TPO - Một người con của Hải Phòng vừa qua đời trên đất Pháp, để lại nhiều mất mát trong giới học giả nước ngoài chuyên nghiên cứu Việt Nam.
Cố giáo sư Georges Condominas từng đỡ đầu cho nhiều luận án tiến sĩ về Việt Nam mà nay các tác giả đều là các giáo sư đầy tên tuổi ở các nước châu Âu.
Sinh ra ở Hải Phòng năm 1921, bố là người Pháp, mẹ là người Việt lai Bồ Đào Nha, Georges Condominas từng theo học ở trường Mỹ thuật Đông Dương và nghiên cứu người Mnong Gar ở Sar Luk trên Tây Nguyên, Georges Condominas gắn bó với Việt Nam nhiều hơn là mối quan tâm của một nhà nghiên cứu.
Đối với các đồng nghiệp trong khoa học và đặc biệt là sinh viên, ông được nhớ tới như người luôn ân cần và nhiệt tình giúp đỡ, như trong những lời chia buồn trong suốt 24 giờ qua giữa các nhà Việt Nam học quốc tế hàng đầu.
Một trong số những sự nâng đỡ được biết đến nhiều nhất là những gì Georges Condominas đã làm cho người bạn và cũng là nhà nghiên cứu Việt Nam nổi tiếng Jacques Dournes, giúp ông có nơi nương tựa và nguồn sống đến cuối đời để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi công trình khoa học về người Jarai. Giáo sư Hồ Tài Huệ Tâm gọi ông là cây đại thụ trong ngành nhân học thế giới.
“Chúng tôi ăn rừng” từ nguyên bản tiếng Pháp năm 1957 cũng được Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2008. Trước đó tập bút ký “Georges Condominas ở Việt Nam” cũng được NXB Thế Giới trình làng vào năm 2007, cùng dịp với cuộc triển lãm về ông ở Bảo tàng dân tộc học Hà Nội, sử dụng các hiện vật từ cuộc triển lãm cùng tên trước đó ở bảo tàng nhân học Paris, khai trương cơ sở mới Musée du Quai Branly.
Các tác phẩm của ông là sách gối đầu giường cho giới chuyên gia dân tộc học ở Việt Nam, đặc biệt là những ai quan tâm đến Tây Nguyên. Giới nghiên cứu Lào và Campuchia cũng coi các công trình này là kim chỉ nam.
Georges Condominas là Tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn; Giám đốc Trung tâm tư liệu và nghiên cứu Đông Nam Á và khu vực Nam Đảo; Chủ tịch Ban Nhân học, Dân tộc học, Tiền sử học của Ủy ban quốc gia nghiên cứu khoa học - Phó Chủ tịch của Liên hiệp quốc tế các khoa học Nhân học và dân tộc học; Giáo sư thỉnh giảng tại một số trường ĐH ở Mỹ, Úc, Nhật Bản... |
Lê Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét