Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Bảo tàng Hà Nội: Thành công nhưng lãng phí

Những suy nghĩ, phát biểu rằng HN nhiều bảo tàng, trong khi còn thiếu bệnh viện, trường học là cách đặt vấn đề thiển cận, không có tầm cả về chiến lược Nhà nước nói chung và với văn hóa, dân trí và du lịch nói riêng.

LTS: Bảo tàng Hà Nội - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội đã khánh thành đúng dịp Đại lễ (ngày 6/10/2010), là "điểm đến" của đông đảo du khách cũng như người Hà Nội trong những ngày tháng 10/2010. Nhưng sau những ngày hào hứng ấy, vì sao Bảo tàng Hà Nội lại vắng vẻ? Có thật Bảo tàng HN là sự lãng phí trong đầu tư như phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc không? Mới đây, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN.

Thành công nhưng không... thắng lợi

- Gần đây có cuộc "tranh luận" trên một số báo chí xung quanh việc xây dựng công trình Bảo tàng HN có lãng phí hay không? Ông có theo dõi cuộc tranh luận này không?

- Đây là cuộc tranh luận lý thú. Theo tôi, rất cần thiết để thảo luận một cách bình tĩnh, đứng lùi ra một chút để nhìn cho khách quan, toàn diện, đừng vì là người trong cuộc hoặc có liên quan mà phải "bênh" việc mình đã làm. Nhìn nhận đúng, khách quan sẽ là những bài học bổ ích cho các bảo tàng đang và sẽ xây dựng ở nước ta.

- Trong các ý kiến "phê" Bảo tàng HN, có ý kiến trở về với những băn khoăn từ thuở đầu, liệu HN có cần thêm một bảo tàng của riêng HN không?Vì trên địa bàn HN có rất nhiều bảo tàng quốc gia có nội dung trùng lặp?

- Cần phải rạch ròi câu chuyện này. Trong tình hình đất nước như hiện nay, vị trí của văn hóa như hiện nay, HN cần một bảo tàng riêng. Đó không chỉ là quan niệm của tôi, mà tôi tin cũng là quan niệm của rất nhiều người HN. HN đến bây giờ mới xây bảo tàng là quá chậm, vì sau gần 30 năm có quyết định thành lập Bảo tàng HN mà không có được một tòa nhà. Ở Hà Nội không phải có quá nhiều bảo tàng như người ta cứ nói, so với các nước thì còn rất ít, chưa kể nội dung của đa số các bảo tàng đó còn quá nghèo nàn, chất lượng trưng bày quá lạc hậu. HN cần bảo tàng "xịn", có chất lượng trưng bày ngang với bảo tàng của các nước Đông Nam Á, của thế giới.
Tôi khẳng định những suy nghĩ, phát biểu rằng HN nhiều bảo tàng, trong khi còn thiếu bệnh viện, trường học là cách đặt vấn đề thiển cận, không có tầm cả về chiến lược Nhà nước nói chung và với văn hóa, dân trí và du lịch nói riêng.
Hãy tạm gác lại chuyện kiến trúc đẹp, xấu. Trước hết, nhu cầu có một bảo tàng cho riêng HN là có thật. Vì vậy, có được tòa nhà Bảo tàng HN là thành công rồi. Nhưng bảo rằng đó là "thắng lợi" thì chưa đủ.
Quan trọng nhất là Bảo tàng HN phát huy tác dụng thế nào? Mâu thuẫn đặt ra ở đây, sự bất đồng trong quan niệm rằng Bảo tàng HN có lãng phí hay không lãng phí cũng là ở đây.

Bảo tàng HN có lãng phí hay không?

Không hiểu hay cố tình ngụy biện

- Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Võ Hồng Phúc thì bảo xây Bảo tàng HN mà không có khách như bây giờ là sự lãng phí, còn những người không đồng tình lại bảo không phải bảo tàng không có khách, mà có rất nhiều khách, đặc biệt là trong dịp Đại lễ...
- Tại sao Bảo tàng HN không phát huy được tác dụng? Trả lời câu hỏi đó, nên mở ngoặc nói một câu chuyện: Tháng đầu tiên - chính là tháng Đại lễ - người khắp nơi đến thăm bảo tàng đông kịt, không phản ánh được một cách đầy đủ giá trị bảo tàng, mà đó là họ đến với 1000 năm Thăng Long- HN; người ta hiếu kỳ, muốn đến xem, mong đợi ở bảo tàng mới nhất, lớn nhất Việt Nam có cái gì đó hay, hấp dẫn.
Sai lầm ở đây là việc làm Bảo tàng HN đã không được thực hành theo một quy trình khoa học đồng bộ và vì vậy mới lãng phí.
Tôi có hồ sơ đầy đủ của 2 bảo tàng xây dựng mới trên thế giới. Thứ nhất là Bảo tàng Quai Brandly, là sản phẩm ý tưởng của Tổng thống Pháp Jacques Chirac để lại trong nhiệm kỳ của mình, đã tạo ra một bảo tàng nghệ thuật ngoài châu Âu. Thứ hai là Bảo tàng Văn minh cổ Ai Cập ở Ai Cập.
Cả hai bảo tàng này đều được xây dựng trong khoảng 8-10 năm, và có kế hoạch cụ thể cho từng năm một, từ lúc khởi công cho đến lúc khánh thành theo một quy trình chặt chẽ, luôn tiến hành song song giữa việc xây dựng tòa nhà và thiết kế nội dung trưng bày. Khi tòa nhà xây xong thì cũng hoàn tất thiết kế nội dung và tổ chức trưng bày. Khánh thành là bảo tàng đi vào hoạt động luôn, như thế sẽ không vênh, không tạo sự lãng phí.
 
Những người ở các địa phương khác nhân dịp ra HN dự Đại lễ, đi thăm Bảo tàng HN 1 lần cho biết thì không nên tính đến như 1 nhân tố quan trọng. Còn những người HN mà tôi biết, cả khách quốc tế... sau khi ra về hầu hết đều thất vọng vì cái tòa nhà thì hiện đại, nhưng nội dung và chất lượng trưng bày quá kém, không đạt tiêu chuẩn của một cuộc trưng bày mang tính thời đại.
Nói thẳng ra là làm tạm bợ, không tính đến chất lượng, bất chấp tiêu chuẩn tối thiểu của bảo tàng thế kỷ 21, miễn sao bày kín được mấy tầng đó bằng những thứ đồ cổ, vì không lẽ lại khánh thành và mở cửa tòa nhà rỗng? Có trưng bày đấy mà không đạt mục tiêu nội dung và không đạt chất lượng mỹ thuật của bảo tàng, làm thấp giá trị của bảo tàng. Sự lãng phí chính là nằm ở chỗ đó.
Đó cũng là lý do sau Đại lễ, không mấy ai đến Bảo tàng HN nữa.

- Người ta đã lập luận rằng, xây bảo tàng không phải như xây hội trường, phải 10 năm, 20 năm, thậm chí 100 năm mới có thể xong phần trưng bày nội dung?

- Lập luận này là ngụy biện và vô cùng nguy hiểm. Nếu quan niệm này được Nhà nước hay các nhà quản lý các cấp chấp nhận thì nước ta sẽ không bao giờ có bảo tàng hoạt động có hiệu quả, kể cả những bảo tàng tỉnh đang xây, hay những bảo tàng rất hoành tráng trong tương lai như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN.
Sai lầm ở đây là việc làm Bảo tàng HN đã không được thực hành theo một quy trình khoa học đồng bộ và vì vậy mới lãng phí.
Tôi có hồ sơ đầy đủ của 2 bảo tàng xây dựng mới trên thế giới. Thứ nhất là Bảo tàng Quai Brandly, là sản phẩm ý tưởng của Tổng thống Pháp Jacques Chirac để lại trong nhiệm kỳ của mình, đã tạo ra một bảo tàng nghệ thuật ngoài châu Âu. Thứ hai là Bảo tàng Văn minh cổ Ai Cập ở Ai Cập.
Cả hai bảo tàng này đều được xây dựng trong khoảng 8-10 năm, và có kế hoạch cụ thể cho từng năm một, từ lúc khởi công cho đến lúc khánh thành theo một quy trình chặt chẽ, luôn tiến hành song song giữa việc xây dựng tòa nhà và thiết kế nội dung trưng bày. Khi tòa nhà xây xong thì cũng hoàn tất thiết kế nội dung và tổ chức trưng bày. Khánh thành là bảo tàng đi vào hoạt động luôn, như thế sẽ không vênh, không tạo sự lãng phí.
Còn Bảo tàng HN, khánh thành rồi mà có người bảo 10, 20 năm nữa mới xong phần trưng bày thì chính là sự lãng phí, không biết những người lập luận như vậy đã không hiểu hay cố tình ngụy biện?

Không thể "chìa khóa trao tay" chỉ để giữ nhà

- Nhưng họ đã đưa "dẫn chứng" cả Bảo tàng Dân tộc học VN mà chính ông đã có công xây dựng và phát triển từ những ngày đầu tiên?
- Tôi nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học từ năm 1983, làm luận chứng kinh tế, kỹ thuật, đến năm 1985, 1986 mới được phê duyệt. 1990 mới bắt đầu đổ móng xây tòa nhà, xây xong toàn bộ tòa nhà là năm 1997 và đồng thời tháng 10/1997 khai trương. Vừa xong phần xây thô thì cùng với quá trình hoàn thiện là tổ chức làm nội thất và trưng bày luôn. Cả quá trình xây dựng, hoàn thiện và thiết kế trưng bày là hoàn toàn đi song song. Cả tòa nhà bảo tàng sau khi đã hoàn thiện không lúc nào trống trơn cả.
Với Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng vậy. Khởi công năm 1985, hoàn thành công trình năm 1990 trong 5 năm đó việc xây dựng công trình và thiết kế thi công trưng bày luôn đi cùng với nhau. Khánh thành công trình là mở cửa trưng bày hòan chỉnh luôn.
Gần đây, ở nước ta có "mốt" là khánh thành tòa nhà trước, rồi vài năm sau mới khánh thành trưng bày chính. Đó là một cách làm không phù hợp, không khoa học, chủ yếu chạy theo bệnh thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan.

Mô hình nhà mồ Tây Nguyên trong Bảo tàng dân tộc học. Ảnh: Nguyễn Ngọc

- Vậy là những lập luận rằng Bảo tàng HN không lãng phí đều... sai? Nghĩa là Bảo tàng HN thật sự lãng phí?
- Lãng phí của Bảo tàng HN là do đã không lên kế hoạch được sớm, đến sát Đại lễ mới quyết định về địa điểm. Thiết kế tòa nhà thì phải ép để xây dựng phần vỏ trong 2 năm, còn phần hiện vật và nội dung trưng bày lại không chuẩn bị kịp, do không có bộ máy mạnh có đủ năng lực để lo phần việc này. Giờ mới đang ở giai đoạn xây dựng đề cương cho phần nội dung, lại còn tiếp tục sưu tầm hiện vật... là quá chênh, quá lãng phí.
1 sai lầm rất lớn của quá trình xây công trình Bảo tàng HN cũng như nhiều bảo tàng khác ở nước ta là có 2 bộ phận hoàn toàn tách biệt.
Ban Quản lý xây dựng Bảo tàng HN lo toàn bộ việc xây dựng, kể cả việc trưng bày (dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở VH - TT - DL Hà Nội).
Còn Bảo tàng HN, kể cả Giám đốc Bảo tàng cũng chỉ là người nhận "chìa khóa trao tay", không tham gia vào quá trình trực tiếp lập đề cương, tổ chức bộ máy trưng bày. Những người có chuyên môn lại không được làm công việc chuyên môn quan trọng nhất của bảo tàng. Họ chỉ chờ "chìa khóa trao tay" để quản lý và lo "giữ nhà" thôi thì làm sao có chất lượng được?
1 lãng phí lớn nữa là để phục vụ phần trưng bày đồ cổ tạm thời cho kịp Đại lễ, người ta đã phải đóng rất nhiều tủ, tốn số tiền rất lớn, rồi đây chắc chắn sẽ phải bỏ hết, vì không thể phù hợp với trưng bày tương lai mà các nhà tư vấn New Zealand đang thực hiện.

Bệnh không chỉ của Hà Nội

- Không bàn tới sự đẹp, xấu của kiến trúc bên ngoài Bảo tàng HN, ông đánh giá thế nào về phần không gian bên trong? Có "hứa hẹn" một bảo tàng xứng tầm không?
- Tôi thấy cách thiết kế không gian bên trong khá tốt, dễ tiếp cận với bảo tàng. Tuy vẫn còn một số lỗi về nội thất cần sửa, như hiện tại toilet đang nằm trong phòng trưng bày, hay muốn đến chỗ làm việc của nhân viên cũng phải đi qua phòng trưng bày. Như thế là tổ chức không gian chưa chuẩn. Sau này cần điều chỉnh.
Ngoài ra còn những lỗi như việc đường điện chạy nổi trên mặt sàn, dù là trưng bày tạm thời cũng không thể làm tùy tiện như thế, các chú thích cũng làm cẩu thả, chiếu sáng không tốt...
Những lỗi làm tùy tiện đó, nếu quyết tâm sửa và sửa ngay thì chất lượng sẽ được nâng cao lên một bước. Quan trọng vẫn là cách tiếp cận.
Quan trọng nhất là phải nhận thức ra những sai lầm trong quan niệm về chỉ đạo tổ chức một bảo tàng mới cùng với trưng bày thường xuyên. Nếu chưa thấy mình sai thì không bao giờ sửa được.
Việc quan trọng nhất hiện nay là Bảo tàng HN phải trực tiếp kiểm kê và đánh giá từng hiện vật đang có. Và phải thiết kế nội dung trưng bày trên những hiện vật đó, chứ không được tư duy trưng bày chỉ căn cứ vào kiến thức lịch sử, không căn cứ vào hiện vật. Lập luận rằng cứ xây dựng đề cương trưng bày, rồi đi bổ sung hiện vật, là hoàn toàn không phù hợp. Có thể bổ sung hiện vật, nhưng rất hãn hữu thôi, còn trước hết phải tổ chức trưng bày trên những hiện vật đang có, không thể khác được.

KHÁNH LINH


Lời bình của Gốc Sậy

Cái tiêu đề nhỏ đầu tiên nên được giật làm tít bài:”Thành công nhưng không… thắng lợi“.Tạm bỏ qua mọi chuyện khác (mà nói ra sẽ còn dài hơn cả bài trả lời phỏng vấn của bác Huy), cũng lộ mặt một công trình Nghìn năm:"Một lãng phí lớn nữa là để phục vụ phần trưng bày đồ cổ tạm thời cho kịp Đại lễ, người ta đã phải đóng rất nhiều tủ, tốn số tiền rất lớn, rồi đây chắc chắn sẽ phải bỏ hết, vì không thể phù hợp với trưng bày tương lai mà các nhà tư vấn New Zealand đang thực hiện."

Về BTHN, mình đồng ý với GS. Nguyễn Văn Huy và TS. Nguyễn Hồng Kiên,nhưng vẫn phải nói thêm là BTHN xấu từ ngoài vào trong, chưa nói đến những thất cách hay lạc điệu thời đại. Thế kỷ 21 rồi mà bảo tàng xây vẫn theo kiểu lô cốt, phi sinh thái, không thân thiện, tốn điện...

Và phải nói thêm là trình như bác Võ Hồng Phúc mà là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Quốc gia thì vụ xây Bảo tàng Hà Nội theo kiểu vỏ một đằng, nội dung một nẻo cũng dễ hiểu thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét