Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Nhật ký khai quật Truông Xe (1) - Ngày đầu tiên đến thôn

Từ 7 h, cô trò cũng cán bộ bảo tàng Bình Định đã xuất phát đi Phù Mỹ. Biết là không có thời gian dừng uống cà phê, mình chạy sang quán ở sân BTBĐ mua một cốc double cho vào phích nhỏ. Thế là yên tâm cho chuyến đường 85 km.
Ăn sáng tại một quán khá xa thành phố, cháo lòng, bánh hỏi, lòng lợn... May mà không tiết canh và rượu. Cháo lòng miền Trung khác cháo lòng Hà Nội, hạt gạo một nơi, nước một nơi. Ăn cháo này lại nhớ cháo lòng tiết canh Khe Sanh năm 1990, cả cháo cả tiết canh đều lõng bõng, muốn ăn được phải có sự trợ giúp đắc lực của bánh tráng. Dù sao, món cháo và cả bánh hỏi khá ổn, nhất là có bát nước mắm trong nên những người chưa quen vẫn có thể ăn mà không ngại lắm cái vị ngọt đậm của nước chấm miền Trung.

Tới nơi trú vẫn còn khá sớm. Đoàn trú tại một số nhà dân. Nhà cửa ở đây khá khang trang, rộng rãi, mát. Dừa cây nhiều và lớn nhưng quả thưa và nhỏ. 

Vùng này đang khô hạn, từ tháng 2 đến giờ trời không mưa. Giếng cạn, đầm cũng cạn.

Người dân hồn hậu, phụ nữ cực kỳ mạnh mẽ, ăn nói rổn rảng và quả quyết: "Không cần đàn ông đâu chị ạ, đàn bà làm được tuốt" khi mình bàn về dân công khai quật.

Mỗi một vấn đề nho nhỏ, cả thôn không nhà nào có nhà vệ sinh. Tất cả đều "nhất Quận công, nhì...".

Ra cồn cát nhé!
Lại nhớ hồi đi Quảng Trị, cũng ra cồn cát!

NO VẤN ĐỀ!


Đại bản doanh

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Đi khai quật địa điểm Truông Xe, Bình Định

Chiều nay 3.45 cô trò mình lên tàu Nam tiến.
Mình đã ước suốt 10 năm nay (từ sau cuộc khai quật địa điểm Bãi Ông, Cù Lao Chàm năm 2000) được khai quật thêm một địa điểm văn hóa Tiền Sa Huỳnh và thời điểm đó đã đến.
Muốn hiểu được nguồn gốc và quá trình hình thành của văn hóa Sa Huỳnh, tác động của những cuộc chuyển dịch những nhóm cư dân ngữ hệ Nam Đảo giữa hai khu vực Đông Nam Á Lục địa và Hải đảo mà MTVN là cầu nối, chả có cách nào khác là phải hiểu biết thấu đáo những lớp lang văn hóa theo thời gian.
Văn hóa Sa Huỳnh dù chưa phải mọi điều ta đã biết, nhưng so với tổ tiên của VHSH là những nhóm Tiền Sa Huỳnh thì công sức và tiền bạc bỏ ra đã khá nhiều.
Vì vậy, cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa diện mạo của những dòng chảy Tiền Sa Huỳnh, mà địa điểm Truông Xe là một ví dụ điển hình.
Hy vọng, cô trò mình đại thắng!

Hình ảnh khảo sát Truông Xe năm 2010
 Văn hóa Tiền sử MTVN - "Văn hóa Cồn Bàu" (GS. Trần Quốc Vượng )
 Cồn một bên và bàu một bên
Mỗi lần khai quật là một lần thêm năng lượng để yêu nghề!

Họ không phải là trẻ con!

Mình không phải là fan của trang TDN và cũng từng không đồng ý với nhiều bài của nhà báo bỏ báo viết blog này. Với bài viết này thì khác, mình cho rằng góc nhìn của Trương Duy Nhất trong bài này rất được.
Trên fb, trên blog và ngoài đời, mình thấy rằng rất nhiều người chân không đi biểu tình nhưng lòng biểu tình, rất nhiều bạn bè mình đồng tình với biểu tình và hầu như ai cũng lắc đầu ngán ngẩm với kiểu hành xử của CQ Thủ đô.
Kiểu hành xử thế này chỉ tạo ra hiệu ứng ngược thôi!
Mình cũng mặc áo No-U và chắc chắn chả ai có thể "kích động, xúi giục" mình cả!
Và cũng đừng ai thuyết phục mình yêu nước phải đúng cách! Nhá! 
Mỗi người yêu nước và thể hiện tình yêu đó theo cách của mình!

Bài của Trương Duy Nhất

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Dọc đường khảo cổ (4) DỰ ÁN TINH

Tuần trước nhân việc hiếu của bộ môn và khoa, cả đoàn hơn chục thầy cô đi lên vùng trung tâm của Đất Tổ - Đất Vua Hùng, xe 12 chỗ, gầm cao vừa phải, tuy không phải dạng “nồi đồng, cối đá”, nhưng cũng “trên từng cây số” bươn chải nhiều lần đủ các cung đường đất nước.
Đường lên Việt Trì bây giờ vô cùng thuận tiện và các thầy trên xe bắt đầu cơn hồi cố, hoài tưởng cái thời chưa xa, cái thời mà sức trẻ bất chấp đói cơm, thiếu áo, đạp xe hàng chục cây số có khi chỉ vì một tiếng gọi mơ hồ của trái tim… Từ những chuyến đi xa như thế này, nhiều câu chuyện “thâm cung bí sử” hay chính xác là lịch sử cá nhân người thật, việc thật của những người liên quan đến lịch sử vừa thật vừa giả được phát lộ hết sức ngẫu hứng.
Xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh nơi đoàn đến có địa điểm khảo cổ học đặc biệt quan trọng và là một trong số di tích khảo cổ học hiếm hoi được xếp hạng DI TÍCH CẤP QUỐC GIA – DI TÍCH XÓM RỀN, MỘT DI TÍCH KHẢO CỔ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG CỦA THỜI ĐẠI ĐỒ ĐỒNG VIỆT NAM (cũng là tên một chuyên khảo của PGS.TS. Hán Văn Khẩn, người dành cả cuộc đời cho khảo cổ học quê cha đất tổ).
Biển chỉ dẫn vào di tích Xóm Rền bạc màu mưa nắng, nửa kín, nửa hở sau vòm lá, đảm bảo nếu không phải là người làm khảo cổ học chuyên về thời đại kim khí ở châu thổ BB thì không ai có thể đoán biển hiệu này chỉ cái gì.
Đường vào Xóm Rền – Chạ Chủ, Làng Chủ hay “Thủ đô đầu tiên của thời các vua Hùng” mang đặc trưng của những con đường đất niên đại những năm 60 của TK 20, người cầm lái vĩ đại hôm nay được một phen thử thách.
Di tích đặc biệt quan trọng Xóm Rền thuộc cấp quốc gia nhưng những gì quanh di tích xem ra vẫn ở tầm xóm!
Mọi người nhắc lại chuyện vua Hùng kén rể, chuyện anh Sơn Tinh đấu với anh Thủy Tinh, chuyện vua Hùng thiên vị, chuyện Mị Nương bị ép yêu...
Sơn Tinh hay Thủy Tinh anh thắng lẫn anh thua, khung cảnh hàng ngàn năm nay vẫn thế. Vẫn những ngọn đồi bát úp, mỗi quả đồi là một ngôi nhà, vẫn những vườn cây lâu niên, mít, nhãn xen lẫn cây rừng, vẫn những thửa ruộng trăm mảnh, bờ ruộng càng ngày càng nhọn, đến rắn nước cũng không còn chỗ để trú nói gì đến chỗ cho người đi, vẫn những hàng rào cây um tùm, ít tỉa tót, kiểu hàng rào đã biến mất không còn dấu vết ở những làng đồng bằng, bất kể ven đô hay xa đô…
Và con người vẫn chân chất, hồn hậu như hàng ngàn năm trước.
Có ai đó trong xe chợt nhắc: “Phải xin dự án làm đường vào Làng Chủ thôi, không thể để đường đất như thế này”.
Vua Hùng bây giờ kén rể, Ngài sẽ chả chọn SƠN TINH vs THỦY TINH! DỰ ÁN TINH cầm chắc sẽ đánh bại mọi đối thủ.
Ôi, cái thời của DỰ ÁN TINH!

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Chuyện ở cổng Đồn công an Mỹ Đình 1 (Mễ Trì, Hà Nội)

Blogger Gốc Sậy


Hôm Chủ nhật vừa rồi, nhà cháu không tham gia biểu tình được. Chẳng có lý do “sang trọng” như nhiều bác khác (dù nhà cháu cũng được cơ quan gọi điện chuyển lời an ninh phụ trách viện rồi anh công an khu vực điện hẹn gặp). Chuyện của nhà cháu nói ra thì thật xấu hổ: chỉ vì ham ăn nhậu (quên cả hẹn với anh Bình hộ khẩu, mai mốt gặp phải xin lỗi cho phải phép).
Chiều thứ Bảy, nhà cháu đi ăn với vài người bạn. Trời mát, uống rượu rất ‘vào’, nhưng rồi cũng phải tan sớm, để về ngủ, mai còn đi biểu tình chống TQ gây hấn ở Biển Đông.
Lúc chia tay, nhà cháu đùa: “Tiên sư anh Tào Tháo, không bắt giữ ngư dân Việt đánh cá ở VÙNG ĐÁNH BẮT CHUNG, đòi chuộc hơn 6.000 USD có phải mình được một buổi chiều vui dài hơn”.


Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Dám làm, dám nói…dám nghe

Trần Quốc Vượng
(tạp chí Tia Sáng, xuân Nhâm Ngọ 2002)

        Lại nói chuyện Nguyễn Khắc Viện tiên sinh vừa được truy tặng giải thưởng quốc gia. Khi bàn về trí thức, ông bảo : “Trí thức là người không chỉ giỏi, chỉ chuyên sâu vào một nghề chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chung về vận mệnh nước nhà”.

          Giáo sư Hồ Đắc Di chẳng hạn, từ thời thuộc Pháp, ngài đã được chọn dạy đại học Y khoa. Rồi thời dân chủ cộng hòa, ngài được Hồ chủ tịch mời phụ trách toàn ngành đại học, được dân bầu là đại biểu quốc hội, lại được quốc hội bầu vào ban thường vụ quốc hội. Tôi dạy đại học tổng hợp Hà Nội từ 1956, thi thoảng được gần ngài. Ngài rất tốt, rất hiền, nhà ông anh (là cụ Hồ Đắc Điềm) có cái trống đồng, bà cụ dùng đựng than. Ngài bảo : “Anh cho chỗ thằng Vượng đi, nó dạy khảo cổ, cần có trống đồng để chỉ bảo cho sinh viên. Bác Điềm cho liền, nay là tài sản của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Họp thường vụ quốc hội, bác Hồ Đắc Di nêu ra một nghịch lý:
           Xu hướng chung của nhân loại là đô thị hóa, sao chúng mình làm ăn thế nào mà lại nông thôn hóa đô thị Hà Nội? Cái vườn hoa trước cửa bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung lại đi trồng rau lang? Quanh các lớp của đại học Văn khoa (Văn Sử) lại đi trồng rau, các chị cấp dưỡng tưới nước giải bón rau, mùi khai theo gió bốc vào mũi thầy trò, anh Vượng gặp tôi kêu ca quá. Rồi lương trí thức hông đủ ăn, cô giáo phải đi buôn gà ở chợ ga, cứ đội nón sùm sụp vì xấu hổ sợ “học trò phát hiện”, thì giờ đâu mà đọc sách, soạn bài lên lớp cho tử tế !”
Cái luận điểm chống “nông thôn hóa đô thị” của cụ Hồ Đắc Di thật là tuyệt, nhằm chống lại cái “phản định nghĩa” của dân gian một thời :
Trí (Chí) là họ của anh Phèo
Thức là phải biết nuôi heo trong nhà

             Lại như giáo sư Hoàng Tụy, nổi tiếng giỏi toán, đi dạy ở nhiều nước về điều khiển học, vận trù học. Nhưng anh Hoàng Tụy đâu thiết về cái nền “kinh tế bao cấp” như ông Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Phú Thọ vậy, đã dám biên thư cho trung ương nói rằng : đấy không chỉ là khuyết điểm mà là khuyết tật trong cấu trúc. Cần xây dựng một cấu trúc kinh tế mới (nay ta gọi là kinh tế thị trường có định hướng XHCN) chứ không phải chỉ là sửa những khuyết điểm lặt vặt.

             Ba năm trời tôi vào Định Công – Thanh Hóa, ban ngày khảo cổ, ban đêm khảo kim, rồi dám lên tỉnh ủy Thanh Hóa phân tích là “mô hình Định Công sẽ phá sản”. Vừa qua, Trường Sơn, Phạm Tấn viết báo nhắc lại chuyện cũ ấy ở thập kỷ 70 thế kỷ trước.

              Ấy đấy, lại còn GS Nguyễn Văn Chiển, chuyên gia lớn về địa chất nhưng phân tích rạch ròi về “tứ giác nước ” Long Xuyên, phản đối hệ thống thủy lợi áp đặt từ miền Bắc để mùa khô nước mặn theo kênh rạch tràn vào, làm hỏng đất đai phì nhiêu miền Tây, phải “sống chung với lũ”, lũ dọn vệ sinh cho đồng ruộng, lại bồi phù sa tăng độ phì hằng năm. Lên Tây Nguyên thì anh bảo phải giữ rừng là thế mạnh. Đó cũng là ý kiến của anh Nguyên Ngọc, “mất rừng là mất Tây Nguyên”.

              Hễ có chuyện, giới trí thức lại nêu chuyện cụ Chu Văn An thời Trần, đăng phụ trách đại học (Quốc tử giám), thấy bọn quyền thần lạm quyền, tham nhũng, dâng vua “thất trảm sớ” xin chem. 7 kẻ quyền cao chức trọng mà vô tài, thất đức. Vua Trần Dụ Tông không nghe, ông treo mũ áo từ quan ở nhà trường về vùng Chí Linh bán sơn địa làm Tiều ẩn, mà vẫn làm thơ nặng lòng “ưu quốc ái dân”. Có nhũng người, chuyên môn đâu đến nỗi tồi, nhưng trước vận nước, trước lãnh đạo, cứ “ngậm miệng ăn tiền giữ chức”, Nguyễn Khắc Viện tiên sinh không coi họ là trí thức. Kể cũng phải !

               Lý ra “nói phải sĩ vãi cũng phải nghe” thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng “ngựa hay nào mà chả có tật” ! Tôi được đọc bức thư của chúa Trịnh Sâm gửi Ngô Thì Nhậm, đại ý nói : Ngươi là kẻ có tài mà cũng nhiều tật ! Tả hữu khuyên ta không dùng ngươi. Cỗ xe quốc gia không có ngựa hay kéo chạy cho nhanh, kiều ngựa kỳ, ngựa ký. Ta đành dùng bọn ngựa kéo xe muối, gọi da, bảo vâng, nhưng chúng nó kéo xe quốc gia đi chậm, trì trệ. Khi ta hối thì đã chậm mất rồi.
         
              Vua Lê chúa Trịnh đào tạo Ngô Thì Nhậm, không biết dùng. Và để vua Quang Trung sáng suốt sử dụng, được bao nhiêu là việc.
             
               Ấy đấy, “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng người cầm quyền thường không ưa trí thức có tài vì hay nói ngang, nói thẳng, không được lòng cấp trên.

              Ông nhạc sĩ Đặng Hồng thạo tử vi bảo : nước ta là “hóa kỵ quốc”. Trí thức mặc bệnh đố kỵ lẫn nhau, không ai chịu ai, nói xấu nhau, loại trừ nhau. Mà lại cứ nhè ton hót nói xấu nhau trước mặt lãnh đạo, để lãnh đạo trọng dụng mình chứ không dùng “bọn ngang bửa”. Thì kết quả nhãn tiền : cỗ xe quốc gia vẫn chạy, nhưng chạy chậm, trục trà trục trặc.
           
              Trang Tử trong Nam Hoa kinh bảo : châu chấu có thể làm xe nghiêng đổ đấy. Và dân gian đã “dân gian hóa” ý tưởng triết học cao siêu của Trang Tử bằng câu nói nôm na:
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng

               Lũ châu chấu, là bọn Kim Phụng, Năm Cam, Phúc bồ, Khánh trắng…đấy. Chứ còn ai vào đấy nữa…

>> Mình tin rằng, nếu giáo sư Trần Quốc Vượng còn sống tới hôm nay, chắc trong câu kết ông sẽ không nhắc tới bọn tôm tép này...

Copy từ Fb của Tùng Vẹt. Câu kết của TV.

MÙA LỄ HỘI TÂY NGUYÊN

LINH NGA NIÊ KĐĂM

Không ở đâu có nhiều lễ thức như ở Tây Nguyên. Do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” nên bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất và đời sống con người đều phải có sự cầu xin để được cho phép của các Yang. Xong việc, được việc phải tạ ơn. Vi phạm luật lệ cộng đồng khiến các yang nổi giận phải tạ tội… từ đó mà diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội.


Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Dọc đường khảo cổ (2) Cua đá Cù Lao Chàm

Hồi bé, mình thích bài hát “Cồn Cỏ ấy có con cá đua là con cua đá, nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, nó có 8 cái que có 2 cái càng…”! Trong hình dung thơ bé của mình, con cua đá chả khác gì con cua đồng (mà mình rất thích theo chúng bạn móc tìm giữa trưa hè lội ruộng, nước bốc khói) nhưng có màu ghi đá và tưởng tượng các chú bộ đội Cồn Cỏ nấu món riêu cua có màu đá!
Năm 1999, cùng Thầy và cán bộ Ban QLDT Hội An ra đảo Cù Lao Chàm đào thám sát di tích Bãi Làng. Suốt chuyến đi, mình dũng cảm, kiên cường chống lại cơn say sóng (vì đi vào ngày biển không yên),  Thầy không khen thành lời, nhưng gật gù ra điều yên tâm, không như lần ra đảo Hòn Tre, Nha Trang, mình say oặt ẹo, chả còn tí tư cách khảo cổ nào!  
Đoàn tá túc tại quán cà phê nhà cô Lệ, nhà tầng duy nhất ở đảo, tất tật cả lãnh đạo, cả thành viên, giáo sư, tiến sĩ, cử nhân ngủ trên tầng 2, lấy nghế nhựa ngăn bên nam, bên nữ cho lịch sự (cũng vụ ngủ tập thể thế này, năm sau khi khai quật Bãi Ông, mình bị chuột cắn vào chân và được một bạn đồng nghiệp giải thích vì chân mình đã ngáng đường đi của chuột! Thực hư không biết thế nào, nhưng từ sau khi bạn lấy mảnh gỗ chắn ngang cửa, chân mình an toàn hẳn).
Buổi trưa hôm ấy đoàn được ăn cua đá, vú sao và vú nàng. Nhưng đâu rồi những con cua đá xinh xinh màu đá thời xưa của mình! Cua đá ở Cù Lao Chàm - TO, ĐỎ AU, CHẮC NỊNH. Lần đầu tiên có cua tươi và ngon như thế, mình ăn hơi nhiều!
Và mình say cua đá, say đến nỗi cả buổi chiều ở hố khai quật, mình chếnh choáng, nôn nao, những hiện vật khảo cổ cứ nhảy múa lung tung, lời Thầy mình nghe câu được, câu chăng, hố có vuông góc hay không, mình không cần biết. Ai cũng nghĩ mình bị say đất, say bờ. Chả ai ngờ mình lại say cua - say cua đá. Mãi đến chiều tà, khi phát hiện ra mảnh vò gốm Islam (được xác định là lớn nhất trong số những mảnh gốm Islam thế kỷ 9-10 phát hiện ở Việt Nam) mình mới tỉnh.
Thật là, say cái gì không say, lại say cua đá!

Cách đây 2 năm, mình ra lại Cù Lao Chàm, người đông hơn, nhà nhiều hơn, xe cộ tấp nập hơn, cua đá, vú sao, vú nàng hiếm hơn, nhưng cô Lệ chủ quán cà phê vẫn nhận ra mình, cà phê nhà cô vẫn ngon như thế và nước tự chảy ở Cù Lao Chàm vẫn trong và mát như thủa khai thiên, lập địa!
Nhưng, vẫn chưa biết con cua đá Cồn Cỏ trong bài hát tuổi thơ có giống như con cua đá Cù Lao Chàm làm mình lảo đảo suốt một chiều?

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

TÍN NGƯỠNG TỨ PHỦ- NHỮNG GIÁ TRỊ VÀ HIỆN THỰC

Xin được thưa trước, bài viết là những tổng kết, trải nghiệm của nhiều năm điền dã ở hệ thống các đền phủ thờ Mẫu, là sự đúc kết qua rất nhiều cuộc phỏng vấn các chân đồng, cung văn lão thành trên nhiều địa bàn. Đây là góc nhìn tham chiếu của người nghiên cứu khoa học, không có ý ca ngợi cổ súy hay bài bác niềm tin tín ngưỡng.

BLOGGER GỐC SẬY: BIỂU TÌNH YÊU NƯỚC NGÀY 14/8/2011 VÀ MỜI RA CÂU ĐỐI


Thức tới gần sáng nên nhà cháu chỉ kịp xuống nhà ăn vội bát phở, chẳng dám ngồi uống cà phê.

Vòng qua chỗ bến xe buýt đối diện “Hàm cá mập”, thấy 2-3 chiếc để biển “XE HUY ĐỘNG” đỗ choán cả chỗ xe đón khách. Đến ngang chỗ tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã thấy xe của “Lực lượng Bảo vệ” (LLBV) đỗ ngang.

Đi đến khu tượng đài Cụ Lý Thái tổ đã thấy khá đông bà con. Nhà cháu được bắt tay hỏi han chuyện ốm đau hôm Chủ nhật trước. “Thanh Minh-Phương Nga” một hồi, nhà cháu sang đứng trước tượng Cụ Lý, chắp tay khấn xin Trời đừng có mưa. 

Các cụ Ngưu Lang-Chức Nữ gặp nhau bây giờ khóc to quá thể, chẳng giống mưa Ngâu như trước đây. Sáng thứ Bảy, rõ ràng đang nắng rực rỡ thế mà bỗng ào một trận rõ to, mãi mới ngớt. Và cũng thật lạ, sáng Chủ nhật Trời cũng có lúc kéo mây, NHƯNG RỒI KHÔNG MƯA

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

VẤN ĐỀ MỘ TỔ NHÀ LÝ – TÌM HIỂU LẠI QUA THIỀN UYỂN TẬP ANH.

Nguyễn Hùng Vĩ.
Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội

     Việc phát hiện bản dập tấm bia Hoa Lâm tam bảo thị do Thượng thư Đồng Nhân Phái soạn vào năm 1656 thời nhà Lê đã khiến chúng tôi viết hai bài nghiên cứu đưa ra nhận định về quê gốc của Lý Công Uẩn là ở Mai Lâm và quê gốc của mẹ ngài là Phạm Mẫu là ở Dương Lôi. Trong nhiều năm quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, tài liệu Thiền uyển tập anh, tác phẩm được tập hợp vào thời Trần và có bản in xưa nhất còn lại là bản in vào năm 1715 thời Lê, có những thông tin trực tiếp liên quan đến phủ Thiên Đức, đến vị trí ngôi mộ Hiển Khánh đại vương (bố Lý Công Uẩn), là tài liệu thật sự đáng lưu tâm. Và cũng chính ở tài liệu này, vấn đề mộ Hiển Khánh vương trên đất Hoa Lâm (tức Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội ngày nay) một lần nữa được Thiền uyển tập anh khẳng định.


   

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Những bộ xương hé lộ cuộc thảm sát người Viking ở Oxford - Oxford Viking massacre revealed by skeleton find

Evidence of a brutal massacre of Vikings in Oxford 1100 years ago has been uncovered by archaeologists. At least 35 skeletons, all males aged 16 to 25 were discovered in 2008 at St John's College, Oxford. Analysis of wound marks on the bones now suggests they had been subjected to violence. 
Chứng cứ về cuộc thảm sát tàn bạo người Viking ở Oxford cách đây hơn 1100 năm đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy. Ít nhất 35 thi thể, đều là nam giới trong độ tuổi từ 16 đến 25 đã được phát hiện năm 2008 tại St John's College, Oxford. Những phân tích dấu vết thương tích trên xương vừa rồi cho thấy, họ là nạn nhân của bạo lực. 
Evidence suggests the men were running away from their attackers [Credit: BBC]
Chứng cứ cho thấy những người đàn ông đang chạy trốn khỏi những người tấn công họ (Nguồn: BBC)

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

Dọc đường khảo cổ (1)

"Khoai lang đất cát, khoai lang sùng.
Lấy vợ khảo cổ, lấy cô khùng sướng hơn".

Năm 2000 mình đi khai quật ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Một bữa, mấy bác lãnh đạo huyện cho mình bám càng xuống xã. Trên đường đến trụ sở UBND xã, thấy dải cồn cát đầy tiềm năng mình mê tít.

Đến nơi, sau màn chào hỏi, mình nói với anh trưởng đoàn: "Các anh họp ở đây đến trưa ạ, em sẽ ra ngoài đi loanh quanh cồn cát một chút, em thấy dãy cồn này có vẻ nhiều chuyện lắm". Anh trưởng đoàn hơi ngần ngừ, mình vội an ủi: "Em đi gần thôi, đúng giờ ăn trưa là có mặt".

Lần theo những mảnh gốm Chăm cổ ẩn hiện trên bề mặt những cồn lớn, cồn nhỏ, mình không còn ý niệm về thời gian và tiết trời miền Trung tháng 7. Đến lúc bụng réo mới giật mình quay về.
Lúc về, chả dám cúi xuống nhặt thêm bất cứ gì nữa mà vẫn trễ gần 1 tiếng.

Ngại nhất là cả khách huyện, khách xã đều đang chờ cơm. Tính mình vốn háu đói nên biết chờ cơm khổ thế nào.
Lúng búng xin lỗi quan khách, mình ngồi vào mâm. Đói quá và cỗ toàn hải sản tươi nên chỉ sau 5 phút chả còn tí áy náy nào!

Ăn xong, mọi người ra bàn uống nước và bắt đầu câu chuyện mình đi đến đâu, thấy cái gì.
Kể lại hành trình, giơ ra một túi những mảnh là mảnh. Mọi người hết nhìn túi gốm lại quay sang nhìn mình.

Anh trưởng đoàn (chủ tich HĐND huyện) tủm tỉm:
"Khoai lang đất cát, khoai lang sùng (hà).
Lấy vợ khảo cổ, lấy cô khùng sướng hơn"!

Viết note này nhân ngày sinh của trụ cột nhà mình (13.8)!
Và xin tặng note này cho những bà, những cô đã và sẽ theo nghiệp khảo cổ, lịch sử.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

EM RA THĂM BẾN CẢNG, THĂM CHÚ Ở HẢI QUÂN

EM RA THĂM BẾN CẢNG, THĂM CHÚ Ở HẢI QUÂN


"Học kỳ Hải quân" dành cho cả bé lẫn... lớn
Mai Thanh Hải Blog - Một trong những "mơ ước lớn lao" của nhóc tỳ nhà mình là lớn lên, sẽ vào bộ đội Hải quân để "lái tàu chiến, đuổi... tàu khựa". Chính vậy nên khi mình hứa: "Cuối tuần, đưa cả 2 chị em xuống chơi bến cảng với các chú Hải quân", các nhóc nhà mình nhảy tưng tưng, hò reo "Ầu Zê" ầm ĩ khiến cả nhà lườm đến rách mắt: "Dê gà cái gì?". Quát vậy thôi, chứ cũng vui lây khi con thích những điều mà nhiều trẻ khác không thích (ví như: Xem hạ cờ Tổ quốc buổi tối ở Lăng Bác; thăm quan Quảng Trị - Đồng Lộc, không chịu ngồi trong xe mà cũng lon ton theo ba mẹ, đội nắng xuống thắp hương cho các Liệt sĩ...) và cảm nhận là con đã lớn, có ý thức dân tộc - yêu đất nước, không thờ ơ với những gì người khác dành cho mình.

Gái cả đứng trước biển, lúc hoàng hôn

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

HÒA THƯỢNG TỐ LIÊN: LỄ VU LAN KHÔNG ĐỐT VÀNG MÃ

 

Hòa thượng Tố Liên



Nguyên nhân tục đốt vàng mã
Hòa thượng Tố Liên


Tục chôn người chết nước Tàu về đời thượng cổ, một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan ván, lại cũng không khanh phần mộ chi cả. Đến đời vua Hoàng đế (2679trCN) cho rằng con cháu đối với ông bà cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan, quách để chôn cất. Trải qua đời Hoàng đế đến đời Đường Ngu, cái tục lệ chôn cất người chết chỉ có thế thôi.


Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Lần tìm dấu tích cư dân cổ

Những di vật, mộ táng được tìm thấy, phát lộ tại di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xã, xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) cho thấy, nơi đây từng là làng cư trú của cư dân thời kỳ văn hóa Đồng Đậu, đầu Gò Mun và là nơi chôn cất người chết của người Đông Sơn.
 
Phát hiện nhiều di vật và mộ cổ

Đoàn khai quật đang tiến hành giải phẫu bộ xương 2.000 năm tuổi - Ảnh do đoàn khai quật cung cấp



Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Một nửa đàn ông Châu Âu mang DNA của Tutankhamen - Half of European men 'share Tutankhamun's DNA'

Up to half of all Western European men are related to Egyptian pharaoh Tutankhamen, geneticists in Switzerland have claimed. 
Hơn một nửa số đàn ông Tây Âu có liên quan đến Pharaon Ai Cập Tutankhamen, những nhà di truyền học ở Thụy Sĩ tuyên bố



Sách mới về Khảo cổ học và Di sản Văn hóa

Giáo trình Cơ sở Khảo cổ học in lần thứ 2

Nhóm tác giả - Thầy cô Bộ môn Khảo cổ học biên soạn dựa trên cuốn Cơ sở Khảo cổ học của Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Về Nghi án nhà Mạc DÂNG ĐẤT- BÁN NƯỚC

TS. NGUYỄN HỒNG KIÊN (VIỆN KHẢO CỔ HỌC)

Đọc  bài của bác Lê Mai: Sự nhu nhược của triều đình có nhắc tới chuyện  NHU NHƯỢC của 2 triều đình nhà Mạc và nhà Nguyễn.

Chuyện của Nhà Nguyễn xin nói vào dịp khác, trong entry này, nhà cháu xin nói về Nghi án của Nhà Mạc.

Bác Lê Mai viết:

Nhớ lại chuyện họ Mạc cầu viện vua Thanh để chống vua Lê, đã không được gì mà còn phải chịu mất nhiều động sáp nhập vào TQ. Trong buổi nộp sổ đinh sổ điền trên biên giới, họ Mạc phải tự trói mình bằng lụa quấn cổ và phải đi chân đất đến quỳ lạy đại diện của nhà Thanh. Họ Mạc làm mất danh dự dân tộc đến nhường ấy. Mối nhục thật khó tưởng tưởng nổi!

Không rõ bác Lê Mai đọc sử nào, nhưng trong 2 bộ chính sử thời Lê và thời Nguyễn, nhà cháu đọc lại thấy chuyện không hoàn toàn như vậy.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Ui giời ơi, tin khảo cổ như thế này sử liệt là đúng!

Báo SGTT đưa tin và sau đó anhbasam đưa lại

Phát hiện 2 bình gốm Chăm cổ thế kỷ VII-VIII
SGTT.VN - Ngày 3.8, bảo tàng Quảng Bình cho biết, tại nhà riêng của một người dân xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, gần đèo Ngang vừa phát hiện hai bình gốm Chăm cổ quý hiếm.
Theo đó, một chiếc có hình hũ đáy tròn, thân chế tác như quả bầu, cổ cao, có hình hoa mai năm cánh, trên cánh hoa có 3 hình vành cung xếp cách đều nhau, kế đó có hai đường kẻ ngang, giữa các kẻ ngang có hình xếp đều như vảy cá, phần cổ bình có hoạ tiết nổi, miệng bình loe to. Bình cao 32cm, đường kính miệng 16cm, có màu nâu đậm, được chế tác thủ công bàn bằng xoay tay.
Một chiếc khác có hình thù như quả bầu, cổ cao, tay cầm rộng, hoạ tiết hình lá. Bình cao 75cm, đường kính miệng 13cm, đường kính đáy 20cm, quan sát cảm quan thấy có hình thù của kiểu gốm Chăm cổ.
Các chuyên gia của bảo tàng Quảng Bình nói hai hiện vật trên có niên đại từ thế kỷ VII-VIII. Địa bàn tìm thấy hai bình cổ trên từng một thời có sự hiện diện của người Chăm sinh sống quần tụ rất đông đúc.

tin, ảnh: Quốc Nam
 

Bình gốm cao hình quả bầu eo, có niên đại rất lâu.

 
Bình gốm thấp đẹp, được nhận định quý hiếm.
http://sgtt.vn/Van-hoa/148849/Phat-hien-2-binh-gom-Cham-co-the-ky-VII-VIII.html

Đến chết vì những kiểu đưa tin thế này. Phát hiện ở nhà dân, không có nơi chốn cụ thể, không có tầng văn hóa, không có tiêu chí so sánh ( chỉ dựa vào cảm quan) mà cán bộ bảo tàng xác định cứ như thật.
Đúng, đây là những bình gốm Chăm, nhưng là Chăm dân gian thời nay, làm ở Bàu Trúc và niên đại thời Nguyễn (Nguyễn Minh Triết). Những kiểu gốm này được làm bằng tay và nung ngoài trời.


Một số ảnh gốm Chăm Bàu Trúc lấy từ mạng Internet




 Và đây là hình ảnh chụp gốm Chăm thế kỷ VII-IX (hiện vật của Bảo tàng Đà Nẵng, khai quật ở Trà Kiệu và Nam Thổ Sơn)



Trình cán bộ bảo tàng Quảng Bình, phóng viên, biên tập viên và tổng biên tập báo SGTT như thế này thì chuyện thi lịch sử lắm điểm 0 cũng là dễ hiểu.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Tracing the Austronesian Footprint in Mainland Southeast Asia: A Perspective from Mitochondrial DNA.


Trên Internet lưu hành văn bản (xem nguyên bản tiếng Anh dưới đây) về nguồn gốc của người Chăm, chủ nhân của Vương quốc Champa cổ đại

Tạm dịch ý của văn bản
Các nhà khoa học ở Côn Minh, Trung Quốc đã phân tích ADN của 168 người Chăm và 139 người Kinh và đi tới kết luận rằng người Chăm có mối quan hệ gần gũi với cư dân Mon-Khmer ở Đông Nam Á lục địa hơn là với cư dân Đa đảo ở Đông Nam Á Hải đảo.

Những câu hỏi đặt ra
Vấn đề là người Chăm mà các nhà khoa học lấy mẫu ADN là người Chăm sống ở vùng nào, vì thực ra cư dân của vương quốc Champa cổ đại có lẽ không chỉ là người thuộc ngữ hệ Nam Đảo mà cả người thuộc ngữ hệ Nam Á.
Để biết nguồn gốc của người Chăm - chủ nhân của vương quốc Champa, cách duy nhất là nghiên cứu so sánh ADN của những thi thể người chết đã sống trong thời và trên địa bàn vương quốc Champa, so sánh ADN này với người Kinh, người Chăm hiện nay và một số nhóm người khác.


Bản tiếng Anh
Tracing the Austronesian Footprint in Mainland Southeast Asia: A Perspective from Mitochondrial DNA.
Peng MS, Quang HH, Dang KP, Trieu AV, Wang HW, Yao YG, Kong QP, Zhang YP.
State Key Laboratory of Genetic Resources and Evolution, Kunming Institute of Zoology, Chinese Academy of Sciences, Kunming 650223, P.R. China.

Abstract
As the relic of the ancient Champa Kingdom, the Cham people represent the major Austronesian speakers in Mainland Southeast Asia (MSEA) and their origin is evidently associated with the Austronesian diffusion in MSEA. Hitherto, hypotheses stemming mainly from linguistic and cultural viewpoints on the origin of the Cham people remain a welter of controversies. Among the points of dissension is the muddled issue of whether the Cham people arose from demic or cultural diffusion from the Austronesians. Addressing this issue also helps elucidate the dispersal mode of the Austronesian language. In the present study, we have analyzed mitochondrial DNA (mtDNA) control-region and coding-region sequence variations in 168 Cham and 139 Kinh individuals from Vietnam. Around 77% and 95% matrilineal components in the Chams and the Kinhs, respectively, could be assigned into the defined mtDNA haplogroups. Additionally three common East Eurasian haplogroups B, R9, and M7 account for the majority (>60%) of maternal components in both populations. Entire sequencing of 20 representative mtDNAs selected from the thus far unclassified lineages, together with four new mtDNA genome sequences from Thailand, led to the identification of one new haplogroup M77 and helped to re-evaluate several haplogroups determined previously. Comparing the Chams with other Southeast Asian populations reveals that the Chams had a closer affinity with the Mon-Khmer populations in MSEA than with the Austronesian populations from Island Southeast Asia (ISEA). Further analyses failed to detect the potential homelands of the Chams in ISEA. Therefore, our results suggested that the origin of the Cham was likely a process of assimilation of massive local Mon-Khmer populations accompanied with language shift, thus indicating that the Austronesian diffusion in MSEA was mainly mediated by cultural diffusion, at least from the matrilineal genetic perspective, an observation in agreement with the hypothesis of the Nusantao Maritime Trading and Communication Networks (NMTCN).
http://www.asiafinest.com/forum/index.php?s=9427ead646a01d69f1d3fbdda5994c18&showtopic=240158&st=0&p=4611639&#entry4611639

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Giáo sư Văn Như Cương nhầm rồi!

Nguyên Ngọc
 
Sau khi đưa bài Để nhận ra cái biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử trên SGTT, mình nhận được email của bác Nguyên Ngọc gửi cho bản gốc, với lời nhắn: “Đây là bài nguyên văn, Sài gòn tiếp thị đã cắt hơn nửa bài. Tùy Lập sử dụng.” Rất mừng, xin chân thành cảm ơn bác Nguyên Ngọc đã gửi cho bản gốc, đọc rất sướng.