Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

NHỮNG DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC VEN SÔNG ĐUỐNG

NHỮNG DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC VEN SÔNG ĐUỐNG TRONG BỐI CẢNH THĂNG LONG THỜI LÝ
PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung
ThS. Đặng Hồng Sơn, ThS. Bùi Hữu Tiến
(Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Đông Anh nằm ở vị trí khá đặc biệt, nếu phân chia tam giác châu sông Hồng thành 3 vùng với giới hạn một bên là dãy Ba Vì, một bên là dãy Tam Đảo và trục chính là sông Hồng: vùng cao (thượng), vùng giữa (trung), vùng thấp (hạ) ứng với 3 đỉnh tam giác châu thì Vĩnh Phú là vùng đỉnh xưa nhất của tam giác châu sông Hồng; ngã ba sông Hồng, sông Đuống gần Cổ Loa là đỉnh thứ hai và thị xã Hưng Yên là đỉnh thứ ba mà cạnh đáy nằm ven biển từ Yên Lập (Quảng Ninh) tới Nho Quan rìa Ninh Bình. Như vậy Đông Anh gần như nằm trên trục chính của tam giác châu sông Hồng, là miền giáp ranh trung du - đồng bằng[1]. Do nằm trong vùng đất cao Tây Bắc nên Đông Anh có địa hình nghiêng từ Tây Bắc (Cổ Loa: cốt 11-12m) xuống Đông Nam (Liên Hà: cốt 5-6m).
Đông Anh là cái gạch nối giữa miền trung du và miền đồng bằng Bắc bộ nên tính chất giáp ranh này thể hiện rõ về mặt thổ nhưỡng: từ một vùng đất feralitic vàng đỏ phát triển trên nền phù sa cổ đến một vùng bãi và phù sa trên bãi ngoài đê, từ một vùng đất bạc màu đến một vùng cát pha, đất thịt. Đông Anh là gờ cuối cùng của một miền Bắc thềm cổ nhìn ra một vùng lõm võng của đồng bằng
[2].
Về mặt địa chất, do Đông Anh nằm gọn trong tam giác châu sông Hồng nên hầu như bị phủ bởi trầm tích Đệ Tứ, chủ yếu là bồi tích của sông Hồng. Nằm dưới chúng là các trầm tích Nêôgen, chiều dày chung mặt cắt Kainôzôi thuộc đới này lên tới 3.500m. Các lỗ khoan thăm dò địa chất cho biết đây là vùng địa hình đá gốc có bề mặt mấp mô kiểu đồi gò sót, nhưng do sự bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng đã làm cho địa hình bằng phẳng hơn. Ngoài các đồi gò, thềm cổ, Đông Anh còn là vùng đất bồi cao của sông suối. Như vậy, do vị trí nằm ở rìa đồng bằng, nên khu vực Đông Anh mang cả hai chế độ phù sa khác nhau, phù sa cổ và phù sa hiện đại.
Về khí hậu, Đông Anh cũng như các tỉnh đồng bằng Bắc bộ mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Mùa đông lạnh, khô nhưng cuối mùa khá ẩm ướt với hiện tượng thời tiết nồm và mưa phùn. Mùa hạ nắng nóng, nhiều mưa. Nhiệt độ bình quân từ 23-24­­0C. Lượng mưa trung bình khoảng 1.600-1.800mm/năm, độ ẩm trung bình 82%
[3].
Về sông ngòi, Đông Anh có 2 hệ thống sông chính: sông Cà Lồ ở phía Bắc, sông Hồng ở phía Tây Nam. Sông Cà Lồ là 1 nhánh của sông Hồng, tách ra từ xã Trung Hà (Yên Lạc, Phú Thọ), là ranh giới tự nhiên giữa huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh, Đông Anh. Sông Hồng bắt nguồn từ dãy Nguy Sơn (Vân Nam - Trung Quốc), dài 1.160km, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, vào nước ta từ Hồ Khẩu (Lào Cai). Lưu lượng nước bình quân là 3.630m3/s, thấp nhất về mùa cạn là 840m3/s, mùa lũ là 7.020m3/s. Sông Hồng qua địa phận Hà Nội từ xã Phong Vân (Ba Vì) đến xã Trung Châu (Đan Phượng). Đoạn từ xã Trung Châu đến xã Liên Trung (Đan Phượng) là ranh giới giữa 2 huyện Từ Liêm và Đông Anh.
Ngoài hệ thống sông chính, giang phận Đông Anh còn có sông Đuống ở phía Đông Nam, sông Thiếp ở phía Đông Bắc, sông Ngũ Huyện Khê ở phía Đông. Rải rác khắp nơi là hệ thống đầm, hồ, ao chuôm cổ từ chân núi Sóc đến vùng thềm phù sa cổ. Đáng chú ý là dọc đôi bờ Ngũ Huyện Khê là địa bàn tập trung dày đặc các di chỉ khảo cổ học thời đại Kim khí như Đồng Vông, Bãi Mèn, Đường Mây (Cổ Loa), Xuân Kiều (Dục Nội), Tiên Hội (Đông Hội), Đình Tràng (Dục Tú), Lỗ Giao (Liên Hà), Đình Chiền (Lỗ Khê)… mà nền tảng trước đó là những dấu tích văn hóa hậu kỳ đá cũ Sơn Vi được phát hiện xung quanh khu vực Cổ Loa.
Về hành chính, huyện Đông Anh hiện có diện tích 182,3km2 với 257.400 người phân bố ở 23 xã và 1 thị trấn. Phía đông giáp huyện Yên Phong và Từ Sơn (Bắc Ninh), phía bắc giáp huyện Sóc Sơn, phía nam giáp huyện Từ Liêm, Gia Lâm và quân Tây Hồ, phía Tây giáp huyện Đan Phượng và Mê Linh
[4].
Quá trình phát hiện khảo cổ học trên địa bàn huyện Đông Anh đã có từ rất lâu bằng các phát hiện tại khu vực Cổ Loa từ khảo cổ học tiền sơ sử đến khảo cổ học lịch sử. Tuy nhiên những phát hiện khảo cổ học lịch sử ở khu vực ven sông Đuống thì mới được thực hiện trong 10 năm trở lại đây theo chương trình “Nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội” của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Qua đó phát hiện hàng loạt di tích và di vật có niên đại từ thời tiền-sơ sử đến lịch sử. Trong đó, đặc biệt là những di tích, di vật liên quan đến quá trình tụ cư và triển nở của những cộng đồng cư dân thời Tiền Thăng Long tiếp nối lên thời đại Lý-Trần tại những vùng đất bồi tụ phù sa sông Hồng và sông Đuống.
1. Những di tích khảo cổ học thời Lý ven sông Đuống
Cho đến nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tiến hành điều tra, thám sát và khai quật 9 di tích khảo cổ học khu vực ven sông Đuống thuộc huyện Đông Anh và một phần thuộc quận Long Biên. Trong số đó có 3 di tích đã tiến hành khai quật là Hoa Lâm Viên, Bến Long Tửu và Đầu Vè.
1.1. Di tích Hoa Lâm Viên: còn có tên gọi là Bãi Sập, thuộc thôn Du Nội, xã Mai Lâm.



Hố khai quật Hoa Lâm Viên



Di tích hiện nay là bãi trồng màu ngoài đê sông Đuống của dân thôn Du Nội và thôn Thái Bình. Trong các năm 2002-2004, Bộ môn Khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật thời Lý-Trần nằm rác trên các cánh đồng này. Kết quả khai quật trong 2 mùa điền dã 2005 và 2007 đã cho thấy các dấu tích văn hóa của con người để lại thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau: Đường (thế kỷ VII-X), Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV) và Lê-Nguyễn (thế kỷ XV-XX). Trong toàn bộ các di tích, di vật khảo cổ ấy, dấu ấn Lý-Trần là ổn định nhất và đậm đặc nhất với sự phong phú về loại hình và đa dạng về chủng loại di vật. Tuyệt đại đa số các di vật thuộc thời Lý-Trần là đồ gốm sứ gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ Hoa Lâm Viên. Theo chúng tôi, các loại gốm men như bát, đĩa, âu, bình, vò... các loại đồ sành như nồi, lon, vại... và các loại đồ đất nung chính là những vật dụng thiết yếu trong đời sống thường nhật của người dân Hoa Lâm Viên thời Lý-Trần. Còn các loại gạch, ngói, lan can chạm sấu đá có thể có liên hệ tới công trình kiến trúc phủ đệ (hành cung) hoặc tôn giáo (Thái Đường) nào đó của họ.
1.2. Phế tích đình Thái Đường cũ: thuộc thôn Thái Bình, xã Mai Lâm. Theo nhân dân địa phương thì vị trí đầu tiên của đình là ở địa điểm giữa dòng sông Đuống ngày nay, sau đó đình mới dời vào ven sông như dấu tích đình cũ. Sau trận vỡ đê năm 1905 đền bị lụt tràn lấp và ngập sâu dưới phù sa. Trên móng nền cũ, dân xã đã tôn đình cao hơn lên. Năm 1990 sông Đuống đổi dòng, đình có nguy cơ sụt lở xuống sông, dân làng đã chuyển từ ngoài đê vào trong đê và dựng lại ngôi đình với tên gọi là đình Thái Đường. Trong trong đình mới hiện có đôi câu đối "Lý triều quốc mẫu cố hương tại; Trần đại Chiêu Hoàng bảo hộ thiên" như là một gợi mở về nơi thờ-quê hương bà mẹ Lý Công Uẩn.
Trong các năm 2004-2008 chúng tôi đã đi khảo sát nhiều lần vết tích nền móng của ngôi đền bên ngoài đê mà phần lớn đã bị lở xuống sông Đuống. Tại đây, đoàn đã chụp ảnh, quay phim và thu lượm một số viên gạch, ngói, mảnh trang trí kiến trúc bằng đất nung cùng nhiều mảnh sành, sứ... có niên đại chủ yếu thế kỷ XVII-XVIII. Song rải rác đó đây cũng có những hiện vật có niên đại thế kỷ XII-XIV và XV-XVI
[5]
1.3. Di tích Đầu Vè: phân bố trên một diện tích khoảng 100.000m2, kéo dài từ chân đê sông Đuống tới khu Trại Chuối thuộc thôn Lại Đà, xã Đông Hội. Tại khu vực này mảnh sành sứ, gốm men, gạch ngói... xuất lộ dày đặc trên bề mặt. Hiện vật có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVIII, trong đó hiện vật có niên đại VII-X và thế kỷ XI-XIV chiếm đa số. Qua 2 cuộc khai quật (đầu và cuối năm 2008) đã xác định hai tầng cư trú đậm đặc nhất là thời Bắc thuộc (thế kỷ IX-X) và thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIV). Đây chính là điểm khác biệt giữa Đầu Vè với hai di tích gần đó là Hoa Lâm Viên và Bến Long Tửu. Hai di tích này di vật thời Bắc thuộc ít hơn và tầng cư trú thời Tiền Thăng Long không rõ ràng như ở Đầu Vè. Tuy nhiên những điểm giống nhau về di vật đặc biệt là nhóm gốm sứ và vật liệu kiến trúc có niên đại thế kỷ XI-XIV đã cho thấy mối quan hệ qua lại giữa các làng cổ này vào thời Lý-Trần. Người Đầu Vè có thể đã mua đồ gốm sứ của (lò gốm/bến bãi) Bến Long Tửu? Sự liên kết của các cộng đồng cư dân lớn ấy cho phép chúng ta khẳng định phần nào vị thế của khu vực tả ngạn sông Đuống trong bối cảnh Thăng Long thời kỳ này.
1.4. Di tích Bến Long Tửu: thuộc thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội. Di tích hiện nay là dẻo đất ven sông Đuống (nằm ngoài đê), có diện tích khoảng 2.000m2. Bến Long Tửu nằm bên bờ sông Đuống, cách ngã ba sông Đống và sông Hồng khoảng 3-4km. Kết quả khảo sát và khai quật bước đầu (2007) cho thấy Bến Long Tửu là một di chỉ cư trú đồng thời là nơi sản xuất gốm sứ thời Lý-Trần . Ở khu vực di tích, bờ sông bị sạt lở mạnh, hiện vật xuất lộ dày đặc, nhiều hiện vật còn dáng và mảnh của gốm men, sành, đồ đất nung, vật liệu kiến trúc, tiền đồng thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, đa số có niên đại thế kỷ XI-XIV. Qua nghiên cứu di vật cho thấy, Bến Long Tửu có khả năng là một di tích có liên quan đến hoạt động sản xuất
[6] buôn bán đồ gốm sành sứ phục vụ khu vực Thăng Long thời Lý-Trần.
1.5. Di tích Vườn Quan: thuộc thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội nằm sau Đền Thượng. Về không gian, đây có thể là phần kéo dài của di tích Bến Long Tửu, con đê Sông Đuống hiện tại đã chia di tích Bến Long Tửu làm hai phần trong đê (di tích Vườn Quan) và ngoài đê (di tích Bến Long Tửu). Về hiện vật, sưu tập gạch ngói, sành, gốm men… sưu tầm được ở di tích Vườn Quan cho thấy mối tương đồng về niên đại cũng như kỹ thuật sản xuất với di vật của Bến Long Tửu.
1.6. Di tích gò Cống Sứ: thuộc thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội. Theo người dân kể lại khu vực này trước kia có cống nước chảy ra sông Đuống, nay đã bị đê sông Đuống lấp. Tuy nhiên tại khu vực này, vẫn còn dấu tích của vực nước (mới bị lấp cát làm nhà), có lẽ là vực nước nối liền gò Cống Sứ và dòng nước chảy ra sông Đuống. Hiện tại khu vực này được nhân dân dùng làm nghĩa địa. Hiện vật sưu tầm ở ở Gò Cống Sứ gồm nhiều loại: gạch, ngói, tháp đất nung, bát, đĩa, vò, vại… có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XVIII. Có nhiều khả năng đây là nơi cư trú của cư dân thời Lý-Trần-Lê.
Ngoài ra trong cuộc khai quật Đầu Vè năm 2008, đoàn khai quật còn được nhân dân trong vùng cung cấp một số hiện vật gốm sứ có niên đại 10 thế kỷ đầu Công nguyên do nhân dân đào được trong quá trình xây mộ. Những hiện vật này có thể là đồ tùy táng trong các mộ thời Bắc thuộc. Điều này càng xác định cụ thể hơn về một lớp cư dân thời Bắc thuộc và sau Bắc thuộc đã tụ cư tại khu vực ven sông Thiên Đức và sông Ngũ Huyện của vùng Đông Ngàn. Lớp cư dân ấy chính là sự nối tiếp của cộng đồng cư dân thời Đông Sơn trước đó và nó trở thành cơ sở nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng của các làng xã Đại Việt dưới thời Lý-Trần như chúng ta thấy tại các địa điểm Hoa Lâm Viên, Bến Long Tửu và Đầu Vè...
1.7. Di tích gò Ngõ Mít: thuộc thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội nằm liền kề với Gò Cống Sứ. Tại di tích này chúng tôi đã phát hiện được nhiều mảnh sành, gốm men, ngói có niên đại thế kỷ XII-XIV.
1.8. Di tích gò Mả Thậm: thuộc thôn Lại Đà, xã Đông Hội hiện đã bị san ủi để làm đường dẫn lên cầu Đông Trù. Tại một góc nhỏ còn sót lại của khu gò, chúng tôi đã thu thập được nhiều mảnh sành, gốm men, mảnh đất nung gia dụng có niên đại Lý, Trần, Lê. Trên cơ sở những di vật có được và theo lời kể của nhân dân về địa thế của khu vực này, chúng tôi cho rằng khu vực nghè Lại Đà, khu vực Nghĩa Trang, khu vực Gò Mả Thậm là những gò đất cao nằm gần nhau và từ thời Lý, Trần, Lê đã có cư dân sinh sống tại khu vực này. Đây có thể là vết tích của những làng cổ thời Lý, Trần, Lê giống như địa điểm Bến Long Tửu và Đầu Vè đã nói ở trên.
1.9. Di tích xóm 3 thôn Bắc Cầu: thuộc xóm 3 thôn Bắc Cầu, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên. Di tích nằm tại khu vực hữu ngạn sông Đuống, đối diện với khu vực Bến Long Tửu. Tại đây, đoàn khảo sát đã phát hiện được nhiều mảnh gạch ngói, gốm men, sành, đất nung có niên đại từ thế kỷ VII đến XVIII, trong đó tập trung chủ yếu trong khung niên đại thế kỷ XIII-XIV và thế kỷ XVII-XVIII. Theo người dân địa phương, khi dòng sông Đuống chưa khơi đào rộng, khu vực hai bên bờ sông Đuống trước đây là một làng. Hiện tại, nhiều ngôi mộ của người dân thôn Đông Ngàn vẫn ở nằm trên nghĩa địa thuộc thôn Bắc Cầu.

2. Diễn biến tầng văn hóa thời Lý qua các di tích khảo cổ học ven sông Đuống
Qua gần 1 thập niên điền dã khảo sát với nhiều hố đào khai quật, thám sát ở các nhiều địa điểm ven dòng sông Đuống đoạn từ ngã ba sông Đuống với sông Hồng đến khu vực Cầu Đuống, chúng tôi nhận thấy địa tầng khu vực này có mấy điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, các hố khai quật đều cho thấy nhiều lớp cư dân tiếp nối liên tục sinh sống đậm đặc tại khu vực này kéo dài từ thời Tiền Thăng Long (chủ yếu giai đoạn thế kỷ VIII-X - thời Tiền Lý) cho đến tận thế kỷ XVIII-XIX (giai đoạn thế kỷ XI-XIV- thời Lý-Trần).
Thứ hai, trong các hố khai quật và thám sát, chúng tôi phát hiện nhiều dấu tích bếp lửa, hố rác, cụm gạch ngói… cùng nhiều loại hình di vật cho thấy đời sống cộng đồng đa dạng và phức tạp của cư dân nơi đây.
Thứ ba, nhiều sử liệu thành văn được sự bổ sung bằng nhiều loại vật liệu kiến trúc phát hiện trong các hố khai quật đang dần hé mở phần nào về những công trình kiến trúc liên quan đến hành cung, Thái Đường… nhưng cho đến nay, khảo cổ học ở khu vực này vẫn chưa tìm thấy bất kỳ dấu tích kiến trúc nào.
Thứ tư, do nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là những biến cố ngay sau giai đoạn chuyển giao quyền lực Lý-Trần cho đến những tác động của dòng sông Đuống… làm cho diệm mạo các di tích khu vực này đã thay đổi quá nhiều, đôi chỗ còn có những xáo trộn nhất định dẫn đến nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu địa tầng cũng như xác định đặc trưng di vật.

3. Đặc trưng di vật thời Lý trong các di tích khảo cổ học ven sông Đuống
Các bộ sưu tập hiện vật phát hiện và khai quật được tại các địa điểm Hoa Lâm Viên, Bến Long Tửu, Đầu Vè cùng các địa điểm khác có khung niên đại rất dài, từ những năm đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ XX. Trên đại thể có thể phân chia làm 5 nhóm: đồ sứ, đồ sành, đồ đất nung, vật liệu kiến trúc và tiền đồng... có nguồn gốc xuất xứ chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, một số khác có nguồn gốc từ Trung Quốc (chủ yếu là đồ Nam Trung Quốc).
Đồ sứ: phong phú và đa dạng về kiểu dáng thuộc nhiều dòng men khác nhau, trong đó có những hiện vật được xem là sản xuất tại chỗ (Bến Long Tửu) và cũng có nhiều hiện vật là sản phẩm thuộc các lò gốm khác. Về dòng men, có thể nhận thấy các dòng men sau: men trắng, men ngọc, men nâu, gốm hoa nâu, hai màu men, men trắng xanh vẽ lam... Về kiểu loại, có các loại sau: bát, đĩa, cốc, đĩa đèn, âu, chậu, vò, hộp đựng... về niên đại, có thể chia làm 3 nhóm: nhóm đồ sứ có niên đại thế kỷ VII-X; nhóm đồ sứ có niên đại Lý-Trần, thế kỷ XI-XIV; nhóm đồ sứ có niên đại Hậu Lê, thế kỷ XV-XVIII. Đồ sứ ở các địa điểm tả và hữu ngạn sông Đuống mang nhiều đặc trưng chung của đồ sứ phát hiện được trong các di tích khảo cổ học có niên đại tương tự ở miền Bắc Việt Nam nhất là khu vực xung quanh Hà Nội.
Đồ sành: có hai nhóm chính là sành thô và sành mịn thuộc các loại hình đồ gia dụng, như nồi, nắp vung, bát, lon, vò, chậu, dọi xe chỉ, bàn xay thuốc... Về niên đại, nhóm đồ sành cũng có các nhóm hiện vật mang niên đại tương tự như đồ sứ. Nhóm hiện vật này thường có số lượng nhiều nhất trong các sưu tập hiện vật và thường có nhiều hiện vật nguyên hoặc nguyên dáng nhất.
Đồ đất nung: có số lượng khá nhiều với các loại hình thuộc đồ gia dung là chính, như nồi, nắp vung, bát, đĩa đèn...
Vật liệu kiến trúc: tuy không phát hiện được dấu tích kiến trúc, nhưng qua các chuyến điều tra khảo sát và nhất là trong các hố khai quật, chúng tôi đã phát hiện được khá nhiều loại vật liệu kiến trúc thuộc nhiều thời khác nhau, với các loại hình chính: gạch, ngói, lan can đá, miệng giếng đá... Gạch, có các loại gạch Bắc thuộc, như: Giang Tây Quân, gạch múi bưởi, gạch có hoa văn ô trám ở cạnh viên gạch...; có các loại gạch thời Lý-Trần, kể cả loại gạch có in dấu ghi chữ Hán trên gạch; và cả gạch thời Lê-Nguyễn. Ngói, có các loại ngói ống, ngói mũi lá, ngói mũi sen... cùng các loại trang trí trên ngói như đầu ngói ống, lá đề tráng men xanh lục, đầu đao đất nung...
Đặc biệt, tại khu vực Hoa Lâm Viên đã phát hiện lan can đá, nay đang lưu giữ tại chùa Phúc Lâm. Lan can bên trái thành bậc trang trí hình con sấu, được chế tác từ đá cát màu nâu xám, một phần đầu đã bị chặt vỡ. Kích thước hiện trạng: cao cả bệ: 42cm, dài 104cm. Phần đầu còn dấu vết của hai chân, mỗi chân có ba vuốt. Phía trên chân trang trí vân mây. Phần đuôi còn khá nguyên vẹn. ở mặt bên phải hoa văn trang trí không đều khắp như mặt bên trái ngoảnh ra bên ngoài. Mặt này để gắn vào bậc tam cấp do vậy có những chỗ để trống không trang trí. Mặt ngoài trang trí còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Còn hai chân nguyên, mỗi chân có ba móng. Con Sấu này được tạc liền khối với bệ trang trí văn cúc dây hình chữ S xen kẽ bông cúc mãn khai cạnh bông cúc giữa có hoa sen. Thân uốn lượn mềm mại. Toàn bộ thành bậc này mang phong cách nghệ thuật Lý và khá giống với hiện vật hiện để ở sân của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành bậc hình nghê đá triều Lý tìm thấy ở Hà Nội và với những mảnh thân rồng trên lan can thành bậc đá thời Lý mới tìm thấy trong cuộc khai quật tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội). Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu PGS.TS. Tống Trung Tín và TS. Nguyễn Hồng Kiên, tấm lan can có điêu khắc hình sấu đá ở chùa Phúc Lâm có niên đại cuối thời Lý và có liên quan đến di tích kiến trúc có thể là hành cung của nhà Lý ở Hoa Lâm Viên.
Miệng giếng đá: có niên đại thời Lý-Trần, vốn nằm trong khu vực làng Du Nội cũ, hiện nay đang tái sử dụng tại chùa Phúc Lâm.
Tiền đồng: có loại tiền đồng khác nhau, chủ yếu là tiền Trung Quốc đã được phát hiện trong các hố khai quật cũng như được nhân dân trong vùng cung cấp cho đoàn khảo sát. Những đồng tiền có niên đại xưa nhất là tiền Bán lạng (thế kỷ III trước Công nguyên), rồi đến tiền Khai Nguyên thông bảo thời Đường (thế kỷ VII-IX) nhiều nhất là tiền Bắc Tống (thế kỷ X-XII). Những đồng tiền này càng khẳng định hơn về địa tầng Tiền Lý và Lý-Trần cũng như bổ sung cho niên đại sưu tập hiện vật khu vực này.

4. Nhóm di tích khảo cổ học ven sông Đuống trong bối cảnh Thăng Long thời Lý
Trong 10 năm trở lại đây, cùng các hoạt động kinh tế xã hội của thu đô, cũng như trong chương trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm vương triều Lý và 100 năm Thăng Long-Hà Nội, giới khảo cổ học Việt Nam được tham gia và chứng kiến nhiều phát hiện lớn từ lòng đất ngàn năm văn vật. Các kết quả khai quật tại số 18 Hoàng Diệu, số 62-64 Trần Phú, khu di tích Thành cổ Hà Nội (Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu), số 11 Lê Hồng Phong, khu di tích Văn Miếu, khu di tích đàn Xã Tắc, khu di tích đàn Nam Giao, khu di tích Cổ Loa, cụm di tích đền chùa Bà Tấm…
Tất cả các địa điểm trên đã minh chứng cho một Thăng Long bề dày lích sử không chỉ từ thời Lý mà còn từ thời Đại La. Những đặc trưng di vật của nhóm di tích ven sông Đuống phần nào thể hiện sự tương đồng với di vật trong các địa điểm trên.

5. Bảo tồn và nghiên cứu các di tích khảo cổ học thời Lý ven sông Đuống
Hiện nay hầu hết các di tích khảo cổ học thời Lý ven dòng sông Đuống đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng do hoạt động của sông Đuống (như di tích Hoa Lâm Viên, Đình Thái Đường, Bến Long Tửu) và các hoạt động kinh tế xã hội (như di tích Gò Mả Thậm đã gần như bị xóa sổ hoàn toàn do việc xây đường dẫn cho cầu Đông Trù, hay di tích Bến Long Tửu bị phá đi gần hết để làm kè đá cho sông Đuống)…
Trong tương lai gần, cần tiến hành khảo sát lại, khảo sát thật kỹ để xây dựng kế hoạch khai quật, nghiên cứu và bảo tồn hiện trạng các di tích này. Nhất là công tác khảo sát, điều tra, nghiên cứu và bảo tồn những di tích dưới mặt đất. Nhiều năm trở lại đây, định hướng công tác bảo tồn các di tích dưới mặt đất dường như chưa được quan tâm đúng mức và chưa được đầu tư thích hợp như các di tích trên mặt đất mà chúng ta vẫn làm. Đặc biệt, với bề dày ngàn năm lịch sử, trải bao thăng trầm của thời gian, thiên tai và con người, những di tích kiến trúc thời Lý đâu thể vững bền mãi.

6. Kết luận
Trên đây là những phát hiện mới về khảo cổ học ở khu vực ven sông Đuống. Kết quả nghiên cứu này đã cho thấy có một dòng chảy mạnh mẽ và liên tục bên cạnh dòng sông Đuống-dòng chảy xã hội. Dòng chảy đó thể hiện một sức sống mãnh liệt của cư dân trên mảnh đất Đông Anh nói riêng và Thăng Long nói chung. Những di tích khảo cổ học ven sông Đuống, nhất là các di tích Lý-Trần mới được phát hiện là hệ thống tư liệu quý giá trong nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển 1000 năm văn vật đất Thăng Long - Hà Nội. Sức sống ấy luôn thể hiện như là một vị thế của vùng Hoa Lâm trong bối cảnh Thăng Long thời Đại Việt, nhất là trong giai đoạn Tiền Lý-Lý-Trần. Nhìn vào bản đồ khảo cổ học lịch sử Thăng Long mấy năm gần đây, chúng ta nhận thấy rất rõ điều này, dường như có sự trượt dần theo dòng sông Hồng của hệ thống cung ứng gốm sứ cho kinh đô từ phía Bắc Thăng Long (Bến Long Tửu, Đầu Vè, Hoa Lâm Viên) trong thời Tiền Lý-Lý-Trần xuống khu vực phía Nam Thăng Long (Kim Lan, Bát Tràng) thời Lý-Trần.
Theo các kết quả nghiên cứu trên, có thể thời Lý-Trần là thời điểm con người sinh sống đậm đặc nhất ở khu vực ven sông Đuống. Tuy nhiên, dấu vết hiện vật cho thấy thời Tiền Lý đã có cư dân tập trung khá đông đúc nơi đây. Đó chính là cơ sở để thời Lý-Trần, các làng cổ ấy càng ngày càng đông đúc hơn. Trong một chừng mực nào đó, các làng này có mối quan hệ qua lại với nhau. Đặc biệt trên việc phân tích hiện vật khai quật được cho thấy, đồ gốm sứ, sành và vật liệu kiến trúc của các làng này có rất nhiều điểm tương đồng, thậm chí có những đồ sứ ở Đầu Vè, Hoa Lâm Viên có thể được trao đổi từ các lò/bãi bến của Bến Long Tửu. Hệ thống di vật của các di tích này còn cho thấy mối quan hệ sâu sắc của chúng với các di tích khác trong khu vực lân cận Thăng Long như Đương Xá, Kim Lan, Bát Tràng...
Chính sự liên kết các làng này, cho thấy khu vực Hoa Lâm (nay là vùng tả ngạn sông Đuống) là một vùng có vị thế khá quan trọng với Thăng Long. Vị trí gần ngã ba sông, thuận đường thủy, bộ. Vai trò của khu vực này đối với Thăng Long thể hiện trên các khía cạnh kinh tế giao thương đường sông, và vị thế địa chính trị, nơi tụ cư của tôn thất nhà Lý, đồng thời là cửa ngõ của Thăng Long nối liền với xứ Kinh Bắc. Khu vực có kiến trúc cung đình tông giáo... Một trong những đóng góp của khu vực Hoa Lâm xưa chính là con đường cung cấp đồ gốm sứ gia dụng cho cư dân trong thành Thăng Long bằng nhiều con đường trong đó quan trọng nhất là đường sông từ sông Đuống qua sông Hồng để vào nội thành.
Những nghiên cứu bước đầu có thể cho chúng ta một cách nhìn nhận khách quan về các sự kiện, địa danh thời Lý-Trần mà sử cũ đã biên chép tới: Bãi Sập, Hoa Lâm, quê hương nhà Lý...
Trong thời gian sắp tới cần có một chiến lược nghiên cứu liên ngành tại khu vực tả và hữu ngạn sông Đuống để sớm có một cách nhìn nhận tiệm cận về khu vực này cũng như về các vấn đề lịch sử liên quan như sự kiện Bãi Sập, địa danh Hoa Lâm Viên, Thái Đường, vấn đề quê hương nhà Lý... nhất là những gợi mở gần đây về quê hương của người mẹ đã sinh ra Lý Công Uẩn
[7].
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Mạnh Cường, Hà Văn Cẩn và Bùi Minh Trí: “Đào thăm dò khảo cổ khu Văn Miếu (Hà Nội)”, KCH số 3 năm 2000, tr. 57-73.
2. Nguyễn Thị Dơn: Sưu tập vũ khí thời Lê ở Ngọc Khánh (Hà Nội), luận án Tiến sĩ lịch sử, Hà Nội, 2004, tư liệu Viện Khảo cổ học.
3. Nguyễn Thị Dơn: “Những di tích kiến trúc và di vật thời Lê phát phát hiện tại hồ Ngọc Khánh - Hà Nội năm 1983”, KCH số 4 năm 1998, tr. 86-92.
4. Nguyễn Khắc Đạm: Thành luỹ, phố phường và con người Hà Nội trong lịch sử, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999.
5. Nguyễn Văn Đoàn: “Đào thám sát hệ thống thành (năm 2001) và một số nhận thức mới về di tích Lam Kinh (Thanh Hoá)”, KCH số 6 năm 2003, tr. 72-96.
6. Đoàn Khảo sát Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Khảo sát xã Mai Lâm, huyện Đông Anh - Hà Nội", trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2005, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 408-411.
7. Lâm Thị Mỹ Dung, Bùi Hữu Tiến, Hoàng Thuý Quỳnh, Nguyễn Thị Thao Giang: Báo cáo khai quật lần thứ nhất di tích Bến Long Tửu (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội), tư liệu thư viện Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2008.
8. Lâm Thị Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn: Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu khảo cổ học huyện Đông Anh, Sóc Sơn thực hiện đề án "Nghiên cứu Khảo cổ học trên địa bàn thành Thành phố Hà Nội năm 2004" của Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, tư liệu thư viện Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2005.
9. Lâm Thị Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn, Bùi Hữu Tiến: Báo cáo tổng hợp kết quả khai quật di tích Hoa Lâm Viên thực hiện đề án "Nghiên cứu Khảo cổ học trên địa bàn thành Thành phố Hà Nội năm 2005" của Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, tư liệu thư viện Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2006.
10. Lâm Thị Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn, Bùi Hữu Tiến: Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề án "Nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2006" của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, tư liệu thư viện Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2007.
11. Lâm Thị Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn, Bùi Hữu Tiến: Báo cáo tổng hợp kết quả khai quật di tích Hoa Lâm Viên lần thứ hai thực hiện đề án "Nghiên cứu Khảo cổ học trên địa bàn thành Thành phố Hà Nội" của Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, tư liệu thư viện Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2007.
12. Lâm Thị Mỹ Dung, Đặng Hồng Sơn, Bùi Hữu Tiến: “Các di tích khảo cổ học thời Lý-Trần khu vực tả và hữu ngạn sông Đuống (Đông Anh, Hà Nội)”, trong Về quê hương nhà Lý, Kỷ yếu Toạ đàm khoa học: Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý, Hội Sử học Hà Nội, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr. 121-131.
13. Lâm Thị Mỹ Dung, Hoàng Thúy Quỳnh và Đoàn Khai quật: "Kết quả khai quật di chỉ Hoa Lâm Viên xã Mai Lâm - huyện Đông Anh - Hà Nội năm 2005", trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2006, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr. 308-311.
14. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Hoàng thành Thăng Long - Phát hiện khảo cổ học, đặc san Xưa & Nay.
15. Phạm Như Hồ, Hà Văn Cẩn, Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Thị Dơn: “Khai quật di chỉ khảo cổ học Lý - Trần 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội”, KCH số 3 năm 2000, tr. 74-93.
16. Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn: "Kết quả khai quật lần thứ hai di tích Hoa Lâm Viên (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội)", trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2008, tr. 325-328.
17. Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn: “Kết quả điều tra và khai quật di tích Hoa Lâm Viên (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội)”, trong Về quê hương nhà Lý, Kỷ yếu Toạ đàm khoa học: Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý, Hội Sử học Hà Nội, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr. 22-58.
18. Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn: “Kết quả khảo sát, khai quật di tích Đầu Vè (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội)”, trong Về quê hương nhà Lý, Kỷ yếu Toạ đàm khoa học: Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý, Hội Sử học Hà Nội, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr. 88-120.
19. Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn, Bùi Hữu Tiến: Báo cáo khai quật lần thứ nhất di tích Đầu Vè (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội), tư liệu thư viện Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2008.
20. Nishimura Masanari, Bùi Minh Trí: "Excavation of the Duong Xa site in Bac Ninh Provice, Vietnam", trong Journal of Southeast Asian Archaeology số 24, tr. 91-131, 2004.
21. Nishimura Masanari, Bùi Minh Trí, Trịnh Hoàng Hiệp: "Kết quả khai quật di chỉ lò gốm Đương Xá, nhận xét mới về niên đại các đồ gốm", trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 301-305.
22. Nishimura Masanari, Nishino Noriko: Báo cáo khai quật chữa cháy lần thứ 2 ở Bãi Hàm Rồng, Kim Lan (TP Hà Nội), tư liệu thư viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 2004.
23. Đặng Hồng Sơn và Đoàn Khai quật: "Sưu tập tiền cổ tại di tích Hoa Lâm Viên (Hà Nội)", trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2006, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008, tr. 685-689.
24. Hà Văn Tấn: “Khảo cổ học với Thăng Long”, KCH số 3 năm 2000, tr. 2-8.
25. Hà Văn Tấn: “Lịch sử, sự thật và sử học”, trong Đến với lịch sử-văn hoá Việt Nam, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005, tr. 9-18.
26. Tập bản đồ hành chính Việt Nam, Nxb Bản đồ, Hà Nội, 2004.
27. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Bản dịch và biên soạn của Dương Thị The và Phạm Thị Thoa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1981.
28. Tống Trung Tín (chủ biên): Hoàng thành Thăng Long, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006.
29. Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Văn Hùng: “Khai quật địa điểm Hậu Lâu năm 1998”, KCH số 2 năm 2000, tr. 104-124.
30. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường và Nguyễn Văn Hùng: “Khai quật địa điểm Đoan Môn (Hà Nội) năm 1999”, KCH số 3 năm 2000, tr. 11-32.
31. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Thị Dơn và Nguyễn Văn Hùng: “Khai quật địa điểm Bắc Môn (Hà Nội)”, KCH số 3 năm 2000, tr. 33-41.
32. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Thị Dơn và Nguyễn Văn Hùng: “Một số loại hình gốm men ở kinh đô Thăng Long qua các đợt khai quật Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu”, KCH số 4 năm 2000, tr. 5-26.
33. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Thị Dơn và Nguyễn Văn Hùng: “Hệ thống vật liệu xây dựng ở kinh đô Thăng Long qua các đợt khai quật Đoan Môn, Bắc Môn và Hậu Lâu”, KCH số 4 năm 2000, tr. 27-52.
34. Bùi Hữu Tiến: "Nhận thức bước đầu về di tích Bến Long Tửu qua kết quả khảo sát và khai quật lần I", trong Về quê hương nhà Lý, Kỷ yếu Toạ đàm khoa học: Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý, Hội Sử học Hà Nội, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2009, tr. 59-87.
35. Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc: Khí hậu Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1993.
36. Nguyễn Trãi: “Dư địa chí”, trong Nguyễn Trãi toàn tập, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học xuất bản, Hà Nội, 2001, tr. 383-591.
37. Bùi Minh Trí, Trịnh Hoàng Hiệp, Nishimura Masanari, Noriko Noshino, Lê Viết Nga, Nguyễn Văn Đáp: "Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khu lò gốm cổ Đương Xá (Bắc Ninh)", trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2001, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 296-300.
38. Viện Khảo cổ học: Báo cáo tóm tắt bước đầu kết quả khai quật khảo cổ học khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), Hà Nội, 2003.
39. Trần Quốc Vượng: “Đôi điểm về quy hoạch Thăng Long”, trong Thông báo Khoa học của BTLS Việt Nam số 1 năm 1983, Hà Nội, tr. 65-70.
40. Trần Quốc Vượng: “Đông Anh truyền thống và cách mạng”, trong Theo dòng lịch sử, Nxb VHTT, Hà Nội, 1996.
41. Trần Quốc Vượng: Việt Nam cái nhìn địa - văn hoá, Nxb Văn hoá Dân tộc và Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, 1998.
42. Trần Quốc Vượng: “Cổ Loa - Âu Lạc”, trong Hà Nội như tôi hiểu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
43. Trần Quốc Vượng: Thăng Long - Hà Nội tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hoá Thông tin & Viện Văn hoá, Hà Nội, 2006.

[1] Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc: Khí hậu Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1993, tr. 168-175.
[2] Trần Quốc Vượng: “Đông Anh truyền thống và cách mạng”, trong Theo dòng lịch sử, Nxb VHTT, Hà Nội, 1996.
Trần Quốc Vượng: “Cổ Loa - Âu Lạc”, trong Hà Nội như tôi hiểu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
[3] Phạm Ngọc Toàn, Phan Tất Đắc: Khí hậu Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1993, tr. 168-175.
[4] Tập bản đồ hành chính Việt Nam, Nxb Bản đồ, Hà Nội, 2004, tr. 18.
[5] Đoàn Khảo sát Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Khảo sát xã Mai Lâm, huyện Đông Anh - Hà Nội", trong Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2005, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 408-411.
[6] Mặc dù đã phát hiện được nhiều loại hình con kê với số lượng khá lớn cùng một số đồ phế phẩm, thứ phẩm bằng sứ, mảnh bao nung, các cụm tro than… nhưng do chưa tìm thấy dấu tích của lò nên chúng tôi vẫn chỉ dừng lại ở giả thuyết về nghề sản xuất gốm ở địa điểm ven sông này.
[7] Hội Sử học Hà Nội: Về quê hương nhà Lý, Kỷ yếu Toạ đàm khoa học: Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh (Hà Nội) và vấn đề quê hương nhà Lý, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét