Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Matxcơva trong chiều vắng thanh bình



Matxcơva trong chiều vắng thanh bình”
Hoàng Thư

Chiều Matxcova (Moscow Nights - tiếng Anh)
Chiều Matxcova (tiếng Trung)
Chiều Matxcova (tiếng Nga) – NSND Quang Thọ

Để nghe bài hát này, bạn có thể tìm theo link dưới đây:
http://tuanvietnam.net/2009-11-06-matxcova-trong-chieu-vang-thanh-binh-
---
Nhộn nhạo, mệt mỏi trong cuộc cạnh tranh để giành một chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu, nước Nga nay không còn như xưa. Nhưng trái tim những người từng yêu mến nền văn hóa của xứ sở này vẫn mãi lưu giữ hình ảnh nước Nga tươi đẹp, như trong câu hát năm xưa về “chiều ngoại ô Matxcơva”.
Nhắc đến nước Nga, hầu như không người Việt Nam nào không biết tới ca khúc kinh điển Chiều Matxcơva.
Không chỉ nổi tiếng với nhiều thế hệ người Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, Chiều Matxcơva còn là một trong những bài hát Nga nổi tiếng nhất và được biết đến nhất trên thế giới, cùng với những Triệu bông hồng, Kachiusa, Kalinka...
Bài hát nổi tiếng đến mức đã có rất nhiều nghệ sĩ trình diễn nó bằng những thứ tiếng khác nhau và do vậy, có nhiều phiên bản Chiều Matxcơva bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc... và dĩ nhiên chúng ta có bản Chiều Matxcơva tiếng Việt, từng được trình diễn thành công bởi nhiều ca sĩ gạo cội: Trung Kiên, Quang Thọ, Quang Huy...
Xuất xứ "tầm thường" của một ca khúc kinh điển
Điều thú vị mà ít người biết, là Chiều Matxcơva thật ra là một ca khúc "com-măng", tức là được viết theo đơn đặt hàng. Ban đầu, nó có tên Leningradskie Vechera (Đêm Leningrad), được viết làm nhạc cho một bộ phim tài liệu về cuộc thi điền kinh Spartakiad - sự kiện thể thao lớn của Liên Xô.

Chiều thanh vắng là đây... Ảnh: Lê Thế Vinh - VNN



Bài hát là sáng tác kết hợp của nhà soạn nhạc Vasily Solovyov-Sedoy (1907-1979) và nhà thơ Mikhail Matusovsky (1915-1990). Khi bộ phim ra mắt, bài hát - trên nền cảnh các vận động viên nghỉ ngơi ở vùng ngoại ô Matxcơva - chẳng mấy gây chú ý; chuyện này khiến nhạc sĩ Solovyov-Sedoy rất phiền muộn.
Tuy nhiên, điều tuyệt vời là sau đó, bài hát lại cực kỳ được yêu thích trên làn sóng phát thanh, qua sự thể hiện của Vladimir Troshin, ca sĩ Nhà hát Moscow. Bộ Văn hóa Liên Xô yêu cầu đổi tên nó chính thức thành "Подмосковные вечера" (phiên âm quốc tế: Podmoskovnye Vechera), tức là Buổi tối bên bờ sông Matxcơva, và thay đổi một chút ở phần lời.
Năm 1957, trước sự ngạc nhiên của hai tác giả, bài hát giật giải trong một cuộc thi ca khúc quốc tế và giành giải nhất tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Moscow.
Kể từ đó, Chiều Matxcơva trở nên nổi tiếng không thể tưởng tượng được. Podmoskovnye Vechera lan truyền khắp thế giới, được đặc biệt ưa thích ở Trung Hoa đại lục. Năm 1958 - năm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh - nghệ sĩ piano người Mỹ Van Cliburn cũng trình diễn bản này trên cây dương cầm, càng làm tăng sự nổi tiếng của nó trên phạm vi toàn cầu.
Ở Liên Xô, Podmoskovnye Vechera là một trong những ca khúc được đề nghị phát thanh nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả. Giai điệu của nó được lấy làm nhạc hiệu của Đài phát thanh Tin tức và Âm nhạc Mayak (Hải đăng) kể từ năm 1964.
Ở phương Tây, nhóm nhạc jazz Anh Kenny Ball đạt một hit với bài hát (tựa đề tiếng Anh lúc đó: Midnight in Moscow) vào năm 1961. Đầu năm 1962, tại Mỹ, bản tiếng Anh của ca khúc đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100.
Và cách đây chưa lâu, năm 2004, ca sĩ người Bỉ Helmut Lotti (sinh năm 1969) đã gây ấn tượng với thế giới khi anh trình diễn bản tiếng Anh của ca khúc kinh điển này, dưới tựa đề Moscow Nights, trong album From Russia with Love.
Bài hát Nga kinh điển trong trái tim người Việt
Từ Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới ở Moscow, Podmoskovnye Vechera đến với công chúng Việt Nam và cũng mau chóng chinh phục trái tim người yêu nhạc, với các tên gọi Chiều Matxcơva, Chiều ngoại ô Matxcơva, Chiều ngoại thành Matxcơva.
Có nhiều bản dịch tiếng Việt của ca khúc, trong đó, bản sau đây được coi là hoàn hảo nhất, hòa hợp với giai điệu một cách không thể ngọt ngào hơn:
Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào

Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu
Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến
Mátxcơva trong chiều vắng thanh bình.
Dòng sông lướt nhẹ trôi xuôi về phía chân trời

Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi
Vời xa thoáng đưa về bao lời ca nồng thắm
Chứa chan vui, trong chiều vắng yêu đời.
Rất tiếc là đã nửa thế kỷ qua, tên người dịch bản tiếng Việt của Chiều Matxcơva vẫn là một bí ẩn và bản dịch, dù được rất nhiều người thuộc lòng, cho đến nay vẫn bị coi là khuyết danh.


Con đường Nga. Ảnh: Nguyễn Hồng Hải - VNN

Từng có nhiều ý kiến cho rằng ca sĩ, NSND Trung Kiên là tác giả phần lời tiếng Việt, song chính ông phủ nhận. Dịch giả Dương Tường thì đoán đó có thể là Ngô Vĩnh Viễn (1924-1994) - người có mặt tại Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới tổ chức tại Moscow năm 1957. Ông Viễn, bút danh Nguyễn Vĩnh, từng dịch một số tác phẩm văn học nổi tiếng của thế giới sang tiếng Việt, như Chuông nguyện hồn ai, Truyện ngắn O.Henry...
Tuy nhiên, ông Viễn đã mất nên cũng không có cách nào kiểm định lại phỏng đoán của dịch giả Dương Tường. Thêm nữa, cho dù ông có mặt tại Festival nhưng điều đó không chứng tỏ ông là tác giả của bản dịch hoàn hảo nhất. Chiều Matxcơva có nhiều bản tiếng Việt khác nhau, không chỉ của các nhạc sĩ mà còn của các lưu học sinh hay những người từng công tác bên Nga.
Do vậy, có lẽ cuối cùng chúng ta đành phải chấp nhận những lời ca Việt đầy ám ảnh kia là kết quả của một sự sáng tạo khuyết danh.
Cho dù thế nào thì bản dịch tuyệt vời đó cũng đã nâng tác phẩm gốc thành một Chiều Matxcơva tiếng Việt hoàn hảo, góp phần lưu giữ mãi sức sống của bài ca Nga kinh điển ấy trong trái tim người yêu âm nhạc Việt Nam.
Nguồn:
http://tuanvietnam.net/2009-11-06-matxcova-trong-chieu-vang-thanh-binh-

http://kichbu.multiply.com/journal

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét