Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Mộ cải táng niên đại văn hóa Đông Sơn ở di tích Vườn Chuối

Tại hố khai quật số 3, nơi khó đào nhất do trũng ngập và nhiều nước mạch đổ vào, ngay ở bề mặt lớp 1 đã xuất lộ 01 cụm gốm với khá nhiều mảnh của nồi gốm Đường Cồ màu trắng xám, văn thừng dạng hạt gạo.

Mộ cải táng niên đại văn hóa Đông Sơn cách đây trên 2000 năm ở Vườn Chuối



Quy luật của Vườn Chuối là cứ thấy cụm gốm Đông Sơn tức có mộ Đông Sơn. Ít nhất điều này đã được kiểm nghiệm qua 5 trường hợp ở các hố 3, 5 và 6, hy vọng sẽ có thêm chứng cứ ở hố 1,2 đang trong quá trình đào các lớp mặt và lớp 1.

Lúc đầu, khi chỉ thấy gốm và vài phần răng cạnh cụm gốm, những người khai quật đã đoán đây là mộ ĐS giống như những mộ hung táng Đông Sơn khác trong các hố 5 và 6 nhưng đã bị phá tan tành (vì VC là nơi những kẻ đào trộm cổ vật lui tới thường xuyên và với máy dò kim loại những kẻ này đã phá hoại rất nhiều mộ Đông Sơn do họ chỉ đào một hố nhỏ móc lấy đồ đồng đem bán, bằng cách này họ đã phá tan rất nhiều xương cốt tổ tiên).

Bóc dần từng mảng đất, lần theo từng dấu xương... sự thật dần dần đã lộ ra.

Đây là mộ cải táng của một người còn trẻ, theo chuyên gia cổ nhân Kim Thủy người này (dựa trên việc xem những răng còn lại) chết vào độ tuổi từ 17 đến 25. Xương cốt và đồ tùy táng (ít nhất có 5 hiện vật đồng, 01 rìu lưỡi xéo, 02 giáo lớn nhỏ; 01 mũi tên; 01 dao găm có cán hình chữ T) được đặt trong nồi gốm lớn. Đồ đồng đặt dưới, xương xếp lên trên. Trên một mảnh gốm còn có mảnh khuyên tai hình vành khăn bằng đá. 

Một người còn trẻ như vậy mà có những đồ tùy táng có giá trị cao chôn theo!
Sẽ phải tìm tài liệu DTH so sánh, KCH so sánh... để lý giải điều này.
Diệp bảo, có lẽ là chiến binh.
Chị Thủy nói, thủ lĩnh hay sao nhỉ?
Khó quá, thủ lĩnh có trẻ như thế không, hay đây là người thuộc dòng họ thủ lĩnh?
Sẽ phải bóc tách dần dần để tìm ra câu trả lời hợp lý và khoa học!

Minh họa

Mộ cải táng giờ chỉ còn là đám đổ nát

Lần từng dấu vết

Xem răng

Đoán tuổi. Nếu may mắn tìm được răng nanh thì chị Thủy sẽ xác định được giới tính


Bên trên chiếc dao găm này có dấu vết xương người.
Một số mảnh xương bị nhiễm đồng nên có màu xanh

4 nhận xét:

  1. Hihi, mình nghĩ có lẽ người xưa tuổi thọ thấp nên họ thành danh sớm, chứ không " trẻ lâu" như bây giờ.
    Như vậy là từ xưa người Việt đã có phong tục cải táng?

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng nghĩ về giới hạn tuổi thọ người xưa, chắc chỉ khoảng hơn 40 tuổi (nếu giống với châu Âu, châu Âu thời đại đồ đồng tuổi thọ trung bình chỉ hơn 40 tuổi). Như vậy thì khoảng hơn 20 tuổi đã trưởng thành lắm rồi và người chủ nhân của ngôi mộ này xét theo số lượng và giá trị đồ chôn theo có vị trí nhất định trong cộng đồng.
    Tục cải táng không chỉ có trong văn hóa Đông Sơn mà còn có ở văn hóa Sa Huỳnh đấy. Cải táng cũng đa dạng lắm.

    Trả lờiXóa
  3. Cô Dung ơi, cháu Huy đây ạ, cháu muốn hỏi một chút. Khảo cổ mình sẽ căn cứ vào đâu để xác định là mộ cải táng ạ?
    Ví dụ hai ngôi mộ cổ ở Ciputra theo cô có khả năng là mộ cải táng không ạ?

    Trả lờiXóa
  4. Về 2 ngôi mộ cổ ở Ciputra co không có ý kiến vì cô không trực tiếp theo dõi.
    Để xác định mộ là hung táng (chôn 1 lần nguyên thi thể) hay cải táng ( chôn nguyên thi thể sau một thời gian bốc mộ đưa xương cho vào nồi đất hay tiểu sành hay bất cứ một đồ chứa nào), các nhà khảo cổ và cổ nhân dựa vào sự phân bố và sắp xếp của xương. Mộ cải táng bao giờ xương cũng được xếp gọn lại và như vậy sẽ không còn nguyên cấu trúc của một bộ xương người nguyên nữa.
    Cải táng (secondary burial hay washing bones) khá phổ biến ở ĐNA từ thời đại kim khí trở đi.

    Trả lờiXóa