Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Khảo cổ học Chămpa

Vũ nữ Trà Kiệu -Tuyệt tác điêu khắc Chămpa
1. Đôi nét về sự hình thành vương quốc Champa
Qua những ghi chép trong thư tịch cổ, bia ký và những di tích khảo cổ trên mặt và trong lòng đất, địa bàn Vương quốc Champa trùng hợp với địa bàn phân bố của nền văn hoá thời Sơ sử - văn hoá Sa Huỳnh. Theo thư tịch Trung Hoa cổ, vào cuối thế kỷ II (năm 192) Khu Liên đã lập ra nước Lâm Ấp.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề vị trí, tính chất của Lâm Ấp và mối quan hệ giữa Lâm Ấp với Champa, nhưng một điều cần lưu ý, sự hình thành vương quốc Champa là quá trình tiến hoá của cấu trúc xã hội trong khoảng thời gian vài thế kỷ và nằm trong quỹ đạo phát triển chung của khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở những tổ chức xã hội tiền nhà nước đã phát triển tại những vùng địa phương của văn hoá Sa Huỳnh (đặc biệt là ở những lưu vực sông lớn) và dưới tác động của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài, vào khoảng thế kỷ II đến thế kỷ IV AD một số chính thể dạng nhà nước sơ khai đã hình thành ở miền Trung Việt Nam. Tài liệu khảo cổ thu thập được qua khai quật Trà Kiệu (sông Thu Bồn, Quảng Nam), Cổ Luỹ-Phú Thọ (sông Trà Khúc, Quảng Ngãi) và thành Hồ (sông Đà Rằng, Phú Yên) cho thấy từ những thế kỷ sau Công nguyên ở những khu vực này đã có những trung tâm quân sự-chính trị-kinh tế đóng vai trò quan trọng trong mỗi lưu vực sông tương ứng. Di tích và di vật khảo cổ cũng chứng tỏ những chính thể dạng nhà nước sơ khai này có cùng trình độ phát triển kinh tế-xã hội và quan hệ giữa chúng là quan hệ vừa theo xu hướng liên minh, liên kết vừa theo xu hướng thu phục và cạnh tranh. Đến khoảng thế kỷ V AD những xu thế này dẫn đến sự ra đời của vương quốc Champa.
2.Những yếu tố tác động đến sự hình thành nhà nước ở miền Trung Việt Nam.
Kết quả khai quật Trà Kiệu, Gò Cấm (Duy Xuyên, Quảng Nam), di chỉ Hậu Xá I (Hội An)… cho thấy tầng văn hoá sớm nhất ở những địa điểm này có niên đại khoảng thế kỷ I, II AD và trùng hợp với niên đại của thư tịch cổ về một nhà nước sớm. Nếu so sánh thời gian ta thấy có sự trùng khít giữa thời điểm kết thúc của văn hoá Sa Huỳnh (những khu mộ chum Sa Huỳnh muộn nhất ở Gò Dừa (Duy Xuyên, Quảng Nam), Bình Yên (Quế Sơn, Quảng Nam), Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam), Hoà Diêm (Cam Ranh, Khánh Hoà)… được xác định có niên đại kết thúc khoảng thế kỷ I đến II AD) với niên đại khởi đầu của những nhà nước sơ khai ở miền Trung Việt Nam. Trong tình hình nghiên cứu hiện nay, tư liệu địa tầng và hiện vật khảo cổ chưa nhiều để tìm hiểu đầy đủ bản chất và nội dung cụ thể quá trình chuyển tiếp và chuyển biến giữa hai nền văn hoá Sa Huỳnh- Champa. Tuy vậy, sự trùng hợp về không gian phân bố, thời gian khởi đầu, kết thúc và tiếp nối của hai văn hoá; sự nối tiếp trong sản xuất và sử dụng của một số loại hình hiện vật như đồ gốm gia dụng, đồ trang sức bằng mã não, thuỷ tinh; sự tiếp tục tồn tại của táng tục hoả thiêu giữa hai nền văn hoá; sự phát triển của những thiết chế chính trị phân tầng; sự chuyên hoá ở mức độ nào đó của sản xuất thủ công và cấu trúc xã hội dựa trên cơ sở tầng lớp của xã hội thời Sa Huỳnh (nền tảng để hình thành cấu trúc chính trị mới - nhà nước)… một mặt hướng các nhà nghiên cứu tới việc tìm kiếm những nguồn gốc bản địa của văn hoá Champa, mặt khác giúp đánh giá đúng mức vai trò của những yếu tố ngoại sinh bao gồm cả tiếp xúc, trao đổi văn hoá, kinh tế, làn sóng dịch chuyển dân cư trong việc hình thành những đặc trưng văn hoá mới. Đa số ý kiến đồng thuận với giả thiết văn hoá Champa nảy sinh từ văn hoá Sa Huỳnh, người Chăm cổ là con cháu người Sa Huỳnh cổ. Theo Hà Văn Tấn chủ nhân văn hoá Sa Huỳnh là cư dân Tiền Chăm hay Sơ Chăm, có nghĩa cũng là cư dân nói tiếng Nam Đảo như người Chăm sau này. Dưới ánh sáng của khối tư liệu mới hiện nay về tính địa phương của văn hoá Sa Huỳnh giai đoạn muộn ở hai vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, có thể giả thiết rằng, những nhóm tộc người thuộc một số ngữ hệ khác nhau đã đóng góp vào quá trình khởi dựng nền văn minh Champa, trong đó vai trò chủ đạo là của cư dân nói tiếng Nam Đảo.
Bất kể cấu trúc Lâm Ấp và những chính thể tương đương Lâm Ấp như thế nào, những nghiên cứu mới nhất cho thấy những chính thể này đều được bắt nguồn từ những dạng văn hoá-xã hội bản địa. Những yếu tố văn hoá ngoại sinh Trung Hoa, Ấn Độ… đã có mặt trước khi những chính thể này ra đời. Từ Sa Huỳnh qua Lâm Ấp đến Champa là cả quá trình diễn biến dần dần và lâu dài mà trong đó cả hai nhóm nguồn lực nội sinh và ngoại sinh có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ.
3.Cấu trúc của vương quốc Champa
Trước đây, dựa vào sử liệu Trung Hoa, nhiều học giả đã cho rằng vương quốc Champa được tổ chức theo mô hình chính quyền quan liêu tập quyền kiểu Tần-Hán. Những kết quả nghiên cứu mới nhất của C. Jasques, O.W. Wolter, K. Taylor đã chứng minh rằng Champa, Phù Nam (thậm chí cả Văn Lang, Âu Lạc) là những liên hiệp, liên minh của nhiều tiểu quốc có nhiều nét tương đồng về văn hoá. Theo GS. Trần Quốc Vượng, mô hình một tiểu quốc Champa dựa trên trục quy chiếu là dòng sông phải có ba thiết chế - ba trung tâm (tính theo dòng chảy của sông, từ núi ra biển) là: trung tâm tôn giáo, tạm gọi là Thánh địa (thường về phía Tây, đầu nguồn sông) - trung tâm chính trị (thường nằm ở bờ Nam sông) và trung tâm thương mại - kinh tế (thường nằm ở gần sát cửa sông - cửa biển).
4.Vấn đề Ấn hoá và Phi Ấn hoá
Từ thập kỷ 60 trở về trước, nhiều học giả phương Tây như G. Coedès, H. Maspéro… thường coi Champa là một quốc gia Ấn hoá. Trên thực tế, ảnh hưởng văn hoá-tôn giáo của Ấn Độ đối với Champa là rất mạnh mẽ và không thể phủ nhận. Song, người ta cũng nhận thấy nhiều yếu tố phi Ấn, khác Ấn ở đây. Paul Mus nhấn mạnh tới những đặc điểm bản địa - Tiền Ấn Độ hoá - trong văn hoá Champa. Trong quá trình tiếp thu văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ… cư dân Champa đã kết hợp hài hoà giữa yếu tố văn hoá địa phương (nội sinh) và văn hoá bên ngoài (ngoại sinh) trên cơ sở phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, tính cách, tâm lý tộc người, điều kiện xã hội và lịch sử đặc thù để sáng tạo ra nền văn hoá của mình có những nét chung, song có nhiều nét riêng so với những văn hoá láng giềng khác ở Đông Nam Á cùng chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ.
Tư liệu khảo cổ học cũng cho thấy ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ và văn hoá Đông Sơn đối với văn hoá Sa Huỳnh từ những thế kỷ BC. Những ảnh hưởng này được diễn ra qua trao đổi buôn bán hàng hoá, đồng thời cũng là trao đổi kỹ thuật giữa các khu vực. Mối quan hệ - ảnh hưởng văn hoá - này được đẩy mạnh từ đầu thiên niên kỷ I Công nguyên. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu của việc tăng cường các ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ chính là nhu cầu thương mại. Các nguồn tư liệu khác nhau cho biết, nguồn hương liệu, gỗ trầm, các loại dầu thơm, long não, cánh kiến trắng và đặc biệt là vàng vô cùng phong phú ở Đông Nam Á đã thu hút các thương nhân Ấn Độ tới Đông Nam Á nói chung và Champa nói riêng. Theo sau các thương nhân, hay cùng các thương nhân là các tu sĩ Hindu giáo, các nhà sư Phật giáo…. Do thâm nhập chủ yếu qua văn hoá mà lại bằng những phương thức hoà bình, tự nguyện, nên quá trình tiếp xúc và trao đổi với văn hoá Ấn Độ (và với cả văn hoá Trung Hoa, văn hoá Đông Nam Á) đã thẩm thấu và để lại những dấu ấn đậm nét trong mọi khía cạnh đời sống văn hoá Champa từ vật chất đến đời sống tinh thần-tâm linh.
5. Vài nét về tình hình nghiên cứu khảo cổ học Champa
Từ cuối thế kỷ XIX, văn hoá Champa đã được nhiều học giả nước ngoài, đặc biệt là người Pháp, quan tâm nghiên cứu. Họ đã tiến hành nhiều đợt khảo sát sưu tầm những di tích kiến trúc và điêu khắc Champa. Đặc biệt từ năm 1898 với việc phát hiện khu di tích Mỹ Sơn, việc nghiên cứu Champa càng được đẩy mạnh. Những nghiên cứu giai đoạn này đạt nhiều thành tựu đáng kể và đặt nền móng cơ bản cho những giai đoạn sau. Tuy vậy, những nghiên cứu của người Pháp chỉ tập trung vào các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc và bia ký. Giai đoạn này hầu như không ai quan tâm nghiên cứu đời sống sinh hoạt của cư dân qua di tích và di vật khảo cổ học.
Từ sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), việc nghiên cứu văn hoá Champa được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực và chủ yếu do các nhà nghiên cứu Việt Nam tiến hành. Tuy vậy, cho đến năm 1985, vẫn chỉ là những cuộc điều tra sưu tầm với hai cuộc khai quật nhỏ của ĐHTH Hà Nội và các mảng, các đề tài nghiên cứu còn rất hạn hẹp. Hầu như chúng ta chưa có ý niệm gì về nơi cư trú, về đời sống sinh hoạt, về các ngành nghề thủ công, về cơ cấu kinh tế của cư dân.
Từ sau năm 1985, đặc biệt từ thập kỷ 90 trở lại đây, tình hình nghiên cứu Champa được đẩy mạnh lên một bước mới. Kế thừa thành tựu nghiên cứu của các thế hệ học giả đi trước, những người nghiên cứu giai đoạn này đã bổ sung và hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực đã được thực hiện trước đây như: kiến trúc, điêu khắc, văn bia…. Dưới góc độ khảo cổ học, họ đã triển khai nhiều đề tài mới như: khai quật các di chỉ cư trú; nghiên cứu đô thị, thành cổ, thương cảng; việc sản xuất đồ gốm, đồ trang sức và các ngành nghề thủ công khác; kỹ thuật trị thuỷ và sử dụng nước; đời sống tâm linh…. Thành tựu lớn nhất trong giai đoạn này là việc phát hiện và nghiên cứu những nơi cư trú của cư dân Champa, nghề làm đồ gốm và gạch ngói cũng như trang trí, vật phẩm dâng cúng bằng đất nung…. Các cuộc điều tra khảo sát đã phát hiện thêm nhiều di tích, di vật mới như các phế tích kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá, đồ gốm… làm phong phú thêm loại hình di tích di vật. Tổng số địa điểm phát hiện có di tích di vật văn hoá Champa ở đầu thế kỷ XX chỉ là 229, còn vào cuối thế kỷ con số này được nâng lên gần 300 địa điểm.
Nhiều địa điểm được khai quật trên diện rộng và trong nhiều năm liền. Những vấn đề thường được tập trung giải quyết là nguồn gốc, mối quan hệ của văn hoá Champa với văn hoá Sa Huỳnh, ảnh hưởng mang tính "xúc tác" của các yếu tố ngoại sinh Hán, Ấn Độ, Đông Nam Á…. Những vấn đề khác như di vật hay các loại hình cư trú, thờ tự, thương cảng và biện pháp trị thuỷ… cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Nghề sản xuất đồ gốm của cư dân Champa ở giai đoạn sớm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Dựa trên khối tư liệu khổng lồ từ các cuộc khai quật Hậu Xá, Trà Kiệu, Nam Thổ Sơn, Bãi Làng, Lý Sơn, Cổ Luỹ, thành Hồ… nhiều nhận xét và kết luận về chất liệu, hoa văn, kỹ thuật sản xuất gốm đã được đưa ra.
Vương quốc Champa nổi tiếng trong thư tịch với những đồ kim hoàn lộng lẫy bằng vàng, bạc, thuỷ tinh, đá quý… song chứng cứ từ các cuộc khai quật khảo cổ học các địa điểm cư trú hầu như không cung cấp bất cứ tư liệu xác thực nào. Điều này là trở ngại lớn cho việc tìm hiểu đời sống nghệ thuật và tâm linh của cư dân. Chúng ta chỉ biết qua ghi chép và qua các sưu tập tư nhân, rất khó xác định chính xác nguồn gốc xuất xứ và niên đại.
Tóm lại, thời gian vừa qua, ngành Champa học Việt Nam đã làm được nhiều việc khi đi sâu nghiên cứu văn hoá Champa ở khía cạnh đời sống của cư dân. Những di sản vật thể và cả phi vật thể mới thu thập được này đã đem lại những hiểu biết mới hoặc giúp điều chỉnh những hiểu biết cũ về cư dân Champa cổ, văn hoá Champa trong mối quan hệ với các tộc người, các văn hoá, các quốc gia…. Thêm nhiều cứ liệu mới, kiến thức càng mở rộng nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới. Cái chưa làm được cùng với cái đã làm chưa xong đặt ra nhiều thách thức và trách nhiệm đối với những người quan tâm đến nền văn hoá rực rỡ một thời ở Đông Nam Á.
6. Loại hình di tích, di vật
6.1. Đền-tháp
Tên gọi: Kể từ khi được phát hiện lại, các di tích kiến trúc bằng gạch của vương quốc Champa được gọi bằng nhiều tên khác nhau như tháp, tháp-lăng mộ, đền-tháp…. Đến nay, các di tích kiến trúc này được thống nhất tên gọi là các đền-tháp Champa (Bản ảnh 35).
Cư dân Champa đã xây dựng được nhiều công trình kiến trúc đền-tháp Ấn Độ giáo và Phật giáo rất quy mô với một kỹ thuật điêu luyện, tinh xảo và một nền nghệ thuật tạo hình đầy cá tính trong suốt nhiều thế kỷ. Ngày nay vẫn tồn tại những nhóm đền-tháp tại các di tích nổi tiếng như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Po Nagar, Dương Long… cùng với hàng ngàn tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch và hợp kim trưng bày tại các bảo tàng. Mỹ thuật Champa đã góp phần tạo nên diện mạo độc đáo của nền nghệ thuật Đông Nam Á bên cạnh một nền nghệ thuật Ấn Độ kỳ vĩ. Tháp Po Nagar, Nha Trang
Hiện nay, theo thống kê, hiện còn lại tất cả 19 nhóm đền-tháp đang tồn tại trên mặt đất, tính từ tỉnh Quảng Nam đến Bình Thuận và Đắk Lắk được phân bố như sau:
Quảng Nam: Mỹ Sơn, Bằng An, Khương Mỹ, Chiên Đàn.
Bình Định: Phước Lộc, Cánh Tiên, Bánh Ít, Bình Lâm, Thủ Thiện, Dương Long, Hưng Thạnh.
Phú Yên: Nhạn Tháp.
Khánh Hoà: Po Nagar.
Ninh Thuận: Hoà Lai, Po Klaung Garai, Po Rôme.
Bình Thuận: Po Đam (Po Tầm), Phú Hài.
Đắk Lắk: Yang Prong.
Niên đại của những đền-tháp này trải dài từ thế kỷ thứ VII-VIII đến thế kỷ thứ XVII-XVIII. Theo văn bia, phần lớn những đền-tháp trước thế kỷ thứ VII-VIII được dựng bằng gỗ, nhưng sau những cơn binh lửa, những ngôi đền này đều bị thiêu hủy, cho đến khoảng thế kỷ thứ VII-VIII mới xuất hiện những đền-tháp xây bằng gạch nung và sa thạch.
Kiến trúc Champa chịu ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ. Một tổng thể nhóm đền-tháp bao gồm một ngôi đền chính, tiếng Champa gọi là kalan, kết hợp với những đền thờ nhỏ, những công trình phụ và được bao quanh bởi những bờ tường thấp. Thông thường, một nhóm đền-tháp Champa phải có ít nhất 4 công trình là: mandapa (tháp Nhà), gorupa (tháp Cổng), kalan (điện thờ) và kosa grha (tháp Hoả).Kalan tượng trưng cho ngọn núi thần thoại Meru, cái trục của vũ trụ, trung tâm hoàn vũ; bao quanh núi Meru là các thiên thể và những đại dương được tượng trưng bằng những ngôi đền nhỏ và những bờ tường thấp. Hướng chung của một tổng thể thường là hướng Đông, hướng mặt trời mọc, nơi mở đầu cho sự vận hành của thời gian và vũ trụ.
Kalan Champa là một kiến trúc có bình đồ hình vuông, mái tháp hình chóp có ba tầng và một đỉnh tháp bằng sa thạch.
Đền-tháp Champa xây bằng gạch nung, ghép với những mảng trang trí và chịu lực bằng sa thạch ở đế tháp, khung cửa, trán cửa (tym-pan), đường diềm, vật trang trí góc và đỉnh tháp…
Về kỹ thuật xây dựng của người Champa cổ, hiện nay còn nhiều giả thiết và ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đã đồng thuận về chất kết dính có nguồn gốc nhựa thực vật.
Điêu khắc: Đền-tháp Champa được trang trí tinh tế, cầu kỳ, thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật kiến trúc. Chủ đề chính trong điêu khắc trang trí tháp là hoa lá, hình người, hình động vật, các vị thần, các con vật huyền thoại theo nội dung tôn giáo hoặc sử thi Ấn Độ .
Dựa vào các yếu tố trang trí, sự thay đổi của kết cấu kiến trúc, sự xuất hiện hay mất đi của các motif trang trí, kết hợp với những tài liệu liên quan (bia ký, các nguồn sử liệu…), ảnh hưởng của các phong cách từ những nền nghệ thuật xung quanh như Ấn Độ và các nước láng giềng khác (như Môn, Khơme, Việt, Java…), các nhà nghiên cứu đã chia nghệ thuật trang trí và xây dựng đền tháp Champa từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XV ra làm nhiều phong cách khác nhau.
Điêu khắc Champa nổi tiếng với phù điêu và tượng tròn. Riêng phù điêu cũng đã có nhiều hình thức. Ngoài chạm khắc trên chất liệu đá còn có chạm khắc trực tiếp lên gạch tháp hay tạo hình trang trí trên gạch trước khi nung. Nét đặc sắc của điêu khắc Champa là những hình chạm khắc dưới dạng phù điêu đều mang xu hướng hướng tới tượng tròn - phù điêu nổi cao. Từng nhân vật, từng nhóm nhân vật như tách rời nhau, độc lập và gần như biến thành những tượng tròn riêng biệt.
Sưu tập hiện vật điêu khắc lớn nhất hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Champa ở Tp. Đà Nẵng. Nhiều tác phẩm khác được giữ tại các bảo tàng tỉnh, các phòng VHTT huyện, thậm chí ở cả một số UBND xã. Một số không ít hiện vật lưu lạc ở các bảo tàng nước ngoài và trong các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Loại hình và chủ đề điêu khắc khá đa dạng, liên quan đến Ấn Độ giáo, Phật giáo, tín ngưỡng bản địa… và có các nhóm chính sau:
- Tượng thờ.
- Đài thờ.
- Trán cửa (lá nhĩ/tym-pan).
- Các trang trí kiến trúc trên tháp.
6.2. Minh văn
Tấm bia Võ Cạnh (Nha Trang, hiện trưng bày ở sân Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) có niên đại cuối thế kỷ III đầu thế kỷ IV (niên đại trước đây đưa ra là thế kỷ thứ II) là bi ký sớm nhất khắc bằng chữ Sanskrit. Sau quá trình tiếp biến văn hoá-ngôn ngữ, người Champa đã sáng tạo ra hệ thống văn tự của mình để ghi tiếng Chăm. Minh văn viết bằng chữ Champa sớm nhất được tìm thấy ở Đông Yên Châu (Quảng Nam) có niên đại thế kỷ IV.
Nội dung của các minh văn thường gắn với việc lập đền thờ thần, dựng tượng hoặc ghi nhớ một sự kiện quan trọng nào đó. Minh văn được khắc trên vách núi, trên bia, cột đền, trụ cửa, bệ thờ…
Cho tới nay, số minh văn Champa đã biết là 208 văn bản, trong số đó có 69 bản đã dịch và công bố chủ yếu nhờ công lao và nghiên cứu của các học giả Pháp mà điển hình là A. Bergaigne, E. Aymonier. Người Chăm hiện nay cũng không đọc được các văn bia cổ vì đang sử dụng một hệ thống văn tự hoàn toàn khác.
6.3. Thành cổ
Thành cổ là một bộ phận hữu cơ của văn hoá Champa. Người Champa đã xây dựng nhiều toà thành trong phạm vi vương quốc của mình. Phần lớn những thành lũy này đã bị phá huỷ nhiều lần, nhưng do vị thế đắc địa lại thường được tái dựng, tái sử dụng qua nhiều thời đại. Vì vậy, thành cổ Champa thường ẩn chứa trong lòng nhiều lớp trầm tích văn hoá từ sớm đến muộn và không ít trường hợp được người Việt cấu trúc lại và tái sử dụng. Nhiều toà thành được xây dựng trên cơ tầng cư trú sớm hơn, do vậy niên đại của lớp cư trú không thể coi là niên đại của xây dựng thành. Điển hình như thành Trà Kiệu, niên đại của tầng cư trú sớm nhất của Trà Kiệu hiện nay được xác định là từ thế kỷ I AD, nhưng kết quả khai quật tường thành Nam cho thấy có lẽ tường thành được đắp sớm nhất từ thế kỷ III, IV AD. Thành Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) được xây dựng trên lớp cư trú Champa sớm có niên đại đầu thế kỷ II AD và những kiến trúc bằng gạch sớm nhất ở đây có niên đại khoảng từ thế kỷ IV AD. Những nghiên cứu mới đây tại thành Hồ (Phú Yên) cũng cho thấy kết quả tương tự.
Theo sử liệu, vào thế kỷ thứ IV, người Champa đã học được cách xây thành từ Trung Hoa. Những phát hiện khảo cổ học gần đây ở Trà Kiệu, Cổ Luỹ-Phú Thọ, thành Hồ cũng cho thấy điều này. Sử liệu ghi chép đầu tiên về thành được đề cập trong Thuỷ kinh chú (cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI), sau đó trong cuốn Đồ bàn thành ký (thế kỷ XIX), thành Chà Bàn được mô tả khá tỉ mỉ và bên cạnh đó còn đề cập tới 12 toà thành khác…
Bản vẽ thành Trà Kiệu của Clayes
Trên dải đất miền Trung hiện nay còn vết tích của một số thành cổ Champa như thành Cổ Luỹ (Quảng Trị), thành Hoá Châu, thành Lồi (Thừa Thiên Huế), thành Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Châu Sa, thành Cổ Luỹ-Phú Thọ (Quảng Ngãi), Tra (Cha) thành, thành Đồ Bàn (Bình Định), thành Hồ (Phú Yên), thành Diên Khánh (Khánh Hoà)…. Những thành này thường được xây dựng ở những vị trí xung yếu, cửa sông, cận biển hay ngã ba sông trong một quy hoạch tổng thể của vùng lấy sông làm trục chính và thường nằm bên bờ Nam của sông.
Những kết quả khảo sát và khai quật gần đây ở các thành như Trà Kiệu, Cổ Luỹ, thành Hồ… cho thấy, khi xây dựng toà thành, người Champa đã lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên như sông, gò, núi… để tăng cường tính phòng thủ/phòng ngự của tường thành và hào luỹ. Thành Champa thường có cấu trúc kép hay thậm chí nhiều lớp.
Tuy vậy, cho đến nay chưa có bất kỳ một thành nào được khai quật một cách có hệ thống nên chưa có một bình đồ cụ thể về tổng thể quy hoạch thành Champa. Có thể vòng thành bên ngoài thường có hình dạng nương theo địa hình, toà thành bên trong được đắp khá quy chỉnh. Những cuộc khai quật cắt thành Trà Kiệu hay thành Hồ mới đây cho thấy: tường thành thường có mặt cắt ngang hình thang, bên ngoài dốc đứng, bên trong thoai thoải, hai bên ốp gạch, dưới chân thành kè đá, lòng tường đắp đất lèn chặt và tường thành thường được gia cố nhiều lần.
6.4. Cảng thị
Người Champa là cư dân hướng biển. Biển đóng vai trò quan trọng và ảnh xạ trong nhiều khía cạnh đời sống của họ. Địa hình biển miền Trung (bờ và đảo ven bờ) cũng rất thuận lợi cho thuyền bè neo đậu, trú ngụ. Ngay từ thời văn hoá Sa Huỳnh ở đây đã hình thành những cảng thị sơ khai, có vai trò quan trọng trong hoạt động tiếp xúc, giao lưu văn hoá trong ngoài vương quốc. Tiền Chămpa trong sưu tập Hồ Văn Em, TP.Đà Nẵng
Dựa vào những phát hiện đồ gốm Trung Hoa, gốm và thuỷ tinh Islam… tại nhiều các cửa sông ven biển lớn từ Quảng Trị vào đến Ninh Thuận, kết hợp với ghi chép trong thư tịch cổ, một số nhà nghiên cứu đã xác quyết một số vết tích cảng thị của người Champa. Cảng thị nổi tiếng nhất là Champapura thời Lâm Ấp ở Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) với tiền cảng chính là Cù Lao Chàm. Ở Quy Nhơn, Bình Định còn lưu dấu cảng Thị Nại. Các cảng này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và hưng thịnh của con đường tơ lụa quốc tế trên biển vào những thế kỷ IX-X và những thế kỷ muộn hơn. Tài liệu khảo cổ học của các đợt khảo sát xác nhận sự tồn tại các cảng Ròn, Gianh, Lý Hoà, Nhật Lệ ở Quảng Bình; cửa Tùng (Luật), Mai Xá (trên cảng cửa Việt hiện nay 3-4km) ở Quảng Trị; cửa Eo, cửa Tư Hiền ở Thừa Thiên Huế; Nha Trang ở Khánh Hoà, Phan Rang ở Ninh Thuận… có nhiều khả năng từng là các cảng thị Champa.
Theo các nhà nghiên cứu, cấu trúc thương cảng Champa dường như khá thống nhất theo một bình đồ từ ngoài vào như sau: Cửa biển - Đầm nước - tháp - thành hay thị tứ . Tuy vậy, cần phải thêm vào cấu trúc này vai trò che chắn, tiền tiêu/tiền cảng của hệ thống đảo ven bờ. Hệ thống đảo này liên quan một cách hữu cơ với những cấu trúc trong đất liền theo một trục sông chủ đạo. Ví dụ điển hình về cấu trúc này là Cù Lao Chàm (Chiêm Bất Lao) ngoài cửa sông Thu Bồn. Cù Lao Ré ở Quảng Ngãi. Có thể nhận rõ vai trò của các đảo-cửa sông khác ngay trên bản đồ địa lý miền Trung hiện đại.
6.5. Địa điểm cư trú
Cho tới nay, đã phát hiện và khai quật hàng chục địa điểm thuộc văn hoá Champa. Phần lớn di tích có tính chất phức hợp, đa chức năng. Dựa trên nghiên cứu vết tích cư trú còn lại có thể thấy những di tích cư trú Champa, đặc biệt là những di tích thuộc giai đoạn nửa đầu thiên niên kỷ I AD phân bố trùng khớp với địa bàn của văn hoá Sa Huỳnh trước đó. Hiện tượng chung là trên các khu mộ văn hoá Sa Huỳnh thường có lớp văn hoá Champa, hay những di tích Champa hay được tìm thấy kề cận những khu mộ chum của văn hoá Sa Huỳnh.
Tính chất của các địa điểm rất đa dạng và phức tạp, những địa điểm này thường đa chức năng (cư trú, phòng vệ, trung tâm chính trị, kinh tế…), trong khi các cuộc khai quật lại có diện tích hạn chế. Thông thường các di tích như thành hay đền-tháp trong một phức hợp di tích thường được xây dựng trên nền của lớp cư trú sớm hơn, ví dụ điển hình như khu di tích Trà Kiệu, Cổ Luỹ, thành Hồ…
Niên đại của các địa điểm: Có hai nhóm hay chính xác hơn có ba giai đoạn ứng với tính chất văn hoá sớm muộn của các di tích. Nhóm 1: giai đoạn sớm từ Công nguyên đến thế kỷ II, III AD. Nhóm 2: từ thế kỷ III AD đến thế kỷ VII,VIII và nhóm 3: từ thế kỷ IX-X… về sau. Hầu hết các địa điểm đều có niên đại kéo dài suốt từ nhóm niên đại 1 đến 2, điển hình như Trà Kiệu, Hậu Xá I (di chỉ), Trảng Sỏi…. Một số khác chỉ thuộc nhóm niên đại 3 như Nam Thổ Sơn, Bãi Làng…
7. Đời sống của cư dân
Người Champa có một nền kinh tế đa ngành nghề. Trước tiên là nghề nông trồng lúa nước, dâu tằm, bông, hoa màu (với nhiều giống cây ngoại nhập từ Nam Thái Bình Dương như mía, khoai…); nghề rừng, khai thác lâm thổ sản gỗ quý như quế, trầm hương, hồ tiêu…; nghề biển; nghề thủ công (rèn sắt, dệt vải lụa, làm gốm, gạch, ngói, chế tạo đồ thuỷ tinh, đá ngọc, khai khoáng và làm mĩ nghệ vàng bạc…), phát triển nghề buôn bán đường biển, đường sông và đường núi. Cơ cấu kinh tế này là sự kế thừa và phát huy cơ cấu có sẵn tuy chưa hoàn chỉnh của văn hoá Sa Huỳnh trước đó. Một số ngành nghề như làm gốm, gạch, ngói, rèn sắt, chế tạo đồ trang sức bằng thuỷ tinh, buôn bán bằng đường biển đã được xác nhận qua những tài liệu khảo cổ học những năm gần đây. Những thành tựu của các ngành nghề khác mới chỉ được biết qua những tư liệu gián tiếp, qua những ghi chép trong thư tịch cổ Trung Hoa, bia ký…
Một trong những thành tựu nổi bật của Champa là những tiến bộ về nông nghiệp. Người Chăm đã tạo ra giống lúa chịu hạn. Khi di thực giống lúa này ra châu thổ Bắc bộ (trong sử gọi là lúa Chiêm Thành hay lúa Chiêm, lúa Chăm), gieo cấy cả hai vụ. Từ tháng 7 đến tháng 10, trồng lúa trắng ở ruộng bạch điền, từ tháng 12 đến tháng 4, trồng lúa đỏ ở ruộng xích điền. Để thích ứng với vùng đất khô hạn Trung Bộ, cư dân vương quốc Champa đã có hàng loạt các biện pháp trị thuỷ và sử dụng nước như cọn nước, giếng, kênh, hồ đập…. Đặc biệt là hệ thống khai thác những nguồn nước mạnh nổi hay ngầm, phân cản, chia dòng chảy sử dụng nước vào các mục đích khác nhau chống xói mòn ở những vùng đồi gò hay cồn cát… ("thuỷ hệ" chữ dùng của Trần Quốc Vượng). Có nhiều khả năng những "thuỷ hệ" của người Champa mà sau này người Việt kế thừa và sử dụng là một trong những biện pháp trị thuỷ độc đáo, thích ứng tuyệt vời với môi trường sinh thái vừa khô hạn vừa lũ lụt miền Trung Việt Nam. Vết tích của những "thuỷ hệ" này hiện nay vẫn còn thấy ở nhiều vùng thuộc các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận…. Những công trình sử dụng nước như giếng hay trị thuỷ như đập, kênh mà dấu vết còn lại cho đến tận ngày nay ở miền Trung Việt Nam cũng là minh chứng cho chiến lược thích nghi này. Người Champa đã biết khai thác và tận dụng mọi thế mạnh của các hệ sinh thái ở miền Trung Việt Nam. Những giếng nước của người Champa không những phục vụ cho nhu cầu tôn giáo, dân dụng, mà còn được phục vụ cho mục đích thương mại. Nhiều sử liệu còn ghi lại việc người Champa bán nước ngọt cho các thuyền buôn nước ngoài.
Nghề làm ngói, gạch hình thành và phát triển từ rất sớm. Tại những địa điểm khảo cổ học có niên đại từ đầu Công nguyên như Gò Cấm, Trà Kiệu, Vườn Đình-Khuê Bắc (lớp trên)… đã phát hiện ra nhiều loại ngói khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, nghề sản xuất vật liệu xây dựng này có nguồn gốc từ bên ngoài, có nhiều khả năng từ Trung Hoa (trực tiếp hoặc gián tiếp qua miền Bắc Việt Nam), nếu so sánh loại vật liệu này với những vật liệu tương tự ở Trung Quốc, Miền Bắc Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… cùng giai đoạn.

Ngói Chăm cổ ở Gò Cấm, Duy Xuyên, Quảng Nam

Tuy vậy, cũng có thể thấy ngay rằng kỹ thuật ngoại nhập này đã được cư dân bản địa tiếp thu một cách nhuần nhuyễn và khéo léo. Những trung tâm sản xuất gạch ngói chắc chắn đã hình thành từ rất sớm để phục vụ cho các công trình kiến trúc liên quan tới chính trị, tôn giáo.
Sản xuất ngói có hai giai đoạn sớm và muộn. Ngói sớm thế kỷ I, II AD tìm thấy ở lớp văn hoá dưới cùng của Trà Kiệu, Gò Cấm (Quảng Nam) và lớp văn hoá trên của Vườn Đình-Khuê Bắc (Tp. Đà Nẵng) có mặt bụng in dấu vải mịn lót chống dính, mặt lưng có văn thừng, loại ngói này có lẽ dùng để lợp ở những kiến trúc gỗ, tre. Ngói muộn từ thế kỷ III, IV AD cũng được làm bằng khuôn nhưng mặt bụng không thấy dấu vải và lưng thường có văn chải, văn in… giai đoạn muộn này cũng là thời gian xuất hiện loại ngói lợp ở hiên với những đầu ngói dương trang trí hình mặt người và những hình khác. Gạch cũng đã thấy xuất hiện từ lớp sớm của Trà Kiệu. Từ khoảng thế kỷ IV-V trở đi, do nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc công cộng và tôn giáo, nghề sản xuất gạch, ngói và chi tiết trang trí kiến trúc phát triển mạnh. Có thể đã hình thành những công xưởng nhà nước phục vụ cho nhu cầu này.
Nghề làm gốm cũng rất phát triển, đa dạng, phong phú về kiểu loại, trang trí, tiến bộ về kỹ thuật (lọc đất, bàn xoay, lửa nung khống chế đều…). Bên cạnh việc kế thừa một số loại hình gốm gia dụng của văn hoá Sa Huỳnh, người Champa đã sớm tiếp thu và phát triển những kỹ thuật làm gốm ngoại nhập từ Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á. Có ba nhóm gốm chính:
- Nhóm 1 - nhóm gốm bản địa bao gồm một số loại gia dụng và chuyên biệt, nhóm này thể hiện phần nào đó truyền thống gốm Sa Huỳnh trước đó và bảo lưu dai dẳng những yếu tố kỹ thuật, chất liệu và loại hình ở những giai đọan muộn hơn.
- Nhóm 2 - nhóm gốm sản xuất tại chỗ song dưới tác động hay chịu ảnh hưởng những yếu tố văn hoá ngoại sinh từ Trung Hoa, Ấn Độ…. Nhóm này xuất hiện ở giai đoạn muộn từ đầu thế kỷ II-III AD và phổ biến trong những thế kỷ IV-X AD. Đây là nhóm gốm mang tính nghi lễ, vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc… Hũ gốm Chăm tinh mịn, Trà Kiệu khai quật 1990
- Nhóm 3 - nhóm gốm có men, không men, đồ bán sứ, sành nhập ngoại từ miền Bắc Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Cận Đông…. Nhóm này thường gặp trong các di tích giai đoạn từ sớm đến muộn.
Đồ sành và gốm Chăm có men: Tại một số địa điểm giai đoạn muộn bên cạnh những đồ sành, bán sứ và gốm có men ngoại nhập có một số sành và gốm tráng men đựơc các nhà nghiên cứu thông báo là gốm Champa.
Các trung tâm sản xuất gốm ở Bình Định: Tại địa bàn huyện An Nhơn (Bình Định) các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật nhiều địa điểm sản xuất gốm như Gò Sành, Gò Hời, Gò Cây Me…. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nhân của những lò gốm này là người Champa và sản xuất đồ gốm ở đây diễn ra trong thời gian từ thế kỷ XIII-XV. Sản phẩm gốm Gò Sành được tìm thấy khá nhiều cả trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng chủ nhân của những lò gốm này là của người Hoa, người Việt.
Có thể thấy cư dân Champa có hai truyền thống làm gốm cơ bản và trong cả hai truyền thống sản xuất đồ gốm gia dụng cũng như sản xuất gốm nghi lễ, gốm xây dựng và kiến trúc họ đều sử dụng kết hợp kỹ thuật nặn tay, dải cuộn và bàn xoay. Họ nung sản phẩm ở ngoài trời là chính nhưng chắc chắn đã có lò nung, chủ yếu để nung gốm nghi lễ.
Nghề chế tác kim hoàn cũng rất phát triển. Ngoài việc chế tác và sử dụng đồ trang sức bằng mã não và thuỷ tinh với nhiều loại hình và kỹ thuật kế thừa từ giai đoạn văn hoá Sa Huỳnh, cư dân Champa đặc biệt ưa thích những đồ trang sức, trang trí bằng vàng như hạt chuỗi, nhẫn, khuyên tai, trang sức chạm đá quý, gắn hạt thuỷ tinh…. Trong nhiều sưu tập tư nhân còn lưu giữ rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc tinh xảo, những khuyên tai hình động vật, vòng đeo tay, nhẫn… chạm khắc tinh xảo, những bình bằng đồng, bằng bạc có khắc chữ… đủ nói lên trình độ phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ của cư dân Champa.
Người Champa sản xuất và sử dụng những bộ đồ thờ bằng vàng, bạc, đồng thau với kích thước lớn, trang trí tinh xảo và nhiều kiểu dáng. Thư tịch cổ Trung Hoa còn ghi việc khi những đền-tháp Champa bị phá, các bức tượng bị nấu thành thoi - được 100 ngàn cân vàng nguyên chất. Hiện nay nhiều hiện vật bằng vàng, bạc và đồng của Champa phần lớn được lưu giữ trong kho của các dòng họ vua chúa Champa, trong các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.
Sự giàu có, phong phú cho thấy cư dân Champa đã chọn được một cơ cấu kinh tế thích hợp. Người Chăm cổ có cái nhìn hướng biển, dù nền văn hoá của họ là nền văn hoá đa sắc thái, song vượt trội là sắc thái biển. Cư dân Champa thường xuyên có mặt ngoài khơi, ngoài đảo xa, đánh cá, buôn bán…. Họ thường xuyên trao đổi kinh tế-văn hoá với thế giới hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương. Bờ biển miền Trung đã nổi tiếng trong lịch sử cổ trung đại với những hệ cảng thị, với nhiều cảng (sông - biển) và nhiều thị (sông - biển), từng được ghi vào hải đồ của những thương nhân Ấn Độ, Trung Hoa, Ả Rập…. Những khai quật khảo cổ học gần đây ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Nam Thổ Sơn (Đà Nẵng), Cù Lao Ré (Quảng Ngãi)… cũng cung cấp nhiều tài liệu vật thật về hoạt động thương mại biển của vương quốc Champa trong lịch sử.
Sau những giai đoạn phát triển rực rỡ, từ cuối thế kỷ XV do nhiều nguyên nhân khác nhau như chiến tranh với Trung Quốc (quân Nguyên) với Cămpuchia và sức ép Nam tiến của người Việt, văn hoá Champa dần suy giảm và đến thế kỷ XVIII, chỉ còn một số di tích được xây dựng. Cư dân Champa trở thành một tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nền văn hoá Champa trở thành một nền văn hoá của một tộc người trong nền văn hoá đa tộc người ở Việt Nam.






Bản đồ phân bố các cụm di tích Chămpa
8. Một số di tích tiêu biểu
Di tích Trà Kiệu ( xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm trên hữu ngạn sông Thu Bồn, ở cửa một thung lũng rộng có hình tam giác cân, với đỉnh là núi Chúa ở phía Tây và đáy hướng ra biển Đông.
Cuộc khai quật đầu tiên với quy mô lớn được nhà khảo cổ học người Pháp Jean-Yves Claeys tiến hành trong hai năm 1927 và 1928. Cùng với những dấu vết kiến trúc của một tòa thành cổ là hàng trăm tác phẩm điêu khắc quý giá đã được phát hiện. Những tác phẩm điêu khắc với những đặc điểm riêng đã hình thành nên một phong cách nghệ thuật nổi tiếng - phong cách Trà Kiệu (niên đại từ giữa đến cuối thế kỷ 10). Kết quả khai quật đã giúp các nhà nghiên cứu phác họa được quy mô của tòa thành cổ Trà Kiệu và chứng minh thành Trà Kiệu chính là kinh thành Simhapura của vương triều Chăm Pa từng được nhắc đến trong các bi ký Chăm và cũng chính là kinh đô của Lâm Ấp được mô tả trong Thủy Kinh Chú. Thung lũng Trà Kiệu
Từ năm 1985 đến nay các nhà khoa học Việt Nam, Anh, Nhật...đã tiến hành các đợt khảo sát, khai quật ở nhiều điểm khác nhau của Trà Kiệu . Kết quả khai quật cho thấy khu vực Trà Kiệu đã có những nhóm cư dân sinh sống từ rất sớm, cách đây khoảng hai nghìn năm. Văn hóa Trà Kiệu là một quá trình diễn tiến liên tục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau và phản ánh chân xác lịch sử Duy Xuyên, Quảng Nam nói riêng và miền Trung Việt Nam nói chung trong nhiều thế kỷ, từ cuối Sa Huỳnh đến giai đoạn Nhật Nam rồi Lâm Ấp- Chăm Pa.

Chung quanh Trà Kiệu trên địa bàn Duy Xuyên, còn có rất nhiều di tích khác nhau của nền văn hóa Chăm Pa, từ những di tích thuộc giai đoạn cư trú sớm như: Gò Cấm, Gò Dũ Dẻ... đến những di tích thành lũy, đền tháp như Chùa Vua, Triền Tranh, Chiêm Sơn Đông, Chiêm Sơn Tây... Kết quả khảo sát, khai quật khảo cổ học không những đã giúp hình dung đặc trưng kiến trúc điêu khắc cung điện, đền đài, thành quách của một kinh đô Chăm Pa cổ , mà còn từng bước giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống thường nhật của cư dân cổ vùng Trà Kiệu.
Trà Kiệu là phức hợp di tích cư trú- thành lũy-trung tâm hành chính-chính trị và tôn giáo tồn tại gần hai thiên niên kỷ. Trà Kiệu có mối quan hệ, tiếp xúc và giao lưu văn hóa, kinh tế ... với những nền văn minh trong khu vực và xa hơn trên thế giới thông qua cửa ngõ Hội An với điểm tiền tiêu trấn sơn Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm) và cảng thị Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại).

Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cách kinh đô Simhapura - Trà Kiệu xưa khoảng 28 km về phía Tây, là quần thể bao gồm nhiều công trình đền tháp với nghệ thuật điêu khắc độc đáo , nằm trong một thung lũng đườn kính ước chừng 2km, giữa núi rừng rậm rạp và chỉ có một lối vào duy nhất là theo con đường độc đạo nằm giữa hai quả đồi, chắn ngang trước mặt con đường vào thung lũng như một chiến hào sâu và rộng là một con suối, chảy quanh co theo sườn núi phía bắc, rồi chảy thẳng vào phía trung tâm, sau đó nó chạy vòng quanh tạo thành một thủy lộ lưu thông cho toàn bộ khu vực này trong mùa mưa.

Năm 1898, một người Pháp tên là Camille Paris đã phát hiện ra khu đền tháp Mỹ Sơn. Sau đó vào những năm đầu thế kỷ XX, hai nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp là Louis Finot và Lunet de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học Henri Parmentier đã đến nghiên cứu các bia ký và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chămpa ở Mỹ Sơn. Họ đã vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn và cho thấy đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chăm Pa, được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1000 năm từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân).
Mỹ sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương triều Champa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, nhưng trong quá trình phát triển thì tính bản địa ngày càng đậm nét, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo với sức hấp dẫn kỳ lạ. Phần lớn các đền tháp quay về hướng đông - phương mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh; ngoại trừ một vài tháp quay về hướng tây hoặc cả hai hướng đông - tây, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên.
Do thiên tai và sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, đến nay Mỹ Sơn chỉ giữ lại được khoảng 20 tháp.
Tồn tại gần như suốt chiều dài lịch sử của vương triều Champa, khu đền tháp Mỹ Sơn ngày càng trở nên bất tử và có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á, trong đó nhiều kiệt tác có thể so sánh với những tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật thế giới.
Ngày 4 tháng 12 năm 1999 khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa thế giới.

Lâm Thị Mỹ Dung













1 nhận xét:

  1. Thưa cô,

    Em đang tìm tài liệu liên quan đến kinh đô Champa thời kỳ Đồng Dương. Em không hiểu vì đâu mà các nhà nghiên cứu cho rằng cái Ao Vuông là hoàng cung, là kinh thành, kinh đô. Bên khảo cổ học có tìm ra được di vật nào nói rằng có một thành phố, hay địa điểm cư trú tại đó hay không ?

    Trả lờiXóa