Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Lần tìm dấu tích cư dân cổ

Những di vật, mộ táng được tìm thấy, phát lộ tại di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xã, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) cho thấy, nơi đây từng là làng cư trú của cư dân thời kỳ văn hóa Đồng Đậu, đầu Gò Mun và là nơi chôn cất người chết của người Đông Sơn.
 
Phát hiện nhiều di vật và mộ cổ

Đoàn khai quật đang tiến hành giải phẫu bộ xương 2.000 năm tuổi - Ảnh do đoàn khai quật cung cấp




Bảo tàng Hà Nội kết hợp với Bảo tàng Nhân học (trường KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa qua đã tiến hành khai quật di chỉ Vườn Chuối trong khoảng thời gian 2 tháng, trên diện tích 300m2.

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, cùng với những lần khai quật trước, diện tích khai quật tại Vườn Chuối mới chỉ có 400 - 500m2. Đáng tiếc, việc khai quật tiến hành trong thời gian eo hẹp, để bàn giao đất cho ban quản lý dự án xây dựng khu đô thị. Khu làng cư trú cổ thuộc nền văn hóa Đồng Đậu lớn hơn nhiều so với diện tích khai quật.

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung - thành viên đoàn khai quật, cho biết, nhiều hiện vật, chủ yếu là đồ trang sức, công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng, thuộc thời kỳ văn hóa Đồng Đậu (3.500 - 3.000 năm cách ngày nay), văn hóa Đông Sơn (2.500 - 2.000 năm cách ngày nay) đã được tìm thấy. Có nhiều hiện vật bằng đồng, gốm, đá thuộc thời kỳ văn hóa Đồng Đậu, trong đó có hạt chuỗi hình thoi bằng đá, mũi nhọn bằng xương, khuyên tai hình gối quạ bằng đá rất hiếm gặp...
Ngoài ra, đoàn khai quật cũng phát hiện thấy mảnh nồi nấu đồng có vết vỏ trấu, hạt gạo cháy dính chặt vào tảng đất nung. Hiện vật văn hóa Đông Sơn tìm thấy hầu hết là đồ tùy táng, có thể kể đến: dũa đồng, khuyên tai hình vành khăn bằng đá (mỏng như bằng thủy tinh), bùa đeo hình đầu trâu (có thể thuộc văn hóa Gò Mun, tương tự hiện vật tìm thấy tại di tích Đình Trảng trước đây)...
Đáng chú ý, trong quá trình khai quật tại di chỉ Vườn Chuối đã xuất lộ 9 ngôi mộ táng văn hóa Đông Sơn, chôn vào nơi cư trú của người Đồng Đậu. Trong đó, có 8 ngôi mộ hung táng (chôn 1 lần không cải táng), 1 ngôi mộ cải táng.
Phục dựng cuộc sống hàng ngàn năm trước
Theo PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, ban đầu việc khai quật di chỉ Vườn Chuối tưởng chừng đơn giản vì chỉ cần đào 30-50 cm là có thể tìm thấy hiện vật, đến 1,5m thì nền phù sa cổ hiện hình với những dấu vết sinh hoạt của cư dân thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn và Đồng Đậu. Nhưng càng tiến hành càng thấy phức tạp vì lớp văn hóa Đông Sơn nằm trong và chồng lên lớp văn hóa Đồng Đậu.
Những ngôi mộ cổ có thể mở ra nhiều điều về người xưa, như tuổi tác, chiều cao, giới tính, chủng tộc, nghề nghiệp, gien, bệnh tật, chế độ dinh dưỡng...
Nhà cổ nhân học Nguyễn Kim Thủy

Lúc đầu, đoàn khai quật không ngờ có thể phát lộ nhiều mộ Đông Sơn đến vậy. Có 2 trường hợp mộ hung táng, người được chôn với tư thế giải phẫu, kèm theo vật tùy táng như bình gốm, nồi gốm, khuyên tai. Một người bên tai phải đeo khuyên bằng ngọc. Trường hợp còn lại đeo khuyên tai bên trái có hình vành khăn. Mộ cải táng được đoán định của người còn trẻ. Dựa trên số răng còn lại, nhà cổ nhân học Nguyễn Kim Thủy cho rằng người chết có độ tuổi 17-25. Đồ tùy táng chôn kèm theo có rìu lưỡi xéo, giáo, mũi tên, dao găm. Có thể đoán, người này có vị trí nhất định trong xã hội.
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, tại di chỉ Vườn Chuối, khi phát hiện cụm gốm Đông Sơn sẽ thấy mộ Đông Sơn. Mộ cổ có những quy luật, dấu hiệu để phát hiện ra. Chẳng hạn như, thời kỳ văn hóa Hòa Bình, người chết được chôn gần bếp lửa, cửa hang bởi để gần con cháu, tránh thú dữ. Phong tục chôn đồ tùy táng của người Đông Sơn khá đa dạng. Có khi đồ gốm được chôn dưới chân, có khi để trên hai vai, đồ đồng để dưới thân người. Tuy nhiên không phải ngôi mộ nào cũng vậy. Trong một hố khai quật có một hố ủ đất sét trắng, trong đó có một số mảnh gốm Đông Sơn. Đó có thể là dấu vết liên quan đến việc làm gốm của cư dân Đông Sơn.
Hàng ngàn năm trôi qua, các bộ xương không còn nguyên vẹn. Chỉ riêng hộp sọ đã bị vỡ thành hàng trăm mảnh. Vừa lau rửa tỉ mỉ từng mảnh xương nhỏ, nhà cổ nhân học Nguyễn Kim Thủy vừa nói: “Những ngôi mộ cổ có thể mở ra nhiều điều về người xưa, như tuổi tác, chiều cao, giới tính, chủng tộc, nghề nghiệp, gien, bệnh tật, chế độ dinh dưỡng…”. Nhờ những ngôi mộ thời Đông Sơn, chúng ta có thể nghiên cứu người Việt (Kinh) bây giờ có phải con cháu của người Đông Sơn dựa vào ADN. Tuy nhiên, hiện nay, ở VN chưa có nơi nghiên cứu ADN cổ, vì thế để nghiên cứu cần có sự trợ giúp của các phòng thí nghiệm lớn, các chuyên gia cổ nhân học trên thế giới.
Mặc dù kinh phí còn ít ỏi, song nhiều chuyên gia liên ngành đã tham gia nghiên cứu các di vật tại Vườn Cuối. Những kết quả nghiên cứu thuộc mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ giúp các nhà khoa học có cái nhìn toàn diện, chính xác về niên đại, cuộc sống sinh hoạt, lao động… cách đây hàng nghìn năm. Tuy nhiên, phải mất tới một năm, quá trình nghiên cứu mới có thể hoàn thành.
Minh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét