Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

KHẢO SÁT TỔNG QUÁT CÁC BỜ ĐẠI DƯƠNG VỚI PHẦN CHÚ GIẢI. Tác giả Mã Hoan, dịch giả Ngô Bắc

Sơ Lược Về Tác Giả Và Tác Phẩm

     Các chi tiết về tác giả Mã Hoan [có nơi dịch là Mã Huân?] và tác phẩm Ying-Yai Sheng-Lan: Doanh Nhai Thắng Lãm (Khảo Chú Tổng Quát Các Bờ Đại Dương) dưới đây đều được trích dịch từ bản dịch sang tiếng Anh của J. V. G. Mills, Cambridge University Press xuất bản ở  London năm 1970  cho Hiệp Hội Hakluyt Society.  

Về Tác Giả  Mã Hoan

     Chúng ta biết rất ít về Mã Hoan, qua ấn bản quyển Ying-yai Sheng-lan: Doanh Nhai Thắng Lãm được ấn hành bởi Feng Ch’eng-chun.  Gia đình họ Mã sống tại huyện Kuei chi, thuộc thành phố Shao hsing, cách Hàng Châu khoảng 24 dặm phía đông nam và cách bờ phía nam của vịnh Hàng Châu khoảng bảy dặm, một trong những trung tâm hàng hải chính yếu trong thời đại của ông.

     Ông được ước đoán sinh ra khoảng năm 1380, tự xưng một cách nhún nhường là một tiều phu vùng núi, có lẽ để chỉ nguồn gốc địa vị xã hội khiêm nhường của gia đình ông.  Ông phải được nhận một nền giáo dục tốt, bởi trong sách ông viết có trích dẫn kinh điển, và ông có hay biết về nội dung quyển Tao-I chih-lueh của Wang Ta-yuan, về kinh sách Trung Hoa, và “kinh sách đạo Phật”, và tác giả Pelliot xem ông hoàn toàn có khả năng viết ra Lời Đề Tựa năm 1416 cùng Bài Thơ Dẫn Nhập, mặc dù văn phong của ông thì đơn giản và không văn hoa.  Ở một nhật kỳ không được biết rõ, ông đi theo đạo Hồi, và có tự danh là Tsung-tao.

     Ông chắc hẳn phải là một kẻ thông thạo tiếng Ả Rập hay Ba Tư để được bổ nhiệm làm thông dịch viên chính thức cho Trịnh Hòa khi vị đại thái giám này nhận được lệnh chỉ huy một đoàn viễn chinh trong năm 1412 là đoàn lần đầu tiên đi mãi đến tận Hormuz (Ba Tư).  Đây là chuyến du hành hải ngoại đầu tiên trong ba chuyến mà Mã Hoan đã tháp tùng đại thái giám Trịnh Hòa.

     Mã Hoan và đồng sự của ông, Kuo Ch’ung-li đã thực hiện các cuộc du khảo địa phương tại các lãnh thổ mà họ đến thăm viếng, ghi chép lai tất cả những gì họ đã thấy.  Các địa điểm quan trọng nhất trong cuộc viễn chinh 1413-1415 là xứ Chàm, Java, Palembang, Malacca, Semudera, Ceylon, Calicut, và Hormuz.

     Trở lại Trung Hoa trong năm 1415, Mã Hoan tức thời sắp xếp thành một quyển sách các ghi chú mà ông và đồng sự Kao Ch’ung-li đã biên chép trong cuộc du hành, và ông đã hoàn tất quyển sách, viết Lời Đề Tựa và Bài Thơ Dần Nhập trong năm 1416, và trở thành kẻ đầu tiên trong số các phụ tá của Trịnh Hòa khởi sự viết các tài liệu về nước ngoài.

Bản đồ Nam Á Châu – Lộ trình chuyến viễn thám lần thứ 7 của Trịnh Hòa,
từ tháng 1 năm 1431 đến tháng 7, 1433.


     Chúng ta không biết lý do tại sao Mã Hoan không đi theo cuộc viễn chinh năm 1417-19; nhưng ông có tháp tùng chuyến thám hiểm thứ sáu năm 1421-2, thăm viếng, ngoài các nơi khác, Malacca, Semudera, Ceylon, Calicut, và Hormuz, và có thể cả Dhufar và Aden. Đây là cuộc du hành thứ nhì của Mã Hoan, và sau khi trở về, ông có thể đã bổ túc vào quyển sách của ông các phần mô tả về Dhufar và Aden.  Ở lúc nào đó sau năm 1424, ông đã kiểu chính lại miếu hiệu của vua Thành Tổ sau khi mất, thành Thái Tông Văn Hoàng Đế.  Trong năm 1424, vua Minh Nhân Tông đã bác bỏ mọi cuộc viền chinh, nhưng đến năm 1430, vua Minh Tuyên Đức lại ra lệnh cho Trịnh Hòa thực hiện cuộc viễn chinh thứ bảy và sau cùng của ông này (1431-3) và Mã Hoan một lần nữa, tháp tùng theo Trịnh Hòa.

     Trong dịp này, Mã Hoan đã du hành trong một đoàn tàu biệt phái dưới quyền chỉ huy của thái giám Hung Pao, đi thẳng từ Trung Hoa đến Bengal, nơi ông đến thăm viếng trong nửa đầu tiên của năm 1432, đã du hành từ Chittagong đến Sonargaon gần Dacca, và từ đó lên kinh đô, khi đó ở Gaur.  Từ Bengal, họ trương buồm đi tới Calicut, và Mã Hoan có thể là một trong bảy sứ giả Trung Hoa được phái bởi thái giám Hung Pao đi từ Clicut đến Mecca; bởi, như một tín đồ đạo Hồi, Mã Hoan sẽ phải cảm thấy bị thôi thúc để làm một cuộc hành hương về thánh địa; ông mô tả Mecca trong quyển sách của ông, và trong Lời Đề Tựa, là phần ông có thể sửa đổi nếu cần.  Ku P’o trong Lời Đề Bạt tuyên bố rằng Mã Hoan có đến thăm viếng Mecca.  Các chi tiết chính xác trong quyển sách cho thấy Mã Hoan thực sự đến nơi đó.  Mã Hoan được phỏng đóan là đã rời Calicut vào khoảng tháng Bẩy năm 1432, đên Mecca vào khoảng tháng Mười năm 1432, đã ở đó khoảng ba tháng cho đến khoảng tháng Một năm 1433 và quay về Calicut để kịp nhập với đoàn thuyền của Trịnh Hòa nhổ neo từ đó vào ngày 9 tháng Tư.  Đây là chuyến đi thứ ba và cuối cùng của Mã Hoan, và có thể trong chuyến này ông đã viếng thăm Dhufar và Aden.  Hai tác giả các quyển du ký cùng thời,  Kung Chen và Fei Hsin, cũng đã cùng phục vụ trong cuộc viễn chinh trong các năm 1431-3 này.

     Mã Hoan chưa bao giờ đến vùng Đông Phi Châu, nhưng ông tuyên bố đã thăm viếng hai mươi xứ sở ở Á Châu; mười hai xứ đã được đề cập tới, và Aru, Lambri, Cochin, và quần đảo Maldives có thể đã được thăm viếng hoặc trong cuộc viễn thám năm 1414-15 hay 1421-2.  Nhưng chúng ta không có các thời điểm rõ ràng khi ông đến thăm viếng bốn xứ còn lại, tức Thái Lan, Nagur, Lide và Quilon.

     Sau khi trở lại Trung Hoa trong năm 1433 Mã Hoan đã ghi thêm vào quyển sách của ông phần trình bày về Mecca, có thể, cả phần về Dhufar và Aden, và đề cập đến các quan hệ với Palembang trong các năm 1424 và 1425.  Bạn của ông, Kuo Ch’ung-li, đã cộng tác với ông trong việc chuẩn bị cho quyển sách, nhưng Mã Hoan luôn luôn là người ký tên trên các văn liệu, nhiều phần là vì ông chính là kẻ biên soạn lại các ghi chép của chính ông và đồng sự Kuo Ch’ung-li.  Chúng ta có thể giả định rằng quyển Ying-yai sheng-lan: Doanh Nhai Thắng Lãm đã hoàn tất bản thảo cuối cùng của nó vào khoảng năm 1434-6 bởi vì trong năm 1434 Kung Chen đã viết Lời Đề Tựa cho quyển sách gần như đồng nhất của ông ta nhan đề His-yang fan-kuo chih, và trong năm 1436, Fei Hsin cũng đã viết Lời Đề Tựa cho quyển Hsing-ch’a sheng-lan của ông ta.  Rất có thể là bản thảo của Mã Hoan, cũng như của Fei Hsin, đã được “lưu hành”, và việc này có thể là nguyên do tại sao có sự hiện hữu của các bản sao chép khác nhau.

     Chúng ta phỏng định rằng Mã Hoan và Kuo Ch’ung-li đã cố gắng để ấn hành quyển sách trong năm 1444, và vì thế, đã có Lời Đề Tựa của Ma Ching được viết ra trong năm này.  Sau cùng, Kuo Ch’ung-li, xuyên qua người bạn tên Lu T’ing-yung, cậy nhờ được viên thư ký hoàng triều, Ku P’o, viết cho Lời Đề Bạt, và quyển sách đã được in ra, theo tác giả Pelliot, vào năm 1451.  Tuy nhiên ấn bản này đã bị biến mất từ lâu.  Mã Hoan từ trần, theo sự phỏng đoán, vào khoảng năm 1460, và bất kể các lời tán dương đến lợm giọng của Ma Ching và Ku P’o, quyển sách của ông không hề được tìm đọc rộng rãi, và ông chưa bao giờ trở thành kẻ nổi tiếng, và ông đã bị lãng quên cho đến mãi năm 1773, khi thư viện hoàng gia của vua Càn Long được thành lập.

     Chúng ta không thể thu lượm nhiều thông tin về Mã Hoan như một con người.  Ông khó có thể thoát khỏi, trước tiên, cảm tính vô thức về sự khinh thường mà người Trung Hoa hay dành cho dân “man rợ”; và đầu óc ông quá chật hẹp để tin tưởng các câu chuyện kỳ diệu được thuật lại bởi Wang Ta-yuan.  Nhưng ông đã thẳng thắn thừa nhận rằng ông đã thay đổi các quan điểm của mình; và ông đưa ra nhiều nhận định tán thưởng về dân chúng và các sự việc mà ông đã quan sát.  Ông có vẻ là người có đầu óc đơn giản, ông chán ghét bạo động, và lấy làm kinh hãi về sự phổ biến của án tử hình tại Java.

     Như độc giả thường hay chờ đợi ở các nhà du ký, ông đã vun xới một tinh thần tìm tòi “vài điều mới lạ”, và nhờ thế, ngoài các vấn đề  thì quan trọng hơn, ông ghi lại cho chúng ta nhiều về phong tục và các chuyện truyền khẩu như chuyện về thánh Moses và chuyện con bò vàng tại Calicut, cũng như các sự mô tả về các sản vật khác thường như quả mít, sầu riêng, và xoài trong thực vật, và các con tê giác, ngựa vằn, và hươu cao cổ trong số các động vật.  Ở một vài khía cạnh ông lại quá cả tin, như khi ông trình bày, với tất cả sự nghiêm chỉnh, về ma cà-rồng hút máu người tại xứ Chàm, và về ma hổ tại Malacca.  Ở các khía cạnh khác, một lần nữa, các nhà bình luận thấy thật khó khăn để phân biệt giữa sự kiện với truyền thuyết; thí dụ, khi Mã Hoan thuật lại tục lấy mật người tại xứ Chàm, hay lai lịch của “ông già đánh cá” tại Semudera.  Nói chung, Mã Hoan xem ra đã có được sự phán đóan công bằng và không có thành kiến.


Các Ấn Bản Còn Lại Đến Nay

     Ấn bản chính gốc năm 1451 đã biến mất từ lâu, sự hiểu biết của chúng ta về quyển sách của Mã Hoan giờ đây dựa vào ba sao chép từ ấn bản in thời nhà Minh, được gọi là các ấn bản C, S và K.

Ấn bản C

     Ấn bản được sử dụng chính yếu nơi đây xuất hiện trong một tuyển tập nhan đề Chi-lu hui-pian (Tuyển Tập Các Tài Liệu Ghi Chép), ấn hành bởi Shen Chieh-fu vào khoảng năm 1617.  Quyển Ying-yai sheng-lan: Doanh Nhai Thắng Lãm gồm 47 tờ nằm trong chương 62, gồm cả Lời Đề Tựa của Mã Hoan viết năm 1416, Bài Thơ Dẫn Nhập, và Lời Đề Bạt của Ku P’o năm 1451.  Bản này có nhiều chỗ sai lầm và thiếu sót.

Ấn bản S

     Ấn bản thứ nhì sử dụng nơi đây xuất hiện trong một tuyển tập có nhan đề Sheng-ch’ao i-shih (Các Biến Cố Lịch Sử của Thời Cuối Triều Đại), được ấn hành bởi Wu Mi-kuang trong năm 1824, gồm 48 tờ trong Chương 1.  Bản văn này được tu chỉnh và hoàn tất trong năm 1883 bởi Sung Tse-yuan.  Nó không có Lời Đề Tựa, Bài Thơ Dẫn Nhập, và Lời Đề Bạt và còn có nhiều sai lầm hơn cả ấn bản C.

Ấn bản K

     Ấn bản thứ ba được dùng nơi đây xuất hiện trong một tuyển tập nhan đề Kuo-ch’ao tien-ku (Các nguyên tắc văn học của một triều đại), biên tập bởi Chu tang-mien, có niên kỳ không rõ nằm trong khoảng từ năm 1451 đến 1644.  Ấn bản này không có Lời Đề Tựa, Bài Thơ Dẫn Nhập hay Lời Đề Bạt.  Ấn bản có nhiều sự sai lầm hơn cả ấn bản S, nhưng có một vài nơi dễ đọc hơn cả ấn bản C hay ấn bản S.

     Các phần chú thích đều có ghi thuộc ấn bản tương ứng nào, khi cần.

     Về phần phân tích nội dung quyển sách va so sánh với các tác phẩm tương tự cùng thời, xin xem ở một bản dịch với nhiều chi tiết hơn, sẽ được công bố sau. Các phần được dịch dưới đây gồm;
    
1.    Lời Đề Tựa của Mã Hoan, viết năm 1416
2.    Lời Đề Tựa của Ma Ching, viết năm 1444
3.    Bài Thơ Dẫn Nhập của Mã Hoan
4.    Tên các nước được trình bày trong quyển sách của Mã Hoan
5.    Phần viết về cuộc thăm viếng Xứ Chàm của Mã Hoan.
6.    Lời Đề Bạt của Ku P’o, viết năm 1451.
         
***


I. LỜI ĐỀ TỰA CỦA MÃ HOAN NĂM 1416 1


ĐỀ TỰA 2


Tôi có lần nhìn thấy quyển [sách gọi là “Tập Tài Liệu Về Các Hòn Đảo và Cư Dân Mọi Rợ Của Chúng”, 3 có ghi chép các sự biến đổi mùa và khí hậu, và các sự khác biệt trong địa thế và dân chúng.  Tôi lấy làm ngạc nhiên và nói: “Làm sao lại có nhiều sự bất đồng đến thế trong thế giới?”

Trong năm thứ mười một [thời] Vĩnh Lạc, 4 [tức] năm Quý Tỵ 5 [năm theo chu kỳ] [cyclic year: năm tính theo 10 Thiên can và 12 Địa Chi trong lục tuần hoa giáp, 60 năm một chu kỳ, chú của người dịch], Thái Tông Văn Hoàng Đế (The Grand Exemplar The Cultured Emperor) 6 ban một sắc dụ hoàng triều rằng vị chính sứ đại thái giám Trịnh Hòa (Cheng Ho) đảm nhận quyền tổng chỉ huy các thuyền ngân khố 7 và đi đến các nước ngoài khác nhau 8 tại Tây Dương 9 để tuyên đọc các mệnh lệnh của hoàng đế và ban thưởng các tặng phẩm.
    
Tôi cũng được phái đi với tư cách thuộc viên để thông dịch các văn kiện ngoại quốc. 10  Tôi đi theo [sứ bộ] đến bất kỳ nơi nào phái bộ đi đến, 11 băng qua các giải nước bao la của các triều sóng khổng lồ mà tôi không biết chạy dài bao nhiêu triệu hải li; tôi đã đi qua nhiều xứ sở, có các mùa, khi hậu, địa thế và dân cư [khác nhau]; và tôi đã nhìn [các xứ sở này] tận mắt và tôi đã tự thân len lỏi [qua các xứ sở này].  Sau đó tôi hiểu được rằng các sự phát biểu trong“Tập Tài Liệu Về Các Hòn Đảo và Cư Dân Mọi Rợ Của Chúng” không phải là các sự bịa đặt, và rằng còn có nhiều điều kỳ thú hơn thế hiện hữu.

Hình vẽ thuyền của Trịnh Hòa

     Vì thế tôi đã thu thập [các ghi chú về] hình dáng 12 của dân chúng tại mỗi xứ sở, [và về] các sự biến đổi 13 của các phong tục địa phương, cũng như [về] các sự khác biệt trong các sản phẩm tự nhiên, và [về] các biên giới.  Tôi đã sắp xếp [các ghi chép của tôi] theo thứ tự sao cho thành một quyển sách, mà tôi đặt nhan đề là “Khảo Sát Tổng Quát Các Bờ Đại Dương (Doanh Nhai Thắng Lãm: Ying-yai sheng-lan chiao-chu: The Overall Survey of the Oceáns Shores).  Nó giúp mang lại cho một độc giả quan tâm một cái nhìn tóm lược để học hỏi mọi sự kiện quan trọng về nhiều nước khác nhau cà đặc biệt người sẽ nhìn thấy làm sao mà ảnh hưởng văn minh của Hoàng Đế lại được tỏa rộng trên một tầm mức chưa từng có trong các triều đại trước đây. 14

     Nhưng tôi lấy làm xấu hổ về sự nông nổi của tôi, [bởi tôi] chỉ là một kẻ ngây ngô, được may mắn tháp tùng sứ giả nhà vua, và [đi] cùng với với vị sứ giả, đã tạo ra quyển “Khảo Sát Tổng Quát” này.  Thực là kỳ diệu [như chuyện chỉ xảy ra một lần] trong một nghìn năm.  Về quyển sách này, trong việc hình thành các ý tưởng và tự diễn đạt bằng ngôn ngữ, tôi không có khả năng dùng các lời lẽ văn hoa, nhưng tôi chỉ viết ra bằng ngòi bút chân thực và không có gì khác nữa. [Tôi hy vọng rằng] độc giả sẽ không chê cười về sự thô thiển trong văn phong của nó.

     Bản [văn] này sẽ được dùng làm Lời Tưa.

     Ngày may mắn của tháng trăng vàng hình chén (yellow cup moon), năm thứ mười bốn (năm Bính Thân của vòng lục tuần hoa giáp) thời vua Vĩnh Lạc, [triều đại] Đại Minh. 15

     Viết bởi Mã Hoan, tiều phu miền núi, huyện Kuei-chi. 16


----

CHÚ THÍCH:

1.      Tựa đề này không xuất hiện trong quyển sách của tác giả họ Feng.
2.      Dịch sát nghĩa, “Cáo Tri, Thông Báo: Notice”.  Một phiên bản của Lời Đề Tựa này được ấn hành trong quyển của Rockhill, Part II, trang 72.  Lời Đề Tựa này không thấy có trong bản in S tại Paris và trong bản in K tại Thư Viện Quốc Gia Bắc Kinh; Tác giả Feng có giới thiệu một số bài đọc trong ấn bản S của ông và từ MS [?] vô danh nhan đề “San pao cheng-I chi” [Tuyển tập [các bài viết] về Các Cuộc Chinh Phục Dân Man Rợ của Sun pao”, gì đây chỉ còn được biết đến qua một lời đề tựa; xem Pelliot, “Encore”, trang 211.
3.      Tao-I chih; có nghĩa Tao-I chih-lueh, “Một Sự Tường Trình Khái Quát Về Các Hòn Đảo và Các Dân Mọi Rợ Của Chúng: A Synoptical Account of the Islands and their Barbarians” (1350) của Wang Ta-yuan; nhiều trích đoạn của quyển sách này đã được ấn hành bởi tác giả Rockhill, Part II, trang 61.
4.      Đế hiệu trị vì hay niên hiệu của vị hoàng đế có “tên thế miếu” là Thái Tông Văn Hoàng Đế: T’ai-tsung” đã được sửa thành Thành Tổ (Ch’eng-tsu) năm 1538 [?].
5.      Năm 1413.
6.      Thái Tông Văn Hoàng Đế (T’ai-tsung Wen Huang-ti), tước hiêu sau khi mất của vua Vĩnh Lạc, phong vào ngày 2 tháng Mười năm 1424; Mã Hoan hẳn đã phải sửa lại Lời Đề Tựa này, do ông đã viết khởi thủy trong năm 1416 (Pelliot, “Voyages”, trang 217).
7.      Một từ ngữ kỹ thuật cho các chiếc tàu thuộc các hạm đội hoàng gia được phái đi bởi vua Vĩnh Lạc và Tuyên Đức (Hsuan-te) [nhằm tìm gom] các đá quý từ biển phía tây” (Pelliot, “Voyages”, trang 235, n. 1; Duyvendak, “Dates”, trang 388.
8.      Mã Hoan dùng từ “ngoại quốc” theo ba ý nghĩa: (a) như ở đây, không phải là Trung Hoa, (b) liên quan đến xứ sở mà ông đang trình bày, (c) liên quan đến xứ sở khác hơn nước mà ông ta đang mô tả; nhưng khung cảnh cho phép ý nghĩa được thông hiểu không mấy khó khăn.
9.      Nơi đây là một sự mô tả mơ hồ về vùng mà người Trung Hoa khi đó nhìn như “Tây Phương” nói chung, có nghĩa, phần của thế giới nằm phía tây của Biển Nam Hải (Pao Tsen-peng, các trang 32-3).
10.  Giả định là Mã Hoan có sự hiểu biết về văn tự Ả Râp.
11.  Do đó chuyến du hành đầu tiên của Mã Hoan được thực hiện với cuộc viễn chinh lần thứ tư của Trịnh Hòa trong các năm 1413-15.
12.  Dịch sát nghĩa “sự xấu xa hay nét đẹp”.
13.  Dịch sát nghĩa, “điểm dị biệt hay tương đồng”.
14.  Trong mắt nhìn của người Trung Hoa, các sứ giả dân man rợ, bị lôi cuốn một cách không kháng cự được bởi nền văn minh Trung Hoa, “đã đến để được chuyển hóa” và các xứ sở của họ được xếp vào các nước triều cống; trong thế kỷ thứ mười hai, các triết gia tân Khổng học đã khai triển một tín điều liên quan đến các quan hệ nước ngoài, sự triều cống và mậu dịch; nhưng lý thuyết này đã bị sụp đổ khi các hạm đội mậu dịch Trung Hoa đi đến các nước ngoài.  Xem Fairbanks và Teng, các trang 138, 140, 204, 205.  Trong thế kỷ thứ mười lăm, như thể hiện từ các tài liệu được phiên dịch nơi cuộc nghiên cứu này, Mã Hoan, Ma Ching và Ku P’o tán dương hành động của vị hoàng đế trong việc chấp thuận đề xuất và mở rộng ảnh hưởng “uy đức” của nhà vua đến các dân tộc mọi rợ.
15.  Là ngày 19 tháng Mười Một năm 1416.  Bởi thế, Mã Hoan đã khởi sự viết bản thảo đầu tiên cho quyển sách của ông mười bốn tháng sau khi có sự trở về của cuộc viễn chinh lần thứ tư của Trịnh Hòa.  “Ngày lành: lucky day”, chi tan (Từ Điển Giles, các số 909; 10,633), theo như quyển Tz’u-hai (phần về chữ chi), giống như các chữ shao jih (Từ Điển Giles, các số 10,176; 5642), có nghĩa, ngày đầu tiên của mặt trăng.  “Mặt trăng vàng hình cái chén (yellow cup moon: huang chung yueh: hoàng chung nguyệt) (Từ Điển Giles, các số 5124; 2891; 13,768), theo từ điển Tz’u-hai (tra phần chữ huang), có cùng nghia như chữ “mặt trăng vàng hình quả chuông, có nghĩa, tháng Mười Một; tra chữ chung (Từ Điển Giles, số 2893).
16.  Kwei chi (Hwui-ki) là một huyện: hsien (district) cùng với huyện Shan-yin hisen thành thủ phủ của thành phố Shao-hsing (Shau-hing) [Thiệu Hưng?], cách Hàng Châu khoảng hai mươi sáu dậm phía đông nam, thuộc tỉnh Triết Giang (Playfair, các số 3469; 5462). Các ấn bản C và K sử dụng từ chi (Từ Điển Giles, số 877) một cách không đúng cách cho chữ chi (Từ Điển Giles, số 884)./-

***

II. LỜI ĐỀ TỰA CỦA MA CHING NĂM 1444 1


ĐỀ TỰA 2


     Trong thời xa xưa, khi Hsiao Ho (Tiêu Hà?] tiến vào ải biên giới, ông chỉ thu nhận các bản đồ và các sổ sách tài liệu; 3 [và] khi Hsuan-ling chinh phục thành phố, ông chỉ cho tập họp các nhân sự. 4  Các sử gia đã viết về họ -- và với đầy đủ sự minh chứng.

     Thật là huy hoàng để suy tưởng về phương thức mà cả Thái Tông Văn Hoàng Đế 5 và Tuyên Tông Hòang Đế 6 của chính triều đại chúng ta đều đã ra lệnh cho đại thái giám Trịnh Hòa chỉ huy các anh hùng và vượt qua các đại dương 7 … và trao đổi mậu dịch với nhiều dân tộc ngoại quốc khác nhau.  Những con người tuyệt vời [như thế], các chiếc tàu và tay chèo vững mạnh [như thế], sự tinh thông khả năng kỹ thuật [như thế] – không có điều nào [như thế] lại đã hiện hữu trong các thời đại trước đây.

     Nhưng [chắc chắn] trong thâm tâm của mình, hai vị Hoàng Đế oai nghiêm thực sự không muốn khoa trương để khiêu khích các cuộc tranh chấp sâu rộng tại các vùng đất xa xôi?  Bởi vì uy danh của họ [đã sẵn] vươn tới các sắc dân mọi rợ ở phương nam và phương bắc, 8 khiến cho mọi người có tâm hồn khắp nơi trên thế giới, bất luận là ngu đần hay tỉnh táo, sẽ được thuấn nhuần đức độ và ảnh hưởng khai hóa của họ, sao cho mọi người sẽ đều biết đến vị Hoàng Đế của họ và tôn kính cha mẹ họ .

     Trong số các người nhận được lệnh và đã ra đi, tôi không rõ đã có bao nhiêu triệu người; nhưng các người đã thi hành bổn phận của họ và tuyên đọc các mệnh lệnh của hoàng đế – họ là những ai ngoài ngài Mã Tsung-tao của huyện Shan-yin? 9 Vị quân tử với khả năng vượt bực này, sau khi nhận được sự bổ nhiệm đầu tiên, đã vượt đại dương ba lần; 10 ông đã du hành xuyên qua mọi nước ngoài; [và] ông đã cầm giữ vàng, lụa, và các đồ vật quý báu mà không hề có một phần tư lợi nào cho chính mình.

     Vào khi trở về, ông đã biên soạn một bộ sách duy nhất [nhan đề] là Doanh Nhai Thắng Lãm Khảo Chú: Ying-yai sheng-lan chiao-chu.  Nó ghi chép các khoảng cách đến lãnh địa của các sắc dân man rợ vùng hải đảo, 11 các vật trao đổi tại các quốc gia, các địa điểm giáp ranh với các biên giới, và sự sắp xếp các thành phố và các ngoại ô, với các sự khác biệt về y phục, nhiều món thức ăn, các sự trừng phạt và ngăn cấm, luật pháp và quy lệ, thuế quan và các sản phẩm. 12  Không có điều gì bị bỏ sót, không được ghi chép; 13 bởi vì đó là chủ đích của bực quân tử này, [và] toàn thể ước nguyện của ông, nhằm giúp cho các người trong tương lai, cho cả ngàn năm sau này, nhận thức ra được đường lối của đất nước chúng ta là hòa hợp với thiên nhiên và rằng chúng ta đã đạt được tới mức độ thành công này trong việc khai hóa các sắc dân mọi rợ ở phương nam và phương đông.

     Các quyển sách vĩ đại [được viết] bởi các sử gia của các thời đại khác, khi biểu lộ các ước vọng của bực quân tử [này], sẽ nêu tên tuổi ông cùng với cùng với tên tuổi của các nhân vật như ông Hsiao [Ho] và Fang, như là bất diệt. 14 Trong thực tế, ông không phải là nhân vật đáng ghi nhớ hay sao?
     Ngày trước (tháng) trăng mùa hoa cúc, năm [theo lục tuần hoa giáp] Giáp Tí (chia-tzu), thời trị vì  Chính Thống (Cheng-t’ung). 15
    
Viết bởi Ma Ching 16 người huyện Ch’ien tang [Tiền Đường?]. 17

-----

CHÚ THÍCH

1.      Tựa đề này không có trong quyển sách của Feng.
2.      Dịch sát nghĩa, “Cáo Tri, Bố Cáo”.  Lời Đề Tựa này không có trong ấn bản C, của S, hay trong ấn bản Thư Viện Quốc Gia tại Bắc Kinh của K; nhưng nó được tìm thấy trong bản sao thuộc Thư Viện Đại Học Columbia của K và trong bản sao được sử dụng bởi Feng.  Rõ ràng là Lời Đề Tựa này chưa từng được phiên dịch sang Anh ngữ trước đây.
3.      Hsiao Ho [Tiêu Hà?] là một bạn thân và cố vấn của Liu Bang (Lưu Bang) (sau này trở thành Hán Cao Tổ , vị hoàng đế đầu tiên của nhà Hán), một vị chỉ huy hàng đầu các lực lượng của nước Ch’u (Chu); khi các lực lượng này trong năm 207 trước Công Nguyên, chiếm đóng Hsien yang, kinh đô của nước Ch’in (Tần), Hsiao Ho bị tràn ngập bởi các đồ dâng hiến bằng tiền, bạc, và các vật quý giá khác, nhưng ông không chấp nhận gì ngoài “các bản đồ, sổ đăng bạ, các tài liệu, và các sách viết” (K. S. Latourette, The Chinese (ấn bản lần thứ 3, có tu sửa, New York, 1957), trang 100; Tsui Chi, trang 78; Needham, vol. III, trang 535; H. A. Giles, A Chinese Biographical Dictionary (London and Shanghai, 1898); H. H. Dubs, The History of the Former Han Dynasty, vol. I, (Baltimore, 1938), trang 58).
4.      Fang Hsuan-ling đã phụ tá Li Shih-min (Lý Thế Dân) (sau này trở thành vị hoàng đế thứ nhì của nhà Đường, tức Đường Thái Tông) để củng cố đế quốc vừa mới thâu đoạt được của Li Yuan (sau trở thành vị vua đầu tiên của nhà Đường, Đường Cao Tổ) trong năm 618 và những năm sau đó (Giles, Biography, các trang 221, 461; Latourette, Chinese, các trang 180-1).  Tham khảo sách Đường thư (T’ang shu: Sử nhà Đường), chúng ta hay biết rằng các sự ám chỉ này nói đến các chiến dịch bình định vùng phía bắc con sông Wei [Ngụy giang?]; trong khi các kẻ khác giành giật nhau vì “ngọc trai và các đồ trang sức” tại các thành phố chiếm giữ được, Fang tức thời tụ tập nhân lực và đặt họ vào các chức vụ có thẩm quyền nơi họ có thể trợ lực cho chính nghĩa (Erh-shih-wu shih, vol. IV, T’ang shu, trang 3311).
5.      “Miếu hiệu” (temple-name: tên để thờ cúng) của hoàng đế Thành Tổ (Cheng-tsu).
6.      “Miếu hiệu” của hoàng đế Tuyên Tông (Hsuan-tsung), trị vì với niên hiệu Tuyên Đức (Hsuan-te).
7.      Tác giả Feng nghĩ rằng có sót mất một vài chữ nơi đây.
8.      Dịch sát nghĩa, “Man Mai” (Từ Điển Giles, các số 7644; 7611), các bộ lạc man rợ lần lượt ở phương nam và phương bắc.
9.      “Tsung-tao” cấu thành một “phương danh” (tzu: tự danh?) của Mã Hoan; Shan yin là một huyện (hsien) cùng với huyện Kueichi tạo thành thủ phủ của thành phố Shao hsing, tỉnh Triết Giang (Playfair, số 5462).
10.  Trong các chuyến viễn chinh lần thứ tư, thứ sáu và thứ bẩy của Trịnh Hòa.
11.  Dịch sát nghĩa, “Di: I” (Từ Điển Giles, số 5397), các bộ lạc dân man di, đặc biệt các người ở về phía đông [đông di].
12.  Bảng liệt kê này cho thấy các chủ điểm được kỳ vọng sẽ được gồm trong các sự tường thuật đương thời về các cuộc du hành đến nước ngoài.
13.  Đây là lời nói quá đáng; có một số đề mục bị bỏ sót; thí dụ, Mã Hoan không đề cập tới hệ thống cân đo trọng lượng và kích thước được dùng tại Aden, Bengal, Hormuz hay Mecca.
14.  Lịch sử đã không hoàn thành sự tiên đóan của Ma Ching, bởi quyển sách của Mã Hoan chưa bao giờ được hay biết đến một cách rộng rãi.
15.  “Tháng mùa hoa cúc” là tháng chín, khi hoa này (cúc: chu) nở rộ (Từ Điển Giles, số 2964); trong năm Giáp Tý (chia tzu) tháng chín bắt đầu từ ngày 11 tháng Mười năm 1444 [dương lịch, chú của người dịch].  Do đó nhật kỳ viết Lời Đề Tựa này là ngày 10 tháng Mười năm 1444.
16.  Không được hay biết gì hơn; Pelliot nghĩ rằng ông ta quen biết với Mã Hoan và có thể là một kẻ theo Hồi giáo (Pelliot, “Encore”, trang 213).
17.  Một huyện (hsien) hợp cùng với huyện Jen ho (Jin-ho) tạo thành sở thủ phủ thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang (Playfair, số 936)./-



Bản đồ khu Ngũ Hổ và vịnh Mân, nơi khởi hành của Ma Huan
-----       


III. BÀI THƠ GHI NHỚ CUỘC HÀNH TRÌNH 1

của Mã Hoan

Vị sứ giả vinh quang của Hoàng Đế 2 đã nhận được các thánh chỉ,
“tuyên đọc ở hải ngoại các âm thanh lụa là, 3 và đi đến các vùng đất man rợ”.
Chíếc thuyền vĩ đại của ông, trên các triều sóng dâng cao của đại dương vô tận, đã lướt đi;
đến tận các nơi xa xôi, trên các cuộn sóng bao la và không dứt, nó đã cỡi qua.
Các lớp sóng của đại dương bao la trong các cơn vỗ bờ đáng yêu lướt lên;
các cụm cù lao, các lớp vỏ xanh bồng bềnh, 4 trong thoáng chốc ẩn hiện huyền bi.
Ngừng lại ít lâu tại hải cảng của Chiêm Thành 5, ông lấy giờ để nghỉ ngơi;
Trương buồm lên, họ lướt gió; không lâu ông đã tới She-p’o 6.
Từ Quốc Gia Trung Tâm Vinh Quang 7, She-p’o không quá,
một làn hơi nồng nặc của khí trời, và dân tộc đó lạ lùng biết bao. 
Với đầu trần và chân đất, họ nói một thứ tiếng man rợ;
họ cũng không quen mang y phục và đội nón, cũng chẳng mong tìm lễ nghĩa 8 hay đức hạnh. 
Nơi đây khi các chỉ dụ của thiên triều 9 truyền đến, một cuộc họp mặt vui mừng náo nhiệt [diễn ra],
Các thủ lĩnh và các tù trưởng của các bộ lạc man rợ đều tranh nhau chào đón thánh chỉ.
Các phẩm vật triều cống bằng vàng phương nam, đá quý hiếm, từ các nơi xa xôi đều xuất hiện;
Cảm ơn, ngưỡng mộ đức độ của chúng ta, họ tự bày tỏ lòng trung thành, chân thật.
Từ She-p’o một lần nữa, [vị sứ giả] quay sang hướng Tây Dương;
Băng ngang qua San Fo-ch’i, 10 ông đã tiến tới năm hòn đảo. 11
Các đỉnh cao của Su-men-ta-la 12 [nhô lên] giữa đại dương;
Các thuyền buồm đi biển của các thương nhân ngoại quốc đi ngang qua và tụ tập tại vùng đất này. 
Một phần của hạm đội 13 đến His-lan 14 đã xuất phát từ nơi đây,
và đến Ko-chih 15 và đến Ku-li 16 và mọi [nơi] xa lạ khác gần đó,
[là nơi tọa lạc của] xứ sở có đỉnh núi Liu 17 bên cạnh các giòng nước Yếu 18 của bờ biển phia nam;
Một thủy lộ vô định mà họ đã lưu hành, và hiểm nguy và nhức nhối,
Họ đã mong ước đi đến vùng Đất Phương Tây, nơi họ gắn chặt tầm mắt đến nơi xa vời vợi;
Nhưng họ [chỉ] nhìn thấy đường lấp lánh của các làn sóng khi chúng tiếp giáp với màu xanh của bàu trời.
Các thủy thủ ngẩng đầu lên cao; phương tây và phương đông hòa nhập với nhau;
Chỉ ngắm lên sao ch’en 19 theo đó phương bắc và nam được xác đinh.
Hu-lu-mo-ssu! 20 nằm gần phía đại dương;
Đến Ta-yuan 21 và Mi-his 22 nơi mà các thường nhân du hành đi qua. 
Về sứ đoàn của Hầu Tước Po wang 23 đến các vùng đất xa xôi mà chúng ta có nghe đến;
Thời trị vì hiện nay đã ban cấp một ân huệ vinh dự còn lớn lao hơn nữa!
[cho] một học trò, kẻ tháp tùng, một công bộc, kẻ thấp hèn biết bao, [là] tôi!
Được hân hạnh đi cùng vị sứ giả, tôi thăm viếng mọi nơi và nhận thấy,
Các núi cao và các làn sóng dữ dội mà trước đó tôi chỉ trông thấy ít lần;
Các đá quý khác lạ và các đồ trang sức hiếm có giờ đây tôi bắt đầu được nhìn thấy.
Trời trên cao và đất dưới thấp, tôi nhìn – không thấy ranh giới nơi đâu;
Từ chân trời và các đầu cực của trái đất mỗi chúng ta đều là dân của vị chúa tể, 24
Hợp nhất dưới triều Minh đất nước bao la và vĩ đại của chúng ta giữ phần;
từ thủa hồng hoang cho đến giờ, không [nước nào khác] sánh kịp.
Vị sứ giả của Hoàng Đế, thật cần mẫn, lo âu việc chần chừ và đình hoãn,
Ngay khi gặp được gió nam, chỉ hướng cho đường ông hồi hương.
Trên các làn sóng chiếc thuyền khổng lồ [của vị sứ giả] cỡi đi như các con rồng;
Ngoảnh đầu nhìn lại, sa mạc xa xăm bị nhận chìm trong sương khói.
Trở về kinh đô, ông đã dự yến tiệc vua ban nơi Hoàng Cung 25
Tại Sân Rồng, cống phẩm của ông, mọi vật quý giá được bày ra,
Một thoáng nhìn của đôi mắt toàn trí, 26 và dung nhan Ông Trời 27 tràn đầy nỗi vui mừng,
Mọi khách mời, đều được ban thưởng các tặng phẩm, các ân sủng mới của Thiên Tử.

[Viết bởi] Mã Hoan, tiều phu miền núi của huyện Kuei chi./-


-----


CHÚ THÍCH:

1.      Bài thơ chỉ xuất hiện trong ấn bản C và trong bản sao ấn bản K.  Nó cũng có thể được tìm thấy trong tiểu thuyết của Lo Mou-teng nhan đề Hsi-yang chi, “Ghi Chép về Đại Dương phía Tây: Tây Dương chí?”, được viết trong năm 1597; quyển sách này mang lại một sự tường thuật hoang đường về các chuyến du hành của Trịnh Hòa (Pelliot, “Voyages”, trang 342, n. 3; A. Wylie, Notes on Chinese Literature (Shanghai, 1867, tái bản, Peking, 1939), trang 163).  Tiểu thuyết này chứa đựng nhiều bài thơ như thế; bài thơ đặc biệt này xuất hiện nơi Chương 20, f. 52; nó có một vài sự biến đổi trong cách đọc, Feng không chấp nhận sự thay đổi nào.  Tác giả Pelliot nghĩ rằng Mã Hoan đã viết bài thơ này trong năm 1416, và rằng nó tương thuật lại các sự nhận xét đã có trong cuộc viễn chinh của các năm 1413-15 (Pelliot, “Voyages”, các trang 261-2, 294, và 303, n. 2.  Rõ ràng là bài thơ này chưa từng được dịch sang Anh ngữ trước đây.
2.      Trịnh Hòa.
3.      Chỉ dụ, lời vua ban.
4.      Một hình ảnh ngoạn mục.
5.      Chàm, lãnh thổ ngày nay thuộc miền Trung Việt Nam.  Khi nói Miền Trung Việt Nam (Central Vietnam), có nghĩa phần của Việt Nam nằm giữa 170 59’ Bắc vĩ độ (Hoành Sơn) tại phía bắc và 100 30’ Bắc vĩ độ (Mũi Ba Ké) ở phía nam.  Hải cảng là Qui Nhơn, được gọi là Tân Châu, Hsin chou, “New Department: Châu mới” bởi người Trung Hoa.
6.      Tên Trung Hoa thời cổ chỉ Java.
7.      Trung Quốc.
8.      Lễ: Li (Từ Điển Giles, số 6949; được định nghĩa như “Các Quy Tắc, một phần đã được xác định và một phần chưa được xác định, của sự ứng xử đúng đắn và các tác phong hay đẹp” (Cheng T’ien-his, China Moulded by Confucius, (London, 1946), trang 37); được mô tả như “ cơ cấu gồm phong tục, tập quán, và nghi lễ cổ xưa … mà từ không biết bao thế hệ người dân Trung Hoa đã cảm nhận bằng trực giác là đúng”, “chúng ta có thể xem nó tương đương như luật thiên nhiên” (Needham, vol. II, trang 544).
9.      Các mệnh lệnh của hoàng đế.
10.  Ở đây địa danh của một vùng xác định; nhưng các ranh giới chính xác thì không chắc chắn; Feng (Poem, trang 1) coi như Mã Hoan khi nói Tây Dương trải dài về phía đông là kéo mãi đến tận bờ phía tây của Java.
11.  Palembang, phía nam đảo Sumatra.
12.  Wu hsu; Quân Đảo Nước (Water Islands) vào khoảng sáu dặm đông nam Malacca.
13.  Semudera, quận Lho Seumawe, nằm trên bờ biển phía bắc của Sumatra.
14.  Tiếng Hoa không có ở trong các từ điển; nó phải được phát âm là tsung, và có nghĩa “hạm đội:fleet”; nó được dùng bảy lần bởi Mã Hoan và hai lần bởi Huang Sheng-tseng; xem, Pelliot, “Voyages”, các trang 445-7, và Pao Tsen-peng, các trang 17-18.
15.  Ceylon: Tích Lan.
16.  Calicut.
17.  Nhóm quần đảo Maldive-Laccadivẹ
18.  “Các Giòng Nước Yếu” ở đây tọa lạc phía bắc quần đảo Laccadive.
19.  Polaris, sao Bắc Đẩu (pole star).
20.  Ferghana, vùng Khokand ngày nay, khỏang giữa đường từ Samarkand đến Kashgar.
21.  Misr, Ai Câp.
22.  Po wang (Từ Điển Giles, các số 9372; 12,509), tức, Chang Ch’ien, vị tướng Trung Hoa nổi tiếng được phái lên vùng tây bắc chống lại quân Hung No (Hsiung-nu) hay quấy rối vào năm 139 trước Công Nguyên; là người Trung Hoa đầu tiên xâm nhập vào vùng Bactria (miền xuyên biển Caspian), ông đã tới các tiền đồn của các ảnh hưởng văn hóa của thế giới Địa Trung Hải; ông trở về Trung Hoa trong năm 126 trước Công Nguyên.  Trong năm 123 trước Công Nguên, hoàng đế phong tặng Chang Ch’ien làm “Hầu Tước của Po wang”.  Trong năm 122 trước Công Nguyên, ông được phái đi để điều đình các hiệp ước với các vương quốc ở phương tây, và tính đến năm 115 trước Công Nguyên, một sự giao tiếp thường lệ với ba mười sáu quốc gia của miền này đã trở nên xác định nhờ ở các nỗ lực của ông (Latourette, Chinese, trang 105; Giles, Biography, trang 12; Reischauer và Fairbank, trang 99; F. Hirth, “The Story of Chang K’ien”, Journal of the American Oriental Society, vol. XXXVII (1917), trang 99).
23.  Sự nhấn mạnh đên “sự khác biệt giữa nhà cầm quyền và thần dân” đã là một đặc điểm trong tư tưởng chính trị Trung Hoa.
24.  Dịch sát nghĩa, “phòng màu tía”.
25.  Dịch sát nghĩa, “hai con ngươi: ch’ung t’ung” (Từ điển Giles, các số 2880; 12,308), một dấu hiệu của sự khôn ngoan được gán cho một số nhà thông thái nào đó.
26.  Khuôn mặt hoàng đế.
27.  Dịch sát nghĩa: “mưa móc: yu lu” (vũ lộ) (Từ Điển Giles, các số 13,623; 7369), có nghĩa các ân sủng từ nhà vua./-

Một trong các bản đồ đi biển của
đoàn thám hiểm Trịnh Hòa, căn cứ trên các chùm sao trên trời.

***


IV. TÊN CÁC NƯỚC NGOÀI 1


Xứ có Thành của người Chiêm (Chan city: Chiêm Thành) [Chàm, Trung Phần Việt Nam] [1.1]
Xứ Chao-va 2 [Java] [2.2]
Xứ có Hải Cảng Cũ (Old Haven) [Palembang] [3.4]
Xứ Xiêm La (Hsien Lo) [Siam, Thailand] [4.3]
Xứ Man-la-chia 3 [Malacca] [5.5]
Xứ Ya-lu [Aru, Deli] [6.6]
Xứ Su-men-ta-la 4 [Semudera, Lho Seumawe] [7.7]
Xứ Na-ku-erh 5 [Nagur, Peudada] [8.8]
Xứ Li-tai [Lide, Meureudu] [9.9]
Xứ Nan-p’o-li [Lambri, Atjeh] [10.10]
Xứ His-lan [Ceylon] [11.13]
Xứ Little Ko-lan 6 [Quilon] [12.14]
Xứ Ko-chih [Cochin] [13.15]
Xứ Ku-li [Calicut] [14.16]
Xứ có rặng núi Liu [Maldive and Laccadive islands] [15.11]
Xứ Tsu-fa-erh 7 [Dhufar] [16.17]
Xứ A-tan [Aden] [17.19]
Xứ Pang-ko-la 8 [Bengal] [18.12]
Xứ Hu-lu-mo-ssu 9 [Hormuz] [19.18]
Xứ Thánh Địa (Heavenly Square) [Mecca] [20.20]

1.      Danh sách này chỉ xuất hiện trong ấn bản C.  Biên tập viên phiên dịch danh sách như được đưa ra bỏi tác giả Feng, người đã sửa đổi thứ tự và một vài chữ.  Ngoặc vuông thứ nhất bao gồm các tên thời trung cổ, khi nó khác với tên ngày nay, và địa phương ngày nay khi nó không được nhận ra một cách tức thời.  Trong dấu ngoặc vuông thứ nhì, con số đầu tiên để chỉ thứ tự trong danh sách cu/a tác giả Feng, và số thứ nhì để chỉ thứ tự trong ấn bản C.
2.      Feng viết chao [Tự Điển Giles, số 484); C in là kua [Từ Điển Giles, số 6281), một sự nhầm lẫn hay xảy ra trong các tác phẩm Trung Hoa.
3.      Đối với chữ thứ nhì và thứ ba, ấn bản C in sai là ko tz’u (Từ Điển Giles, các số 6069; 12,412).
4.      Đối với chữ cuối cùng, ấn bản C in sai là tz’u.
5.      Trong phần nội dung của quyển sách, xứ này không có đề mục riêng và được xem như đoạn bổ túc vào phần mô tả xứ Semudera.
6.      Ấn bản C in là ko lan {Từ Điển Giles, các số 6069; 6710); để phù hợp với nội dung của tác phẩm, Feng đưa ra từ Hsiao: tiểu, “nhỏ” (Từ Điển Giles, số 4294) và viết một chữ khác (Từ Điển Giles, số 6721) cho chữ lan.
7.      Cho chữ cuối cùng, ấn bản C in sai là kuei [Từ Điển Giles, số 6430).
8.      Cho chữ cuối cùng, ấn bản C in sai là tz’u.
9.      Đối với chữ lu (Từ Điển Giles, số 7388), ấn bản C in sai là erh (Từ Điển Giles, số 3335); để phù hợp với nội dung của tác phẩm, Feng viết mo (Từ Điển Giles, số 7994) cho chữ mo (Từ Điển Giles, số 8016) và ssu (Từ Điển Giles, số 10,296) cho chữ ssu (Từ Điển Giles, số 10, 262)./-


***


[Trang 1] 1


V. XỨ CHIÊM THÀNH 2

[CHÀM, TRUNG PHẦN VIỆT NAM]



Đây là xứ được gọi là Wang she ch’eng 3 trong kinh sách Phật Giáo.4 Nó nằm [ở phía] nam đại dương tọa lạc bên dưới biển Quảng-Đông. 5  Khởi hành từ eo biển Wu hu 6 thuộc huyện Ch’ang lo, thị trấn Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến và di hành theo hướng tây nam, thuyền có thể đến nơi [này] trong mười ngày với một luồng gió thuận. 7 Ở phía nam, xứ này giáp với nước Chân Lạp (Chen La), 8 ở phía tây nó giáp ranh giới của Giao Chỉ (Chiao chih), 9 [và] ở cả phía đông và bắc nó đều tuôn xuống biển cả.

Ở [một khoảng] cách một trăm dặm [li, phiên âm chữ Trung Hoa trong nguyên bản, chú của bản dịch] về phía đông bắc tính từ kinh đô, có một hải cảng mang tên Tân Châu Cảng (New Department Haven). 10 Trên bờ họ có dựng một tháp cao bằng đá tạo thành một thắng tích.  Tàu thuyền mọi nơi đến đây [với mục đích] thả neo và ra khơi. Trên bờ có một đồn, được gọi bởi các ngoại nhân 11 là She pi-nai; 12 họ có hai thủ lĩnh phụ trách đồn này; [và] bên trong [đồn] có khoảng năm mươi hay sáu mươi gia đình ngoại nhân sinh sống, để bảo vệ cho bến tàu.

     Đi theo hướng tây nam một trăm bạn sẽ tới thành phố nơi nhà vua cư ngụ; tên gọi ngoại quốc của nó là Chiêm Thành (Chan city).13 [Trang 2] Thành phố có một bức tường thành bằng đá, với lối ra vào qua bốn cổng, có người được lệnh đứng gác.  Nhà vua 14 của xứ sở là người gốc So-li 15, [và là] một tín đồ sùng đạo Phật Giáo. 16 Trên đầu, ông đội một vương miện ba tầng trang sức thanh nhã bằng vàng chạm trỗ, 17 giống như mũ  được mang bởi các vai phụ cho các kịch sĩ Ching 18 tại Xứ Sở Trung Tâm [?Trung Quốc].  Trên thân thể, ông mặc một áo choàng dài bằng vải ngoại quốc với các họa tiết nhỏ [được thêu] bằng chỉ ngũ sắc, 19 và bao quanh phần hạ thể [của ông] là một tấm khăn 20 bằng lụa màu; [và] ông ta đi chân đất.  Khi di chuyển, ông leo lên một con voi, hay ông còn du hành bằng cách cỡi một chiếc xe nhỏ với hai con bò vàng kéo đằng trước. 21

     Chiếc nón mà các tù trưởng đội được làm bằng lá chiao-chang 22, và giống như chiếc mũ của nhà vua, nhưng có đồ trang trí bằng vàng và nhiều màu sắc; [và] các sự khác biệt trong [các chiếc nón biểu thị] thứ bậc của đẳng cấp.  Các chiếc áo choàng nhiều màu mà họ mặc không dài quá đầu gối, và bao quanh phần dưới [của thân thể họ quấn] một tấm khặn vải ngoại quốc nhiều màu. 23

     Ngôi nhà trong đó nhà vua cư ngụ thì cao và rộng.  Nó có một cái mái lợp ngói nhỏ hình thuẫn trên đó.  Bốn bức tường bao quanh được xây dựng với phần trang trí công phu bằng gạch và hồ, [và trông] rất gọn ghẽ. 24 Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, [và] được trang trí với các hình khắc các thú hoang và gia súc.

     Các ngôi nhà trong đó dân chúng sinh sống có mái lợp bằng tranh; chiều cao của gờ mái nhà (tính từ mặt đất) không thể quá ba ch’ih, 25 (người ta] ra vào phải khom lưng và cúi đầu xuống; [và có] chiều cao quá khổ là một điều bực mình.

Về màu sắc đồ mặc của họ: các quần áo màu trắng bị cấm đoán, và chỉ có vua mới được mặc chúng; đối với dân chúng, [quần áo] màu đen, vàng, và tím được phép mặc; [nhưng mặc quần áo màu trắng là một tội tử hình.

     Người đàn  ông trong nước để đầu bù, các phụ nữ [Trang 3] chải tóc thành một búi tóc nằm ở phía đàng sau đầu.  Cơ thể họ hoàn toàn đen đủi.  Phần trên [của cơ thể] họ mặc áo ngắn, không tay, và quanh phần dưới có quấn một chiếc khăn lụa màu mè.  Mọi người đều [đi] bằng chân đất. 26

Khí hậu thì nóng một cách dễ chịu, không có sương hay tuyết, lúc nào cũng giống như thời gian tháng tư hay tháng năm [âm lịch].  Bụi và cây cối lúc nào cũng xanh tươi.

Miền núi sản xuất gỗ mun, trầm hương ch’ieh-lan 27, tre Quan Âm (Kuan Yin) [?], và gỗ laka. 28 Gỗ mun có nước gỗ màu đen rất bóng, và chắc chắn có phẩm chất tốt hơn sản phẩm của các xứ khác.  Hương trầm ch’ieh-lan chỉ được saản xuất tại một ngọn núi lớn của xứ sở này, và không có ở các nơi khác trên thế giới; nó thì rất đắt giá, được trao đổi [theo trọng lượng của chính nó] lấy bạc.

Tre Quan Âm giống như sợi mây nhỏ; mỗi một sợi dây chang dài từ bảy đến tám ch’ih 29, [có màu] đen như sắt; nó có hai hay ba mấu từng phân Anh [inch] một; nó không được sản xuất ở nơi nào khác.

Sừng tê giác 30 và ngà voi vô cùng phong phú.  Con tê giác có hình dạng giống như con trâu nước; một con lớn cân nặng bảy hay tám trăm chin; 31, toàn thân không có lông, màu đen, và tất cả mình được che phủ bởi các vảy; da nó thì nhăn, ghe lở, và dầy; chân có ba ngón; 32 [và] đầu có một cái sừng mọc ra ở giữa sống mũi, một sừng dài đo tới một ch’ih và bốn hay năm ts’un (chiều cao].33  Nó không ăn cỏ, nhưng ăn các loại cây hay lá có gai; nó cũng ăn [các mảnh] gỗ khô.  Nó bài tiết ra phân tương tự như loại chất thải (sumach-refuse) 34 của một tiệm nhuộm vải.

Các con ngựa của họ thì ngắn và nhỏ, giống như các con lừa.  Các con trâu nước, bò vàng, lợn và dê – họ đều có các loại này.  Ngỗng và vịt thì hiếm có.  Gà thì nhỏ; con lớn nhất không quá hai chin [về trọng lượng] 35 [và] chân của chúng dài một ts’un rưỡi và tối đa là hai ts’un [chiều cao]. 36 Các con gà trống có mào đỏ và tai trắng, với eo nhỏ và đuôi vểnh cao; chúng cũng gáy khi người ta nhấc chúng đặt lên trên tay họ; [chúng] rất được ưa thích.

Về các hoa quả, họ có các loại như trái mơ, cam, dưa hấu, cây mía, [Trang 4] dừa, mít 37 và chuối.  Cây mít giống như trái dưa bầu (gourd-melon) 38 vỏ bên ngoài giống như vỏ trái vải của xứ Chuan; 39 bên trong lớp vỏ là các múi cơm màu vàng, to như quả trứng gà, ăn ngọt như mật ong; bên trong [các múi này] là hột mít trông giống như thận con gà; [và] khi nướng lên để ăn, nó có vị như hạt dẻ.

Về các loại rau, họ có dưa bầu, dưa chuột, bầu, cây mù tạt, hành và gừng, và đó là tất cả; các hoa quả và rau khác hoàn toàn không có.

Phần lớn đàn ông lấy việc đánh cá để sinh sống; họ ít khi đi vào trong để làm nghề nông, và vì thế, gạo và ngũ cốc không được dồi dào. 40 Trong nhiều loại gạo của địa phương, hạt gạo thì nhỏ, dài, và có màu hơi đỏ.  Lúa mạch và lúa mì 41 đều thiếu.  Dân chúng không ngừng nhai hạt cau 42 với là trầu. 43

Khi đàn ông và đàn bà lấy nhau, điều kiện duy nhất là người con trai trước tiên phải đến nhà người con gái và hoàn tất việc hôn phối.  Mười ngày hay nửa tháng sau, cha mẹ chàng trai, cùng với thân nhân và bè bạn của họ, có đàn, trống đi theo sẽ hộ tống đôi vợ chồng quay về nhà [bên cha mẹ chồng]; sau đó họ chuẩn bị rượu và chơi nhạc. 44

Về rượu của họ, họ lấy ít gạo và trộn lẫn cùng với dược thảo, ủ kín [hỗn hợp] trong một cái bình, và đợi cho đến khi nó thành rượu.  Khi muốn uống rượu, họ lấy ống tre nhỏ có đốt dài, vào khoảng ba đến bốn ch’ih 45 chiều dài, đút nó vào trong bình rượu; [sau đó họ] đổ một số nước tùy theo số người uống, và lần lượt hút [rượu] và uống nó; khi bình rượu bị uống cạn sạch, họ lại đổ thêm nước và uống tiếp; [việc này họ làm] cho mãi đến khi không còn mùi [rượu] [nữa]; [và] sau đó họ sẽ ngừng lại. 46

     Về việc viết chữ, họ không có giấy hay bút; họ dùng [hoặc] da dê kéo mỏng hay vỏ cây hun khói đen; và họ gấp nó lại thành hình một quyển kinh sách, [trong đó], với phấn trắng, họ viết chữ dể ghi lại thành tài liệu lữu trữ. 47

     Về các tội bị trừng phạt [tại] xứ sở này: với [các] tội nhẹ, họ dùng việc đánh vào lưng bằng một sợi mây; đối với [các tội] nặng, họ cắt mũi; với tội cướp, họ chặt tay; đối với tội ngoại tình, đàn ông và đàn bà bị khắc lên mặt sao cho thành vết sẹo; đối với các tội nghiệm trọng nhất, họ lấy một thanh gỗ cứng, vót nhọn đầu cọc, đặt cọc đó [Trang 5] trên một khúc gỗ trông tựa như một một chiếc thuyền nhỏ, [khúc gỗ này] họ đặt trên giòng nươ/c; [và] họ bắt tội nhân ngồi trên mũi nhọn cọc gỗ; [cọc] gỗ này thò ra từ cửa miệng và tội nhân bị chết; [và] rồi [thi thể] bị bỏ trên giòng nước để cảnh cáo công chúng. 48

     Để xác định thời gian 49 họ không có tháng nhuận, nhưng mười hai tháng tạo thành một năm. [Một] ngày và đêm được chia làm mười canh, được ra điểm bằng tiếng đánh trống.  Về bốn mùa, họ xem lúc nở hoa là mùa xuân, và khi lá rụng là mùa thu.

     Vào ngày lễ Năm Mới, nhà vua lấy mật của người sống, hòa mật với nước, và tắm [trong đó]; các tù trưởng của mọi địa phương thu thập [mật này và] dâng lên nhà vua như tặng vật triều cống theo nghi lễ. 50

     Khi nhà vua của đất nước đã trị vì được ba mươi năm, ông nhường ngôi và trở thành một tu sĩ, chỉ thị các anh em, con trai, và cháu trai 51 quản trị công việc của đất nước.  Nhà vua đi sâu vào trong núi, và nhịn ăn và sám hối, 52  hoặc giả ông [chỉ] dùng một thực đơn chay.  Ông sống một mình trong một năm.  Ông thề với Trời và nói: “Trước đây khi tôi là vua, nếu tôi đã làm điều sai trái khi còn ở trên ngôi, tôi cầu xin chó sói hay hổ đến xé xác tôi, hay bệnh tật đến hủy diệt tôi.”  Nếu, sau khi trải qua trọn một năm, ông không bị chết, ông lại lên ngôi một lần nữa và lại cai quản sự vụ của đất nước một lần nữa. 53  Dân chúng của xứ sở thừa nhận ông, gọi ông là “His-li Ma-ha-la-cha”, 54 đây là danh hiệu đáng tôn kính nhất và cao cả nhất.

     Kẻ được gọi “ quỷ man rợ đầu-thân mình [tách rời nhau]” thực sự là một người đàn bà thuộc vào một gia đình loài người, nét đặc biệt duy nhất của bà ta là cặp mắt không có con ngươi; vào buổi tối, khi nằm ngủ, đầu của bà ta bay đi và ăn phân thon nhọn của các trẻ sơ sinh; đứa trẻ, bị tác động bởi ảnh hưởng ma quỷ chui vào trong bụng của nó, [Trang 6] không tránh khỏi cái chết; [và] chiếc đầu biết bay quay trở về và hợp nhất với cơ thể của nó, y như trước.  Nếu [người ta] biết [được việc này] và chờ cho đến khi chiếc đầu bay đi, [và rồi] di chuyển cơ thê” đi nơi khác, [chiếc đầu] trở về không thể gắn liền [với thân xác], và khi đó [người đàn bà] bị chết. 55 Nếu sự hiện diện của một người đàn bà như thế trong một gia đình không được báo cáo với các giới chức thẩm quyền, ngoài kẻ sát nhân, toàn thể gia đình trở nên các tòng phạm của một tội phạm.

     Lại nữa, có một hồ lớn thông với biển, được gọi là “hồ cá sấu”; nếu trong sự tranh tụng giữa con người có một vấn đề khó biện giải và các quan chức không thể đạt tới một quyết định, họ bắt hai bên tranh tụng ngồi lên trên các con trâu nước và băng qua hồ nước này; các con cá sấu bò ra và ăn thịt kẻ có duyên cớ không chính đáng; nhưng kẻ có lý lẽ chính đáng không bị ăn thịt, dù anh ta có đi qua hồ cả chục lần; [điều này] đáng để ý nhất. 56  

     Tại các núi đồi cạnh bờ biển có các con trâu nước hoang, rất hung dữ; nguyên thủy chúng ta các con trâu cày ruộng nuôi trong nhà bỏ chạy lên núi; [nơi] chúng sống và lớn lên tự mình, và [trong vòng] nhiều năm chúng phát triển thành từng bầy; nhưng nếu chúng trông thấy một người lạ mặc áo màu xanh da trời 57, chúng chắc chắn sẽ truy đuổi kẻ đó và dùng sừng húc kẻ đó đến chết; [chúng là] các con vật độc ác nhất.

     Các ngoại nhân rất thận trọng về cái đầu của họ; [và] nếu [bất kỳ ai] sờ lên đầu họ, họ cảm thấy cùng một sự thù hận đối với họ y như [chúng ta tại] Trung Quốc [cảm thấy thù ghét] một kẻ sát nhân. 58

     Trong giao dịch mua bán, họ hiện dùng vàng nhạt màu, non tuổi, có độ [ròng] bẩy mười phần trăm, hoặc [họ dùng] bạc. 59

     Họ rất thích các đĩa, bát, và các loại đồ sứ men xanh da trời, 60 lụa gai ( hemp-silk), 61 the lụa (silk-gause), tràng hạt, 62 và các sản phẩm như thế từ Trung Quốc, và vì vậy họ mang vàng nhạt màu và dùng nó để trao đổi.  Họ thường xuyên mang các sừng tê giác, ngà voi, trầm ch’ieh-lan, và các sản phẩm khác, và dâng hiến chúng như khoản triều cống đến Trung Quốc. 63       


-----

CHÚ THÍCH:

1.      Số trang trong ngoặc thẳng để chỉ số trang đánh số trong ấn bản Feng Cheng-chun bằng Hoa Ngữ.
2.      Chàm, Trung Phần Việt Nam; vào lúc này là một vương quốc hùng mạnh, quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế.  Tên gọi “Chan city: Thành của người Chiêm”, hay kinh đô của bộ tộc Chàm, dần được dùng làm tên gọi chung cho xứ sở nói.  Về xứ Chàm, xin xem Hsiang Ta, Kung Chen, các trang 1-4; Fei Hsin, chương 1, các trang 1-8 (Rockhill, Part II, các trang 92-9); Ming shih, trang 7914, cột 1; R. C. Majumdar, Ancient Indian Colonies in the Far East; I. Champa (Lahore, 1927), pt. 1, các trang 134-8; pt. II, các trang 223-4; G. Maspero, Le Royaume de Champa (Paris, 1928), các trang 135-9; Lê Thành Khôi, các trang 204-20; J. Buttinger, The Smaller Dragon (New York, 1958), các trang 37, 56, n. 8, 190, n. 46; Coedès, États, các trang 228, 428-9; Hall, History, các trang 122, 182, 187-8.
3.      Wang she sh’eng ([Từ Điển] Giles, nos. 12, 493; 9789; 763), “thị trấn Hoàng Cung” là Rajagrha, cố đô của Magadha tại tiểu bang Bihar của Ấn Độ ngày nay (P. Lévy, “Les Pélerins chinois en Inde” trong quyển Présence du Bouddhisme (Saigon, 1959), biên tập bởi R. de Berval, các trang 420-1, và xem bản đồ đối diện với trang 219).  Vị trí của địa điểm này tại Champa vẫn chưa được giải thích, và Feng (trang 1) cho rằng Mã Hoan đã nhầm lẫn.  Chou Ch’u-fei và Chao Ju-kua đề cập đến một truyền thuyết cho rằng địa điểm này tọa lạc tại Pin-t’ung-lung, Panduranga, Phan Rang ngày nay, mà họ nói là một vùng lệ thuộc của Chàm (F. Hirth và W. W. Rockhill, Chou Ju-kua (St. Petersburg, 1911), trang 51).  Panduranga nổi loạn nhiều lần (Majumdar, Champa, pt. I, trang 77); và Chou cho thây rằng trong năm 1178, và Mã Hoan cho thấy rằng trong năm 1433, nó được xem là một phần của xứ Chàm.
4.      Shih ([Từ Điển] Giles, no. 9983), vần đầu tiên của từ “Sakyamuni”, “vị thầy của bộ lạc Sakya”, danh hiệu của Đức Phật lịch sử (Reischauer and Fairbank, trang 142).
5.      Có lẽ đúng ra phải đọc là Kung Chen, “Nó nằm phía nam biển lớn của Quảng Đông (Quảng Châu) [nguyên bản ghi] (Kwang tung (Canton)”.
6.      Eo biển Ngũ Hổ (Five Tigers), tại cửa sông Min chiạng
7.      Cuộc viễn chinh thứ bảy của Trịnh Hòa mất 15 ngày [?].
8.      Căm Bốt.
9.      Cũng được gọi là An Nam bởi người Trung Hoa; Đông Kinh, tức Bắc phần Việt Nam; Chàm nằm đúng ra ở phía nam hơn là phía đông của nó.
10.  “Tân Châu Cảng” là Qui Nhơn ngày nay (130 46’ Bắc, 1090 14’ Đông), vẫn còn được gọi là “Hsin Chou: Tân Châu” bởi người Trung Hoa (Pelliot, “Deux Itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, vol. IV (1904), trang 205.
11.  Khi nói “các ngoại nhân: foreigners”, Mã Hoan ở đây nói đến các cư dân của xứ sở mà ông ta đang mô tả.
12.  [Từ điển] Giles, nos. 9800; 8942; 8121; tòa thành có tên là “Sri Banoy”, có thể tọa lạc tại phế thành ở Bình Lam [?], nằm giữa kinh đô (xem bên dưới) và vịnh Qui Nhơn (Pelliot, “Itinéraires”, trang 109; Majumdar, Champa, pt. I, trang 261, và bản đồ.
13.  Thành phố kinh đô Vijaya hay Caban (Chà Bàn) có thể phải tọa lạc ở nơi có Tháp Đồng (Tour de Cuivre: Copper Tower) được đánh dấu trong bản đồ của Majumdar và trong Bản Đồ Carte de l’Indochine, File No. 166 E, “Qui Nhơn Est” (Giáo Sư E. Gaspardone: thông tin cá nhân).  Địa điểm cách Qui Nhơn 15 dặm (miles) trong hướng 3130 , có nghĩa, gần hướng tây bắc, và không phải vào khoảng 30 dậm hướng tây nam như Mã Hoan chỉ.  Địa điểm chưa được khảo sát một cách có hệ thống.
14.  Vira Bhadravarman (1400-41), từ 1432 được biết là Indravarman (Coedès, États, trang 396).
15.  So-li (Giles, nos. 10204; 6871) là một dạng khác của “Chola”, tên gọi sắc dân ở Coromandel.  Mã Hoan dùng từ này với một nghĩa rất rộng rãi, dùng nó để chỉ vua của Thái Lan và vua của Ceylon (Tích Lan); ở đây có thể ông chỉ muốn nói rằng nhà vua Chàm là thuộc dòng dõi Ấn Độ (Rockhill, Part II, trang 87, n. 1; Pelliot, “Encore”, các trang 216-17).
16.  Ngoài ra có thể ông ta thờ phụng thần Vishnu của Ấn Độ giáo, bởi ông có dựng lên hình ảnh của vị thần đó; xem Majumdar, Champa, pt. I, trang 138, và so sánh pt. I, trang 205, “cả nhà vua và dân chúng đều thờ cả thần Siva lẫn đức Phật”.
17.  Các hình vẽ các vương miện từ các kho tang hoàng gia của Chàm được cung cấp bởi H. Parmentier và E.- M. Durand, “Le Trésor des Rois Chams”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, vol. V (1905), các trang 40-1.
18.  Các phụ tá của các diễn viên ching đóng “các vai vẽ mặt tượng trưng cho các tính xấu với hành vi dữ dội” (A. C. Scott, The Classical Theatre of China (London, 1957), trang 229; Pelliot, “Encore”, trang 217.
19.  Trắng, đen, đỏ, màu xanh da trời và màu vàng.
20.  Shou chin (Giles, nos. 10,011; 2041), “khăn tay”, trong phần viết của Mã Hoan, chỉ một miếng vải mà người dân vùng Tây Dương dùng để quấn quanh mình (Pelliot, “Voyages”, trang 419); ông vẫn thường dùng thành ngữ này, dùng nó để chỉ, cùng với các sự vật khác, chiếc sarong của người Mã Lai.
21.  Để có một sự tường thuật về đời sống hoàng gia tại Chàm, xem Majumdar, Champa, pt. I, các trang 160-3.
22.  Từ đầu tiên có trong từ điển Giles, no. 1308; từ thứ nhì không có trong các từ điển; chắc chắn nó phải được phát âm như trong từ điển Giles, no. 390; thành ngữ là sự phiên dịch từ ngữ của Chàm kajan hay của Mã Lai và Java kajang, chỉ một chiếc chiếu (thảm) không thấm nước được làm từ lá của cây dứa dại (screw-pines: pandanaceae); xem Yule và Burnell, mục “Cadjan”, trang 139b.
23.  Về các chức năng của các tù trưởng trong hệ thống hành chính và tư thế của giới quý tộc trong xã hội, xem Majumdar, Champa, pt. I, các trang 148-51, và pt. II, các trang 214-19.
24.  Các đền đài Chàm, chính yếu xây bằng gạch, phần lớn đã biến mất; các đền thờ Chàm được mô tả bởi Majumdar, Champa, pt. II, ch. X, và P. Stern, L’art du Champa (Paris, 1942); nhưng các thành tích của Chàm về kiến trúc và điêu khắc không sánh ngang được với các kiệt tác của Miến Điện, Thái Lan, Căm Bốt và Java, và chúng không được lưu ý đến bởi Le May, The Culture of South-East Asia (London, 1956); về một sự so sánh sơ thảo, xem M. Hallade, Arts de l’Asie Ancienne, ỊI L’Asie du Sud-Est (Paris, 1954).
25.  Có nghĩa, 36.7 phân Anh (inches).
26.  Về y phục của dân chúng, xem Majumdar, Champa, pt. II, các trang 220-2.
27.  Từ điển Giles, các số 1558; 6732; thành ngữ có thể là sự phiên dịch từ từ ngữ của Mã Lai, kelembak, hạng tốt nhất của nhựa cây lô hội (lô hội có mô, gỗ cây lô hội, gỗ dó aquila [loại cây có vỏ dầy thơm, thuộc họ Thymelaeaceae: Trầm Hương, mọc ở vùng Đông Nam Á, chú của người dịch], gỗ mềm, có nhựa, tỏa mùi thơm khi đốt [eagle wood, tên khoa học là agallochum, chú của người dịch]); cũng có thể người Trung Hoa đã học từ ngữ này từ người dân vùng Ba Tư (Persians), có tiếng nói là nguồn gốc mà tiếng Mã Lay phát sinh; lô hội có thớ nhựa là một chất đông đặc, có hương thơm, gây ra bởi một chứng bệnh của gỗ trong số khoảng phân nửa giống cây thuộc họ cây dó (Aquilaria); từng có lúc có giá trị khá cao tại Âu Châu như một loại hương trầm (Yule và Burnell, phần viết về “Calambac”, trang 144a; Hirth và Rockhill, trang 205, n.1; Rockhill, Part II, trang 86; J. Filliozat, “L’Agaloche et les manuscripts sur bois dans l’Inde et les pays de civilization indienne”, Journal Asiatique, vol. CCXLVI (1958), các trang 86-9; Wheatley, “Commodities”, phần viết về “Gharuwood”, trang 69.
28.  Chiang chen hsiang (Từ điển Giles, các số 1255; 589; 4256), “mùi hương làm các Chân Nhân giáng trần”; tiếng Mã Lai là kayu laka, từ đó thành từ “cayolaque”, đôi khi được viết là “gỗ laka: laka-wood” trong Anh ngữ; một loại cây leo gỗ đỏ, thuộc họ  Dalbergia pariflora mọc ở vùng Đông Ấn Độ, mà phần gỗ lõi có mùi thơm vẫn còn được nhập cảng vào Trung Hoa để làm “cây hay nén hương (nhang): joss sticks” (Yule và Birnell, phần viết về “Cayolaque”, trang 177b; Hirth and Rockhill, trang 211; Pelliot, “Voyages”, trang 381; E. H. Schafer, “Rose-wood, Dragon‘s Blood and Lac”, Journal of the American Oriental Society, vol. LXXVII, pt. 2 (1957), trang 134; Wheatley, “Commodities”, trang 119).
29.  Có nghĩa, vào khoảng 17 ½ đến 18 ½ bộ Anh (feet).
30.  K [?] có “các sừng tê giác”.  Về sừng tế giác, xem Wheatley, “Commodities”, trang 77.
31.  Có nghĩa, vào khoảng 900 hay 1,000 cân Anh (pounds).
32.  Sát nghĩa, “ba dấu chân: three treads”; theo quyển Tz’u-hai, từ ch’ia (Từ Điển Giles, số 1195) được dùng cho từ chih (Từ Điển Giles, số 1896) và từ ngữ sau được dùng cho chữ t’a (Từ Điển Giles, số 10,496), “ghi dấu chân trên”.  Nhà biên tập được khuyên nên dịch là “ba ngón hay ba móng: three digits”.
33.  Có nghĩa, khoảng 17 hay 18 phân Anh (inch).
34.  Feng chấp nhận cách đọc của K; Pelliot, khác với Duyvendak, đã sẵn đề nghị cách kiến giải này; cây (sơn) muối: sumach, thuộc họ Rhus succedanea [bột lá cây phơi khô dùng trong việc nhuộm vải, thuộc da v.v…, chú của người dịch] (Pelliot, “Voyages”, trang 355)
35.  Có nghĩa, có trọng lượng là 2.6 cân Anh (pound).
36.  Tương đương với 2 ts’un là 2.4 phân Anh (inche).
37.  Po-lo-mi (Từ Điển Giles, các số 9336; 7291; 7834); danh xưng ngoại quốc này đã trở thành một thành ngữ Trung Hoa từ lâu, trước thời đại của Mã Hoan (Hirth and Rockhill, trang 212); nó là trái quả của cây thuộc họ Artocarpus integra Merr. (Wheatley, “Commodities”, trang 73).
38.  Tung kua, “đông qua [?]: trái bầu mùa đông” (cũng gọi là “trái bầu phương đông), “bầu trắng hay dưa bầu”, Benincasa cerifera (B. E. Read, Chinese Medicinal Plants (Peking, 1936), trang 14, no. 56).
39.  Có nghĩa, trái vải (họ Nephelium litchi) từ tỉnh Tứ Xuyện
40.  Về tình trạng kinh tế của người dân, xem Majumdar, Champa, pt. II, trang 222.
41.  Dịch sát nghĩa, “lúa mì lớn và nhỏ”.
42.  Pin-lang (Từ điển Giles, các số 9247; 6779); rõ ràng phát sinh từ tiếng Chàm, pinong, xuyên qua cách nói thông thường của người Amoy pin-nng; Mã Lai pinang, thuộc họ cây Areca catechu; cái được gọi là “hạt cau: arecanut” (bị gọi sai là betel-nut: hạt trầu) là hạt của loại cây cau này (Hirth and Rockhill, p. 213; Wheatley, “Commodities”, trang 67).
43.  Lá cây trầu họ Piper betel, nhai cùng với hạt cau được bổ nhỏ (Yule and Burnell, phần viết về “Betel”, trang 89ạ
44.  Về các cuộc hôn nhân của Chàm, xem Majumdar, Champa, pt. II, trang 226.
45.  Tương đương với 3 ch’ih là 36.7 phân Anh (inch).
46.  Một phong tục tương tự có hiện diện nơi sắc dân Kelabits của đảo Borneo (Chong Ah Onn, “Kelabit Customs and Practice”, Malay (May, 1955), trang 31.   
47.  Người Chàm tiếp nhận mẫu tự vùng Nam Ấn Độ, nhưng kể từ thế kỷ thứ tám các biến thể địa phương đã diễn tiến (R. C. Majumdar, “La Paléographie des Inscriptions du Champa”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, vol. XXXII (1933), trang 139; K. A. N. Sastri, “L’Origine de l’alphabet du Champa”, Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient, vol. XXXV (1936) các trang 235, 240-1.  Ngôn ngữ Chàm là một hỗn hợp kỳ lạ của tiếng Indonesian và Mon-Khmer.
48.  Về sự quản trị nền tư pháp, xem Majumdar, Champa, pt. II, các trang 150-1.
49.  Dịch sát nghĩa “các ngày và các mặt trăng”.  Người Chàm dùng lịch Saka hay kỷ nguyên Shaka (tương đương với kỷ nguyên Thiên Chúa cộng với 78 ¼ năm) và hệ thống amanta để tính các tháng (Sastri, “Alphabet”, trang 235, có nghĩa, hệ thống để đếm từ Mặt Trăng Mới này đến Mặt Trăng Mới kia.
50.  Kung Chen cũng nói rằng mật được dùng cho việc tắm rửa của nhà vua.  Feng (trang 5) nghĩ rằng Mã Hoan viết đoạn văn này dựa trên sự tường thuật của Wang Ta-yuan, kẻ, tuy thế, cho là mật đã được mua và uống bởi các quan chức (Rockhill, Part II, trang 85); đây là phiên bản được tham chiếu bởi Majumdar, Champa, Part II, trang 229; Fei Hsin, một lần nữa, nói rằng mật được uống bởi nhà vua và hoàng gia (Rockhill, part II, trang 94).
51.  Hay “một người anh em, con trai, hay cháu trái; Mã Hoan không nói rõ là liệu nhà vua đã ủy thác các quyền hành của ông cho một người hay một ủy ban gồm tất cả các người này.  Feng nên đọc từ chih (Từ Điển Giles, số 1819), là “cháu trai”, như trong K, thay vì chih (Từ Điển Giles, số 1818) có nghĩa là “vững chắc”.
52.  Ch’ih chai shou chieh (Từ Điển Giles, các số 1982; 234; 10,016; 1531).  Mã Hoan dùng thành ngữ này để chỉ người theo đạo Phật tại Thái Lan và cũng để chỉ các người theo Hồi Giáo tại đảo Java và ở Malacca.
53.  Các thí dụ về các nhà vua đã nhường ngôi để tự hiến mình cho việc tu đạo được trích dẫn bởi Majumdar, Champa, pt. I, các trang 35, 87, 163; nhưng tác giả không đề cập đến bất kỳ sự tái đảm nhận ngôi vua nào cả.
54.  “Sri Maharaja”, một tước hiệu bằng tiếng Sanskrit, có nghĩa “vị Chúa Tể Cao Quý Nhất”, cũng được dùng tại Sri Vijaya (Palembang) và Malacca.
55.  Nữ thần báo tử (banshee) tương tự được nói có hiện hữu tại Malacca.  Feng (trang 5) nghĩ rằng Mã Hoan đã viết đoạn văn này dựa trên câu chuyện kể của Wang Ta-yuan về Phan Rang; muốn rõ về chuyện này, xem Rockhill, Part II, trang 97.
56.  So sánh với Majumdar, Champa, pt. I, trang 151, về “Sự Phán Quyết Của Thần Linh”; tuy nhiên, địa điểm của phiên bản này, dựa theo Maspero, cần phải được sửa lại cho đúng (Duvendak, Mã Hoan, trang 28).  Mã Hoan có mô tả một hình thức thử thách khác tại Calicụt
57.  Hay có thể là ‘màu đen”; ching (Từ Điển Giles, số 2184) là màu của tự nhiên; bởi thế từ ngữ này có thể dùng để chỉ con bò đen, con ngựa xám, quả mận xanh, hay “tròng trắng’ của quả trứng.
58.  Sự “sờ, xoa đầu” này thường được lưu ý đến; Mã Hoan nói cùng điều này về người dân ở đảo Java.  Ngôn ngữ của Mã Hoan rất xúc tích, mười bảy từ ngữ Anh văn trong đoạn này được dùng để dịch bảy chữ Hán.
59.  Feng chấp nhận cách đọc [và hiểu] của K; S cũng nói rằng họ dùng cả bạc lẫn vàng; C cần được dịch: “họ hiện dùng vàng nhạt màu (có độ ròng) bẩy mươi phần trăm, không phải là bạc [bất kể vẻ bên ngoài của nó”. (Pelliot, “Voyages’, trang 357).
60.  Đồ sứ men lam và trắng của nhà Minh rất được ưa chuộng ở hải ngoại, các đồ tốt hơn được gửi sang Ấn Độ và Cận Đông, và các đồ gốm kém hơn và thô sơ được chở sang Java, Borneo, và quần đảo Phi Luật Tân (C. N. Spinks, “Siam and the Pottery Trade of Asia”, Journal of the Siam Society, vol. XLIV (2) (1956), trang 84).  Xem Wheatley, “Commodities”, các trang 83-5.
61.  Chu ssu (Từ Điển Giles, các số 2606; 10,259), “lụa gai: hemp-silk”; sản phẩm Trung Hoa này, rõ ràng là một hàng dệt bằng sợi gai và lụa, rất được ưa chuộng tại miền nam Á Châu; nhà vua của Java có đeo một thắt lưng làm bằng vật liệu này; và xem Phần Chỉ Dẫn (Index), tiểu mục về “hemp-silk: lụa gai”.
62.  Được dịch như thế bởi Pelliot, “Voyages”, trang 357.
63.  Một danh sách các tặng vật triều cống được ghi trong quyển tiểu thuyết nhan đề His-yang chi, muốm biết hơn, xem Duyvendak, “His-yang chi”.  Các sứ giả được kỳ vọng sẽ dâng cống những gì được “sản xuất ở địa phương”, và không có gì khác nữa (Fairbank and Teng, trang 171)./-

***
VI. LỜI ĐỀ BẠT CỦA KU P’O NĂM 1451 (?) 1


Lời Đề Bạt 2
cho quyển
Khảo sát Tổng Quát Các Bờ Đại Dương


     Khi còn trẻ, tôi có đọc [một quyển sách nhan đề] Một Tài Liệu Ghi Chép Về Các Nơi Xa Lạ (A Record of Foreign Places), 3 và tôi hiểu được tầm mức của mặt địa cầu, về sự khác biệt trong phong tục, về hình dáng của con người, và về các chủng loại khác nhau của các sản phẩm – [các sự việc] gây sửng sốt, thú vị, lôi cuốn, để lại ấn tượng sâu xa.

     Song tôi ngờ rằng quyển sách được viết bởi một kẻ muốn tìm kiếm điều mới lạ, và tôi liều nghĩ rằng các sự việc như thế không hiện hữu trong thực tế.

     Giờ đây tôi nhìn thấy các sự kiện có thực trong tài liệu được viết bởi Ông Ma Tsung-tao 4 và Ông Kuo Ch’ung-li 5 về các kinh nghiệm của họ tại nhiều nước ngoài khác nhau, và tôi nhận ra lần đầu tiên rằng các sự phát biểu trong quyển Tài Liệu Ghi Chép Về Các Nơi Xa Lạ là đáng tin chứ không ngụy tạo.

     Ch’ung-li là người huyện Jin-ho tại thành phố Hàng Châu, 6 và Tsung-tao là người huyện Kuei chi đất Yueh [Việt]. 7 Cả hai theo đạo vùng Thánh Địa (Heavenly Square) [tức Mecca] 8 tại Các Miền Phương Tây, và thực sự là các vị quân tử tuyệt hảo.

     Trong một thời điểm trước đây, Tuyên Tông Hoàng Đế 9 có ban chỉ dụ rằng đại thái giám Trịnh Hòa phải đảm trách quyền tổng chỉ huy các tàu ngân khố và đi đến các nước ngoài khác nhau tại Tây Dương (Westren Ocean) [biển về phía tây, chú của người dịch] để tuyên đọc các mệnh lệnh của nhà vua và ban tặng các phần thưởng cho công tác xứng đáng; và hai vị quân tử này, là các thông dịch viên lành nghề các ngoại ngữ, đã được bổ nhiệm vào chức [năng] này.

     Ba lần họ đã tháp tùng đoàn [của Trịnh Hòa], du hành chục nghìn dặm (li: lý).  Họ đã khởi hành từ eo biển Wu hu (Ngũ Hổ) 10, vịnh thuộc đất Mân (Min); 11 trước tiên họ đặt chân lên xứ Chiêm Thành (Chan city), 12, rồi đến Chao-wa, 13 và Hsien Lo (Xiêm La), 14, sau đó lại đến Cảng Cũ (Old Haven), 15 A-lu, 16 Su-men, 17 Nan-p’o, 18 His-lan, 19 và Ko-chih; 20 nơi xa hơn tất cả, A-tan 21 và Thánh Địa (Heavenly Square] 22 đều đã được thăm viếng – cộng chung hơn hai mươi xứ sở.  Tại mỗi xứ sở, họ đã trú ngụ và du hành trong nhiều ngày.

     Về tầm trải rộng của mặt trái đất, họ đã ghi nhận sự khác biệt trong các khoảng cách.  Về tính đa trạng của phong tục, họ ghi nhận sự khác biệt trong luân lý.  Về hình dáng của người dân, họ đã ghi nhận sự khác biệt trong sự quyến rũ của họ.  Về sản phẩm của đất đai, họ ghi nhận sự khác biệt trong tầm quan trọng của chúng.  Tất cả các điều này, ho đã ghi nhận bằng văn bản.  Tài liệu họ đã hoàn bị, họ soạn thành một quyển sách.  Chắc chắn họ đã hết sức lao tâm và cần mẫn.      

     Nhiệm vụ đã hoàn tất, hai vị quân tử đã quay về làng quê của họ, và thường xuyên đi giáo dục người khác, giúp cho mọi người thụ đắc được sự hiểu biết về tình trạng của các vùng đất xa lạ, và để nhìn thấy uy đức của triều đại chúng ta tỏa sáng đến đâu – rất xa như được ghi lại nơi [quyển sách] này. 23

     Ch’ung-li, hãy còn lo ngại ở sự vô khả năng của ông nhằm giúp người dân hay biết đầy đủ về các sự kiện, mong muốn quyển sách của chính ông được in ấn 24 hầu phổ biến thông điệp của ông.  Xuyên qua người bạn của ông, Lu-T’ing-yung, 25 ông có yêu cầu tôi viết cho một lời cáo tri; theo đó tôi đã ghi lại bản tóm lược này cho [tác phẩm của ông]. 26

     Viết bởi Ku P’o, [tự] Chi-hung, Thư Ký Thanh Tra và Giám Sát của Hoàng Triều, trong năm này. 27

-----

CHÚ THÍCH:

1.      Tiểu đề này không có trong sách của ông Feng.
2.      Dịch sát nghĩa, “hậu Cáo Tri, sau khi bố cáo”.  Lời giới thiệu sau này, được gọi là Đề Bạt (Postface) bởi Duyvendak và Pelliot, chỉ có trong ấn bản C.  Tác giả Feng có trích một số đoạn từ Lời Đề Bạt của một quyển sách [MS?] nhan đề “San Pao cheng-i-chi” (Tuyển tập [các bài viết] về các cuộc Chinh Phục Dân Mọi Rợ của San Pao), một tác phẩm chỉ được hay biết qua một lời cáo tri giới thiệu (Pelliot, “Voyages” các trang 257-8; “Encore”, trang 211).  Bản dịch Lời Đề Bạt này đã được phiên dịch bởi Duyvendak, Mã Hoan, các trang 10-13.
3.      I-yu chih (Từ Điển Giles, các số 5505; 13,662; 1922); xem Pelliot, “Voyages”, các trang 260-1.
4.      “Tsung-tao” (Từ Điển Giles, các số 11,976; 10,780); là “tự hiệu: style [?]” hay “phương danh: courtesy name [?[ ” của Mã Hoan.
5.      Từ Điển Giles, các số 6617, 2930; 6949; chúng ta không hay biết gì về ông ta hay sự đóng góp của ông vào trong quyển sách của Mã Hoan; Ch’ung li là “tên tự hay bút danh” của ông; chúng ta không biết tên thật (personal name) của ông ta; xem Duyvendak, Mã Hoan, trang 12.
6.      Jen ho là một huyện (hsien) cùng với huyện Ch’ien t’ang (Tiền Đường) họp thành thủ phủ của thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Triết Giang.
7.      Kuei chi là một huyện (hsien) hợp cùng với huyện Shan yin thành thủ phủ của Shao hsing (Thiệu Hưng), khoảng 26 dặm đông nam thành phố Hàng Châu.  Việt (Yueh) là tên một khu vực bao gồm các phần thuộc các tỉnh Quảng Tây và Chiết Giang ngày nay.
8.      Tức Mecca.  Sự phát biểu này là nguồn gốc của sự hiểu biết của chúng ta rằng Mã Hoan là một tín đồ Hồi Giáo.
9.      Hoàng Đế Tuyên Tông (Hsuan-tsung), có niên hiệu khi trị vì là Tuyên Đức (Hsuan-te).
10.  Eo biển Ngũ Hổ trong vịnh [đất] Mân.
11.  Mân (Min) là tên của một khu vực bao gồm phần lớn đất của tỉnh Phúc Kiến ngày nay.
12.  Xứ Chàm, Trung Phần Việt Nam.
13.  Đảo Java.
14.  Thái Lan.
15.  Palembang.
16.  Aru, quận Deli, miền đông đảo Sumatrạ
17.  Tức là, Su-men-ta-la, Semudera, Lho Seumawe tại phía bắc đảo Sumatra.
18.  Tức là, Nan-p’o-li, Lambri, Atjeh tại miền bắc đảo Sumatra.
19.  Ceylon (Tích Lan).
20.  Cochin.
21.  Aden.
22.  Mecca.
23.  Câu cuối cùng là phần phiên dịch 15 Hán tự được thêm bởi tác giả Feng vào ấn bản C.
24.  Dịch sát nghĩa, “mong muốn khắc vào mộc bản: wishes to engrave the catalpa” (tzu); từ ngữ cổ điển tzu (Từ Điển Giles, số 12,356) đồng nghĩa với từ ch’iu (Từ Điển Giles, số 2303), Catalpa kaempferi, một loại gỗ được dùng nhiều làm bản khắc trong việc in ấn.  Bởi thế, chính Kuo Ch’ung li đã là kẻ đã thúc đẩy cho quyển sách được in ra.
25.  Cũng không biết gì khác về nhân vật này.
26.  Người biên tập dịch câu cuối cùng này theo sự giải thích của Pelliot về đoạn văn; Duyvendak có phát biểu trước đây ý kiến cho rằng lời Đề Bạt này nguyên thủy là Lời Đề Tựa; xem Duyvendak, Mã Hoan, trang 13 và Pelliot, “Voyages”, các trang 261-2.
27.  Câu này tượng trưng cho phần thông dịch 11 Hán tự  được thêm vào ấn bản C bởi tác giả Feng nói về tác giả của quyển “San Pao cheng-i-chi”.  Chúng ta cũng không hay biết gì về Ko P’u.  Niên kỳ có lẽ là năm 1451.  Xem Pelliot, “Encore”, trang 211. /-
-----

Nguồn: Ma Huan, Ying-Yai Sheng-Lan, “The Overall Survey Of The Ocean‘s Shores”, [1433], translated from the Chinese text edited by Feng Ch’eng-Chun, with introduction, notes and appendices by J. V. G. Mills, formerly Puisne Judge Straits Settlements, Cambridge, published for the Hakluyt Society, at The University Press, London, 1970, rải rác trong các trang 34-85, 179-180.




Ngô Bắc dịch và chú giải
15/8/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét