Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Khó tu, tu khó?

Có bài này về sư, vãi các loại hiện nay. Hay ơi là hay!

Tôi về làng, vào chùa làng thắp hương tam bảo. Chùa làng dễ hơn 150 năm tuổi, cây đa đã chết đi sống lại đến cả chục lần, cụ cố bên họ ngoại đã 97 tuổi, nhớ từ giờ sinh của thằng chắt nhớ đi, bảo cây đa này là cháu chắt chút chít của cụ đa nào đó mang về từ Thái Nguyên.

Năm kia, cũng về qua làng, vào chùa thắp hương. Sau lưng chùa là một cái sân gạch, cạnh là cái ao chùa. Sư bà coi chùa hồi ấy, gọi là bà nhưng chừng bốn mấy, đi thanh niên xung phong về, chồng bỏ, bèn xuống tóc vào chùa. Thắp hương cúng dường Đức Phật xong, đi ra sân vườn sau vãn cảnh, thấy sư bà lôi xềnh xệch con chó xích vào gốc cây, xích xong, đập vào mõm chó đánh chát một cái, mắng “Cha tiên nhân chó với má, tinh ăn vụng”. Đánh chó xong, sư cắp một cái rổ to đi xuống ao, mở cái vỉ tre đậy rổ, móc ra một con cá trắm to dễ gần 2 cân còn giãy đành đạch. Sư lấy cái chày sứt sẹo cạnh cầu ao, nện đánh bốp một cái vào đầu con cá. Công lực thâm hậu, chưởng xuất đúng tử huyệt, con cá giãy bật lên một cái rồi duỗi mình nằm thẳng cẳng (quên, thẳng vây). Xong, hóa kiếp cho mày sau đừng làm cá, mà có làm cá cũng đừng gặp sư bà.

Chứng kiến cảnh ấy, tôi đứng nhìn tấm lưng cánh phản của sư bà và đôi bàn tay đang móc mang, mổ ruột, chặt vây ngoay ngoáy, rón rén đi vòng phía khác, té thẳng. Lạy Phật, Phật từ bi vô lượng, còn sót một chút đường tu hoang dã ở kia, xin Phật độ trì cứu giúp cho dân làng được nhờ. Kiểu ấy mà lo phần giáo hóa cho dân làng thì Phật pháp chắc thành kiếm ma chưởng thuật mất thôi.

Năm nay, sư bà sát cá đi đâu mất, làng lại thỉnh về một sư bà khác, lông mày vẫn còn đường tỉa, răng khểnh duyên đáo để. Bí thư chi bộ làng, tên là Đắc, bảo “Mới gọi lên nhắc nhở, tối cứ mở cải lương nghe, mấy vãi trong làng nói ra nói vào”. Đắc Bí thư nói chưa xong, sư đã cãi xong rồi, bảo đấy là mấy băng nam mô a di đà đời mới làm, cải lương đâu mà cải lương, bịa tội cho người xuất gia, Phật giáng quả oán cho mà gánh tội. Chao ôi, cái cô Lan nào lại vào nhầm chùa thay chú Điệp đây?

Tôi nhớ có năm đọc báo cáo của Ban Tăng sự trung ương, báo kết quả năm vừa rồi có đến mấy chục vị tăng trẻ thuê nhà trọ ở lung tung, dẫn cả “người lạ” vào ở cùng, làm mất thể diện Giáo hội. Lại nhớ có lần đọc tin pháp luật – xã hội trên vnexpress, nói một ni và một tăng bị đánh cướp mất cái xe máy, địa điểm bị cướp xe là một bãi đất hoang bên quận 9, lúc 7-8 h tối. Khổ, tối tăm mù mịt thế, ra bãi đất hoang làm chi cho tội tình, cò ơi là cò. Rồi sư ông trụ trì chùa Quang Minh kể chuyện một sư chú khác vào An Giang tu theo phái khất sĩ, đi được 2 tháng thì quay về vàng võ, nói vất vả quá, lúc nào cũng đói, thôi về lại chùa cũ.

Thế nên, các bậc cao tăng mấy năm nay lo cho việc trang nghiêm Giáo hội là nhiều. Phần lễ lạt át mất cả phần tu tập, nhiều nơi sư trụ trì chỉ giỏi mỗi việc đi cúng ở các nhà, thành thử nhiều bà khi nhắc đến sư nọ sư kia, chỉ ngưỡng mộ mỗi cái giọng ngân nga và cái tay múa dẻo.

Trong tiếng mõ lời kinh có những giá trị tinh thần to lớn mà chỉ sự tu tập nghiêm cẩn mới tiếp nhận được. Chưa nói đến trong thánh điển Kinh Phật, những tri thức vô giá chỉ có thể được ngộ khi người tu nghiên tầm ngày qua ngày bền bỉ, bằng sự buông mình trọn vẹn vào một cõi không có tham, sân, si, không có danh vọng và tự ngã. Trong quá trình tích lũy và chọn lọc tri thức, người tu phải vượt qua bao nhiêu xáo trộn và chi phối, chỉ có hàng rào giới luật mới giúp thất tình không chen ngang, hủy hoại huệ mạng. Tôi ngờ rằng Giáo hội phải có một cuộc chấn hưng riêng cho việc hành trì giới luật bên cạnh việc cải tổ quản trị các cơ sở tự viện cho chặt chẽ. Đông mà không nghiêm, ấy là nền móng cái tòa nhà đã có nhiều dấu rạn.

http://noithat0.wordpress.com/

Mình thì cho rằng nền móng cái tòa nhà đã sụt lở rồi! 


1 nhận xét:

  1. Nhưng đạo Phật vẫn không sụt lở được bởi Phật vẫn dạy mọi người ... phần ai nấy lo, ai ăn nấy no, ai uống nước thì được biết nước nóng lạnh :)
    Trong ba ngôi tam bảo Phật- Pháp - Tăng thì lúc thời mạt pháp Phật dạy, lấy Pháp làm thầy. Thối tâm vì những cái bên ngoài ấy nó cũng giống như tâm bị động vì những lời chửi mất gà của bà hàng xóm.
    Tào lao chút cho vui, không nhằm phản biện tác giả. Chúc chị vui. Tôi vẫn vô cùng thắc mắc là trong những hạt lúc nẩy mầm có hạt vỏ thóc vô cùng đen, mầm rất yếu. Thóc mới lẫn vào không thể nào có vỏ vậy được . Ôi, lúc đó giá mà lấy được mầm thóc ấy đưa vào nhân vô tính !

    Trả lờiXóa