Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Facing Facebook

Thỉnh thoảng tôi mới vào Facebook và đôi khi nỗi nhớ con cái vơi đi chút ít khi thấy ở trên đó mấy tấm hình bọn trẻ post lên; và, cũng thỉnh thoảng thật ngạc nhiên khi nhận ra một người bạn hàng chục năm không còn liên lạc… Thế rồi mấy hôm nay, không có cách gì để vào facebook, tự nhiên thấy như vừa bị tước đoạt một điều gì đó, một điều mà ta không thể định lượng rõ ràng.
Facebook là một mạng xã hội, chứ không phải là một trang web thông tin “có định hướng”; nó là một không gian sống, là một phương tiện truyền thông để con người hiểu biết và chia sẻ với nhau. Theo thống kê của Facebook, hiện có 1.113.380 người sử dụng mạng này tại Việt Nam. Chắc chắn mỗi người sẽ sử dụng facebook không cùng mục đích: trò chuyện với người thân; kết bạn; trao đổi kinh nghiệm; giao dịch buôn bán… và, có thể cũng có người sử dụng với mục đích rất cần phê phán. Tuy nhiên, cũng như con dao trong nhà bạn, nó sẽ được dùng để gọt trái cây khi ở trong tay một bà nội trợ và nó cũng rất đáng sợ khi ở trong tay của một tên cướp mới đột nhập vào. Tên cướp chứ không phải là con dao mới cần ngăn chặn.
Nghe nói Facebook, Twitter đã được những người nổi loạn ở Tân Cương và những người biểu tình ở Teheran sử dụng. Nhưng, xung đột ở Tân Cương là do những chính sách kéo dài liên quan đến vấn đề sắc tộc chứ không phải vì Tân Cương có Facebook. Biểu tình ở Teheran là do những ức chế của dân chúng dồn nén trong một thể chế hà khắc chứ không phải bởi Twitter. Năm 1917, chưa có internet Lenin vẫn có thể làm “Cách mạng Tháng Mười Nga”; năm 1930, chỉ cần tiếng trống, những người cộng sản Nghệ An cũng có thể dấy lên “Xô viết”. Tất nhiên, để ngăn xe tăng địch người ta cũng có thể phá cầu. Bà nội trợ cũng nên giấu con dao khi biết chắc ở trong nhà toàn cướp; trong tình trạng được ban bố là khẩn cấp, một chế độ cũng có thể ngăn chặn những phương tiện như internet, nếu thiếu tự tin. Còn trong điều kiện chính trị đang ổn định, kinh tế đang được nói là phát triển đúng hướng, những phương tiện như facebook càng nên được chính phủ khuyến khích, để qua đó mà dân trí được nâng cao, tình cảm được chia sẻ, và chuyện làm ăn của người dân thêm phần thuận lợi.
Tới hôm nay, Facebook vẫn không vào được, vẫn hy vọng chỉ là do máy móc hay trục trặc của tôi. Chiều 17-11-2009, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp mới nói: “Sử dụng biện pháp kỹ thuật (để ngăn chặn cái xấu trên internet) không phải là biện pháp tối ưu”. Theo ông: “Cũng giống như trong giao thông, đặt ra quá nhiều barie thì tốc độ di chuyển chậm lại, gây ách tắc thông tin”. Trong thời đại ngày nay, ách tắc thông tin còn gây thiệt hại về kinh tế nhiều hơn là ách tắc giao thông. Mở cửa Facebook không chỉ là chuyện cha con chúng tôi mà còn là tình cảm của hàng triệu gia đình và cơ hội làm ăn của đất nước.
Huy Đức http://www.blogosin.org/?p=1060


Cám ơn Huy Đức đã nói giúp tâm tư của cộng đồng Facebook!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét