Thời đại Đá cũ kéo dài khoảng 3 triệu năm nhưng khi nói về Nghệ thuật Đá cũ tức là nói về Nghệ thuật xuất hiện và phát triển trong giai đoạn muộn của thời kỳ này (Hậu kỳ Đá cũ), cách ngày nay khoảng 40.000 năm với chủ nhân chính là người hiện đại muộn (Homo sapiens sapiens). Đây là thời kỳ của những chuyển biến quan trọng trong lịch sử nhân loại vì bên cạnh việc lo thỏa mãnh những nhu cầu vật chất, con người hướng tới sự thỏa mãn về tinh thần với sự xuất hiện của nghệ thuật, tôn giáo…
Đặc điểm của Nghệ thuật Hậu kỳ Đá cũ
Về hình thức: Có hai hình thức thể hiện chính. Đó là dạng động và dạng tĩnh
Nghệ thuật dạng động thời kỳ này có kích thước nhỏ (để có thể mang chuyển) và chủ yếu là tượng hay đồ vật trang trí, được làm từ các chất liệu như đá, xương, sùng và đất sét. Đó là những tượng nhỏ có hình động vật hay hình con người. Những bức tượng người nhỏ thời kỳ này được gọi dưới cái tên chung Vệ nữ (Venus), thể hiện người phụ nữ mang thai.
Nghệ thuật dạng tĩnh được biết chủ yếu từ những bức vẽ trên vách hang ở Tây Âu. Những bức tranh được vẽ bằng một hỗn hợp của các chất liệu khoáng chất, thổ hoàng, tro của xương tủy, than, nước, máu, chất béo của động vật và nhựa cây. Chỉ có thể suy đoán về chức năng của những bức bích họa này qua nội dung và vị trí của chúng đó là phục vụ cho những nhu cầu thực tiễn hay ma thuật nào đó. Những bích họa thường nằm xa cửa hang nơi diễn ra những sinh hoạt hàng ngày của đời sống.
Về nội dung
Những bích họa - những tác phẩm nghệ thuật trang hoàng với những đường nét tượng trưng, những đường nét hình học: đường gãy khúc, đường cong, hình tam giác, hình thoi…. Đôi khi trong một số đường nét có thể nhận biết gốc rễ hiện thực 1 cái chân thú, 1 cặp sừng, 1 con mắt…. Hình con cá cung cấp nhiều motif trang hoàng, ngày càng có tính chất ước lệ. Bên cạnh đó, nhiều nét trang trí bắt nguồn từ kỹ thuật chế tác đồ xương, ngà (những đường khắc vạch, rãnh song song, hồi văn), những hình dây thừng, dấu đan hình mũi tên…
Nghệ thuật Hậu kỳ Đá cũ: hình tượng động vật đa số được biểu hiện rất thực; còn hình tượng người thì biểu hiện rất ước lệ, sơ đồ và nhiều khi có những hình tượng quái dị nửa người nửa thú như ở Marsoulas, Cambarelles, Lourdes (Pháp), Altamira (Tây Ban Nha). Hình "thầy phù thuỷ" ở hang "Ba anh em" (Trois Freres) là một người đàn ông có sừng hươu trên đầu, cằm dài, đuôi dài, có khoác da lông trên vai. Trên một cái gậy bằng xương ở hang Teyjat (Pháp) khắc ba hình người múa nhảy, hai chân là chân người nhưng đầu lại đeo mặt nạ hình nai.
Những hiện tượng đó có ý nghĩa gì? Về gốc gác, những hình ảnh đó rõ ràng có một mối quan hệ sâu xa và chặt chẽ với đời sống hàng ngày, với phương thức săn bắt bằng hoá trang như phần trên đã trình bày. Nhưng đây lại là những hình ảnh tượng trưng, có những cảnh lễ nghi và các cuộc nhảy múa. Có thể đây là những cảnh người nguyên thuỷ đang thực hành những nghi lễ tôn giáo nào đó, đúng hơn cả là những nghi lễ tô tem giáo. Hình nửa người, nửa thú phản ánh ý niệm hiện thực nguyên thuỷ về mối quan hệ gốc gác giữa người và động vật, là tượng trưng tổ tiên tô tem giáo của người, của thị tộc. Tô tem giáo (còn gọi là đạo Vật tổ) là một trong những tôn giáo xưa nhất của loài người. Với tổ chức xã hội thị tộc dựa trên cơ sở huyết thống, loài người thời đó không biết đến một mối quan hệ xã hội nào khác ngoài mối quan hệ máu mủ. Và con người đã chuyển mối quan hệ máu mủ giữa người với người sang mối quan hệ giữa người với giới tự nhiên (động vật, thực vật). Mỗi thị tộc nhận một loài vật (hay một loài cây) làm vật tổ (totem), lấy tên loài vật đó để đặt tên cho thị tộc của mình.
Nguồn
1. Cơ sở Khảo cổ học. Nhóm tác giả. Nxb. ĐHQG, Hà Nội 2008.
2. http://arthistory.about.com/cs/arthistory10one/a/paleolithic.htmSIÊU GIỎI, SIÊU ĐẸP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét