Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Kết quả khai quật Truông Xe năm 2011

Kết quả khai quật Truông Xe năm 2011[1]
Bài tham gia HNTBKCH năm 2011, Hà Nội tháng 9 năm 2011.
 Lâm Thị Mỹ Dung, Hoàng Văn Diệp (Bộ môn Khảo cổ học)
Hoàng Thúy Quỳnh (Viện Khảo cổ học)
Bùi Tĩnh, Lê Thị Vân và Lê Văn Lào (Bảo tàng Bình Định)

Địa điểm Truông Xe thuộc thôn Tư, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định(tọa độ: 14017.575’N; 109008.439’E, cao từ 4,3 đến 5,1m so với mặt nước biển).
Dấu tích cư trú của người xưa phân bố không đều trên cồn cát chạy men theo đầm Trà Ổ[2] . Do những hoạt động khai thác cát nhanh mạnh từ những năm 90 của thế kỷ trước, tầng văn hóa ở các sườn đông, đông bắc và tây bắc của cồn đã bị phá hủy hầu hết, trên cồn xuất lộ những vạt cát màu thẫm và nhiều mảnh gốm, đá, vỏ sò… phân bố dày đặc trên bề mặt cho thấy mức độ của sự phá hủy này.

Khai quật tháng 8 và tháng 9 năm 2011
7 hố khai quật với tổng diện tích 200m2 đã được mở dựa trên vết tích tầng văn hóa lộ ra trên sườn đông bắc và tây bắc, đây có lẽ là cuộc khai quật cuối cùng tại di tích này, do phần lớn diện tích của di tích đã bị xúc ủi.
Địa tầng
Địa tầng khá đơn giản, di tích chỉ có một tầng văn hóa có độ dày trung bình khoảng 40cm, chỗ dày nhất khoảng 80cm lớp cát phủ trên có màu xám trắng, dày khoảng 10-20cm. Sinh thổ là cát vàng mịn.
 Di tích xuất lộ
Do rất nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, vết tích nhà ở trên cồn cát hầu như không thể phát hiện, ngoại trừ một số hố nhỏ dạng lỗ cột còn in dấu trong lớp cát vàng – sinh thổ nhưng phân bố không có quy luật.
Dấu tích bếp
Tại hố 3 và hố 5 phát hiện dấu tích của 03 bếp, bếp thường có hình tròn đáy hình lòng chảo[3], cát trong bếp lẫn nhiều than tro nên có màu đen sẫm, trong phạm vi bếp ở trung tâm thường có tích tụ vỏ sò, ốc, xương động vật, xương, răng cá, mảnh gốm vỡ, cát xung quanh bếp nhiễm than tro thành từng mảng màu sẫm.  
Có thể hình dung như sau: người xưa đã đào những hố hình lòng chảo vào sườn cồn cát[4], củi là những cây bụi (dựa vào những mẩu than củi còn lại), nồi nấu thức ăn có hai loại chính, loại miệng khum và loại miệng loe, có lẽ người xưa thường ngồi ăn gần bếp và tiện tay vứt vào bếp tất cả xương xẩu, vỏ ốc, trai, hến… (rất nhiều vỏ sò bị nung, xương động vật, xương cá bị đốt cháy…đã được phát hiện trong những khu bếp).
“Sống trên cát, chết vùi trong cát”, địa điểm Truông Xe cho thấy mô hình sinh thái Cồn – Bàu điển hình, đầm – bàu là nơi cung cấp nước, cá, tôm, ốc, rừng cho thú lớn, thú nhỏ và cồn cát là nơi trú ngụ và chôn cất người chết[5].
Di vật: Đồ đá và đồ gốm
Đồ đá tập trung ở các hố khai quật mở ở sườn Tây Bắc của cồn cát, số lượng đồ đá phát hiện so với diện tích khai quật khá khiêm tốn và loại hình đơn điệu. Ở hố khai quật sườn Đông Bắc, đồ đá và cả đá nguyên liệu ít hơn rất nhiều so với những hố sườn Tây Bắc.
Công cụ có rìu, bôn tứ giác, rìu bôn vai xuôi, rìu bôn có đốc thu nhỏ, bôn dạng răng trâu nhỏ, khá nhiều công cụ được “thanh xuân hóa”, chất liệu chủ yếu từ đá Basalt màu trắng mịn. Nhìn chung rìu, bôn đá Truông Xe khá giống với bộ công cụ đá Tiền sử Nam Trung Bộ.
01 rìu chỉ được mài ở lưỡi (hình dạng tương tự rìu mài lưỡi Hòa Bình)
Dụng cụ đá gồm hòn ghè, bàn mài, hòn đập, bàn kê.
Đồ gốm: Đồ gốm phân bố dày và đều ở cả 7 hố khai quật, đa phần là mảnh vỡ, không có hiện vật nguyên.
Loại hình gốm chính
Phổ biến nhất là loại nồi miệng thẳng hay hơi khum, văn thừng nhiều loại trang trí toàn thân sát lên miệng, loại nồi này đã tìm thấy trong văn hóa Bàu Tró, trong các địa điểm Tiền Sa Huỳnh ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Nồi miệng loe cong, thân hình cầu, phần mép miệng và cổ thường để trơn và áo miết láng, thân trang trí văn thừng nhiều loại.
Nồi miệng loe gẫy, thân hình cầu, mép miệng trang trí in mép vỏ sò, răng sói, khắc vạch hình hình học, in cuống rạ…thân trang trí văn thừng, in mép sò, in răng sói…
Lọ hoa, đồ gốm có chân hình ống cao, nắp hình lồng bàn nhỏ…
Một số mảnh chum lớn và dày trang trí văn thừng
Gốm minh khí: Một số mảnh nồi của loại đồ gốm kích thước rất nhỏ, gióng gốm minh khí địa điểm Long Thạnh
Trang trí:
Kỹ thuật trang trí có in ấn (in mép sò, in răng sói, ấn móng tay, ấn cuống rạ), in đập thừng, chải bằng que nhiều răng, khắc vạch, đắp nổi, trổ lỗ, tô màu đen, đỏ và tím đỏ và miết bóng.
Họa tiết và đồ án: Răng sói độc lập, in mép sò độc lập, in cuống rạ độc lập, ấn móng tay độc lập hay kết hợp những họa tiết này  trang trí trên thân, chân đồ gốm hay khuôn trong băng ngang, băng uốn lượn xen kẽ băng miết láng trên thân.
Trong hố khai quật có khá nhiều đá son màu tím có vết mài, có lẽ những loại bột mài từ son được cư dân dùng để tô màu gốm hay pha vào đất sét tạo áo gốm.
Về loại hình, kỹ thuật chế tác, tạo hoa văn, đồ gốm Truông Xe có mối quan hệ gần gũi với gốm Bàu Trám, Bãi Ông (Quảng Nam); Vườn Đình- Khuê Bắc (Tp. Đà Nẵng); Long Thạnh (Quảng Ngãi). Một số loại hình đồ gốm như chum, nồi miệng loe cong, nắp hình lồng bàn, lọ hoa và đồ án hoa văn khắc vạch kết hợp băng miết láng và tô màu cho thấy sự phát triển liên tục từ Tiền Sa Huỳnh sang Sa Huỳnh.
Niên đại: Khoảng từ 3000 đến 2500 năm cách ngày nay.  

[1] Đoàn khai quật của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định kết hợp với Bộ môn Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH & NV Hà Nội. Thành phần đoàn gồm: TS. Đinh Bá Hòa, Bùi Tĩnh, Lê Thị Vân, Lê Văn Lào (Bảo tàng Bình Định), PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Hoàng Văn Diệp (Bộ môn Khảo cổ học) và Th.s. Hoàng Thúy Quỳnh (Viện Khảo cổ học). Chủ trì khai quật Lâm Thị Mỹ Dung.
[2] Đầm Trà Ổ nằm ở giữa hai xã Mỹ Lợi, Mỹ Thắng (Phù Mỹ), Trà Ổ nhận nước từ các sông nhỏ xung quanh và có cửa đổ ra biển (cửa Hà Ra), đầm có hai mùa nước, mùa đông nước ngọt từ các con sông chảy về, mùa nắng nước biển hòa nước đầm trở nên mặn, đầm có nhiều loại tôm cá lớn và ngon, độc đáo nhất là cá chình mun (chình thâm). Tuy nhiên do khai thác nhiều và sử dụng phương pháp đánh bắt tận diệt nên loại cá này giờ rất hiếm.
[3] Kiểu bếp này cũng được phát hiện ở di chỉ Gò Duối (Hòa Diêm), Cam Ranh, Khánh Hòa.
[4] Hiện nay trẻ em vẫn khoét những bếp kiểu này trên sườn cồn cát để nướng củ hay tôm cá kiếm được.
[5] Đợt thám sát và khai quật trước đây ở địa điểm này cho thấy đây là di tích kết hợp cư trú với mộ táng, chum mai táng giống chum Long Thạnh, Quảng Ngãi
Truông Xe: Núi – Cồn – Bàu
 
Hiện vật đá

Mảnh gốm tô màu và đá son có vết mài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét