Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Đàn ông khống chế đàn bà, một vấn đề văn hoá


Françoise Héritier
Hoàng Xuân Đài phỏng dịch
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9871&rb=0508


Nhà nhân chủng học
[1] Françoise Héritier, sinh năm 1933, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS, Centre National de Recherche Scientifique). Năm 1982 bà được bầu vào Collège de France (một cơ sở giáo dục ngoài đại học, thành lập năm 1592 dưới thời vua François thứ nhất, các giáo sư giảng dạy ở đây là những chuyên gia nổi tiếng), với chức vụ giáo sư thực thụ môn Nghiên cứu so sánh các xã hội châu Phi đến khi về hưu năm 1999. Bà đã cho xuất bản nhiều tác phẩm, như Sự thực hành quan hệ họ hàng (L’Exercice de la parenté, Le Seuil-Gallimard, 1981), Hai chị em và người mẹ, Nhân chủng học về sự loạn luân (Les Deux Sœurs et leur mère, Anthrpologie de l’inceste, Edition Odile Jacob, 1994). Tác phẩm của bà về “trị giá sai biệt” của giới tính gồm hai phần: Nam/Nữ, Tư duy về phân biệt (Masculin/Féminin, La pensée de la différence, Edition Odile Jacob, 1996), Nam/Nữ II, Giải thể tôn ti (Masculin/Féminin II, Dissoudre la hiérarchie, Edition Odile Jacob, 2002). Năm 2003, bà được giải Irène-Joliot Curie, tưởng thưởng các công trình thực hiện để khuyến khích vị trí nữ giới trong môi trường khoa học. Bài phỏng vấn bà Françoise Héritier về nguyên do sâu xa của hiện tượng đàn ông khống chế đàn bà sau đây được phóng viên Anne Chemin thực hiện và đăng trên Le Monde 2, phụ bản hàng tuần (ra ngày 3/02/2007) của nhật báo Le Monde (Pháp).

1. Đàn ông khống chế đàn bà là một quy luật trong xã hội loài người
.

Điều đó phải chăng có nghĩa là trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ có xã hội mẫu quyền? Một xã hội mẫu quyền là một hệ chính trị trong đó mọi quyền hành từ chính trị, tôn giáo đến kinh tế đều nằm trong tay đàn bà. Trong lịch sử nhân loại, quan điểm cho rằng đã có những xã hội mẫu quyền, khá phổ biến. Một vài tác giả cho rằng, từ nguyên thuỷ, trong giai đoạn bộc phát mãnh liệt của nhân loại, tất cả các xã hội đều là mẫu quyền. Lý do, người đàn bà sinh con, điều đó ban phát cho họ một quyền uy hầu như phù thuỷ. Từ đó, các tác giả này cho rằng con người cho đàn bà tất cả các quyền lực khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng, trên thế giới, chưa bao giờ có xã hội mẫu quyền. Những điều đã nói trên đây, thực ra, đó là những xã hội tôn thờ sự mầu mỡ ở người đàn bà, qua sự sinh nở hoặc các xã hội mẫu hệ với quy luật quan hệ huyết thống theo dòng mẹ. Nhưng trong các xã hội tôn thờ sự sinh nở, đàn bà không nắm quyền lực và trong các xã hội mẫu hệ, anh em trai của các bà mẹ áp đặt quyền thống trị.

2. Nghĩ gì về những huyền thoạivề những xã hội do đàn bà thống trị, chẳng hạn huyền thoại Amazone?

Đúng là có nhiều huyền thoại cho rằng thời xa xưa, đàn bà có quyền lực nhưng các huyền thoại đó cũng kể rằng đàn bà đã sử dụng các quyền lực ấy một cách kém cỏi và bất công đến nỗi đàn ông đã nổi dậy, tàn sát đàn bà và nắm lấy quyền lực. Một huyền thoại khác kể lại rằng vào thời rạng đông của nhân loại, tại bộ lạc thổ dân Onas, đảo Đất Lửa (Terre de Feu), cực nam châu Mỹ Latinh, nay đã bị diệt vong, đàn bà đã sai khiến đàn ông như tôi đòi, nhờ một nhạc khí, được gọi là rhomes, khi được quay chung quanh một sợi dây sẽ rống lên. Khi nghe các tiếng rống này trong nhà đàn bà, những người đàn ông đáng thương khiếp sợ vì họ nghĩ rằng các bà đang chung sống với các thần linh. Huyền thoại cũng kể rằng một ngày đẹp trời, một người đàn ông đã khám phá ra trò bịp bợm này và cùng đồng bọn chém giết tất cả các bà, chỉ con gái là được tha cho sống để trở thành các bà vợ gia nhân. Các bà Amazone cũng là một huyền thoại tương tự. Huyền thoại này được dựng nên từ những dữ kiện có thật - sự hiện hữu của các nữ binh của người Man rợ (Barbare [2] ), tương tự như những nữ binh của người Pháp cổ (Gaulois), nhưng theo người Hy Lạp thì huyền thoại các nữ binh này đã biến thành các dân tộc do nữ binh khống chế và sử dụng đàn ông như tôi đòi. Trong mọi trường hợp, các huyền thoại này đã được sáng tạo như một hình ảnh đi ngược lại hiện thực, được sử dụng để giải thích cho quần chúng hiểu sự bất công tột bực của hệ mẫu quyền và để tạo dựng sự chính đáng của phụ quyền.

3. Sự khống chế của đàn ông đối với đàn bà không dựa trên những thực tại sinh học?

Nhiều người cho rằng sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà đã được ghi khắc theo một trật tự tự nhiên. Đặc biệt, họ viện dẫn tính ưu việt về thể xác của đàn ông - một thành tố dễ thấy nhất của trật tự tự nhiên này - nhưng cũng đưa ra sự sinh đẻ được xem như là một quyền lực và cũng là một yếu điểm. Một số nhà nghiên cứu khác tìm cách giải thích nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà bằng cấu trúc bộ óc. Hiển nhiên, họ không tìm thấy gì cả vì bộ óc hai giới nam nữ đều vận hành hoàn toàn giống nhau. Thật ra, đàn bà và đàn ông đều có cùng khả năng thể xác và tinh thần. Nhiều người tưởng tượng rằng sự khống chế của đàn ông đối với đàn bà dựa trên dữ kiện là vào thời đại đồ đá cũ, trước khi trồng trọt và chăn nuôi được phát minh, đàn ông được giao trọng trách săn bắn, nuôi sống người trong bộ tộc, giỏi hơn đàn bà được giao trọng trách hái lượm. Thật ra, sự quan sát những sắc dân hiện đang sống bằng săn bắn và hái lượm - khoảng 30 sắc dân sống như vậy tại Canada, Úc và Phi châu - đã chứng tỏ ngược lại. Những tính toán của các nhà dân tộc học cho biết ở người Bochimans [3] , sống tại sa mạc Kalahari (Botswana) hay người Pygmées [4] , sự thu hoạch bằng hái lượm của phụ nữ đã nuôi sống 80% người của bộ tộc. Điều này được giải thích khá đơn giản: săn bắn là một sinh hoạt khá bấp bênh, trong khi đó lượm củ và hái trái cây cũng như giết các thú vật nhỏ như rùa, loài gặm nhấm, rắn… bằng gậy gộc đem lại các thành quả đều đặn hơn. Các nghiên cứu này cũng chứng tỏ rằng, ngược lại với các định kiến, số ki lô mét đàn bà đi bộ để kiếm sống đôi khi nhiều hơn đàn ông và họ có một giác quan định hướng tương tự như đàn ông.

4. Tại sao đàn bà lúc nào cũng bị gạt ra ngoài các thói quen săn bắn trong khi họ có những khả năng vật chất y hệt như đàn ông?

Đàn bà sở dĩ bị cấm không được đi săn tại một số lớn xã hội săn bắn vì những lý do biểu tượng. Các thành viên của các xã hội này nhận thấy rằng đàn bà có những chu kỳ kinh nguyệt, và họ mất kinh khi họ có bầu hoặc trong thời gian cho con bú. Từ đó, họ suy diễn ra rằng máu có thể thành chất (substance) - cơ thể của đứa con - hoặc thành sữa. Từ khởi thuỷ, họ nghĩ rằng nếu đàn bà làm đổ máu thú vật trong các cuộc đi săn, họ có thể bị xuất huyết kinh niên do hậu quả của sự đối xứng tưởng tượng giữa vũ trụ và cơ thể con người. Máu của các con vật bị giết có thể làm chảy máu đàn bà, bằng một giao cảm, theo nghĩa triết lý, với thiên nhiên và về lâu về dài có thể làm cho đàn bà không sinh nở được nữa. Vì những lý do văn hoá biểu tượng mà đàn bà không được quyền làm đổ máu thú vật, nghĩa là đi săn. Điều đó trước hết là để bảo tồn sự mầu mỡ (sinh con) của họ. 5. Ngoài các tín ngưỡng này, còn những khác biệt gì khác về vóc người giữa đàn bà và đàn ông?

Priscille Touraine, một nhà nhân chủng học trẻ tuổi, đã nghiên cứu sự khác biệt về vóc người giữa đàn ông và đàn bà cùng những giải thích sự khác biệt này do các nhà bác học, sinh học và di truyền học đưa ra từ một thế kỷ nay. Công trình khảo cứu này đã chứng tỏ rằng, theo tiến trình hàng nghìn năm, vóc người của đàn bà không ngừng giảm sút, trong khi đó vóc người đàn ông tăng trưởng vì những áp lực đào thải mãnh liệt. Hiện trạng lưỡng hình (dimorphisme) này được giải thích một cách rất đơn giản: sự dinh dưỡng giữa đàn ông và đàn bà hoàn toàn khác nhau. Thật vậy, sự dinh dưỡng được đặt trên căn bản một hệ tín ngưỡng cho rằng đàn ông cần nhiều protein hơn đàn bà. Theo dòng lịch sử, đàn bà được nuôi nấng bằng ngũ cốc, cháo, thức ăn trắng (không có thịt) và nhẹ, đi đôi với bản chất yếu đuối và mong manh của họ. Các món ăn như thịt, mỡ, muối khoáng được ưu tiên dành cho đàn ông. Khi những thiếu hụt này tích luỹ trong hàng nghìn năm, hậu quả đương nhiên là những thích ứng thể xác, những biến dạng cơ thể, những sự khác biệt về vóc người, cuối cùng được xem là tự nhiên, trong khi đó là thực tế thu được mang nặng tính văn hoá. Ngày nay, tại Pháp những sự khác biệt về dinh dưỡng đã mất đi, nhưng chỉ gần đây mà thôi. Trong thời đệ nhị thế chiến, tại nhiều vùng quê, đàn bà đứng hầu bàn trong bữa ăn và sau đó ăn những món ăn thừa đàn ông để lại. Trong các xã hội bình đẳng cận đại, những khác biệt về vóc người càng ngày càng giảm bớt. 6. Công trình phá cấu trúc đã hoàn tất, còn lại những khác biệt gì về thể chất giữa đàn bà và đàn ông? Chỉ còn lại một khác biệt độc nhất: sự sinh đẻ. Sự bất đối xứng sinh học này dẫn đến việc chỉ có đàn bà mới sinh con. Ngoài ra, đàn ông và đàn bà có cùng khả năng tinh thần, vật chất, tâm thần và trí thức hay đạo đức.

7. Tại sao sự khác biệt giữa phái nam và phái nữ trở thành một trong những yếu tố cơ sở trong xã hội loài người?

Từ thời nguyên thuỷ, con người luôn luôn tìm tòi ý nghĩa của sự phân biệt không thể tránh được mà họ quan sát nơi tất cả các bầy thú và người: sự hiện hữu của hai giới tính, con đực và con cái. Dữ kiện không thể khắc phục được này, một ụ chắn (butoir) thật sự cho tư duy, đã dẫn họ đến sự sáng tạo tư duy về loại, xây dựng trên sự giống nhau và khác nhau. Từ mô hình đực/cái này, con người đã sáng tạo ra hàng trăm loại từ thông thường như trên/dưới, nóng/lạnh, thụ động/hoạt động đến trừu tượng như hợp pháp/bất hợp pháp, thuần lý/phi lý, lành mạnh/nguy hại v.v… Các loại này được kết hợp với đực và cái nhưng trong mọi trường hợp những giá trị đực lúc nào cũng được đánh giá cao, những giá trị cái lúc nào cũng bị đánh giá thấp. Tại châu Âu, chẳng hạn, sự hoạt động là một giá trị đực và sự thụ động là một giá trị cái, chính giá trị đực - hoạt động - được đánh giá cao vì nó được liên hợp với sự làm chủ thế giới, và chi phối các sự việc. Trong xã hội Ấn Độ và Trung Hoa, ngược lại sự thụ động được liên hợp với đực và sự hoạt động với cái. Nhưng mặc dù với sự đảo ngược này, đực đã được đánh giá cao: sự thụ động của đàn ông được liên hợp với sự làm chủ chính mình, làm chủ các xúc động và các ham muốn, trong khi đó, sự hoạt động của đàn bà được xem như một sự náo động bừa bãi, lộn xộn.

8. Làm sao giải thích sự đánh giá thấp đàn bà trong tập thể các xã hội?

Vì lý do một ụ chắn khác cho tư duy: Đàn bà sinh con thuộc cả hai giới tính. Đó là một nhận thức thoạt nhìn có vẻ bình thường, không có một ích lợi cỏn con nào, nhưng, như người ta nhận thấy qua các huyền thoại, đã tạo nên một hối tiếc lớn cho con người: đàn bà có thể tạo ra con gái, nhưng đàn ông không thể tạo ra con trai. Những người thời tiền sử có thể tưởng tượng việc các bà tạo ra cùng một thứ như mình - nghĩa là con gái - như một cái khuôn sao lại một cái mẫu, nhưng họ không hiểu rằng đàn bà có thể tạo ra cái khác đàn bà - nghĩa là con trai - vì họ không biết đến sự hiện hữu của tinh trùng và noãn. Sự phát hiện ra cơ chế của sinh sản rất muộn: Phải chờ đến cuối thế kỷ 18, người ta mới hiểu được vai trò của giao tử (gamète) và sự phát triển của phôi (embryon), và đến thế kỷ 20 mới khám phá ra rằng trong việc thụ thai đóng góp của đàn bà cũng quan trọng như của đàn ông. Trước những giai đoạn này, loài người đã cố tìm hiểu làm sao đàn bà có thể sinh cái khác mình: con trai. Trước bí mật to lớn này, tất cả đều đưa ra một câu trả lời như nhau: trong công trình này, đàn bà không làm gì cả. Thật vậy, vài xã hội cho rằng đàn bà, lúc sinh ra, đã có sẵn trong người họ những hình nhân nhỏ (homoncule [5] ), có giới tính. Những hình nhân này do các sức mạnh siêu nhiên, ông bà, thần linh hoặc thần thánh đặt vào bụng đàn bà. Một số tranh vẽ của châu Âu vào thế kỷ 17 trình bày bụng đàn bà với nhiều ngăn nhỏ, trong đó có các hình nhân được sắp xếp. Có hai mô hình giải thích sự sinh sản của đàn bà. Theo mô hình thứ nhất, đàn ông chứ không phải đàn bà nắm vai trò quyết định: muốn cho các hình nhân này lớn lên và ra đời, cần phải có những hạt giống do đàn ông gieo vào bụng đàn bà. Hơi thở cùng sự sống không sinh ra từ tử cung của đàn bà mà từ hạt giống của đàn ông. Theo mô hình thứ hai, được Aristote lý thuyết hoá, đàn bà chỉ là vật chất (matière), phát triển một cách hỗn loạn, bừa bãi, nếu không có đàn ông, nhờ những hạt giống của họ, đem đến cho các vật chất này hình thái và mặt mũi. Trong mô hình này, việc sinh ra con gái là một thất bại, một thứ quỷ quái, nhất là nếu nó giống mẹ, trong khi đó, nếu sinh con trai thì đó là một thành tựu, nhất là nếu nó giống cha. Rất nhiều xã hội châu Phi lấy lại quan điểm này khi khẳng định rằng đàn bà là những cái nồi hoặc những cái đãy hai túi: họ cho rằng tử cung đàn bà là một cái chậu mà đàn bà dùng để nấu chín (nuôi dưỡng) con. Trong mô hình thứ hai này, một lần nữa, đàn ông giữ vai trò quyết định bởi vì chính họ đã đặt đứa con vào bụng đàn bà. Nói tóm lại, với bất cứ sự tưởng tượng nào về sinh sản, đàn bà đã bị tước đi quyền sinh con và được xem là đồ chứa. Từ lâu, cơ thể phụ nữ chỉ được xem như một cái bồn chứa dùng để nhận những hạt giống của đàn ông và đàn bà như là vật (objet) mà đàn ông có quyền sử dụng để làm cho họ những đứa con trai.

9. Làm sao sự chất vấn về sinh sản dẫn đến hiện tượng khống chế của đàn ông?

Có ba lý do: Một là, sự kiện đàn ông bắt buộc phải qua cơ thể đàn bà để có con trai - một công phẫn thực sự cho trí tuệ - đã củng cố từ hàng nghìn năm số phận của đàn bà và mối quan hệ của họ với đàn ông. Tính thời gian cần thiết để chế tạo một con người - chín tháng mang thai, một thời gian dài cho bú và những săn sóc thường xuyên cho tới tuổi tự lập để sống còn, chống lại bệnh tật và tai nạn - đàn ông đã chiếm hữu đàn bà bởi vì họ là một tài sản hoàn toàn cốt yếu cho sự sống còn của nhóm. Hai là, cả một chuỗi phong tục đã đưa đến việc người đàn bà không thể nào tự do sử dụng cơ thể của mình: vì lý do cấm loạn luân, họ đã bị cha hoặc các anh em trai cho người khác để đổi lấy những người đàn bà của các nhóm khác. Ba là, người đàn bà cũng bị tước đi sự tiếp xúc với tri thức: loại tri thức độc nhất mà họ được phép sở hữu là tri thức cụ thể, cách dùng thực vật, nội trợ, bếp núc, con cái. Đàn bà đã bị tước đi, trong tất cả các xã hội loài người, sự tiếp xúc với tập thể các chức năng quyền lực. Ba cột trụ này đã xây nên, với một sức mạnh phi tthường, mô hình tự ti, ngay cả trong đầu đàn bà. Mô hình này không tuỳ thuộc phong tục tập quán có thể thay đổi từ xã hội này sang xã hội khác: sự khống chế của đàn ông là một mô hình phổ biến chi phối toàn thể các xã hội con người. Chắc chắn, thế giới sẽ khác đi - một vài truyền thuyết đã chứng tỏ điều này - nếu đàn ông có thể sinh ra con trai và đàn bà chỉ sinh ra con gái.

10. Hiện nay, còn những mô hình xã hội lạc hậu nào xây dựng chung quanh sự khống chế của đàn ông?

Mô hình này còn hiện hữu rất mãnh liệt trong đầu chúng ta, tại các xã hội mà chúng ta xem là “cổ truyền” hay tại các xã hội châu Âu. Tại Burkina Faso [6] , người người đàn bà nhóm Samos bỏ tất cả công việc đang làm để cho một đứa bé trai bú khi nó khóc. Nếu là một đứa bé gái khóc, họ tiếp tục việc đang làm, xong rồi mới cho đứa bé gái bú. Lý do: con trai có một “trái tim đỏ”, nó sẽ dễ dàng nổi giận và sẽ bị nguy hiểm nếu để nó tiếp tục khóc. Phải thoả mãn nó ngay khi nó có nhu cầu. Trái lại, với một đứa con gái, họ cho rằng nó phải kiên nhẫn suốt đời: do đó phải tập cho nó biết chờ đợi khi mới sinh ra. Xã hội người Samos đã sáng tạo rất sớm hai mẫu thái độ trong cuộc đời: con trai có thói quen đòi hỏi được thoả mãn tức khắc các ham muốn, con gái chấp nhận chờ đợi người ta đem đến những điều cần thiết, nếu họ muốn. Trong các xã hội tiền tiến, những dấu ấn của sự chế ngự của đàn ông vẫn còn dai dẳng. Trong một cuộc thí nghiệm về tâm lý do một trường đại học Mỹ thực hiện, các nghiên cứu gia đã yêu cầu hai nhóm sinh viên khác nhau bình luận về một tấm hình một đứa bé đang gào thét, mồm mở to và tay nắm lại. Các sinh viên được yêu cầu cho biết lý do của thái độ này. Nếu các nghiên cứu gia cho biết đó là một đứa bé trai, các sinh viên trả lời rắng đứa bé đang giận dữ, rất tức giận và không chịu đựng bị phật ý. Với nhóm sinh viên thứ hai, các nghiên cứu gia cho biết đó là một bé gái, thì họ cho rằng đứa bé đang sợ hãi, buồn phiền, người ta đã làm cho nó đau đớn, và cần được an ủi. Một cách tự phát, trước cùng một tấm ảnh, chúng ta đã liên kết giống đực với cơn giận, hành động hay sự chống đối, và liên kết giống cái với kêu ca, rên rỉ, sợ hãi hay phiền muộn.

11. Nguồn gốc của việc đàn ông khống chế đàn bà có liên hệ trực tiếp với ý chí của đàn ông chiếm hữu đàn bà để sinh sản cho họ con trai không?

Các loại thuốc hoặc phương pháp ngừa thai đã hoặc sẽ có thể cho phép xây dựng một xã hội bình đẳng? Hiển nhiên, chúng ta không thể quên đi sự quan trọng của những bình đẳng về kinh tế, giáo dục, nghề nghiệp hay chính trị mà phụ nữ đã đạt được, nhưng thuốc ngừa thai là một cuộc cách mạng vĩ đại bởi vì nó đã áp đặt từ thượng nguồn sự ưng thuận tất yếu của người đàn bà khi lập gia đình. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, phụ nữ có thể lựa chọn, cùng một lúc, người đàn ông mà họ ăn nằm để sinh con đẻ cái, số con mà họ muốn cho ra đời, thời điểm mà các đứa con được sinh ra. Họ trở thành những chủ thể toàn bộ. Thuốc ngừa thai là một công cụ giải phóng tuyệt vời bởi vì nó đã tác động vào đúng huyệt của sự cưỡng chế đàn bà. Thật vậy, chính khả năng sinh con đã đưa đến sự giám hộ đàn bà và mưu toan chiếm đoạt họ để đặc biệt làm vật trao đổi giữa các nhóm dân trong mục đích tối hậu là sinh con.

12. Nước Pháp sắp bầu cử tổng thống, lần đầu tiên trong lịch sử Pháp một người đàn bà – bà Ségolène Royal [7] - có thể trở thành tổng thống. Nghĩ gì về hiện tượng này, với tư cách một nhà nhân chủng học?
Muốn cho sự canh tân xã hội có thể thành công, nhiều khi phải cần cả hàng thế kỷ và tiến trình thành công có thể qua ba giai đoạn: Một là, nó phải là khả thi một cách logic, nghĩa là nó có thể quan niệm, tưởng tượng được trong bầu trời ý niệm. Hai là, nó phải được tư duy một cách có trí tuệ, nghĩa là nó đến trong đầu óc một số người ngay cả khi nó gây nên những mỉa mai cay độc, châm chọc của người khác. Ba là nó phải được tưởng tượng được một cách xúc cảm. Nghĩa là được đa số quen dần với nó. Nếu thoả mãn được ba điều kiện này, về mặt kỹ thuật, sự canh tân mới có thể thực hiện được. Ý niệm một người đàn bà trở thành tổng thống, tại Pháp, có thể đạt đến giai đoạn ba, nghĩa là nó đã được tưởng tượng một cách xúc cảm, trong thời gian rất gần đây, gần đến nỗi những nhà chính trị, hoặc bình luận gia chính trị không thấy nó đến
[8] . Sự ứng cử của Ségolène Royal vào điện Elysée [9] trong thời gian đầu đã gợi nên những phản ứng trọng nam khinh nữ (machiste) thường lệ: “Đó không phải là một cuộc thi sắc đẹp”, “Ai nuôi con”, nhưng những nhà chính trị gào thét những ý tưởng đó đã nhận thấy một cách nhanh chóng rằng điều đó đã làm hại cho họ. Mọi việc đều tiến triển một cách nhanh chóng, nhưng sự khống chế của đàn ông còn nguyên vẹn hoặc hầu như vậy trong hai thành trì: điếm (phụ nữ) - người đàn bà được dùng như một món hàng để thoả mãn nhu cầu nhục dục của đàn ông -, được xem là không kiểm soát được, và đời sống nội trợ mà đàn bà phải gánh vác phần lớn công việc (80%) tuy họ đã tham gia vào đời sống lao động ngoài xã hội. Nhưng chúng ta hãy lạc quan: cái gì đã được cấu trúc theo những hệ tư tưởng trong hàng nghìn năm đều có thể bị phá, khi con người ý thức được tính giả tạo của cấu trúc ấy.


Bản tiếng Việt © 2007 talawas
[1]Nhân chủng học dịch từ tiếng Pháp Anthropologie (Anthropology, tiếng Anh). Theo từ điển Larousse, Anthropologie là môn học về con người, xét dưới chuỗi động vật (Etude de l’homme envisagée dans la série animale). Theo nghĩa này, có thể dịch sang tiếng Việt là “nhân loại học” (như Đào Duy Anh). Có bốn học thuyết nghiên cứu về sự cấu tạo của loài người (nhân loại khởi nguyên):
Vốn có từ xưa vô cùng mà lưu truyền lại
Do ngẫu nhiên mà sinh ra
Do thần tạo ra
Từ loài động vật mà tiến hoá lên loài người như a) người là vượn tiến hoá lên, b) người và vượn cùng gốc mà tiến hoá khác nhau, c) loài người vượn là động vật ưu tú hơn vượn mà kém người.
Nhân loại học là môn học nghiên cứu về con người theo học thuyết nhân loại khởi nguyên thứ 4. Ngoài ra, Anthropologie còn có một nghĩa khác trong cụm từ “Anthropologie culturelle” (hay sociale) là “Môn nghiên cứu sai biệt về tín ngưỡng hay cơ chế được xem là nền tảng của những cấu trúc xã hội” (Etude différentielle des croyances et des institutions conçues comme fondement des structures sociales). Trong trường hợp này, dịch sang tiếng Việt là “nhân chủng học” có lẽ thích hợp hơn. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc trong bài “Đi tìm Võ Phiến” (nguyệt san Thế Kỷ 21, số 215, tháng ba 2007, Hoa Kỳ) đã dịch Anthropology là “nhân học”.
[2]Người Hy Lạp xưa kia gọi tất cả các dân tộc khác, ngay cả người La Mã, sống ở ngoài văn minh Hy Lạp là Man rợ. Sau đó chính người La Mã cũng tự đồng hoá thành người Hy Lạp. Lịch sử gọi các tộc người vũ trang (Goth, Vandale, Burgonde, Suève, Avar, Franc v.v…) từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 4 bị người Hung nô đánh đuổi, tràn qua xâm chiếm đế quốc La Mã, đánh đổ các đế vương Tây phương và thành lập những nước ít nhiều lâu bền, là Man rợ [3]Người Bochimans hay Boschimans (tiếng Anh Bushmen) là dân tộc du cư sống tại sa mạc Kalahari, cực nam châu Phi. Người Bochimans vóc nhỏ bé, có những đặc tính nhân chủng học và văn hoá rất cổ. [4]Người Pygmées sống tại châu Phi xích đạo, vóc người nhỏ bé, còn được gọi là Négrilles. Đừng nhầm với người lùn trong thời đại cổ Hy Lạp-La Mã bị đày đi sống tại nhiều nước, nhất là vùng thượng nguồn sông Nil.[5]Homoncule: người nhỏ, không cơ thể, không giới tính, có những khả năng siêu nhiên, do các phù thuỷ sáng tạo ra (Tự điển Larousse)[6]Tên mới của Cộng hoà Haute Volta, thuộc miền tây châu Phi[7]Nước Pháp đang bầu tổng thống mới thay tổng thống Jacques Chirac. Cuộc bầu cử này gồm hai vòng, vòng đầu được tổ chức vào ngày chủ nhật 22/04/2007. Hai ứng cử viên được nhiều phiếu nhất sẽ được chọn để ứng cử vòng hai, được tổ chức hai tuần sau, vào ngày chủ nhật 6/5/2007. Trong vòng hai, người được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành tổng thống. Theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận, hai ứng cử viên có triển vọng vào vòng hai là Nicolas Sarkosy, thuộc đảng đang cầm quyền: Liên hiệp cho một Phong trào Quần chúng (UMP: Union pour un Mouvement Populaire) và bà Ségolène Royal của Đảng Xã hội (PS: Parti socialiste). Hai ứng cử viên này có hai đặc tính khác các ứng cử viên khác từ xưa đến nay, ngoài việc Ségolène Royal là một người đàn bà, nếu đắc cử sẽ là người đàn bà đầu tiên lên làm tổng thống nước Pháp, ông Nicolas Sarkosy là một người di dân thế hệ hai (tên trên giấy khai sinh là Nicolas, Paul, Stéphane Sárközy de Nagy-Bócsa, con một người di dân Hung, Pál Sárközy de Nagybocsa, tên Hung là nagybocsai Sárközy Pál, khi Hồng quân chiếm đóng Hung năm 1944, gia đình bị tịch thu tài sản và bắt buộc tị nạn qua Tây Âu).[8]Trong số những người này, phải kể đến Alain Duhamel, một nhà báo chuyên về chính trị và nhà viết tiểu luận (essayiste) nổi tiếng. Trong tác phẩm Những người ngấp nghé ghế tổng thống Pháp năm 2007 (Les Prétendants 2007), xuất bản năm 2006, ông đã liệt kê 20 người, nhưng không kể đến bà Ségolène Royal. Gần đây, trước sự thành công của bà, - một trong những nhân vật chính trị ăn khách nhất của Pháp theo các cơ quan thăm dò dư luận và đã đắc cử ứng cử viên tổng thống, với 3/5 số phiếu, trong cuộc tranh cử nội bộ của Đảng Xã hội, thắng hai ứng cử viên được xem là những “con voi” (éléphant, nghĩa là nhân vật nặng ký) của Đảng Xã hội: Laurent Fabius, cựu thủ tướng và Dominique Strauss-Kahn, cựu tổng trưởng kinh tế tài chánh -, Alain Duhamel đã quyết định thêm một chương nói về Ségolène Royal trong lần tái bản cuốn sách nói trên dưới dạng sách bỏ túi (édition Poche). Nhưng không hối tiếc gì về sự “quên” của mình. Người ta có thể đọc: “Để nói những sự việc như chúng vốn dĩ, không có gì về hành trình của Ségolène Royal trong Đảng Xã hội chứng tỏ bà có cương vị tổng thống và trong các chức vụ hạng hai mà bà đã giữ trong chính phủ - trong mọi trường hợp bản tổng kết thành tích bà để lại - không cho phép xếp sẵn bà là ứng cử viên hay sửa soạn thành ứng cử viên tổng thống”. [9]Tên của phủ tổng thống Pháp
Nguồn: Le Monde 2, 03.2.2007.

Thầy Vượng đã dạy cho sinh viên trong môn CSVHVN, Mẫu hệ không có nghĩa là Mẫu quyền và đã đưa ra nhiều ví dụ lấy từ thực tế một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên.



2 nhận xét:

  1. Thật ngạc nhiên khi 1 người nghiên cứu lâu năm như bà Françoise Héritier lại phủ nhận giai đoạn Mẫu hệ.
    Có sự thay đổi Mẫu hệ-Phụ hệ.
    Nhưng không có biến đổi tương tự về QUYỀN

    Trả lờiXóa