Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỪ 2 HIỆN TƯỢNG IDS & HOÀNG TỤY


Tiêu cực từ hai hiện tượng IDS và Hoàng Tụy
TRƯƠNG DUY NHẤT
Trong một thời gian ngắn, có 2 cách phản ứng của những trí thức bậc thầy mà tôi kính trọng, nhưng tôi không đồng tình với cách chọn lựa của họ. Thứ nhất là việc nhóm trí thức thuộc Viên nghiên cứu phát triển IDS tuyên bố tự giải thể để phản đối quyết định 97/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng. Thứ hai là việc giáo sư Hoàng Tụy tuyên bố “mệt mỏi” và sẽ “im lặng đáng sợ” sau sự kiện bài viết của ông trên tạp chí Tia Sáng.
.Trong mắt tôi (và có lẽ với đa phần trí thức Việt), IDS với những tên tuổi như GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A, TS Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, GS Chu Hảo, GS Phan Huy Lê, GS Tương Lai, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển… được xem là nhóm trí thức hàng đầu, hàng đầu cả về hàm lượng trí tuệ lẫn nhân cách. .Trông mong và kỳ vọng nhiều. Nhưng quả thật tôi thất vọng trước sự bỏ cuộc bằng phương cách tự giải thể của họ. Có lẽ, phương cách đó không phù hợp với lòng tin, sự kỳ vọng của trí thức và dân chúng vốn dành cho họ. Và hơn thế, có lẽ nó hơi… lùn so với tầm thế tên tuổi và tri thức IDS.
.Tôi buồn, rất buồn khi đọc bức “tâm thư” của giáo sư Hoàng Tụy. Những dòng chữ này cứ nhảy múa mãi trong đầu, và tôi không nhớ nổi mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần: “Thưa các bạn, tôi quá mệt mỏi rồi, tuổi đã vượt xa cái hạn “xưa nay hiếm”, hơn nữa từ hơn năm nay sức khỏe suy sụp. Ngoài việc chuyên môn vốn đã bận tôi phải dành khá lớn thời gian và tâm trí lo nghĩ về giáo dục nước nhà mà xem ra chỉ làm cho nhiều người tốt bị liên luỵ. Vậy xin các bạn thông cảm và lượng thứ nếu thấy tôi “im lặng đáng sợ” trong thời gian tới. Xin nhường lại công việc cho các bạn tâm huyết với nước nhà và chia sẻ với tôi niềm tin: trong nhiều vấn đề nội bộ hệ trọng của đất nước, trước mắt không có vấn đề nào hệ trọng hơn giáo dục”
Trong khi đó, trên một bài phỏng vấn của đài RFA, giáo sư Hoàng Tụy lại kêu gọi: “Tôi thấy là muốn lay chuyển cái tình hình này thì chỉ những người như chúng tôi nói là không đủ. Các bạn trẻ, các bạn sinh viên, các bạn học sinh phải lên tiếng nhiều nữa, bởi vì chính các bạn là chịu ảnh hưởng của cái nền giáo dục này, và tương lai của các bạn tuỳ thuộc nhiều vào cái chất lượng của nền giáo dục này, cho nên các bạn phải lên tiếng, các bạn phải nói. Còn chúng tôi dẫu sao cũng là những người gần đất xa trời rồi và tiếng nói nó cũng chỉ có tác dụng chừng nào thôi. Thành ra là cái tương lai giáo dục của chúng ta sẽ như thế nào, tôi có thể nói là ở trong tay các bạn thanh niên”.
.Không thể kêu gọi lớp trẻ lên tiếng, trong khi chính mình lại chọn cách im lặng. Trước thực trạng một lớp sinh viên, trí thức trẻ đa phần chỉ biết văng tục, nhảy tưng tửng kiểu Lại Văn Sâm và thờ ơ xa lánh các vấn đề quốc sự- thì phương cách im lặng của giáo sư Hoàng Tụy và cách bỏ cuộc kiểu tự giải tán của IDS lại vô tình có tác động tiêu cực vào một hiện trạng vốn đã quá tiêu cực và u ám.
Thư đến GS Hoàng Tụy: Không thể im lặng được, thưa thầy!

Thưa thầy, xin cho phép con được xưng hô với Giáo sư như một người học trò xưng hô với thầy giáo của mình. Có thể cách xưng hô trên chưa thể hiện hết được mức độ tôn kính mà bao thế hệ chúng con dành cho thầy. Nếu có điều gì chưa được hài lòng mong thầy lượng thứ.
.Thưa thầy, có lẽ những ngày này, thầy đang rất phiền muộn vì đang có những vụ việc xảy ra liên tiếp ngoài ý muốn của thầy. Trong đó, bài viết về giáo dục của thầy đăng trên trang mạng Tia sáng đã khiến cho trang mạng này bị đình bản, bị xóa cả tên miền như phỏng đoán của thầy trong lá thư gửi đến bạn bè cách đây vài hôm. .Đúng là chuyện đáng buồn thật! Bởi một tờ báo đầy uy tín như Tia sáng đã… vụt tắt và không ít bạn bè của thầy bị liên lụy.
Nhưng thưa thầy, sẽ thật đáng buồn hơn, thậm chí là rất đau buồn nếu những trí thức đáng kính, đầy uy tín, tài năng như thầy lại chấp nhận “im lặng đáng sợ” trong thời gian tới. Chúng con thấu hiểu những khó khăn và ưu tư của thầy khi quyết định “im lặng đáng sợ”. Nhưng sứ mạng của một nhà giáo là không thể im lặng, và càng không thể im lặng trước những nguy cơ đe dọa đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Nếu những người như thầy không lên tiếng thì sứ mạng này sẽ thuộc về ai? Những ai có đủ tâm, đủ tầm để lên tiếng? Và đến khi nào thì họ sẽ lên tiếng?
.Chúng con đã từng sáng ra rất nhiều, những người làm công tác giáo dục nước nhà có lẽ cũng sáng ra ít nhiều từ những ý kiến mạnh mẽ đầy sức thuyết phục của thầy về giáo dục của nước nhà. .Còn nhớ năm 2005, khi thầy cùng 23 nhà giáo khác “dâng sớ” yêu cầu Chính phủ cải cách và hiện đại hóa giáo dục , sự kiện này đã được “mọi người đồng thuận hưởng ứng” ( theo cách dùng từ của Báo Tuổi trẻ lúc bấy giờ). Từ đó, diễn đàn “Chấn hưng giáo dục – mệnh lệnh từ cuộc sống” của báo Tuổi trẻ ra đời, đến nay nó vẫn còn là một phần chính trong mục giáo dục của tờ báo này để đóng góp ý kiến, ý tưởng cho giáo dục. .Dù kết quả có thể chưa được như ý của thầy và các nhà giáo đã “dâng sớ”, nhưng chắc chắn nó đã giúp cho giáo dục Việt Nam kiềm chế mức độ chệch hướng, đồng thời giúp cho những người làm công tác giáo dục chịu khó nhìn trước ngó sau hơn khi thực hiện các quyết định của mình..Sau đó một thời gian, ông Nguyễn Thiện Nhân được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, lúc đó dường như ông thể hiện quyết tâm làm một Bộ trưởng Giáo dục thật sự. Ngày 02/7/2006, Bộ trưởng gửi thư đến báo Tuổi trẻ để cam kết với bạn đọc rằng, “10 năm tới, giáo dục Việt Nam sẽ khác”. .Giờ đây đã hơn 3 năm trôi qua, thầy và những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam đã cảm thấy sốt ruột, bởi con thuyền giáo dục nước nhà vẫn cứ như đang tròng trành long đong giữa biển khơi mà chưa thể tìm được hướng đến bến đỗ! Bài viết “Giáo dục, xin cho tôi hỏi thẳng” thể hiện sự suốt ruột đó chăng?
.Thưa thầy, bức tranh giáo dục Việt Nam có gam màu sáng hay tối không hẳn là điều gì đó quá bí mật trong suy nghĩ đối với đại đa số người Việt Nam hôm nay. .Tuy nhiên chúng ta cần những người vén bức màn đang che phủ bức tranh đó để dân tộc chúng ta có dịp nhìn thẳng vào sự thật chứ không chỉ là sự mường tượng chung chung. Bức tranh đó cần được đưa ra ánh sáng để những ai vô cảm hay cố tình dùng giáo dục như một phương tiện cho những mục đích cá nhân phải ít nhiều chùn bước, những ai còn cố bám víu vào hào quang giả tạo của nền giáo dục hiện nay phải tỉnh ngộ.
Những người lãnh nhận sứ mạng phản biện và đổi mới sự nghiệp giáo dục hiện nay của đất nước buộc phải đối đầu với những khó khăn muộn phiền, thậm chí nguy hiểm. Nhưng nếu không phải là những người như thầy, không phải là bây giờ, thì ai và khi nào chúng ta đưa ra những thông điệp đổi mới cho giáo dục? Thế hệ chúng con hôm nay có lẽ vẫn còn cần sự chia sẻ và gánh vác gánh nặng này của các thầy thêm một thời gian nữa, dù biết rằng đáng lý ra ở cái tuổi “xưa nay hiếm” thầy đã có thể vui vẻ hưởng tuổi già.
Một “Tia sáng” bị dập tắt bởi không được phép sáng hay không có điều kiện để sáng đã là điều đáng suy nghĩ. .Nhưng nếu hàng triệu “tia sáng” trong mỗi trái tim con người Việt Nam chúng ta “tự nguyện tắt” thì đó là dấu chấm hết cho một dân tộc, thưa thầy!
Hoài Nam
Tham khảo:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=147944&ChannelID=13NGUỒN: http://bauxitevn.net/c/16514.html
Được đăng bởi NGUYỄN HỒNG KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét