Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Văn hóa Đồng Nai

Trong thời đại kim khí (từ khoảng 4.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay) trên lãnh thổ Việt Nam cùng hình thành và phát triển ba trung tâm văn hóa. Đó là:
Trung tâm Tiền Đông Sơn - Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam
Trung tâm Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam
Trung tâm văn hóa Đồng Nai với các giai đoạn từ đồng thau đến sơ kỳ sắt.
Văn hóa Đồng Nai (thời đại đồng thau)
Hai khu vực: Lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Vàm Cỏ
Tại hai lưu vực sông này thời đại kim khí đều có nguồn gốc từ những giai đoạn hậu kỳ đá mới trước đó. Việc phân chia giai đoạn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên có thể đưa ra một số nét khái quát sau.

Mật độ phân bố di tích thời đại kim khí khá đậm đặc. Nhiều di tích có quy mô lớn hàng vạn m2. Loại hình di tich ở đây cũng khá đa dạng: di tích cư trú, di tích cư trú- mộ táng, di tích cư trú-xưởng hay di tích công xưởng…
Cấu tạo địa chất của khu vực không đồng nhất và thời gian cư trú không đồng đều đã tạo nên sự đa dạng phức tạp của cấu tạo tầng văn hoá. Độ dày mỏng của tầng văn hoá không đều nhau. Có di tích chỉ có một tầng văn hoá (Cầu Sắt, Bến Đò), song đa phần là những di tích có tầng văn hoá dày vắt ngang qua nhiều giai đoạn song lại chưa được phân chia trong một số trường hợp một cách cụ thể, xác định. Việc phân kỳ hiện nay còn khá nhiều ý kiến chưa đồng nhất, đặc biệt về niên đại mở đầu của Cầu Sắt - khởi điểm của văn hoá Đồng Nai. Giai đoạn cuối của thời đại đồng thau chứng kiến sự phân hoá mạnh mẽ giữa các vùng và sự hình thành các loại hình văn hoá địa phương. - Đồ đá: là loại di vật phổ biến và có số lượng lớn. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của văn hoá Đồng Nai - nơi mà công cụ, dụng cụ bằng đá lấn át mạnh mẽ và lâu dài kim loại. Sự bảo lưu kỹ thuật chế tác đá và loại hình công cụ đá của thời đại đồ đá mới trong các di tích thời đại kim khí được đề cập trong các nghiên cứu bằng các thuật ngữ "hậu đá mới", "đồng đá"…
Chất liệu dùng chế tác công cụ đá trong các địa điểm khảo cổ vùng Đồng Nai chủ yếu là đá basalt, một số từ đá andesite. Kỹ thuật chế tác đá mang nhiều tính chất thực dụng, tiết kiệm tối đa công sức và nguyên liệu. Kỹ thuật chế tác chủ đạo là ghè tạo dáng và mài hoàn chỉnh, kỹ thuật khoan ít, kỹ thuật cưa hiếm gặp và chủ yếu được sử dụng trong quá trình tạo rìu vai nhọn. Bộ công cụ đá mang tính chuyên môn hoá cao. Chiếm số lượng nhiều nhất là nhóm công cụ sản xuất, vũ khí (rìu, bôn, cuốc, mai, dao hái, đục, mũi nhọn, mũi tên…). Loại hình được coi là đặc trưng và mang phong cách văn hoá Đồng Nai là rìu bôn có vai và không có vai. Tỉ lệ giữa rìu bôn có vai và không vai là một trong những tiêu chí phân giai đoạn và loại hình văn hoá.
Loại chế phẩm bằng đá đặc sắc trong văn hoá Đồng Nai là đàn đá - nhạc cụ thuộc bộ gõ. Đàn đá có mặt ở nhiều di tích, niên đại khoảng 3.000 năm BP.


Đàn đá Bình Đa
Ở di tích Bình Đa lần đầu tiên những thanh đàn đá đã được tìm thấy trong tầng văn hoá cùng với tổ hợp di vật gốm đá khác. Phát hiện này đã giúp xác định được niên đại đàn đá, khẳng định sự tồn tại của một nhạc cụ cổ truyền ở Đồng Nai nói riêng và nước ta nói chung thời Tiền, Sơ sử.
- Đồ gốm: Có mặt với khối lượng lớn trong các di tích. Nhiều địa điểm số mảnh gốm lên tới hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn mảnh.
Chất liệu gốm có nhiều loại: thô, mịn và xốp. Bên cạnh đó còn có gốm màu với sắc mận chín, nâu gụ, xám ánh chì.
Kỹ thuật chủ đạo trong chế tác đồ gốm là bàn xoay, một số loại hình được làm bằng phương pháp dải cuộn và nặn tay.
Kiểu dáng gốm chủ yếu là các loại vò, nồi, bình, bát với nhiều loại kích thước khác nhau. Những loại hình đặc trưng là cà ràng, bàn xoa gốm, bi gốm, dọi xe chỉ.
Đồ gốm được trang trí bằng các loại hoa văn thừng, dập (đập), chải, khắc vạch, chấm dải, tô màu. So với những khu vực khác hoa văn gốm Đồng Nai đơn giản và mộc mạc hơn.
- Đồ gỗ: Văn hoá Đồng Nai còn nổi tiếng bởi sưu tập công cụ gỗ phong phú về loại hình, nhiều về số lượng. Đặc biệt là những tổ hợp hiện vật gỗ tìm thấy ở các di tích vùng sình lầy ven biển như Cái Vạn, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Rạch Lá
- Đồ xương: Văn hoá Đồng Nai đặc trưng bởi bộ sưu tập công cụ đồ dùng chế tác từ xương - sừng chưa từng có ở Đông Nam Á với những lưỡi câu lớn gia công từ sừng hươu, dao và kim dùi từ xương trụ của chó nhà, rìu có vai từ mai rùa biển và nhóm trang sức đủ loại ở các địa điểm An Sơn, Rạch Núi… (Long An)(theo những kết quả NC mới nhất, An Sơn, Rạch Núi được xác định là những di tích thuộc Hậu kỳ Đá mới).
- Đời sống vật chất: phát triển nền nông nghiệp dùng cuốc, bên cạnh cây lúa là các loại rau đậu, cây có quả - củ cho bột. Phương pháp canh tác đặc thù của nông nghiệp nương rẫy là phát - đốt. Chăn nuôi, săn bắt, thu lượm, đánh bắt thuỷ hải sản đặc biệt được coi trọng (số lượng xương sừng trong các di tích Bưng Bạc, An Sơn, Rạch Núi… lên tới hàng chục kg) (Theo ý kiến của một số người nghiên cứu nông nghiệp tuy đã phát triển nhưng chưa có vai trò vượt trội so với kinh tế khai thác). Ở đây đã diễn ra quá trình chuyên môn hoá - phân công lao động - phân vùng kinh tế tuỳ thuộc với từng tiểu vùng sinh thái. Đã hình thành những trung tâm sản xuất của nghề thủ công như làm gốm, đúc đồng, chế tác đồ trang sức đá…. Ở những vùng ngập mặn ven biển, kinh tế khai thác lâm, thuỷ, hải sản đóng vai trò quan trọng. Vùng cửa sông, ven biển hoạt động buôn bán, trao đổi.
- Đời sống tinh thần: được biết đến qua những hiện vật, những hình tượng nghệ thuật từ văn hoá trên đồ gốm, đồ đồng đến sưu tập thẻ đeo bằng đá cuội mài dẹt hình gần oval hoặc chữ nhật và bán cầu có lỗ thủng tròn hay tạo núm ở đầu, tượng lợn, rùa bằng sa thạch, đàn đá…


Văn hóa Đồng Nai (Sơ kỳ Sắt)
Các di tích sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam bộ phân bố chủ yếu ở lưu vực các dòng sông Đồng Nai, Vàm Cỏ với một hệ thống các chi lưu và lạch chằng chịt hoặc tập trung tại các giồng đất cao ven biển. Các di tích sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam bộ phân bố chủ yếu ở lưu vực các dòng sông Đồng Nai, Vàm Cỏ với một hệ thống các chi lưu và lạch chằng chịt hoặc tập trung tại các giồng đất cao ven biển. Các cộng đồng cư dân sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Nam bộ thường tập trung sống thành các làng định cư lớn ven các dòng sông hoặc ven biển, nơi có các doi đất cao thuộc bậc thềm phù sa cổ được thành tạo bởi các dòng sông. Bên cạnh đó cũng có làng định cư tại các vùng sình lầy ngập mặn với hệ thống nhà sàn gỗ.
Loại hình di tích độc đáo – Mộ cự thạch Hàng Gòn. Nniên đại của di tích khoảng cận kề Công nguyên và là loại hình mộ trác thạch có quy mô lớn nhất ở Đông Nam Á cùng giai đoạn. Có nhiều khả năng đây là mộ của vị thủ lĩnh hay dòng họ thủ lĩnh đứng đầu một lãnh địa khá hùng mạnh ở khu vực Đông Nam bộ. Qua đồng Long Giao Tù và bằng đồng tìm thấy trong khu di tích Cự thạch Hàng Gòn
Đồ đồng văn hóa Dốc Chùa với các loại hình như rìu lưỡi Parabol, qua, tượng thú….và một số lượng lớn khuôn đúc cho thấy tại đây đã hình thành và phát triển một trung tâm, một truyền thống đúc đồng mang tính địa phương. Các cộng đồng cư dân nơi đây dựa vào điều kiện sông nước mà giao lưu văn hoá-kinh tế, khai thác nhiều nguồn lợi tự nhiên phong phú và đa chiều giữa các cộng đồng cư dân khác trong bối cảnh thương mại biển ở khu vực Đông Nam Á bắt đầu một thời kỳ phát triển sôi nổi với khu vực Đông Á và Nam Á.
Phát triển các tuyến văn hóa theo khu vực
Khu vực 1: Lưu vực sông Đồng Nai và sông Vàm Cỏ. Đây là các di tích phân bố trên phạm vi các gò đất cao của vùng phù sa cổ lưu vực hai con sông Đồng Nai và Vàm Cỏ, gồm các di tích: Dốc Chùa lớp trên, Suối Chồn, Phú Hòa, Dầu Giây, Hàng Gòn, Lò Gạch, Gò Cao Su, Gò Hàng, Gò Ô Chùa lớp dưới, Long Giao (Xuân Lộc, Đồng Nai)...
- Khu vực 2: Từ hạ lưu sông Đồng Nai đến ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các di tích phân bố trên phạm vi các giồng đất cao xen giữa các dòng chảy ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Mekong, gồm các di tích: Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Lớn, Giồng Nổi (Bến Tre), Bưng Bạc, Bưng Thơm...
- Khu vực 3: Vùng đồng bằng thấp ven biển Đồng Tháp Mười với một di tích Gò Cây Tung.

Niên đại:Căn cứ vào các phân tích C14 và các đặc trưng di vật, cho thấy sơ kỳ thời đại đồ sắt ở miền Nam có niên đại khởi đầu từ khoảng giữa thiên niên kỷ I BC đến khoảng thế kỷ I-II AD.

Lâm Thị Mỹ Dung





3 nhận xét:

  1. bái viết của bạn rất hay, giúp mình biết thêm 1 nét văn hóa mới
    -----------------------------------thietbivattugo------------------------------------------
    Thiết bị vật tư ngành gỗ tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa
  2. thông tin của bạn chia sẻ rất hay làm cho mình biết thêm nhiều về văn hóa đồng nai
    .........maycuago............
    Máy cưa gỗ tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa