Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

20 tháng 11 - Nhớ Thầy!

Thày viết sử theo một cách chẳng giống ai

Có thể nói Trần Quốc Vượng là một trong những người hiểu Việt Nam nhất. Thày là người đưa khái niệm “địa chính trị” vào tiếng Việt, nhưng dùng nó với một nghĩa khác với Tây Tàu. Thày viết sử (và văn hóa Việt Nam) cũng theo một cách chẳng giống ai. Nhưng rất hấp dẫn, và gần đời thật hơn nhiều cách viết từ nghiêm nghị khuôn phép đến oai phong lẫm liệt khác. Ở thày, “dân gian” tìm được một “ông mõ” rất đỗi bác học và hào hoa.
Tôi không được học thày Vượng, nhưng tôi đã học được rất nhiều ở thày. Thày dạy sử mà sử thì có nhiều điều thú vị lắm, nó là cuộc sống lắng đọng lại mà (một dạng thôi—sử là một dạng kết tinh của cuộc sống), mà sử của thày Vượng thì đúng là một dạng cuộc sống kết tinh, chứ không phải là cuộc sống chết cứng, hay cuộc sống ở dạng tượng đài như nhiều cái gọi là sử khác. Hành trình nguyên thuỷ của tôi (bây giờ vẫn tiếp tục) là hành trình tìm hiểu sự thật, tìm hiểu nước ta, và tìm hiểu thế giới. Trên cuộc hành trình ấy, tôi đã gặp thày Vượng (trong sách vở), và được thày chỉ giúp nhiều (cũng qua sách vở).
Hồi đó là vào khoảng giữa những năm 1980, tôi vẫn còn nhớ thày Vượng có một bài trên trang 3 báo Nhân dân Chủ nhật (hồi đó báo còn 4 trang), cụ thể bài gì tôi không còn nhớ nhưng chỉ nhớ nhất một ý là thày bảo các hình tượng trên mặt trống đồng “đỉnh cao văn hóa người Việt cổ”, đẹp thì đẹp thật, nhưng đặc sệt tư duy nông nghiệp. Các ông làm trống đồng ấy, các ông ấy vẽ mấy vòng tròn (tôi xem rồi, phải nói là rất tròn, cứ như dùng com pa), xong rồi cứ thế vẽ các hình tượng hoa văn theo (như hình thuyền, hình người giã gạo, hình chim lạc, v.v.), đến khi hết vòng tròn rồi mà còn thiếu chỗ thì đơn giản là vẽ bé đi. Thế là mười mấy cái thuyền đang nối nhau dung dăng dung dẻ quanh mặt trời, đang cái nào cũng bằng cái nào, tự dưng có một cái bé hẳn. Như thế đủ thấy nền văn minh Đông Sơn vừa kém nhìn xa trông rộng, vừa thiếu tư duy bài bản.
Cũng trong khoảng thời gian này, tôi học được một từ mới, một khái niệm thì đúng hơn, từ thày Vượng, mà sau này nó đeo đuổi tôi (có lẽ) suốt đời. Và tôi đồ rằng thày Vượng là người đầu tiên dùng từ “địa chính trị” trong tiếng Việt. Ở miền Nam trước “giải phóng” người ta dùng từ “địa dư chính trị”, sau này ở Việt Nam lại dùng từ “địa lý-chính trị”. Nhưng từ “địa chính trị” thì Trần Quốc Vượng chắc là người đầu tiên đem vào tiếng ta. Ấy là khi ông nói về cái thế địa chính trị của nước ta thời sơ sử và tiền sử, cái tư duy địa chính trị của người Việt cổ, về cái quy luật địa chính trị khiến đất Phong Châu, đất Cổ Loa (đỉnh tam giác châu, giao giữa miền non và miền nước) trở thành những trung tâm chính trị đầu tiên của các nhà nước Việt cổ. Ấy cũng là khi ông nói về các “vùng đất, thần và tâm thức người Việt” (xú tít của cuốn “Theo dòng lịch sử”). Khác với “địa dư chính trị” và “địa lý-chính trị”, “địa chính trị” của Trần Quốc Vượng không đơn thuần chỉ một cái gạch nối giữa địa lý và chính trị. Thày Vượng (theo tôi) hiểu từ đó ở nghĩa rộng hơn và sâu hơn. Khái niệm “địa chính trị” ở Trần Quốc Vượng, nó bao gồm cả cái đặc trưng tư duy của một dân tộc nữa. Nói nôm na thì “đất nào người nấy” (nhưng thật ra thì phức tạp hơn nhiều). Nó là cái link giữa đất đai, quyền lực, và văn hóa (Về sau thày Vượng hay dùng từ “địa văn hóa”).
Sau này được đọc (của Tây) nhiều hơn, tôi mới đoán ra là thày Vượng dịch từ “địa chính trị” từ chữ “geopolitical” của Tây, cụ thể là trong cuốn “The Birth of Vietnam” (1983) của Keith Taylor (thày Vượng rất ca ngợi cuốn này và tôi đồ là thày cũng mượn được nhiều ý ở đây). Nhưng, cũng như với từ “địa văn hóa” (mà Tây nó gọi là geocultural), thày đã (theo đúng tác phong của thày) sửa của Tây đi rất nhiều, cho thêm biết bao chiêm nghiệm của mình vào đó, để cuối cùng cái “địa chính trị” và “địa văn hóa” của thày Vượng nó không còn là cái geopolitics và cái geoculture của Tây của Tàu nữa.
Địa chính trị dạy ta khi xem xét lịch sử của miền đất nào, không được đóng khung vào vùng đất đó. Các cuốn lịch sử Việt Nam của Việt Nam đa phần chỉ nói chuyện lịch sử Việt Nam. Mà không đặt các sự kiện lịch sử Việt Nam trong một bối cảnh rộng lớn hơn, bối cảnh khu vực cũng như bối cảnh thế giới. Chính vì thế mà cũng hồi giữa thập niên 1980, tôi vớ được cuốn “Lịch sử Việt Nam” tập 1 của nhóm Lê-Vượng-Tấn-Ninh do Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp (1981) thì mừng như bắt được vàng. Cuốn này, ngoài dàn tác giả “siêu hạng” (của Việt Nam thôi), còn có hai cái đặc sắc.
Thứ nhất là nó luôn có ý thức đặt lịch sử Việt Nam trong một bối cảnh rộng lớn hơn, cụ thể là lịch sử Trung Quốc.
Thứ hai là lần đầu tiên nó coi lịch sử Chămpa là một “bộ phận không thể tách rời” của lịch sử Việt Nam (do đó có hẳn một phần về Chămpa của ông Lương Ninh).
Tiếc rằng tập 1 chỉ dừng lại ở hết thời Bắc thuộc (tôi không nhớ chính xác, lại không có cuốn đó ở đây) và sau này các tập tiếp theo chẳng thấy xuất bản nữa (hy vọng là có mà tôi không biết). Cho đến nay, về các cuốn lịch sử Việt Nam mà nguyên bản bằng tiếng Việt, cuốn này vẫn là hay nhất. Đó cũng là điều rất đáng tiếc vì sau này, trong thời đổi mới, Uỷ ban Khoa học xã hội không còn nắm độc quyền về sách lịch sử Việt Nam nữa, sách lịch sử Việt Nam chọn mỏi cả mắt, vẫn không có cuốn lịch sử Việt Nam nào sánh ngang cuốn “Lê-Vượng-Tấn-Ninh” kia. Tất nhiên là đây chỉ nói trong những cuốn nguyên bản bằng tiếng Việt thôi. Còn thì trên thế giới, theo tôi mấy cuốn của Lê Thành Khôi (Le Viêt-Nam: Histoire et civilization [1955] và Histoire du Viêt Nam: des origines à 1858 [1981]) chưa cuốn nào của Việt Nam sánh kịp (Cụ Khôi tốt nghiệp tiến sỹ về kinh tế và làm giáo sư về kinh tế học, giáo dục học).

Đối với riêng tôi thì cuốn “Lịch sử Việt Nam” của nhóm Lê-Vượng-Tấn-Ninh đã mở mắt cho rất nhiều, và không chỉ về sử Ta, mà cả về sử Tàu. Bao nhiêu quan niệm xưa nay về Trung Quốc, qua đó tôi được “giải ảo”. Ví dụ như vua Đường có phải là “người Tàu” đâu. Mà tập đoàn thống trị nhà Đường là một liên minh quý tộc lai Turk và gốc Turk. (Mấy cái họ mà sau này trong truyện chưởng hay gặp, như họ Độc Cô, Lệnh Hồ, Mộ Dung, đều là tên thị tộc của các “rợ” gốc Đột Quyết, Tiên Ti, v.v., cũng là các tập đoàn quý tộc thống trị Trung Quốc thời Đường). Sau này tôi mới biết đa phần về lịch sử Trung Quốc trong cuốn LSVN đó là dựa theo cuốn lịch sử Trung Quốc của Jacques Gernet (Le monde chinoise). Cuốn này, cụ Gernet viết đã nửa thế kỷ qua, đến nay (theo thiển ý của tôi) vẫn là cuốn lịch sử Trung Quốc số 1 thế giới. Viết rất cô đọng, mà vẫn đầy đủ. Cái gì cần có đều có. Mô tả cả thế kỷ trong vài dòng. Mà vẫn đích xác. Những cuốn lịch sử Trung Quốc khác, như Wolfram Eberhard (thày Vượng cũng rất thích ông này), John King Fairbank, Ray Huang (China: A Macro History), Frederick Mote (Imperial China), hay Valerie Hansen (The Open Empire) mới đây, mỗi cuốn có cái hay riêng nhưng nếu chỉ được mang một cuốn thì tôi vẫn chọn Gernet. Thế mới biết nghệ thuật viết sách lịch sử, không chỉ lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử Trung Quốc, cũng “đình trệ” từ nửa thế kỷ nay rồi.
Thày Vượng viết sử theo một kiểu chẳng giống ai. Vừa uống rượu vừa viết, say để mà viết đã đành (đây chỉ là tôi đoán già đoán non theo chính phương pháp đoán của thày). Nghiên cứu khoa học gì mà chẳng chịu trích dẫn cho đàng hoàng, viết cứ như nói đổng. Lại nữa, những kết luận khoa học đỉnh cao nhất của thày thì toàn là suy đoán. Chứng cứ nói chung là vừa thiếu thốn vừa thiếu vững chắc. Ít nhất cũng có nhiều người nhận xét như vậy và tôi cũng thấy như vậy (nếu theo tiêu chuẩn của họ). Có điều, tôi khác với họ ở chỗ tôi coi cái chuyện thày Vượng không chịu theo các thứ chuẩn mực làm khoa học “quan phương” ấy chỉ là thứ yếu. Bản thân các cái gọi là mực thước của khoa học, kể cả phương pháp luận, cũng chỉ là tương đối. Không theo nó không có nghĩa rằng kết luận của anh là bịa đặt. Trong nhiều trường hợp, chuẩn mực khoa học chỉ làm gò bó tư duy, triệt tiêu trực giác, mà thiếu những cái đó, khoa học, với những “tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chứng cứ và phương pháp” của nó, chỉ là một anh to xác nhưng bất lực. Xét cho cùng thì việc đánh giá một kết luận khoa học ở những nơi không hoặc chưa kiểm nghiệm được, từ vật lý lý thuyết đến các khoa học xã hội và nhân văn, đều quy về xem cái kết luận ấy có “convincing”, có thuyết phục hay không. Dĩ nhiên nếu cứ ôm khư khư một số quy phạm về phương pháp (trong khi bản thân khoa học cũng còn có rất nhiều phương pháp khác nhau, cho phép “đa nguyên phương pháp”) thì ít khi mà bị thuyết phục lắm. Nhưng nếu bỏ cái tư tưởng sùng bái phương pháp ấy đi thì sẽ “đốn ngộ” ngay khi gặp sự thật. Tôi thì tôi thấy cái phương pháp suy luận “liều mạng” của thày Vượng nhiều khi lại giúp ta tới gần sự thật hơn là nghiêm chỉnh tuân thủ các đòi hỏi nghiêm ngặt có vẻ “khoa học”.
Thật ra, qua các bài viết của thày, tôi thấy thày rất chịu khó đi tìm chứng cứ, từ đi điền dã đến tỉ mẩn tra cứu các tài liệu nguồn. Và cũng như những người làm khoa học nghiêm túc khác, có lẽ việc đi tìm chứng cứ (nói theo một anh bạn của tôi là việc “bổ củi”) đã chiếm phần lớn thời gian làm khoa học của thày (mà thật ra, theo kinh nghiệm của riêng tôi, phải “bổ củi” nhiều mới mong “đốn ngộ”). Chỉ có điều các cách thày công bố kết quả nghiên cứu thì nó cứ “như đùa”. Tôi chưa gặp thày Vượng lần nào (một lần định xin gặp thày thì thày đã rất yếu nên không được gặp), nhưng tôi đoán thày công bố chủ yếu qua hơi men, khi “tán phét”, một ít nữa là viết báo kể chuyện tôi đi chỗ này đi chỗ kia, tôi thế nọ tôi thế kia, chứ không trong các tạp chí chuyên ngành.
Cái cách làm khoa học “như đùa” ấy cho thấy thày Vượng gần dân gian lắm. Không phải vì dân gian làm khoa học theo kiểu giống thày, mà vì dân gian thì “non-conformist”, như thày Vượng nhận định về chính mình. Nhưng gần dân gian song thày Vượng vẫn không bị xa bác học. Bởi dân gian và bác học nếu không bị bọn “duy lý sự” đẩy ra hai thái cực thì thật ra cũng chẳng phải như mặt trăng với mặt trời. Trong bài “Dân gian và bác học”, thày có đề nghị không nên “dùng một lưỡi gươm bén chặt dân tộc ra làm hai” (thày Vượng mượn lời thày Nhất Hạnh). Tôi thì tôi thấy ở thày, cái lối nói nói năng dân dã lại mang cả một bồ chữ nghĩa, trong đó là cả một kho tàng vô giá về sử Việt và văn hóa Việt, rất bác học, nhưng đứng vững trên nền dân gian.
Được tin thày mất, viết mấy dòng này để thắp nén hương cho thày.
Vũ Hồng Lâm
http://vietnamnet.vn/bandocviet/2005/08/477357/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét