Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

KHOK PHANNOM DI: NGUỒN GỐC CANH TÁC LÚA Ở ĐÔNG NAM Á

KHOK PHANNOM DI: NGUỒN GỐC CANH TÁC LÚA Ở ĐÔNG NAM Á
          (khok phanom di: the origins of rice farming in southeast asia)

(Nguồn: Khảo cổ học – Lý thuyết, Phương pháp và Thực hành.
Collin Renfrew và Paul Baun). Nxb. Trẻ. 2007)


Mục đích dự án (Aims of the project)

   Từ năm 1984 – 1985, nhà khảo cổ học New Zealand, Charles Higham và nhà khảo cổ học Thái Lan Rachanie Thosarat đã khai quật một đồi đất lớn cao 12m, diện tích 5 ha nằm trong vùng đồng bằng miền Trung Thái Lan cách vùng Duyên hải vịnh Thái Lan (Gulf of Siam) 22 km. Từ thủ đô Băng cốc đến di tích mất 1 giờ lái xe. Tên gọi “Khok Phanom Di” có nghĩa “Đồi đất tốt” (good mound), đứng cách xa nhiều dặm cũng có thể nhìn thấy. Đồng bằng thấp trũng trồng lúa ở đây là một trong những vùng đất nông nghiệp phì nhiêu bậc nhất trong hệ sinh thái thế giới, nhưng giới khảo cổ học hầu như vẫn chưa biết gì về nó. Do đó, mục đích chính của dự án là khảo cứu nguồn gốc sự phát triển hệ thống nông nghiệp mà phần lớn con người sống phụ thuộc vào.

Nhà nghiên cứu (The searcher)

   Nhiều vùng đất miền Đông Bắc Thái Lan đã được khảo cứu khá chi tiết trong những năm 1970, công bố các di tích quan trọng như Ban Chiang và Non Nok Tha, cuộc khai quật do Chester Gorman cùng nhiều đồng nghiệp khác đã tìm thấy các chứng cứ nghề đúc đồng truyền thống ở địa phương có niên đại khoảng năm 1500 TCN. Mặt khác, trước khi dự án Khok Phanom Di lên kế hoạch, đã có một vài công trình nghiên cứu khảo cổ học được tiến hành có hệ thống ở miền Trung và duyên hải Thái Lan. Di tích này được các nhà khảo cổ học Thái Lan phát hiện vào cuối những năm 1970 và họ tiến hành lấy mẫu thực nghiệm năm 1978, khai quật kiểm tra trên diện rộng trong năm 1979 và năm 1982. Dam Rong Kiadt Noksakul, nhà khai quật (excavator) người Thái đã dùng phương pháp carbon phóng xạ giám định niên đại xương người từ ngôi một cổ nhất được chôn vào năm 4800 TCN. Nếu cuộc khai quật mới có thể khám phá chứng cứ việc canh tác lúa vào buổi sơ khai ở đây, thì rõ ràng kết quả này là một thách thức với niên đại lúa đã được thuần hóa từ rất xa xưa ở Trung Quốc.


Chứng cứ còn lại? (What is left?)

    Điều kiện bảo quản hiện vật tại di tích rất đáng chú ý vài hố chôn cột vẫn còn giữ nguyên vẹn các cột gỗ và có rất nhiều di tích chất hữu cơ bên dưới các lớp đất như: lá cây, hạt, vỏ trấu, vẩy cá. Không dưới 154 ngôi mộ được phát hiện với các bộ xương và trang sức vỏ sò còn nguyên vẹn - đây là một trong những bộ sưu tập di thể người lớn nhất và quan trọng nhất vùng Đông Nam á. Một vài ngôi mộ có chứa nhiều dây vải trắng dệt từ loại sợi thô, được dùng làm vải liệm, nhiều vỏ cây bị bóc, đập giập cùng với nhiều sợi amiang – những chất liệu có sẵn trong môi trường tự nhiên Thái Lan và được phát hiện sử dụng từ rất xa xưa, hơn nữa chúng được đánh giá rất cao nhờ khả năng bền chắc và kháng lửa. Thi thể người chết được đặt trên những cái đòn gỗ (wooden biers).


Ở đâu? (Where?)

      Một thửa đất 10m x 10m rộng vừa đủ để cho các thông tin phù hợp cần thiết về sơ đồ bố trí không gian di tích đã được khai quật ngay khu vực trung tâm ngọn đồi, nơi nhà sư Abbot xây ngôi chùa địa phương, vì địa điểm này sẽ không làm hư hại cây cối của ông. Nhóm khảo cổ dựng mái che phủ công trình nhằm đảm bảo tiến độ công trình bất chấp mưa nắng và nhiều bức tường gạch cũng được xây để ngăn nước tràn vào khu vực khai quật.
     
      Sau nhiều tháng làm việc cật lực không ngơi nghỉ, cuộc khai quật kết thúc khi lớp đất bùn tự nhiên nằm dưới độ sâu 7m được phát hiện. Tương lai phải mất nhiều năm người ta mới có thể phân tích, thực nghiệm hết số liệu hiện vật đã khai quật.

      Trước khi tiến hành công việc khai quật Khok Phanom Di, Higham, Thosarat và ba đồng nghiệp khác đã tiến hành một cuộc khảo sát di tích thuộc một phần trong thung lũng Bang Pakong trong sáu tuần. Họ thăm dò, xem xét kỹ từng khu vực rộng 20m, nghiên cứu ảnh chụp trên không và tiếp xúc trao đổi với dân làng địa phương và các nhà sư. Nếu đúng theo kết quả khảo sát thì Khok Phanom Di không phải là một di tích biệt lập, mà là một trong nhiều ngôi làng trong vùng. Năm 1991, Higham và Thosarat quay lại thung lũng bắt đầu khai quật một trong các di tích này: Nong Nor.



Khi nào? (When?)

         Từ các dấu vết tìm thấy nơi hiện trường khảo cổ và niên đại xương người được xác định từ những cuộc khai quật trước, có thể đưa ra giả thiết rằng di tích Khok Phanom Di được hình thành trong thiên niên kỷ thứ V TCN. Rất nhiều đống lửa tại di tích đã cho các mẫu than củi xác định niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ. Kết quả đầu tiên từ sáu mẫu được đem phân tích tại phòng thí nghiệm Wellington, New Zealand đã cho niên đại sớm hơn, tuy nhiên nhìn chung những kết quả này chưa nói rõ điều gì. Về sau, phòng thí nghiệm Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã đưa ra nhiều lý thuyết không đồng nhất dựa trên 12 mẫu phân tích. Tuy nhiên, điều lý thú ở chỗ, các kết quả của ANU cho thấy con người cư ngụ tại di tích này trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với quan niệm trước đây – một vài thế kỉ chứ không phải nhiều thiên niên kỷ. Higham và Thosarat đi đến kết luận sau khi đã chỉnh sửa – con người đã định cư ở đây vào khoảng năm 2000 TCN, và kéo dài trong khoảng 500 năm. Nói cách khác, kết quả này khiến nhiều người cảm thấy thất vọng (nếu xét về việc xác định niên đại nền nông nghiệp canh tác lúa), tuy nhiên điều quan trọng là 154 ngôi mộ tại di tích này thể hiện phong tục chôn cất vẫn còn lưu truyền đến nay và thỉnh thoảng vẫn hiện diện ở vài di tích nào đó, khắp nơi trên thế giới. Kết quả là sự gia tăng đột biến các di tồn văn hóa (cultural remains) vốn được đánh giá tương xứng với thi thể mà chúng được táng chung.


Tổ chức xã hội (Social organization)

       Nhóm khảo cổ đã nhanh chóng quan sát thấy rằng các ngôi mộ tập trung thành nhiều cụm và có nhiều khoảng trống tách riêng mỗi cụm. Phương pháp đồ họa vi tính được ứng dụng đưa ra các hình ảnh không gian ba chiều biểu thị các mộ táng này. Kết quả một trình tự chi tiết nghi thức chôn cất được đưa ra, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống thân tộc trải qua hơn 20 thế hệ (generation) (một thế hệ 20 năm trên hệ thống kéo dài khoảng 400 năm khá gần thời gian con người cư trú được xác định bằng carbon phóng xạ tại di chỉ này là 500 năm). Đồ tùy táng phong phú về chủng loại và số lượng như: trang sức bằng vỏ sò, lọ bình gốm, các đe đất nung (clay anvils) và đá mài.... đã được khảo cứu bằng nhiều kiểu thống kê (multivariate statistic), đặc biệt là phương pháp phân tích theo cụm (cluster anlysic) và biểu diễn kích thước đa chiều (multidimensional scaling). Người ta khám phá ra rằng không có sự khác biệt đáng kể về sự thịnh vượng, giàu có giữa đàn ông và phụ nữ, cho dù trong những giai đoạn sau này đã xuất hiện nhiều thay đổi, các đe đất nung chỉ được tìm thấy trong mộ của phụ nữ và trẻ em, trong khi đồ trang sức bằng mu rùa chỉ được chôn trong mộ của đàn ông. Cũng trong các giai đoạn sau này, khi phụ nữ tỏ ưu thế vượt trội (chế độ mẫu hệ), nhiều phụ nữ được chôn theo số lượng đáng kể của cải vật chất – một ngôi mộ tên gọi “Công chúa” (princess) có hơn 120000 chuỗi hạt bằng vỏ sò cùng với vô số hiện vật khác, sự dư thừa và giàu sang không thể có được vào thời tiền sử vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, thế hệ con cháu của “Công chúa” chỉ được chôn theo rất ít đồ tùy táng cho thấy đây không phải là xã hội mà địa vị được truyền lại cho đời sau.

           Bên cạnh đó, mối quan hệ về sự thịnh vượng giữa trẻ nhỏ và người trưởng thành trong những ngôi mộ mai táng chung: trẻ nhỏ nghèo sẽ được chôn cùng người trưởng thành nghèo và ngược lại cả hai cùng giàu. Tuổi tác không phải là yếu tố quyết định số lượng đồ tùy táng. Các trẻ sơ sinh chết ngay từ lúc chào đời có huyệt mộ riêng hay chôn chung với người lớn. Tuy nhiên, đối với trẻ dù chỉ sống được vài tháng sau khi sinh cũng được cử hành nghi thức an táng tương tự như người lớn.
           Phân tích của nhà nhân học hình thể Nancy Tayes tiến hành trên di hài người chết, cho rằng có hai cụm mộ đại diện cho hai thế hệ tiếp nối nhau của hai gia tộc khác biệt. Rất nhiều nét đặc trưng về mặt di truyền được xác định như hộp sọ, răng, xương đã giúp chứng minh mối quan hệ giữa nhiều di thể và mối quan hệ ràng buộc này chắc chắn có quan hệ đến sự hình thành mỗi cụm mộ. Việc nhổ răng rập theo một khuôn mẫu được xác định ở cả hai giới tính. Phổ biến nhất là nhổ răng cửa hàm trên của đàn ông và phụ nữ. Tuy vậy, chỉ có răng cửa hàm dưới của phụ nữ bị nhổ bỏ. Một vài kiểu hình đặc trưng tương ứng với việc hình thành các dấu vết riêng cho mỗi thành viên các thế hệ tiếp theo thuộc cùng một dòng tộc.



Môi trường tự nhiên (Environment)

             Ngày nay, di tích nằm lọt giữa các cánh đồng phù sa trồng lúa, cách biển Đông 22km, thật ra nó tọa lạc ngay vùng cửa sông, nằm ngay trên bờ biển, được tạo thành do mực nước biển dâng cao trên mức hiện tại khoảng giữa năm 4000 TCN và năm 1800 TCN. Niên đại này được kết luận từ thí nghiệm carbon phóng xạ trên lõi than củi do nhà cổ sinh thái học Berard Maloney tìm thấy trong các lớp trầm tích ở thung lũng Bang Pakong, cách xa di tích 200m về hướng Bắc. Các lõi than củi này, một mặt chứng minh niên đại xuất hiện của con người và môi trường sống tự nhiên vào thiên niên kỷ VI TCN, mặt khác chứa nhiều loại hạt cây có phấn hoa, bào tử dương xỉ, mảnh lá cây đã có nhiều vào năm 5300, 5000 và 4300 TCN – lượng than của bào tử dương xỉ và phấn hoa của các loài cỏ dại khiến người ta liên tưởng tới việc canh tác trên cánh đồng lúa ngày nay. Cho dù người ta không thể kết luận trực tiếp nền nông nghiệp lúa nước từ phấn hoa (pollen) nhưng sự suy giảm nhiều loại cây trồng, sự tăng nhanh của hiện tượng đốt lửa (rise in burning) và sự gia tăng các loài cỏ dại trên cánh đồng lúa là những nét tiêu biểu phản ánh nền nông nghiệp trong vùng vào thiên niên kỷ thứ 5 TCN. Phân tích kế tiếp trên thực vật hóa thạch cũng cho kết quả khẳng định một phần giả thuyết này. Lúa hóa thạch (lúa hoang hay đã thuần hóa hiện chưa xác định được) đã được phát hiện cùng với hóa thạch các loài cỏ dại trên cánh đồng, niên đại thiên niên kỷ 5 TCN. Mặc dù chúng biến mất ít lâu sau đó và chỉ xuất hiện trở lại vào năm 3000 TCN, gần 1000 năm trước khi con người sinh sống tại Khok Phanom Di. Tuy nhiên, từ thực vật hóa thạch có thể dẫn đến giả thiết các giai đoạn thời sơ khai của việc đốt cháy (hay đốt lò than?) có lẽ phù hợp với sản xuất nhiên liệu hơn là canh tác nông nghiệp. Do đó, nếu việc đốt than phù hợp với canh tác nông nghiệp thì việc đốt trại do các bộ tộc săn bắt – hái lượm gây nên hay thậm chí một đám cháy lớn bình thường ít nhiều cũng liên quan đến nhau.
             Các lớp sa khoáng trong khu vực khai quật được phát hiện có chứa bộ vỏ của ostracode và lỗ forams, số ít loài động vật phát triển và sống dưới nước hay gần nước trong môi trường tự nhiên rất hạn chế. Sự xuất hiện thường xuyên của chúng trong các lớp địa tầng chứng tỏ di tích nyà ở gần hay tại cửa sông và nhiều đầm lầy nước ngọt hình thành phía sau. Tuy vậy, sau khi nước biển rút, nước lợ chiếm số lượng lớn nhưng các ao nước ngọt vẫn còn tồn tại bên cạnh.
             Nhà cổ thực vật học Jill Thompson dùng phương pháp đãi nổi để chắt lọc hầu hết các chất hữu cơ khai quật được. Kết quả xác minh gồm các loại hạt bị cháy đen, mảnh vụn lúa gạo và những loài ốc sên bé tí. Nhiều mảnh gốm nằm gần di tích được phủ ngoài bằng một lớp hàu (con hàu), dấu hiệu chứng tỏ đã có thời di tích nằm ở vùng thấp trũng và thường bị ngập úng mỗi khi thủy triều dâng. Hàng ngàn mảnh xương các loài động vật hữu nhũ, cá, chim, rùa cũng như di tích các loài cua, động vật giáp xác đã được thu thập. Qua phân tích, người ta thấy có sự hiện diện của cá sấu và các loài chim sống ngoài khơi duyên hải như chim cốc (cormorant) (trong thời kỳ đầu) ngoài ra các loài chim sống ở vùng đầm lầy và rừng đước như chim bồ nông và diệc (trong những giai đoạn sau này). Sau này, những loài sống gần sông và biển được thay thế bằng các loài chim sống nơi nhiều cây cối và rừng rậm như quạ và chim broadbill cùng với loài nhím, chuột túi – những loài động vật thích nghi điều kiện thời tiết khô nóng. Tương tự, di tích loài cá cho thấy ưu thế vượt trội các loài thú sống ở vùng cửa sông trong các thời kỳ đầu. Sau này cá nước ngọt thay thế vị trí các loài nhuyễn thể, thể hiện sự thay đổi thích nghi từ loài động vật sinh sống ở biển và vùng duyên hải đầy cát chuyển sang vùng đước ngập mặn, vùng cửa sông, nước ngọt và sau cùng thích ứng cuộc sống trên cạn.
             Rõ ràng, di tích ban đầu nằm gần cửa sông ở độ cao tương đối và gần duyên hải với nhiều bãi cát. Khi nước biển dần dần rút xuống là lúc các lớp trầm tích tại di tích gia tăng. Sau cùng, dòng sông chuyển hướng chảy về hướng tây dẫn đến sự hình thành hồ nước tự nhiên Oxbow, án ngữ luôn cửa sông, hay thậm chí như một trận lụt lớn đã đổi hướng dòng chảy, di chuyển con sông ngày càng xa di tích.


Dinh dưỡng (Diet)

             Di tích có số lượng rất lớn, trên một triệu động vật giáp xác, cũng như các xương động vật và hạt khác. Do không thể chuyển tất cả vỏ sò về phòng thí nghiệm, người ta đếm chúng ngay hiện trường. Loài giáp xác có nhiều nhất là loại sò Anadara granosa, chiếm 10% tổng số. Loài sò này thích nghi tốt với môi trường đất bùn, bãi phù sa và được phát hiện trong các khu vực gần cửa sông. Có tám loài giáp xác chiếm 99,4% tống số, là nguồn thức ăn của con người.
             Tuy nhiên, từ những mẫu thức ăn dư thừa có thể thấy bằng mắt thường và nhiều bằng chứng khác cho biết cá và lúa gạo là nguồn dinh dưỡng chủ yếu ở đây như chúng ta ngày nay. Trong ngôi mộ phụ nữ, chết vào giữa những năm 40 tuổi, số lượng xương nhỏ li ti được tìm thấy ở khu vực xương chậu – không phải của thai nhi như người ta lầm tưởng mà là những gì sót lại trong bữa ăn chót của bà: xương và vẩy cá Anabas testudineus – loài cá rô nhỏ sống trong môi trường nước ngọt. Nhiều mảnh li ti vỏ trấu cũng được tìm thấy bên cạnh các vẩy cá, trong đó có cả những chiếc răng của loài thú gai độc. Một ngôi mộ khác chứa nhiều phân người, qua kính hiển vi người ta nhận thấy có rất nhiều vỏ trấu với hình dạng và đặc điểm chứng tỏ đây là giống lúa đã thuần hóa. Một con bọ cánh cứng nằm lẫn trong đống vỏ trấu – loài bọ có tên khoa học Oryzaphilus surinamensis – thường sống trong các kho chứa lương thực như gạo, bên cạnh đó, người ta còn thấy nhiều lông chuột – nỗi ám ảnh kinh hoàng của các kho chứa lúa gạo tại di tích. Cuối cùng vài loại bình, lọ gốm đã được tôi nhào nhuyễn với vỏ trấu trước khi nung; nhiều mảnh gốm có lớp đất sét mỏng bám ở mặt ngoài, trong đó phần lớn là vỏ trấu và những mảnh vụn gạo cũng được thu nhặt từ hiện trường khảo cổ.
             Chì lưới bằng đất nung (clay net-weight) là bằng chứng rõ rệt công việc đánh bắt cá, tương tự như lưỡi câu cá làm từ xương ngày càng trở nên hiếm hoi lúc bấy giờ. Vài loài động vật lớn như loài khỉ không đuôi, với má có túi nhô ra và lợn cũng là thức ăn quan trọng; chưa có dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ lợn được thuần hóa hay còn hoang dã. Ngoại trừ giống chó, chưa có loài động vật thuần hóa nào được xác định rõ ràng.



Kĩ thuật (Technology)

             Suốt thời gian con người cư trú, Khok Phanom Di là một trung tâm sản xuất đồ gốm do tọa lạc trên vùng đất có nhiều mỏ đất sét. Các lớp tro dày chứng tỏ vị trí người dân ở đây nung gốm, nhiều ngôi mộ chứa các đe đất nung, khối hình trụ bằng đất sét và các viên đá cuội dùng để đánh bóng, những công cụ dùng cho việc tạo hình trang trí gốm. Các kỹ thuật trang trí gốm gần như không thay đổi suốt nhiều thế kỷ kể từ khi con người cư trú tại di tích, bên cạnh đó những loại hình và chủ đề trang trí mới cũng phát triển. Di tích sản xuất hàng tấn đồ gốm, khoảng 250000 chuỗi hạt kết từ vỏ sò và hàng ngàn vận dụng khác – phần nhiều là đồ tùy táng, số còn lại bị vất bỏ do bị hư hỏng hay mất giá trị.
             Nhiều vỏ sò được sửa chữa, gia cố sử dụng như công cụ. Các vết xước, vùng bị mài nhẵn còn lưu trên những mặt lõm của chúng. Thực nghiệm tương tự trên nhiều vỏ sò đã chứng minh rằng các dấu vết này được tạo ra khi người ta mài chúng bằng loại đá sa thạch để tạo các cạnh sắc bén tại di tích. Người ta dùng nó để cắt cỏ dại, khắc nét trang trí gốm, cắt vải làm từ vỏ cây, làm cá, chế biến cây khoai sọ (taro – một loài cây miền nhiệt đới) thịt và lông thú. Các mẫu vật dùng thực nghiệm từ thời tiền sử và hiện đại đều được khảo bằng scan điện tử (scanning electron microscope), một vài công việc như vừa liệt kê bị loại bỏ ngay lập tức: vỏ sò thời tiền sử rõ ràng không được sử dụng để trang trí đồ gốm, moi ruột cá hay cắt vải làm từ vỏ cây. Hơn nữa, chức năng thích hợp nhất là cắt cỏ, tương tự như cắt lúa, công việc này không chỉ tạo ra những kiểu vết xước và độ mài bóng giống nhau mà còn đòi hỏi độ sắc bén phù hợp.
             Mặc dù không còn dấu vết loại vải dệt, nhưng sự dư thừa đồ gốm có dấu vết cột bằng dây và sự tồn tại các lưới đánh bắt cá (bằng chứng là sự hiện diện các chì lưới bằng đất nung) là dấu hiệu của việc sử dụng dây bện và dây thừng. Các dạng cột nhỏ bằng xương có một đầu nhọn như mũi đục, khe rãnh chạy dọc bên cạnh được giải thích là con thoi dùng trong việc dệt vải.



Họ đã có những mối quan hệ nào? (What contact did they have?)

             Các mặt cắt tiết diện mỏng những rìu đá lưỡi vòm tại di tích giúp xác định chính xác nguồn gốc các loại chất liệu. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những mỏ đá ở miền Cao nguyên phía Đông, nơi xuất hiện các mỏ lộ thiên andesite, cát núi lửa (volcanic sand) và than bùn (silstone). Một rìu lưỡi vòm (adze) bằng đá sa thạch có xuất xứ từ mỏ đá cách 100km về hướng đông – bắc.
             Do di tích hầu như không có một mảnh đá dăm nào, nên có khả năng cư dân ở đây đã trao đổi các sản phẩm gốm chất lượng tốt, đồ trang sức bằng vỏ sò để lấy rìu đá hình lưỡi vòm.

Nhận dạng ra sao? (What were they like?)

               Ở Đông Nam Á, nhìn chung điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp cho việc bảo tồn xương. Tuy nhiên, tại Khok Phanom Di, cuộc khai quật đã phát hiện “một nghĩa trang chôn nhiều lớp theo chiều thẳng đứng” (vertical cemetery) của 154 ngôi mộ. Trải qua công đoạn bảo tồn xương và 2 năm phân tích, Nancy Tayles đã xác định gần như đầy đủ tuổi tác và giới tính cũng như nhiều dấu hiệu đặc trưng khác như: về sẹo ở khung xương chậu chứng tỏ người phụ nữ đó đã từng sinh con. Về sức khỏe, người ta thấy rằng các cư dân đầu tiên ở di tích có chiều cao tương đối lý tưởng. Xương phát triển mạnh khỏe – dấu hiệu chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, họ chết rất sớm trong độ tuổi 20 – 30 và phân nửa chết ngay sau khi chào đời hoặc thời gian rất ngắn sau đó. Độ dày hộp sọ có thể do chứng bệnh thiếu hồng huyết cầu, nguyên nhân do blood disonder thalassemia (phản ứng chống lại loài muỗi truyền bệnh sốt rét). Người lớn cũng mắc nhiều bệnh về răng, miệng và sự ăn mòn răng liên quan đến thói quen ăn đồ biển (động vật giáp xác).
               Bộ tộc định cư đầu tiên này, đàn ông – kể cả phụ nữ - mắc bệnh thoái hóa khớp, đặc biệt về phía bên phải có thể do bơi thuyền. Đàn ông và phụ nữ có chế độ dinh dưỡng khác nhau thể hiện qua mức độ ăn mòn răng.
               Giai đoạn tiếp theo nhấn mạnh đến sự suy giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, tuy nhiên đàn ông có vóc dáng nhỏ đi và kém cường tráng hơn trước đây, chứng thoái hóa khớp cũng ít hơn, chứng tỏ họ ít vận động, ít lao động hơn trước. Họ có hàm răng chắc khỏe hơn, hẳn nhiên do kết hợp nhiều nguồn dinh dưỡng, giảm thiểu lượng động vật giáp xác.
               Phân người trong một ngôi mộ có chứa một trứng có lẽ là của một loài sán đường ruột Fasciolopsis buski lây nhiễm qua đường tiêu hóa khi con người ăn các loài thực vật sống dưới nước. Tuy nhiên không có chứng cứ cho thấy xuất hiện bạo lực và chiến tranh. Không có vết chấn thương hay khủng hoảng tâm lý biểu hiện ở xương người.


Vì sao sự vật thay đổi (Why did thing change?)

        Các chứng cứ đa dạng đã vẽ nên bức tranh tương đối rõ nét. Ngày từ đầu, cư dân sinh sống gần vùng sông nước, các đàn động vật giáp xác biển được sử dụng làm nguồn thức ăn và chế tác đồ trang sức. Cho dù tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao và chứng bệnh thiếu máu hành hạ, đàn ông rất năng động và khỏe mạnh, sức mạnh tập trung đặc biệt về phía phải có lẽ do chèo thuyền. Nhiều người chết được chôn theo nhiều của cải. Đàn ông bận rộn công việc đánh bắt cá và tìm nguồn thức ăn từ sò, hến, trong khi đó phụ nữ làm gốm vào mùa khô và làm nông vào mùa mưa.
        Từ nguồn tư liệu dân tộc học, người ta biết rằng ở đây thường xảy ra thảm họa ngập lụt theo chu kỳ 50 năm một lần hay nhiều hơn, lụt lội gây cảnh ngập úng, tàn phá các cánh đồng hoa màu và định hướng nhiều dòng chảy mới. Nhiều nhà khai quật tin rằng đây chính là nguyên nhân gây nên những thay đổi môi trường tự nhiên và hiện trường khảo cổ học tại di tích Khok Phanom Di khoảng 10 thế hệ. Sông lớn xâm thực bờ, đổi hướng chảy về phía Tây. Vào lúc này, mực nước biển rút xuống thấp, nước bùn, phù sa lẫn nhiều động vật giáp xác còn vương lại, chúng được sử dụng làm đồ trang sức.
         Hệ quả sự thay đổi này là hầu như không tìm thấy xâu chuỗi nào làm bằng vỏ sò chôn chung với người chết, đồ gốm thiếu nhiều họa tiết trang trí. Đàn ông yếu hẳn và thụ động hơn. Lưỡi câu cá và lưới đánh bắt cá không còn được tạo ra, chỉ còn lại rất ít loài cá nước mặn và các vùng cửa sông, động vật giáp xác, răng bớt mòn do không thường xuyên ăn loại thực phẩm có độ ma sát bào mòn lớn. Điều này được suy luận do khi lụt lội, con đường từ di tích ra miền duyên hải không còn dễ dàng như trước, do đó đàn ông chấm dứt việc đi lại ra vùng cửa sông, biển bằng thuyền.
         Trong giai đoạn sau, sự giàu có tăng đột biết, các ngôi mộ được chôn cất tỉ mỉ, công phu hơn, đồ gốm (bình, lọ) chôn theo mộ có kích thước lớn hơn, thể hiện kỹ năng chế tác khéo léo. Lúc này, phụ nữ có vị trí vượt trội trong nghĩa trang, cơ bắp tay khá phát triển. Người ta nêu giả thuyết rằng – dựa vào tư liệu điền dã dân tộc học trên quần đảo Melanesia – sự gia tăng của cải, vị thế, uy tín và quyền lực bắt nguồn từ các hoạt động mua bán, trao đổi. Sự phát triển các sản phẩm thủ công cao cấp, tập trung nơi phụ nữ, họ làm ra nhiều kiệt tác gốm làm mặt hàng trao đổi vỏ sò, loại vật liệu không còn được khai thác trong vùng nữa. Kể từ đây, khả năng khéo léo của họ tạo cho họ địa vị trong xã hội. Phụ nữ trở thành người đứng đầu một cơ sở buôn bán, đàn ông giữ vai trò phụ tá, hay nói cách khác đàn ông dựa vào kỹ năng của phụ nữ để tìm kiếm và củng cố địa vị mình và chôn cất người đàn bà của họ trong những ngôi mộ lớn với nhiều của cải quý hiếm và trang sức bằng vỏ sò đắt giá.

Kết luận

           Một trong những mục tiêu đặt ra lúc ban đầu của dự án là góp phần lý giải nguồn gốc và sự phát triển nông nghiệp canh tác lúa ở Đông Nam Á. Sự định cư tại di tích hình thành mãi sau này (năm 2000 TCN) nên không thể bác bỏ quan niệm truyền thống khẳng định nền nông nghiệp trồng lúa bắt nguồn ở  Trung Quốc, trong thung lũng Yangzi (sông Dương Tử) trước năm 5000 TCN và lan xuống phía Nam. Tuy nhiên, phân tích phấn hoa và thực vật hóa thạch lấy từ lớp trầm tích xung quanh di tích Khok Phanom Di đã cho nhiều chứng cứ thuyết phục minh chứng có vài hoạt động liên quan đến việc canh tác giống lúa hoang hay đã thuần hóa ở vùng đất Thái Lan vào thiên niên kỷ thứ V TCN.
            Các cuộc khai quật gần đây tại Nong Nor, cách Khok Phanom Di 14 km về phía Nam đã giúp phân loại rõ ràng hơn. Giai đoạn đầu Nong Nor là di tích miền Duyên hải, có niên đại 2400 TCN. Đồ gốm, xương và kỹ thuật chế tác công cụ đá ở đây có nét đặc trưng giống với các chủng loại tương tự ở Khok Phanom Di. Tuy nhiên, không có lúa gạo, các lưỡi dao cắt cỏ bằng vỏ sò và cuốc đá. Higham và Thosarat cho rằng Khok Phanom Di là di tích của bộ tộc săn bắt – hái lượm và nền nông nghiệp trồng lúa được truyền vào Thái Lan vào khoảng 2400 và 2000 TCN có lẽ từ thung lũng Yangzi, Trung Quốc. Theo nội dung giải thích của họ thì những cư dân đầu tiên tại Khok Phanom Di đã thích nghi với nguồn lương thực mới hoặc họ tự mình thực nghiệm canh tác và khai thác các loại cây này.
             Cuộc khai quật và phân tích tại di tích Khok Phanom Di đã được xem như một ví dụ điển hình vì nhiều lí do. Đầu tiên, các nhà khảo cổ học chứng minh phương pháp tìm kiếm thông tin quan trọng chỉ từ một ngôi mộ trong tình trạng tốt và việc sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành đem lại hiệu quả cao. Kết quả nhiều năm nghiên cứu các tầng văn hóa tại di tích, phân tích xương người, hiện vật đã được đúc kết, xuất bản quyển sách tường thuật chi tiết công trình nghiên cứu, đặc biệt là bản báo cáo trên mọi lĩnh vực gồm bốn quyển của Higham và các đồng sự năm 1990 – 1993. Suy cho cùng, dự án chứng minh rằng nghiên cứu tập trung chi tiết vừa vén bức màn bí mật bao phủ vấn đề trọng tâm phổ quát – nguồn gốc nông nghiệp trồng lúa ở Đông Nam Á, vừa củng cố kiến thức của chúng ta về nội dung khảo cổ địa phương trước đây chỉ được nghiên cứu sơ sài.


1 nhận xét:

  1. hạt điều rang muối còn vỏ lụaNếu bạn không biết cách chọn hạt điều có thể liên hệ với chúng tôi, chúng tôi cung cấp hạt điều rang muối đặc sản Bình Phước đảm bảo bạn sẽ hài lòng. hạt điều sấy trắng cao cấpXây dựng một trái tim khỏe mạnh và bảo vệ bạn chống co thắt cơ, căng thẳng, mệt mỏi, đau nhức, đau đầu gây ra bởi chứng đau nửa đầu và huyết áp cao. hạt điều rang muối tại hà nộiHạt điều có thể bị hỏng nếu được bảo quản ở nhiệt độ phòng, vì vậy nên giữ cho chúng trong tủ lạnh sau khi đã đóng gói kĩ càng hạt điều rang muối tphcmNước 4g, glucid 28,7g, protid 18,4g, lipid 46,3g, tro 2,6g, các chất khoáng: Ca 28mg, P 462mg, Fe 3,6mg, vitamin A 5mcg, vitamin B1 0,25mg, vitamin C 1mg, cung cấp 564 Kcalo. hạt điều rang muối tại hà nộiGiúp cơ thể hấp thụ chất sắt, loại bỏ ung thư do các gốc tự do gây ra, sản xuất melanin giúp làn da và mái tóc của bạn đẹp hơn hạt điều rang muối giá rẻChọn loại hạt điều có đuôi hạt mẩy, tròn căng vì đó là hạt điều Bình Phước nơi nâng cấp web chất lượngHiện nay với thế hệ web 2.0 thì rất nhiều web đã bị lỗi thời và xuống cấp trầm trọng khiến cho công ty doanh nghiệp roai vào tình cảnh khó khăn khi website xuống cấp và kém hiệu quả. Bạn không phải lo lắng đã có chúng tôi dịch vụ nâng cấp và sửa chửa websiet sẽ giúp bạn làm điều đó, mang lại sự chất lượng tốt nhất đến website của bạn công ty thiết kế website giá rẻbạn cần thiết kế website với giá rẻ mà chất lượng.? xin thua với các bạn rằng chỉ có chúng tôi chúng tôi luôn mang đến cho các bạn dịch vụ thiết kế website giá rẻ mà chất lượng nhất, chính vì vậy các bạn hãy yên tâm và đặt niềm tiên ở chúng tôi

    Trả lờiXóa