I. Bối cảnh Đông Nam Á
I.1. Bối cảnh Đông Nam Á: Tự nhiên - Con người - Văn hoá
Về địa lý, Đông Nam Á bao gồm hai khu vực: Đông Nam Á hải đảo có các nước Malaysia, Singapore, Indonesia, Đông Timor, Brunei, Philippines; và Đông Nam Á lục địa: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Từ góc độ sinh thái và văn hoá, Đông Nam Á còn bao gồm cả một phần khu vực tây nam Trung Hoa gồm các tỉnh Vân Nam và vùng Lưỡng Quảng (Quảng Tây, Quảng Đông).
Nhìn trên bản đồ thế giới, Đông Nam Á được thể hiện bằng một dải nếp gấp nhiều màu ở phần đông nam châu Á. Dải này bị thu hẹp bởi khối á lục địa Trung Quốc và Ấn Độ ở phía bắc, phía tây và châu Úc ở phía nam.
Đông Nam Á trải rộng trên một diện tích 3.9 triệu km2 với dân số trên 300 triệu dân và có 10 quốc gia. Tính từ tây sang đông trên phần lục địa là các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, tính từ đông sang nam nằm trong khu vực Biển Đông là một tập hợp các quốc gia quần đảo là các nước Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Đông Timor và Philippnes.
Theo quan điểm hiện nay, Đông Nam Á là một bộ phận mang tính toàn thể riêng của châu Á, chứ không chỉ đơn thuần là phần Nam của châu Á hay phần Đông của châu Á. Như vậy, Đông Nam Á là một thực thể riêng biệt có những tương đồng về lịch sử và văn hoá được hình thành và phát triển trên cơ sở của Hệ sinh thái phổ tạp (General ecosystem) với những đặc trưng cơ bản: Chỉ số đa dạng về giống loài cao; Khả năng tái sinh nhanh; nhưng, Số lượng trên mỗi giống loài thường thấp. Ba đặc trưng đó được hình thành trên cơ sở điều kiện Nóng - Ẩm - Gió mùa đặc thù của Đông Nam Á, địa hình bị chia cắt thành những không gian sinh tồn tương đối nhỏ hẹp bởi nằm ở khu vực chân núi cao của lục địa châu Á và là những quốc gia cận biển, trên biển và có chỉ số duyên hải cao.
Kết quả nghiên cứu của nhiều ngành chuyên môn đặc biệt là khảo cổ học và nhân học cho thấy, ngay cả khi các quốc gia khu vực có sự tiếp nhận, chịu ảnh hưởng từ môi trường văn hoá bên ngoài, thì sớm muộn những nhân tố ngoại nhập đó cũng có những biến đổi thậm chí được tái cấu trúc để tương thích với môi trường văn hoá mới, với những quan niệm bản địa về vũ trụ, thân phận, quan hệ xã hội, quyền lực và tín ngưỡng.
Trong những thập kỷ gần đây, trên cơ sở những thành tựu nghiên cứu vốn có, các học giả khu vực và quốc tế đa đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu những đặc tính lịch sử, văn hoá khu vực. Những thành tựu đó không chỉ làm sáng tỏ nhiều vấn đề học thuật, thay đổi nhận thức truyền thống về Đông Nam Á mà còn có nhiều đóng góp cho việc xây dựng các mô hình lý thuyết xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sắc tộc và mối quan hệ thân tộc trong một sắc tộc, giữa các sắc tộc và với môi trường xã hội tương ứng, về sự hình thành dân tộc và năng lực ứng biến trước những nền văn hoá, văn minh lớn của chung văn hoá khu vực cũng như của mỗi quốc gia.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, phải đến thời kỳ diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai thì khái niệm “Đông Nam Á” mới xuất hiện cùng với việc Bộ chỉ huy liên quân Anh - Mỹ thiết lập Bộ chỉ huy đồng minh (Southeast Asia Command) nhằm ngăn chặn sự bành trướng của quân đội Nhật Bản xuống khu vực Đông Nam của châu Á. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XIX hai nhà khoa học là Malte Brun (quốc tịch Pháp) và Leyden (Anh) đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Indo - Chine” với ý nghĩa như một khu vực địa - văn hoá nằm giữa hai trung tâm văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy nhiên, khái niệm đó chỉ bao gồm các nước Đông Nam Á lục địa còn các quốc đảo phía đông nam thì vẫn nằm ngoài quan niệm của các tác giả. Tuy cách hiểu về Đông Nam Á vẫn còn nhiều sai lệch nhưng cho đến đầu thế kỷ XX, nhận thức của thế giới về Đông Nam Á ngày càng trở nên hoàn chỉnh. Và, Đông Nam Á không chỉ là khu vực được giới nghiên cứu, chính quyền các quốc gia châu Âu quan tâm mà một số nước ở châu Á cũng rất chú ý đến những đặc trưng văn hoá tiêu biểu và diễn tiến của đời sống lịch sử, văn hoá khu vực. Vào thời cải cách Minh Trị (1868-1912), một bộ phận trí thức và chính giới Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các quốc gia khu vực. Mặc dù vậy, cho đến giữa thế kỷ XX, dưới nhãn quan của không ít học giả quốc tế trong đó đặc biệt là giới nghiên cứu Âu - Mỹ thì Đông Nam Á chỉ được coi là vùng “Ngoại Ấn”, “Indo - China”, “Đông Dương”, “Đông Pháp”, hay khu vực “Biển Nam”, “Nan’ yo” (Nam Dương), “Tonan Ajia” (Đông Nam Á)... theo cách hiểu của người Trung Quốc và Nhật Bản.
Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với những thành tựu nghiên cứu mới và sự trưởng thành về nhận thức khoa học, Đông Nam Á mới được xem là một khu vực với những đặc điểm riêng biệt. Mặc dù trước đó, từ thế kỷ XIX một số nhà khoa học Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản đã có những bài viết, công trình viết về địa lý, văn hoá và lịch sử khu vực. Những thành tựu nghiên cứu khoảng 4 thập kỷ trở lại đây cho phép chúng ta có thể kết luận rằng, Đông Nam Á phải được coi là Trung tâm quan trọng của văn minh gắn với những dấu ấn khởi nguồn của văn minh nhân loại và chí ít trong hai nghìn năm lại đây Đông Nam Á từng giữ vai trò tích cực trong lịch sử châu Á và lịch sử thế giới.
Nếu có cái nhìn phân lập thì trên thực tế Đông Nam Á sự hợp thành của hai “thế giới” về cả tự nhiên, lịch sử và văn hoá. Những nước ở Đông Nam Á lục địa nằm trên lãnh thổ được hình thành bởi phù sa của những dòng sông nhìn chung đều bắt nguồn từ những vùng núi cao của lục địa châu Á chảy theo hướng tây bắc - đông nam rồi đổ ra biển. Các hệ thống sông lớn của châu Á lục địa như Hồng Hà, Mekong, Chao Phraya (Mê Nam) đều tuân thủ theo hướng chảy này. Là những quốc gia có nền tảng kinh tế nông nghiệp, cư dân Đông Nam Á lục địa sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa nước đoàn tụ trong cơ cấu xóm làng, buôn, phum. sóc... Trong khi đó, cư dân ở Đông Nam Á hải đảo sống chủ yếu dựa vào khai thác biển qua những hoạt động phi nông nghiệp như đánh cá và buôn bán. Dù vậy, theo các nhà nghiên cứu, bất kể những khác biệt do sự thích ứng với môi trường tự nhiên và mối quan hệ với bên ngoài thì những đặc điểm văn hoá và kinh tế cơ bản đã làm cho những nền văn hoá Đông Nam Á có những nét tương đồng, gần gũi nhau và làm cho chúng khác với những văn minh láng giềng Trung Hoa và Ấn Độ.
Một trong những nét chung của Đông Nam Á là mật độ dân số tương đối thấp, năng suất lúa khá cao, kỹ thuật nông nghiệp phù hợp với sản xuất hộ gia đình có quy mô nhỏ. Trong lịch sử, cư dân Đông Nam Á đã tiến hành nền kinh tế nông nghiệp đa canh kết hợp với săn bắt, hái lượm. Hoạt động kinh tế đó đảm bảo cho cư dân trong khu vực một cuộc sống bình dị, hoà hợp với tự nhiên trong một xã hội có tính liên kết cộng đồng chặt chẽ.
Với quan niệm coi văn hoá là sự phản ứng và cách ứng xử có tính chất chung của một cộng đồng người trước những đặc tính của tự nhiên, xã hội và là mẫu số chung của tâm trí cộng đồng bao gồm cả những cảm thụ bên trong và tri thức biểu hiện ra bên ngoài, các nhà nghiên cứu đã xác định một số đặc điểm của văn hoá Đông Nam Á bản địa trước khi bị ảnh hưởng của Trung Hoa và Ấn Độ như sau:
Về đời sống tinh thần: Người Đông Nam Á coi trọng truyền thuyết nhị nguyên về vũ trụ (yếu tố cái - liên quan đến sinh nở, chiếm ưu thế), thuyết vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên, thần đất...
Về văn hoá vật thể: Cư dân khu vực chủ yếu là trồng lúa nước với quy mô sản xuất nhỏ (tổ chức xã hội tương ứng), thuần dưỡng trâu bò, sản xuất và sử dụng thành thạo kim loại, kỹ thuật khai thác và vận chuyển sông, biển phát triển...
I.2. Điều kiện tự nhiên - sinh thái và không gian địa - văn hoá
Trước khi đề cập đến một số khía cạnh cụ thể về điều kiện sinh cảnh và môi trường văn hoá Đông Nam Á, ta cần lưu ý rằng, ngay từ thế Cánh Tân (Pleistocene), điều kiện tự nhiên ở Đông Nam Á không thay đổi nhiều so với hiện nay. Môi trường tự nhiên này rất thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển con người và đã làm hình thành những đặc điểm riêng của văn hoá khu vực.
- Không gian địa - văn hoá, “Thống nhất trong đa dạng”: Đông Nam Á (bao gồm cả miền nam Trung Hoa từ phía nam Trường Giang) là một trong ba vùng văn hoá chính của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai vùng còn lại là vùng Đông Bắc và vùng Trung tâm, những vùng này lại bao gồm những tổ hợp lớn và phức tạp của nhiều tiểu vùng văn hoá. Ngoài ra, liên quan gián tiếp tới vùng châu Á - Thái Bình Dương còn có nhiều những khu vực xa hơn khác như Hải đảo Thái Bình Dương gồm Australia, New Zealand, Melanesia, Polynesia và Micronessia. Bốn nơi này đặc biệt gắn liền với Đông Nam Á hải đảo do bản chất tự nhiên của quá trình “thuộc địa hoá” sớm và những đợt chuyển di dân cư từ cách đây 5 đến 4 nghìn năm. Thêm vào đó, miền Nam châu Á (Pakistan, India, Bangladesh, Nepal) cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tiền sử muộn và lịch sử Đông Nam Á.
Đông Nam Á là một khu vực riêng biệt giữa vùng châu Á gió mùa rộng lớn. Tính riêng biệt này xuất phát trước hết từ vị thế địa lý và sau đó là từ tính chất vật lý của Đông Nam Á. Các nghiên cứu liên ngành về lịch sử - văn hoá khu vực đã xác định ba đặc trưng sinh thái nhân văn sau (xem cỏc nghiờn cứu của dự án vùng khô ở ĐNA):
1. Đông Nam Á trải dài theo xích đạo và nằm gọn trong vùng nhiệt đới ẩm với một số tiểu khu vực thuộc chế độ Á nhiệt đới. Đông Nam Á nóng hơn Trung Hoa và ẩm hơn Ấn Độ.
2. Đông Nam Á từng được xem là vùng nằm xa các trung tâm của quá trình phát tán của nhân loại giai đoạn khởi đầu (những trung tâm này được xem là nằm sâu trong lục địa) hơn là Trung Hoa và Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do những dãy núi lớn - rào chắn dọc theo điểm phía bắc và biên giới nước ở phía nam. Đối với Đông Nam Á, giao lưu bằng đường biển mạnh hơn so với Trung Hoa và Ấn Độ.
3. Vụng, vịnh biển thâm nhập sâu vào Đông Nam Á, đối ngược với những dải đất lớn bao quanh của Trung Hoa và Ấn Độ do vậy giao lưu tiếp xúc qua đường biển rất nhộn nhịp ngay từ thời cổ đại.
Trên thực tế, ta thấy bức tranh toàn cảnh rất đa dạng và thật khó xác định tính thống nhất của khu vực này. Xét về khí hậu, có thể đồng ý rằng trong khi cùng là vùng á nhiệt đới gió mùa ở một mức chung nào đó, những ảnh hưởng của gió mùa lại được điều tiết bởi vô vàn những yếu tố địa phương như khoảng cách đối với biển, toạ độ và quan hệ với cao nguyên, lượng mưa, thời hạn của mùa khô... Mặt khác, về chính trị và văn hóa, khu vực này cũng chưa bao giờ là thể thống nhất. Tình trạng đa dạng này đặc biệt thể hiện rõ nét trong các ngữ hệ ở Đông Nam Á.
Sự đa dạng này đóng vai rất quan trọng trong diễn trình văn hoá, song giá trị của Đông Nam Á như một khu vực riêng biệt trên đại thể đã được các nhà nghiên cứu nhận biết ở một số khía cạnh:
Các hệ sinh thái nhiệt đới Đông Nam Á đều có tính chất phổ tạp với chỉ số đa dạng cao, đặc biệt là chỉ số đa dạng về thực vật so với những rừng mưa nhiệt đới ở châu Mỹ, châu Phi.
Tuy đều chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nóng ẩm và gió mùa, xong tác động của chế độ gió, nhiệt độ, độ ẩm... lại biến thiên ở biên độ rộng tại hai khu vực riêng biệt là Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Ngay cả ở mỗi khu vực hay tiểu vùng Đông Nam Á riêng này cũng có sự biến đổi tuỳ theo mỗi miền và những khác biệt giữa các tiểu hệ sinh thái ví dụ như hệ sinh thái rừng mưa tức rừng thường xanh ẩm không phân mùa và rừng gió mùa hay rừng nửa rụng lá phân mùa... Tất cả đều tạo ra sự thích ứng riêng biệt của mỗi nhóm cư dân.
Sự biến chuyển môi trường trong thời tiền sử từ Pleistocene (Cánh tân) đến Holocene (Toàn tân) ở Đông Nam Á diễn ra một cách không đồng đều ở các vùng khác nhau. Do vậy, chúng dẫn đến sự biến chuyển văn hoá không đồng đều ngay từ thời đại đá và hệ quả là đã tạo ra một bức khảm đa sắc, đa diện về lối sống của cư dân, về kỹ thuật chế tác công cụ, về trình đô và cách thức tổ chức xã hội...
Tuy vậy, văn hoá Đông Nam Á ngay từ thời tiền sử đã thể hiện những xu thế chung trong việc thích nghi với môi trường tự nhiên.
Trong giai đoạn tiền sử chúng ta nhận thấy tính chặt chẽ trong sự thích ứng của con người với bốn hệ thống sông lớn và những vùng đất cao ở giữa. Cách đây khoảng 6.000 năm những nhóm cư dân hái lượm thường tập trung ở những vùng đất cao của các cánh rừng mưa nhiệt đới mà lối sống của họ trái ngược với những cộng đồng xã hội có mật độ cư dân đông đúc ở vùng ven biển. Từ sau thời kỳ này, ta có thể nhận thấy sự đồng dạng trong quá trình mở rộng những làng cư trú ở các châu thổ sông trong đất liền. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển những nhà nước sơ khai còn được gọi là các “Tù trưởng quốc” trung tâm hay “Lónh chủ địa phương” (Chiefdoms). Các nhà nước sơ khai đó thường dựa vào các thung lũng, phát triển dọc theo hệ thống sông. Các dòng sông không chỉ nuôi dưỡng văn hoá mà còn đóng vai trò truyền dẫn lan toả văn hoá rất quan trọng. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là kỹ thuật luyện kim đồng ở châu thổ sông Hồng và sông Mekong... Không gian văn hoá và vòng lan toả văn hoá của người xưa có nhiều khác biệt so với những đường biên chính trị cứng nhắc và các ý tưởng mới, kỹ thuật canh tác, luyện kim mới đã trôi chảy theo mạng lưới liên kết giữa các cộng đồng cư dân mà ở đó được điều hành chủ yếu bởi một thiết chế tự trị.
- Các nhóm ngôn ngữ và tộc người: Thế cài răng lược và tính chất mosaic (khảm) của các nhóm tộc người: Mặc dù còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về phân kỳ khảo cổ ở Đông Nam Á, xong có thể khái quát rằng vào thời điểm biến chuyển từ Pleistocene sang Holocene (cách đây khoảng trên một vạn năm), Đông Nam Á lục địa là không gian phân bố của văn hoá Hoà Bình (nền văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại đá mới). Vào hậu kỳ đá mới, các nền văn hoá mang tính địa phương đã khu biệt lại tại một số địa bàn hẹp. Sang đến thời đại kim khí các nền văn hoá có xu hướng mở rộng không gian phân bố nhưng vẫn đậm tính địa phương. Cũng vào thời kỳ này, sự phân bố của các nhóm hay nền văn hoá được xem là có liên quan đến nhóm ngôn ngữ và tộc người.
Cho tới thời điểm này, theo đa số các nhà nghiên cứu có ba ngữ hệ hay ba ngữ tộc lớn trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Đó là các ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic); Nam Đảo (Austonesian) và Tày - Thái (Tai). Nền tảng của ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo là ngôn ngữ Austric (phương Nam). Nghiên cứu sự hình thành và quê hương của các ngữ hệ này, GS. Hà Văn Tấn đi tới kết luận rằng Ngữ hệ Nam Đảo gắn với bôn có nấc và quê hương của ngữ hệ này là vùng ven biển Đông Nam Á và đông nam Trung Quốc. Khu vực hình thành ngữ hệ Nam Á, là vùng phân bố cơ bản của rìu có vai trên bán đảo Đông Dương. Nơi hình thành ngữ hệ Thái là vùng nam Trung Hoa và có thể một phần bắc Đông Dương. Nó có thể lan sang phía đông và tiếp xúc với các nhóm Nam Đảo. Điều này cắt nghĩa sự gần gũi giữa ngôn ngữ Nam Đảo và ngôn ngữ Thái[1].
Sự hình thành các cộng đồng tộc người, cộng đồng ngôn ngữ ở Đông Nam Á diễn ra vào giai đoạn hậu kỳ đá mới (khoảng thiên niên kỷ III trước Công nguyên). Các nhà nghiên cứu đã phân chia bốn khu vực cộng đồng tộc người - ngôn ngữ ở Đông Nam Á là: 1. Nam Trung Quốc, Đài Loan, Đông Bắc Việt Nam, Philippines gắn với khối Nam Đảo; 2. Lục địa Đông Nam Á (trừ bán đảo Mã Lai) gắn với khối Nam Á; 3. Bán đảo Mã Lai, Tây Indonesia và 4. Đông Indonesia[2]. Điểm cần lưu ý là ngay từ thời tiền, sơ sử, xu hướng di chuyển và sống xen cài của các nhóm ngôn ngữ tộc người ở Đông Nam Á đã rất rõ nét.
- Vai trò của các dòng sông, biển và giao lưu đường biển thời cổ trung đại và tính đa dạng của khí hậu, địa mạo:
- Biển và giao lưu đường biển: Về mặt địa - sinh thái, Đông Nam Á nổi lên 4 nhân tố chính 3.
- Hải đảo Nhiệt đới (Tropical Islands):
Đường xích đạo cắt ngang qua ba vùng trên thế giới: Lưu vực Amazzon, lưu vực Congo và Đông Nam Á. Trong khi hai vùng đầu là lục địa thì vùng thứ ba là hải đảo. Số đảo ở Đông Nam Á là rất lớn, có những quốc gia có hàng nghìn đảo lớn nhỏ khác nhau. Một số trong các đảo đó có diện tích rất lớn như đảo Borneo có diện tích tới 750.000 km2, lớn thứ 3 trên thế giới; Sumatra 520.000 km2, lớn thứ 6... Tỉ lệ giữa đất liền và bờ biển ở Đông Nam Á là 5, tức 1km đường bờ biển trên 5 km2 đất liền. Tỉ lệ này ở Trung Hoa là 500 và ở Nhật Bản là 20. Đường bờ biển dài trên một đơn vị đất liền đã gây ra độ ẩm cao. Hệ quả là, Đông Nam Á là nơi có độ ẩm cao nhất thế giới. Nhiệt độ và độ ẩm cao đã tạo ra thiên đường cho cây cỏ để rồi tạo nên một hệ thực vật đặc thù với các cây hương liệu nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, bờ biển dài tạo ra một không gian văn hoá mở và môi trường rộng lớn, năng động cho sự thâm nhập thế giới bên ngoài qua trao đổi. Như thế, Đông Nam Á trở thành trung tâm của những sản phẩm nhiệt đới đối với thế giới bên ngoài.
- Biển của các thế giới (The sea of the worlds): Nhìn trên bản đồ thế giới chúng ta thấy dường như ba đại dương có xu thế chia cắt thế giới, hay ngăn cách giữa các khu vực văn minh. Trước thế kỷ XVI, không có bất cứ đường hàng hải nào giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, cũng như giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Chỉ có đường hàng hải giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một số tuyến hàng hải này đi ngang qua Đông Nam Á như Malacca, Sunda và Lombok. Do vậy, biển Đông Nam Á đã giữ vai trò truyền tải, tiếp giao các dòng chảy văn hoá, văn minh trong suốt thời kỳ cổ trung đại.
- Biển hướng ngoại (Outward-looking seas): Đông Nam Á dân số thưa, tỷ lệ dân số trên 1km đường bờ biển là 40, trong khi ở Trung Hoa là 570 người. Các nước ở Đông Nam Á (trừ Việt Nam và Java) nhìn chung theo Hla Myint là loại “hướng ngoại” với đặc điểm tuy lãnh thổ nhỏ, dân số ít, song lượng hàng xuất khẩu dồi dào. Những nước này phát triển thị trường bên ngoài, trong khi thị trường và vốn nội địa hạn chế.
- Sự cân bằng giữa mạng lưới trao đổi đường biển và nội địa: Nhìn tổng thể, khu vực núi và Savan ở Đông Nam Á là những vùng tự cung tự cấp dựa trên văn hoá bản địa và nguồn tài nguyên khá dồi dào. Do vậy, họ có thể không cần đến hàng hoá của thế giới bên ngoài cho đời sống của họ. Tuy vậy, vì buôn bán đường biển rất thuận lợi nên việc trao đổi giữa các vùng đặc biệt phát triển. Dù theo cách thức nào thì những nhân tố của thế giới văn minh bên ngoài đã thâm nhập vào những khu vực văn hoá nội địa và chúng được tích luỹ và hoà trộn với những văn hoá địa phương tạo nên những văn hoá khu vực mới.
- Sông và châu thổ chính ở Đông Nam Á lục địa: Từ trung tâm của phía đông Himalaya, hàng loạt những sông lớn toả ra phủ khắp Đông Nam Á lục địa. Những con sông này luôn được cung cấp nước từ các nguồn tuyết và băng tan vào mùa mưa gió mùa tháng 5, chúng chảy cắt theo thung lũng của những rặng núi và tạo nên các châu thổ và đồng bằng ngập nước mà hiện nay nuôi sống 1/6 dân số thế giới. Nằm giữa sông Brahmaputra ở phía tây đến Trường Giang chúng ta thấy có những sông như Chindwin, Irrawaddy, Salween, Chao Phraya, Mekong, sông Hồng và nhiều sông nữa tưới cho vùng Lĩnh Nam và hợp vào để tạo ra Zhungjiang (Trường Giang). Trong khu vực mà những cơn mưa gió mùa kích thích sự tăng trưởng của rừng bao phủ rậm rạp, bao gồm cả loại rừng phủ ba tầng thì những dòng sông này trong lịch sử là những dòng chủ lưu chuyên chở con người, hàng hoá và cả những ý tưởng.
Đông Nam Á lục địa là chủ thể của gió mùa và tác động của gió mùa dao động tuỳ theo địa hình địa phương. Điều này gây ra sự khác biệt lớn giữa mùa mưa và mùa khô, mặc dù nhiệt độ (ngoại trừ ở những vùng cao) hầu như rất ít khi xuống dưới 100C. Ngành kinh tế chính ở vùng thấp, nơi tập trung phần lớn các địa điểm thời đại đồng thau là trồng lúa, đánh cá và chăn nuôi. Vào thời kỳ cuối của thiên niên kỷ I trước Công nguyên, ảnh hưởng của Trung Hoa bắt đầu vươn tới Đông Nam Á, và ban đầu tập trung ở những khu vực như Vân Nam, Lĩnh Nam và Bắc Bộ.
Theo quan điểm của nhiều học giả, Đông Nam Á lục địa là nơi cư dân nói tiếng Nam Á sống trong bối cảnh cư trú nóng, gió mùa với nền kinh tế dựa trên cơ sở trồng lúa. Những rừng rậm tự nhiên bao phủ đã làm tăng tầm quan trọng của những đợt chuyển dịch cư dân theo đường sông và theo bờ biển. Chiếm lĩnh những lãnh thổ dọc chiều dài của những đường truyền thông này, cư dân thời tiền sử ở Đông Nam Á lục địa đã khu trú và phát triển bốn khu vực văn hoá- kinh tế chủ đạo và trong thời sơ sử, bốn khu vực này phát triển thành bốn trung tâm văn minh tiêu biểu- Những nền văn minh theo các dòng sông, đó là: Châu thổ sông Chao Phraya và Mekong, Lĩnh Nam, Bắc Bộ và Vân Nam - Trường Giang, sông Hồng.
- Đông Nam Á hải đảo (Quần đảo Indo-Malaysia): Khu vực này hiện nay gồm tất cả các đảo của Indonesia và Malaysia (kể cả bán đảo Malaya phía nam Thái Lan). Phần trung tâm của quần đảo này trải rộng từ 7 độ vĩ Bắc (Bắc Malaya và Borneo) đến 11 độ vĩ Nam (Sumba và Timor), và từ đỉnh phía đông của Sumatra đến Moluccas. Toàn bộ khu vực này dài khoảng 4.200km trên 2.000km từ bắc đến nam, phần đất liền có diện tích rộng khoảng 1,8 triệu km2, trong đó 80% diện tích nằm ở Indonesia; phần còn lại thuộc về Malaysia (Malaya cộng thêm cả bang Sarawak và Sabah hay Borneo) và Brunei.
Những hòn đảo ở đây có kích thước rất khác nhau; Borneo 736000 km2, Sumatra 435000 km2. Sulawesi 172000 km2. Có thể khái quát là những đảo ở miền tây Indonesia nhìn chung lớn hơn những đảo ở miền đông (trừ Sulawesi). Lý do chính theo các nhà địa chất nằm ở cấu trúc của quần đảo.
Về địa hình, có thể xác định ba cấu trúc rất cơ bản ở Đông Nam Á hải đảo. 1. Ở phía tây, là thềm lục địa Sunda; 2. Vòng cung núi lửa Sunda - Banda và hệ thống dải tiếp cận bờ Ấn Độ dương và trải dài về phía đông tới phía New Guinea; 3. Ở đông bắc là Sulawesi - Philippines và vòng cung núi lửa Halmahera hướng về châu Á từ Thái Bình Dương. Cả khu vực nằm trong vùng nhiệt đới và cần nhấn mạnh rằng nhiệt độ nóng không đổi và chỉ dao động rất ít trong ngày hay theo mùa.
Đặc điểm khí hậu nổi bật nhất là mưa. Có hai vùng mưa chính: 1. Vùng xích đạo, nơi mưa quanh năm, gồm Malaya, Sumatra, Đông Java, Borneo, trung tâm Sulawesi, nam và đông Philippines và một phần Moluccas. 2. Đới có hai mùa khô và mưa rõ rệt, bao gồm vùng đất liền phía bắc của bán đảo Malay, miền tây và miền bắc Philippines, miền nam Sulawesi và những đảo Lessa Sunda từ miền trung Java đổ về phía đông.
- Đa dạng sinh học: Hệ sinh thái Đông Nam Á trên đại thể được phân vào hệ sinh thái phổ tạp với chỉ số đa dạng về loài rất lớn, song số lượng mỗi loài tương đối ít, nói cách khác tức “chỉ số đa dạng cao”. Những nguồn tài nguyên môi trường gồm nhiều cây và con nhất là động vật có vú ở bán đảo Malay, số động vật có vú giảm xuống đáng kể nếu dịch chuyển tới Đông Nam Á hải đảo tới phía đông. Phía đông của đường Wallace (của Huxley) ở miền đông Indonesia số lượng loài giảm xuống đáng kể. Wallacea, nơi bao gồm cả Sulawesi, Moluccas và Lessa Sundas có quần thể động vật hỗn hợp giữa châu Á và châu Úc. Khối đất gọi là Sahulland cấu tạo từ đất Cựu Australia - New Guinea có quần thể động vật riêng biệt trong đó thú có túi nhiều hơn động vật có vú. Chỉ riêng ở New Guinea đã có tới 47 loài thú có túi.
Thực vật cực kỳ phong phú so với những vùng khô cằn và ôn hoà và thể hiện trong rừng nhiệt đới / đa dạng đồng cỏ và gió mùa / thường xanh / khô hạn. Sự thay đổi theo mùa trong khu vực mưa đối nghịch với những giai đoạn rất khô ở phần lớn những vùng của Đông Nam Á.
[1] Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hóa cổ, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1997, tr. 755-758.
[2] Viện Đông Nam Á: Về Tiền sử Đông Nam Á, Nxb KHXH, H., 1983, tr.11-12
3 Sakurai Yumio: The Dry Areas in the History of Southeast Asia; trong Fukui Hayao (Cb). The Dry Areas in Southeast Asia: Harsh or Benign Environment, CSEAS, Kyoto University 1999, tr. 28-31.
Lâm Thị Mỹ Dung (còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét