Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Dám làm, dám nói…dám nghe

Trần Quốc Vượng
(tạp chí Tia Sáng, xuân Nhâm Ngọ 2002)

        Lại nói chuyện Nguyễn Khắc Viện tiên sinh vừa được truy tặng giải thưởng quốc gia. Khi bàn về trí thức, ông bảo : “Trí thức là người không chỉ giỏi, chỉ chuyên sâu vào một nghề chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chung về vận mệnh nước nhà”.

          Giáo sư Hồ Đắc Di chẳng hạn, từ thời thuộc Pháp, ngài đã được chọn dạy đại học Y khoa. Rồi thời dân chủ cộng hòa, ngài được Hồ chủ tịch mời phụ trách toàn ngành đại học, được dân bầu là đại biểu quốc hội, lại được quốc hội bầu vào ban thường vụ quốc hội. Tôi dạy đại học tổng hợp Hà Nội từ 1956, thi thoảng được gần ngài. Ngài rất tốt, rất hiền, nhà ông anh (là cụ Hồ Đắc Điềm) có cái trống đồng, bà cụ dùng đựng than. Ngài bảo : “Anh cho chỗ thằng Vượng đi, nó dạy khảo cổ, cần có trống đồng để chỉ bảo cho sinh viên. Bác Điềm cho liền, nay là tài sản của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Họp thường vụ quốc hội, bác Hồ Đắc Di nêu ra một nghịch lý:
           Xu hướng chung của nhân loại là đô thị hóa, sao chúng mình làm ăn thế nào mà lại nông thôn hóa đô thị Hà Nội? Cái vườn hoa trước cửa bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung lại đi trồng rau lang? Quanh các lớp của đại học Văn khoa (Văn Sử) lại đi trồng rau, các chị cấp dưỡng tưới nước giải bón rau, mùi khai theo gió bốc vào mũi thầy trò, anh Vượng gặp tôi kêu ca quá. Rồi lương trí thức hông đủ ăn, cô giáo phải đi buôn gà ở chợ ga, cứ đội nón sùm sụp vì xấu hổ sợ “học trò phát hiện”, thì giờ đâu mà đọc sách, soạn bài lên lớp cho tử tế !”
Cái luận điểm chống “nông thôn hóa đô thị” của cụ Hồ Đắc Di thật là tuyệt, nhằm chống lại cái “phản định nghĩa” của dân gian một thời :
Trí (Chí) là họ của anh Phèo
Thức là phải biết nuôi heo trong nhà

             Lại như giáo sư Hoàng Tụy, nổi tiếng giỏi toán, đi dạy ở nhiều nước về điều khiển học, vận trù học. Nhưng anh Hoàng Tụy đâu thiết về cái nền “kinh tế bao cấp” như ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Phú Thọ vậy, đã dám biên thư cho trung ương nói rằng : đấy không chỉ là khuyết điểm mà là khuyết tật trong cấu trúc. Cần xây dựng một cấu trúc kinh tế mới (nay ta gọi là kinh tế thị trường có định hướng XHCN) chứ không phải chỉ là sửa những khuyết điểm lặt vặt.

             Ba năm trời tôi vào Định Công – Thanh Hóa, ban ngày khảo cổ, ban đêm khảo kim, rồi dám lên tỉnh ủy Thanh Hóa phân tích là “mô hình Định Công sẽ phá sản”. Vừa qua, Trường Sơn, Phạm Tấn viết báo nhắc lại chuyện cũ ấy ở thập kỷ 70 thế kỷ trước.

              Ấy đấy, lại còn GS Nguyễn Văn Chiển, chuyên gia lớn về địa chất nhưng phân tích rạch ròi về “tứ giác nước ” Long Xuyên, phản đối hệ thống thủy lợi áp đặt từ miền Bắc để mùa khô nước mặn theo kênh rạch tràn vào, làm hỏng đất đai phì nhiêu miền Tây, phải “sống chung với lũ”, lũ dọn vệ sinh cho đồng ruộng, lại bồi phù sa tăng độ phì hằng năm. Lên Tây Nguyên thì anh bảo phải giữ rừng là thế mạnh. Đó cũng là ý kiến của anh Nguyên Ngọc, “mất rừng là mất Tây Nguyên”.

              Hễ có chuyện, giới trí thức lại nêu chuyện cụ Chu Văn An thời Trần, đăng phụ trách đại học (Quốc tử giám), thấy bọn quyền thần lạm quyền, tham nhũng, dâng vua “thất trảm sớ” xin chem. 7 kẻ quyền cao chức trọng mà vô tài, thất đức. Vua Trần Dụ Tông không nghe, ông treo mũ áo từ quan ở nhà trường về vùng Chí Linh bán sơn địa làm Tiều ẩn, mà vẫn làm thơ nặng lòng “ưu quốc ái dân”. Có nhũng người, chuyên môn đâu đến nỗi tồi, nhưng trước vận nước, trước lãnh đạo, cứ “ngậm miệng ăn tiền giữ chức”, Nguyễn Khắc Viện tiên sinh không coi họ là trí thức. Kể cũng phải !

               Lý ra “nói phải sĩ vãi cũng phải nghe” thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng “ngựa hay nào mà chả có tật” ! Tôi được đọc bức thư của chúa Trịnh Sâm gửi Ngô Thì Nhậm, đại ý nói : Ngươi là kẻ có tài mà cũng nhiều tật ! Tả hữu khuyên ta không dùng ngươi. Cỗ xe quốc gia không có ngựa hay kéo chạy cho nhanh, kiều ngựa kỳ, ngựa ký. Ta đành dùng bọn ngựa kéo xe muối, gọi da, bảo vâng, nhưng chúng nó kéo xe quốc gia đi chậm, trì trệ. Khi ta hối thì đã chậm mất rồi.
         
              Vua Lê chúa Trịnh đào tạo Ngô Thì Nhậm, không biết dùng. Và để vua Quang Trung sáng suốt sử dụng, được bao nhiêu là việc.
             
               Ấy đấy, “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng người cầm quyền thường không ưa trí thức có tài vì hay nói ngang, nói thẳng, không được lòng cấp trên.

              Ông nhạc sĩ Đặng Hồng thạo tử vi bảo : nước ta là “hóa kỵ quốc”. Trí thức mặc bệnh đố kỵ lẫn nhau, không ai chịu ai, nói xấu nhau, loại trừ nhau. Mà lại cứ nhè ton hót nói xấu nhau trước mặt lãnh đạo, để lãnh đạo trọng dụng mình chứ không dùng “bọn ngang bửa”. Thì kết quả nhãn tiền : cỗ xe quốc gia vẫn chạy, nhưng chạy chậm, trục trà trục trặc.
           
              Trang Tử trong Nam Hoa kinh bảo : châu chấu có thể làm xe nghiêng đổ đấy. Và dân gian đã “dân gian hóa” ý tưởng triết học cao siêu của Trang Tử bằng câu nói nôm na:
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng

               Lũ châu chấu, là bọn Kim Phụng, Năm Cam, Phúc bồ, Khánh trắng…đấy. Chứ còn ai vào đấy nữa…

>> Mình tin rằng, nếu giáo sư Trần Quốc Vượng còn sống tới hôm nay, chắc trong câu kết ông sẽ không nhắc tới bọn tôm tép này...

Copy từ Fb của Tùng Vẹt. Câu kết của TV.

1 nhận xét: