Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

18.7: TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP HỘI THẢO VỀ LỄ HỘI ĐỀN TRẦN

18.7: TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP HỘI THẢO VỀ LỄ HỘI ĐỀN TRẦN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Hưng (Thời Nay)
Thưa chư vị,

Sáng nay, UBND tỉnh Nam Định và Viện VHNT VN tổ chức hội thảo khoa học: Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Hội thảo được tổ chức tại KS Vị Hoàng- là KS oách nhất của TP Nam Định. KS nằm trên đường Nguyễn Du và sát ngay tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.



BTC có tổ chức đón đại biểu HN từ chiều hôm qua tại Viện VHNT và đêm qua nghỉ tại KS Vị Hoàng. Nhưng tôi và TS Nguyễn Hồng Kiên (Gốc Sậy) sáng nay tự thuê taxi để đi từ lúc 05h sáng, và đến 07h30 đã đến KS Vị Hoàng. Chúng tôi đã lấy tài liệu hội thảo và đã nhận phong bì 300.000 đ/người. (phong bì của chúng tôi có đánh dấu xxx ở góc).

NXD-Blog dự kiến tường thuật trực tiếp cuộc hội thảo này:

08h05: hội trường đã đông đủ, không còn ghế trống. chúng tôi thấy có GS.TS Kiều Thu Hoạch, TS Nguyễn Xuân Năm (nguyên GĐ Sở VHTT Nam Định), Ông Trần Chiến Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT), PGS.TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di Sản), PGS.TS Trương Quốc Bình (cựu GĐ Bảo tàng Mỹ thuật), TS Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTTDL), PGS. TS Trần Lâm Biền, Đại diện Ban liên lạc Họ Trần Việt Nam và Ban Liên lạc họ Trần Nam Định, Chủ tịch Phường Lộc Vượng, đại diện của người dân khu vực đền Trần...

Rất đông các PV báo chí TW và địa phương cũng đã có mặt: Nguyễn Hòa (Văn hóa), Hà Hương (Tuổi trẻ), Xuân Thi (SGTT), Quang Hưng (Thời nay)...


08h10: Khai mạc

Chủ tịch đoàn: Ông Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện VHNT), Ông Đỗ Thanh Xuân (GĐ Sở VHTTDL Nam Định), bà Cao Thị Tính ( PCT TP Nam Định).

08h17 - 08h25: Bà Cao Thị Tính, PCT UNND TP Nam Định đọc lời chào mừng, ca ngợi nét đẹp của lễ hội đền Trần và khẳng định thành công của lễ hội đền Trần và lễ khai ấn cũng như những bất cập trong những năm qua.

08h26: Ông Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện VHNT) đọc báo cáo đề dẫn. Bài phát biểu của ông có lời đề nghị các PV báo chí tham dự với tư cách như những đại biểu đến dự hội thảo chứ không chỉ với tư cách phóng viên đến ghi chép và đưa tin, viết bài. Ông cũng nói, trong hội thảo sẽ phát phiếu để lấy ý kiến về 2 phương án cho lễ hội năm 2012, với cách trả lời "đồng ý"(Yes), "không đồng ý"(No)

08h35 - 08h56: Ông Lương Hồng Quang (PGS.TS) trình bày Đề án tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012. Lời phát biểu của ông cũng thừa nhận lễ khai ấn những năm qua là "hỗn loạn". Ông nói: Nếu cấm phát ấn thì tức là chính quyền Nam Định bất lực trước việc không quản lý được lễ hội. Và: "phải làm thế nào để đối mặt với dư luận?"(câu này được nhắc 2 lần), "phải cân bằng các lợi ích, tất nhiên cân bằng có nguyên tắc",...
GS. TS  Kiều Thu Hoạch và PGS.TS Đặng Văn Bài (trái). Ảnh: NXD
TS Phạm Lan Oanh. Ảnh: NXD.

TS. Nguyễn Hồng Kiên (phải). Ảnh: NXD
08h56: Tiếp theo là phát biểu của ông Trần Phúc Văn (80 tuổi) phường Tức Mặc, Tp Nam Định. Cụ đang trình bày về tâm linh và về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Cụ khen chị Bích Hằng quá trời. ...Và bây giờ cụ lại nhắc đến Bác Hồ đến đền Trần và phát biểu 1 bài, nhưng cụ chưa tìm được in ở trong sách báo nào.

Ối!, đến 09h07, cụ mới đọc vào bài tham luận, lúc trước mới chỉ là "đề dẫn". Bài cụ dài quá! 09h24 cụ mới phát biểu xong.

Ông Nguyễn Chí Bền nhắc lại lời của ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTvaf DL về việc khai ấn và lễ khai ấn đền Trần.

09h27: Đại diện họ Trần Việt Nam phát biểu. Ông nói ông thay mặt 12 triệu công dân họ Trần gửi tới hội thảo lời chúc tốt đẹp. Ông nói đã đi dự hơn chục lần khai ấn trong đêm 14 tháng Giêng. Ông nói hùng hồn như đứng trước 12 triệu người bà con họ Trần ở một quảng trường. Đến 9h40 bài phát biểu của ông mới chấm dứt.

09h41 là phát biểu của ông Chủ tịch UBND phường Lộc Vượng. 

09h55: Bài phát biểu của ông Chủ tịch kết thúc. 

09h55: Giải lao, cafe hành lang. BTC nói, các vị đại biểu dùng cafe cho tỉnh táo! Hi hii...BTC cũng dí dỏm ra phết! 
 Người Đại diện họ Trần Việt Nam với các PV báo chí.

 Ông Trương Quốc Bình trong vòng vây của báo chí trong giờ giải lao.

10h00: Hội thảo tiếp tục làm việc, với bài phát biểu của TS Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT DL. 

Ông cho biết, từ 8 năm trước, Bộ đã phê duyệt dự án 1.000 tỷ (một ngàn tỷ đồng) về lễ hội và di tích đền Trần. Ông nói việc phát ấn là cuồng tín. Không ai đưa ra một thống kê được rằng ai là người được ấn mà đã thăng quan tiến chức, ai khuynh gia bại sản, mất chức, ...Bản thân ông cũng đã vào đến hậu cung nhận ấn, đã được cán bộ tình Nam Định gửi ấn, vậy mà 10 năm vẫn không thăng chức, chỉ là Thứ trưởng đến khi về hưu. ..Ông cũng nói, quá chú trọng đến việc phát ấn, bán ấn mà bỏ qua các hạng mục khác của lễ hội.

10h40: Ông Trần Chiến Thắng kết thúc bài phát biểu.

10h41: Ông Hồ Đức Thọ phát biểu.Ông muốn việc phát ấn trong đêm 14 tháng Giêng và cả những ngày sau đó.

10h52: Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (bác Gốc Sậy) tham luận: VỀ CÁI GỌI LÀ LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN. 
TS Nguyễn Hồng Kiên phát biểu. Ảnh: NXD
Ông dẫn ra bài báo của báo Quân đội nhân dân, với 3/4 là sai. Lễ khai ấn không nói gì được về tinh thần yêu nước, không có gì nói về tinh thần thượng võ của dân tộc, của nhà Trần.

Ông nhắc là các Giáo sư: Nguyễn Quang Ngọc, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Văn Huy ...không đến được hội thảo, vì vậy ông nói, ông muốn có thời gian gấp đôi để trình bày, tức là 20 phút.

Ông nói: trước khi nói đến lễ Khai ấn thì phải nói đến cái ấn. TS Nguyễn Hồng Kiên nhắc đến các ấn tín đạo giáo bùa phép được nhắc đến trong cuốn sách Ấn chương Việt Nam của TS Nguyễn Công Việt. Cái ấn Trần Miếu Tự Điển được dùng trong việc đóng ấn chỉ là ấn tín ngưỡng và nó chỉ quan trọng đối với dân làng Lộc Vượng, chứ không có ý nghĩa gì đối với toàn quốc như cách hiểu của nhiều quan chức và người dân.

TS. Hồng Kiên: Ai đã sáng tác ra chuyện vua Trần có khai ấn, ban tước? Ai xui Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đóng ấn và phát ấn (như báo chí đã nêu)? Việc làm đó là việc của Chánh tổng Lý trưởng ngày trước ở đây. 

Tôi xin được hỏi 1 câu: Tôi được thông tin rằng có một người tên Sinh ở Xuân Trường bị chết trong lễ phát ấn. Thông tin đó đúng hay sai? Có hay không?
Ý kiến của tôi là: Đề chấm dứt việc xuyên tạc lịch sử, xin hãy trả lại lễ đóng ấn đầu năm cho nhà đền. Chính quyền các cấp không nên tham gia vào việc này nữa.

11h20 - 11h40: TS Nguyễn Xuân Năm (nguyên GĐ Sở VHTT DL Nam Định) phát biểu.Ông nói ông chính là người nghiên cứu và nâng lễ hội này đến tầm như bây giờ. Ông nói ông chưa thấy có người chết ở lễ hội đền Trần, chỉ thấy có người chết ở lễ hội Phủ Giày nhưng mà là chết vì nghẹn vì ăn oản. Còn chuyện mất giày, dép thì có. Ngay như Thủ trưởng của tôi đây, là anh Trần Chiến Thắng cũng đã từng bị mất ví và điện thoại trong lễ khai ấn đền Trần. 

Tôi tán thành phương án 2: Khai ấn tối 14 âm lịch, phát ấn ngày Rằm tháng Giêng. 

11h40: Hội thảo nghỉ, ăn trưa.
13h30: bắt đầu làm việc buổi chiều.

13h41: Hội thảo tiếp tục làm việc. Với phát biểu của TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH TT DL): Cách tổ chức hội thảo như thế này là cách mà UNESCO khuyến khích, đó là có sự tham gia của cộng đồng, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý địa phương và trung ương.

Về lễ khai ấn, tôi xin có 3 ý kiến khuyến nghị:

- Phải kiểm kê để nhận dạng các di sản văn hóa có ở đền Trần (cả văn hóa vật thể, phi vật thể).

- Vấn đề ở đây là nhận thức và thông tin: tăng cường thông tin, về giá trị đích thực của di sản. Phải trao quyền lại cho cộng đồng để họ tự thực hành, tự làm ...để nhận thức và đừng mở rộng quy mô, đừng nâng tầm lên. Nó như thế nào thì cứ để như thế! Tôi nhất trí với các nhà khoa học: Không có dấu hiệu hành chính ở lễ hội này, không phát ấn trong lễ hội đền Trần. 

- Vấn đề bảo vệ và tổ chức an toàn lễ hội là có thể giao cho chính quyền.  Và phải làm rõ trách nhiệm của từng bên (chính quyền và cộng đồng) để bảo vệ được toàn vẹn di sản đúng như nó có.

13h55: Chủ tịch Hội Sử học Nam Định đọc tham luận.
Sau đó là Nguyễn Xuân Diện.
Ý kiến của Nguyễn Xuân Diện: Những người  đau lòng vì lễ hội máy năm qua tổ chức tràn lan ,sai lệch, không phải là nơi hội tụ nét đẹp, mà đi vào lầm lạc, không cổ vũ những điều tốt đẹp. Nếu nói về lễ hội đền Trần thì có hai điều:
Tư tưởng lễ hội là gì? lễ hội đền Trần Nam Định là gì? là tinh thần của hào khí Đông A, quân dân một lòng, gác hiềm khích để lo việc nước. thể hiện ra trong các hành động để giáo dục con người. Có làm được điều đó không? Nhà Trần không nói chuyện ấn tín, coi rẻ ấn tín, Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vàng năm 35  tuổi, không thiết chức tước nói gì đến ấn tín. Tinh thần của triều Trần  phải xây dựng trên tinh thần đó.
Hội thảo khoa học thì phải căn cứ vào những căn cứ khoa học lịch sử; khảo cổ, hán nôm, chưa phát hiện được tài liệu gì hết, đúng như tham luận của TS Hồng Kiên. Nếu không có chứng cứ vào lịch sử, phải dựa vào dân gian: lễ hội nền tảng là ở trong dân gian. Khai ấn và phát ấn có hay không?
Ấn Trần miếu tự điển chỉ mới có máy chục năm nay thôi. Nhìn hình thức, biết không phải là một vật xưa. Vậy nếu lễ khai ấn là của dân gian thì trả về cho dân gian. Không nên mời các vị lãnh đạo về đóng ấn, phát ấn, dẫn đến dư luận khắp nơi hiểu sai về ấn tín đền Trần.
Phải trả lại lễ phát ấn đền Trần cho các cụ ở Lộc vượng, đóng 9 cái ấn đó là ấn tôn giáo, lấy uy của Đức Thánh Trần để trị bệnh trừ tà, ban ra cho 9 cái đền xung quanh, trừ tà sát quỷ, không có thăng quan tiến chức gì trong đó. Trả lại cho các cụ bô lão cho họ vẫn tự tiến hành, không nên tổ chức rầm rộ, nếu phát ấn tràn lan sẽ tạo thêm thói hư cho nhân dân mình. Nếu tỉnh và thành phố hay phường Lộc Vượng thua thiệt một nguồn thu, nhưng chúng ta được gì?
PV Hồng Minh của báo Nhân Dân điện tử ghi tại hội trường.
14h20: Ông Nguyễn Chí Bền yêu cầu Chủ tịch UBND xã Lộc Vượng trả lời TS Nguyễn Hồng Kiên về việc có một người chết trong lễ hội Khai ấn Đền Trần. Ông nói: chuyện ngất, mất trộm mất cắp là có nhưng chuyện người chết là không có. Tôi cam đoan là không có.

14h25: Phó Chủ tịch UBND Tp Nam Định nói: Ý kiến về việc có 1 người dân đi lễ Khai ấn chết là không có, trong suốt các mùa lễ hội vừa qua. Về nguồn thu: Địa phương thu. Sau 2000 thì TP quản lý về mặt nhà nước, còn thu là UBND Phường thu.

14h26 - 14h47: PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản. Ông nói, ông đến đây và phát biểu với tư cách cá nhân. Ông nói, phải đặt lễ khai ấn vào trong tổng thể văn hóa ở đây. Về khai ấn đền Trần, tôi muốn nói có những điều chính sử không chép nhưng dân gian thì có lưu truyền và nếu sưu tập thì sẽ bổ sung cho chính sử. Việc phát ấn, nếu dân có nguyện vọng thì chính quyền phải đáp ứng thôi.

14h47: GS.TS Kiều Thu Hoạch phát biểu: Tại sao Lê Lợi sau khi thắng quân Minh thì không có phát ấn. Vậy sao thời Trần có phát ấn. Đó là câu hỏi phải đặt ra. 

Các khoa học phải nghiên cứu liên ngành để nghiên cứu về một đề tài. Ông nói về văn hóa dân gian, về truyền thuyết, rồi tôn giáo tín ngưỡng...

15h47: PGS. TS Trần Lâm Biền phát biểu: Các anh phát biểu hết cả rồi, tôi không biết phát biểu gì nữa. Tôi chuyển vấn đề. Tại sao nhà Trần được đề cao như thế? Tại sao chỉ có Trần Hưng Đạo là thành Thánh. Lý Thường Kiệt, Lê Lợi sao không thành Thánh.

Duy chỉ có Trần Hưng Đạo trở thành Thánh, sống trong tâm thức dân gian...Ông là ai? Trần Hưng Đạo là hóa thân của Ngọc Hoàng Thượng đế tại Kiếp Bạc, với hai núi Nam Tào - Bắc Đẩu. Đức Thánh Trần có thanh gươm thiêng chém Phạm Nhan. Ông là một thầy thuốc tâm linh. Ông là người giữ công bằng xã hội, đặc biệt là các thương thuyền. Đức Thánh Trần trở thành vị thần linh liên quan đến thương mại.

Quay trở lại với lễ Khai ấn đền Trần thì, chúng ta đều hiểu lễ Khai ấn có liên quan: Khai ấn, Ban ấn, Phát ấn. Việc khai ấn của triều đình chuyển hóa vào trong dân. Khai ấn là hiện tượng khai mở cho một mùa lễ hội ở đây.

Ông nói không nhất thiết phải đi tìm trong chính sử, văn bản như TS Nguyễn Hồng Kiên. Ông cho rằng việc phát ấn cũng nên để rộng rãi hơn chứ không nên chỉ giới hạn trong giới thanh đồng nhận ấn trừ tà sát quỷ.

Chúng ta không thể nào tránh thoát được việc phát ấn. Việc phát ấn là yêu cầu của mộ bộ phận nhân dân. Đương nhiên, khi một cái gì bồng bột bao giờ cũng có những nhược điểm. Nhưng đó là chỉ là nhất thời mà thôi.

15h55: Ông Nguyễn Văn Thư, GĐ Bảo tàng Nam Định phát biểu tham luận. 
16h10: Mặc dù hai TS Nguyễn Hồng Kiên và Nguyễn Xuân Diện đề nghị BTC để được phát biểu phản biện ý kiến. Song ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện VHNT đề nghị không thảo luận nữa vì hết giờ, các nhà nghiên cứu có thể phản biện trên các diễn đàn (?). 

Tôi - Nguyễn Xuân Diện cho rằng: Bài thơ chữ Hán của Đỗ Hựu (1441 - ?), Tiến sĩ Khoa Mậu Tuất (1478) là tư liệu được Đề án Lễ hội 2012 đưa ra làm căn cứ chính cho rằng việc Khai ấn có ở tk XV, là tài liệu chưa được kiểm chứng, không đáng tin cậy, có thể là bịa đặt! 
Ông Nguyễn Chí Bền phát biểu tổng kết hội thảo. Ông nhắc đến lệnh và kết luận của Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VHTT và DL (từ sáng đến chiều nhắc khoảng 4 lần). Ông Hoàng Tuấn Anh mà là người hiểu văn hóa và có năng lực quản lý về văn hóa thì văn hóa Việt Nam không đến mức xuống cấp như thế này!

Hội thảo kết thúc lúc 16h20!

Nguyễn Xuân Diện tường thuật từ Khách sạn Vị Hoàng, Nam Định

Một số còm hay

Khách ẩn danh nói...
Cầu cho Vong linh cụ Trần Quốc Vượng hiện về để chấn chỉnh lũ ngu tối tham tiền.
Đừng lừa bịp nhân dân và xuyên tạc lịch sử nữa!
Bẩn đến thế là cùng.
lạy các Thánh Trần. Xin các Thánh hãy trừng trị lũ tham lam gian giảo này.
Kính

Phương Bích nói...
Tôi thấy nhiều giáo sư tiến sĩ quá, chỉ tiếc và buồn là trong số các bị ấy có mỗi 2 người là tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên và tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện không chỉ lên tiếng mạnh mẽ mà còn trực tiếp tham gia các đợt biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc vừa qua. Giá như ngần ấy vị giáo sư và tiến sĩ cùng lên tiếng nhỉ. Đất nước ta có nhiều giáo sư tiến sĩ thế cơ mà

Khách ẩn danh nói...
Bác Kiên là TS thật. Tiêu đề tham luận của Bác ấy đã nói lên rằng cái trò phát ấn này là nhảm nhí. Giặc đã vào trong nhà, ngoài biển, hãy học thật kỹ Hịch tướng sĩ và tuốt gươm ra. Nếu Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn có linh thiêng thì hãy về khai sáng cho nhũng đầu óc u mê của đám con cháu hư đốn này...

Thanh niên VN nói...
Ông PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản có câu phát biểu cực kì BUỒN CƯỜI và DỐT nữa:"VIỆC PHÁT ẤN, NẾU DÂN CÓ NGUYỆN VỌNG THÌ CHÍNH QUYỀN PHẢI ĐÁP ỨNG THÔI".
Vậy xin hỏi bác: Nếu bây giờ dân có nguyện vọng ĐÁNH BẠC thì chính quyền có đáp ứng không???? Rồi còn nguyện vọng chích ma túy, nguyện vọng gái gú,.. thì thế nào??? Thật là ...hết chỗ nói.
Mà theo tôi, thưa các bác bên ngành chức lăng, các nhà khoa hooc, các giáo xư, tiến xí, cái cụ "khai ấn đền Trần" có gì đâu mà phải hội thảo cho mệt người. Ai đời lại đi đổ tiền đổ của đi nghiên cứu một trò hết sức nhảm nhí do những kẻ cơ hội bày ra để lòe một lũ vô học muốn thăng quan tiến chức nhanh bằng xin xỏ, hối lộ,..chứ không phải bằng lao động chân chính. Thật là đất nước đến ngày mạt vận. Xin chân thành cám ơn các trí thức chân chính như TS NHK, TS NXD,..đang quả cảm chiến đấu cho lẽ phải và cho đất nước. QUỐC GIA HƯNG VONG, THẤT PHU HỮU TRÁCH.

Hoang Son nói:

"Việc phát ấn, nếu dân có nguyện vọng thì chính quyền phải đáp ứng thôi"
Dân hoàn toàn không có nguyện vọng, chỉ là chính quyền, BTC lễ hội quảng bá kích thích sự mê tín dị đoan cho nguời dân.
Giả sử dân có nguyện vọng thật nhưng phải hiểu đó là nguyện vọng lầm lạc, đi tìm những điều không có thực trong cái mà người ta gọi là Ấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét