Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Phát hiện mộ (hơn) 2000 năm ở Hà Nội


Khu mộ cổ nói trên được phát hiện tại khu đô thị Kim Chung Di Trạch, thuộc huyện Hoài Đức, hiện Bảo tàng Hà Nội kết hợp với Bảo tàng Nhân học đang tiến hành khai quật. Sau nhiều ngày đào,  nhóm khai quật đã tìm được những di tích và di vật được xác định là có niên đại thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn cách đây (hơn) 2000 năm, những di vật này nằm trong và trên lớp Văn hóa Đồng Đậu cách đây 3000 năm.

Mộ cổ lộ diện


Những ngôi mộ cổ được phát hiện trong quá trình thi công khu đô thị Kim Chung, Di Trạch rộng 170, 29ha thuộc huyện Hoài Đức. Ngay sau khi phát hiện Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã cấp phép cho Bảo tàng Hà Nội kết hợp với Bảo tàng Nhân học tiến hành khai quật để bảo quản hiện vật và phục vụ kịp thời công tác nghiên cứu, đồng thời trả lại mặt bằng cho khu đô thị.
Ngày 16/06 công việc khai quật được tiến hành khẩn trương với 6 (7) hố khai quật. Bà Nguyễn Kim Thủy, chuyên gia về cổ nhân học thuộc viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Hiện ở những hố đã đào bới, nhóm khai quật đã thu được một số di vật quí giá, như các bình gốm, đồ trang sức và đặc biệt là phát hiện những ngôi mộ cổ cùng một số vật tùy táng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, lớp văn hóa này còn nằm trên và trong lớp văn hóa Đồng Đậu cách đây hơn 3000 năm.
Sở dĩ có sự chồng chéo các lớp văn hóa này là do quá trình sinh sống của các tộc người sau đào xới lớp văn hóa của các tộc người trước. Tại hố khai quật số 6 đã phát hiện có một số ngôi mộ của thế kỷ XIX chôn đè lên và cắt phá một ngôi mộ Đông Sơn. Chính điều này đã làm đảo lộn các lớp văn hóa và khiến các nhà khảo cổ gặp một số khó khăn trong quá trình khai quật. Tuy nhiên, đó cũng là một sự thú vị vì nó cho thấy quá trình di cư và sinh sống các tộc người qua nhiều thời kỳ lịch sử trên một không gian nhất đinh.
Việc khai quật những ngôi mộ có niên đại khoảng 2000 năm này diễn ra không mấy khó khăn. Người ta chỉ cần đào xuống mặt đất khoảng 30 – 50cm đã có thể phát hiện được. Đào thêm khoảng 1,5m thì nền phù sa cổ hiện hình với những dấu vết việc sinh hoạt của cư dân thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn và Đồng Đậu.
Trường hợp đặc biệt
Điểm đặc biệt của đợt khai quật này theo PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Bảo tàng Nhân học thì đã phát hiện được những ngôi mộ hung táng (tức là chỉ chôn một lần không cải táng). Năm 2009 nhóm khai quật đã phát hiện được những ngôi mộ cả cải táng lẫn hung táng ở Hà Nội, nhưng lần này mới chỉ phát hiện được những ngôi mộ hung táng mà người nằm theo tư thế giải phẫu (hiện đã có thêm 9 ngôi mộ khác, có cả mộ cải táng).
Trong những ngôi mộ hung táng có hai trường hợp gây sự chú ý đặc biệt đối với các nhà khảo cổ học. Trường hợp thứ nhất là một người được chôn với tư thế giải phẫu, bên tai phải đeo một khuyên tai bằng ngọc. Trường hợp còn lại khuyên tai lại được đeo bên trái, khuyên tai có hình vành khăn. Ở trường hợp thứ nhất thì khuyên tai bị gãy ở giữa. Ở hai điểm gãy này thấy có hai lỗ nhỏ, có lẽ chiếc khuyên tai bị gãy sau đó được tái chế lại để tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên hiện vẫn chưa thể xác định vật liệu để nối hai mảnh khuyên tai với nhau là gì. Nếu phát hiện ra điều này sẽ cho thấy kỹ thuật chế tác đồ trang sức của cư dân Đông Sơn xưa kia là rất tinh tế và đạt trình độ tương đối cao. Cả hai trường hợp này đều có chiều dài khoảng 1,5m chiều ngang 45cm, và đều được chôn kèm theo những vật tùy táng như bình gốm, nồi gốm, khuyên tai...
PGS.TS Lâm Mỹ Dung cho rằng đây là hai trường hợp rất đặc biệt lần đầu tiên phát hiện (tại Vườn Chuối). Tuy nhiên, công việc khai quật chưa hoàn tất, và mới chỉ có hai trường hợp thì chưa thể đưa ra được kết luận rõ ràng. Tuy nhiên điều này cho thấy sự phong phú trong các phong tục tập quán của người xưa. Đây là những tư liệu cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và kết hợp với phương pháp nghiên cứu dân tộc học thì mới có hình dung chính xác về những phong tục, tập quán của các tộc người đã từng sinh sống trên mảnh đất này.
Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ học sẽ phải xét nghiệm các đồng vị phóng xạ có trong xương người từ đó sẽ biết được những cư dân “đặc biệt” này ăn uống, sinh hoạt như thế nào, chẳng hạn như chúng ta có thể biết được họ ăn nhiều ngũ cốc, hay thịt từ đó sẽ suy ra được nghề chính của họ là gì.
Theo PGS.TS Lâm Mỹ Dung thì hiện chúng ta chỉ có thể đưa ra những kết luận sơ bộ thông qua những hiện vật thu thập được ở hiện trường, còn việc nghiên cứu sâu hơn nữa sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên phải khẳng định lại là, những ngôi mộ này rất quí và có thể giúp các nhà nghiên cứu mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới... còn với các nhà khảo cổ học thì mỗi một lớp đất nơi đây là một chân trời mới đáng được khám phá.
Box:
Đợt khai quật lần này được thực hiện theo chủ trương của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và UBND thành phố Hà Nội để xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch. Chủ trì đợt khai quật do GĐ bảo tàng Hà Nội là ông Nguyễn Văn Hùng kết hợp với bảo tàng Nhân học – ĐHKHXH&NV  - Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành. Với sự tham gia của PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Cổ nhân học Nguyễn Kim Thủy viện Khảo cổ học.
Quách Dương
Ghi chú ảnh:

Khai quật 1: Trường hợp thứ nhất được phát hiện có khuyên tai bên trái

Khai quật 2 : Công việc khai quật vẫn đang được tiến hành khẩn trương
 Bài trên báo Khoa học & Đời sống thứ 7 (21/7/2011) số 87.
 (Có một số sửa chữa nhỏ, chữ in nghiêng đậm)

2 nhận xét:

  1. Hay thật nhỉ. Mà trông các khuyên tai, tớ không hiểu họ đeo vào bằng cách nào?

    Trả lờiXóa
  2. Lỗ tai của họ vừa to vừa dài. Chi có nhớ những khuyên tai của các bà ngày xưa không, to và nặng nên dái tai của ai cũng chảy xệ xuống!

    Trả lờiXóa