Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Định tính để nghiên cứu Đông Nam Á


LÊ HẢI(BBCVietnamese.com)




Phó giáo sư Vũ Tường từ Đại học Oregon cùng nhóm chuyên gia chính trị học Đông Nam Á hoàn tất công trình về lý thuyết ứng dụng mang tính nền móng cho các nghiên cứu đương đại trong khu vực.NXB Đại học Stanford và Trung Tâm Đông Tây đã xuất bản bộ sách là sản phẩm khoa học của nhiều nghiên cứu được nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia, kéo dài suốt từ 2003 đến 2008, do PGS Vũ Tường cùng biên soạn với PGS Dan Slater và PGS Erik Martinez Kuhonta.Chuyên ngành khu vực học (area studies) với phương pháp nghiên cứu định tính (qualitative research) mang mục tiêu tích lũy kiến thức (knowledge accumulation) để đạt đến sự thông hiểu diễn giải (interpretive understanding) chính là những điểm chính yếu mà nhóm khoa học gia muốn khuyến khích giới chuyên gia trong vùng áp dụng để có thêm đóng góp vào kho tàng kiến thức thế giới.Các nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ trong tổng số những nghiên cứu trong ngành chính trị so sánh ở các vùng khác nhau trên thế giới - chỉ bằng một nửa số nghiên cứu về Trung Đông hay Hạ Sahara, một phần tư số nghiên cứu về Đông Á - tức chỉ chiếm 4,3% trong khi có đến 63% nghiên cứu là về Tây Âu hay châu Mỹ La-tinh.Mặc dù ít nhưng có những nghiên cứu ở Đông Nam Á như công trình của Benedict Anderson lại trở thành kinh điển cho nhiều ngành nghiên cứu mà đặc biệt là bản sắc dân tộc ở đủ mọi vùng khác nhau trên thế giới, cho thấy tiềm năng của khu vực này trong nghiên cứu khoa học.


Định tính và diễn giải


Nhóm chuyên gia lý thuyết mà PGS Vũ Tường tham gia hoàn toàn nghiêng về phương pháp nghiên cứu định tính, một xu hướng mà họ ghi nhận chiếm đến hai phần ba số lượng bài viết trên một số tạp chí chuyên ngành chính trị so sánh trong quãng thời gian từ 1989-2004.Từ bỏ các khảo sát số liệu và dùng phép tính xác suất thống kê, họ nhấn mạnh đến tính phổ biến và hữu dụng của phương pháp nghiên cứu thiên về xác định tính chất (qualitative research), và tập trung vào một hay hai quốc gia.

Sách được NXB Đại học Standford xuất bản năm 2008

Có những nghiên cứu chỉ phát xuất từ một quốc gia như khái niệm vốn xã hội của GS Robert Putnam, nhưng trở thành công cụ giúp giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách từ nhiều khu vực trên thế giới hiểu và định hướng phát triển cho mình.Con đường đi đến sự thật khoa học theo hướng này là tích lũy kiến thức và quan sát các tính chất cả nội tại lẫn phổ quát (intensive/extensive) trong thời gian dài tiếp cận liên tục với đối tượng khảo sát.Có thể thấy hệ phái này hấp thụ nhiều ảnh hưởng từ thành quả hàng chục năm lao động khoa học ở vùng Đông Nam Á của các chuyên gia ngành nhân học như GS Clifford Geertz, đang được ứng dụng mạnh vào các ngành nghiên cứu chính trị.Những chuyên gia như GS. Benedict Kerkvliet cũng nhờ tích lũy kiến thức qua quá trình nghiên cứu tiếp cận lâu dài mà xây dựng được hệ thống khái niệm giúp hiểu nội lực của vùng nông thôn trong quá trình phát triển của xã hội, đặc biệt là với các nghiên cứu đặt nền móng cho cả một ngành nghiên cứu Việt Nam học ở Úc và các nước trong vùng.


Lý thuyết và ứng dụng


Mặc dù bàn về lý thuyết, tập sách của PGS Vũ Tường và nhóm chuyên gia cũng có thể coi là một bộ sách giáo khoa đầy đủ về chính trị Đông Nam Á, vì mỗi phương pháp nghiên cứu đều được minh họa và đánh giá trên một hệ thống kiến thức được tích lũy đậm đặc về khu vực.Bài viết riêng của Vũ Tường cũng là một phép so sánh đối chiếu giữa bốn hệ phái phân tích khác nhau với bốn phương pháp lý thuyết riêng biệt, giúp những ai muốn nghiên cứu Đông Nam Á dễ dàng chọn lựa "lăng kính" phù hợp với lượng thông tin hiện có và điều kiện nghiên cứu của mình.Một quan điểm cũng được nêu ra là nghiên cứu khu vực Đông Nam Á không chỉ là để giúp bên ngoài hiểu khu vực hơn, hay giúp các chuyên gia trong khu vực hiểu mình hơn, mà còn là để tìm ra những kinh nghiệm mà các khu vực khác trên thế giới cần học hỏi. PGS Vũ Tường là chuyên gia về chính trị tại Việt Nam và Indonesia, với nhiều công trình nghiên cứu về khu vực, và gần đây là các khái quát về chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam - chủ đề Tạp chí mùa Thu của Talawas.
Ông cũng muốn gửi gắm thêm vài điều đến giới khoa học Việt Nam và độc giả của đài BBC, rằng khi áp dụng phương pháp định tính trên cơ sở phân tích sâu một case study hay so sánh một số nhỏ case studies có thể "nghiên cứu sâu về một hiện tượng chính trị của Việt Nam, nhưng không tuyệt đối hóa những kết luận mà đối chiếu chúng với trường hợp tương tự ở các nước khác, hoặc ở chính Việt Nam nhưng ở một thời kỳ lịch sử khác.

"Chính trị Việt Nam"

Mục đích đầu tiên là nhằm giải thích hiện tượng đó, [...] mục đích tham vọng hơn là giải thích cho cả một phạm trù của hiện tượng đó."PGS Vũ Tường cũng nêu ra "thành kiến sai lầm của nhiều nhà nghiên cứu, cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài, cho rằng Việt Nam rất đặc biệt, không giống nước nào cả, và tốt nhất chỉ nên nghiên cứu riêng Việt Nam"."Hiện nghiên cứu chính trị về Việt Nam rất yếu và thiếu, ở nước ngoài vì ảnh hưởng cuộc chiến Việt Nam nên phần nhiều nghiên cứu bị chính trị hóa, không khách quan, còn ở trong nước thì tất cả các môn khoa học xã hội đều bị chính trị hóa, riêng khoa học chính trị bị thu hẹp về nghiên cứu lịch sử Đảng và chủ nghĩa Mác-Lê, kèm theo điều kiện nghiên cứu điền dã khó khăn và tài liệu rất thiếu thốn"."Việt Nam là một case study có giá trị cho các nghiên cứu so sánh về chiến tranh, cách mạng, chủ nghĩa dân tộc, sự thành lập nhà nước, chế độ cộng sản Mao-ít, xã hội độc tài toàn trị, phong trào dân chủ, chính trị nông thôn, quan hệ trí thức và nhà nước, và toàn cầu hóa." - PGS Vũ Tường chia sẻ với độc giả BBC tiếng Việt.


Southeast Asia in Political Science: Theory, Region and Qualitative Analysis được NXB Đại học Stanford xuất bản năm 2008.NGUỒN: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/10/091028_vutuong.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét