Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Nguồn gốc của những bãi mộ vò: khủng hoảng kinh tế hay sự thay đổi về hệ tư tưởng?

HARRY FOKKENS*
Nguồn gốc của những bãi mộ vò: khủng hoảng kinh tế hay sự thay đổi về hệ tư tưởng? (The genesis of urnfields: economic crisis or ideological change?)
Antiquity 71 (1997): 360-373
Dịch: Lâm Thị Mỹ Dung


Giới thiệu: Nguồn gốc của những bãi mộ vò và sự thay đổi về văn hóa vào hậu kỳ thời đại đồ đồng thường được liên hệ tới một cuộc khủng hoảng về kinh tế và môi trường. Ở hạ lưu Rhine, những thay đổi trong nghi thức chôn cất, cơ cấu khu định cư và tập tục chôn giấu vật quý cho thấy một sự biến đổi của hệ tư tưởng, thích hợp với sự tan rã của một xã hội thành những đơn vị xã hội nhỏ hơn, mang tính tự trị cao hơn.

* Khoa Khảo cổ học, trường Đại học Leiden, PO Box 9515, 2300 RA Leiden, Hà Lan. Email:
H.Fokkens@arch.leidenuniv.nl
Nhận được ngày 14 tháng Một 1997, được chấp nhận ngày 4 tháng Hai 1997, được chỉnh sửa ngày 27 tháng Ba 1997.

Ở hầu hết mọi nơi ở châu Âu lục địa, sự xuất hiện đầu tiên của những bãi mộ vò đã đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn khảo cổ học mới: Giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đồng. Sự phát triển của những nghĩa địa lớn, thường với hàng trăm phần mộ hỏa táng, cho thấy sự đứt gãy cơ bản với nghi thức mai táng của giai đoạn trước đó: Mỗi phần mộ chôn cất hoặc hỏa táng được bao bọc bởi một ụ đất. Cùng lúc đó, nhiều loại gốm mới xuất hiện với xương, hình dáng và trang trí khác hoàn toàn so với đồ gốm ở trung kỳ thời đại đồ đồng.
Trong một thời gian dài, rất hiếm thấy một cuộc tranh luận nào nhằm giải thích những thay đổi này: câu trả lời hiển nhiên là: sự di cư. Tác giả của lý thuyết này, Gordon Childe, đã chỉ ra rằng không chỉ ở vùng châu Âu ôn đới mà ở cả châu Á và vùng Địa Trung Hải, những cuộc khủng hoảng thường xuyên diễn ra vào đầu thế kỷ 12 trước Công nguyên. Nền văn minh Mycenaenan và đế chế Hittite sụp đổ, người Hy Lạp bị tấn công bởi những người Dorian và những bộ tộc dã man khác bất ngờ tấn công vùng Levant và Ai Cập. Theo quan điểm của Childe (1958:178) có vẻ như “… hợp lý khi kết nối những người man rợ với cách thức hỏa táng và chôn cất tại những bãi mộ chum, và cả với thói quen đeo gim cài”. Nói một cách khác, những người man rợ có nguồn gốc từ khu vực hạt nhân của của những bãi mộ vò tức Trung Âu với nền văn hóa Lausitz có nhiều khả năng là nền văn hóa mẹ.
Ngày nay, người ta đã bỏ không dùng mô hình di cư như một sự giải thích chung. Từ những năm 1970, biến chuyển xã hội đã trở thành khái niệm lý giải có tính thuyết phục. Nhưng biến đổi xã hội không xảy ra một cách tự phát. Nó phải được khởi động bởi một cái gì đó. Kể từ sự phát triển của Khảo cổ học mới, những quá trình hay những khủng hoảng kinh tế luôn luôn được xác định là những những yếu tố khởi động. Đây cũng là trường hợp đối với những thay đổi trong văn hóa vật chất đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đồng ở rất nhiều khu vực ở tây bắc và trung Âu. Nhưng những khủng hoảng kinh tế này rất khó lý giải và trong quá trình xác định, người ta thường tận dụng bằng chứng tình huống xuất phát từ các dữ liệu khảo cổ học và sinh thái học. Hơn thế nữa, những khủng hoảng kinh tế thường không thành công lắm trong việc góp phần giải thích những khía cạnh tư tưởng của văn hóa, chẳng hạn như các thay đổi trong nghi lễ mai táng, tập tục chôn giấu vật quý, v.v.
Trong bài viết này, tôi sẽ thảo luận về mệnh đề cho rằng khủng hoảng kinh tế không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi về văn hóa ở hậu kỳ thời đại đồ đồng, nguyên nhân chính là biến chuyển xã hội và tư tưởng điều được thấy rõ trước hết trong tập tục mai táng. Điều quan trọng trong sự biến đổi này, theo ý kiến của riêng tôi, là sự mở rộng của những mạng lưới trao đổi. Cái quá trình mà tôi cố gắng miêu tả và giải thích xuất phát từ những dữ liệu thu thập được ở hạ lưu Rhine, nhưng tất nhiên, chúng có liên hệ với những quá trình diễn ra trong phạm vi rộng hơn của vùng đồng bằng tây bắc Âu. Theo đúng nghĩa những mối liên hệ của bài nghiên cứu này đã vươn xa hơn, đến tận Hà Lan nhưng chỉ trong ý nghĩa chung.
Đầu tiên tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc 3 loại dữ liệu: mộ táng, cư trú và trao đổi đồ đồng.
Hình 1: Bản đồ tây bắc châu Âu, chỉ ra những nguồn nước quan trọng. Hà Lan được xác định bằng màu xám, biên giới giữa các nước được xác định bằng những đường chấm.
Những loại dữ liệu này thường được xử lý một cách riêng lẻ: trong nghiên cứu này, tôi khám phá ra sự biến đổi mà chúng ta chứng kiến trong những lĩnh vực của văn hóa vật chất có thể được lý giải trong các mối quan hệ tương lien giữa những loại dữ liệu kể trên.

Nghiên cứu trường hợp: Vùng hạ lưu Rhine
Ở Hà Lan, bãi mộ vòđầu tiên xuất hiện khoảng năm 1100 trước Công nguyên ở phía bắc và đông bắc và có thể sớm hơn một chút so với ở miền Trung và miền Nam (Van den Broeke 1991: 194). Sự khác biệt về vùng trung gian một đặc điểm không đổi từ thời kỳ đồ đá mới giữa khu vực phía bắc và phía nam của châu thổ sông Rhine và Meuse vào trung kỳ thời đại đồ đồng được thể hiện trong sự phân biệt giữa hai nền văn hóa khảo cổ: nền văn hóa Elp ở phía bắc và nền văn hóa Hilversum ở phía nam (Hình 1). Miền bắc có sự tương đồng với Scandinavia và miền tây bắc nước Đức, miền nam có sự tương đồng với vùng đất trũng ở Bỉ, miền bắc nước Pháp và khu vực tiếp giáp nước Đức. Sự phân chia này không dẫn tới những khác biệt lớn về văn hóa, nhưng ở nhiều khía cạnh có thể truy nguyên những biến đổi mang tính vùng miền.

Nghi lễ mai táng: Những nấm mồ theo “hệ thống cấp bậc” rải rác được thay thế bởi những bãi mộ vò “dân chủ”
Từ cuối thời kỳ đồ đá mới cho tới cuối thời kỳ đồ đồng, những gò mộ bằng đất là hình thức chôn cất chủ yếu ở Hà Lan. Những ngôi mộ phẳng, tức là mộ không có phần đất bao phủ ở trên tương đối hiếm. Vào cuối thời kỳ đồ đá cũ (2900-2000 trước Công nguyên) và đầu thời kỳ đồ đồng (2000-1800 trước Công nguyên) phổ biến những gò mộ chỉ có một mộ trung tâm, thường là mộ hung táng. Không có lần sử dụng thứ hai đồng đại nào của những gò mộ này được chứng thực (Lohof 1994).
Hình 2: Một khu mộ “gia đình” vào giữa thời kỳ đồ đồng được khai quật gần Mander, khu vực phía đông của Hà Lan

Vào giữa thời kỳ Đồ Đồng (1800-1100 trước Công nguyên), những gò mộ đang tồn tại lúc đó được sử dụng lại theo một vài cách. Đôi khi chúng được bao phủ hoàn toàn bằng một lớp cỏ mới xung quanh một mộ trung tâm mới. Phổ biến hơn, đặc biệt là trong giai đoạn B (1500-1100 trước Công nguyên), một gò mộ đang tồn tại được sử dụng để chôn người chết lần hai, đa phần là ở bên rịa của gò mộ đó. Do tập tục muộn hơn này nên những gò mộ trung kỳ thời đại đồ đồng cũng được coi là gò mộ “gia đình” khi mà những mộ ở chôn lần hai (bên cạnh) được cho là thuộc về con cháu của những người nằm trong nấm mộ đầu tiên (Hình 2). Lohof (1994: 114) và Theunissen (1993), những người gần đây đã làm một phân tích chi tiết về các khía cạnh xã hội của nghi lễ chôn cất ở Hà Lan đã cho rằng đa số những mộ này có thể được dành cho phụ nữ và trẻ em.
Rõ ràng là không phải mọi người đều có quyền được chôn cất trong một mộ đầu tiên hay thậm chí một mộ thứ hai (kế bên) trong một gò mộ. Một số tương đối nhỏ các gò mộ, sự thiếu vắng việc chôn cất trẻ em và khả năng đại diện thấp của việc chôn cất phụ nữ tại các mộ đầu tiên gợi ý rằng rất có thể (nhưng chắc chắn là không chỉ dành riêng) những người đàn ông lớn tuổi được phép chôn cất trong những gò mộ đó (Lohof 1991; 1994). Câu hỏi được đặt ra: Họ là ai?
Từ những năm 1970, câu trả lời của những người theo thuyết tiến hóa cho câu hỏi này rất rõ ràng: họ là những tộc trưởng! Mô hình của Renfrew về nguồn gốc của những lãnh địa ở Wessex (Renfrew 1973) được áp dụng rộng rãi. “Uy tín, Quyền lực và Hệ thống cấp bậc” (Champion và những người khác 1984: chương 7) đã trở thành cách được chấp nhận để đặc trưng hóa xã hội thời kỳ đồ đồng, đặc biệt là thông qua ảnh hưởng của một số nghiên cứu kinh điển như những nghiên cứu của Frankenstein và Rowlands (1978), Gilman (1981), Kristiansen (1978) và Randsborg (1974). Mặc dù những nghiên cứu này chắc chắn có những giá trị của chúng trong việc phân biệt những mẫu hình chung, song đối với cấp độ vùng miền chúng khá xa vời. Thậm chí còn xa hơn cả như vậy khi cách tiếp cận Những hệ thống thế giới được áp dụng (ví dụ như Frankenstein và Rowlands 1978; Kristiansen 1994). Nhưng các diễn biến trong vùng thường quyết định liệu những cách tân và ý tưởng mới có được kết hợp trong các cộng đồng địa phương và cộng đồng vùng hay không và kết hợp như thế nào. Người ta mong đợi rằng những biến đổi văn hóa là cụ thể ở từng vùng, mặc dầu vậy, chúng có thể bị ảnh hưởng bởi những tác nhân kích thích bên ngoài.
Sự phát triển lịch sử riêng ở từng vùng chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành những lãnh địa ở Wessex. Tất nhiên những diễn biến này khá khác so với những diễn biến ở các khu vực khác. Có khả năng chúng thậm chí chỉ có duy nhất ở tây Âu. Do đó nó sẽ không khiến chúng ta ngạc nhiên khi những nghiên cứu gần đây, như nghiên cứu của Lohof (1991) và Theunissen (1993) không tìm thấy lý do gì để tin rằng có một thứ gì đó như lãnh địa đã từng tồn tại trong thời đại đồ đồng ở Hà Lan. Lohof và Theunissen, bằng một phân tích kỹ càng về một số thuộc tính của những phần mộ và những đồ tùy táng ở Hà Lan đã thấy rằng xã hội bộ lạc có thể đã được chia thành những phần tự trị. Chúng được xác định là những nhóm dòng họ, được chỉ huy bởi những người đàn ông lớn tuổi. Theo Lohof (1994:114) những nhóm dòng họ này ở vào cuối thời kỳ đồ đá mới vẫn đoàn kết thành những nhóm liên hợp (vùng) lớn hơn; vào giữa thời kỳ đồ đồng, những gò mộ gia đình cho thấy các nhóm dòng họ trên cơ sở những cộng đồng địa phương đã trở thành đơn vị xã hội cơ bản. Những người được chôn trong mộ đầu tiên bên dưới các gò mộ là đại diện cho những nhóm trong vùng hoặc địa phương. Quyền lực của họ được cho là dựa trên cơ sở giới tính, tuổi tác và vị trí của họ trong hệ thống thứ bậc dòng họ, và cũng có thể dựa vào những khả năng đặc biệt: mỗi người phải “thích hợp với một công việc”. Cả Lohof và Theunissen đều cho rằng chỉ có 15% dân cư rõ ràng được chôn cất bên trong hoặc bên dưới một gò mộ.
Bên cạnh bằng chứng về bản thân những ngôi mộ, vị trí của các nấm mộ trong địa bàn cũng chỉ ra tầm quan trọng của nhóm dòng họ. Dữ liệu cư trú định cư, ít nhất vào giữa thời kỳ đồ đồng, những gò mộ đã được dựng lên ở vùng xung quanh các trang trại (Roymans và Fokkens 1991:16; Ijzereef và Van Regteren Altena 1991:63 ff).

Hình 3: Một khu mộ vò từ cuối thời kỳ đồ đồng (những huyệt mộ được kéo dài) và đầu thời kỳ đồ sắt (những huyệt mộ hình tròn), được khai quật gần Vledder (phía bắc Hà Lan). (Xem Kooi 1982: hình 46)
Bảng 1: Một bài tập với các con số: so sánh số lượng các gò mộ từ giữa thời kỳ đồ đồng và những bãi mộ vò từ cuối thời kỳ đồ đồng ở phía bắc và phía nam Hà Lan. Đối với phía bắc Hà Lan, số lượng thực của những gò mộ được biết là 253 (365 nếu bao gồm cả những phần mộ phát sinh trên phần mộ ban đầu). Con số này đã được chỉnh sửa cho phù hợp với nhóm gò mộ của Roymans.

Vào cuối thời kỳ đồ đá, mối quan hệ giữa gò mộ và làng ít rõ ràng hơn, vì chỉ một số rất ít những làng được xác định vị trí hay được khai quật; một mối quan hệ tương tự đã được giả định. Vào giữa thời kỳ đồ đồng một gò mồ đơn lẻ có thể là một điểm tập trung cho việc chôn cất nhiều hơn một thế hệ. Trong suốt một giai đoạn như vậy, một trang trại có thể đã dịch chuyển hai hoặc nhiều lần trên một khoảng cách vài trăm mét (xem bên dưới). Vào cuối thời kỳ đồ đá mới, những gò mộ này nằm riêng lẻ, vào giữa thời kỳ đồ đồng, những cụm gò mộ bắt đầu hình thành, giống như cụm gò mộ nổi tiếng ở Toterfout-Halfmijl nam Hà Lan (Fontijin 1996; Glasbergen 1954; Theunissen 1993).
Cấu trúc này đã thay đổi như thế nào vào cuối thời kỳ đồ đồng. Theo một vài cách, nhưng cách nổi bật nhất đối với những người làm khảo cổ học chúng ta là sự xuất hiện của những nghĩa địa chôn các vò đựng tro. Thay vì những gò mộ lớn nằm riêng lẻ với một số mộ chôn lần hai kế bên, những nghĩa địa xuất hiện bao gồm rất nhiều gò mộ - thường là thấp – được dựng lên cạnh nhau (Hình 3). Nghĩa địa chôn vò đựng tro rộng nhất được tìm thấy ở Hà Lan được ước tính bao gồm hơn 1000 phần mộ (Bloemer 1993), nhưng một nghĩa địa trung bình thì nhỏ hơn như vậy rất nhiều, chỉ chứa khoảng 200 phần mộ. Ở phía bắc của đất nước này, những thay đổi thậm chí còn dễ nhận thấy hơn bởi cùng lúc, sự chôn cất được thay thế bằng hỏa táng như là một cách xử lý thi hài phổ biến nhất. Ở phía nam, một sự biến đổi tương tự trong nghi lễ chôn cất cũng đã diễn ra vào đầu giai đoạn giữa thời kỳ đồ đồng (Glasbergen 1954).
Mặc dù sự xác định về giới tính và tuổi của những phần hỏa táng trong nghĩa địa chôn vò đựng tro vẫn còn rất hiếm, người ta thường giả định rằng những ngôi mộ ở nghĩa địa này đại diện cho toàn bộ dân cư. Liệu điều này có đúng trong mọi khía cạnh có thể còn phải tranh luận. Chẳng hạn như, rõ ràng là không phải tất cả những ngôi mộ chỉ chôn một người (ví dụ Roymans 1988). Nhìn chung, tính đại diện có thể chấp nhận được, miễn là chúng ta nhận thức được rằng sự ước tính dân số dựa trên cơ sở số lượng phần mộ trên một nghĩa trang sẽ ở phần thấp.
Hình 4: Một so sánh về tổng chiều dài nhà (theo thứ tự độ dài giảm dần) giữa giai đoạn giữa và cuối thời kỳ đồ đồng (1800 – 900 trước Công nguyên) và giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng - đầu thời kỳ đồ sắt (khoảng 900 – 550 trước Công nguyên ở Hà Lan).
Ngay cả như vậy, thật dễ dàng giải thích rằng số dân sử dụng một nghĩa địa chôn vò đựng tro cỡ trung bình chỉ đại diện cho những cộng đồng nhỏ từ 10 đến 20 người (Kooi 1979:174; Verlinde 1985:324). Nói cách khác, một bãi mộ vò thuộc về một nhóm gồm 3 đến 4 trang trại thuộc loại nhỏ vào cuối thời kỳ đồ đồng (xem bên dưới), một nhóm khoảng cùng kích cỡ với những cộng đồng chôn người chết vào giữa thời kỳ đồ đồng. Sự tiếp tục trong việc sử dụng đất mai táng được gợi ý bằng thực tế là một gò mộ trung kỳ thời đại đồ đồng thường tạo thành phần cốt lõi của một bãi mộ vò ở hậu kỳ thời đại đồ đồng.
Từ những điều trên chúng ta có thể kết luận rằng một số lượng lớn hơn các phần mộ trong các bãi mộ vò so với những gò mộ vào giữa thời kỳ đồ đồng không thể được sử dụng để xác định sự gia tăng dân số vào cuối thời kỳ ddồ đồng. Roymans (1991: 67ff), tuy nhiên, đã quan sát thấy rằng những nghĩa trang chôn bình tro xuất hiện ở một vài khu vực không có gò mộ. Điều này, theo quan điểm của ông, cho thấy rằng sự định cư đã mở rộng ra cả những khu vực trước đây không có người ở. Chẳng hạn như ở khu vực giữa sông Meuse, Demer và Scheldt, Roymans đã đếm được 55 nhóm gò mộ trung kỳ thời đại đồ đồng (với khoảng 180 nấm mộ theo E. Theunissen) và 85 bãi mộ vò vào cuối thời kỳ đồ đồng (1991:67). Khi tính toán rằng trong khu vực đó, mỗi thế kỷ lại có 8 gò mộ trung kỳ thời đại đồ đồng được xây dựng, so với 34 bãi mộ vò hậu kỳ thời đại đồ đồng (Bảng 1), ông cho đây là bằng chứng của một sự gia tăng dân số đáng kể.
Kết luận này sẽ được xem xét khác đi nếu được nghiên cứu ở vùng phía bắc Hà Lan. Về căn bản, ở đây có nhiều mộ được đắp thành gò hơn: có tới 253 gò mộ với 365 giai đoạn chôn cất lần đầu từ trung kỳ thời đại đồ đồng đã được xác nhận (Lohof 1991:37). Sử dụng cùng một phương pháp tính toán, thì chỉ nhận thấy một sự gia tăng dân số rất nhỏ (tính toán dựa vào Kooi 1979 (các bản đồ); Verlinde 1987: hình 143); 1/3 sự “tăng trưởng dân số” là ở phía nam.
Trên thực tế, tôi tin rằng những trò chơi với con số như vậy là khá vô ích bởi nguyên nhân suy vi khác nhau phải được xem xét kỹ càng. Mộ phần đắp thành gò biến mất dễ dàng hơn những bãi mộ vò; do thường không bao gồm vò đựng tro nên chúng khó nhận biết hơn phần chôn cất ở các bãi mộ vò. (ví dụ Kooi 1979: 1; Roymans1991: 66; Fokkens 1991a: chương 5). Những nhân tố nghiên cứu cũng có thể đã là một nguồn thành kiến (Fokkens 1991a). Do đó, thay vì lý giải các dữ liệu của Bảng 1 về những động lực dân số, chúng ta nên nhìn vào sự khác biệt trong lịch sử nghiên cứu và thức nhận giữa miền bắc và miền nam. Cùng với những khác biệt trong tính rõ ràng của khảo cổ học, những nhân tố này có thể giữ trách nhiệm đối với hầu hết những diễn biến “quan sát được”. Ở khía cạnh này, nó để lộ ra rằng với việc sử dụng những ảnh chụp từ trên không trong một vài năm gần đây, các nhà khảo cổ học từ Gand (Bỉ) đã khám phá ra hơn 600 vòng hào của những gò mộ từ thời kỳ đồ đồng đã biến mất ở phía tây Flander, một khu vực mà trước đây người ta không biết đến một gò mộ nào (Ampe và những người khác 1995).

Khu định cư và kinh tế: những trang trại dịch chuyển và nghề nông nghiệp cố định
Bây giờ chuyển sang những bằng chứng về khu định cư, ý niệm về sự thay đổi văn hóa là kém rõ ràng hơn. Kể từ cuộc khai quật đầu tiên những trang trại thuộc trung và hậu kỳ thời đại đồ đồng vào những năm 1950, nhiều địa điểm đã được phát hiện ở nhiều nơi trên đất nước Hà Lan, cho phép chúng ta xây dựng một mô hình đáng tin cậy về cấu trúc các khu định cư và hệ thống khu định cư (Roymans và Fokkens 1991; Fokkens 1991b).
Hình 5: Khảo sát so sánh về bản đồ nhà ở từ giai đoạn giữa và cuối thời kỳ đồ đồng (trên) với giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng – đầu thời kỳ đồ sắt (dưới) ở phía bắc (bên trái) và phía nam (bên phải) của Hà Lan (trích từ Roymans và Fokkens 1991: hình 5).

Vào trung kỳ thời đại đồ đồng, một trang trại trung bình là một khu xây dựng hình chữ nhật rộng, có diện tích 5×25m hoặc dài hơn (Hình 4). Những trang trại nhỏ hơn cũng có mặt, một số ít trong một vài sơ đồ hiện nay đang được biết tới (xem Waterbolk 1986; 1987). Đặc điểm của loại trang trại này là một khu vực sinh sống và chăn nuôi được kết hợp dưới một mái nhà. Chuồng gia súc có thể chứa 20 đến 40 đầu thú nuôi. Khi mà những chuồng gia súc này có thể phân biệt được trên mặt đất, nhưng trong trường hợp này thì không như vậy, khu vực để ở dường như chỉ rộng bằng khu vực chuồng chăn nuôi (ví dụ Hình 5a, 5b), dài khoảng 12 đến 15 mét, rộng 5 mét và có thể làm nhà cho một hộ gia đình đông từ 15 đến 20 người.
Những trang trại được quây với hàng rào làm bằng cọc thấp, bao quanh một khu vực diện tích khoảng 50×50m. Tách riêng khỏi trang trại, sân trại bao gồm một vài nhà ngoài ở 4 hoặc 6 điểm. Những cấu trúc này, phổ biến ở tây bắc châu Âu, thường được hiểu là những kho thóc, mặc dù vậy chúng cũng có thể dùng để phục vụ mục đích khác. Trên vùng đất cát cao hơn, ở những khu vực nơi mà mực nước ngầm dưới lòng đất không quá cao, ngũ cốc cũng được chứa trong những xilô (thùng chứa), cả bên trong và bên ngoài nhà.
Ở giữa phía bắc, phía nam và phía tây Hà Lan cũng tồn tại những khác biệt nhỏ trong cấu trúc nhà, nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn giữa nguyên từ khi bắt đầu giai đoạn trung kỳ thời đại đồ đồng (Hình 5). Ở những nước lân cận như Scandinavia (Jensen 1987; Rasmussen và Adamsen 1993; Nielsen 1993), tây bắc nước Đức (Wilhelmi 1981), tây bắc nước Bỉ (Crombé 1993) và những vùng thấp của nước Pháp (Blouet và những người khác 1992), những trang trại ba gian gần như giống nhau y hệt với chuồng ngựa và 4 - hoặc - 6 nhà ngoài là khá phổ biển vào giai đoạn đó (Hình 5).

Hình 6: Một mô hình phân bố các trang trại và phần mộ hay những bãi mộ vò bên trong một khu định cư. a: Giữa thời kỳ đồ đồng (một thời điểm trong lịch sử) b: Giữa thời kỳ đồ đồng (100 năm sau). c: Cuối thời kỳ đồ đồng (một thời điểm trong lịch sử) d: Cuối thời kỳ đồ đồng (100 năm sau)

Loại trang trại này được đặc trưng bởi hệ thống làm nông nghiệp được thực hành ở vùng đồng bằng trũng phía tây bắc châu Âu: một nền kinh tế làm nông nghiệp cố định với sự chú trọng vào chăn nuôi gia súc. Trang trại với các chuồng ngựa tạo cho người nông dân khả năng thu thập phân gia súc và bón phân cho đất trồng trọt; đồng thời chúng cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa người nông dân và gia súc của anh ta bởi nói đúng ra, chẳng có lý do gì để người nông dân và vật nuôi của anh ta lại sống dưới một mái nhà. Roymans (1996) giải thích điều này trên khía cạnh tư tưởng nông dân mà theo quan điểm của ông là đã đặc trưng hóa vùng đồng bằng trũng phía tây bắc châu Âu tính cho đến đế chế La Mã.
Sự phân bố những trang trại trên khắp vùng đất này có thể được đặc trưng hóa là một hệ thống những khu định cư mở bao gồm chỉ hai hoặc ba trang trại cách xa nhau một khoảng đáng kể (Hình 6). Cứ 20 cho đến 30 năm thì những trang trại được xây dựng lại một lần, thường thì không ở trên cùng vị trí: chỉ thi thoảng chúng ta mới tìm thấy những sơ đồ nhà chồng chéo thuộc cùng một thời kỳ. Dường như, khi nó bị bỏ đi, một trang trại mới sẽ được xây lại cách trang trại cũ một khoảng cách nào đó. Mô hình trang trại di động này có thể được áp dụng cho khu rộng lớn nhất vào nửa sau thời kỳ tiền sử ở tây bắc châu Âu. Chỉ từ cuối thời kỳ đồ sắt các trang trại mới được xây lại trên nền trang trại cũ (Schinkel 1994:198).
Mặc dù cấu trúc của trang trại và hệ thống khu định cư về cơ bản vẫn được giữ nguyên không thay đổi vào hậu kỳ thời đại đồ đồng, song bản thân các trang trại đã trải qua một số thay đổi về mặt cấu trúc. Tôi sẽ không đi vào chi tiết, nhưng sẽ chỉ ra một đặc điểm nổi bật nhất. Trong giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đồng (từ năm 1000 đến năm 800 trước Công nguyên) trang trại cỡ trung bình trở nên nhỏ hơn một cách đáng kể so với trung kỳ thời đại đồ đồng: thay vì dài từ 20 – 30 m (trung bình 24 – 9 m), chiều dài của chúng rút xuống còn 15 m hoặc thậm chí ít hơn (trung bình 12 – 8; Hình 4). Người ta còn chỉ ra rằng không chỉ có chiều dài của chuồng gia súc bị rút ngắn ở những ngôi nhà nhỏ hậu kỳ đồ đồng mà ngay cả khu vực để ở cũng bị thu hẹp. Kích thước nhỏ nhất của cả hai đơn nguyên này chỉ còn 4×5m được ngăn cách bởi một hành lang rộng khoảng 1m, do vậy tổng chiều dài của trang trại nhỏ nhất là 9m.
Cho đến nay, hai cách giải thích cho diễn biến này đã được đưa ra. Theo Roymans, vào hậu kỳ đồ đồng, vai trò của việc chăn nuôi cừu và lợn trở nên quan trọng hơn do sự mở rộng quy mô đàn gia súc. Do cừu và lợn được cho là nên giữ trong những khu quây bên ngoài nhà nên chỉ cần đến những chuồng gia súc nhỏ hơn (Roymans 1990: bảng 5.4 và 5.5; Roymans 1991:68; mặc dù đa số dữ liệu của ông liên quan tới giai đoạn La Tène). Mặc dù phương pháp quang phổ xương đã thực sự cho thấy sự gia tăng về số lượng tương đối xương cừu nhưng về mặt tỷ lệ, vai trò của cừu vẫn thấp so với gia súc khác (Lauwerier&Ijzereef 1994:235; Louwe Kooijmans 1985:72; Ijzereef 1981:194). Hơn nữa, không có bằng chứng nào cho thấy cây thạch nam với quy mô lớn vào thời kỳ đồ sắt đã tồn tại. Thậm chí ngay cả khi chúng ta biết rằng vùng đất này mở rộng hơn vào cuối thời kỳ đồ đá mới, chúng ta cũng không có lý do gì để cho rằng con người đã chuyển những vùng đất cát có trồng cây thành những khu đất trồng cây thạch nam rộng lớn vào cuối thời kỳ đồ đồng (Bakels 1975:9; Van Zeist 1991: 125).

Một cách giải thích thay thế khác cho sự thu hẹp chiều dài của trang trại vào cuối thời kỳ đồ đồng được đưa ra bởi tác giả viết bài này (Fokkens 1991a:130), là sự thay đổi trong cấu trúc xã hội: những hộ gia đình đông người sinh sống trong những trang trại rộng lớn vào giai đoạn giữa thời kỳ đồ đồng đã “tách ra” thành những hộ gia đình hạt nhân, mỗi hộ với một trang trại nhỏ hơn và ít vật nuôi hơn.
Điều này sẽ gây ra sự gia tăng gấp hai hoặc gấp ba về số lượng trang trại. Một sự gia tăng như vậy là hoàn toàn có thể nhận thấy được vào cuối thời kỳ đồ đồng. Nó có thể được giải thích như là dấu hiệu của sự gia tăng dân số; tôi thích một sự lý giải về mặt xã hội hơn.
Phân phối kim loại: sự mở rộng của những mạng lưới trao đổi
Để kết luận cho khảo sát về thay đổi văn hóa vào cuối thời kỳ Đồ Đồng ở Hà Lan, tôi xin bàn luận ngắn gọn về một vài khía cạnh của sự phân phối kim loại. Ở Hà Lan, dường như chưa bao giờ một lượng đồng lớn lại được đem vào lưu thông. Tuy nhiên, ở những vùng khác ở tây bắc châu Âu tình hình cũng vâyh (cf. Jensen 1993; Vandkilde 1993). Từ giai đoạn đầu thời kỳ đồ đồng, những nguồn gốc hình loại học của đồng đã chỉ ra rằng miền nam của Hà Lan có sự tương đồng với nước Pháp, nước Anh và miền trung nước Đức trong khi đó miền bắc lại hướng về phía vùng Bắc Âu và tây bắc nước Đức. Hầu hết đồng sẽ được nhập về từ những vùng này, mặc dầu vậy chắc chắn là cũng có sự sản xuất trong vùng, chủ yếu là sản xuất công cụ và vũ khí nhỏ (ví dụ Butler 1971).
Vào đầu thời kỳ đồ đồng và giai đoạn giữa thời kỳ đồ đồng A, từ năm 2000 đến 1500 trước Công nguyên, lượng đồng là tương đối nhỏ; chúng có mặt trong 11% phần mộ được biết tới (Lohof 1994:108). Chỉ rất ít phần chôn cất cho thấy một sự hội tụ tương đối “dồi dào”, chẳng hạn như phần mộ ở Drouwen, được coi là dồi dào nhất trong số những phần mộ ‘Sogel’ ở Hà Lan và bắc nước Đức (Butler 1986; 1990; Lohof 1991). Từ nửa sau của giai đoạn giữa thời kỳ đồ đồng, hiếm khi người ta biết tới những đồ vật bằng đồng chôn theo khi mai táng.
Đối lập với những giai đoạn trước đó, phần lớn lượng đồng vào cuối thời kỳ đồ đồng được tìm thấy ở các kho dự trữ, thường trong điều kiện ẩm ướt. Diễn biến này đã được chú ý bởi nhiều học giả (xem Bradley 1990 để tham khảo). Hơn thế nữa, số lượng kho dự trữ lớn hơn nhiều so với giai đoạn đầu và giữa thời kỳ đồ đồng, điều đó dường như chỉ ra rằng tập tục dự trữ này đã phát triển rộng rãi (Bradley 1990; Butler 1959:125). Không chỉ những nhà kho để tạ ơn ở những địa bàn ẩm ướt mà cả những kho dự trữ thiết thực trên vùng đất khô, như những kho dự trữ phế liệu đã cho thấy rằng vào cuối thời kỳ đồ đồng, lượng đồng được lưu thông đã tăng cao, một hiện tượng không chỉ giới hạn trong Hà Lan (Wells 1989:176). Nhiều loại công cụ, vũ khí và đồ trang trí bằng đồng mới được sản xuất bằng cách áp dụng những kỹ thuật mới như cire perdue (sáp ong) và rèn đồng (Butler & Fokkens: trên báo). Đặc biệt trong thế giới Bắc Âu, những trang phục cho phụ nữ rất tinh xảo như vòng cổ, hộp thắt lưng, vòng ở cánh tay, trâm cài tóc, v.v dường như đã đánh dấu những bản sắc xã hội và bản sắc của vùng, cũng như các khía cạnh trong lối sống hay vòng đời (Hình 7; Sorensen 1987; 1994b).
Sự gia tăng mức tiêu thụ đồng này có lẽ liên hệ khá chặt chẽ với sự mở rộng của những mạng lưới trao đổi, không chỉ về mặt trao đổi giữa con người với nhau, mà trong trường hợp tích trữ, còn liên quan ngày càng nhiều tới những trao đổi giữa con người và giới siêu nhiên. Tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.
Sự lý giải hiện nay: khủng hoảng kinh tế?
Khi đã miêu tả được những thay đổi đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn cuối thời kỳ đồ đồng ở Hà Lan, thì câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng lại xảy ra? Câu hỏi này vẫn thường nhận được ít sự chú ý, tất nhiên là với liên hệ tới sự xuất hiện của những bãi mộ vò. Hầu hết các tác giả đều đi theo một phương châm tranh luận với Champion và những người khác (1984): một cuộc khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân cho những thay đổi văn hóa đã quan sát được, một cuộc khủng hoảng được gây ra bởi sự gia tăng dân số, dẫn đến kết quả là sự khai thác quá mức đất đai sẵn có. Theo viễn cảnh giống với Carneiro này, đất đai trở nên hạn hẹp. Cuối cùng một xã hội phức hơp hơn xuất hiện (Carneiro 1970) mà trong đó những phần mộ giàu có ở Hallstatt vào đầu thời kỳ đồ sắt là những ví dụ điển hình nhất.
Do nhiều tác giả rút ra kết luận từ những tổng hợp như Châu Âu thời tiền sử (Champion và những người khác 1984), và Nông nghiệp thời tiền sử ở châu Âu (Barker 1985), tôi muốn chỉ ra một số lý giải sai lầm chính của họ. Theo ý kiến của tôi, Champion và những người khác – cả Barker nữa – thường sử dụng những bằng chứng sinh thái học như thế đó là những dữ liệu tuyệt đối mà không sử dụng đủ những phê bình về nguồn thông tin. Champion và những người khác (1984:270 ff) đưa ra những bằng chứng nghiên cứu phấn hoa cho sự mở rộng nông nghiệp ở nhiều nơi trên châu Âu (Ba Lan, Scandinavia, vùng núi nước Pháp). Tuy nhiên, họ không xem xét kỹ càng một thực tế rằng hầu hết biểu đồ phấn hoa chỉ thể hiện một tình huống địa phương hay ở cấp độ vùng nhỏ nhất, do đó hầu như không bao giờ có tác dụng đối với kiểu khái quát hóa này.
Hình 7: Những vật quý được chôn giấu vào cuối thời kỳ đồ đồng ở Drouwen, phía bắc Hà Lan, được tìm thấy trong một huyệt hình tròn của một phần mộ cổ hơn. Khóa và hộp đựng thắt lưng có nguồn gốc từ Scandinavi, 7 vòng tay có hình omega có thể đã được sản xuất tại địa phương (Trích từ Butler 1986: Hình 20 – 22)
Theo cách tương tự, sự suy giảm về khí hậu và sự mở rộng của những đầm lầy bao phủ đã được sử dụng như một tranh luận cho sự khủng hoảng về môi trường (Champion và những người khác 1984:277). Thực chất, những khu vực trước kia có người sinh sống đã bị bao phủ bởi những đầm lầy và do đó không thể là nơi sinh sống được nữa: đặc biệt ở Hà Lan, chúng ta nhận thức rất rõ diễn biến này. Nhưng sự hình thành than bùn là một quá trình chậm mà ở hầu hết các khu vực đều bắt đầu từ lâu trước thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên: không có lý do tại sao điều này lại gây ra một cuộc khủng hoảng trong giai đoạn đặc biệt đó (Fokkens 1991a: 148ff).
Những diễn biến được lý giải như là những giải pháp cho cuộc khủng hoảng giả định có thể chỉ bị phê phán như vậy. Sự giới thiệu những công cụ mới như liềm và rìu bằng đồng, sự gia tăng trong việc đào hầm và giếng, việc xây dựng các kho thóc và sửa chữa những hệ thống trên đồng ruộng, tất cả đều được giải thích là sự tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, những diễn biến này đã bắt đầu vào giai đoạn đầu và giữa thời kỳ đồ đồng, và nghiên cứu về khu định cư rộng lớn ở Hà Lan không cho thấy rằng vào cuối thời kỳ đồ đồng có một sự gia tăng trong những hoạt động đã được đề cập. Tương tự như vậy, Champion và những người khác (1984:279) nghiên cứu tập hợp những hiện vật tìm thấy, đặc biệt là những vật bằng đồng ở thung lũng bên các dòng sông như là bằng chứng cho sự mở rộng xa hơn thành những khu vực trước đây có người ở; tuy nhiên tập hợp đồ đồng ở thung lũng bên các dòng sông có nhiều khả năng là kết quả của sự dự trữ ở các địa bàn ẩm ướt và có thể chẳng có liên hệ gì với những hoạt động định cư trên thực tế. Tôi có thể tiếp tục chứng minh rằng phần lớn ý tưởng về những cuộc khủng hoảng về kinh tế vào cuối thời kỳ đồ đồng được dựa trên loại khái quát đã được chứng minh này, nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã làm đủ rõ luận điểm của mình.
Tách khỏi những vấn đề nêu trên, một cuộc khủng hoảng kinh tế không giải thích tại sao vào cuối thời kỳ đồ đồng hầu như mọi cá nhân đều được phép xác định như là tổ tiên, trong khi vào giữa thời kỳ đồ đồng, chỉ một số nhỏ dân cư được lựa chọn có quyền hưởng “đặc lợi” này. Tại sao những ngôi nhà trở nên nhỏ hơn, hay tại sao tập tục dự trữ lại gia tăng? Để hiểu những diễn biến như vậy, chúng ta phải nhìn vào khía cạnh tư tưởng và xã hội của những cộng đồng tiền sử, nhất là trong bối cảnh những hệ thống trao đổi.

Khía cạnh xã hội và tư tưởng của sự thay đổi văn hóa vào cuối thời kỳ đồ đồng.
Trong những phần trước tôi đã tranh luận rằng loại nhà dài giữa thời kỳ đồ đồng là nơi sinh sống của những hộ gia đình nhiều người. Giả sử người đứng đầu của nhóm gia đình này, người đàn ông hoặc người phụ nữ lớn tuổi nhất là người nắm quyền lực. Ông ta hoặc bà ta đại diện cho hộ gia đình đó trong việc giao thiệp với những nhóm tương tự. Theo ý kiến của tôi, cấu trúc y hệt như thế được tái hiện lại trong sự sắp xếp những người đã chết vào các gò mộ và phần chôn cất kế bên: người đứng đầu của một hộ gia đình hoặc của một vài hộ gia đình thuộc về một nhóm dòng họ được chôn cất trong phần mộ ban đầu bên dưới một gò mộ còn những người họ hàng của ông ta được chôn ở các phần mộ kế bên. Những khu định cư và nghĩa trang mô tả xã hội vào giữa thời kỳ đồ đồng ở Hà Lan như là sự tập trung của ít nhiều các cộng đồng tự trị dựa trên mối quan hệ dòng họ. Cấu trúc này tồn tại từ văn hóa Beaker, vào khoảng năm 2900 trước Công nguyên, khi Mộ Đơn bao quanh những gò mộ thế chỗ cho những mộ cự thạch tập thể của những nhóm liên hợp lớn hơn vào giữa thời kỳ đồ đá mới (Barrett 1994:145 ff; Fokkens 1986: đang in).
Từ đầu giai đoạn cuối thời kỳ Đồ Đá Mới, các đại diện của những cộng đồng địa phương có thể đã được chôn ở khu vực lân cận trang trại của họ. Điều này suy ra từ sự phân bố rộng rãi của những nấm mộ so với những phần chôn cất bằng cự thạch (Fokkens 1986), việc thiếu những địa bàn định cư được khai quật đã cản trở sự minh chứng cho mô hình này. Thay đổi này, từ những mồ chôn tập thể cho tới những nấm mộ cá nhân đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong hệ tư tưởng. Quan trọng là nghi thức chôn cất không còn diễn ra ở một nơi được xác định trước, địa điểm chôn cất chung; mà nghi lễ này luôn diễn ra ở những địa điểm khác nhau. Nghi lễ chôn cất mới, do đó nhấn mạnh vào bản sắc của người chết thông qua những vật được chôn cùng và dựa vào vị thế của của mộ trên địa bàn (xem Barrett 1994:47ff). Những tổ tiên không còn được tập trung vào một phần mộ tập thể nữa mà được chôn rải rác trên cả vùng đất, họ đòi hỏi một phần của vùng đất đó cho bản thân họ và cho con cháu của họ.
Vào cuối thời đá mới và đầu thời đồ đồng, những địa điểm chôn cất này rất đặc biệt: những gò mộ thường nằm riêng rẽ một mình và không được sử dụng cho những phần chôn cất kế bên, ít nhất là trường hợp ở Hà Lan (Lohof 1994). Nếu chúng ta coi thế giới của người đã khuất là một biểu trưng được ý tưởng hóa (nhưng không đầy đủ) về thế giới của người đang sống, sự đặc biệt này có thể phản ánh quyền lực của những người đã khuất được chôn cất bên dưới những gò mộ trong thế giới của người đang sống. Vào trung kỳ thời đại đồ đồng, tình huống này đã thay đổi: những gò mộ trở thành điểm tập trung cho phần chôn cất kế bên. Một mặt, điều này cho thấy sự liên hệ với tổ tiên được chôn cất trong phần mộ ban đầu và xác nhận cấp bậc của họ; mặt khác, nó thể hiện một khoảng cách xã hội được thu hẹp lại đối với cá nhân đó trong sự so sánh với tập tục trước đây.

Trong nghi lễ chôn cất hậu kỳ thời đại đồ đồng, sự thể hiện mối liên quan và quyền lực này lại có vẻ bị thay đổi một cách cơ bản. Trong những bãi mộ vò, mặc dù được nhóm lại thành những nghĩa địa, các phần chôn cất vẫn được tách khỏi nhau và sự chôn cất kế bên dường như không được thực hiện: hầu như tất cả mọi người, bất kể giới tính, tuổi hay địa vị, đều có quyền được chôn ở phần mộ ban đầu (primary). Tuy nhiên, có rất nhiều kích cỡ và hình dáng của các nấm mộ ở các bãi mộ vò, của hình thức chôn cất và của vò đựng tro hỏa táng. Các bãi mộ vò, dường như mang tính dân chủ (Childe 1950: 200), trên thực tế lại phản ánh nhiều khác biệt hơn trong việc đối xử với những người đã khuất so với những gì được thấy trước đây. Những khác biệt này có thể được liên hệ với một dãy ngang nhau các địa vị trong thế giới của người sống, những địa vị mà không nhất thiết có mối liên quan tới sự chênh lệch trong quyền lực đạt được – hầu như không có phần mộ vò nào được coi la “giàu có” vào cuối thời kỳ đồ đồng – mà cũng không liên quan gì tới tuổi tác và giới tính. Một hệ tư tưởng mới đã xuất hiện cho phép trên thực tế mọi người, kể cả trẻ sơ sinh cũng được biến đổi thành những tổ tiên.
Trong diễn biến về khu định cư, chúng ta đã lưu ý một quá trình tương tự của việc gia tăng “sự cá tính hóa” – nếu chúng ta theo cách giải thích của tôi về sự thu hẹp chiều dài của trang trại khi chia nhỏ các hộ gia đình đông người thành những gia đình hạt nhân. Hệ tư tưởng mới này nhấn mạnh vào cá tính: nhưng cùng lúc, không được quên đi hay giải tán tập thể. Những bãi mộ vò dường như – thông qua sự sử dụng liên tục - đã thể hiện sự đoàn kết của một nhóm người và nhấn mạnh lịch sử lãnh thổ của nhóm đó. Sự thống nhất cấu trúc lãnh thổ cũng được thể hiện bằng sự hình thành hệ thống những cánh đồng mở rộng ở Celtic. Cả những bãi mộ vò và những cánh đồng ở Celtic có thể đều đã được sử dụng bởi cùng một cộng đồng địa phương: những nhóm gồm từ 10 đến 20 người (Waterbolk 1987; nhưng hãy so sánh với Kooi 1979: 175 người cho rằng một cánh đồng Celtic được sử dụng bởi hai hoặc ba cộng đồng người theo tập tục chôn vò tro).
Dường như vào cuối thời kỳ đồ đồng, những nhóm dòng họ, tuy vẫn là một phần cơ bản của tổ chức xã hội, nhưng không còn tạo thành nền tảng cho sự phân biệt xã hội. Quyền lực tập thể được ủng hộ của những người lớn tuổi trong dòng họ được thay thế bởi quyền lực đạt được của các cá nhân.

Hệ tư tưởng và sự trao đổi
Như tôi đã chỉ ra trước đây, những thay đổi trong hệ tư tưởng và tổ chức xã hội phải được giải thích trong bối cảnh của sự trao đổi. Bằng cách trao đổi tôi hàm ý sự trao đổi quà như là một phức hợp các giao dịch giữa người với người, và giữa con người với những thực thể siêu nhiên (Bazelmans 1996:79). Trong những diễn biến quan sát được, chúng ta đã chứng kiến sự sản xuất được gia tăng và sự dự trữ đồng, gợi ý về một sự gia tăng trong cạnh tranh để tham dự vào những trao đổi này. Trong những mô hình về uy tín, diễn biến này được xem như là một quá trình kinh tế đặt trong thế vận động bởi sự đấu tranh liên tục giành quyền lực. Từ cách tiếp cận này, việc tích trữ đồ đồng thậm chí đã được lý giải là một hành vi tính toán của giới thượng lưu để cố tình tạo ra sự khan hiếm nhằm duy trì vị thế trội của họ với tư cách nhà cung cấp đồng (ví dụ Champion và những người khác 1984:220).
Theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận này đã bỏ qua vai trò mà đồ đồng có thể đã có trong việc chỉ định một người là thành viên của một xã hội (Bazelmans 1996:21). Một thanh gươm hay một con dao cạo không chỉ đơn thuần là những biểu tượng của sự giàu sang, mà có thể còn là biểu tượng cho người đàn ông trưởng thành, cho một chiến binh (Treherne 1995). Cách tiếp cận này đặt tập hợp những đồ vật chôn theo khi mai táng và kết cấu của những kho tích trữ trong một thứ ánh sáng hoàn toàn khác, cùng với thay đổi do sự dự trữ những tập hợp đồ vật này từ các phần mộ tới những con sông và những đầm lầy vào cuối thời kỳ đồ đồng rồi lại trở về với những phần mộ vào giai đọan Hallstatt C. Những sự biến đổi phức tạp này trong hệ tư tưởng về trao đổi là một phần của một nghiên cứu rộng hơn được thực hiện bởi David Fontijn mới được bắt đầu gần đây trong bối cảnh một dự án chung của trường Đại học Leiden và Amsterdam (Fontijn: đang in). Trong bài viết này tôi chỉ nhấn mạnh khía cạnh của sự cá tính hóa và sự cạnh tranh được gia tăng cũng trong những mạng lưới trao đổi.
Cho tới cuối thời kỳ đồ đồng, những người sống trong các nhóm gia đình tương đối lớn được đại diện trong mối liên hệ với thế giới bên ngoài bởi những người lớn tuổi, những người quyết định mạng lưới xã hội được tạo dựng thông qua các trao đổi. Ở Hà Lan, không có bằng chứng nào chứng tỏ những tộc trưởng đóng vai như những đại diện của bộ lạc hay tiểu bộ lạc và rồi sau đó tái phân bố đồ đồng cho những người cấp dưới, một mô hình thường được đề xuất đối với các khu vực khác.
Vào cuối thời kỳ đồ đồng, số lượng người có vai trò trong lĩnh vực xã hội, và do đó cả trong hệ thống trao đổi dường như đã được nhân lên: nhiều kho dự trữ được xây đặt hơn; tất cả mọi người đều có quyền được chôn cất trong những phần mộ riêng; những gia đình hạt nhân trở thành đơn vị hộ gia đình cơ sở. Tôi coi những diễn biến này như là một phần của cùng một quá trình. Quyền lực của những người lãnh đạo truyền thống về mặt trao đổi được thay thế bởi sự tự trị của gia đình hạt nhân. Cũng không còn sự nhất trí ưu tiên về người đại diện cho nhóm xã hội lớn hơn và sự cạnh tranh nảy sinh vì vị trí này.

Khả năng của cá nhân tạo ra những liên hệ xã hội thông qua trao đổi quà và khả năng đạt được lòng nhân từ của của các vị thần thông qua sự dự trữ mang tính nghi lễ (ritual deposition) trở nên quan trọng. Sự dự trữ mang tính nghi lễ có thể đã gia tăng bởi nó có tác dụng hai chiều: với vai trò trao đổi với các vị thần, nó có lợi đối với toàn thể cộng đồng. Vì lẽ ấy nó mang uy tín đến cho nhân vật chủ yếu, được xem như là người thương thuyết giữa các vị thần và con người. Do vậy, nhiều hơn cả những nghi lễ chôn cất, sự dự trữ mang tính nghi lễ có thể dễ vận dụng hơn. Có lẽ đó là một lý do vì sao trong nửa sau của giai đoạn giữa thời kỳ đồ đồng, sự chú trọng đối với sự dự trữ chuyển từ phần chôn cất sang kho dự trữ.
Nhưng cũng có một sự thay đổi khác được chứng kiến trong việc sử dụng đồ đồng: trong giai đoạn giữa thời kỳ đồ đồng, số lượng đồ liên quan tới mai táng trong phần mộ kế bên (của phụ nữ) gia tăng với sự trả giá bằng số đồ đồng trong các phần mộ cơ sở (của nam giới) (Lohof 1994: 110). Lohof (1994:117) lý giải điều này như là một dấu hiệu của tầm quan trọng ngày càng gia tăng của nữ giới trong xã hội:

Vị trí xã hội của nhóm không còn được chính thống hóa bởi người được chôn cất ở trung tâm phần mộ mà thông qua vị thế của những người vợ hay những người phụ nữ chiếm được nhờ có mạng lưới liên minh do những người đàn ông kiểm soát.

Mặc dù từ cách tiếp cận giới, điều này có thể không phải là một nhận định có giá trị, nhưng tôi đồng ý với Lohof về khía cạnh này. Nó đã được lý giải rằng, tách biệt với chủ nghĩa biểu tượng giới cụ thể, Đồ Đồng được sử dụng bởi phụ nữ để đánh dấu những bản sắc của vùng (Sorensen 1987; 1994b). Với tư cách biểu tượng của các liên minh và do đó cũng là biểu tượng của những trao đổi thành công, phụ nữ không che giấu bản sắc (lạ lùng) của họ, mà tự hào phô bày chúng. Trang phục có thể tạo nên một phần quan trọng trong sự tạo thành của giới nữ (xem Sorensen 1992; 1994a: 123).

Những điểm kết luận
Trong bài viết này tôi đã để lại nhiều câu hỏi chưa được trả lời: tôi hy vọng đã chứng minh được rằng sự thấu hiểu về khía cạnh xã hội và tư tưởng của xã hội thời kỳ đồ đồng là không thể thiếu đối với việc lý giải những thay đổi về văn hóa. Ý niệm này không mới nhưng thường bị quên lãng. Một số người có thể phản đối rằng, đặc biệt là đối với thời kỳ đồ đồng, hệ tư tưởng luôn luôn đóng một vai trò nhất định trong sự lý giải. Nhưng, thực chất, đó chỉ là một kiểu hệ tư tưởng : một “hệ tư tưởng tốt về uy tín” như là sự lý giải hạ bệ các cộng đồng địa phương thành những con rối trong những vở kịch quyền lực ở phạm vi châu Âu. Tôi đã nghĩ khá lâu rằng chúng ta nên thoát ra khỏi điều đó, và phân tích những cách mà đồ đồng được sử dụng để xây dựng những bản sắc (giới) và điều đó ảnh hưởng tới nghi lễ chôn cất và sự dự trữ mang tính nghi lễ như thế nào - những nguồn thông tin chính của chúng ta. Cách tiếp cận của Bazelmans 91996) và Treherne (1995) là những bước đi hữu ích.

Lời cảm ơn
Bản nháp đầu tiên của bài viết này được nhận xét bởi Jos Bazelmans, Peter van der Broeke, Erick Drenth, David Fontijn, Erick Lohof và Stuart Needham. Tôi muốn cảm ơn họ vì những nhận xét phê bình của họ. Có thể tôi đã không sử dụng tất cả những nhận xét đó, nhưng họ chắc chắn đã giúp tôi trình bày chính xác những luận điểm của mình. Bản tiếng Anh được chỉnh sửa bởi Karen Waugh (Amersfoort).

Tài liệu tham khảo, minh hoa (xem nguyên bản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét