BẢO VỆ DI TÍCH KHẢO CỔ
TRONG MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ PHÁT TRIỂN
TS. Đặng Văn Bài
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa
1- Đô thị là thành tựu văn hóa quan trọng nhất mà loài người đạt được trong quá trình “văn hóa hóa” môi trường tự nhiên. Đô thị chính là sản phẩm sáng tạo ở tầm vĩ mô mang tính tổng hợp, trong đó hai ngành kiến trúc và khoa học kỹ thuật, có vai trò to lớn nhất. Nói tới đô thị trước hết phải đề cập đến ý tưởng quy hoạch tiếp theo là cơ cấu không gian chức năng và cuối cùng là các công trình kiến trúc đơn lẻ. Đô thị là “một cơ thể sống” có quá trình hình thành, phát triển phồn vinh, tàn lụi và phục hưng. Vì thế di sản đô thị cũng đa dạng, phong phú gồm rất nhiều loại hình di tích song song tồn tại, đan xen lẫn nhau, mang dấu ấn của nhiều giai đoạn phát triển chồng lấn lên nhau.
1.1- Phân tích trường hợp Thăng Long - Hà Nội ta thấy nổi lên những bộ phận cấu thành quan trọng sau đây:
- Dấu ấn khu Hoàng thành Thăng Long xưa.
- Khu phố cổ Hà Nội.
- Khu phố cũ thời thuộc địa.
- Khu phố mới từ năm 1954 đến nay.
- Hệ thống sông, hồ và cây xanh.
- Trong lòng đất của Hà Nội hiện còn lưu giữ lại một hệ thống các địa điểm, di chỉ khảo cổ học và dấu vết phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học mà chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu có hệ thống và chỉ được phát hiện lẻ tẻ mang tính ngẫu nhiên.
1.2- Là kinh đô cổ của quốc gia đã có hàng ngàn năm tuổi lại trải qua biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử, cho nên rất hiếm thấy có những di tích còn nguyên vẹn từ lúc khởi dựng ban đầu. Ngày nay chúng ta chỉ còn khả năng hình dung lại cơ cấu không gian hay hình ảnh của Thăng Long xưa qua các “điểm nhớ” hoặc “cột mốc văn hóa” như lời của Cố giáo sư Trần Quốc Vượng thường hay nhấn mạnh. Điều đó cho thấy những gì liên quan đến Thăng Long xưa hiện tồn trước mắt chúng ta dù chỉ là những mảnh vụn ký ức cần được chắp nối lại qua các điểm nhớ càng trở nên hiếm hoi quý giá, rất đáng được trân trọng.
1.3- Là thủ đô của một quốc gia đang bừng tỉnh và vươn lên với hào khí của Thăng Long ngàn năm văn hiến, chắc chắn Hà Nội sẽ phát triển với tốc độ đô thị hóa chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển thì sự đổi mới cái cũ, sáng tạo các giá trị văn hóa mới cần được nhìn nhận như là một tất yếu khách quan. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng quy hoạch phát triển cũng như quản lý và kiểm soát việc thực thi ra sao để có thể hạn chế tối đa những mặt tiêu cực do quá trình phát triển có thể tạo ra, trong đó có hai nguy cơ cần phải lưu ý là: ô nhiễm môi trường sống (tự nhiên và xã hội) và nguy cơ gây phương hại tới những mặt giá trị văn hóa tiêu biểu của các di tích lịch sử và văn hóa trong không gian đô thị phát triển. Các khu đô thị mới, khu công nghiệp rất cần được xây dựng, đường giao thông phải mở rộng, thậm chí mở thêm những tuyến mới (nếu không muốn chịu cảnh ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày) nhưng di sản văn hóa vẫn được tôn trọng và xác định được vai trò trong đời sống đương đại. Đó là phương thức đúng đắn để xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
2- Trong hệ thống di tích lịch sử và văn hóa Việt Nam, các địa điểm, di chỉ khảo cổ và các dấu vết phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học lại có những đặc điểm riêng rất cần được lưu ý.
2.1- Di tích khảo cổ học thường bị vùi lấp trong lòng đất và chắc chắn sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ bởi quá trình đô thị hóa vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, từ lâu đã xuất hiện hai xu hướng phát triển không gian đô thị là vươn lên chiếm lĩnh khoảng không gian trên cao và đi sâu vào lòng đất bằng nhiều tầng âm.
Thứ hai, dù xây dựng bất kỳ loại công trình gì? quốc phòng, công nghiệp, dân dụng hay đường giao thông thì nhu cầu trước hết là phải tạo lập nền móng vững chắc cho công trình và tất yếu sẽ dẫn đến việc đào xới một khu vực rộng lớn trong đô thị gây xáo trộn các di chỉ khảo cổ. Và nhiều trường hợp, việc giải phóng mặt bằng xây dựng đã vấp phải các dấu vết di tích khảo cổ hoặc phế tích của các công trình kiến trúc nổi tiếng một thời (tuyến đường vành đai Kim Liên chạy qua khu vực Ô Chợ Dừa là một minh chứng).
2.2- Do bị vùi lấp trong lòng đất, nhiều trường hợp ở độ sâu 2-3m, cho nên chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp trong việc phát hiện và xử lý từng trường hợp cụ thể như:
Thứ nhất, không thể phát hiện chính xác di tích khảo cổ chỉ bằng vào quan sát thực địa, tham khảo ý kiến cư dân địa phương hay đào một vài hố thám sát nhỏ, thậm chí áp dụng một số máy móc kỹ thuật v.v… Phần lớn các trường hợp là do phát hiện ngẫu nhiên, hay khai quật khảo cổ giải phóng mặt bằng xây dựng hoặc đào đắp thuỷ lợi, đào móng công trình mới được xuất lộ ra.
Thứ hai, di tích khảo cổ là loại di tích “chết” không còn công năng sử dụng và di vật trong di tích khảo cổ là “loại hiện vật câm”. Điều đó gây ra cho các nhà nghiên cứu không ít khó khăn trong việc thẩm định, duy danh, định tính. Họ chỉ có thể áp dụng hai biện pháp chính là so sánh, đối chiếu với các di tích tương đồng được phát hiện trước đây và suy đoán khoa học mang tính chất chủ quan. Phương pháp khai quật khảo cổ đòi hỏi phải thật tỷ mỷ, kỹ lưỡng tránh gay tổn hại tới di vật, vì vậy không thể vội vàng chạy đua với tiến độ xây dựng công trình. Mặt khác sau khai quật còn một giai đoạn quan trọng nữa là nghiên cứu xử lý, bảo quản và giám định hiện vật về mặt khoa học để xây dựng được báo cáo khoa học về kết quả khai quật khảo cổ và bộ hồ sơ, tư liệu khoa học chuẩn làm cơ sở cho việc xếp hạng cũng như lựa chọn phương án bảo vệ và phát huy. Ngược lại, nếu đưa ra những kết luận không thận trọng, thiếu chuẩn xác sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, gây ra những áp lực không cần thiết từ phía dư luận xã hội (trường hợp ngôi mộ cổ làng Dương Lôi - Bắc Ninh, phát hiện trong khi xây dựng tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn). Cá biệt có trường hợp, giữa các nhà khảo cổ học cũng có những kết luận khá xa nhau, thậm chí ngược chiều nhau, phải tranh luận qua nhiều số Tạp chí Thế giới mới mà không ngã ngũ, phải trái.
Thứ ba, do bị vùi lấp trong lòng đất trong một thời gian rất dài, có trường hợp hàng ngàn năm, thậm chí nhiều vạn năm, nên hầu hết các di tích khảo cổ học đều ở trong tình trạng kỹ thuật rất xấu. Thực tế đó đặt ra những nhu cầu rất cao về kỹ thuật bảo quản và những khoản ngân sách không nhỏ, đặc biệt trong trường hợp chúng ta muốn bảo tồn tại chỗ với tư cách một bảo tàng ngoài trời.
3- Trình bày tóm tắt những đặc điểm của một đô thị đang phát triển và những thuộc tính đặc trưng của di tích khảo cổ học trong lòng đất đô thị là hướng tới mục tiêu đưa ra một số gợi ý về phương án xử lý các dấu vết kiến trúc và di vật liên quan tới khu vực Đàn Xã Tắc của Hà Nội.
3.1- Thông thường, người ta phải dựa trên một số tiêu chí khoa học nhất định để xác định phương án xử lý việc bảo tồn di tích khảo cổ trong không gian đô thị đang phát triển.
+ Giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hóa và khoa học.
+ Mức độ phong phú và quý hiếm của các loại di vật phát hiện trong di tích khảo cổ.
+ Công năng sử dụng của di tích, còn tương đối nguyên vẹn hay trong tình trạng phế tích kiến trúc.
+ Tình trạng bảo quản của di tích tốt hay xấu.
+ Khả năng của di tích đáp ứng các loại nhu cầu đa dạng của các loại cư dân trong xã hội (các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà thầu xây dựng, các nhà quản lý, cán bộ bảo tồn và cư dân địa phương nơi phát hiện di tích, cuối cùng là nhu cầu của đông đảo công chúng trong toàn xã hội).
Đối tượng được đề cập ở đây là những dấu vết phế tích kiến trúc liên quan đến khu vực Đàn Xã Tắc gắn với Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến của chúng ta. Xét dưới góc độ hình thái đô thị học thì cùng với Thăng Long tứ trấn (Bạch Mã, Voi Phục, Trấn Vũ, Kim Liên), Đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc rất cần được nhìn nhận như là những cột mốc văn hóa, những điểm nhớ, phần nào giúp cho ta hình dung về quy mô và phạm vi của Thăng Long xưa. Có thể coi đây là nội dung mấu chốt quyết định mặt giá trị của dấu ấn phế tích kiến trúc liên quan đến khu vực đàn Xã Tắc.
3.2- Một số hình thức bảo tồn di tích khảo cổ học như sau:
- Bảo tồn tại chỗ với tư cách một bảo tàng ngoài trời toàn bộ hay từng bộ phận đơn lẻ.
- Sau khi nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học chi tiết về di tích và các sưu tập hiện vật đưa về bảo quản trong kho bảo tàng hoặc tổ chức trưng bày giới thiệu cho công chúng, giải phóng mặt bằng cho việc thi công các công trình xây dựng. Tại địa điểm khảo cổ sẽ dựng bia, biển hoặc đài kỷ niệm ghi dấu lịch sử.
- Bảo tồn tại chỗ một số điểm tiêu biểu, phần còn lại sau khi nghiên cứu xâyd ựng hồ sơ tư liệu, bảo quản về mặt kỹ thuật sẽ lấp cát để bảo vệ lâu dài. Khi hội tụ đầy đủ các điều kiện sẽ khai quật trở lại để trưng bày, giới thiệu cho công chúng.
3.3- Trường hợp địa điểm khảo cổ liên quan tới khu vực đàn Xã Tắc, chúng ta cũng cần lưu ý một cách thoả đáng tới nhu cầu xây dựng con đường vành đai của Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong một quy hoạch tổng thể. Thực tế cho thấy nhu cầu của con người và xã hội luôn thay đổi và xuất hiện cả những nhu cầu mới, còn nguyên tắc bảo tồn lại đòi hỏi di tích phải được bảo tồn tại chỗ, bảo tồn lâu dài và nguyên trạng. Đó là mối quan hệ rất tế nhị và phức tạp đòi hỏi có cách tiếp cận và phương án xử lý thật linh hoạt mới thoả mãn được các loại nhu cầu khác nhau trong xã hội. Tôi nghĩ rằng phương án tối ưu sẽ là bảo vệ một bộ phận quan trọng nhất của dấu ấn kiến trúc vừa được phát hiện, có sức hấp dẫn với công chúng nói chung và hành khách khi qua khu vựcnày, mà vẫn tạo điều kiện triển khai dự án xây dựng tuyến đường vành đai mà thành phố đã phê duyệt. Việc lựa chọn đối tượng, phạm vi cần bảo tồn và hình thức bảo tồn như thế nào nên chờ vào ý kiến tư vấn của các kiến trúc sư thuộc các lĩnh vực có liên quan.
Cuối cùng từng bước hạn chế, tiến tới khắc phục tình trạng bị động trong việc nghiên cứu, phát hiện và bảo tồn các di tích khảo cổ trong không gian đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội, chúng ta cần tăng cường đầu tư và chủ động triển khai quy hoạch nghiên cứu khảo cổ do thành phố phê duyệt những năm trước đây, để sớm xây dựng bản đồ khảo cổ học của Hà Nội, thông báo công khai cho các chủ đầu tư biết để có biện pháp phối hợp./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét