Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

BỐI CẢNH ĐÔNG NAM Á VÀ ĐÔNG NAM Á THỜI TIỀN SỬ (2)

I.2. Đông Nam Á thời tiền, sơ sử: Cơ tầng văn hoá bản địa
I.2.1. Phân kỳ thời tiền, sơ sử ở Đông Nam Á lục địa: Hiện nay trong giới nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á tồn tại nhiều cách nhìn khác nhau về phân kỳ thời tiền sơ sử. Có hai quan điểm cơ bản song hành trong nghiên cứu khu vực hiện nay. i. Thứ nhất là cách phân kỳ cổ điển theo ba thời đại (mà điển hình là phân kỳ khảo cổ học Việt Nam; phân kỳ khảo cổ học Thái Lan trong một số chuyên khảo của Ch. Higham...); ii. Thứ hai là phân kỳ dựa vào phương thức kiếm sống.
Đối với Đông Nam Á lục địa, giữa các nhà nghiên cứu hiện nay xu hướng khá phổ biến là chấp nhận (với một số chỉnh sửa và bổ sung) phân kỳ do học giả Higham đưa ra
4, mà theo đó Đông Nam Á trải qua những giai đoạn phát triển văn hoá như sau:
a. Giai đoạn D (từ năm 200 sau Công nguyên đến năm 1500): Sự hình thành và lớn mạnh của những nhà nước hay mandala ở vùng hạ lưu sông Mekong, bờ biển Việt Nam, khu vực đông bắc Thái Lan và lưu vực sông Chao Phraya. Tăng cường sự tập trung hoá ở những trung tâm chính trị mang tính vương quyền, tôn giáo tinh thần Ấn Độ, thủ công nghiệp chuyên nghiệp và tiếng Sanskrit. Mandala Angkor thành lập năm 802 thể hiện sự gắn kết chặt chẽ với Ấn Độ. Trung Hoa - Hán cai trị ở Bắc Bộ (Việt Nam).
b. Giai đoạn C (năm 500 năm trước Công nguyên): Luyện kim đen, sự tập trung hoá và hình thành các tù trưởng quốc. Những mối quan hệ đầu tiên với thương nhân Ấn Độ và chiến binh Hán. Tăng cường mạng lưới trao đổi, phân hoá xã hội và nông nghiệp.
Những người thợ luyện kim màu - đồng thau sản xuất những đồ đựng, đồ để dùng uống, những tấm che thân trang trí, bát… (tìm thấy trong những mộ thuyền). Quá trình tập trung hoá và những tổ hợp tù trưởng quốc; luyện kim đen và luyện kim màu tinh xảo.
c. Giai đoạn B (2.000 trước Công nguyên năm đến 500 trước Công nguyên): Luyện kim đồng thau xuất hiện trong những cộng đồng tự trị vùng đất thấp. Quặng được khai thác ở vùng cao, những thỏi nguyên liệu được trao đổi và đúc những công cụ ở vùng đất thấp. Tăng cường sự phân tầng trong những cộng đồng nhỏ. Một số nhóm gia đình có vị trí cao (qua sự có mặt của đồ trang sức và hiện vật đồng thau). Nguồn thức ăn đa dạng và có thể đã trồng lúa. Những làng tự trị tụ cư ở nhiều khu vực sinh thái khác nhau; luyện kim đồng thau và sản xuất lương thực tổng hợp.
d. Giai đoạn A (3.000 năm trước Công nguyên): Những vùng cư trú tỏa rộng theo các nhánh sông của cao nguyên Khorat, trung du Bắc Bộ, đồng bằng Tonlesap, rìa châu thổ sông Mekong và lưu vực sông Chao Phraya. Những làng cư trú nhỏ và tổ chức xã hội có mức độ phân hoá không cao. Công cụ đá và vỏ sò được trao đổi giữa các cộng đồng, có thể đã trồng lúa ở những rìa nước ngập. Những làng cư trú nhỏ của cư dân sản xuất lương thực sớm; giai đoạn quan trọng của sự lan tỏa của cư dân trồng trọt tới những môi trường mới.
đ. Cư trú ven biển (5.000 - 1.500 trước Công nguyên): Mực nước biển tăng đáng kể trong khoảng từ 7.000 đến 4.000 năm trước Công nguyên có thể đã làm ngập những nơi cư trú ven biển. Vào khoảng 4.000 năm trước Công nguyên, mực nước biển ổn định ở mức cao hơn so với ngày nay. Những chứng cứ về những làng cư trú giàu có ven biển gây ra sự phân hoá xã hội, trao đổi và táng tục phức tạp ta đã thấy ở Khok Phanom Di. Chứng cứ bào tử phấn hoa cho nơi cư trú này vào khoảng 4.700 năm trước Công nguyên. Những nguồn tài nguyên biển rất quan trọng trong đời sống cư dân, gạo đó được tiêu thụ. Gạo có thể được gặt từ lúa hoang mọc ở những đầm lầy nước ngọt. Những thay đổi nơi cư trú ven biển phản ánh sự thay đổi đường bờ biển và sự gia tăng mức độ sản xuất thức ăn; những cộng đồng cư dân sống tập trung với mật độ cao ở ven biển, ven sông và những cư dân săn bắt - hái lượm.
e. Những người săn bắt - hái lượm sơ khai (10.000 năm trước Công nguyên): Mực nước biển bắt đầu thấp hơn ngày nay rất nhiều rồi dâng cao hơn 3m so với mực nước biển hiện nay. Những làng ven biển trước đó bây giờ bị ngập dưới biển. Những địa điểm cư trú sơ tán chính là những hang động trong đất liền. Công cụ đá ít chủng loại, công cụ gỗ để săn bắt và hái lượm có thể đã có vai trò quan trọng. Những nhóm cư dân nhỏ, di động hái lượm những cây cỏ hoang dại và nhuyễn thể. Chứng cứ về săn bắt, đánh cá và bẫy thú. Những nơi cư trú cổ hơn vùng ven biển này bị ngập do sự dâng lên của mực nước biển; cư trú hang động trong nội địa; những nhóm săn bắt - hái lượm nhỏ, di động.
I.2.2. Đông Nam Á hải đảo - Những giai đoạn văn hoá tiền sử: Theo quan điểm của học giả Bellwood
5 thì có sự biến đổi quan trọng trong các xã hội Austronesian (Nam đảo) tiền sử giai đoạn trong khoảng thời gian từ 4.000 năm trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên.
a. 4000-3500 trước Công nguyên: Là thời kỳ lan tỏa, khởi đầu của cư dân Nam Đảo tới Đài Loan. Họ trồng củ và trồng hạt, đi biển chưa phát triển.
b. 3000 năm trước Công nguyên: Sự lan tỏa của cư dân Sơ - Nam Đảo đến phía bắc Philippines. Bộ phận cư dân này đã cải tiến kỹ nghệ đi biển, sự thay đổi phong cách từ gốm văn thừng sang gốm để trơn hay gốm áo đỏ.
c. Cuối Thiên niên kỷ III và TNK II trước Công nguyên: Sự phân tán của cư dân Malayo-Polynesian sớm từ phía nam Philippines đến Borneo, Sulawesi và Moluccas, sự dồi dào cây quả ở xích đạo và trồng củ đã đối trọng lại với việc trồng hạt (ngăn trở việc trồng nhũ cốc), ngoại trừ những khu vực ở xa hơn về phía nam và ở những hòn đảo phân mùa như Java, nơi tiêu thụ gạo được coi trọng. Như vậy, đã có thể xuất hiện ở thời điểm này sự khởi đầu của việc thích ứng của người hái lượm với rừng mưa ở Borneo và Sumatra.
d. TNK II-I trước Công nguyên?: Sự khởi đầu của những người du mục biển sơ khai ? thích ứng di động quanh vùng biển Sulu và Sulawesi, và có thể cả ở những khu vực khác nữa. Điều này, lần lượt có thể là cơ sở đi biển cho cư dân khu vực.
đ. Từ giữa và cuối TNK II trước Công nguyên: Diễn ra quá trình chinh phục của cư dân Lapita ở vùng đại dương xa xôi xa nhất như Tonga và Samoa. Kỹ năng đi biển phát triển hơn cho phép triển vọng vươn tới những đảo chưa có người ở, nhưng với ít khả năng hơn để cư trú ở những đảo Tây Melanesia (đặc biệt là New Guinea) đã có cư dân nói tiếng Papua cư trú.
Bản đồ phân bố trống Đông Sơn ở Đông Nam Á
e. TNK II- I trước Công nguyên: Cư trú của cư dân Nam Đảo ở Việt Nam và Malaya, ở cả hai khu vực trên đều đã diễn ra sự cạnh tranh của những nhóm cư dân mới đến với những cư dân tiền - nông nghiệp bản địa.
f. 500 năm trước Công nguyên và sau đó: Sự xâm nhập của luyện kim màu và đen vào Đông Nam Á hải đảo. Những trống đồng Đông Sơn từ miền Bắc Việt Nam cũng đã được đưa (trao đổi, mua bán?) tới những đảo Sunda, trải rộng từ Sumatra đến nam Moluccas.
Từ bối cảnh đồng văn này của Đông Nam Á hải đảo, Bellwood đã xác định ba giai đoạn phát triển trong sản xuất lương thực của khu vực Nam Đảo:
a. Giai đoạn 1: Giai đoạn đầu của ưu thế trồng hạt (ngũ cốc) Nam Trung Hoa.
b. Giai đoạn 2: Sau năm 2.000 trước Công nguyên, sự di chuyển về phía xích đạo và tăng cường trồng củ và các loại cây thích ứng tốt hơn với điều kiện sinh thái nhiệt đới ẩm.
c. Giai đoạn 3: Sau năm 1.500 trước Công nguyên, sự chuyển dịch hệ thống sản xuất lương thực tới những vùng chưa có người ở ở đại dương vào trong Thái Bình Dương (giai đoạn đá mới muộn Lapita). Có thể thấy rằng sau năm 3.000 trước Công nguyên đa phần Đông Nam Á đều chuyển sang trồng lúa nước, kể cả việc sử dụng ruộng đắp bờ. Vào giai đoạn cuối đã sử dụng trâu và nông cụ kim khí.
Dựa trên những phân kỳ nói trên và tư liệu khảo cổ mới phát hiện gần đây ở Đông Nam Á, có thể thấy rằng từ những con người đầu tiên đến khi hình thành những nhà nước sớm, các nhóm cư dân ở Đông Nam Á đã trải qua những giai đoạn phát triển từ các nhóm cư dân săn bắt/hái lượm hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới đến những cộng đồng cư dân nông nghiệp sớm hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, cộng đồng cư dân nông nghiệp phát triển trong thời đại kim khí phát triển...
I.3. Quá trình, thực trạng và xu hướng nghiên cứu tiền, sơ sử Đông Nam Á
I.3.1. Giai đoạn thế kỷ XVIII đến Chiến tranh thế giới lần thứ I
Một số di vật tiền sử ở Đông Nam Á đã được thu thập và miêu tả từ đầu thế kỷ XVIII, nhưng những tìm tòi thì phải từ cuối thế kỷ XIX. Từ đầu thế kỷ XX mới có những cuộc khai quật đầu tiên. Việc nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á chỉ đựơc đẩy mạnh từ những năm 20 của thế kỷ XX. Mặc dù còn nhiều sai sót trong khai quật nhưng đã cung cấp một khối lượng tư liệu khổng lồ để dựng nên một bức tranh đầu tiên của tiền sử Đông Nam Á. Hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông Hà Nội năm 1932 đánh dấu bước phát triển đó. Vào thời gian này đã xuất hiện những công trình nghiên cứu tổng hợp như “Tiền sử Đông Dương” của Mansuy xuất bản năm, “Đông Dương tiền sử” (1936 - Patte) hay “Philippines tiền sử” (1936 - Otley Beyer)... đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là công trình nghiên cứu của Heine-Geldern về sự thiên di sớm nhất của người Nam Đảo, trong đó mô hình biến đổi văn hoá tiền sử Đông Nam Á theo truyền bá luận, học thuyết này của ông ảnh hưởng sâu sắc tới những nghiên cứu của các học giả nước ngoài về tiền sử Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là, đến cuối thập kỷ 30, đầu thập kỷ 40, có những phát hiện quan trọng trong nghiên cứu thời đại đá, nhất là các phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ như Pacitan (Indonesia), Kota Tampan (Malaysia), Anyatha (Miến Điện)... và những phát hiện dấu vết người vượn cùng các hominid hoá thạch ở Java. Các phát hiện đó đã thu được kết quả to lớn. Trong thời gian đó các viện, trung tâm nghiên cứu cũng đã tổ chức một số nghiên cứu liên vùng, liên khu vực. Giai đoạn này kết thúc bằng Hội nghị các nhà tiền sử học Viễn Đông ở Singapore năm 1938.
I.3.2. Sau Chiến tranh thế giới thứ II đến cuối thập kỷ 60 - Sự thắng thế của thuyết truyền bá luận:
Đây là thời kỳ xây dựng các cơ quan nghiên cứu khảo cổ học ở mỗi nước. Các học giả phương Tây đã tập trung tổng kết những tài liệu đã thu được trước chiến tranh và xuất bản một số công trình tiêu biểu như: “Thời đại đá ở Mã Lai” của M.Tweedie; “Khảo cổ học Philippines và Đông Á và mối liên hệ với nguồn gốc cư dân các đảo Thái Bình Dương” của Otley Beyer; “Thời đại đá ở Indonesia và Thời đại đồng thau - sắt ở Indonesia” của Van Heekeren. Giai đoạn này cũng cần nhắc đến một công trình tổng hợp trên phạm vi rộng hơn gồm Đông Nam Á, một phần Ấn Độ và Trung Quốc, đó là công trình “Các văn hoá sơ kỳ đá cũ ở Nam và Đông Á” của H.L.Movius.
Các tác phẩm của giai đoạn này mang tính khái quát và tổng hợp dựa trên nguồn tư liệu phong phú, tích luỹ qua thời gian dài. Tuy vậy, giai đoạn này lại không có những cuộc khai quật lớn, phương pháp khai quật không có gì đổi khác, khung niên đại vẫn là khung niên đại phỏng đoán như thời gian trước đây.
Nét nổi bật trong các nghiên cứu giai đoạn này là khi so sánh ở bối cảnh rộng hơn, các nhà tiền sử học đã nhận ra nét riêng của khu vực Đông Nam Á trong thời tiền, sơ sử. Đặc biệt trong tác phẩm của Movious về kỹ nghệ chế tác đá khu vực. Ông là coi khu vực này là trì trệ trong sự phát triển văn hoá và giải thích hiện tượng đó bằng sự bảo lưu lâu dài các loại hình con người không tiến hoá.
Trong quyển “Thời đại đá ở Indonesia” Van Heekeren cũng đã nêu lên một số đặc điểm của con đường phát triển thời đại đá ở đây. Ông đã trình bày về mối liên hệ giữa con người tiền sử với thiên nhiên và khí hậu hậu nhiệt đới. Ông cũng đã nhấn mạnh vai trò của các vật liệu hữu cơ như tre, gỗ... trong đời sống người tiền sử Đông Nam Á.
Trong giai đoạn này về quan điểm, ảnh hưởng của truyền bá luận lấy châu Âu làm trung tâm còn rất nặng nề. Nhìn chung, các học giả phương Tây vẫn giữ thiên kiến đánh giá thấp truyền thống lịch sử và văn hoá khu vực.
I.3.3. Giai đoạn thứ ba từ cuối những năm 60 và trong thập kỷ 70 - Solheim và khuynh hướng phản truyền bá luận
Nghiên cứu về tiền sử Đông Nam Á đã bắt đầu vào giai đoạn thứ ba. Đông Nam Á bắt đầu chứng kiến những cuộc khai quật theo kiểu mới, với kỹ thuật tiến bộ. Các nhà khoa học và trung tâm học thuật đã áp dụng nhiều phương pháp khoa học - kỹ thuật trong việc xác định niên đại tuyệt đối.
Từ giữa thập kỷ 60 cho đến nay, Đông Nam Á luôn luôn có những phát hiện khảo cổ học làm chấn động giới tiền sử học. Ví dụ như cuộc khai quật Hang Thẩm Phi (Hang Ma) ở bắc Thái Lan với vết tích trồng trọt có niên đại rất sớm. Phát hiện đồ đồng sớm ở đông bắc Thái Lan như Non Nok Tha, Ban Chiang... một mặt cho thấy Đông Nam Á là một trong những nơi hình thành nghề luyện kim đồng rất sớm với những đặc điểm riêng biệt. Tuy vậy, những niên đại quá sớm này cũng đã và đang gây ra nhiều tranh luận, xu hướng chung hiện nay là không chấp nhận khung niên đại ban đầu cho rằng đồng thau đã xuất hiện từ 3.600 năm trước Công nguyên và đồ sắt đã xuất hiện từ 1.600 năm trước Công nguyên. Đặc điểm chung của nghiên cứu thời đại kim khí ở Thái Lan là phần lớn các cuộc khai quật đều do các học giả phương Tây tiến hành và niên đại chỉ dựa trên hệ niên đại tuyệt đối xác định bằng các phương pháp khoa học tự nhiên như C14, nhiệt huỳnh quang, AMS... Trong nhiều trường hợp, những niên đại này lại rất mâu thuẫn với nhau.
Thành tựu nữa của giai đoạn này chính là những phát hiện và nghiên cứu về thời đại đá đặc biệt là ở Đông Nam Á hải đảo như cuộc khai quật của Tom Harisson ở hang Niah trên đảo Kalimantan (Malaysia), của Fox ở hang Tabon trên đảo Palawan (Philippines) và các cuộc khai quật của Ian Glover trong các hang phía nam đảo Sulawesi (Indonesia)... đều cung cấp cho chúng ta những trật tự phát triển văn hoá tiền sử từ hậu kỳ đá cũ đến thời đại đá mới.
Một số vấn đề về lý thuyết của tiền sử Đông Nam Á cũng được đưa ra như học thuyết về trung tâm nông nghiệp sớm văn hoá Hoà Bình của Solheim và mô hình của ông về 5 giai đoạn trong phát triển tiền sử Đông Nam Á nối tiếp nhau: Đá (Lithic); Gỗ (Lignic); Kết tinh (Crystallitic); Mở rộng (Extensionistic); Xung đột đế quốc (Conflicting Empires). Solheim nhấn mạnh: “Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa sự phục dựng của tôi và sự phục dựng truyền thống, dựa vào Heine-Geldern, là trong phục dựng của tôi, cư dân Đông Nam Á là những người cách tân, đóng góp nhiều cho văn hoá bắc Trung Quốc và sự phát triển về sau của văn hoá đó, đối lập với việc coi Đông Nam Á là một ngõ cụt mà những đổi mới và tiến bộ đều là từ bên ngoài đưa tới”.
Theo GS. Hà Văn Tấn, mô hình của Solheim một mặt đầy mâu thuẫn và không có cơ sở vững chắc, dễ dàng nhận thấy là ông khá cực đoan theo một thứ bản địa luận. Mặt khác, ông cũng làm được một việc có ý nghĩa là nhấn mạnh sự phát triển rực rỡ và sáng tạo của văn hoá tiền sử Đông Nam Á, chống lại sự miệt thị các văn hoá khu vực này.
Giai đoạn này xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á với những phương pháp tiếp cận truyền thống của khảo cổ học. Theo quan điểm của GS. Hà Văn Tấn thì có ba phương hướng tiếp cận như sau
6:
Tiếp cận kinh tế học: Các chiến lược kiếm sống hay các mô thức sống của cư dân tiền sử Đông Nam Á đã được phân tích. Sự chuyển biến từ kinh tế khai thác sang kinh tế sản xuất được đặc biệt chú ý. Một số mô hình kinh tế tiền sử đã được đưa ra (của Gorman, của Higham). Vấn đề “Cách mạng đá mới” hay “Cách mạng nông nghiệp” bắt đầu được thảo luận (Solheim).
Tiếp cận sinh thái học: Người ta đã thử giải thích các đặc điểm văn hoá tiền sử Đông Nam Á bằng mối liên hệ giữa con người và môi trường. Ảnh hưởng của các hệ sinh thái khác nhau đến mô thức cũng đã được phân tích. Điển hỡnh cho cỏch tiếp cận này là Higham, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...
Tiếp cận xã hội học: Vấn đề dân số học tiền sử lần đầu tiên được đề cập (Pietrusewsky). Tài liệu mộ táng được sử dụng cho việc phân tích xã hội học (Higham). Sự phân tầng xã hội, thành luỹ và đô thị hoá là những hiện tượng được chú ý trong nhiều công trình (Higham, Wheatly).
I.3.4. Giai đoạn thứ tư những năm cuối của thập kỷ 20
Đây là giai đoạn có thể được gọi là phê phán, xem xét lại những luận điểm của giai đoạn ba. Đặc biệt là về niên đại. Xu hướng chung là không chấp nhận những niên đại quá sớm cho sự xuất hiện của luyện kim và trồng lúa nưóc. Trong giai đoạn này xuất hiện rất nhiều những chuyên khảo về khảo cổ học của từng quốc gia trong khu vực, đặc biệt là của những tác giả người Đông Nam Á. Một số công trình mang tính tổng hợp về khảo cổ học tiền, sơ sử Đông Nam Á của những nhà nghiên cứu nước ngoài đã giúp cho việc khẳng định những nét đặc trưng riêng của Đông Nam Á và vai trò của Đông Nam Á trong lịch sử nhân loại.

4 Ch. Higham: The Archaeology of Mainland Southeast Asia, The Cambridge University Press. Cambridge 1989.
5 P.Bellwood: Austronesia prehistory in Southeast Asia: Homeland - Expansion and Transformation; Nguồn trang web “Southeast Asia Archaeology”.
6 Hà Văn Tấn: Theo dấu những văn hóa cổ, Nxb KHXH, H., 1997, tr. 28-30.

Lâm Thị Mỹ Dung (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét