Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Sự hồi sinh của một cách tiếp cận văn hóa

Joel Bonnemaison là nhà địa lý học người Pháp, giáo sư Đại học Paris IV. Trong nghiên cứu và giảng dạy, Joel Bonnemaison đặc biệt chú ý đến việc làm sáng tỏ cách tiếp cận địa văn hóa và những cơ sở văn hóa của địa lý học nhân văn. Sau khi ông đột qua đời qua đời năm 1997 khi đang tiến hành nghiên cứu ở New Caledonia, vợ và học trò của ông tập hợp các bài giảng của ông để xuất bản, trong đó có công trình Culture and Space bằng tiếng Pháp. Chúng tôi chọn dịch giới thiệu một một phần nhỏ trong công trình kể trên của ông qua bản dịch tiếng Anh của Josée Pénot-Demetry, Culture and Space: Conceiving a New Cultural Geography, xuất bản ở New York năm 2005.   
Địa văn hóa là một khái niệm mới. Nói đúng hơn, đến nay các nhà địa lý học vẫn còn tranh cãi về nó. Đối với một số người, thuật ngữ này có vẻ như đánh đố, gây lẫn lộn, vì văn hóa (thuộc những giá trị tinh thần) và địa lý học (một ngành học thuộc khoa học tự nhiên, gắn với những dữ kiện thực tế và không gian địa lý) khó có thể có quan hệ gắn kết với nhau. Trong khuôn khổ của các ngành khoa học xã hội truyền thống, văn hóa dường như “thuộc về” các nhà dân tộc học, nhân loại học và xã hội học. Trong khi đó, tự nhiên và môi trường là lĩnh vực của các nhà địa lý học.
Thế thì tại sao lại có khái niệm địa văn hóa? Nó đáp ứng cho mục đích gì?
Trước hết, phải nói rằng các nhà địa lý học đã từng đánh giá về cách tiếp cận này. Thuật ngữ địa văn hóa là mới, nhưng ý niệm về nó lại không mới. Ý niệm về địa văn hóa xuất hiện lần đầu tại Đức, nơi các nhà địa lý học ít “tự nhiên chủ nghĩa” hơn ở Pháp: vào thế kỷ 19, Friedrich Ratzel đã đề cập đến địa lý nhân học, sau đó quan niệm về địa văn hóa đến Pháp thông qua ảnh hưởng của nhân học Mỹ với những đóng góp quan trọng về địa văn hóa của Carl Sauer - một học trò của Ratzel và là người sáng lập trường phái Berkeley.
Đối với Pháp, đây là một sự trở lại hơn là một sự xuất hiện mới. Với sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa, các  nhà địa lý học nói tiếng của Pháp ở Quebec đã có ảnh hưởng lớn đến sự phục hưng của cách tiếp cận địa văn hóa vào những năm 1980. Sự trở lại của cách tiếp cận địa văn hóa gắn với trường phái địa lý học của Pháp qua cách tiếp cận khá đặc trưng của trường phái này đối với địa văn hóa. Có thể nêu một số dữ kiện nhằm làm sáng tỏ sự tái khám phá này.
Thứ nhất, sự phục hưng của địa văn hóa gắn liền với sự mở rộng của thuật ngữ “văn hóa”. Ở thế hệ của tôi người ta thường nói rằng “mọi thứ đều là chính trị”; còn bây giờ thì “mọi thứ đều là văn hóa”. Có thể thấy rằng nói về văn hóa đang như một cái mốt (fashion). Hiện nay chúng ta thường hay nói về văn hóa công ty, văn hóa đảng phái chính trị v.v. Mỗi hoạt động, từng nhóm người đều có văn hóa của riêng họ. Thậm chí chúng ta thấy có cả Bộ Văn hóa trong Chính phủ Pháp. Cùng với địa lý học, văn hóa xâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội. Thực tế là trước đây các nhà khoa học xã hội thường xác định những nhân tố thuộc về văn hóa là những nhân tố có tính định tính, không thể định lượng và kiểu xác định này làm hạn chế ít nhiều đến việc nghiên cứu thấu đáo nhiều sự vật, hiện tượng. 
Sự thành công của cách tiếp cận văn hóa trong địa lý học, về cơ bản, xuất phát từ sự hết ảo tưởng đối với “thuyết địa lý cấp tiến” (radical geography) và “thuyết địa lý học mới” (the new geography).
André Malraux đã từng xác định rằng thế kỷ hai mươi là thế kỷ của ý thức hệ. Ngày nay, chúng ta ít đặt niềm tin vào những ý thức hệ lớn vốn dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới. Cụ thể như chủ nghĩa Marx khẳng định rằng mọi sự vật, hiện tượng được giải thích dựa trên cơ sở của những mối quan hệ giai cấp và quan hệ sản xuất. Quan điểm này không quan tâm đến văn hóa. Chủ nghĩa Marx đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ‘thuyết địa lý cấp tiến’ ở các quốc gia nói tiếng Anh. Địa văn hóa, với tư cách là một “siêu cấu trúc”, cũng không hề hiện diện trong các tác phẩm của chủ nghĩa Marx mới (tân Marxist). Theo Antonio Gramsci, người Ý cũng đã vận dụng thuyết trên từ một cách hiểu sai lầm về văn hóa, không thấy được sức mạnh của văn hóa trong việc có thể làm biến đổi những ảnh hưởng kinh tế và chính trị. 
Sự tái sinh của địa văn hóa cũng có liên quan tới sự phát triển của một số ngành khoa học xã hội thực chứng, chẳng hạn như xã hội học, kinh tế học và thuyết địa lý mới. Đã có lúc, tất cả đều tuyên bố rằng chính mình là những ngành khoa học chính xác, giống như vật lý học và toán học - được mệnh danh là những ngành khoa học cơ bản. Theo khuynh hướng đó, những quy luật khoa học giải thích cơ cấu tổ chức con người và không gian thông qua những cấu trúc kinh tế, xã hội và dĩ nhiên là cả cấu trúc không gian. Như vậy, sự phân bố về mặt không gian của dân cư và hoạt động của con người tuân theo những quy luật mà chúng có thể được khám phá thông qua việc sử dụng những mô hình giống như kiểu mô hình toán học (Harvey 1989). Ngày nay, người ta vẫn còn đang tranh cãi về vấn đề này. Nói chung, dù đạt được hiệu quả nhất định, cách tiếp cận định lượng đã bớt đi phần nào tính cực đoan so với hai mươi năm về trước – khi cách tiếp cận định lượng được xem là số một, duy nhất. Xuất hiện từ những năm 1960, thuyết “địa lý mới” hiện nay ít có tham vọng hơn so với lúc nó mới ra đời. Nó đã dành nhiều “đất” hơn cho cách tiếp cận văn hóa và cách tiếp cận này không nhất thiết phải mâu thuẫn hoặc phủ nhận các cách tiếp cận khác nếu không nói là trong thực tế nó đã giúp cho nghiên cứu có cái nhìn tổng thể hơn.
Về cơ bản, địa lý học theo quan điểm Marxist và địa lý học thực chứng “mới” (“new” positivistic geography) ngự trị từ thập niên 1960 đến thập niên 1980.  Các thuyết này phủ định lẫn nhau dù chúng có cùng cách tiếp cận của chủ nghĩa duy vật hoặc của khoa học cơ bản. Trong suốt thời gian thống trị của thuyết địa lý mới, những người khởi xướng địa văn hóa đương thời vẫn miệt mài nghiên cứu trong lĩnh vực vô cùng hứng thú và hấp dẫn đối với họ.
Sự trở lại của địa văn hóa phần lớn nhờ vào những công trình nghiên cứu nổi tiếng của những học giả đã dám tự xưng là những “nhà địa văn hóa”. Nổi bật trong số họ là Paul Claval, người đã khởi xướng vấn đề nghiên cứu lại địa văn hóa, đặc biệt là bằng những phân tích về sự hình thành và phát triển của nó. Trường phái địa lý học nhiệt đới, với những người tiên phong như Pierre Gourou, Jean Gallais và Gilles Sauter, cũng đóng một vai trò khá quan trọng. Tất cả những nhà nghiên cứu này đã khảo sát những nền văn hóa cụ thể, những tộc người và những nền văn minh với những đặc trưng riêng biệt, độc đáo. Augustin Berque đã nghiên cứu về cảnh quan (cả về “dấu ấn” và “ảnh hưởng” của văn hóa)  và văn hóa Nhật Bản mà không tách những đặc trưng thuộc về tự nhiên ra khỏi những đặc điểm nhân văn trong một môi trường cụ thể. Sau cùng, phải kể đến Jean Robert Pitte, Xavier de Planhol và Pierre Flatrès ở Đại học Paris IV. 
Phần mình, tôi đặc biệt chú ý đến tính phổ quát văn hóa như tín ngưỡng, thần thoại và những biểu trưng.  Đây là điều khác về cơ bản với các nhà nghiên cứu khác. Trong La Dernìere ile (The Tree and the Canoe), tôi viết về cuộc nổi dậy mà những người Tanna đã tiến hành nhân danh những phong tục, tập quán. Tôi phản ánh mối liên hệ giữa bản sắc văn hóa của các cư dân trên đảo và không gian địa lý, hay đúng hơn là những biểu trưng không gian điển hình của cư dân trên đảo - một cảnh quan vừa được con người nhận thức, vừa mang đậm màu sắc tâm thức, tâm linh.
Ba chiều kích của không gian cảnh quan trong địa văn hóa gồm:
- Lãnh thổ: liên qua đến các cột mốc và đường biên giới lãnh thổ; đến cơ cấu  chính trị với những vùng trọng điểm, trung tâm và vùng ngoại vi.
- Môi trường địa lý: một cấu trúc địa lý và sinh thái - đất trồng, thực vật, nước, khí hậu, mật độ dân cư, hệ thống thông tin liên lạc. Con người hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống sinh thái này bởi vì toàn bộ môi trường địa lý được nhân hóa thành một quy mô nhỏ hơn hoặc lớn hơn.
- Biểu tượng địa lý: cấu trúc biểu trưng một môi trường địa lý và ý nghĩa của nó. Khái niệm này tương tự như khái niệm “médiance” đã từng được Augustin Berque đưa ra từ năm 1990 để chỉ những tác động và những giá trị con người đem lại cho cảnh quan. Những biểu tượng đại lý có ý nghĩa đều liên quan đến đạo đức học và siêu hình học. Chúng đại diện cho giá trị tinh thần của xứ sở mà chúng ta gọi là linh hồn của xứ sở.
Tầm quan trọng của cách tiếp cận văn hóa được hồi sinh trong địa lý học chính là sự đưa vào chuyên ngành này nhiều cách tiếp cận văn hóa của nhiều chuyên ngành, đặc biệt là ngôn ngữ học, nhân loại học (còn được gọi là nhân học văn hóa để phân biệt nó với nhân học xã hội) và kinh tế học (như là nhân học kinh tế, có tính phổ biến, đối lập với toán kinh tế). Các nhà nghiên cứu lớn trong những ngành học này đã phân tích những hệ thống hoặc cấu trúc văn hóa và đưa ra những mô thức mới. Trong số những nhà tư tưởng này, chúng ta thấy có Claude Lévi-Strauss và nhà nhân loại học kiêm nhà ngôn ngữ Georges Dumézil – hai nhân vật nổi tiếng trên thế giới của ngành nhân loại học Pháp.
            Công trình của Dumézil chủ yếu về ngôn ngữ Ấn-Âu và thần thoại học. Dumézil chứng minh rằng trong gốc ngôn ngữ Ấn-Âu đã chứa đựng một số thần thoại. Những thần thoại này đến lượt mình tạo điều kiện cho việc nghiên cứu những mô thức xã hội và hệ tư tưởng. Trên cơ sở này, Dumézil phác thảo ra ba chức năng xã hội cơ bản - chính trị, tôn giáo, kinh tế - những chức năng từng hiện hữu trong nhiều xã hội khác nhau từ Ấn Độ cho đến Ireland, chẳng hạn như ở xã hội Pháp trước Cách mạng tư sản vào cuối thế kỷ 18. Điều đáng ghi nhận là cấu trúc luận của Dumézil ít cứng nhắc hơn cấu trúc luận của Lévi-Strauss rất nhiều.
            Kinh tế và sự đáp ứng những lợi ích vật chất đang làm giảm đi những nhân tố giúp soi sáng thêm nhiều vấn đề về con người. Một sự giải thích đầy đủ phải gồm có hệ thống giá trị cá nhân, trí tuệ và cảm xúc của cá nhân đó cũng như ước vọng của anh ta về quê hương xứ sở. về lý tưởng, về chân lý. Tóm lại, một con người có thể được xác định như là một cấu trúc cảm xúc và văn hóa phức hợp. “Con người không chỉ sống bằng bánh mì”. Con người tìm ý nghĩa cuộc sống ở đâu? Chất “phụ gia” của tâm hồn này đã bao hàm văn hóa…

Joel Bonnemaison
Nguyễn Thanh Tùng (CH VHH K 9) dịch
Nguyễn Văn Hiệu hiệu đính

2 nhận xét:

  1. Mình cũng đã dịch thô bài "Culture and Space – anthropological approaches" của Waltraud Kokot, để lúc nào xem lại rồi đưa lên góp với Dung nhỉ!:)

    Trả lờiXóa
  2. Đưa nhanh lên nhé, đang cần đấy!

    Trả lờiXóa