Origin of Mankind: Theory of Evolution
http://dongtac.net/spip.php?article1239
http://dongtac.net/spip.php?article1239
Trước hết, có lẽ tôi cần phải thú nhận là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ về thuyết Tiến Hóa. Lý do chính là: Tiến Hóa là một quy luật thiên nhiên trong vũ trụ, và trong gần 150 năm nay đã được kiểm chứng, phát triển, từ đó giải thích được nhiều điều trong vũ trụ, thiên nhiên. Ngày nay, thuyết Tiến Hóa bao trùm rất nhiều bộ môn khoa học. Do đó, không ai có thể tự cho là mình biết hết về thuyết Tiến Hóa. Một khó khăn khác tôi vấp phải khi viết về thuyết Tiến Hóa là những danh từ chuyên môn mà tôi không đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt hoặc không biết là đã được dịch ra tiếng Việt. Vì những lý do trên, trong bài khảo luận này, tôi chỉ tự hạn trong chủ đề “Nguồn Gốc Con Người: Thuyết Tiến Hóa”, để bổ túc cho phần trước: “Nguồn Gốc Vũ Trụ: Thuyết Big Bang”. Nhưng ngay khi thu hẹp bài viết trên chủ đề “Nguồn Gốc Con Người: Thuyết Tiến Hóa”, vì là một bài viết cho quảng đại quần chúng đọc, cho nên tôi sẽ cố gắng viết thật đơn giản và tránh đi vào chi tiết cũng như dùng những danh từ chuyên môn trong thuyết Tiến Hóa. Phần tài liệu cuối sách có thể giúp quý độc giả đi sâu vào những chi tiết, nếu muốn.
Với sự hiểu biết hiện nay về nguồn gốc con người trên trái đất thì Thuyết Tiến Hóa là một sự kiện vững chắc đã được xác nhận bởi nhiều bộ môn khoa học, và lý trí. Thuyết Tiến Hóa mà chúng ta hiểu ngày nay là sự tổng hợp của hàng núi những bằng chứng trong nhiều bộ môn khoa học như Sinh Học, Sinh Hóa Học, Cổ Sinh Vật Học, Nhân Chủng Học, Di Truyền Học, Khảo Cổ Học, Vật Lý Học, Vũ Trụ Học v.v., có những bộ môn mà trong thời của Darwin chưa được khám phá ra. Xin đừng nhầm lẫn, cho rằng Thuyết Tiến Hóa là của riêng Charles Darwin. Tư tưởng Tiến Hóa đã có trong nhân loại từ lâu. Nhưng không ai có thể phủ nhận là Charles Darwin đã lập thuyết Tiến Hóa một cách khoa học và từ đó, thuyết Tiến Hóa đã được kiểm chứng và phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, những thắc mắc muôn đời như: con người từ đâu mà ra, sau khi chết sẽ đi về đâu v.v. vẫn là những mối thắc mắc của con người, ngay trong thời đại này. Và vì vậy, con người, trải qua nhiều thế hệ đã đưa ra những giải đáp khác nhau, tùy theo mỗi nền văn hóa. Những giải đáp thuộc lãnh vực siêu hình dần dần mất đi tính cách thuyết phục, vì không còn hợp với trình độ hiểu biết của con người ngày nay. Tri thức con người phát triển và tiến bộ, từ đó khoa học cũng phát triển theo và con người không còn tin vào những thuyết lý không thể kiểm chứng. Con người phải nhờ đến khoa học để tìm hiểu về vũ trụ, nhân sinh. Khoa học không phản đối niềm tin của bất cứ ai, mà chỉ tìm cách giải thích những thắc mắc trong thế giới vật lý của chúng ta, và khoa học sẵn sàng loại bỏ những giải thích nào không còn hợp thời, không còn đúng với những khám phá mới trong khoa học.
Cho tới ngày nay, tuyệt đại đa số trong giới khoa học đã chấp nhận thuyết Big Bang nói về nguồn gốc của vũ trụ, và thuyết Tiến Hóa nói về nguồn gốc của con người. Chấp nhận cho đến khi khám phá ra những bằng chứng mới chứng tỏ toàn bộ thuyết Big Bang và toàn bộ Thuyết Tiến Hóa không còn đúng. Các khoa học gia công nhận là trong thuyết Big Bang cũng như trong Thuyết Tiến Hóa còn có một số nhỏ những chi tiết chưa giải đáp được. Nhưng xét về toàn bộ thì những thuyết này có tính cách thuyết phục nhất và các khoa học gia hi vọng trong tương lai, gần hay xa còn là một ẩn số, họ sẽ tìm ra những manh mối để giải thích dứt khoát chúng. Những khám phá mới trong nhiều bộ môn khoa học đã chứng minh được rằng: Không còn nghi ngờ gì nữa, loài người chúng ta đã tiến hóa từ các dạng sống thấp hơn, tất cả đều có chung một nguồn gốc xa, rất xa, và do đó liên hệ đến mọi sinh vật trên trái đất, và tất nhiên liên hệ tới cả vũ trụ này.
1. ĐẠI CƯƠNG THUYẾT TIẾN HÓA
Khi nói đến thuyết Tiến Hóa, người ta thường nghĩ đến Charles Darwin. Thật ra thì Darwin không phải là người đầu, mà cũng không phải là người cuối, làm cho thuyết Tiến Hóa trở thành một sự kiện khoa học như hầu hết các khoa học gia và giới trí thức đã công nhận ngày nay. Vì thế cho nên tôi nghĩ có lẽ tôi cũng nên nhắc qua đến những tác giả đã có những tư tưởng về tiến hóa trước Darwin, sau đó sẽ viết về thuyết Tiến Hóa trong việc giải thích nguồn gốc con người, và sau cùng nói qua về giá trị và chỗ đứng của thuyết Tiến Hóa ngày nay trong nhân loại, đặc biệt là trong những giới hiểu biết. Làm công việc này, tôi vấp phải một sự bất ngờ rất thú vị. Đó là, nhiều tư tưởng trong Phật Giáo đã đi trước và rất phù hợp với thuyết Tiến Hóa.
Thật ra, nhiều tư tưởng về tiến hóa đã có trước Darwin. Ngay từ trước thời đại thông thường ngày nay (B.C.E = Before Common Era), ở Đông phương chúng ta có thể thấy tư tưởng tiến hóa trong Áo Nghĩa Thư (800 B.C.E) của Ấn Độ, trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử và sau được phát triển bởi Trang Tử, và trong Kinh Dịch. Ở Tây phương, chúng ta có thể kể Thales, Anaximander (học trò của Thales), Xenophanes, Anaxagoras, Empedocles, Aristotle, Lucretius. Trong thời đại thông thường ngày nay (C.E = Common Era) có Plotinus (205-270 C.E.), Avicenna (980-1037), Leonardo da Vinci (1452-1519), Carolus Linnaeus (1707-1778), Georges Louis Leclearc, Comte de Buffon (1707-1788), Erasmus Darwin (1731-1802), Jean Baptiste de Lamark (1774-1829), đó là chỉ kể những tên chính. Nhưng đặc biệt nhất là nhiều tư tưởng trong Phật Giáo, nhất là thuyết Duyên Sinh hay Duyên Khởi, đã đi trước và rất phù hợp với thuyết Tiến Hóa. Ngay cả những phương pháp tu tập trong Phật Giáo cũng là những quá trình tiến hóa. Nhưng hiển nhiên không có cách nào tôi có thể đi vào chi tiết của những chủ đề này trong một bài viết, và ngay trong cả một cuốn sách.
Sau Darwin thì những đóng góp trong mọi lãnh vực khoa học để kiện toàn thuyết Tiến Hóa có quá nhiều, không kể sao cho hết. Vài người được biết đến nhiều nhất là Teilhard de Chardin, Linh mục dòng Tên; Ernst Mayr, Giáo sư danh dự đại học Harvard; Stephen Jay Gould, Giáo sư các môn Cổ Sinh Vật Học và Lịch Sử Khoa Học, đại học Harvard; Richard Leaky, nhà Cổ Sinh Vật Học, Giám đốc Chương trình nghiên cứu những sự sống hoang dại ở Kenya, và hàng trăm khoa học gia khác trong đủ mọi bộ môn. Thuyết Tiến Hóa đã được kiểm chứng qua hàng núi những bằng chứng trong hầu hết các bộ môn khoa học. Nhưng căn bản thuyết Tiến Hóa của Darwin về loài người là Tiến Hóa Sinh Học.
Như chúng ta đã biết, nhiều tư tưởng Tiến Hóa đã có từ trước thời Darwin nhung phải tới năm 1859 Darwin mới đưa ra nền tảng khoa học của thuyết Tiến Hóa được trình bày trong cuốn Về Nguồn Gốc Các Chủng Loại Do Chọn Lọc Tự Nhiên (On the Origin of Species By Means of Natural Selection) và sau đó cuốn Nguồn Gốc Con Người (The Descent of Man) năm 1871. Nền tảng khoa học của thuyết Tiến Hóa đã trở thành một cột trụ mà hầu hết các công cuộc khảo cứu trong nhiều bộ môn khoa học đã xoay quanh nó, và càng ngày càng làm cho nền tảng này thêm vững chắc, đúng như nhận định vô cùng chính xác của Linh mục dòng Tên Teilhard de Chardin trong cuốn “The Phenomenon of Man”: Thuyết Tiến Hóa là một điều kiện tổng quát mà mọi thuyết, mọi giả thuyết, mọi hệ thống [kể cả hệ thống Ki-tô Giáo] phải cúi đầu trước nó và phải phù hợp với nó nếu chúng muốn được nghĩ tới và coi là đúng. [Gần đây, có một “lý luận” mà Ki-tô Giáo đưa ra là thuyết Tiến Hóa nằm trong kế hoạch mầu nhiệm của Thiên Chúa. Ki-tô Giáo đã nổi tiếng là chống không được thì nhận vơ làm của mình, cũng như nền Thần Học Ki-tô Giáo Theo Cung Cách Á Châu đã đang cố sức lấy những cái hay của các tôn giáo Đông Phương, xào xáo biến đổi và nhận vơ làm của mình]
Then chốt thuyết Tiến Hóa của nhà lập thuyết Charles Darwin là ở phần cuối tên cuốn sách: Về Nguồn Gốc Các Chủng Loại Do Chọn Lọc Tự Nhiên (On the Origin of Species By Means of Natural Selection): “Chọn Lọc Tự Nhiên”. Có lẽ tôi cần phải giải thích chút ít về ý nghĩa của “Chọn Lọc Tự Nhiên”. “Chọn Lọc Tự Nhiên” đặt căn bản trên bốn đề xuất:
1. Các sinh vật sinh sản con cái, chỉ có một số có thể sống còn và tiếp tục truyền giống.
2. Những sinh vật sống còn có khuynh hướng thích ứng hơn với những hoàn cảnh xung quanh.
3. Những đặc tính của cha mẹ có tính di truyền và thể hiện trong con cái.
4. Do đó, từ thế hệ này qua hàng trăm ngàn thế hệ khác, dòng dõi những sinh vật có khả năng thích ứng hơn sẽ tồn tại và truyền xuống các đời sau những sắc thái để thích ứng với hoàn cảnh xung quanh.
Khi các chủng loại truyền giống, bao giờ cũng có những đột biến di truyền (genetic mutation), tuy rất nhỏ, từ thế hệ này sang thế hệ khác, biến thiên trên kích thước, sức mạnh, hình dạng, sự thông minh, sự chịu đựng v.v. Sự tiến hóa bao giờ cũng đi theo chiều từ thấp tới cao, từ những dạng sống thấp của các sinh vật lên những dạng sống cao hơn dần, cho tới loài người. Do đó, các sinh vật tồn tại hoặc tuyệt chủng là do khả năng tự thích nghi với môi trường xung quanh, và mọi sinh vật, trong đó có con người, đều liên hệ với nhau vì cùng tiến hóa từ những mầm sống xa xưa. Thuyết này là kết luận khoa học của sự quan sát lâu dài của Darwin về sự biến thiên của một số sinh vật. Và trong 150 năm nay, kể từ khi cuốn sách trên ra đời, dựa vào ý kiến trong thuyết Tiến Hóa trên, nhiều tiến bộ rất ngoạn mục đã đạt được trong nhiều bộ môn khoa học, những bộ môn mà chính Darwin cũng không hề biết đến vì chúng chưa được khám phá ra, những tiến bộ đã làm cho thuyết Tiến Hóa chính xác về chi tiết hơn và vững vàng hơn. Ngày nay, các chuyên gia về sinh học và trong nhiều ngành khoa học khác đã chấp nhận Tiến Hóa là một sự kiện (fact), tuy vẫn còn tranh luận về một số chi tiết về vấn đề tiến hóa như thế nào (how), nghĩa là về cơ chế tiến hóa hay sự vận hành của tiến hóa (mechanism of evolution).
Tuy nhiên, đọc cuốn Nguồn Gốc Các Chủng Loại, chúng ta thấy Darwin chưa nói đến Nguồn Gốc Con Người, tác giả chỉ đưa ra một nhận định: “Rồi ánh sáng sẽ soi sáng nguồn gốc và lịch sử của con người” (Light will be thrown on the origin of man and his history). Nhưng đọc cuốn Nguồn Gốc Các Chủng Loại thì ai cũng có thể thấy rằng thuyết Tiến Hóa của Darwin áp dụng cho mọi chủng loại có thể dễ dàng áp dụng cho loài người. Và đây chính là điều mà từ đó Darwin đã gặp mọi sự chống đối từ phía những người tin vào con người là do một Thượng đế nào đó sáng tạo ra.
Trong cuốn Nguồn Gốc Con Người (The Descent of Man), Charles Darwin viết:
"Kết luận chính đạt tới trong tác phẩm này, rằng con người có nguồn gốc từ một dạng sống nào đó thấp hơn, sẽ làm cho nhiều người rất khó chịu, tôi rất tiếc phải nghĩ như vậy. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa là chúng ta đã là hậu duệ của những kẻ mọi rợ." [1]
Nếu chúng ta dùng hình ảnh của một cái cây, cây của sự sống (tree of life), còn được biết dưới tên “cây tiến hóa” (tree of evolution) để biểu thị tất cả sự sống trên thế gian có cùng một nguồn gốc, thì nhân loại chỉ là một nhánh nhỏ trên cái cây đó trong số vô vàn nhánh khác nhau trên cái cây đó. Điều này đã được Giáo sư Trịnh Xuân Thuận diễn giải đại cương trong cuốn “Sự Vô Tận Trong Lòng Bàn Tay” (L’Infini Dans La Paume de la Main”) như sau: "Tiến hóa từ những cát bụi của những ngôi sao, chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với những con sư tử trong những vùng hoang mạc và những bông hoa tỏa mùi thơm" [2].
Mầm của sự sống đã có từ khi vũ trụ này hình thành khoảng 15 tỷ năm trước từ một Big Bang, và rồi Thái Dương Hệ thành hình cách đây khoảng 5 tỷ năm trong đó có trái đất mà chúng ta đang sống trên đó. Nhưng mãi gần đây, khoảng 5 triệu năm trước, cái cây của sự sống trên trái đất mới tách ra một nhánh đặc biệt, nhánh của loài người. Sự kiện khám phá bởi khoa học này đã kiểm chứng ý tưởng tổng quát về Tiến Hóa của Charles Darwin trong cuốn Nguồn Gốc Các Chủng Loại và nhất là cuốn Nguồn Gốc Con Người. Loài người có cùng chung một cơ chế vận hành căn bản về di truyền với tất cả các chủng loại khác, định hình bởi những lực tiến hóa. Đây là một sự kiện đã được kiểm chứng. Tất cả những lý thuyết khác về nguồn gốc con người, nhất là từ những tín điều tôn giáo mà còn một số người vẫn còn tin cho đến ngày nay, đều chỉ là huyền thoại.
Sự kiện trên bắt nguồn từ sự khám phá ra “bộ gen” (genome), còn được biết là “mật mã di truyền” (genetic code) trong cơ thể con người. Điểm kỳ diệu trong tư tưởng của Darwin là khi hoàn thành những tác phẩm để đời trên, Darwin không hề có một ý niệm gì về “gen” hay DNA (Deoxyribose Nucleic Acid), một hóa chất mà cho tới năm 1953 các khoa học gia mới biết là giữ vai trò quyết định trong cơ chế di truyền. Từ đó, các nhà Di Truyền Học đã so sánh DNA trong các dân số khác nhau trên thế giới, cộng với những kết quả đã tìm thấy của các nhà khảo cứu Cổ Sinh Vật Nhân Chủng Học (paleoanthropologists) về các di vật của người đã hóa thạch (fossils) cùng vài bộ môn khoa học khác như sinh học, sinh hóa học v.v., ngày nay các khoa học gia đã có thể biết được khá chính xác về nguồn gốc con người, nguồn gốc các sắc dân trên thế giới.
Những hiểu biết ngày nay về “bộ gen” (genome) đã cho phép chúng ta giải thích được nguồn gốc của con người, lịch sử loài người và bản chất con người. Những khám phá khoa học này lẽ dĩ nhiên không phải là được tất cả mọi người chấp nhận. Edward O. Wilson đã đưa ra một nhận định rất ý nhị: “Có vẻ như là đầu óc con người (Ki Tô) đã tiến hóa để tin vào các thần chứ không tiến hóa để tin vào sinh học” [3]. Sinh học, cũng như mọi bộ môn khoa học khác, không thích hợp để cho những tín đồ Thần giáo tin.
Có lẽ chúng ta cũng nên biết chút ít về “bộ gen” trong cơ thể con người. “gen” là những đơn vị di truyền trong mọi sinh vật. “Bộ gen” (genome) của con người là một tập hợp đầy đủ những “gen” của con người, được gói ghém thành 23 cặp riêng biệt sắc tố (chromosome). Trong số 23 cặp này, 22 cặp được đánh số theo kích thước, số 1 lớn nhất, số 22 nhỏ nhất. Cặp thứ 23 còn được gọi là “sắc tố định giới tính” (sex chromosome): trong nữ giới gồm có hai sắc tố X lớn, kích thước trong khoảng giữa số 7 và 8, và trong nam giới gồm một sắc tố X và một sắc tố nhỏ, Y. Ngày nay, các khoa học gia đã biết rõ, trong quá trình truyền giống, nếu sắc tố X của người cha hợp với sắc tố X của người mẹ thì đứa con sinh ra sẽ là con gái (X,X). Nếu sắc tố Y của người cha hợp với sắc tố X của người mẹ thì đứa con sinh ra sẽ là con trai (X,Y). Khám phá này đương nhiên đã bác bỏ huyền thoại Giê-su sinh ra từ một trinh nữ, bởi phép của Đức Chúa Thánh Thần (ngôi ba thiên chúa) alias Thánh Linh (Holy Spirit) alias Thánh Ma (Holy Ghost) [Theo Kinh Tin Kính của Ki Tô Giáo]. Bởi vì, bằng phép lạ nào đi chăng nữa, nếu không có tinh khí của đàn ông trong đó có sắc tố Y, thì Giê-su chỉ có thể là con gái. Đây là một sự kiện khoa học, sự kiện này chỉ bác bỏ một huyền thoại cổ xưa chứ không bác bỏ niềm tin vào huyền thoại này của bất cứ ai. Khoa học chỉ có mục đích gần sát với Phật Giáo: “Như Thực Tri Kiến”, và khoa học không bắt buộc ai phải tin vào những khám phá của khoa học.
Trong cơ thể con người có khoảng một triệu triệu (trillion) tế bào, hầu hết kích thước nhỏ hơn 1/10 của một milimét (1/10 mm). Trong mỗi tế bào có một nhân. Trong nhân có hai “bộ gen” (genome) đầy đủ. Một bộ do người cha , và một bộ do người mẹ truyền xuống. Mỗi “bộ gen” gồm có khoảng 60.000 – 80.000 “gen” xây dựng trên cùng 23 sắc tố. Trên thực tế, thường có sự khác nhau vi tế giữa những “gen” của cha và của mẹ, nguyên nhân của, thí dụ như, màu mắt khác nhau. Mỗi sắc tố là một cặp phân tử dài DNA.
Trong nhiều thập niên, con người đã dựa nhiều vào những di vật hóa thạch để lại bởi tổ tiên loài người đã được tìm thấy để tìm hiểu nguồn gốc loài người. Nhưng những di vật này không đầy đủ và có những quãng cách trong quá trình Tiến Hóa nên một số nhà bảo thủ Ki Tô Giáo đã dựa vào sự thiếu sót này để tấn công, bác bỏ thuyết Tiến Hóa, và lấp vào những khoảng cách đó bằng sự sáng tạo của Thượng đế của họ. Tiến thêm một bước trong công việc đi tìm về nguồn gốc của con người, khoa học gia John Joe McFadden trong cuốn “Quantum Evolution” đã đề nghị ở trang 72: “Để đi sâu vào lịch sử của sự sống, chúng ta cần đào sâu vào DNA thay vì vào các hòn đá (những sinh vật hóa thạch)” [4]. DNA (DeoxyriboNucleic Acid) là hóa chất trong nhân của mỗi tế bào trong cơ thể của chúng ta và có tác dụng truyền đi những huấn thị truyền giống để tạo thành sinh vật từ buổi sơ khai đến ngày nay. Và quả vậy, trong vòng 20 năm gần đây, các khoa học gia đã tìm thấy những dấu tích cổ xưa của loài người trong DNA của những người hiện sống ngày nay.
Mật mã di truyền của loài người, hay “bộ gen” (genome), thì hoàn toàn y như nhau tới 99.9% trên khắp thế giới [The human genetic code, or genome, is 99.9% identical throughout the world].
Sự sai biệt còn lại, vào khoảng 0.1% , trong DNA là nguồn gốc của sự khác biệt cá nhân – thí dụ màu mắt hay cơ thể dễ bị nhiễm bệnh, và có những DNA vô dụng, không có một tác dụng gì. Bởi vậy, Phillip Kitcher, Giáo sư Đại học Columbia, đã viết: “Rất nhiều DNA trong những tế bào không cần đến – chỉ là đồ vô dụng. Nếu đó là sự “thiết kế thông minh” [của Thượng đế] thì Thượng đế cần phải trở lại trường học” [5].
Trong quá trình tiến hóa, một sự đột biến vô hại (a harmless mutation) có thể xảy ra trong một trong những DNA vô dụng này, rồi truyền xuống cho tất cả các hậu duệ. Nhiều thế hệ sau, thấy cùng một sự đột biến, gọi là dấu tích (marker), trong DNA của hai người thì chúng ta biết rằng hai người đó có cùng một tổ tiên. So sánh những dấu tích này trong rất nhiều dân tộc khác nhau, các khoa học gia có thể tìm ra dấu vết của những liên hệ tổ tiên. Trong hầu hết “bộ gen”, những sự thay đổi vi tế này thường không rõ rệt khi “bộ gen” của cha hợp với “bộ gen” của mẹ để sinh con. Nhưng có hai nơi trong các “bộ gen” thường xuyên duy trì những sự thay đổi vi tế này. Một gọi là “mitochondrial DNA” (mtDNA) được truyền xuống đứa con nguyên vẹn từ người mẹ, và hầu hết các sắc tố Y, sắc tố quyết định sinh con trai, được người cha truyền xuống nguyên vẹn cho đứa con trai. So sánh mtDNA và sắc tố Y của người dân trong nhiều dân tộc khác nhau, các nhà di truyền học đã có thể biết được đại khái khi nào thì loài người bắt đầu tách ra thành một nhánh riêng trên cái cây của sự sống hay cây tiến hóa.
Tìm hiểu về nguồn gốc con người, không chỉ là các nhà di truyền học, mà các khoa học gia đã phối hợp kết quả nghiên cứu trong ít nhất là 7 ngành khoa học có liên hệ với nhau và hỗ trợ nhau: Cổ Sinh Vật và Nhân Chủng Học (Paleoanthropology), Khảo Cổ (Archaeology), Di Truyền Dân Số Học (Population genetics), Lịch Sử Ngôn Ngữ Học (Historical linguistics), ngành khảo cứu về các Động Vật Linh Trưởng (Primatology), Nhân Chủng Xã Hội (Social Anthropology), và Tiến Hóa Tâm Lý (Evolutionary Psychology). Từ những kết quả nghiên cứu này, điều rõ ràng là cũng như mọi vấn đề khác trong sinh học, quá khứ và hiện tại của giống người chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của Tiến Hóa. [6]
Sự kiện là, ngày nay khoa học đã giải thích được những sắc thái của các sinh vật, không những chỉ dựa trên ý tưởng căn bản về sự chọn lọc tự nhiên (natural selection) của Darwin, mà còn dựa trên những quá trình sinh học mà chính Darwin cũng không biết tới vì chưa được khám phá ra và phát triển, thí dụ như sự chuyển giao các gen (gene transfer), ngành khảo cứu về các sinh vật sống chung với nhau (symbiosis), sự xếp đặt lại các nhiễm sắc tố (chromosomal rearrangements), và hoạt động của các gen điều hòa (action of regularor genes) v.v. Kết quả là, sự phân tích hiện đại về các gen đã cung cấp những bằng chứng minh xác lý thuyết của Darwin là mọi chủng loại sinh vật trong đó có loài người đều được tiến hóa từ cùng những chủng loại tổ tiên (ancestral species).
Những kết quả nghiên cứu về “bộ gen” của các loài khỉ như khỉ không đuôi có dạng giống người (ape), khỉ đột (gorilla), đười ươi (orangutan), vượn (chimpanzee), và “bộ gen” của người cho thấy giữa người và vượn, 99% của “bộ gen” y hệt nhau (identical). Và từ những kết quả này, đi ngược thời gian, các khoa học gia đã biết được là khoảng 5 triệu năm trước, nhánh loài người đã tách ra khỏi nhánh những con khỉ không đuôi trên cái cây tiến hóa. Sau khi tách ra thành một nhánh riêng, loài người nguyên thủy tiến hóa dần dần thành động vật đi hai chân và phát triển thành da đen [bắt đầu ở Phi Châu], mất đi lông trên người, và bộ óc lớn dần cho đến kích thước ngày nay. Rồi cách đây khoảng 50.000 năm, ngôn ngữ bắt đầu phát triển, giúp cho loài người sống thành những bộ lạc, cộng đồng v.v., và bắt đầu di dân ra ngoài Phi Châu. Đó là đại khái về nguồn gốc con người.
Ngoài ra, những công cuộc khảo cứu mới nhất về những con bọ (fruit flies), chương trình khảo cứu “evo devo” [evolutionary development biology] trong sinh học về quá trình phát triển tạo ra cơ thể sinh vật và thay đổi chúng qua thời gian [đại học Wisconsin-Madison] đã chứng tỏ rõ ràng là loài người có cùng họ hàng không chỉ với những loại khỉ mà còn với những con bọ, con sâu trong quá khứ xa nữa (Analysis of the genes that build our bodies show our clear skinship not just to the apes but all the way back to bugs, worms and beyond); rồi chương trình điện toán Avida về các sinh vật tượng trưng bằng số (digital organisms) ở đại học Michigan, Avida không phải là sự tái tạo tiến hóa trên máy điện toán mà chính là hiện tượng tiến hóa (Avida is not a simulation of evolution; it is an instance of it); và nhiều khám phá mới trong mọi ngành khoa học đã càng ngày càng cho thấy Tiến Hóa không còn là một lý thuyết mà là một sự kiện.
Kết luận: Không còn nghi ngờ gì nữa, thuyết Tiến Hóa ngày nay đã không còn là một thuyết, mà đã trở thành một sự kiện.
[1] The main conclusion arrived at in this work, namely, that man is descended from some lowly organized forms, will, I regret to think, be highly distasteful to many. But there can hardly be a doubt that we are descended from barbarians.
[2] Poussières d’étoiles, nous partageons la même histoire cosmique avec les lions des savanes et les fleurs de lavande
[3] It seems that the human (Christian) mind evolved to believe in gods. It did not evolve to believe in biology
[4] To go deeper into the history of life we need to dig into DNA, rather than rocks
[5] A lot of the DNA in there is not needed – it’s junk. If it’s “intelligently designed”, then God needs to go back to school
[6] Like everything else in biology, the human past and present are incomprehensible except in the light of evolution. (Wade, p. 6)
2. VÀI NHẬN ĐỊNH NGÀY NAY VỀ THUYẾT TIẾN HÓA
Thuyết Tiến Hóa đã trở thành một sự kiện, tuy nhiên, một số ốc đảo cuồng tín trong Ki Tô Giáo vẫn còn tiếp tục chống đối thuyết Tiến Hóa, định thay thế thuyết Tiến Hóa bằng những sản phẩm Thần Học hạ đẳng bắt nguồn từ niềm tin vào sự “sáng tạo” của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo như “Khoa học Sáng tạo” (Creation Science) hay “Thiết Kế Thông Minh” (Intelligent Design), nhưng tất cả đều đã thất bại. Ki Tô Giáo ngày nay đang cố gắng đưa ra những ngụy thuyết để hòa hợp với thuyết Tiến Hóa. Một trong những ngụy thuyết này là cho rằng thuyết Tiến Hóa nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa, cố tình quên rằng Thánh Kinh đã viết rõ, sau khi sáng tạo ra vạn vật Thiên Chúa đã tự khen là những sản phẩm sáng tạo của mình đều rất tốt đẹp (very good) cho nên không cần phải thay đổi gì nữa, vì là sản phẩm sáng tạo của một bậc toàn trí toàn năng, và con người đã được sáng tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa...
Một trong những ngụy thuyết này là của Giáo hoàng John Paul II. Chúng ta biết rằng Giáo hoàng John Paul II đã chính thức công nhận trước thế giới thuyết Big Bang về nguồn gốc vũ trụ và thuyết Tiến Hóa về nguồn gốc con người. Nhưng để vớt vát mặt mũi cho Thiên Chúa của Ngài, ngày 22 tháng 10, 1996, trong một thông điệp cho Hàn Lâm Viện Khoa Học của Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences), Ngài lý luận: “Giữa những con khỉ tổ tiên và con người hiện đại, có một khoảng bất liên tục về bản thể, một khoảng trong đó Thiên Chúa đã chích vào giòng giống các động vật một linh hồn của người” [1]. Ngài hi vọng như vậy có thể hòa hợp thuyết Sáng Tạo với thuyết Tiến Hóa. Nhưng các khoa học gia lại cho rằng "cái bước nhảy vọt bản thể ấy là lúc mà có thể là 2 sắc tố của loài khỉ hợp nhất với nhau và những “gen” cho linh hồn nằm ngay khoảng giữa sắc tố số 2." [2]
Trước hàng núi những bằng chứng khoa học về thuyết Tiến Hóa, một số nhân vật có uy tín trong lãnh vực tôn giáo như Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh Mục , Mục sư, học giả v.v. cũng phải cúi đầu trước thuyết Tiến Hóa, khoan kể đến giới khoa học gia đã chấp nhận thuyết Tiến Hóa từ trên trăm năm nay rồi. Sau đây chúng ta hãy đưa ra nhận định của một số nhân vật tôn giáo cũng như khoa học về Thuyết Tiến Hóa nói chung, trước những hiểu biết của chúng ta về Thuyết Tiến Hóa, và trước những bằng chứng trong khoa học:
1. Giáo Hoàng John Paul II phát biểu năm 1996:
"Thân xác con người có thể không phải là sự sáng tạo tức thời của Thượng đế, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa dần dần... Những kiến thức mới nhất dẫn đến việc phải chấp nhận Thuyết Tiến Hóa hơn chỉ là một giả thuyết." [3]
2. Linh mục dòng Tên Teilhard de Chardin trong The Phenomenon of Man:
"Tiến Hóa là một thuyết, một hệ thống, hay một giả thuyết? Nó còn nhiều hơn nữa: nó là một điều kiện tổng quát mà mọi thuyết, mọi giả thuyết, mọi hệ thống phải cúi đầu trước nó và phải phù hợp với nó nếu chúng muốn được nghĩ tới và coi là đúng.. Tiến Hóa là một ánh sáng soi sáng mọi sự kiện, một đường cong mà mọi đường thẳng phải theo nó... " [4]
3. Mục sư Ernie Bringas trong cuốn: Going By The Book: Past and Present Tragedies of Biblical Authority:
"Thuyết Tiến Hóa là một trong những cấu trúc tuyệt vời và thành công nhất của tư tưởng con người. Mọi ngành khoa học đều tiếp tục ủng hộ và kiểm chứng quan niệm về sự tiến hóa. Thuyết Tiến Hóa , giống như Thuyết Tương Đối, không còn là một "thuyết" theo nghĩa thông thường nữa, mà là một nguyên lý khoa học đặt căn bản trên rất nhiều bằng chứng không còn phải bàn cãi nữa." [5]
4. Giám mục John Shelby Spong trong cuốn Why Christianity Must Change or Die:
"Thuyết Tiến Hóa làm cho Adam và Eve trở nên may nhất là những nhân vật theo truyền thuyết. Thuyết Tiến Hóa không dễ gì cho tổ chức tôn giáo chấp nhận, và ngày nay vẫn còn những tiếng nói cất lên từ những miền hẻo lánh của thế giới để chống đối thuyết này. Những tiếng nói này sẽ không bao giờ thành công. Nhân loại rõ ràng là tiến hóa theo một quá trình trải dài từ 4 tỷ rưỡi đến 5 tỷ năm. Không làm gì có hai cha mẹ đầu tiên (nghĩa là Adam và Eve. TCN), và do đó cái hành động bất tuân lúc đầu của hai bậc cha mẹ đầu tiên không thể nào có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Do đó cái huyền thoại về tội tổ tông đã bị một đòn khai tử, và cái câu chuyện vững chắc về sự cứu rỗi do những người bảo vệ Ki-tô giáo dựng lên qua nhiều thời đại đã bắt đầu chao đảo." [6]
5. Ernst Mayr, Giáo sư danh dự đại học Harvard, trong cuốn What Evolution Is?:
"Tiến Hóa không chỉ đơn thuần là một ý tưởng, một lý thuyết, hay một quan niệm, mà là tên của một quá trình trong thiên nhiên. Sự xảy ra của quá trình này có thể chứng minh bằng tài liệu của hàng núi bằng chứng mà không ai có thể phủ bác được. Ngày nay, xét đến số lượng to lớn những bằng chứng đã được khám phá ra trong 140 năm nay để chứng minh sự hiện hữu của tiến hóa, thật là lạc dẫn khi ta coi Tiến Hóa như là một thuyết. Tiến Hóa không còn là một thuyết, nó đơn giản là một sự kiện." [7]
6. James Birx trong Interpreting Evolution:
"Tiến Hóa là một sự kiện vững chắc đã được cả khoa học và lý trí xác nhận; nhân loại chúng ta thì nối kết với sự sống, lịch sử của trái đất, thiên hà này (giải ngân hà mà thái dương hệ, trong đó có trái đất, nằm trong đó), và cả vũ trụ.
Có một nền thần học hiện đại nào mà chấp nhận cả hai quan điểm về vũ trụ và thuyết Tiến Hóa trong một cách nhìn khoáng đạt và không có huyền thoại về thế giới? Cuối cùng thì tín lý mù quáng của đức tin tôn giáo với những câu chuyện đã lỗi thời và những giá trị cận thị thực sự không còn mấy giá trị nữa; đó chỉ là sự mơ ước từ đó đặt niềm tin vào sự bất diệt của con người và vào một vũ trụ tâm linh." [8]
7. Stephen Jay Gould, trong phần Dẫn Nhập của cuốn “Tiến Hóa: Sự Chiến thắng Của Một Ý Tưởng” (Evolution: The Triumph of an Idea), tác giả là Carl Zimmer, một cuốn sách đi kèm với chương trình dài 8 tiếng đồng hồ của đài truyền hình PBS về thuyết Tiến Hóa (a companion to the PBS 8-hour television series on Evolution):
"Khoa học, như các chuyên gia chúng tôi thường vạch rõ, không thể thiết lập sự thật tuyệt đối; do đó, những kết luận của chúng tôi luôn luôn là có tính cách không dứt khoát. Nhưng sự hoài nghi lành mạnh này không cần phải đưa nó đến độ hư vô, và chúng tôi có thể chắc chắn nói rằng, một số sự kiện đã được kiểm chứng với đủ mức tin cậy cho nên chúng tôi có thể coi những sự kiện này là đúng sự thật trong bất cứ nền văn hóa địa phương nào trên thế giới.(tính phổ quát (universality) của các sự kiện khoa học. TCN)
Có lẽ tôi không thể tuyệt đối chắc chắn là quả đất thì tròn thay vì phẳng, nhưng dạng hình cầu của hành tinh của chúng ta đã được kiểm chứng đủ để cho tôi không cho phép “cái xã hội của những người tin trái đất phẳng” được hưởng đồng đều thời gian để dạy thuyết của họ, hay hưởng bất cứ khoảng thời gian nào, trong lớp dạy về khoa học của tôi.
Tiến Hóa, quan niệm căn bản của mọi khoa học về sinh học, đã được kiểm chứng rất kỹ, và do đó có thể coi như là đúng với sự thật." [9]
3. TÓM LƯỢC TỔNG KẾT VỀ CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ
Ngày nay, thuyết Big Bang về Nguồn Gốc Vũ Trụ và Thuyết Tiến Hóa về Nguồn Gốc Con Người hầu như đã được toàn thể thế giới chấp nhận, nhất là trong giới khoa học và giới trí thức hiểu biết. Sau đây tôi xin trình bày một bảng tóm lược tổng kết về những hiểu biết mới nhất về vũ trụ và con người. Tất cả những con số chỉ là ước tính, không phải là những con số chính xác.
13.7 Tỷ Năm Trước:
Vài giây sau Big Bang, dương tử (proton) và trung hòa tử (neutron) cùng hiện hữu trong nhân của các nguyên tử đơn giản như hi-dro-gen. 30000 năm sau, các điện tử (electrons) bắt đầu quay xung quanh nhân, tập hợp với proton và neutron thành những nguyên tử (atoms).
13.5 Tỷ Năm Trước:
Những đám mây khí trở thành vô cùng đặc, tạo thành các sao, họp với nhau thành các thiên hà.
5 Tỷ Năm Trước:
Mặt Trời hình thành trong Giải Ngân Hà (Milky Way), tạo ra trái đất và các hành tinh, họp thành Thái Dương Hệ.
4 Tỷ Năm trước:
Các nguyên tử hi-dro-gen và o-xy-gen nối kết với nhau thành phân tử nước. Nước giúp cho sự tạo ra những phân tử khác.
3,9 Tỷ Năm trước:
Một loại màng sinh ra bao quanh những nhóm phân tử và tạo thành những sinh thể đơn tế bào gọi là vi khuẩn. Các tế bào có tính chất tăng trưởng, tự phân chia, và xuất hiện trên khắp trái đất.
1 Tỷ Năm Trước:
Những tế bào rong, rêu (algae) sống cùng với nhau, họp thành loại thực vật đầu tiên. Sự sống chung này khiến cho mỗi tế bào có một nhiệm vụ riêng biết. Để cho những nhiệm vụ này không lập đi lập lại, những tế bào phát sinh ra những chất hormone có thể liên lạc với nhau.
700 Triệu Năm trước:
Nhiều sinh vật đa tế bào phức tạp được tiến hóa thành, trong đó gồm có con sứa (jellyfish), sinh vật này phát triển những bắp thịt và thần kinh và các tế bào có thể liên lạc với nhau hữu hiệu hơn.
570 Triệu Năm Trước:
Những con sứa tiến hóa thành một loại sâu đầu tiên (flatworm) có những cơ quan như dạ dày và óc, và một cấu trúc đối xứng (giây thần kinh đi xuống hai bên), khởi đầu cho những dạng sinh vật cao hơn.
500 Triệu Năm Trước:
Phát sinh sinh vật có xương sống, một vài sinh vật này là tổ tiên của loài cá mút đá (lamprey) ngày nay, phát triển ở trong nước.
470 Triệu Năm trước:
Dưới dạng cổ rêu, những dạng sống đầu tiên rời nước và sống trên đất liền.
100 Triệu Năm Trước:
Loài vật có vú đầu tiên xuất hiện. Những con khỉ đầu tiên xuất hiện 80 triệu năm sau đó.
100.000 Năm Trước:
Loài người tiến hóa với một bộ óc lớn nhất tính theo tỷ lệ với kích thước của thân thể.
Trên đây là nguồn gốc con người. Nhưng chúng ta từ đâu đến? Sau đây là tóm tắt những hiểu biết mới nhất về giống người, theo National Geographic, March 2006:
Các khoa học gia từ trước vẫn cho rằng các sắc dân xuất xứ từ Phi Châu. Và gần đây các chuyên gia về Di Truyền Học đã đi tới cùng một kết luận như vậy qua những khảo cứu về DNA. Theo sự hiểu biết trong giới khoa học ngày nay thì con người xuất hiện trên khắp thế giới qua 6 giai đoạn di dân:
1. Cái nôi Phi Châu: Hầu hết các nhà cổ sinh vật – nhân chủng học (paleoanthropologists) và các nhà di truyền học đồng ý là con người hiện đại bắt đầu xuất hiện ở Phi Châu cách đây khoảng 200.000 năm. Di vật hóa thạch của con người sớm nhất được tìm thấy ở Omo Kibish, Ethiopia. Ở nhiều điểm trên đất Do Thái có nhiều bằng chứng về sự hiện diện của con người ngoài Phi Châu, nhưng nhóm người này không di dân xa hơn nữa và tuyệt chủng vào khoảng 90.000 năm trước đây.
2. Đi ra khỏi Phi Châu: Những dữ kiện về di truyền chứng tỏ rằng một nhóm nhỏ con người hiện đại đã rời khỏi Phi Châu vào khoảng từ 70.000 đến 50.000 năm trước đây và thay thế cho những người cổ xưa hơn như Neandertals. Tất cả những người không phải là Phi Châu đều là hậu duệ của nhóm người di dân ra khỏi Phi Châu này, có thể theo đường từ đầu ngọn của Hồng Hải và đi xuống theo một lối mở nhỏ hẹp ở phía Nam.
3. Những người Úc đầu tiên: Những khám phá ở hai nơi cổ xưa – những dụng cụ do người làm ra tìm thấy trong vùng Malakunanja và những di vật hóa thạch ở hồ Mungo – chứng tỏ rằng con người hiện đại đã theo con đường bờ biển dọc theo Nam Á và tới Úc khoảng 50.000 năm trước đây. Những hậu duệ của nhóm người này, các thổ dân Úc (Australian Aborigines), về di truyền, vẫn giữ lại sự riêng biệt cho đến ngày nay.
4. Những người Âu Châu đầu tiên: Những nhà cổ sinh vật – nhân chủng học từ lâu đã nghĩ rằng người Âu Châu theo đường từ Bắc Phi qua Levant. Nhưng những dữ kiện di truyền chứng tỏ rằng DNA của những người Tây Âu lai Á (Western Eurasians) thì giống DNA của những người Ấn Độ. Rất có thể là con người đã di dân từ Á Châu đến Âu Châu trong khoảng từ 40.000 đến 30.000 năm về trước.
5. Dân Á Châu: Vào khoảng 40.000 năm trước đây, con người đi đến Trung Á và tới miền cao phía Bắc Hi Mã Lạp Sơn. Cùng lúc họ đi qua Đông Ná Á và Trung Quốc, rồi tới Nhật Bản và Siberia. Những bằng chứng di truyền cho thấy con người ở miền Bắc Á đã di dân đến Mỹ Châu.
6. Tới Tân Thế Giới: Thời điểm chính xác con người đầu tiên tới Mỹ Châu vẫn còn trong vòng bàn cãi. Bằng chứng di truyền cho thấy thời điểm đó trong khoảng từ 20.000 tới 15.000 năm trước đây, khi mực nước biển thấp và đất liền nối Siberia với Alaska. Những vùng băng đá ở Bắc Mỹ bắt buộc những người mới tới Mỹ phải di chuyển xuống phía Nam...
Trên đây là những gì chúng ta biết ngày nay về nguồn gốc con người và đại khái là chúng ta từ đâu đến. Nhưng cũng như mọi ngành khoa học khác, sự hiểu biết trên không đứng một chỗ, và chúng ta hi vọng trong tương lai, xa hay gần chúng ta không định đoạt được, càng ngày chúng ta càng biết nhiều hơn và chính xác hơn về loài người của chúng ta.
Tôi xin kết bài này bằng một đoạn của Robert G. Ingersoll đã viết về thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin cách đây hơn một thế kỷ như sau:
“Thế kỷ này (TK 19) sẽ được gọi là thế kỷ của Darwin. Ông ta là một trong những vĩ nhân trên trái đất. Ông ta đã giải thích rõ ràng những hiện tượng về sự sống hơn tất cả những ông thầy dạy của Ki Tô Giáo. Một bên, viết tên của Charles Darwin, và bên kia viết tên của mọi nhà thần học từ trước tới nay, và từ tên của Darwin đã tỏa ra nhiều ánh sáng hơn là ánh sáng của tất cả các nhà thần học gộp chung lại. Thuyết Tiến Hóa, thuyết sống còn thích ứng nhất với hoàn cảnh xung quanh, thuyết nguồn gốc các chủng loại của ông ta đã cất bỏ cái vết tích cuối cùng của Ki Tô Giáo ra khỏi những người có đầu óc. Ông ta không chỉ nói lên mà còn chứng minh là những người được Thần linh khải cho viết Thánh Kinh không biết gì về thế giới này, về nguồn gốc con người, về địa chất học, về thiên văn học, về thiên nhiên; rằng Thánh Kinh được viết do sự ngu si – với sự dọa dẫm để làm cho sợ hãi. Hãy nghĩ đến những người đã trả lời (phê bình) ông ta. Càng ngu bao nhiêu thì họ càng hồ hởi làm công việc này. Darwin bị chế riễu, khinh khi và coi thường bởi thế giới của Ki Tô Giáo, tuy vậy mà khi ông ta chết, Anh Quốc đã hãnh diện chôn ông ta cùng với những nhân vật cao quý nhất và vĩ đại nhất của nước Anh. [Darwin được chôn ngay gần Isaac Newton trong điện Westminster (Westminster Abbey). Trước sự kiện này, Mục sư Laing đã phê bình “đây là một bằng chứng chứng minh nước Anh không còn là một quốc gia theo Ki Tô Giáo nữa” (a proof that England is no longer a Christian country). TCN] Charles Darwin đã chinh phục thế giới trí thức, và những lý thuyết của ông ta ngày nay đã được chấp nhận như là những sự kiện.
Giáo hội Ki Tô dạy rằng con người đã được sáng tạo ra thật là hoàn hảo [vì theo hình ảnh của Thiên Chúa], và trong 6 ngàn năm qua đã không ngừng thoái hóa. Darwin đã chứng minh sự sai lầm của cái tín lý này. Ông ta chứng minh rằng con người, trong nhiều ngàn thời đại, đã không ngừng tiến bộ; rằng cái Vườn Eden là huyền thoại của kẻ ngu; rằng giáo lý về tội tổ tông không có nền tảng dựa trên sự kiện; rằng chuộc tội là một sự vô nghĩa; rằng con rắn không có quyến rũ con người ham muốn, và con người không có “sa ngã”.
Charles Darwin đã phá sập Ki Tô Giáo. Chẳng có gì khác còn lại ngoài một đức tin vào cái mà chúng ta biết không thể xảy ra và đã không hề xảy ra. Ki Tô Giáo và khoa học là kẻ thù của nhau. Một bên là mê tín, bên kia là một sự kiện. Một bên đặt nền tảng trên sự sai lầm, một bên trên sự chân thật. Một bên là kết quả của sự sợ hãi và đức tin, bên kia là sự tìm tòi để hiểu biết và lý trí.
Chúng ta hãy lương thiện. Tất cả những linh mục ở Rô Ma gộp lại có gia tăng sự phong phú của tâm linh như là Bruno không? Tất cả những linh mục ở Pháp gộp lại có góp phần lớn lao nào vào nền văn minh của thế giới như là Diderot và Voltaire không? Tất cả các mục sư ở Scotland gộp lại có gia thêm vào kiến thức của nhân loại như là David Hume không? Những người trong giới chăn chiên, mục sư, linh mục, giám mục, hống y và giáo hoàng, từ ngày Giê-su thăng thiên đến cuộc bầu phiếu cuối cùng, có góp phần vào sự tự do của con người như là Thomas Paine không? – góp phần vào khoa học như là Charles Darwin không?
Thế giới đã trở thành cái gì nếu không có những người không muốn tin vào Ki Tô Giáo?" [10]
Chúng ta nên để ý, Ingersoll viết bài trên vào cuối thế kỷ 19, khi mà Thuyết Tiến Hóa bị Ki Tô Giáo chống đối dữ dội, dựa trên một số chi tiết trong thuyết Tiến Hóa chưa thể kiểm chứng được. Với thời gian qua, càng ngày những kết quả nghiên cứu của các khoa học gia trong nhiều bộ môn khoa học mà chính Darwin cũng không biết đến càng chứng tỏ là thuyết Tiến Hóa có một căn bản vững chắc và có thể giải thích được rất nhiều điều trong nhiều bộ môn khoa học, nhất là trong Sinh Học, đặc biệt là về Nguồn Gốc Con Người.
Như trên đã nói, thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin và những phát triển về sau trong nhiều bộ môn khoa học đã mở mang đầu óc con người rất nhiều và có ảnh hưởng vô cùng lớn lao trên xã hội loài người. Đi từ thuyết Tiến Hóa con người đã phát triển ra những bộ môn khoa học có ích cho con người, nhất là về sinh học, khám phá ra Genome, DNA, “gen” v…v… và tiến một bước dài trong y học để đối trị với những bệnh tật như ung thư, AIDS v.v. mà ngày nay vẫn còn một số người tin rằng do Thiên Chúa của họ tạo ra để trừng phạt những đứa con bị Thiên Chúa ghét.
Trong bài viết trên, tôi đã cố gắng viết thật đơn giản về thuyết Tiến Hóa, không đi vào những chi tiết chuyên môn thí dụ như sự sao y chính bản (replication) của các DNA, sự chuyển dịch (translation), sự tạo ra các RNA từ DNA v.v. và vô số các hiện tượng khác trong Sinh Học cũng như chi tiết về “cây Tiến Hóa”. Đây là những đề tài vô cùng phong phú và thích thú, cho nên tôi muốn đề nghị với quý độc giả mấy cuốn sách căn bản, qua đó quý vị có thể hiểu rõ chi tiết đầy đủ hơn về “Nguồn Gốc Vũ Trụ” và “Nguồn Gốc Con Người”:
Angela, Piero & Alberto, The Extraordinary Story of Life on Earth, Prometheus Books, New York , 1996.
Birx, James, Interpreting Evolution: Darwin & Teilhard De Chardin, Prometheus Books, New York, 1991
Davis, Bernard D., The Genetic Revolution, The John Hopkins University Press, Baltimore, 1991.
Gould, Stephen Jay, General Editor, The Book of Life, W.W. Norton & Company, New York, 2001
Gribbin, John, In The Beginning: After COBE & Before The Big Bang, Little Brown & Company, New York, 1993
Gribbin, John & Cherfas, Jeremy, The First Chimpanzee: In Search of Human Origins, Barnes & Noble Books, New York, 2001.
Leaky, Richard & Lewin, Roger, Origins Reconsidered: In Search of What Makes Us Human, Doubleday, New York, 1992.
Liebes, Sidney & Sahtouris, Elisabeth & Swimme, Brian, A Walk Through Time: From Stardust to Us, The Evolution of Life on Earth, John Wiley & Sons, Inc., New York, 1998.
Lockley, Martin, The Eternal Trail: A Tracker Looks at Evolution, Perseus Books, Reading, Massachusetts, 1999.
Mayr, Ernst, What Evolution Is?, Perseus Books, New York, 2001.
Ridley, Matt, Genome: The Autobiography of a Species in 23 Chapters, HarperCollinsPublishers, New York, 1999.
Shapiro, Robert, Origins: A Skeptic Guide To The Creation of Life on Earth, Bantam Books, New York, 1987.
Singh, Simon, Big Bang: The Origin of the Universe, Fourth Estate, New York, 2004.
Wade, Nicholas, Before The Dawn: Recovering The Lost History of Our Ancestors, The Penguin Press, New York, 2006.
Zimmer, Carl, Evolution: The Triumph of an Idea, HarperCollinsPublishers, New York, 2001.
[1] Matt Ridley, p. 24: Between ancestral apes and modern human beings, there was an “ontological discontinuity” – a point at which God injected a human soul into an animal lineage
[2] Matt Ridley, Ibid.: Perhaps the ontological leap came at the moment when two ape chromosomes were fused, and the genes for the soul lie near the middle of Chromosome 2
[3] The human body may not have been the immediate creation of God, but is the product of a gradual process of evolution... Fresh knowledge leads to recognition of the theory of evolution as more than just a hypothesis.
[4] Is evolution a theory, a system or a hypothesis? It is much more: it is a general condition to which all theories, all hypotheses, all systems must bow and which they must satisfy henceforth if they are to be thinkable and true. Evolution is a light illuminating all facts, a curve that all lines must follow...
[5] The theory of evolution is among the most elegant and fruitful structures of human thought... All scientific disciplines continue to support and verify the concept of evolution. The theory of evolution, like the theory of relativity, is no longer a "theory" in the popular sense, but a scientific principle based on considerable, indisputable evidence.
[6] The theory of evolution made Adam and Eve legendary at best. Evolution was not easy for the religious establishment to accept, and still voices are raised today in remote areas of the world to resit it. Those voices will never succeed. Human life clearly evolved over a four-and-a-half-to-five-billion-year process. There were no first parents, and so the primeval act of disobedience on the part of first parents could not possibly have affected the whole human race. The myth was thus dealt a blow, and the monolithic story of salvation built by Christian apologists over the age began to totter.
[7] Evolution is not merely an idea, a theory, or a concept, but is the name of a process in nature, the occurrence of which can be documented by mountains of evidence that nobody has been able to refute... It is now actually misleading to refer to evolution as a theory, considering the massive evidence that has been discovered over the last 140 years documenting its existence. Evolution is no longer a theory, it is simply a fact.
[8] Evolution is an established fact supported by both science and reason; our own species is linked to life, earth history, this galaxy, and the universe itself.
Is there a modern theology that embraces both a cosmic perspective and the evolutionary framework within an openended and myth-free worldview? Eventually, the blind dogma of religious faith with its outmoded stories and myopic values wears very thin, indeed; it is simply wishful thinking to believe in human immortality and a spiritual cosmos.
[9] Science, as we professionals always point out, cannot establish absolute truth; thus, our conclusions must always remain tentative. But this healthy skepticism need not be extended to the point of nihilism, and we may surely state that some facts has been ascertained with sufficient confidence that we may designate them as “true” in any legitimate, vernacular meaning of the world.
Perhaps I cannot be absolutely certain that the earth is round rather than flat, but the roughly spherical shape of our planet has been sufficiently well verified that I need not grant the “flat earth society” a platform of equal time, or even any time at all, in my science class.
Evolution, the basic organizing concept of all the biological sciences, has been validated to an equally high degree, and may therefore be designated as true or factual.
[10] This century will be called Darwin’s century. He was one of the greatest men who ever touched this globe. He has explained more of the phenomena of life than all of the Christian religious teachers. Write the name of Charles Darwin on the one hand and the name of every theologian who ever lived on the other, and from that name has come more light to the world than from all those. His theory of evolution, his theory of the survival of the fittest, his theory of the origin of species, has removed in every thinking mind the last vestige of Christianity. He has not only stated, but he has demonstrated, that the inspired writer knew nothing of this world, nothing of the origin of man, nothing of geology, nothing of astronomy, nothing of nature; that the Bible is a book written by ignorance – at the instigation of fear. Think of the men who replied to him. The more ignorant he was the more cheerfully he undertook the task. He was held up to the ridicule, the scorn and contempt of the Christian world, and yet when he died, England was proud to put his dust with that of her noblest and her grandest. Charles Darwin conquered the intellectual world, and his theories are now accepted facts.
The Christian church teaches that man was created perfect, and that for six thousand years he has degenerated. Darwin demonstrated the falsify of this dogma. He shows that man has for thousands of ages steadily advanced; that the Garden of Eden is an ignorant myth; that the doctrine of original sin has no foundation in fact; that the atonement is an absurdity; that the serpent did not tempt, and that man did not “fall”.
Charls Darwin destroyed the foundation of Christianity. There is nothing left but faith in what we know could not and did not happen. The Christian religion and science are enemies. One is a superstition; the other is a fact. One rests upon the false, the other upon the true. One is the result of fear and faith, the other of investigation and reason.
Let us be honest. Did all the priests of Rome increase the mental wealth of man as much as Bruno? Did all the priests of France do as great a work for the civilization as Diderot and Voltaire? Did all the ministers of Scotland add as much to the sum of human knowledge as David Hume? Have all the clergymen, friars, ministers, priests, bishops, cardinals and popes, from the day of Pentecost to the last election, done as much for human liberty as Thomas Paine? – as much for science as Charles Darwin?
What would the world be if infidels had never been?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét