Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Nghiên cứu đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên – Kết quả và vấn đề

Nghiên cứu đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên – Kết quả và vấn đề[1]
 
                                     Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Anh Thư và Lâm Thị Mỹ Dung
 
(Bài tham gia Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2011, Hà Nội)
 
Đồ gốm do những đặc điểm cơ học và văn hóa độc đáo của mình luôn luôn là nguồn tài liệu hữu dụng và quan trọng trong nghiên cứu khảo cổ học bất kể giới hạn nào về không gian và thời gian, hiện nay đã có nhiều phương pháp và cách tiếp cận mới trong nghiên cứu đồ gốm giúp khai thác tối đa và nhiều chiều lượng thông tin.
Nói đến gốm Champa, đa phần người nghiên cứu và công chúng thường nghĩ đến gốm Gò Sành hay gốm Bàu Trúc. Trong khi đó một khối lượng đồ sộ đồ gốm từ các địa điểm khảo cổ học Champa niên đại 10 thế kỷ đầu Công nguyên chưa được nghiên cứu và công bố một cách đầy đủ, khoa học và hệ thống.
Áp dụng một số phương pháp và cách tiếp cận mới trong nghiên cứu đồ gốm, đề tài nghiên cứu đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên cố gắng đưa ra những kiến giải hợp lý về kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, phân phối… và BỔ SUNG những hiểu biết mới về niên đại, loại hình và chức năng của đồ gốm giai đoạn này.
Kết quả nghiên cứu
1. Áp dụng các lý thuyết và phương pháp của khảo cổ học kỹ thuật và khảo cổ học xã hội đặc biệt là so sánh kết quả phân tích kỹ thuật (định tính) với các phương pháp khảo cổ học truền thống (loại hình học định lượng, định tính) để nhận biết và đánh giá một số vấn đề về nguồn gốc, tiếp nối văn hóa, cấu trúc, tổ chức xã hội (ví dụ mối quan hệ Sa Huỳnh – Champa; vấn đề Lâm Ấp và những tiểu vương quốc sớm dạng Lâm Ấp…). Việc áp dụng những phương pháp khoa học tự nhiên và kỹ thuật trong phân tích mẫu gốm khảo cổ và mẫu đất nguyên liệu lấy cùng chố kết hợp với thông kê định tính, định lượng và nghiên cứu so sánh dân tộc học… cần phải được mở rộng và được tiến hành thường xuyên và hệ thống
2. Xác định các yếu tố cấu thành và tác động đến sự hình thành và phát triển của gốm Champa theo thời gian
Gốm Champa là dòng gốm có nguồn gốc phức hợp, cùng với sự tự thân trong quá trình phát triển dòng gốm này chịu sự ảnh hưởng của dòng gốm trước và tiếp thu một số yếu tố từ các dòng gốm khu vực, đặc biệt là tiếp nhận kỹ thuật sản xuất gốm tinh mịn từ phía Bắc. Điều này cho thấy văn hóa Champa là một nền văn hóa mở, tự thân và hội nhập để phát triển theo suốt chiều dài lịch sử.
3. Xác định mối quan hệ và vị thế của gốm Champa ở Đông Nam Á cùng thời
•         Lượng đồ gốm khổng lồ tìm thấy trong các địa điểm lịch sử sớm ở Đông Nam Á minh chứng sự phát triển và tầm quan trọng của kỹ nghệ sản xuất gốm trong đời sống của cư dân, càng ngày càng có nhiều nghiên cứu áp dụng phương pháp mới, đặc biệt những nghiên cứu về gốm ở Philippines và Thái Lan.
•         Gốm lịch sử sớm Đông Nam Á kế thừa và phát triển nhiều cổ típ từ giai đoạn tiền, sơ sử, có thể nói gốm là loại di vật in đậm dấu ấn của cơ tầng văn hóa bản địa.
•         Quá trình tiến hóa của tính phức hợp xã hội và gia tăng quan hệ tiếp xúc với văn hóa bên ngoài được phản ánh một cách đầy đủ trong các lĩnh vực tổ chức, quản lý, kỹ thuật và phân phối đồ gốm, tuy nhiên quy trình này khác nhau về thời gian và mức độ ở các nước Đông Nam Á khác nhau.
•         Những đặc điểm chung trong loại hình và kỹ thuật sản xuất đồ gốm Đông Nam Á giai đoạn lịch sử sớm có nguyên nhân chủ yếu do cùng tiếp xúc và chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại sinh Trung Hoa, Ấn Độ… –> Quá trình khu vực hóa.
•         Mỗi tổ hợp gốm đều có những đặc điểm riêng –> Quá trình địa phương hóa. 
 
4. Mối quan hệ giữa tổ hợp gốm Champa, gốm miền Bắc Việt Nam và gốm Óc Eo: Mối liên hệ giữa Champa và Óc Eo gần gũi và chặt chẽ hơn rất nhiều so với mối quan hệ giữa gốm Champa và gốm miền Bắc Việt Nam (chính xác là giai đoạn Lâm Ấp (Champa sớm) gốm có nhiều loại hình giống gốm miền Bắc Việt Nam nhưng từ sau TK 3, 4 gốm Champa giống với gốm Óc Eo nhiều hơn. Nguyên nhân: Tôn giáo, Chính trị…[2]
Nhận xét và vấn đề
•         Những đặc điểm văn hóa-lịch sử của vương quốc Champa có tác động trực tiếp tới sự hình thành và biến đổi của các ngành thủ công, đặc biệt là nghề làm gốm
•         Kết quả phân tích các sưu tập mẫu gốm thô, hơi thô và mịn của nhiều địa điểm cho thấy, đa phần sản phẩm gốm được sản xuất tại chỗ bằng cách khai thác nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Sản phẩm sản xuất tại chỗ không chỉ thuộc dòng gốm thô, hơi thô mà cả dòng gốm mịn với độ nung dưới 10000 C.
•         Kết quả phân tích cho thấy có sự thay đổi cơ bản trong khai thác và xử lý chất liệu đất trong hai giai đoạn Sa Huỳnh và Champa.
•         Đồ gốm (loại hình/chức năng, kích cỡ, chất lượng…) có liên quan chặt chẽ và phản ánh những thay đổi kinh tế xã hội
•         Dòng gốm có men không phát triển, chưa có chứng cứ về Champa sản xuất gốm men trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Có thể lý giải điều này bằng tập quán của cư dân vương quốc trong sử dụng đồ nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Những ghi chép trong sử, những sưu tập tư nhân và tài liệu khảo cổ cho thấy, đồ nghi lễ và đồ cung đình Champa chủ yếu bằng bạc, vàng và đồng. Trong tang lễ cũng có truyền thống tương tự (ví dụ về việc sử dụng những đồ đựng khác nhau về chất liệu trong hỏa táng phụ thuộc vào thân phận, địa vị trong xã hội: vua: hũ vàng, quan –hũ bạc, dân-hũ đất/sành).
•         Trong bối cảnh Đông Nam Á gốm Champa cho thấy có chung quá trình diễn biến văn hóa từ sớm đến muộn, việc tiếp thu kỹ thuật và loại hình từ bên ngoài trong sản xuất gốm phát triển nhanh mạnh và có tính bước ngoặt từ sau thế kỷ 3.
 

[1] Trích từ đề tài NCKH “Đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên từ tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học kỹ thuật” do PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Ths. Nguyễn Anh Thư, TS. Nguyễn Hồng Kiên, Ths. Hoàng Thúy Quỳnh và cộng sự thực hiện với sự tài trợ của TT Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á, ĐHQG Hà Nội. Báo cáo tổng kết của đề tài lưu tại Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội
[2] Sự diễn tiến trong đồ gốm phản ánh một cách trung thực bối cảnh lịch sử văn hóa, từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 2, 3 SCN mối quan hệ giữa Lâm Ấp và những tiểu vương quốc dạng Lâm Ấp với phía Bắc chặt chẽ do những nguyên nhân chính trị – kinh tế và từ sau thế kỷ 3 những xã hội này chuyển sang tiếp thu mạnh mẽ hơn những yếu tố văn hoá Ấn Độ và về phương diện chính trị đây cũng là thời gian chuyển biến sang mô hình Nam (Ấn Độ) mandala thực sự, quá trình chuyển hướng chính trị và tôn giáo này đã dẫn đến sự nổi lên của Chămpa trên chính trường Đông Nam Á vào thế kỷ 5,6.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét