Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2009

Vị thê Địa-Lịch sử và Bản sắc Địa – Văn hóa của Hội An

Trần Quốc Vượng
Nguồn: Trong Cõi. Nxb. Trăm Hoa.

Mười năm sau ngày thống nhất Bắc Nam (1975-1985), giới khảo cổ học Việt Nam đã lật lên từ trong lòng đất những trang sử chưa hề được biết tới từ trước tới nay của xứ Quảng nói chung và Hội An nói riêng. Chưa kể đến những viên cuội gia công phát hiện rải rác ở miền đồi núi, người ta bắt đầu biết đến một Bàu Dũ của một cộng đồng người định cư đầu tiên ở vùng cồn-bàu ven biển xứ Quảng, từ 6000 năm về trước, mà phức thể kỹ thuật mang dáng vẻ Hoà Bình muộn. Phải chăng với Giáp Khẩu ở cửa Lục (vịnh Hạ Long), với Cái Bèo trên đảo Các Bà (Hải Phòng) và với Bàu Dũ xứ Quảng, ta có thể - và cần - phải nói đến một văn hoá - hay một phức thể - Hoà Bình không chỉ là một Hoà Bình hang động hay một Hoà Bình thung lũng mà còn có một Hoà Bình cồn bàu ven biển ? Nhưng điều quan trọng hơn, là từ sau Thống nhất, ta đã tìm thấy một/những phức thể văn hoá thời đại kim khí ở xứ Quảng - và Hội An - từ Bàu Trăm đến Đại Lãnh, từ sơ kỳ thời đại ĐỒNG đến sơ kỳ thời đại SẮT mà, tuy vẫn có nhà khảo cổ không đồng ý, ta có thể gọi là một phức thể văn hoá Sa Huỳnh với các di chỉ, cũng vẫn là cồn bàu, tập trung khá dày đặc ở ven sông, từ vùng chân núi đồi đến các dải cồn cát ven biển vắt ngang qua đôi bờ Cửa Đại - Hội An. Tất cả những hiểu biết đó đã được bước đầu phản ánh, vừa khái quát vừa chi tiết, trong cuốn sách Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng công bố năm 1985, mà tôi được vinh hạnh làm chủ biên. Những phát hiện đó và những phát hiện tiếp theo buộc ta phải đặt việc nghiên cứu Hội An:
* Trong bối cảnh không gian văn hoá xứ Quảng nói chung, và * Trong bối cảnh thời gian văn hoá xứ Quảng, từ lịch đại đến đồng đại. Có nghĩa là phải trở lại cội nguồn của Hội An, từ tiền sử và sơ sử.
Cũng đã qua đi 10 năm tu sửa và phục chế Mỹ Sơn, thánh địa Chàm nổi danh cùng nhiều di tích tháp Chàm khác ở xứ Quảng và miền nam Trung bộ. Công cuộc nghiên cứu Chămpa trên điền dã của giới nghiên cứu Việt Nam mới thực sự bắt đầu, tiếp theo vài công trình nghiên cứu ban đầu trên thư tịch cổ. Cho đến Hội nghị khoa học (đầu tiên) về khu phố cổ Hội An tháng 7 năm 1985 do Bộ Văn hoá khởi xướng - và cá nhân tôi có góp phần chủ trì - thì những phát hiện về di tích Chàm cổ ở Hội An và quanh Hội An vẫn là chưa đáng kể. Bằng dự cảm khoa học và chút ít tài liệu thư tịch trong tay, tôi đã viết bản tham luận tại hội nghị này: "Chiêm cảng - Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt", (ba năm sau, bài tham luận này mới được in trên tạp chí Đất Quảng, số 3-4, 1988) trong đó tôi khẳng định: "Vùng Cửa Đại xưa là hải cảng chính của nước Chămpa và của kinh thành Chămpa trên đất Quảng Nam" (tr. 103-104). Thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội nghị đọc bản Tổng thuật về khu phố cổ Hội An, (đăng trên Tập san Thông tin khoa học kỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, số 3-1986) tôi cũng khẳng định như vậy. Còn cái quá khứ, cái "tiền sử" Sa Huỳnh của Hội An thì ở cả tham luận và Tổng thuật chỉ được nhắc đến một cách mơ hồ... Là bởi vì giới khảo cổ học chưa phát hiện được một di tích Sa Huỳnh đích thực nào ở Hội An, trừ một vài mảnh gốm nhặt được ngẫu nhiên trên mặt đất... Cũng trong khoảng 10 năm đó, vấn đề lịch sử Đàng Trong, vấn đề thời Nguyễn (cả chúa lẫn vua) và nhà Nguyễn cũng chưa được giới sử học Việt Nam xem xét lại trên tinh thần Đổi mởi tư duy sử học. Nói chung người ta xếp nó vào thời đại suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, cái nhìn về Hội An cũng bị ảnh hưởng theo. Thời bấy giờ, khó mà có ai nói được rằng cảng-thị Hội An đã bị nghĩa quân Tây Sơn tàn phà và Hội An có một thời được phục hưng lại dưới triều Nguyễn thậm chí cho đến thời Tự Đức trước khi nhường địa vị cảng chính của xứ Quảng cho Đà Nẵng - Tourane, dưới thời đô hộ Pháp và cho tới ngày hôm nay. Năm năm qua, đặc biệt từ cuối năm 1986 (Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI nêu phương châm "Đổi mới tư duy") đến nay, công cuộc nghiên cứu sử học - khảo cổ học của Việt Nam có một số tiến bộ đáng kể, trên điền dã, qua thư tịch và trong chiều hướng "suy nghĩ lại" một số vấn đề lịch sử Việt Nam. Bộ môn khảo cổ học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức các cuộc điều tra - khai quật trên đất Quảng trong các năm 1986, 1987, 1988 chủ yếu ở Trà Kiệu, Đồng Dương, Trung Phường và chút ít ở Hội An... Nhưng việc đổi mới cách nhìn và có một hiểu biết vững chãi hơn về Hội An của chúng tôi thì, thú thật, phải chờ đến mùa điền dã tháng 6 và 7 năm 1989 do Trung tâm Văn hoá Việt Nam khởi xướng với sự phối hợp của Trung tâm Văn hoá Quảng Nam cùng Sở Văn hoá Quảng Nam - Đà Nẵng và Ban Quản lý di tích Hội An. Những kết quả đáng khích lệ của mùa điền dã ấy được phản ánh một phần trong hai bài báo của tôi: "Những thành tựu nghiên cứu văn hoá rực rỡ ở miền Trung" (đăng trên tuần báo Thể thao và Văn hoá số ra ngày 19-8-1989, trang 14) và Thấy gì ở Hội An? (đăng trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng chủ nhật số 33 ra ngày 13-8-1989, trang 8) cùng bài của Hồ Trung Tú Theo dấu chân nhà khảo cổ (đăng trên Tập san Đất Quảng số 36, 1990) và nhiều thông báo khoa học đọc ở Hội nghị thông báo khảo cổ học hàng năm tháng 9-1989 cũng như một số báo cáo khoa học sẽ đọc ở cuộc Hội thảo quốc tế về Hội An lần này tháng 3-1990. Sau đây, tôi chỉ nói khái quát một cách nhìn mới về Hội An, với tiêu đề "Vị thế địa-lịch sử và Bản sắc địa-văn hoá của Hội An".
HỘI AN VỚI CÁI NHÌN MÔI TRƯỜNG SINH THÁI - NHÂN VĂN
Hội An vốn là một tên xã, xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII (theo tấm bia ở Non Nước - Ngũ Hành Sơn). Nó vẫn có - và còn có - một cái tên dân gian là Phố Hội.

1. Cái nhìn phong thuỷ - tiền sinh thái nhân văn - của người xưa bảo: "Hội nhân như hội thuỷ" (đất tốt có sự tụ họp của người cũng tốt như có sự hội tụ của nước). Lại cũng có câu: "Nhất cận thị, nhị cận giang" (đất tốt thứ nhất là ở gần chợ (họp người), thứ nhì là ở gần sông (có dòng chảy)). Hội An là như thế và hơn thế: Vừa hội nhân và hội thuỷ, vừa cận thị, vừa cận giang! a) Vậy yếu tố môi trường thứ nhất của Hội An là SÔNG NƯỚC. Và ta có thể định tính đầu tiên về Hội An là một thành phố sông, một đô thị sông nước. b) Như thế cũng đúng thôi, nhưng mà vẫn chưa đủ. Ở thung lũng, ở đồng bằng và ở một vùng "sông nước" như toàn thể Việt Nam khi mà tính trung bình mỗi km² đất đai có trên 1km sông suối thì từ cái LÀNG định cư đầu tiên - ở thời đại ĐÁ MỚI hay ở thời đại KIM KHÍ - cho đến về sau đều là làng ven sông suối. Và do nhu cầu trao đổi liên làng hay do nhu cầu trao đổi giữa thế giới làng trồng trọt (kiêm chăn nuôi nhỏ) và thế giới làng đánh cá (vạn chài) mà xuất hiện những cái chợ thì kinh nghiệm điền dã và sự phân tích ngữ ngôn cho ta hay là những cái chợ đầu tiên đều là chợ bến hay là chợ búa ("búa" là từ Việt cổ chỉ cái bến sông). Cho tới khi trong lòng xã hội xuất hiện những quan hệ siêu làng hay là những nhà nước manh nha và đầu tiên thì cái LÀNG CẢ hay LÀNG CHỦ của vị thủ lĩnh siêu làng trở thành đô thị cổ. LẢNG CẢ Việt Trì của các VUA HÙNG, LÀNG CỦ Cổ Loa của vua Thục đều là những đô thị sông. Nói cho rành rẽ hơn và chính xác hơn, thì đó là những thành phố cổ ngã ba sông. Mà không chỉ có Việt Trì, Cổ Loa ở thời cổ đại, cả Hoa Lư, Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh rồi Huế, Sài Gòn... của thời trung đại, cận đại nữa cũng đều là thành phố sông, thành phố ngã ba sông cả. Tôi cho rằng đó là một đặc trưng của các đô thị cổ Việt Nam: Lý thuyết đo thị học dạy ta rằng số phận một thành thị gắn liền với đường sá và phương tiện giao thông. Thế mà ai cũng biết ở một Việt Nam truyền thống, mạng lưới giao thông cơ bản là đường thuỷ, phương tiện giao thông cơ bản là thuyền bè. Hội An cũng là như thế.
2. Đi sâu nghiên cứu về Hệ đường nước ở Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long-Hà Nội, Phú Xuân-Huế và nhiều thành phố cổ Việt Nam khác nhau như Luy Lâu (Hà Bắc), Thành Lồi (Huế), Trà Kiệu (Quảng Nam) v.v... tôi và các cộng sự viên còn phát hiện ra một điều lý thú khác: Đó là phần cốt lôi của một đô thị cổ Việt Nam bao giờ cũng nằm gọn trong một tứ giác nước và do vậy bốn góc (rồi nhiều góc) mà ta gọi là cửa ô thành phố đều là những ngã ba sông. Chỉ xin lấy một ví dụ về Thăng Long-Hà Nội trước khi trở lại với Hội An. Về mặt quy hoạch, nội thành Thăng Long-Hà Nội nằm gọn trong tứ giác nước Tô Lịch - Kim Ngưu (xem sơ đồ).
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông Kim Ngưu - Tô Lịch là sông bên này (Ca dao cổ)
Theo thuỷ văn học, đời sống những con sông du đãng ở đồng bằng - do chính nó tạo thành - không phải chỉ có sự đổi dòng từ từ mà có cả những đột biến, gây thiên tai cho nhân dân ven sông. Dòng chính của sông cũ sẽ trở thành sông nhánh. Theo dân gian và theo đô thị học, nhìn vào một đô thị sông hôm nay, nguời ta gọi con sông lớn là sông ngoài hay sông trước và dòng phụ hay sông nhánh của nó gọi là sông trong hay sông sau. Vậy hãy trở lại với Hội An. Ở Hà Nội, sông Nhị đổi dòng từ Tây sang Đông. Ở Hội An và xứ Quảng, Thu Bồn đổi dòng từ Bắc xuống Nam. Dòng chính hiện nay của đô thị Hội An là SÔNG HỘI AN vốn trước là dòng chính của SÔNG THU BỒN khi chảy ra cửa Đại. Đó là con sông trước của Hội An, đóng vai trò như Nhị Hà Thăng Long-Hà Nội. Còn con sông sau của Hội An ? Cũng như Tô Lịch, nó đã trở thành con sông chết hay con sông kín - hoặc nửa kín nửa hở - và chúng ta đã "phát hiện" ra nó trong mùa điền dã 89, còn từng đoạn như đầm Thanh Hà, những chân ruộng trũng "Dọc Gốm" Cẩm Hà, những dòng chảy nhỏ Bàu Súng, Bàu Ốc... dưới chân ven các cồn - đụn cát từ Cẩm Hà đến Cẩm Châu. Người Phố Hội - mà quá trình tiếp xúc - đan xen rồi giao thoa và dung hoá Việt-Hoa rất đậm đà trong lịch sử diễn tiến - không có lối nói về cái "Cốt lõi" của đô thị mình theo "ca dao" như người Nà Nội mà có một câu nói "nửa chữ nửa nôm" vô cùng phổ biến:
"Hạ chí Âm Bổn, Thượng chí Chùa Cầu"
Mùa điền dã 89 chỉ ra rằng Chùa Cầu - cùng cạnh đó là đình Cẩm Phô và Âm Bổn (hay Ông Bổn) - cùng cạnh đó là đỉnh Sơn Phô - là hai điểm mút của cạnh đáy của cái "tứ giác nước" Hội An (Sông Thu Bồn (Hội An) là trục chỉ đạo của quy hoạch đường phố Hội An cũng như sông Hồng là trục chỉ đạo của đường phố Hà Nội cổ. Nếu đường bờ sông của Hà Nội cổ chuyển dịch dần từ Tây sang Đông, từ trục Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường đến Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải hiện nay, thì đường bờ sông của Hội An cổ chuyển dịch dần từ Bắc xuống Nam, từ đường Trần Phú (XVII-XVIII) đến đường Bạch Đằng (cuối XIX đến nay)...

3. Cũng là thành phố sông và cái lô cốt nằm trong tứ giác nước như Thăng Long Nhị Hà - Hoa Lư sông Đáy - Huế sông Hương... nhưng về mặt môi trường sinh thái - nhân văn, Hội An lại cũng có mặt khác với các đô thị cổ nói trên. Đến thế kỷ X-XI thì Thăng Long đã ở sâu nội địa đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đó là đô thị sông nội địa. Ở thời gian ấy, Hoa Lư còn ở gần cửa biển Đại An - Vọng Doanh nhưng Hoa Lư là một thung lũng hay bồn địa giữa núi, địa hình khác hẳn Hội An. Huế thì vẫn là đô thị sông, ở cách biển hàng chục km, không phải là một cảng thị. Hội An là một cảng thị, một đô thị ở cửa sông và ven biển. Do vậy mà vấn đề sông nước ở Hội An có phần phức tạp hơn.
a) Nếu thoạt kỳ thuỷ Hà Nội cổ là một đô thị nằm giữa một vùng bãi - đầm lầy nội địa thì Hội An lại là một đô thị nằm giữa một vũng cồn bàu sông nước đầm lầy nhiễm mặn. Theo Thuỷ văn học, triều xưa - khi cửa Đại còn sâu - dâng cao tới 1m6 (vào khoảng 15 tháng bảy), lên tới cầu Câu Lâu và các cánh đồng ruộng Hội An rất dễ bị nhiễm mặn. Vậy nếu chỉ nhìn riêng về mặt sinh thái tự nhiên không thôi, ta đã có thể mở rộng "không gian Hội An" lên tới vùng Câu Lâu huống chi, như sau đây sẽ chứng minh, không gian văn hoá-xã hội Hội An xưa thì nhất thiết phải mở tới Câu Lâu.
b) Hội An không chỉ là sản phẩm của SÔNG (hệ Thu Bồn) mà còn là sản phẩm của BIỂN. - Đồng đất Hội An không chỉ có phù sa sông mà còn có cát biển. Đấy là địa hình phẳng, ở độ cao +0. - Về địa hình DƯƠNG (cao hơn mặt đất ruộng +10m) Hội An là một hệ CỒN, bao gồm:
* Những doi đất phù sa ven sông: tính từ câu Câu Lâu xuống biển, ở tả ngạn sông là những dải doi đất: 1-Thanh Chiêm, 2-Phú Chiêm, 3-Thanh Hà, 4-Cẩm Phô, 5-HỘI AN (nghĩa hẹp) tức là PHỐ HỘI, 6-SƠN PHÔ. Xen kẽ giữa từng doi đất phù sa ấy là những dòng chảy nhỏ đổ từ vùng SÔNG TRONG - dòng chảy cũ của Thu Bồn - xuống dòng chảy hiện tại.
* Lại phải tính đến địa hình dọc Bắc-Nam là các CỒN CÁT BIỂN đánh dấu những đường bờ biển cổ, từ cồn biểu hiện tại Cẩm An ở phía Đông sông Cổ Cò (Để Võng) đến các cồn Sơn Phô, Hội An, Cẩm Phô, Thanh Hà. Xen kẽ chúng, là các "hói" từ Tây-Đông đến sông Cổ Cò (Bắc) và Trường Giang (Nam). Về địa hình ÂM, ta cần chú ý đến hệ BÀU-ĐẦM: Đáng chú ý nhất là đầm Trà Quế (bắc) (I) gắn với sông Cổ Cò (Để Võng) và đầm Trà Nhiêu (nam) (II) gắn với sông Trường Giang. Ngoài ra là các Bàu Ốc, Bàu Súng, Bàu Ấu, Bàu Sen, Bàu Sấu...
* Sông Để Võng - Cổ Cò nối vịnh Hàn qua đầm Trà Quế với Hội An - Cửa Đại - Đấy là con SÔNG TRONG của đường ven biển cũ. Và đầm Trà Quế có thể xem là VŨNG TÀU BẮC của đô thị cổ Hội An với, khi trước Vũng Thùng (Đà Nẵng) là tiền cảng Bắc.
* Sông Trường Giang nối vùng biển Nam qua đầm Trà Nhiêu với Hội An - Cửa Đại. Đấy cũng là con SÔNG TRONG của đường ven biển cũ ở phía Nam (Thăng Bình) đối ứng với sông Cổ Cò ở phía Bắc. Và đầm Trà Nhiêu cũng có thể xem là VŨNG TÀU Nam của đô thị cổ Hội An đối ứng với đầm Trà Quế ở phía Bắc.
* Có hai ngã tư đường nước ở trên và dưới Hội An hiện tại: một là ở Bàn Thạch - Bến Cồn Chăm nay thuộc xã Duy Vinh huyện Duy Xuyên, hai là ở phần cửa Đại hôm nay - với Cẩm An ở Bắc và An Lương - Trung Phường (Duy Hải) ở Nam. Ta sẽ thấy, qua tư liệu khảo cổ, đấy cũng là hai bến thuyền-tàu dính líu mật thiết, hữu cơ với cảng thị Hội An.
Vậy có thể kết luận bước đầu về mặt môi trường sinh thái: - HỘI AN là một phức hệ SÔNG CHẰNG CHỊT ở VÙNG CỬA BIỂN. - HỘI AN là một phức hệ CỒN BÀU VEN BIỂN. Nó đòi hỏi không thể nhìn Hội An cũ-mới chỉ như một cảng-thị, với một cảng và một thị. Mà cõ lẽ nên nhìn Hội An cũ-mới như một hệ cảng-thị, với nhiều cảng (sông-biển) và nhiều thị (sông-biển). Nói rút gọn:
HỘI AN = cảng-thị sông-biển.

BẢN SẮC ĐỊA-VĂN HOÁ CỦA HỘI AN
Dưới đây sẽ chỉ nói tóm tắt vì đã/sẽ có nhiều báo cáo chi tiết tiếp theo.

1. Hội An có một hệ tầng văn hoá xếp thứ tự theo trật tự thời gian - không gian sau đây:
- Tầng SA-HUỲNH từ dăm ba thế kỷ trước Công nguyên cho đến đầu Công nguyên ở vùng CỒN BÀU ven SÔNG TRONG và ven ĐƯỜNG BỜ BIỂN CỔ; từ vùng Ngũ-hành-sơn (núi Hoả) đến Hoà Quí hiện tại, nghĩa là ven sông Cổ Cò - Đề Võng và các phụ lưu hiện tại. Có thể xem hệ Bàu Sen - Bàu Ấu - Bàu Súng - Bàu Ốc... là dòng THU BỒN cổ và sông Cổ Cò là đường ven biển cổ trước sau Công nguyên.
- Tầng CHĂMPA từ một hai thế kỷ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XV. Nối các di tích Chămpa đã được phát hiện đến nay từ Rọc Gốm An Bang - Lùm Bà Yàng thuộc Thanh Chiêm xã Cẩm Hà - đến vùng Lăng Bà Yàng ở Gò ven biển Thanh Đông xã Cẩm Thanh vùng non nước Ngũ Hành Sơn và có thể cả Trung Phường ở hai bên cửa Đại kể cả một số giếng Chàm cổ ở Cẩm Phô Sơn Phô, Cù Lao Chàm và Trung Phường, ta cỏ thể đi đến kết luận giờ đây đã khá là vững chắc rằng: HỘI AN cổ vốn đã là một cảng thị phồn vinh từ thời đại Chămpa. Đấy có thể là LÂM ẤP PHỐ của Thuỷ kinh chú thế kỷ VI mà Cù lao Chàm ("Chiêm bất lao") là bức bình phong ngoài cửa biển và Bến Cồn Chăm (Bàn Thạch) là cảng cuối từ cửa biển vào, trước khi ngược sông Bà Rén để lên kinh đô Trà Kiện Sinhapura. Một bạn quốc tế Malaixia cho tôi hay rằng trong các huyền tích và sử thi Mã-lai cổ, người ta đều nhắc đến việc hành hương-du lịch tới Sinhapura mà chắc chắn không phải là Singapore hiện tại - mới xuất hiện vài trăm năm nay mà thôi. Khi được thông báo đó chính là Trà Kiệu của xứ Quảng hôm nay, bạn ấy rất vui sướng và bày tỏ nguyện vọng được trở lại Sinhapura cổ mà người Mã Lai xưa dùng thuyền tàu perahu - hay praie, thức là thanh âm Mã-lai ngữ của ghe BÀU - để tới... Giữa tầng văn hoá Sa Huỳnh và tầng văn hoá Chămpa điển hình (thế kỷ VII-VIII - X-XI) là một tầng giao thoa kết tinh và hội tụ văn hoá Chămpa sớm mà nền và giới khảo cổ học Việt Nam đã và vẫn còn sẽ phải dày công tìm tòi, suy xét dù rằng việc phát hiện di tích Sa Huỳnh muộn ở Cẩm Hà - có tiền Ngũ Thủ và Vương Mãng của Hán cổ kèm theo - và một số mảnh gốm Sa Huỳnh muộn ở tầng đáy các di tích Chàm ở Trà Kiệu-Chiêm Đông (Duy Sơn, Duy Xuyên) đã đưa lại vài ánh sáng về sự giao thoa và hội nhập văn hoá. Sa Huỳnh-Chămpa-Hán cổ cũng như những phát hiện ở Khương Mỹ-Tam Xuân (huyện núi Thành nay) đã đem lại chút ít ánh sáng về sự giao thoa Đông Sơn-Sa Huỳnh muộn để làm nên văn minh sớm Chămpa.
- Đợt điền dã 89, đặc biệt là việc khai quật thăm dò ở Cẩm Hà, chùa Âm Bổn, Trung Phường Bến Cồn Chăm, Thanh Chiêm Trà Kiệu đã phát hiện được gốm-gạch-ngói bệ đá hoa sen Chămpa, nhiều đồ gốm-sứ cùng tiền đồng cổ của Trung Hoa thời Tống-Nguyên-Minh-Thanh cho thấy sự giao thoa văn hoá Chăm-Việt-Hoa vẫn tiếp tục diễn tiến từ thiên niên kỷ I của Công nguyên đến giữa cuối thiên niên kỷ II theo xu hướng từ Việt-Chăm đến Chăm-Việt với bao giờ cũng có những yếu tố ngoại sinh Hán-Hoa quan trọng trên phần Đông bán đảo Đông Dương. Từ thế kỷ XV trở đi văn hoá Đại Việt trở thành chủ thể với các làng đánh cá, làng trồng trọt và làng thủ công quanh cảng thị Hội An. Nói thêm về ảnh hưởng Trung Hoa: yếu tố Hán-Lục triều (gốm-sứ-ngói) thể hiện rất rõ ở Trà Kiệu cũng như ở Hội An-Trung Phường. Đó là thời kỳ vương triều Chămpa - nhất là thời kỳ Phạm Văn - học tập và tiếp thu văn minh Trung Hoa sau khi đã giành được ĐỘC LẬP từ chính tay bọn đô hộ Hán. Đây là một vấn đề lý luận rất lý thú về văn hoá học: một nước, một cư dân có thể chịu ảnh hưởng văn hoá mạnh mẽ của nước "chính quốc" sau khi đã giành được quyền tự chủ về chính trị kinh tế có thể còn mạnh mẽ hơn là dưới thời đô hộ của kẻ cầm quyền "chính quốc".
- Chưa tìm thấy những đồ gốm-sứ Trung Hoa thời Đường - Ngũ Đại ở Trà Kiệu-Hội An (Hiện nay đã tìm thấy khá nhiều - Lâm Mỹ Dung). Có thể, như sử sách ghi và di tích khảo cổ minh chứng ảnh hưởng chính trị văn hoá của Trung Hoa đã bị đẩy lùi khỏi xứ sở Amaravâti từ thế kỷ VI-IX trước những ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Ấn Độ-Ả rập.
- Nhà Tống - trái với ứng xử vũ dũng và đại lục của nhà Đường - đã triển khai một đường lối buôn bán và hải dương nên lại "có mặt" ở Chămpa: vùng cửa Đại - Trung Phường đầy rẫy mảnh sứ men đông-thanh của Tống.
- Đầu thời Minh, tuy Trung Hoa được thực hiện chính sách "bế môn toả cảng" nhưng cư dân Trung Hoa ven biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông vẫn tiếp tục giao lưu buôn bán với vùng biển Phương Nam. Bà Roxana Brown, trong đợt điền dã Việt Nam - Ôxtrâylia 90 ở Quảng Nam, đã nhận ra nhiều đồ sứ Quảng Đông XI-XVI ở Trà Kiệu và Hội An-Trung Phường. - Cuối đời Minh đầu đời Thanh (giữa thế kỷ XVII) đã chứng kiến sự thành lập Minh Hương xã từ Hội An đến Trung Phường (Duy Hải) Cẩm Hà, Bàn Thạch - Trà Nhiêu (Duy Vinh). Một sự hội nhập văn hoá Trung Hoa mới lại diễn ra mạnh mẽ với, lần này là, sự tiếp xúc, đan xen và dung hoà văn hoá Việt-Hoa. Người Minh Hương ở Hội An hôm nay đã hoàn toàn Việt hoá và nói tiếng Việt. Yếu tố Hoa làm giàu cho văn hoá Việt Hội An. - Đến nửa đầu thế kỷ XIX với sự "ổn định" của triều Nguyễn và sự hỗn loạn ở Trung Hoa sau chiến tranh thuốc phiện 1840, lại có một đợt di cư mới của "Ngũ Bang" (Phúc Kiến, Gia Ứng, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam) Hoa Kiều sang Hội An, dẫn tới việc xây dựng những hội quán-đình-chùa của Ngũ Bang ở đường Nguyễn Thái Học Hội An như hiện nay ta biết. Tất nhiên, không thể phủ nhận những ảnh hưởng văn hoá ngoại sinh khác ở Hội An như Nhật Bản, Ả rập v.v...
* * *
Sử cũ cho biết: một phần phía bắc hay cả xứ Quảng hiện nay đã thuộc lãnh thổ Đại Việt từ cuối đời Trần (1306) rồi đời Hồ (1402) và đặc biệt sau cuộc chiến Việt-Chàm 1471 thì đạo (thừa tuyên) Quảng Nam đã được thành lập vững chắc. Có chiến tranh là có giết chóc nhưng không hề có sự tiêu diệt và khu trục người Chàm ra khỏi vùng Thuận Hoá - Quảng Nam như nhiều người lầm tưởng trước đây. Đã phát hiện - qua tộc phả và mộ cổ - nhiều cuộc hôn nhân Việt (nam) - Chàm (nữ), có nhiều dòng họ Việt gốc Chàm (Ông, Ma, Trà, Chế) và thậm chí cho đến nay vẫn tồn tại tầng-ốc đảo người Việt gốc Chăm như Vân Thê (Huế), Nam Ô, Tuý Loan, Đồng Dương (Quảng Nam). - Sắc thái văn hoá Hội An cũng như xứ Quảng và toàn Nam Trung Bộ là kết quả giao thoa, đan xen và dung hoà giữa hai văn hoá Việt Chàm. Riêng ở cảng thị quốc tế Hội An, đó còn là kết quả giao thoa đan xen và dung hoà giữa các văn hoá Chàm-Việt-Hoa, và một số yếu tố ngoại sinh khác nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét