Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Kết quả khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ 4


Kết quả khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ 4[1]
Lâm Thị Mỹ Dung, Hoàng Văn Diệp (Bộ môn Khảo cổ học)
Nguyễn Văn Hùng, Trần Văn Tùy (Bảo tàng Hà Nội)
Nguyễn Kim Thủy (Viện Khảo cổ học)
Bài trình bày tại Hội nghị Thông báo KCH năm 2011. Hà Nội tháng 9 năm 2011

Địa điểm Vườn Chuối thuộc làng Lai Xá xã Kim Chung huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội.
Địa điểm đã được khai quật vào những năm 1969, 2001 và 2009, kết quả khai quật cho thấy đây là một trong những địa điểm quan trọng của văn hóa Đồng Đậu, hiện nay toàn bộ di chỉ nằm trong phạm vi quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch.
Kết quả khai quật lần thứ tư: Từ 16.6. 2011 đến 4.8.2011
     Diện tích khai quật 300m2, với 07 hố khai quật được mở tại nhiều điểm khác nhau – đỉnh gò, sườn tây nam và đông bắc để kiểm tra diễn biến địa tầng, các giai đoạn văn hóa và loại hình di tích.
1.     Địa tầng:
      Độ dày của tầng văn hóa không đồng đều ngay cả trong một hố khai quật, do địa hình ban đầu là vùng những gò thấp lô nhô, kết quả thành tạo của trầm tích Pleistocene. Tầng văn hóa dày mỏng ở các hố còn do thời gian cư trú của con người không đều trên khắp khu vực gò. Nhìn chung địa tầng dày nhất và đều nhất là của hố 4, mỏng nhất là ở hố 2 và hố 7, tuy có độ dày mỏng khác nhau, nhưng tính chất văn hóa khá giống nhau, qua sự xuất lộ của các di tích và loại hình, tính chất di vật.
   Nhìn chung địa tầng khá ổn định, song có những xáo trộn cục bộ.
              Địa tầng có cấu tạo khá đơn giản:
    Lớp mặt
Lớp đất canh tác, đất có màu xám nhạt, tơi, xốp, có độ dày từ 10-15cm có một vài mảnh gốm thô giai đoạn Đông Sơn, Gò Mun, văn hóa Đồng Đậu…  và rác hiện đại...
Tầng văn hóa
Tầng văn hóa có độ dày trung bình từ 0,6-1m, giữa các hố có sự khác biệt, một số hố như 1, 2, 4, 5 tầng văn hóa khá bằng phẳng, độ dốc không đáng kể, tầng văn hóa hố 3 có độ dốc mạnh theo hướng Đông Nam. Dựa vào màu sắc đất cùng với những hiện vật khai quật được, tầng văn hóa gồm hai lớp:
Lớp 1: lớp đất có màu xám nhạt, kết cấu đất khá tơi xốp chứa nhiều cát, gồm các lớp 1,2 xuất hiện nhiều hiện vật gốm, một số mảnh đá, gạch hiện đại. Căn cứ vào màu sắc, chất liệu gốm, cũng như các loại hoa văn trên miệng và thân gốm có thể thấy rằng lớp văn hóa này thuộc giai đoạn Đồng Đậu muộn và Gò Mun sớm, Gò Mun.
Lớp 2: Lớp đất màu xám đen có độ dày từ 0,3-1m, tầng văn hóa khá ổn định, khá nhiều mảnh gốm, hiện vật bằng đá, cục xỉ đồng, hiện vật đồng, mảnh xương, đặc biệt, trong lớp đất này tìm thấy nhiều cụm gốm, lò nấu đồng, đây là lớp giai đoạn Đồng Đậu điển hình.
Những lớp gần đáy có độ dày từ 1 – 1,3m, thấy xuất hiện mảnh gốm màu nâu đỏ với trang trí mô típ hoa văn khắc vạch đơn giản kiểu Phùng Nguyên lẫn với những mảnh gốm Đồng Đậu, tuy nhiên, số lượng mảnh gốm này chiếm số lượng ít.
          Sinh thổ
Là lớp đất sét mịn vàng nhạt, bề mặt sinh thổ không bằng phẳng do các hố đất đen ăn sâu xuống, cá biệt có những phần ăn rất sâu, như dấu vết có thể là của một cái chuôm dưới chân đồi ở hố 3, sâu gần 3m.
2.     Di tích xuất lộ: Mộ táng, vết tích bếp, bếp lò, hố rác bếp, hố đất đen, hố dạng lỗ cột, cụm gốm…
      2.1. Mộ táng văn hóa Đông Sơn:
      9 ngôi mộ thời văn hóa Đông Sơn được phát hiện trong các hố 2 (1 mộ hung táng), hố 3 (1 mộ cải táng, 2 mộ hung táng), hố 4 (1 mộ hung táng), hố 5 (1 mộ hung táng), hố 6 (2 mộ hung táng), hố 7 (1 mộ hung táng) và một số cụm gốm có thể liên quan đến mộ táng.
       Các mộ hung táng (chôn nguyên thi thể) thường được đặt trong huyệt mộ hình chữ nhật, một số đáy mộ ăn sâu vào sinh thổ, huyệt mộ được đào bằng một loại công cụ có lưỡi ngắn, các vết đào do vậy có kích thước không lớn và chồng một phần lên nhau, tạo thành những khoảng lồi lõm trên vách huyệt.
Nhìn chung, các mộ hung táng đều có hiện tượng phía dưới chân, sát với bàn chân là những đồ gốm tùy táng (nồi, bình hình con tiện…), đồ đồng thường đặt phía dưới thi thể, một số trường hợp, đồ gốm đặt trên phần gần vai.
Mộ cải táng: Hố 3, ngay ở bề mặt lớp 1 đã xuất lộ 01 cụm gốm với khá nhiều mảnh của nồi gốm Đường Cồ màu trắng xám, văn thừng dạng hạt gạo, đây là mộ cải táng của một người còn trẻ, chết vào độ tuổi từ 17 đến 25. Xương cốt và đồ tùy táng (ít nhất có 5 hiện vật đồng, 01 rìu lưỡi xéo, 02 giáo lớn nhỏ; 01 mũi tên; 01 dao găm có cán hình chữ T) được đặt trong nồi gốm lớn. Đồ đồng đặt dưới, xương xếp lên trên, trên một mảnh gốm còn có mảnh khuyên tai hình vành khăn bằng đá.
              Di tích xuất lộ trong tầng văn hóa (cư trú Đồng Đậu): vết tích bếp, bếp lò, hố rác bếp, hố đất đen, hố dạng lỗ cột, cụm gốm…phát hiện được ở tất cả các hố khai quật

Di vật
Di vật trong mộ Đông Sơn: Đồ gốm, đồ đồng và đồ sắt
Di vật của tầng văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun: Đồ gốm, đá, đồng, xương, số lượng lớn, đa dạng về hình loại, chất liệu. Một số di vật có giá trị cao như qua đá, vật đeo hình đầu trâu, khuyên tai hình gối quạ, hạt chuỗi, vòng tay, khuôn đúc rìu bằng đá sa thạch có họa tiết trang trí...
Đồ đồng nhiều với các loại hình như lưỡi câu, kim, công cụ lao động, vũ khí…
Dấu vết động, thực vật: xương động vật lớn, gạo cháy…
3.     Niên đại
Di tích có một tầng văn hóa thuộc cả ba giai đoạn sớm, điển hình và muộn của văn hóa Đồng Đậu, ở lớp những lớp trên có khá nhiều đồ gốm Gò Mun, trong đó không chỉ có Gò Mun sớm mà còn có Gò Mun điển hình.
Những ngôi mộ đều có niên đại văn hóa Đông Sơn (giai đoạn sớm), chôn vào nơi ở của người Đồng Đậu, với những ngôi mộ đã phát hiện và khai quật qua các đợt cũng như dấu vết để lại của người đào trộm cổ vật, có thể khẳng định Vườn Chuối - làng cư trú của người Đồng Đậu – Gò Mun đã được người Đông Sơn sử dụng làm nghĩa địa, dấu vết cư trú của người Đông Sơn được phát hiện trước đây ở Gò Chiền Vậy gần Vườn Chuối.


[1] Đoàn khai quật của Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Nhân học, Trường ĐHKHXH & NV, Hà Nội. Chủ trì khai quật: TS. Nguyễn Văn Hùng, phụ trách khai quật: PGS.TS.Lâm Thị Mỹ Dung. Thành viên đoàn khai quật gồm: Nguyễn Kim Thủy (Viện Khảo cổ học); Trần Văn Tùy (Bảo tàng Hà Nội); Hoàng Văn Diệp (Bộ môn Khảo cổ học), các tân cử nhân khảo cổ K 51 và K 52 …. 

Ảnh minh họa  
 Tầng văn hóa xuất lộ trên vách trục đường do Thăng Long 9 mở xuyên qua di tích
 Các tân cử nhân khảo cổ học đang cùng thầy giáo của bộ môn đo vẽ hố khai quật
Dấu tích hố bếp văn hóa Đồng Đậu
 Dấu tích lò văn hóa Đồng Đậu
Những thỏi đất nung mà chức năng của chúng còn nhiều ý kiến
(tục ăn đất, vết tích liên quan đến đúc đồng)

 Miệng gốm văn hóa Đồng Đậu
Xương voi châu Á trong hố khai quật cho thấy môi trường 
rừng rậm quanh Hà Nội cách đây 3000 năm





1 nhận xét:

  1. Cô DzungLam kính mến! cháu là một giáo viên lịch sử và rất thích khảo cổ học, hôm nay rất may mắn cháu lên mạng và vào dược Blog của cô, và biết cô là một giảng viên đại học chuyên ngành Khảo cổ học.Trong thời gian công tác tại Daklak cháu đã tìm hiểu và phát hiện được rất nhiều địa điểm thuộc thời đại hậu kì đá mới. Cháu đã thông báo cho bảo tàng Đaklak biết. Vào tháng 10 năm 2008, Giáo đốc bảo tàng đaklak và PGS- tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử đã vào khảo sát. tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra và khai quật có quy mô nào cả. Vào năm 2008 và năm 2009, Viện khảo cổ có gửi giấy mời cháu ra dự hội nghị thông báo khảo cổ học, nhưng do điều kiện không cho phép nên cháu không đi được, Hiện nay số hiện vật khảo cổ cháu sưu tầm được lên đến hơn 1000 hiện vật thuộc các loại hình: Rìu, bôn, mũi nhọn, bàn mài, chày nghiền, gốm, gỗ hoá thạch và đặc biệt là mãnh (phiến)tước rất nhiều. do không có kinh nghiệm nên cháu chưa có cách bảo quản và phát huy hết các giá trị của những hiện vật này được. chính vì vậy cháu rất mong nhận được sự giúp đỡ của cô. Nếu có dịp lên daklak điền dã khao co cô hãy liên lạc với cháu theo địa chi email:lehoanglichsu85@gmail.com SDT:0168.9197.234

    Trả lờiXóa