Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Khảo cổ học Óc Eo

Lá vàng có miết khắc




Những di tích, di vật đầu tiên của văn hoá Óc Eo được phát hiện vào những năm 40 của thế kỷ XX. Từ đó tới nay đã có hàng trăm di tích được phát hiện, trong đó hàng chục di tích đã được nghiên cứu và khai quật. Hàng loạt vấn đề khoa học được nêu ra, một số đã được làm sáng tỏ bước đầu, song phần nhiều vẫn còn đang đợi những khám phá và kiến giải mới.
Khái niệm văn hóa Óc Eo có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo L. Malleret, văn hóa Óc Eo có hai lớp văn hoá tương ứng với hai giai đoạn Phù Nam và Chân Lạp. Một số người khác coi văn hóa Óc Eo có niên đại tương ứng với thời kỳ tồn tại của nhà nước Phù Nam. Văn hóa Óc Eo còn được sử dụng để chỉ tất cả những di sản văn hoá cổ ở châu thổ sông Cửu Long.

- Các di tích Tiền Óc Eo:
+ Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, Giồng Cá Trăng (Tp. Hồ Chí Minh).
+ Giồng Lớn (Bà Rịa-Vũng Tàu).
+ Giồng Nổi (Bến Tre).
+ Gò Cao Su, Gò Ô Chùa (Long An)
+ Gò Cây Tung (An Giang)
- Các di tích Óc Eo điển hình:
+ Nền Chùa, Tân Hội (Kiên Giang).
+ Khu vực Óc Eo-Ba Thê (An Giang).
+ Gò Thành, Chợ Gạo (Tiền Giang).
+ Trâm Quỳ, Đức Hoà (Long An).
+ Gò Chùa - Phụng Sơn tự (Tp. Hồ Chí Minh).
+ Đá Nổi (Kiên Giang).
+ Gò Tháp (An Giang).

Cư dân văn hoá Óc Eo cư trú trên một địa bàn rộng lớn châu thổ sông Cửu Long. Sau nhiều ngàn năm được bồi đắp, đồng bằng sông Cửu Long được hình thành thành và ổn định. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu địa sử học gần đây thì trên mặt đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều sông cổ, như sông cổ Hậu Giang (Proto-Bassac), sông Bình Minh (Proto-Hàm Luông), sông Vàm Cỏ cổ (Proto-Vaico), sông Trảng Bàng cổ (Proto-Trảng Bàng), sông Sài Gòn cổ (Proto-Saigon). Hệ thống sông ngòi dày đặc cùng với kênh rạch chằng chịt là những yếu tố sinh thái quan trọng trong việc hình thành và phân bố của các địa điểm văn hoá Óc Eo.
Người Óc Eo cư trú trên nhiều tiểu vùng sinh thái khác nhau và ở mỗi tiểu vùng này có những đặc trưng riêng về xây cất nhà ở, công trình kiến trúc, cách thức làm ăn, đi lại.

Các tiểu vùng sinh thái
Tiểu vùng tứ giác Long Xuyên



Tiểu vùng tứ giác Long Xuyên; Vùng Đồng Tháp Mười; Vùng ven biển Tây Nam (Vùng U Minh - Năm Căn); Vùng Rừng sác Duyên hải; Vùng ven biển Đông - từ sông Tiền đến Minh Hải; Vùng Đông Nam Bộ.



Loại hình di tích chính
Di tích cư trú nhà sàn.
Di tích xưởng thủ công.
Di tích kiến trúc đền thờ, đền-tháp.
Cảng thị
Đô thị
Di tích kiến trúc mộ hoả táng.
Các đường nước cổ.
loại hình di vật chủ yếu
Nhóm vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc
Nhóm tượng thờ bằng kim loại, đá và gỗ
Đồ gốm
Đồ trang sức, trang trí, nghi lễ bằng đá quý, vàng, bạc, thiếc, thủy tinh…




Đời sống
Nhà ở có hai loại chính là nhà sàn và nhà trên nền đất đắp cao, đi lại bằng thuyền, ngựa, voi…. Từ đây, chúng ta có thể phác thảo mô hình ở và đi lại của người dân như sau:
Ở vùng cao: nhà lá - bầu nước - đường lộ - xe cộ.
Ở vùng trũng: nhà sàn, nhà nền đất đắp - kênh đào - ghe thuyền.
Người Óc Eo trồng trọt trên nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau, chủ yếu họ trồng lúa. Lúa có nhiều loại, có loại hạt tròn (lúa bản địa), có loại hạt dài (lúa ngoại nhập), có loại lúa hoang dại. Lúa được gieo cấy ở ruộng rẫy hay ruộng trũng. Hình thành những trang trại lớn, có vườn tược, kênh đào. Đã tìm thấy lúa gạo trong các di tích, minh văn, thư tịch cổ cũng nói về nghề trồng lúa của Óc Eo. Ngoài cây lúa, họ còn trồng dừa, mía, cau và nhiều loại cây quả khác. Hoạt động chăn nuôi thuần dưỡng khá phát triển. Ở các di tích đã tìm thấy nhiều di cốt động vật như trâu, bò, lợn, chó…
Ngoài các hoạt động sản xuất nói trên, hoạt động trao đổi buôn bán đặc biệt phát triển trong văn hoá Óc Eo, nhiều cảng thị lớn, khu đô thị, nhiều chợ… đã được phát hiện. Trong các di tích cũng đã tìm thấy khá nhiều tiền và mảnh cắt của tiền và những hiện vật có nguồn gốc từ bên ngoài, từ Tây Á, Địa Trung Hải, Trung Hoa, Ấn Độ. Cư dân văn hoá Óc Eo đã tham dự tích cực vào mạng lưới trao đổi buôn bán bằng đường biển nối từ Đông sang Tây. Mạng lưới trao đổi này không chỉ dừng lại ở mức độ liên vùng, liên khu vực mà thực sự đã mở rộng và hợp nhất vào hệ thống thương mại biển thế giới.
Trang phục của cư dân Óc Eo khá phong phú về kiểu, nam mặc khố, nữ mặc váy. Từ tượng thần đến tượng người đều có kiểu ăn vận như thế. Tuỳ Thư chép vua quan thời ấy "mặc triều phục bằng vải cỡ bối màu đỏ da cam, có dây đai lưng buông thả đến chân. Trên đầu đội mũ có đính bông vàng. Thường phục có màu trắng gồm nhiều lớp". Dựa trên tư liệu khảo cổ, đặc biệt là những tượng người, tượng thần đã phát hiện, Võ Sĩ Khải cho rằng phụ nữ mặc váy dài, phần trên để trần hoặc phủ kín; đàn ông đóng khố ngắn, phần trên để trần, cả nam lẫn nữ đều đeo nhiều đồ trang sức, bùa đeo. Người giàu có dùng trang sức vàng bạc, kim cương, đá quý; người nghèo đeo trang sức bằng đồng, thiếc, các loại hợp kim chì, thuỷ tinh, đất nung…



Đời sống tôn giáo rất phát triển. Đạo Hindu, du nhập từ Ấn Độ vào đây đã nhanh chóng chiếm vị thế quan trọng. Các thần Shiva, Vishnu được thờ ở nhiều nơi, trong đó Linga một hoá thân hay biểu tượng của thần Shiva được thờ phổ biến. Cùng với đạo Hindu, cư dân Óc Eo còn theo Phật giáo. Theo minh văn, đạo Phật đến thế kỷ V mới có mặt ở vùng này, song theo thư tịch cổ Trung Hoa, đạo Phật có mặt từ rất sớm - từ thế kỷ II AD. Pho tượng Phật sớm nhất là pho tượng bằng gỗ tìm thấy ở Đồng Tháp Mười có niên đại thế kỷ IV AD. Dấu tích Phật giáo tìm thấy ở nhiều di tích. Có lẽ, giống như người Việt và người Chăm, cư dân văn hoá Óc Eo khi tiếp nhận những tôn giáo từ bên ngoài cũng đã bản địa hoá chúng trên nhiều khía cạnh. Cả hai tôn giáo này đều in đậm dấu vết trong nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật tạo hình Óc Eo chủ yếu là tượng tròn, lúc đầu là tượng tròn bằng gỗ, về sau là tượng tròn bằng đá. Vẻ mặt của các pho tượng ở đây đều đầy đặn, toát lên vẻ hiền từ, thân hình mềm mại, từng nét uốn lượn nhẹ nhàng với các tượng Phật giáo. Với các tượng của Hindu giáo, người nghệ nhân muốn hướng theo cái thực, tạo ra cho thần một dáng dấp như người thật.
Các thư tịch cổ Trung Hoa cũng cho thấy sinh hoạt ca múa nhạc của cư dân Óc Eo. Chữ viết đã được cư dân Óc Eo sáng tạo, mà người ta gọi là chữ viết của thần Brahmi, theo ngôn ngữ Sanskrit, giống với chữ Pallava Ấn Độ. Loại chữ này được dùng từ thế kỷ II đến thế kỷ V AD. Đầu thế kỷ VI mới xuất hiện một loại chữ viết khác.
Căn cứ vào sử liệu cổ văn tự, đặc điểm kiến trúc, điêu khắc, trang trí, đồ gốm, địa tầng… và căn cứ vào một loạt niên đại C14 của các di tích, có thể thấy văn hoá Óc Eo hình thành, phát triển và lụi tàn trong quãng thời gian từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII AD.
Những nghiên cứu và những khám phá khảo cổ học gần đây cho thấy có nhiều hợp nguồn tạo thành văn hoá Óc Eo, theo các nhà nghiên cứu chủ nhân văn hoá Óc Eo, hay là bộ phận lớn của nó, là cư dân nói tiếng Nam Đảo. Ngoài ra có thể còn có những bộ phận dân cư khác sống xen cài với cư dân nói tiếng Nam Đảo. Đa tộc người luôn được xem là đặc điểm của cư dân các nước Đông Nam Á từ thời cổ đại đến nay.
Nguồn gốc của văn hoá Óc Eo
Với những khám phá mới gần đây cả về di tích cả về di vật của giai đoạn Tiền Óc Eo ở Gò Cây Tung (An Giang), Gò Cao Su (Long An), Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt (Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh)…. Hà Văn Tấn cho rằng có một hay nhiều con đường tiến lên văn hoá Óc Eo từ những di chỉ thời đại kim khí, đặc biệt là các di chỉ thời đại sắt ở Nam Bộ. Tư liệu mới nghiên cứu gần đây ở những địa điểm như Hoà Diêm (Khánh Hoà), nhóm di tích mộ chum Đông Nam Bộ… cho thấy những yếu tố văn hoá Sa Huỳnh ở cực Nam Trung Bộ có đóng góp không nhỏ vào sự hình thành văn hoá Óc Eo. Những nguồn bản địa nữa tham góp vào quá trình này là những di tích thời đại kim khí ở lưu vực sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long. Điều này có nghĩa là có thể tìm được cội nguồn văn hoá Óc Eo từ các nền văn hoá Tiền, Sơ sử bản địa, đặc biệt là những nhóm di tích sơ kỳ thời đại đồ sắt thuộc lưu vực của các sông lớn. Tham gia vào sự hình thành nền văn hoá này còn có nhiều yếu tố ngoại sinh khác, mà điển hình là tiếp xúc, trao đổi và tiếp biến với văn hoá Ấn Độ. Ngay ở giai đoạn Tiền Óc Eo đã thấy có ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ đến văn hoá Óc Eo chỉ là sự tăng cường các ảnh hưởng đã có từ trước đó.
Như vậy, ngay từ đầu Công nguyên, văn hoá Óc Eo - nền văn hoá phân bố rộng khắp miền Đông và Tây Nam Bộ, vùng đất cơ bản của vương quốc cổ Phù Nam đã hình thành và phát triển một cách rực rỡ. Theo thư tịch cổ Trung Hoa, do sự tàn phá của một số lực lượng thù địch từ bên ngoài, cả vùng đồng bằng Nam Bộ trở nên hoang phế, thành vùng đầm lầy rộng lớn vào nửa sau thế kỷ VIII. Những nguyên nhân khác nữa như cơ cấu xã hội không thay đổi kịp với nhu cầu phát triển của thời đại, sự thay đổi tuyến hàng hải trong khu vực và biến đổi môi trường tự nhiên cũng làm cho văn hoá Óc Eo dần suy giảm và vùng đồng bằng này mất đi vị thế và vai trò của mình. Thế kỷ XIII, Châu Đạt Quan, một sứ thần của nhà Nguyên đi qua vùng này để bang giao với vương quốc Angkor vẫn ghi trong Chân Lạp phong thổ ký rằng "vùng này hoang vắng, trâu rừng tụ họp thành bầy, những con đường dốc tre chạy hàng trăm dặm".

Lâm Thị Mỹ Dung

3 nhận xét:

  1. thông tin chia sẻ rất hya
    -----------------------------------vattunganhgo-----------------------------------
    Thiết bị vật tư ngành gỗ giá tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa
  2. khảo cổ học là môn mình rất thích
    ---------------------------------maybaogocu-----------------------------------------------
    Bán máy bào gỗ đã qua sử dụng tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa
  3. khảo cổ học là môn rất hay. cho các bạn thích khám phá
    ---------------------------------maygocongnghiep---------------------------------------
    Máy làm mộng âm cnc 4 trục tốt nhất tại tphcm

    Trả lờiXóa