Về Nghi án nhà Mạc DÂNG ĐẤT- BÁN NƯỚC
TS. NGUYỄN HỒNG KIÊN (VIỆN KHẢO CỔ HỌC)
Đọc bài của bác Lê Mai: Sự nhu nhược của triều đình có nhắc tới chuyện NHU NHƯỢC của 2 triều đình nhà Mạc và nhà Nguyễn.
Chuyện của Nhà Nguyễn xin nói vào dịp khác, trong entry này, nhà cháu xin nói về Nghi án của Nhà Mạc.
Bác Lê Mai viết:
Nhớ lại chuyện họ Mạc cầu viện vua Thanh để chống vua Lê, đã không được gì mà còn phải chịu mất nhiều động sáp nhập vào TQ. Trong buổi nộp sổ đinh sổ điền trên biên giới, họ Mạc phải tự trói mình bằng lụa quấn cổ và phải đi chân đất đến quỳ lạy đại diện của nhà Thanh. Họ Mạc làm mất danh dự dân tộc đến nhường ấy. Mối nhục thật khó tưởng tưởng nổi!
Không rõ bác Lê Mai đọc sử nào, nhưng trong 2 bộ chính sử thời Lê và thời Nguyễn, nhà cháu đọc lại thấy chuyện không hoàn toàn như vậy.
1- Trước hết, nhà cháu cho rằng nên hiểu rõ về tình cảnh của Nhà Mạc bấy giờ:
Chỉ 2 năm sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, các bầy tôi cũ của nhà Lê đã:
- Hết liên tục sang CẦU CỨU Nhà Minh đưa quân sang “hỏi tội” nhà Mạc,
- Lại tập hợp ở Ai Lao lập vua mới, thông hiếu với vua nước này để “trưng mộ lính, điều bát lương thực” để về ĐÒI NGÔI.
“Đại Việt Sử ký Toàn thư” chép:
Canh Tý, [Nguyên Hoà] năm thứ tám [1540], (Mạc Đại Chính năm thứ 11; Minh Gia Tĩnh năm thứ 19). Mùa Xuân, tháng Giêng, ngày 15, Mạc Đăng Doanh chết. Con trưởng là Phúc Hải lên ngôi, lấy năm sau làm Quảng Hoà năm thứ nhất.
Mùa Đông, tháng 11, Mạc Đăng Dung cùng với cháu là Văn Minh và bề tôi là bọn Nguyễn Như Quế, Đỗ Chế Khanh, Đặng Văn Tri, Lê Thuyên, Nguyễn Tổng, Tô Văn Tốc, Nguyễn Kinh Tế, Dương Duy Nhất, Bùi [3b] Trí Vĩnh, qua Trấn Nam Quan, mỗi người đều cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ của quân Minh quỳ gối, cúi đầu dâng tờ biểu đầu hàng, nộp hết sổ sách về đất đai, quân dân và quan chức cả nước để chờ phân xử, dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù của châu Vĩnh An trấn Yên Quảng, xin cho nội thuộc vào Khâm Châu. Lại xin ban chính sóc, cho ấn chương, để kính cẩn coi giữ việc nước và chờ lệnh thay đổi hay quyết định khác. Lại sai bọn Văn Minh và Nguyễn Văn Thái, Hứa Tam Tỉnh mang biểu đầu hàng sang Yên Kinh.
Tháng 10, ngày 20, bọn Mao Bá Ôn nhà Minh kính dâng bản tâu về Yên Kinh nói rằng: Mạc Đăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin kính theo chính sóc, xoá bỏ tiếm hiệu, trả lại đất bốn động đã chiếm, [4b] xin nội thuộc xưng thần, xin hàng năm ban lịch Đại Thống6 và bù đủ lễ vật tiến cống hàng năm, cúi mình cung kính thuận phục.
“Khâm định Việt sử Thông giám Cương Mục” ( Chính biên – Quyển XXVII) chép kỹ hơn:
- Đinh Hợi (1527). (Hoàng đệ Xuân, năm Thống Nguyên thứ sáu – Từ tháng 6 trở đi, là Mạc Đăng Dung năm Minh Đức thứ nhất – Minh, năm Gia Tĩnh thứ sáu ).
Tháng 6. Đăng Dung tự xưng là vua.
- Kỷ Sửu (1529). (Mạc, năm Minh Đức thứ ba – Minh, năm Gia Tĩnh thứ tám ). Bầy tôi cũ nhà Lê là Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy đi tố cáo với nhà Minh.
Hai anh em Trịnh Ngung Trịnh Ngang chạy sang tố cáo với nhà Minh về việc Đăng Dung tiếm ngôi, và xin nhà Minh dấy quân hỏi tội.
Đăng Dung hối lộ bầy tôi nơi biên giới nhà Minh để im chuyện đi. Do đấy công việc không xong, hai người đều chết ở nhà Minh.
- Quý Tỵ. Lê Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533). (Mạc, năm Đại Chính thứ 4 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 12 ).
Tháng Giêng, mùa Xuân, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đón lập hoàng tử Ninh lên ngôi ở Ai Lao.
… Nhà vua thông hiếu với chúa Ai Lao là Sạ Đẩu, trưng mộ quân lính, điều bát lương thực để tính việc tiến thủ.
Sai sứ sang nhà Minh.
Trước kia, nhiều lần sai người đem thư sang nhà Minh báo cáo về nạn nước, đều bị đồ đảng của giặc đón đường giết chết. Đến đây, sai bọn Trịnh Duy Liểu hơn mười người vượt biển từ Chiêm Thành đi ghé thuyền buôn Quảng Đông, hàng hai năm trời mới đến Yên Kinh, trình bày đầu đuôi về việc Đăng Dung thí nghịch, lén lút chiếm cứ quốc đô, do đó đường sá sang cống mới bị ngăn trở đoạn tuyệt. Vậy xin nhà Minh dấy quân hỏi tội họ Mạc.
- Giáp Ngọ, năm thứ hai (1534). (Mạc, năm Đại Chính thứ năm. Minh, năm Gia Tĩnh thứ 13 ).
Ất Mùi, năm thứ ba (1535). (Mạc, năm Đại Chính thứ sáu – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 14 ).
Bính Thân, năm thứ 4 (1536). (Mạc, năm Đại Chính thứ bảy – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 15). Lại sai sứ sang nhà Minh (không rõ tháng nào ).
Sau chuyến Trịnh Duy Liểu đã đi, nhà vua thấy lâu không có tin tức tăm hơi gì, lại sai Trịnh Viên sang Minh. Viên đi đến Vân Nam thì quan hội khám nhà Minh là bọn Đào Phượng Nghi cũng vừa tới nơi, Viên bèn trình bày tất cả sự việc họ Mạc thí nghịch và tình hình vua Lê bôn ba long đong. Viên thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh Mạc. Quan hội khám về triều báo cáo. Vua Minh giao việc này xuống để đình thần bàn xét. Mọi người trong bộ Lễ và bộ Binh đều nói: “Đăng Dung có mười tội to, không thể không đánh được”.
Kết quả:
Đinh Dậu, năm thứ năm (1537). (Mạc, năm Đại Chính thứ tám – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 16).
Tháng Hai, mùa Xuân. Minh dùng Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ, đi đánh Mạc Đăng Dung.
Mạc Đăng Doanh sai bầy tôi là bọn Nguyễn Văn Thái sang nhà Minh, xin hàng.
Đăng Doanh được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, liền sai đồ đảng là bọn Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đầu hàng sang Minh nói dối trá rằng: “Tương Dực đế bị nghịch tặc Trần Cao giết hại, Đăng Dung cùng người trong nước tôn lập vua Chiêu Tông. Không bao lâu, Chiêu Tông lại bị gian thần là bọn Đỗ Ôn Nhuận và Trịnh Tuy dụ dỗ dời vào Thanh Hoa, Đăng Dung lại tôn lập Cung đế làm vua. Liền đó Đăng Dung lại đón Chiêu Tông từ Thanh Hoa về. Rồi Chiêu Tông và Cung đế đều bị bệnh chết. Họ Lê không người kế tự. Cung đế, khi bệnh kịch, có bàn với quần thần, cho rằng cha con Đăng Dung có công với nước, bèn vời vào, trao cho ấn chương đế nối coi việc nước. Đăng Dung bèn được người nước suy tôn.
Còn lý do chưa được dâng biểu và sai sứ sang cống, là trước vì Trần Cung chiếm giữ Lạng Sơn làm nghẽn đường, sau vì quan giữ biên cương đóng cửa ải không tiếp nhận. Đến như người nhận là dòng dõi họ Lê bây giờ chỉ là con của kẻ khác, chứ không phải là con của Chiêu Tông “.
Vua Minh biết rõ những lời trong bài biểu đều là lừa dối bưng bịt.
Vả lại, tuy xin hàng, nhưng lời lẽ vẫn không thành khẩn khuất phục, Đăng Dung lại không tự trói nộp mình để đợi tội. Vua Minh bèn quyết đánh, mới sai bọn Cừu Loan và Mao Bá Ôn mau đến Quảng Tây chiêu tập binh lính để tiến đánh nhà Mạc.
Canh Tý, năm thứ tám (1540). (Mạc, năm Đại Chính thứ 11 – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 19).
Tháng Giêng, mùa Xuân. Đăng Doanh chết.
Con trưởng là Phúc Hải nối ngôi ngụy, tiếm xưng niên hiệu là Quảng Hòa.
Tháng 11, mùa Đông. Mao Bá Ôn nhà Minh đóng quân ở ngoài cửa ải. Mạc Đăng Dung đến cửa quân tướng Minh, xin hàng, và đem đất năm động hối lộ nhà Minh.
Trước kia, tướng Minh là bọn Cừu Loan và Mao Bá Ôn đã đến Quảng Tây, trưng tập các lang binh1 cùa thổ quan ở các tỉnh Lưỡng Quảng, Phúc Kiến và Hồ Quảng. Lại truyền hịch đi Vân Nam sai tập hợp binh lính để chờ đợi nhật kỳ xuất quân. bọn Cừu Loan lại bàn: Chia chính binh làm ba đội tiểu binh, từ Quảng Tây đi các xứ Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh; Chia kỳ binh làm hai toán tiểu binh; toán xuất phát từ châu Quy Thuận gọi là Sơn Tiểu, toán xuất phát từ núi Ô Lôi gọi là hải tiểu.
Kể cả chính binh và kỳ binh trên đây cộng 22 vạn người.
Lại chia quân Vân Nam ở ghềnh Liên Hoa làm ba toán tiểu binh, mỗi toán gồm 21.000 người. Tất cả đều lên đường, đồng thời xuất phát.
Lại truyền hịch sang ta dụ bảo về nghĩa phục hưng nước đã mất, nối lại dòng họ đã tuyệt, sự đánh dẹp chỉ nhằm một mình cha con Đăng Dung là kẻ có tội. Còn ai biết đem quận huyện nào ra hàng thì liền được trao cho chức quan ở quận huyện ấy để cai quản. Ai bắt hay chém cha con Đăng Dung mà ra hàng thì cứ tính theo từng tên tội nhân một, mỗi tên là được thưởng hai vạn nén vàng và được cho làm quan đến phẩm trật cao sang.
Tướng Minh lại dụ bảo cha con Đăng Dung nếu biết tự trói nộp mình đợi tội, thành khẩn dâng hết các sổ sách về đất đai và nhân dân thì được tha cho tội chết.
Bọn Bá Ôn đóng quân dựng đồn ở gần nơi biên giới.
Bấy giờ Đăng Doanh đã chết rồi. Đăng Dung được tin, cả sợ, sai sứ giả đến cửa quân của tướng Minh, trần tình, nguyện xin ra khỏi bờ cõi, đầu hàng, và kính cẩn vâng theo lệnh trên phân xử.
Lời lẽ của Đăng Dung rất là khiêm nhún thiết tha. Bọn Bá Ôn vâng theo lời chiếu của vua Minh, ưng thuận, hẹn đến mồng Ba tháng Mười Một cho Đăng Dung sang làm lễ đầu hàng.
Bọn Bá Ôn thiết lập mạc phủ và tướng đài ở Nam Quan để chờ đợi. Đến kỳ đã định, Đăng Dung để Phúc Hải ở lại coi giữ việc nước, còn mình cùng với người cháu là Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quan đi sang: ai nấy buộc dây thao vào cổ, đi chân không, gieo mình vào nơi mạc phủ tướng Minh, khúm núm, phủ phục, khấu đầu lạy, dâng tờ biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai và nhân dân do mình cai quản.
Đăng Dung lại xin dâng đất các động Ti phù, Kim Lặc. Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng để lệ thuộc vào Khâm Châu nhà Minh. Lại xin nhà Minh ban cho chính sóc8 và ấn chương đã ban từ trước để Đăng Dung coi giữ việc nước trong khi chờ đợi mệnh lệnh có thay đổi hoặc quyết định ra sao.
2- Tuy nhiên, thực chất của việc DÂNG ĐẤT cũng đã được các sử gia thời Nguyễn NHÌN NHẬN LẠI:
Lời cẩn án - Sử cũ chép Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh, xin nộp các động Ti Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La phù và An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng cho lệ thuộc vào Khâm Châu.
Nay xét Khâm Châu chí của nhà Thanh, chỉ thấy chép đời Gia Tĩnh (1522 – 1566 ) Đăng Dung nộp trả năm động Ti Phù, La Phù, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc mà thôi, chứ không thấy nói đến động An Lương.
Lại tra cứu đến “Quảng Yên sách” thì động An Lương hiện nay là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh nước ta. Có lẽ, về động An Lương, Đăng Dung chưa từng dâng nộp, mà chỉ là do sử cũ chép sai sự thực đó chăng?
Lại xét: Trong năm Mạc Minh Đức thứ hai, tức là năm Minh Gia Tĩnh thứ bảy (1528), Sử cũ chép Đăng Dung sợ nhà Minh hỏi tội, bèn tính chuyện cắt đất đem dâng hai châu Quy, Thuận; vua Minh thu nhận. Từ đó, Nam, Bắc lại cho sứ giả đi lại thông hiếu.
Nhưng, nay tra cứu bản đồ nước ta thì có Quy Hóa châu và Thuận châu. Hai châu này hiện nay thuộc tỉnh Hưng Hóa. Trong “Đại Thanh nhất thống chí” tuy có chép châu Quy Thuận nguyên thuộc phủ Trấn An tỉnh Quảng Tây nhà Thanh đấy thật, nhưng hai châu mà sử cũ gọi là Quy Thuận có lẽ tức là Quy Hóa và Thuận Châu đó thôi.
Lại xét “Minh sử thông giám kỷ sự”: Hồi năm Mạc Đại Chính thứ chín (1538), Mạc Đăng Dung được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, sai sứ xin hàng, nói dối là họ Lê không có người kế tự, cha con Đăng Dung có công với nước, được mọi người suy tôn; còn Đăng Dung sở dĩ không dâng được biểu chương, cho sứ sang tiến cống, là chỉ vì trước kia bị Trần Cung chiếm cứ Lạng Sơn làm nghẽn đường, đến sau lại bị quan giữ biên cương đóng cửa ải, không tiếp nhận.
Này, từ năm Gia Tĩnh thứ bảy (1528) đến năm thứ 17 (1538), trải hàng 10 năm chưa từng có sứ đi thông hiếu, thế mà sử cũ, ở năm Gia Tĩnh thứ bảy, đã vội chép rằng “Đăng Dung tính chuyện cắt đất dâng nộp hai châu Quy, Thuận, từ đó Nam, Bắc lại cho sứ giả đi lại thông hiếu “. Về việc này, những điểm sử cũ chép đó điều xa sự thực, nên nay rút bớt đi mà chép phụ vào đây để tham khảo.
- Về đơn vị “ĐỘNG”
Nếu đọc: “Đăng Dung lại xin dâng đất các động Ti phù, Kim Lặc. Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng” nghe thật nghiêm trọng. Nhưng như lời chua trong cuốn sử thời Nguyễn thì “động” CÒN NHỎ HƠN “THÔN”:
Lời chua -
…
Núi Ô Lôi: Thuộc Khâm Châu, phủ Liêm Châu nhà Thanh.
Ghềnh Liên Hoa: Thuộc huyện Mông Tự, phủ Khai Hóa nhà Thanh.
Nam Quan: Ở về phía tây nam châu Bằng Tường, phủ Thái Bình thuộc tỉnh Quảng Tây nhà Thanh.
…
An Lương: Theo Quảng Yên sách thì An Lương thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.
Ti Phù: theo Khâm Châu chí thì Ti Phù còn tên nữa là Ti Lẫm, ở thôn Ti Lẫm thuộc Thiêm Lãng đô.
Liểu Cát: Còn tên nữa là Hà Châu, ở thôn Liểu Cát thuộc Như Tích đô.
Kim Lặc: Còn tên nữa là Tư Lặc, ở thôn Tư Lặc thuộc Như Tích đô.
La Phù: Ở thôn La Phù thuộc Như Tích đô.
Cổ Sâm: Ở thôn Cổ Sâm thuộc Như Tích đô.
-Sinh thời, Thày Vượng khi dạy về chuyện này còn khẳng định các ‘động’ nói trên thực ra là thuộc đất của nhà Minh.
“Đại Việt Sử ký Toàn thư” mà nhà cháu dẫn ở trên cũng chép RÕ là “Tháng 10, ngày 20, bọn Mao Bá Ôn nhà Minh kính dâng bản tâu về Yên Kinh nói rằng: Mạc Đăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin kính theo chính sóc, xoá bỏ tiếm hiệu, TRẢ LẠI ĐẤT BỐN ĐỘNG ĐÃ CHIẾM …”
Trong tình thế LƯỠNG ĐẦU THỌ ĐỊCH, nhà Mạc đã thỏa hiệp với quân Minh ĐÔNG/MẠNH hơn, để dồn lực đối phó NỘI BỘ.
Thực tế, bấy giờ quân Minh cũng KHÔNG ĐỦ MẠNH ĐỂ CÓ THỂ LỢI DỤNG CƠ HỘI NÀY XÂM LƯỢC NƯỚC TA.
Sử cũ có chép việc: Tháng Tám năm Tân Sửu (Mạc Phúc Hải, năm Quảng Hòa thứ nhất – Minh, năm Gia Tĩnh thứ 20 (tức năm 1541), mùa Thu, Đăng Dung chết. Tháng 10, mùa Đông, nhà Minh đổi nước An Nam làm An Nam đô thống sứ ti, trao cho Đăng Dung chức Đô thống sứ; đổi đặt toàn quốc làm mười ba tuyên phủ ti, cho lệ thuộc vào đất nhà Minh.
Tuy nhiên, thực tế bấy giờ nước ta KHÔNG HỀ xảy ra chuyện như trong tờ tấu của Mao Bá Ôn cho vua Minh: “đổi nước An Nam làm đô thống sứ ti, cho Đăng Dung làm đô thống sứ, phẩm trật và bậc tòng nhị, ban cho ấn chương khác và cho đời được cha truyền con nối. Còn các nghi thức và chế độ mà Đăng Dung tiếm dùng đều bắt tước bỏ hoặc cải chính lại. Trong mười ba lộ như Hải Dương, Sơn Nam vân vân đều đặt tuyên phủ ti, mỗi tuyên đặt một tuyên phủ đồng tri, một tuyên phủ phó sứ và một tuyên phủ thiêm sự, dưới quyền cai quản của đô thống sứ. Tất cả các ti trên đây đều lệ thuộc vào Quảng Tây phiên ti.“
Rõ ràng đó chỉ là phép “THẮNG LỢI TINH THẦN” mà vua quan nhà Minh tự tưởng tượng ra, “tự sướng” mà thôi.
“Đại Việt sử ký Toàn thư“, dù gọi nhà Mạc là NGỤY TRIỀU, vẫn phải công nhận nhà Mạc ‘quản’ vững chắc đất giáp biên:
Bản kỷ viết: Trước kia, Phạm Tử Nghi vẫn định lập Hoằng Vương Chính Trung làm người nối ngôi họ Mạc, nhưng các thân vương trong họ và đại thần của họ Mạc lại mưu lập Phúc Nguyên. Chính Trung không được lập, mới cùng với Tử Nghi nổi loạn, và cướp bên nước Minh, người Minh bị nhiều tai hoạ. Đến đấy, nhà Minh trách họ Mạc là phiên thần vô lễ, dung túng bọn cướp nước sang cướp bóc đại quốc…
Tân Hợi, [Thuận Bình] năm thứ 3 [1551], (Mạc Cảnh Lịch năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 30). Họ Mạc sai bọn Kinh Điển đốc quân đi đánh Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi ở Yên Quảng. Đuổi đánh và bắt được Tử Nghi đưa về Kinh sư chém lấy đầu gửi sang nước Minh. Người Minh không nhận, trả lại. Chính Trung chạy vào đất Minh rồi chết ở [10b] đấy.
3- Đáng nói là nhà Mạc KHÔNG BAO GIỜ CHỦ TRƯƠNG ‘MỜI’ quân Minh vào đất Việt ‘giúp’ đánh nhau với các cựu thần nhà Lê.
Chính sử nhà Lê dù có GHÉT nhà Mạc đến mấy vẫn KHÔNG NÓI NHÀ MẠC BÁN NƯỚC, mà chỉ KỂ TỘI “họ Mạc tiếm nghịch”. Thậm chí, còn có chép lại RẤT TRUNG THỰC một chuyện này:
Giáp Ngọ, [Quang Hưng] năm thứ 17 [1594], (Minh Vạn Lịch năm thứ 22).
[48b] Tháng Bảy, ngày mồng Hai, Phò mã đô uý thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn đem quân chiếm giữ châu Vạn Ninh, bị ốm chết. Con là bọn phò mã Sơn Đông chạy sang Long Châu phụ theo Mạc Kính Cung.
Khi Ngọc Liễn sắp lâm chung, có di chúc để lại khuyên Mạc Kính Cung rằng: “Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số Trời.
Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế?
Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ tranh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến thì ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn.
Lại chớ nên mời người Minh vào [49a] trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng“.
Đến đây thì chết.
Có thể nói: Vua quan nhà Mạc YÊU NƯỚC THƯƠNG DÂN hơn vua quan nhà Lê, dù trong cuộc nội chiến này cả 2 “tập đoàn” cũng đều chỉ vì “lợi ích NHÓM”.
Nhời cuối entry:
Entry này nhằm mục đích chủ yếu là đưa dẫn liệu để pà-kon cùng suy xét.
Trích dẫn sử cũ từ các ấn bản điện tử online của “Đại Việt Sử ký Toàn thư” (http://www.shcd.de/lichsu%20vn/dvsktt.pdf) và “Khâm định Việt sử Thông giám Cương Mục” ((http://www.shcd.de/lichsu%20vn/kdvstgcm.pdf ), nhà cháu cho rằng: Nhà Mạc chưa/không phải là triều đại đã CẮT ĐẤT/BÁN NƯỚC.
Và, hy vọng đã trả lời được 1/2 câu hỏi của bác Lê Mai:
- CHƯA/KHÔNG HỀ có “triều đình” nào nhu nhược hơn triều đình Huế, đã làm mất nước Việt Nam về tay Pháp!
Rất mong được bác Lê Mai và các CAO THỦ chỉ bảo, nhà cháu xin cảm tạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét