng Yên[18] vẫn chỉ nhân lấy núi làm thành mà hầu như chưa có xây dựng mới. Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) mới đắp thêm lũy đất và năm Tự Đức thứ 12 (1859) mới xây gạch chu vi 295 trượng, mở 3 cửa, mà một phần dấu tích còn lại đến ngày nay. Dưới chân gò là Bến Ngự sông Chanh mà các vị Hoàng đế - Thi nhân lừng danh trong lịch sử như Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông đều đã từng dừng thuyền ngự, làm thơ ca ngợi cảnh sắc và con người của quận trị An Bang.
Chúng tôi hy vọng rồi đây trong chương trình quốc gia bảo tồn và tôn tạo vùng chiến trường Bạch Đằng, các chuyên gia khảo cổ học sẽ có cơ hội khai quật ở khu vực bên trong của tòa thành thời Nguyễn và qua đó có thể tìm ra dấu tích của đồn An Bang xưa. Nếu xác định được chính xác vị trí của đồn An Bang thời Lê thì cũng có nhiều khả năng sẽ tìm được dấu vết các hoạt động của tổ tiên ta ở vị trí được coi là quan trọng nhất của vùng cửa sông Bạch Đằng vào thời điểm của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, cũng như vết tích còn lại của các thời kỳ trước, trong đó không loại trừ hành dinh trại Yên Hưng thời Lý.
Thứ hai là khu vực núi Dinh chỉ cách thành Quảng Yên khoảng 2 cây số về phía Đông Bắc. Đây cũng là một quả núi thấp, đỉnh núi khá rộng, xưa có Thành Tre, tương truyền là Dinh Phủ vô cùng linh thiêng, hầu như không ai dám đụng tới (nhưng vì quá lâu đời nên cũng không có ai biết đây là dinh hay phủ nào). Thành này nối thông với sông Chanh và sông Bạch Đằng mà dòng sông cổ, bến Xưởng từ đầu núi (nay là xóm Dinh, xã Cộng Hòa) chạy ra Khê Chanh nay vẫn còn nhận được dấu vết.
Tuy chưa biết được vị trí thật chính xác của hành dinh Yên Hưng, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định nó không thể ở ngoài khu vực xã Quỳnh Lâu, tổng Hà Bắc xưa (nay là thị trấn Yên Hưng và xã Cộng Hòa, huyện Yên Hưng). Đây chính là nơi đầu tiên vua Lý Anh Tông, Vương triều Lý và các nhà nước phong kiến Việt Nam đã triển khai và thực thi một chiến lược xây dựng và bảo vệ các vùng biển đảo, các kế hoạch chặn đứng và đánh tan các đạo quân xâm lược tại vùng cửa ngõ yết hầu của đất nước, dù chúng hùng hổ kéo quân từ biển vào đất liền hay đã bị đánh bại trong đất liền đang tìm đường tháo chạy ra biển. Truyền thống Bạch Đằng - một truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, tiếp nối, nhân lên và thăng hoa từ vùng cửa sông Bạch Đằng, từ khu vực trại Yên Hưng nổi tiếng này. Đấy cũng chính là chiều sâu lịch sử-văn hóa của đô thị Quảng Yên, đô thị trấn giữ biển đảo, đô thị che chắn cho Kinh đô Thăng Long, hưng vong cùng non sông đất nước nghìn năm qua và mãi mãi về sau.
Hòa vào xu thế phát triển của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biến đổi toàn cầu, Quảng Yên - Yên Hưng không thể không gồng mình lên, triệt để huy động mọi nguồn lực, phát triển đô thị bền vững, nâng tầm đô thị theo hướng tự chủ cao về tài chính và chuyển mạnh ra đại dương, tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, thực hiện sứ mệnh cao cả mà cách đây 864 năm vua Anh Tông nhà Lý trong chiến lược biển đảo đầu tiên của quốc gia Đại Việt đã tìm chọn và ủy thác vào hành dinh trại Yên Hưng.
Quảng Yên - Hà Nội 1/1/2011
[1] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr 294.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 316.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 317.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 323.
[5] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 324.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 325.
[7] Thống kê theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn từ trang 316 đến trang 325.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 323.
[9] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch đã dẫn, tr 295. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng nhận xét tương tự: “Vua cũng răn việc trước, cẩn thận việc sau, đức nghiệp ngày một tiến; luyện binh, giảng vũ, chọn tướng sai sứ [khiến cho] Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, nhà Tống sách phong coi như nước lớn. Trong triều lúc ấy, ai cũng khen là minh trị” (TI, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr 194-195).
[10] Đại Việt sử ký tiền biên, Bản dịch đã dẫn, tr 295.
[11] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 316. Nguyên văn chữ Hán tờ 6a, quyển 4 là “tạo Yên Hưng trại hành dinh” (造安興寨行營). Bản dịch sách Đại Việt sử ký tiền biên, cũng sự kiện này nhưng lại dịch là “Đinh Mão, năm thứ 8 [1147] (……), mùa đông, tháng 10, dựng hành cung ở trại Yên Hưng” (tr 282). Theo chúng tôi chuyển dịch “hành dinh” (行營) thành “hành cung” (行宮) là làm sai đi nội dung và ý nghĩa của sự kiện.
[12] Đại Việt sử ký toàn thư, T II, Bản dịch đã dẫn, tr 16. Sách chép: “Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương”. Như thế rõ ràng Yên Hưng (cùng Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Bang) không phải là những trại nhỏ như các thôn trại hiện nay.
[13] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 61.
[14] Đặng Xuân Bảng trong Sử học bị khảo, Bản dịch Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr 427 lại cho trại Yên Hưng thời Trần tương đương với huyện Yên Hưng thời Nguyễn.
[15] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 321-322. Cũng cần phải nói thêm là các hành cung Ứng Phong và Lỵ Nhân vốn đã rất nổi tiếng từ dưới thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), bây giờ Lý Anh Tông chỉ cho dựng lại hay tu sửa lại, chứ không phải là xây dựng hoàn toàn mới.
[16] Đại Việt sử ký toàn thư, T I, Bản dịch đã dẫn, tr 266.
[17]Theo sách Đại Nam thực lục, T IV, Bản dịch Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr 1032-1033 thì vào năm 1836, nhân việc Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Công Trứ đề nghị mở rộng thành Quảng Yên, Hộ phủ Lê Dục Đức tâu không nên tiếp tục ở lại Quảng Yên mà cần phải chuyển sang địa điểm mới thuộc huyện Thủy Đường (nay là Thủy Nguyên, Hải Phòng), vua Minh Mệnh giao cho Bộ Công xem xét lại việc này. Sau khi tính toán kỹ lưỡng một cách tổng thể, Bộ Công cho rằng: “Xây dựng thành trì, có quan hệ đến sự che chống ở biên cương. Địa thế tỉnh thành Quảng Yên, trong có thể khống chế được cả hạt, ngoài có thể trấn áp được vùng hải cương, thực là nơi hình thế đẹp. Lời của đốc thần có định kiến đấy”. Bộ Công sau khi xác định vị trí không thể thay thế được của tỉnh thành Quảng Yên, đã khuyên vua Minh Mệnh không nên nghe theo lời tâu thiên kiến của Lê Dục Đức và vua Minh Mệnh đã y theo lời bàn của Bộ Công. Điều này góp phần lý giải tại sao từ rất sớm, các nhà nước phong kiến Việt Nam đều chọn Quảng Yên (mà cụ thể là khu vực tỉnh thành Quảng Yên) làm trung tâm trấn giữ vùng cửa sông Bạch Đằng và mở rộng ra toàn tuyến duyên hải, biển và hải đảo khu vực Đông Bắc.
[18] Thật ra đây cũng chỉ là tên gọi khác nhau của cùng một địa điểm. Tên lộ An Bang đã có từ thời Trần. Năm 1466 Lê Thánh Tông đặt An Bang thừa tuyên. Đến đời vua Lê Anh Tông mới đổi An Bang làm An Quảng và năm 1822, vua Minh Mệnh đổi An (Yên) Quảng thành Quảng Yên.
Chả phải đâu đó hay trên báo chí đâu, ngay ở khoa Sử cũng có một số người nói và viết như thế đấy. Mình cho rằng nghiên cứu lịch sử mà chỉ loanh quanh đâu đó ở thời nhà Nguyễn và hạn chế trong một vài khu vực của Việt Nam để rồi rút ra những nhận định cho toàn bộ lịch sử văn hóa Việt Nam thì chất lượng nghiên cứu sử học càng ngày càng thụt lùi và thậm chí phản dân tộc nữa đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét