Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Sử dụng Khái niệm mạng* trong Lý thuyết Phát triển Chính trị Xã hội – Trường hợp Đông Nam Á

Sử dụng Khái niệm mạng* trong Lý thuyết Phát triển Chính trị Xã hội – Trường hợp Đông Nam Á

Joyce C. White
Bản dịch của TS. Hà Hữu Nga

…Một khung khái niệm quyết định cách hiểu các mối quan hệ xã hội … một sự thay đổi trong khuôn khổ đó có thể xảy ra bằng một dấu hiệu rất khác biệt (Kemp và Husken 1991:8).

I. SỬ DỤNG KHÁI NIỆM MẠNG CHO XÃ HỘI ĐNA

Các đặc trưng chung của sự phát triển kinh tế xã hội đang ngày càng trở nên rõ ràng trong khu vực Trung tâm Đông Nam Á (ĐNA) lục địa, bao gồm các dải thung lũng sông Chao Phraya, Irrawaddy, các nhánh hạ lưu sông Mekong, vùng miền Trung và ven biển Việt Nam. Trong các nhà nước tại khu vực này người ta thường gặp hai vấn đề:

1. Các nhà nước phát triển muộn (Winzeler 1976) liên quan đến các nhà nước có nguồn gốc bản địa của Cựu Lục địa. Tính chất muộn màng này (không đến giữa Thiên niên kỷ I sau công nguyên (SCN) dường như đưa lại ấn tượng là khảo cố học tiền sử đã mô tả sự hiện diện lâu dài của hai nhân tố kinh tế và công nghệ, đôi khi vẫn được coi là quan trọng đối với sự ra đời của một quốc gia tại một nơi nào đó: i) việc canh tác lúa nước từ thiên niên kỷ IV trước công nguyên (TCN) có lẽ đã xuất hiện tại các khu vực đất ngập nước quanh năm (White 1995); và ii) các sản phẩm chuyên biệt về đồ đồng được định niên đại ít nhất là từ nửa đầu thiên niên kỷ II TCN (White 1986, 1988; Muhly 1988: 16).

2. Đầy dẫy bằng chứng cho thấy rằng các nhân vật đóng vai trò xây dựng các nhà nước dường như lại chính là các cư dân bản địa, trong khi đó các mô hình tư duy khái niệm Ấn Độ vẫn được đại chúng chấp nhận có chọn lọc và được thích nghi hóa như là một kiến trúc thượng tầng ý thức hệ (Wheatley 1983). Nếu như các lực lượng địa phương trở nên quá quan trọng đối với quá trình phát triển của các nhà nước thì tại sao các mô hình chính thống hóa lại không phát triển theo cung cách bản địa? Tại sao người ta lại phải vay mượn quá nhiều từ ý thức hệ của một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ? Wheatley (1979:295) đã khới lên rằng sự vay mượn ấy cho thấy các xã hội tiền nhà nước chắc chắn đã thiếu những mô hình chính thống làm cơ sở cho quá trình thể chế hóa bền vững hệ thống quản trị siêu làng. Tuy nhiền bằng chứng khảo cổ học từ giai đoạn tiền nhà nước tiền sử cũng cần phải được xem xét cùng với vấn đề này.   

Các quan sát về bước tiến, nền tảng kinh tế-công nghệ và chiến lược chính thống hóa đối với quá trình hình thành nhà nước ĐNA bản địa cho thấy rằng việc xem xét quỹ đạo văn hóa xã hội trong vùng chứa đựng những viễn cảnh quan tâm đến một lý thuyết tổng quát về quá trình phát triển của tính phức hợp chính trị xã hội nơi đây. Tuy nhiên sự trùng khớp giữa quá trình hình thành nhà nước với sự khởi đầu giai đoạn lịch sử có nghĩa là bằng chứng khảo cổ học về giai đoạn tiền sử sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Các hạn chế của Hệ mẫu Thủ lĩnh địa

Lâu nay người ta vẫn đặc biệt quan tâm tới việc nghiên cứu phức hợp xã hội thuộc các xã hội tiền nhà nước trong một vùng có thể được coi là các thủ lĩnh địa nếu như mô hình nhóm – bộ lạc – thủ lĩnh địa – nhà nước cho quá trình phát triển xã hội được chấp nhận. Đoạn mở đầu của một hợp tuyển mới đây dành riêng cho vấn đề thủ lĩnh địa (Earle 1991a:xii) đã ghi nhận rằng Châu Á không được trình bày trong bản tóm tắt đó một phần là vì “khái niệm thủ lĩnh địa ít được sử dụng” trong vùng này. Tình trạng thiếu vắng những văn liệu mạch lạc và có ảnh hưởng trong việc sử dụng khái niệm thủ lĩnh địa vào các xã hội tiền nhà nước tại ĐNA chí ít cũng có thể quy vào 4 lý do sau đây:

1. Các hệ mẫu chuyên ngành – Đa phần mang tính học thuật về các nhà nước sớm ở ĐNA được thực hiện trong các bộ môn không phải là khảo cổ học nhân học Mỹ. Các sử gia, các nhà lịch sử nghệ thuật và các nhà bi ký học được dạy dỗ theo truyền thống Châu Âu đã tiến hành hầu hết các nghiên cứu, các lý giải dữ liệu để có được những tổng hợp đầu tiên. Hầu hết các học giả này ít cảm thấy bị bắt buộc phải tiến hành các cuộc thảo luận trong khuôn khổ của một hệ mẫu lý thuyết tiến hóa văn hóa (Taylor 1992:181).

2. Thiếu các dữ kiện khảo cổ học – Chỉ có một số lượng ít ỏi các dữ kiện khảo cổ học cho chính giai đoạn tiền nhà nước (200 TCN- 800 SCN), mà chủ yếu là tiền sử.  

3. Các dữ kiện bất thường – Các dữ kiện này tồn tại để chứng tỏ cho sự phát triển xã hội trước khi hình thành nhà nước, thường là thưa thớt, không dễ dàng thích hợp với việc thảo luận dựa trên cơ sở các dữ kiện từ những vùng khác trên thế giới (Bentley 1986).

4. Những ứng dụng không thành công các mô hình tiến hóa – Các nỗ lực đề xuất thảo luận về các xã hội tiền nhà nước trong khuôn khổ các thủ lĩnh địa và các mô hình tiến hóa đã bị coi là không đầy đủ vì cả bằng chứng về các mối tương liên vẫn được chấp nhận phổ biến cũng không được xác định theo trình tự, sự kết hợp hoặc một bối cảnh thỏa đáng; và còn vì các mô hình đã không thể giải quyết được nhiều khía cạnh nổi bật từ những bằng chứng mới (Christie 1992; Bayard 1992).

Khi khẳng định rằng “các thủ lĩnh địa là những xã hội trực tiếp chứ không phải là nhà nước, cũng không phải là các xã hội theo chế độ bình quân” Earle (1991a:xi) đã muốn nói đến một phạm trù hết sức tổng hợp bao gồm gần như mọi xã hội sơ kỳ đá mới và các nhà nước. Tuy nhiên ngoại trừ cố gắng to lớn của Earle trong việc phân biệt khái niệm thì thủ lĩnh địa đã trở thành một hệ mẫu giả định về tính tập trung của việc “kiểm soát kinh tế, khả năng quân sự và tính chất chính thống về phương diện nghi thức” trong các xã hội “trực tiếp” (Earle 1991b: 14). Tính tập trung của tất cả ba biến số này thật khó mà thể hiện trong các xã hội tiền nhà nước ở ĐNA, kể cả việc kiểm soát kinh tế lẫn khả năng quân sự đều thực sự không phải là trung tâm đối với các xã hội nhà nước sớm nhất trong vùng.

Cuộc tranh đấu để áp dụng quá trình phát triển từ nhóm – bộ lạc – thủ lĩnh địa – nhà nước của các chuyên gia khu vực thực sự thiếu một sự đồng thuận rõ ràng về việc các xã hội sớm có thể được xác định dứt khoát là các thủ lĩnh địa hay thậm chí đã thực sự trở thành nhà nước. Nhiều thực thể vẫn được dán nhãn “nhà nước sớm” chẳng hạn như Angkor có những đặc điểm giống một thực thể vùng, thậm chí giống như mạng thủ lĩnh địa, đặc biệt là trong việc thừa kế không theo quy tắc, và việc nhấn mạnh vào cương vị thủ lĩnh nhờ ở thần uy của người cầm đầu (Wolters 1982; Hagesteijn 1986).  Mặt khác các bằng chứng về phẩm chất thủ lĩnh thể hiện rõ ràng ở di chỉ khảo cố học sớm tại Khok Phanom Di (2000-1500 TCN). Các bằng chứng ấy cho thấy một “trật tự phân cấp rõ ràng”, trong đó người ta cho rằng các “thủ lĩnh” ngày càng có nhiều quyền kiểm soát đối với việc phân phối hàng hóa uy tín trong khu vực đến các “cộng đồng phụ thuộc” vào nó (Higham 1989a:251), ngay cả khi tình trạng kinh tế của khu di chỉ được mô tả trong khuôn khổ của một cộng đồng săn bắn - hái lượm phôi thai một quá trình thuần dưỡng cây trồng, vật nuôi (Higham 1989b:84).

Các chuyên gia khu vực có lẽ đều rất nhất trí rằng một loại thực thể vùng nào đó đã phát triển từ giữa đến cuối thiên niên kỷ I TCN dựa trên sự xuất hiện của các mô hình phân cấp cư trú trong các vùng chẳng hạn như thung lũng Mun – Chi (Higham and Kijngam 1982; Moore 1988, 1990; Welch and McNeill 1991). Tuy nhiên bằng chứng cụ thể cho các mối tương liên vùng này, chẳng hạn như công việc chiến tranh, đẳng cấp xã hội cha truyền con nối bền vững, sự thống nhất hệ tư tưởng, hoặc quyền kiểm soát kinh tế của các nhóm tinh hoa đều còn lâu mới được công khai. Việc chứng minh về quyền lực chính trị tập trung hoặc bước quá độ sang xã hội phân tầng có đặc quyền tiếp cận với các nguồn lực chiến lược lâu nay vẫn khó nắm bắt. Các ví dụ này ngụ ý rằng các đặc trưng phát triển phức hợp chính trị và xã hội khu vực có thể khác biệt đáng kể với sự mong đợi từ các lĩnh vực khác.

Đưa khái niệm Mạng vào lý thuyết phát triển xã hội ĐNA  

Phần này chứng minh rằng giá trị của diễn trình văn hóa ĐNA đối với các vấn đề lý thuyết rộng lớn hơn nằm trong chính sự thách thức của nó đối với trí tuệ khảo cổ học truyền thống vẫn nhấn mạnh các mô hình tiên báo có tính quyết định luận về sự biến đổi văn hóa. Các dữ liệu ĐNA tạo thuận lợi cho việc đánh giá các khái niệm và các mô hình được phát triển từ các vùng khác trên thế giới: một cơ hội để phát triển các khung khái niệm mới hơn là việc tạo hình sự phát triển vùng cho phù hợp với các mô hình có trước (Morrison 1994). Với tư cách là bước khởi đầu trong quá trình đánh giá, phần này đề xuất ý tưởng cho rằng một khái niệm trọng tâm đã trượt khỏi công cuộc thảo luận về sự phát triển của xã hội ĐNA, và đến lượt mình nó lại trượt khỏi chính cuộc thảo luận về lý thuyết phức hợp xã hội: đó chính là khái niệm mạng (Crumley 1995).   

Crumley (1979, 1987) đã chỉ ra rằng cuộc thảo luận về sự phát triển tính phức hợp xã hội hầu như chỉ tập trung vào việc xây dựng các cấu trúc đẳng cấp: bằng chứng về sự khác thường và sự lệ thuộc. Lướt qua các trang đầu tập công trình của Earle (1991b:1) về các vùng có thể thấy rất rõ những khuynh hướng phê phán liên quan đến việc hiểu về “quá trình tiến hóa của các xã hội phức hợp chưa phải là nhà nước”. “Ngôn ngữ vùng” được bộc lộ trong mệnh đề kết hợp các từ chẳng hạn như quyền lực, sự thống trị, sự phân tầng, sự kiểm soát (đối với các nguồn lực, các thung lũng sông, thương mại hàng hóa uy tín), chiến tranh, lệ thuộc, trung tâm, tinh hoa, và uy tín. Các động thái được xem xét tập trung vào các mối quan hệ hàng dọc. Tính chất phức hợp ngày càng tăng được cân bằng với cấp độ cấu trúc tôn ty hình tháp lồng nhau ngày càng tăng (Peebles and Kus 1977). Trong khi các động thái này chắc chắn tồn tại và thực sự quan trọng, thì cách tiếp cận ấy được thừa nhận là một lối nhìn đơn phương về tính chất phức hợp trong quá trình phát triển nhà nước của khu vực (Crumley 1987; Cocoran 1992).

Một số nhà lý thuyết đã thừa nhận rằng tính chất phức hợp cũng có thể được xem xét bằng các khuôn khổ khác (Kauffman 1993), chẳng hạn như tính chất đa chiều, các tương tác tiềm tàng, hoặc tính chất phức tạp của các mối liên hệ. Các quan hệ có thể được phân cấp hoặc không phân cấp, hoặc cũng có thể được phân cấp theo tình huống, chẳng hạn như trong bối cảnh hoặc quan điểm này thì mang tính thứ bậc, nhưng lại không thích hợp với một quan điểm hoặc một bối cảnh khác. Một khái niệm về tính phức hợp vượt khỏi quyết định luận và tích hợp các lựa chọn và bối cảnh có thể mở rộng cuộc thảo luận của chúng ta theo những cung cách sao cho thực sự hữu ích.

Hai thành tố chủ yếu của cấu trúc mạng là một hệ thống thứ bậc mềm và sự phân biệt bên, hay bình tuyến, là những động thái phê phán đã bị bỏ qua hoặc bị đánh giá thấp trong việc phân tích quá trình tiến hóa của ĐNA và có lẽ của cả các xã hội khác nữa. Mặc dù Johnson (1982) đã sớm đề xuất một khái niệm liên quan tới hệ thống thứ bậc, là “hệ thống thứ bậc dãy”, nhưng ý tưởng của ông đã không gây được ảnh hưởng mà nó đáng có. Ảnh hưởng ấy mang tính bộ phận, bởi vì mệnh đề của ông bao gồm từ “thứ bậc”, không phân biệt rõ ràng quan niệm của ông với hệ thống thứ bậc chính thường, “hệ thống thứ bậc đồng thời” theo từ dùng của Johnson. Dẫu sao thì cuộc thảo luận của ông cũng đã bổ sung đáng kể cho lập luận của Crumley. Đặc biệt thảo luận của Johnson (1982:396) về bối cảnh và các vấn đề liên quan đến việc thiết lập một bình tuyến tổ chức xã hội phản hồi “sức ép giao tiếp vô hướng”, từ đây gọi tắt là “sức ép vô hướng” trực tiếp liên quan đến tiến hóa xã hội ĐNA.   

Bằng việc xem xét các dữ kiện của họ thông qua lăng kính thứ bậc về mô hình vùng, các nhà khảo cổ học ĐNA nói chung đã đánh mất ý nghĩa của động thái cấu trúc mạng của sự phân cấp mềm và của sự phân biệt bình tuyến trong bằng chứng của họ, không chỉ giúp xác định quỹ đạo xã hội riêng biệt của vùng, mà còn giúp xây dựng sự phát triển khu vực theo cung cách hợp nhất với việc thảo luận sâu rộng hơn về sự phát triển tính phức hợp xã hội.
Theo tôi, tối thiểu cũng có đến 4 mô thức hoặc chủ đề lớn có thể được coi là có đặc trưng mạng trong số các đặc trưng nổi trội một cách bền vững đối với quá trình phát triển xã hội tại vùng hạch ĐNA lục địa, tối thiểu là từ thiên niên kỷ II TCN: 1) Phương thức đa nguyên văn hóa; 2) Các nền kinh tế bản địa có khuynh hướng được đặc trưng bởi: i) đơn vị sản xuất dựa trên cơ sở hộ; ii) chuyên môn hóa kinh tế dựa trên cơ sở cộng đồng; và iii) cơ chế xếp lớp đa trung tâm cạnh tranh trong việc phân phối hàng hóa chứ không phải là các độc quyền được kiểm soát bởi một trung tâm duy nhất; 3) Hệ thống vị thế xã hội có khuynh hướng linh động trong thực tiễn và bao gồm sự thành đạt cá nhân, ngay cả ở nơi mà các hệ thống thừa kế chỉ tồn tại trong lý thuyết; và 4) Giải pháp cho xung đột và các chiến lược tập trung hóa chính trị có khuynh hướng tạo thành liên minh với các động cơ cạnh tranh – hợp tác ở trung tâm và có thể tái thỏa thuận định kỳ (chiến tranh, kiểm soát, chinh phục, hoặc các động cơ bạo lực khác bị làm lu mờ đi hoặc chỉ trở thành phái sinh).   

Trong khi không tự thể hiện mình một cách đồng nhất trong mọi bối cảnh, các mô thức mạng mà tôi đề xuất có thể được xác định trong các bối cảnh tiền sử, lịch sử, dân tộc học lịch sử, và dân tộc học tại ĐNA. Sau đây tôi sẽ tập trung vào việc thảo luận về các bằng chứng từ giai đoạn tiền sử khi các căn nguyên của quỹ đạo này hướng tới các nhà nước trong vùng phải được xác lập. Tất nhiên khảo cố học tiền sử là quá mới đối với một vùng mà các dữ liệu còn quá thưa thớt như vùng ĐNA lục địa này. Công việc nghiên cứu mới có thể đòi hỏi phải xem xét lại các quan điểm được đề xuất trong phần này. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng việc lý giải các mô thức của tôi bằng các chứng cớ tiền sử là phù hợp với các bằng chứng về các động thái chính trị xã hội trong vùng ở các giai đoạn muộn hơn.

Mô hình mạng trong nền cảnh tiền sử của các nhà nước ĐNA

Trong điều kiện các dữ liệu khảo cổ học thưa thớt đối với vấn đề các nhà nước sớm ĐNA trong nhiều thế kỷ (200 TCN – 800 SCN) thì lại có điều kiện thuận lợi để có thể tập hợp được đầy đủ dữ liệu từ các cuộc khai quật các di chỉ có niên đại từ 2000 năm – 200 năm TCN, đặc biệt là ở Thái Lan, giúp tái tạo dựng các mô thức phát triển văn hóa xã hội nơi đây. Nền nông nghiệp trồng lúa đã phát triển rực rỡ; việc sản xuất đồng và sắt cũng đều xuất hiện trong giai đoạn này; các di chỉ có những quy mô khác nhau, một số khu cư trú tại khu vực thung lũng sông Mun Chi có hào vây quanh, có lẽ thuộc thiên niên kỷ I TCN. Nếu các dữ kiện thuộc giai đoạn này được xem xét nhưng lại không thông qua lăng kính hình mẫu thủ lĩnh địa thì sẽ xuất hiện các mô thức đáng chú ý sau đây: i) quá trình địa phương hóa rõ ràng về văn hóa vật chất; ii) sự phát triển của các cộng đồng thủ công chuyên môn hóa; iii) tính chất cá thể trong việc xử lý các ngôi mộ bằng việc nhấn mạnh vào các ngôi mộ bất thường, thể hiện vai trò xã hội hoặc/và vai trò nghi lễ, kinh tế; iv) tình trạng khan hiếm bằng chứng về bạo lực có tổ chức hoặc chiến tranh. Tôi cho rằng các mô thức này thể hiện rõ ràng tính chất cấu trúc mạng bằng cách nhấn mạnh vào tính linh hoạt trong việc xác định vị thế, các mối quan hệ chính trị, và những phân biệt bên về các lĩnh vực kinh tế và xã hội.          

Địa phương hóa văn hóa vật chất: bằng chứng về đa nguyên văn hóa?

Các cuộc khai quật ở Thái Lan đang sản sinh ra tính chất đa dạng không ngờ được về văn hóa vật chất thể hiện các nền văn hóa địa phương hóa trên quy mô nhỏ (White 1986:337, Ho Chui-mei 1992). Trong khi đang cần các cuộc khai quật thêm để khẳng định các quan sát này và tăng cường việc kiểm soát dữ liệu trật tự thời gian và không gian chặt chẽ hơn thì đã có một số cơ sở để khẳng định rằng các đặc trưng địa phương lâu bền thể hiện rất rõ trong văn hóa vật chất, các thực tiễn nghi lễ, xã hội trong khoảng từ 2000 đến 200 năm TCN.

Những khác biệt bất ngờ trong các di chỉ liền kề trước hết trở nên rõ ràng khi trật tự gốm của di chỉ tiền sử Ban Chieng được so sánh một cách chi tiết với trật tự gốm của Ban Na Di cách đó chỉ 20km (White 1986:234). Dựa vào các niên đại C14, trầm tích nghĩa địa chủ yếu ở Ban Na Di trước hết phủ trên lớp nghĩa địa Ban Chiang giai đoạn giữa có niên đại từ sơ đến trung kỳ thiên niên kỷ I TCN. Một giả định khảo cổ học thông thường cho rằng hai di chỉ khảo cổ học gần nhau như vậy có thể có chung một truyền thống văn hóa (Higham and Kijngam 1984) có vẻ rất khó mà tách bạch được về gốm. Các trầm tích đương đại ở cả hai di chỉ có rất ít gốm có chung phong cách nên khó mà liên hệ niên đại giữa hai di chỉ ấy. Người ta có thể đặt câu hỏi đầu tiên rằng liệu các di chỉ này có tồn tại các lớp văn hóa đồng đại không. Tuy nhiên hai di chỉ đều có chung một loại hình đồ đựng đặc biệt, dù là hiếm, và điều này đã níu chặt hai trật tự niên đại lại với nhau. Một khi phong cách riêng của gốm hai di chỉ được nhận biết thì những đặc điểm phân biệt khác cũng đã trở nên rõ ràng.

Việc quan sát những khác biệt đáng kể về phong cách và hình thái đã được hỗ trợ bởi các phân tích kỹ thuật. Các phương pháp chế tạo vật dụng ở cả hai di chỉ cũng được phân biệt dựa vào việc nghiên cứu cấu trúc gốm (Vincent 1984, 1988; Glanzman and Fleming 1985; McGovern et al. 1985; White et al. 1991). Mặc dù các nghiên cứu về Ban Chiang mới chỉ ở giai đoạn sơ bộ, nhưng loạt nồi gốm giai đoạn Ban Chiang giữa đã sử dụng thịnh hành loại xương gốm có trộn trấu, trong khi Ban Na Di lại trộn bằng vụn mica hoặc bằng chính vụn gốm. Gốm Ban Chiang đều được làm bằng kỹ thuật bàn đập và hòn kê, trong khi hơn 90% nồi gốm Ban Na Di lại được làm bằng kỹ thuật khuôn-dải cuộn (Vincent 1984:661; White et al. 1991). Tóm lại các so sánh kỹ thuật, phong cách, hình thái đều khẳng định rằng Ban Chiang và Ban Na Di đã có những truyền thống chế tạo gốm khác nhau vào giữa thiên niên kỷ I TCN.

Gốm không phải là lĩnh vực duy nhất của văn hóa vật chất mà những khác biệt quan trọng giữa hai di chỉ đã thể hiện rõ ràng. Chẳng hạn như những chiếc vòng tay được làm bằng sò biển Chotrus thường gặp ở Ban Na Di, nhưng lại không thấy ở Ban Chiang – chí ít là từ cuộc khai quật do Cục Nghệ thuật và Bảo tàng Đại học Pennsylvania thực hiện. Những tượng nhỏ được tìm thấy trong mộ ở cả hai di chỉ đều khác biệt rõ rệt về kích thước, phong cách và ý nghĩa. Các mẫu Ban Chiang thường nhỏ, dài khoảng 3-4cm, và hình thù không rõ nét; còn các mẫu Ban Na Di thì lớn hơn nhiều, thường trên 15cm, được tạo dáng một cách tinh xảo hơn, và có thể dễ dàng nhận ra đó là trâu, bò, người, cá, voi.

Không chỉ là văn hóa vật chất, mà cả những khía cạnh xã hội cũng cho thấy những khác biệt đáng chú ý như đã thấy rõ trong táng tục ở cả hai di chỉ. Cách tổ chức mộ cùng với các đồ tùy táng thể hiện rõ sự khác biệt về hàng loạt loại hình và cách xử lý những chiếc nồi gốm đặt trong mộ cũng như hàng loạt mẫu vật và việc xử lý các di tích động vật giữa hai di chỉ. Mộ giai đoạn Ban Chiang giữa được đặc trưng bởi các bộ hài cốt được phủ bằng những vỉa gốm từ những chiếc nồi bị đập vỡ có chủ đích, mà khi phục dựng lại thấy có một số mẫu giống hệt như các mẫu gốm được đặt trên mộ. Chẳng hạn mộ số 40 trong mùa khai quật lần thứ hai có 7 chiếc nồi tô các vạch trắng và hai chiếc kết hợp tô màu và khắc vạch. Vincent (1984: 667) đã phát hiện ra một sự trái ngược tại Ban Na Di: mỗi mộ gồm có một vài chiếc nồi, trong đó một số thì vỡ, một số thì còn nguyên, và “…khuynh hướng chung là sử dụng những loại hình khác nhau chứ không phải chỉ một loại hình nhưng được sử dụng với số lượng nhiều”.  

Xương động vật trong mộ cũng cho thấy những khác biệt về táng thức và hành vi nghi lễ. Mộ Ban Na Di thường có các chi nguyên vẹn của loài móng guốc, gồm có trâu, bò, lợn. Ở Ban Chiang lại thấy nhiều gà và hàm động vật, nhưng không có các chi nguyên vẹn của loài móng guốc với tư cách là một bộ phận của đồ tùy táng (Kijngam 1979:73).

Những khác biệt đã được lưu ý trong văn hóa vật chất và trong nghi lễ có vẻ không thể hiện một sự biệt lập về văn hóa. Không có sự biệt lập văn hóa thể hiện qua các bằng chứng về thương mại đường dài chẳng hạn như sò biển, đá, kim loại trong mạng lưới trao đổi vùng phát triển từ sông Mekong ra phía biển (khoảng cách giữa cao nguyên Khorat và vịnh Siem ít nhất cũng 500km). Các mối quan hệ văn hóa đường dài cũng thể hiện rõ ràng qua công nghệ và loại hình đồ kim loại trên một vùng rộng lớn từ Miến Điện đến Việt Nam vào thiên niên kỷ II TCN. Điều đó cũng chỉ rõ một khu vực kỹ nghệ rộng rãi độc đáo, được gọi là Tỉnh Luyện kim ĐNA (White 1988).  

Trong khi luyện kim thể hiện một sự giao tiếp rộng rãi thì các loại hàng hóa đặc biệt của thương mại đường dài lại không được phân bố một cách đồng nhất như vậy. Nếu không vì lấy mẫu nhầm thì sự kiện khai quật tại Ban Na Di phát hiện ra một số vòng tay Trochus có nguồn gốc biển trong khi không cuộc khai quật nào tại Ban Chiang cho thấy mỗi cộng đồng đều tham gia một cách riêng rẽ vào thương mại hàng ngoại và có lẽ hàng hóa còn được sản xuất ở nơi khác nữa, mặc dù hai di chỉ này về cơ bản đều có cách thức giống nhau trong việc tham gia vào các mạng thương mại liên khu vực về phương diện vật chất (khoảng thời gian). Vì vậy các cộng đồng riêng rẽ có thể ấn định những giá trị khác nhau cho các mặt hàng ngoại đặc biệt: một mạng giá trị.  

Ví dụ đặc biệt này về tính biến đổi địa phương bất ngờ trong văn hóa nghi lễ và văn hóa vật chất đã được thảo luận ở một số chi tiết vì có đủ các thông tin được công bố từ hai cuộc khai quật chủ yếu với các trật tự xếp lớp để phân biệt một vài khía cạnh khác biệt bên trong di chỉ và để đề xuất một ý tưởng nào đó về các chiều kích biến đổi địa phương hóa. Những ví dụ khác thuộc các vùng liền kề với những khác biệt rất rõ ràng về văn hóa vật chất được xác định ở miền Trung Thái Lan (Ho Chui-mei 1992; Natapintu 1992), đã cho thấy đông bắc Thái Lan dù xa xôi, hẻo lánh, nhưng không hề bị cô lập.

Một khía cạnh khác của đặc trưng tiểu vùng trong giai đoạn tiền sử Thái Lan được thể hiện bằng sự tham gia vào thời đại đồ đồng như một giai đoạn đã được xác định là khác biệt và đi trước thời đại đồ sắt. Vì vậy Glover (1991a, 1991b) cho rằng tây Thái Lan, đặc biệt là vùng thung lũng sông Kwai Noi và Kwai Yai đã không có bằng chứng về bất cứ sự liên can nào với kỹ nghệ đồng thau được khai thác tại các công trường thời đó ở đông bắc và trung Thái Lan vào thiên niên kỷ I TCN. Vì các khoảng cách trong ý nghĩa tuyệt đối của nó không vượt khỏi một loạt mạng thương mại đã biết nên ông kết luận rằng: “chúng ta đã bắt đầu nhận ra nhiều phạm vi tương tác” trong tiền sử Thái Lan, nơi các trở lực về xã hội cũng nhiều chẳng kém gì các trở lực về tự nhiên”. Mặc dù Bắc Việt Nam nằm ngoài phạm vi của phần này, nhưng vẫn rất xứng đáng để nhắc lại rằng Hà Văn Tấn cũng đã quan sát được quá trình biến đổi địa phương hóa trong các văn hóa và các nhà nước đương thời mà quá trình địa phương hóa thể hiện rất rõ trong giai đoạn tiền Đông Sơn (Trước thời đại đồ sắt: 2000-700 năm TCN). Ông cũng lưu ý rằng tính chất đa dạng văn hóa địa phương hóa thể hiện rõ ràng trong các phong cách gốm, tạo hình công cụ đá và kỹ nghệ, cũng như trong sự hiện diện khác biệt của hoạt động chế tạo đồ đồng.

Một điều rất đáng chú ý về việc xác định thời điểm của quá trình địa phương hóa này bản thân tôi đã nhận thấy rất rõ ở đông bắc Thái Lan, và Hà Văn Tấn ở Việt Nam, đó chính là thời điểm trùng khớp với thời điểm xuất hiện thời đại đồ đồng. Tại cả hai nơi đều thấy có sự tương đồng lớn trong văn hóa vật chất vùng (những tương đồng về phong cách phát triển trên những vùng rộng lớn hơn) trước khi xuất hiện đồ đồng. Ngay khi đồng thau trở thành một công nghệ thì các mảnh văn hóa vật chất cũng gia nhập vào các nhóm nhỏ, địa phương hóa cao. Vì vậy trong khi nuôi dưỡng mối quan hệ ngày càng tăng (tức là sự giao tiếp) giữa các cộng đồng thì sự xuất hiện của đồng thau cũng đi cùng với sự khác biệt bình tuyến mang tính tượng trưng và tính vật chất ngày càng tăng.   

Căn cứ vào những nhận xét của Johnson (1982) thì sự xuất hiện rộng rãi của đồ đồng thau trong tiền sử ĐNA có thể tạo ra một bối cảnh sức ép giao tiếp vô hướng. Phản ứng lại với sức ép này là sự khác biệt bình tuyến của những đơn vị cộng đồng có thể nhận thấy trong các bối cảnh khảo cổ học như tính chất biến đổi địa phương hóa trong văn hóa vật chất và trong táng thức. Việc sáng tạo hành vi nghi lễ liên quan đến những biểu hiện về tính chất biến đổi phong cách có thể đánh dấu sự xác định nguồn gốc của các phụ nhóm được Johnson lưu ý như là những cơ chế tích hợp có thể làm giảm đi những sức ép giao tiếp vô hướng trong các nhóm mà ông gọi là “phương thức bình quân”. Vấn đề tại sao sự khác biệt lại xảy ra theo bình tuyến mà không phải là trực tuyến sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta nhìn vào những khía cạnh khác của các bằng chứng tiền sử ở phía dưới. Biến đổi văn hóa địa phương hóa tiếp tục ở Thái Lan cho đến giai đoạn đồ sắt (nửa sau thiên niên kỷ I TCN) tối thiểu là ở thung lũng Khorat thuộc đông bắc Thái Lan. Tuy nhiên ở Việt Nam giai đoạn Đông Sơn thuộc thời đại đồ sắt đã chứng kiến một sự cố kết của các văn hóa tiểu vùng (Hà Văn Tấn 1991).

Khác biệt bình tuyến trong tổ chức kinh tế tiền sử

Giới tinh hoa kiểm soát việc sản xuất và phân phối các sản phẩm thủ công chuyên môn hóa thường được coi là một thể tương liên phức hợp xã hội ngày càng tăng và một phương tiện cho các cá nhân hoặc các nhóm (thân tộc) tích lũy của cải và nắm được quyền lực. Vẫn chưa tìm được bằng chứng ở vùng hạch của ĐNA lục địa để gợi ý rằng việc kiểm soát sản xuất và phân phối hàng hóa là một phương tiện chủ yếu mà các nhóm tinh hoa vùng sử dụng để tập trung quyền lực chính trị. Hơn nữa các bằng chứng hiện thời cũng chỉ ra rằng chuyên môn hóa thủ công và trao đổi đường dài phát triển và tăng cường theo cách giải tập trung và đa trung tâm không có lợi cho việc duy trì sự kiểm soát theo thứ bậc.

Một ví dụ tốt nhất để bộc lộ rõ vấn đề này trong giai đoạn tiền sử Thái Lan là việc sản xuất và phân phối các hàng hóa kim loại chủ yếu là đồ đồng. Bằng đặc tính tự nhiên, luyện kim đồng đòi hỏi một trình độ chuyên môn hóa nhất định vì tính chất phức hợp và sự cố gắng sản xuất và phân phối mang tính tập trung các nguồn nguyên liệu buộc số lượng người sản xuất phải ít hơn người tiêu thụ.

Bằng chứng từ Thái Lan trong khoảng từ 2000 – 300 năm TCN đã chỉ ra rằng những người sản xuất kim loại trong suốt giai đoạn này là những chuyên gia độc lập. Trong khi sự hiện diện thông thường của các mảnh nồi nấu kim loại tại các di chỉ làng cách xa nguồn quặng đã chỉ rõ rằng các làng bình thường có những người thợ đúc và các nhà chuyên môn cư trú đôi khi cũng tập hợp nhau lại thành các cộng đồng (chẳng hạn như Non Nok Tha, Non Pa Wai, Nil Kham Haeng lại chấp nhận chuyên môn hóa cộng đồng riêng sản xuất cho một phạm vi tiêu thụ vùng). Từ quan niệm chung này, các bằng chứng ở Thái Lan đã chỉ rõ tính chất tăng cường của sản xuất và khối lượng sản phẩm từ các cộng đồng sản xuất kim loại chuyên môn hóa có thể khác biệt bằng cách tăng cường sản xuất một khối lượng lớn sản phẩm, có thể được gọi là “công nghiệp cộng đồng”. Mức độ công nghiệp của sản lượng sản phẩm dựa trên cộng đồng thể hiện rõ trong các di chỉ sản xuất đồng có niên đại từ 1500 – 300 năm TCN ở thung lũng sông Khao Wong Prachan thuộc miền trung Thái Lan.

Không có sự phân biệt chức năng ngoài di chỉ nào phù hợp với việc tổ chức sản xuất công xưởng lại được xác định trong các cộng đồng sản xuất đồng ở trung Thái Lan với khối lượng sản phẩm ở mức độ công nghiệp. Thay vào đó phương tiện sản xuất quy mô nhỏ, các sản phẩm đúc nhỏ bé, phân bố rải rác các đồ phế thải trong sản xuất, và việc trộn lẫn với các chất liệu có sẵn tại nơi cư trú đã cho thấy công việc sản xuất được tổ chức theo quy mô hộ. Mỗi hộ đã tiến hành những bước cần thiết để đưa nguyên liệu (tức là quặng đồng từ những khu mỏ gần kề) qua những công đoạn sản xuất khác nhau để có được sản phẩm cuối cùng. Không bằng chứng nào cho thấy một đầu vào hạn chế, việc tổ chức lao động theo thứ bậc, các công việc bị chia tách theo không gian, hoặc bất cứ một chứng cớ nào khác cho thấy những cung cách kiểm soát độc tài. Pigott et al. (1995) đã xuất trình một mô hình công nghệ đề cập đến cách sản xuất đồng theo những đơn vị sản xuất nhỏ đã được quản lý như thế nào.

Bằng chứng nghĩa địa đi liền với các cộng đồng sản xuất đồng cho thấy rằng vai trò kinh tế của những người sản xuất đồng đã được chấp nhận rộng rãi. Các mộ táng ở Nil Kham Haeng đều thuộc những người khá giả vì có nhiều đồ tùy táng với nhiều loại hình khác nhau, trong đó thường thấy các dụng cụ sản xuất đồng như búa chim, khuôn đúc, quặng, và các hiện vật bằng đồng thường bị làm hỏng. Sự phân bố của các mộ trong di chỉ cho thấy rằng đầu vào đối với vị thế xã hội qua công việc sản xuất đồng không bị hạn chế đối với bất kỳ bộ phận xã hội nào (Pigott et al. 1995). Không có gì cho thấy những người sản xuất này nhất thiết phải tích lũy các tài sản thông thường hoặc sử dụng địa vị kinh tế chuyên môn hóa của họ để tích lũy quyền lực kinh tế hoặc quyền lực chính trị vượt khỏi cộng đồng vùng của họ. Quy mô di chỉ thường khiêm tốn và nói chung điển hình cho các di chỉ làng tiền sử (chẳng hạn như Nil Kham Haeng chỉ rộng 3 - 5ha). Hơn nữa ở những vùng có các di chỉ khá rộng phát triển vào giữa thiên niên kỷ I TCN (chẳng hạn như vùng Phi Mai dọc theo hệ thống sông Mun) không quá xa so với các nguồn đồng và là những cộng đồng chính sản xuất đồng chuyên môn hóa.

Tại Thái Lan, bằng chứng về sự phát triển sản xuất đồng thể hiện ở các mô thức tăng cường và chuyên sâu, nhưng không phân hóa theo trật tự thứ bậc, mà là phân hóa bên. Phân hóa bên có thể có những loại hình khác nhau, các bằng chứng từ thiên niên kỷ II TCN ở đông bắc Thái Lan rất phù hợp với một hệ thống sản xuất phân tán mà các công đoạn sản xuất khác nhau có thể được thực hiện tại những di chỉ khác nhau, bởi các cộng đồng khác nhau (White and Pigott 1995). Ngược lại ở miền trung Thái Lan đã có những bằng chứng rõ ràng về quá trình phân hóa sản xuất ở thung lũng Khao Wong Prachan, với các cộng đồng riêng thực hiện hầu hết các công đoạn sản xuất. Hơn nữa các bằng chứng hiện thời cho thấy các cộng đồng liền kề nhau cùng sản xuất đồng, nhưng có thể đã khai thác các công nghệ tương đối khác nhau và đã sản xuất ra những loại sản phẩm khác nhau. Nhận xét này là kết quả của các quan sát tại Nil Kham Haeng, thể hiện rõ trong việc sản xuất các vật dụng hình dây thừng, có đế lắp ghép mà người ta vẫn chưa biết rõ chức năng của nó. Tuy nhiên ở gần Non Pa Vai, trầm tích lớp trên trồng lên lớp Nil Kham Haeng ở dưới, những người sản xuất đồ kim khí tập trung vào việc sản xuất các thỏi kim loại và hàng loạt vật dụng khác nhau. Vì vậy bằng chứng vùng trung Thái Lan cho thấy một phương tiện mà việc tổ chức kinh tế dựa trên cơ sở sản xuất cộng đồng chuyên môn hóa có thể được tăng cường không phải bằng quá trình hình thành hệ thống thứ bậc mà bằng chính các cộng đồng riêng rẽ chuyên môn hóa sâu hơn vào các thị phần riêng biệt của thị trường. Loại phân hóa bên thông qua việc nhấn mạnh vào một cụm thị trường có thể tránh được nhu cầu kiểm soát hành chính hoặc một nền kinh tế chỉ huy. Như Johnson đã nói “…việc tạo lập một tổ chức xã hội bên thiết yếu…làm giảm đi tính phức hợp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội…”

Các cơ chế phân phối hàng hóa trong giai đoạn tiền nhà nước ở vùng hạch ĐNA vẫn còn chưa được biết rõ. Việc tổ chức sản xuất độc lập linh hoạt và giải tập trung cũng như việc thiếu bằng chứng kiểm soát chặt chẽ mức độ tiêu thụ của tầng lớp tinh hoa chóp bu lại tỏ ra là sự phân phối giải tập trung và đa mô hình. Các chiến lược này có thể giống với các chiến lược đã được thảo luận trong các công trình của Bowie (1992). Stark (1992) cũng đã mô tả sự phân phối hàng dệt ở bắc Thái Lan và gốm ở Luzon một cách riêng rẽ theo những bối cảnh dân tộc học lịch sử mà ở đó có nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau trong các cộng đồng đã chuyên môn hóa. Việc phân phối hàng hóa qua các liên hệ bên, phức hợp với nhiều dạng thức có thể là một chức năng tích hợp theo bình tuyến vùng đa nguyên văn hóa rộng lớn hơn.

Khung cảnh linh hoạt trong phân hóa xã hội tiền sử

Giống hệt như các khu vực khảo cổ học khác trên thế giới, việc xác định các nhóm tinh hoa xã hội là một chủ đề chính trong nghiên cứu khảo cổ học ĐNA trong vòng trên một thế kỷ qua. Một số nghĩa địa tiền sử là đối tượng của các cuộc khai quật và thường được nhận thức thông qua mô hình tiến hóa. Các nhà khảo cổ học ĐNA đã thử đề xuất những chiến lược khác nhau để nhận thức các bằng chứng về những vị thế khác nhau trong số chủ nhân của các ngôi mộ. Được gợi hứng từ Peeples và Kus (1977), Tainer (1978) và những người khác nữa, một số nhà khảo cổ học đã đi tìm bằng chứng về các bước phân hóa thứ bậc thừa kế - sự phân cấp được coi là không theo ý muốn – như là một thứ chìa khóa để phát triển phức hợp xã hội (Peeples và Kus 1977). Cho đến nay, các kết quả đạt được không đủ sức thuyết phục, thậm chí đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Tình trạng lộn xộn trong việc tìm hiểu các đặc trưng cấu trúc của xã hội tiền sử phần nào tùy thuộc vào các mẫu nghiên cứu sẵn có thì vẫn còn nhỏ nhoi; các nghĩa địa được khai quật còn rất khiêm tốn. Hơn nữa các công cụ lý thuyết được sử dụng để phân tích cũng không đầy đủ. Bốn di chỉ đã được khai quật công phu ở Thái Lan cho thấy tầm quan trọng của các trầm tích văn hóa nghĩa địa tiền sử cùng với một số phân tích chi tiết đã được công bố đủ đề bình luận về các bằng chứng phân cấp xã hội, đó là Ban Kao, Non Nok Tha, Ban Na Di, và Khok Phanon Di.

Nghĩa địa Ban Kao ở trung tây Thái Lan có niên đại vào nửa đầu thiên niên kỷ II TCN và đã được khai quật trước khi phân biệt được sự phân cấp các hệ thống xã hội mà khảo cổ học lý thuyết của Mỹ rất chú trọng. Sorensen (1967) đã nhận thấy rằng các mộ được phân biệt bởi đồ tùy táng có từ một đến hai mươi di vật, và ông cũng đã thảo luận về việc lựa chọn, xếp đặt và xử lý các đồ tùy táng đó. Sự khác biệt về tài sản và việc xử lý đồ tùy táng đã cắt qua tuổi tác, giới tính, trong đó một số mộ trẻ em lại có số lượng đồ tùy táng phong phú hơn một số mộ người lớn. Một số mộ cũng có vẻ rất khác thường. Mộ số 10 là một người đàn ông 50 tuổi có một tập hợp đồ tùy táng khiến cho Sorensen nghĩ rằng đây là mộ của một pháp sư. Điều gây ấn tượng cho Sorensen hơn bất kỳ một bằng chứng nào khác về những khả năng khác biệt vị thế chính là “mức độ tùy tiện khác thường và tính chất không tuân theo nghi thức” của các ngôi mộ “được bày biện có vẻ cá nhân của chúng” Sorensen (1967: 74) và “sự vắng mặt của những luật tắc chặt chẽ trong táng thức” (ibid, 141).

Nghĩa địa Non Nok Tha được định niên đại sơ bộ vào các thiên niên kỷ I – II TCN. Người khai quật (Bayard 1984) đã kết luận có hai nhóm liên quan trong nghĩa địa này căn cứ vào sự khác biệt về phân bố của các loại hình đồ gốm nhất định. Sau đó Bayard đã nghiên cứu sự khác biệt giữa các ngôi mộ theo mức độ giàu nghèo tương đối căn cứ vào số lượng hiện vật từ 0 đến 32. Đáng lưu ý là Bayard đã sử dụng một ranh giới võ đoán là 14/15 hạng mục cho một mộ để phân biệt giữa giàu và nghèo bằng cái mà ông thừa nhận là tính liên tục từ “giàu” đến “nghèo”. Cả hai nhóm liên quan này đều có mộ giàu và mộ nghèo, nhưng một nhóm có tỷ lệ mộ giàu lớn hơn. Bayard cho rằng mô thức phân chia đồ tùy táng khác nhau như vậy chính là bằng chứng thể hiện “sự phân cấp khác thường”.  Nhóm giàu rõ ràng có nhiều đồ ngoại nhập, bao gồm cả đồ kim loại, mặc dù tập hợp này thực sự không có giá trị cao. Dựa vào sự xuất hiện một số mộ trẻ em giàu có nên ông đã gộp hiện tượng này vào tập bằng chứng về một vị thế được thừa kế, chứ không phải là một vị thế do cá nhân đạt được. Có một khuynh hướng rõ ràng là ở một số vị trí của nghĩa địa có tỷ lệ nhóm liên quan cao hơn.

Những người khai quật Ban Na Di (Higham and Kijngam 1984) đã tập trung vào chiến lược nghiên cứu mức độ phân cấp xã hội khác nhau. Họ so sánh từ hai bộ phận mộ cách nhau khoảng 25 m đã được khai quật, trước hết theo tiêu chí có sự hiện diện của các hạng mục nhập khẩu, chẳng hạn như sò ốc biển, kim loại. Các hiện vật này được coi là “bảo bối nguyên thủy” ngoại nhập, và chứng tỏ về sự “tiêu phí năng lượng cao hơn” của chủ nhân của các ngôi mộ có các đồ tùy táng ấy. Và chủ nhân của các ngôi mộ có chứa các loại đồ tùy táng ấy được coi là “khá giàu có” và đầu tiên được phát hiện tại một vị trí của khu nghĩa địa đã được khai quật... Mô thức đó kéo dài suốt quá trình sử dụng nghĩa địa mà Higham và Kijngam cho là vào khoảng 800 – 1000 năm. Họ kết luận rằng: “bằng chứng này hoàn toàn ủng hộ cho sự hiện diện của tình trạng bất bình đẳng cha truyền con nối…một trình độ phân cấp vừa phải theo huyết thống…” (Higham and Kijngam 1984). Báo cáo của họ đã không so sánh những khác biệt về số lượng đồ tùy táng giữa hai mẫu nghĩa địa đã được khai quật, có thể là do việc thực hiện các táng thức đã không được hoàn thiện.

Nghĩa địa Khok Phanom Di (2000 – 1500 TCN) là một di chỉ ven biển rộng khoảng 5 ha ở trung Thái Lan đồng thời với di chỉ Ban Kao. Những người khai quật đã lý giải về hiện tượng đa số các mộ đều có huyệt mộ từ 10 x 10m là thuộc về những tập hợp đại diện cho những khu vực mai táng tách biệt của những nhóm họ hàng khác nhau. Họ còn đề nghị phân lập thêm một loạt thế hệ mộ cắt qua các tập hợp này. Rất đáng lưu ý là các bằng chứng đã cho thấy rõ vật tùy táng giữa các tập hợp đó là khác nhau theo thời gian, bằng một tập hợp riêng biệt, các mộ giàu có lại được tiếp nối bởi các mộ bình thường hoặc nghèo. Một số thảo luận trước đây về diễn tiến của táng thức đã ám chỉ bước chuyển tiếp tới một thời đại xuất hiện các vị thế được thừa kế vào giai đoạn muộn của trật tự này. Điều đó đã cho thấy có sự thay đổi trong nhận thức của các chủ nhân khu nghĩa địa. Các mộ giai đoạn muộn bao gồm các trẻ em giàu có và một mộ phụ nữ ở độ tuổi 30 đặc biệt giàu có (mộ 15). Higham cho rằng sự thay đổi trong việc bài trí mộ như vậy gợi ý về một “khu vực nghĩa địa giành riêng” cho người giàu. Bằng chứng khác cho thấy những tương liên “kiểu thủ lĩnh địa”, bao gồm quá trình chuyên môn hóa về nghề nghiệp, các loại hàng hóa uy tín có thể tượng trưng cho vị thế, mức tiêu thụ năng lượng khác nhau, sự tập trung hóa và quy mô di chỉ khác nhau. Tuy nhiên tiếp theo mộ giàu số 15, các mộ kế tiếp không quá giàu có đến mức như vậy. Vì thế không có bằng chứng cho thấy sự duy trì các khác biệt rõ ràng về vị thế trong các thế hệ tương lai.  

Các cách xử lý tắt, quá đơn giản này không thể đánh giá đúng được các chi tiết của các dữ liệu của từng di chỉ, mức độ phong phú của các cách tiếp cận và sự phân tích của mỗi học giả, các vấn đề về khả năng áp dụng các mô hình đã được sử dụng, hoặc các vấn đề lấy mẫu và xây dựng trật tự niên đại. Tuy nhiên từ các tóm tắt kiểu tổ kén được sử dụng để gây ấn tượng với các mô thức phân tích táng thức quá khứ mà tôi muốn có một số xem xét và đề xuất một tâm điểm chú ý mới.

Rõ ràng là mỗi nghĩa địa đều phản ánh một truyền thống táng tục liên quan rộng rãi đến cách hung táng nằm ngửa kèm theo các đồ tùy táng thường bao gồm cả các hiện vật gốm. Tuy nhiên mỗi nghĩa địa đều khác nhau về nhiều khía cạnh nổi bật, và các khác biệt về cách tiếp cận phân tích cũng phản ánh những khác biệt này ở một mức độ nào đó. Dữ kiện thu được đã không phù hợp với các mô hình được đề xuất để xem xét những mức độ phân cấp xã hội khác nhau, và vẫn tồn tại một vấn đề không rõ ràng là có thể sử dụng bất cứ một cách tiếp cận nào để phân tích các nghĩa địa đó cũng đều ổn cả. Rõ ràng đây không phải là những xã hội có lối sống bình quân vì các ngôi mộ đã không được xử lý giống như nhau, hơn nữa các mộ đơn lại rất khác biệt về số lượng và kiểu loại đồ tùy táng, trong khi đó mức độ khác biệt xã hội trong các nghĩa địa lại thường mơ hồ, không rõ ràng, và mỗi nghĩa địa lại có cách thể hiện khác nhau.   

Sự khác biệt giữa các nghĩa địa cho thấy các mô hình đã có và việc áp dụng vào nguồn dữ liệu ĐNA cần phải được xem xét lại. Việc nỗ lực tập trung phân tích đánh giá sơ bộ sự hiện diện và mức độ phân cấp (chẳng hạn như vị thế xã hội bình đẳng, tự đạt được hay được thừa kế) đều không đánh giá đúng tính chất phức hợp của dữ kiện. Vẫn còn một vấn đề khác chưa được biết rõ là liệu mức độ giàu có khác nhau có phải được phân biệt dựa vào số lượng các đồ tùy táng hoặc sự có mặt hay vắng mặt của những hiện vật không phải của địa phương có thực sự nói lên sự thay đổi trong một hệ thống phân cấp chính thức hóa hay không. Theo tôi, tất cả các di chỉ được thảo luận ở trên đều phù hợp với các phán đoán của Bayard (1984: 108) khi ông bàn về sự phân nhỏ khác thường tại Non Nok Tha): “tầng lớp cực giàu được Peebles và Kus xác định, chủ yếu bao gồm những người đàn ông đã trưởng thành có vẻ như không tồn tại. Hơn nữa cũng không có bằng chứng về sự phân cấp theo nghĩa chặt chẽ được Peebles và Kus sử dụng trong nghiên cứu của họ…các ranh giới phân định giữa các đẳng cấp là không rõ ràng, cũng không hề có các phân biệt về biểu tượng, gia huy của các đẳng cấp khác nhau”. Các cách tiếp cận nhằm nhận thức rõ ràng sự phân biệt xã hội có vẻ không thích hợp với các dữ liệu thu được. Nhưng như vậy không có nghĩa là không hề có sự tồn tại của một loại phân cấp vị thế xã hội nào đó; vấn đề là ở chỗ liệu có tồn tại hay không tồn tại một cách tiếp cận phân tích xã hội tạo dựng được một khung khái niệm thích hợp cho việc nhận diện các xã hội vận hành như thế nào.         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét