Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Chán như con gián

Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung


Lễ ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 11/10, ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào cùng hai Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước.

Trong các văn kiện trên, có văn kiện Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Theo đó, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.

Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây:          

1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.

3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).

Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.

4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.

5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.

6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển./.
http://www.vietnamplus.vn/Home/Nguyen-tac-giai-quyet-van-de-tren-bien-VietTrung/201110/109066.vnplus

TS. Nguyễn Hồng Kiên bloger Gốc Sậy phân tích:

ĐIỀU 1: KHÔNG ĐƯỢC.
Vì KHÔNG THỂ “Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”“.
TQ luôn leo lẻo luận điệu xảo trá này, nhưng thực tế họ không làm như vậy. Quá nhiều việc cho thấy họ không coi trọng quan hệ 2 nước, không thể kể hết được:
- Cấm biển, đánh – cướp – bắt ngư dân Việt lấy tiền chuộc;
- Phá cáp thăm dò dầu khí, đe dọa các công ty nước ngoài hợp tác với  Việt  Nam và cả tàu hải quân Ấn Độ  ;
- Đe dọa cho Việt Nam bài học thứ hai;


Đặt điều này lên đầu tiên là HỎNG, là chỉ lo chính thể, không lo cho Quốc gia, Đất nước, Dân tộc.

ĐIỀU 2: TẠM ĐƯỢC.
+ Không biết có phải NGUYÊN VĂN, nhưng nếu đúng là “Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung ” là Được khi không dùng Biển Đông, nhưng cũng không dùng biển Nam Trung Hoa. Qua đó nổi lên vấn đề cần thiết của việc đặt lại tên quốc tế cho vùng biển này.(Link để ký kiến nghị để đổi tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á)
- Bắt TQ đồng ý “tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử…“. Nhưng để khẳng định chứng cứ lịch sử, Việt  Nam cần tập trung nghiên cứu tiếp tục và đặc biệt là CÔNG BỐ với quốc tế các chứng cứ thuyết phục của mình. Không thể để xảy ra tình trạng CẤM HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU VỀ BIỂN ĐÔNG (BAO GIỜ THỰC THI “CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH TRÊN BIỂN ĐÔNG”?), càng không thể để công an PHÁ RỐI các buổi nói chuyện, tọa đàm về biển đảo của nhân dân (Thuyết trình về Biển Đông lại bị gây rối – RFA).

ĐIỀU 3: CŨNG CHỈ TẠM ĐƯỢC.
- Chuyện tôn trọng DOC lại cũng chỉ là nói mồm. Dù đồng ý, nhưng TQ đang ra sức trì hoãn, không tham gia soạn thảo COC.
+ Thòng được câu “Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác” chứng tỏ có chú ý đến ĐA PHƯƠNG, chứ không bị TQ bắt thỏa thuận song phương (và bị bắt chẹt).(Việt Nam nên báo cáo mọi chuyện lên Liên Hợp Quốc)

ĐIỀU 4: CŨNG CHỈ TẠM ĐƯỢC.
+ Biết “tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời…theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2” tức là không mắc bẫy Gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi  (thực ra là lúc TQ chiếm hết) mới bàn.
- Nhưng sao lại CHỈ tích cực nghiên cứu và bàn bạc, thảo luận MÀ KHÔNG PHẢI LÀ THỰC HIỆN?


ĐIỀU 5: CŨNG CHỈ TẠM ĐƯỢC.
+ Việc “thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này” là cần thiết, vì:
a- Ngay trong vùng đánh bắt chung ở vịnh Bắc bộ cũng đang “có vấn đề”. (Một tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ, đòi chuộc hơn 6.000 USD – SGTT)
b- Vùng biển này chính là vùng  Hoàng Sa. Nghĩa là quần đảo Hoàng Sa chưa bị quên, bị bán.
c- Nếu thực sự hợp tác “tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai” sẽ hy vọng dần loại trừ được nạn hải tặc, xua-bắn đuổi tàu cá trú bão. Có thế ngư dân mới có thể yên tâm ra khơi.

- Tuy nhiên, nội dung này KHÔNG HỀ MỚI, đã được nói nhiều nhưng thực tế vẫn rất nguy hiểm cho ngư dân Việt.


ĐIỀU 6: CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ 1 TIẾN BỘ.
- Chuyện trao đổi định kỳ, luân phiên tổ chức, cơ chế đường dây nóng… đều đã được đặt ra mà chẳng giải quyết được gì (Việt Nam – Trung Quốc: Lập đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao). Mỗi khi “có chuyện”, chẳng thấy Việt Nam DÁM sử dụng “cơ chế đường dây nóng, gặp bất thường”.
TÚM LẠI: Chuyện PHẢI “làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị” KHÔNG THỂ KHÔNG ĐẶT RA. Tuy nhiên, sẽ CHẲNG CÓ TIẾN TRIỂN GÌ, vì chẳng đạt được thỏa thuận gì mới.

Chẳng lẽ ông Trọng (trong tư cách mới) phải sang tận Bắc Kinh (chứ không phải trước Quốc hội  Việt  Nam) chỉ để 1 lần nữa khẳng định “tình hình biển Đông không có gì mới” ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét