Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Blogger Gốc Sậy: Tường thuật cuộc tuần hành yêu nước ngày 03/7/2011


Như mấy lần trước, nhà cháu thũng thẵng đi bộ từ nhà. Khoảng gần 8g đến đầu đường Điện Biên Phủ.

Ngã tư Trần Phú-Điện Biên Phủ thênh thang, không như mấy sớm Chủ nhật trước, đặc Lực lượng bảo vệ (LLBV) các ‘binh chủng’.





Trước tượng Ông Lê Nin có đặt đến mấy cái biển cấm. Cái thì cấm quay phim-chụp ảnh, cái thì “No trespassing!” Khổ thân thần tượng một thời của nhà cháu!


Giống chủ nhật trước, có mấy bạn mặc áo thanh niên tình nguyện lật phật quét lá, rác.
Nhưng hôm trước, các bạn này chỉ tình nguyện quét rác. Họ biến mất ngay khi cờ đỏ sao vàng được trương lên và LLBV thổi còi tuýt tuýt (!?)

Higlands coffee lại được/bị yêu cầu đóng cửa. Thấy một đám đông đông định tiến lại thì nhận ra đó tòan là LLBV. Mọi người chắc tản sang các quán xá khác rồi. Chẳng có chỗ ngồi, nhà cháu ngồi bệt xuống hè, chờ.
Một lát, thấy lốc-gờ Lê Dũng (không phải ông cựu phát ngôn viên bộ Ngoại giao) đi đến. Bác này tỉnh bơ thò tiền qua hàng rào sắt mua được 1 cốc cà phê rồi rủ nhà cháu vòng qua bên cổng Bảo tàng Quân đội. Mất 20.000 đồng mua 2 vé. Vào trước cửa phòng trưng bày thấy 3-4 bác trung tuổi ngồi đấy tự bao giờ. Nhà cháu đùa: – Các bác đi tham quan bảo tàng à? Bắt tay làm quen, được biết có 1 bác là đại tá công an về hưu.
Đang hàn huyên thì 1 chú thường phục  gọi 1 trong các bác ra sân, hỏi giọng rất LẠ: – Ông đi đâu đây? Bác già nhẹ nhàng nhưng thẳng tưng: – Tôi đi tham gia biểu tình ! Chú kia hơi gắt: – Thôi ông về đi, chuyện ấy để nhà nước lo!
Một bác ‘giới thiệu’: – Đấy là công an phường tôi đấy (!)

Biết là lại có yêu cầu, giải thích, tranh luận… Nhà cháu bỏ vào sân bảo tàng.


Ơ, hôm nay mới để ý thấy cạnh mấy khẩu thần công cổ có một ‘cũi sắt’ đựng mấy hòn đá tròn tròn. Phía sau có tấm biển đồng viết 3 thứ tiếng Việt-Anh Pháp, bảo đây là: “Các loại đạn đá”
Mấy hôm rồi trên nhiều báo khi viết bài về chuyện thành Nhà Hồ được công nhận là di sản thế giới, có đăng ảnh mấy hòn đá tương tự. Chú thích ảnh lại cho đó là các con lăn để vận chuyển đá xây thành: 
(CAND.com  -  24h – Bee.net) . Không biết hồ sơ trình UNESCO xin xếp hạng viết sao về loại hiện vật này?
Chợt buồn khi nhớ chuyện nhà Hồ. Cuối năm 1405, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (người chế ra đến 3 loại súng thần công) đã nói thẳng với vua cha Hồ Quý Ly: ” Thần không ngại đánh, CHỈ SỢ LÒNG DÂN KHÔNG THEO MÀ THÔI!” Và rồi nhà Hồ đã để MẤT NƯỚC.

Quay ra, đã thấy các bác già ra cổng, nhà cháu vội chạy theo. May mà không sa đà “bệnh nghề nghiệp”.
Lần lượt thấy bác Nguyễn Quang A, bác Ngô Đức Thọ được xe máy chở đến. Rồi nhận ra mấy bác (quen mặt mà chưa nhớ được tên) bên Viện Toán. Đám TỤ TẬP đông dần. Rồi quốc kỳ, biểu ngữ các loại được mọi người dương lên.


Bài “Tiến quân ca” vang lên. Cố chọn góc để chụp được cả cờ trên tay người lẫn trên  Cột cờ Hà Nội, nhà cháu thấy lá cờ đại trên đỉnh đang rủ lặng bỗng cuộn bay, nhìn rõ cả ngôi sao vàng.


LLBV lại tràn tới. Lại nổ ra tranh luận khi một bên yêu cầu rời đi, một bên ôn tồn vặn hỏi và giải thích. Thậm chí, bác Lê Dũng còn chất vấn về chuyện đặt biển cấm ở công viên và bảo: – Làm thế nước ngòai họ cười cho. Chú đại úy CSCĐ trẻ măng lúng túng thanh minh là lực lượng khác đặt. Mọi người cười ồ.


Nhưng rồi từ chân Cột cờ, tất cả dần bị dồn về phía ngã tư Trần Phú-Điện Biên Phủ. Loa trên một xe cảnh sát lại “công nhận lòng yêu nước của bà con” và lại vẫn yêu cầu “mọi người không làm phức tạp thêm tình hình”. Một chú chỉ huy cơ động khác thì bảo: – Bà con lùi ra chỗ mát mà đứng. (Chú này ‘cơ động’ quá nên nhà cháu không kịp ghi hình)
Thấy bác Thùy Linh (Sexy tất cả, trừ lòng yêu nước) cứ chụp ảnh LLBV, nhà cháu hỏi. Bác ấy bảo: – Để các chú ấy cười lên cho đỡ căng thẳng ! Đúng là nữ nhà văn kiêm đạo diễn.

Đứng đâu đó được 1 lúc rồi lại bị dồn đi, mọi người chả ai bảo ai, tự động BỘ HÀNH. Các LLBV lại đi cùng dẹp đường. Nhà cháu gặp lại cựu tuyển thủ quốc gia Lưu Thanh Châu trong sắc phục cảnh sát giao thông.

Hôm nay có nhiều biểu ngữ to, in bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh Trung.


Rất nhiều người quen cũ và mới.
Lại gặp hai bác trai dắt xe đạp. Lại gặp mấy cháu gái học sinh phổ thông, 2 cũ 1 mới.


Nhưng cũng có những bác mới gặp lần đầu. Đặc biệt là một bác gái tuổi sồn sồn rất hay hô khẩu hiệu bằng câu của các cụ răng đen: – Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Mọi người hưởng ứng rầm rầm: – Đánh!
Bác ấy còn ‘biên tập’ lại: – Giặc đến nhà đàn bà PHẢI đánh! - Giặc đến nhà TRẺ GIÀ CÙNG đánh!   Mọi người lại biểu cái đồng tình: Đánh! Đánh! Có mấy bạn trẻ hô xong cười ngặt nghẽo.


Không kịp đếm để so sánh, nhưng hình như nữ giới hôm nay nhiều hơn và NHIỆT hơn. Ngoài bác gái mới gặp (đứng giữa ảnh trên) thì cụ già người quen cũ cũng RẤT RẮN khi cầm biểu ngữ in câu của Hoàng đế Quang Trung: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ!”. Gầy nhỏ thế nhưng cụ bà này hô khẩu hiệu rất BỀN, và luôn là: “Đả đảo bành trướng Bắc Kinh”


Bé Cải hôm nay xuất hiện hơi muộn vì vướng con xe mô-kích cổ, nhưng lại có thêm một ‘đồng nghiệp lĩnh xướng’ (mặc áo hoa). Nhà cháu hỏi: – Sao đi BỘ HÀNH mà đi giày cao gót? Cô bé cười: – Cháu đi có việc, gặp đoàn là đi luôn.


Đó cũng là nguyên nhân làm đoàn bộ hành mỗi lúc mỗi đông hơn, chứ lúc xuất phát ở Cột cờ cũng chỉ được vài chục người.
Đi ngang Cửa Nam, nhà cháu thấy 1 bạn nữ (lại nữ) còn mặc nguyên đồng phục,  biển tên tòn ten đeo trước ngực. Hỏi sao dám bỏ làm, về bị đuổi thì sao? Cô bé cười rất tươi: – Thì đi làm chỗ khác. Ơ, đơn giản như đan rổ ấy nhỉ. Thế mà ối người chủ nhật được nghỉ nhưng không dám đi vì sợ mất việc đấy. Phục cô cháu gái ghê !


Bất ngờ, nhà cháu thấy “người nghệ sĩ đường phố” Tạ Trí Hải – dắt xe đạp tham gia đoàn từ lúc nào. Lúc sau, ông già gửi xe, mang đàn ra vừa đi vừa kéo.

Nhà cháu để ý thấy hôm nay dân tình xung quanh hưởng ứng rất nhiệt tình, khác hẳn hôm trước. Đây là 2 mẹ con (?) gặp ở chỗ vườn hoa Cửa Nam:


Còn 2 bác gái này ở vỉa hè đường Hai Bà Trưng đã cùng hô Đả đảo TQ gây hấn, Bảo vệ lãnh hải Việt Nam … với đòan. Có người rủ đi, bác ấy cười rất thật: – Tao phải bán hết chỗ này đã.


Không theo vòng Bờ Hồ như mọi lần, hôm nay đoàn lại đi ra Nhà Hát Lớn. Rất đông công an phường và ô tô chặn ngang đường lên thềm Nhà hát nhưng rồi mọi người cũng tràn lên được.


Một bạn thanh niên rút giấy trong túi ra đọc lời PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG XÂM PHẠM NGHIÊM TRỌNG CHỦ QUYỀN VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG. Kết thúc, tất cả hô vang: “Việt Nam muôn năm!”
Bác Tạ Trí Hải lại cầm càng cho mọi người hát “Tiến quân ca”.
Người nghệ sỹ đường phố lại biểu diễn say sưa như đang trên sân khấu chứ không phải là… trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội.


Từ 1 chiếc xe chuyên đi dẹp chợ, một chú cảnh sát LOA: – Yêu cầu mọi người giải tán, không tụ tập ở cửa nhà hát, ảnh hưởng đến kinh doanh của buổi biểu diễn sắp tới!

Ngứa tai quá, nhà cháu chạy xuống tận nơi, hỏi: – Kinh doanh nào hơn cả Quốc gia-Đất nước-Dân tộc?
Viên cảnh sát bị phản đối bất ngờ ớ người rồi không nói thế nữa mà quay ra chỉ trích 2 thanh niên ngồi duỗi chân hút thuốc gây mất mỹ quan. Nhà cháu quay lên thì thấy thế thật. Loa kêu đến lần thứ ba họ đứng dậy đi.
Ôi, giá lúc nào và ở đâu cảnh sát cũng lo giữ mỹ quan đô thị được thế thì Thủ đô ta thật xứng đáng Xanh-Sạch-Hòa Bình.

Mọi người tràn xuống đường Tràng Tiền. Nhà cháu đi gần cuối thấy có tiếng kêu to, quay lại thấy mấy người (trong đó có Hiếu “buôn gió”) đang giằng co. Có người hô gọi đoàn quay lại, có người bị bắt. Gần như lập tức đoàn bộ hành cuộn về của đồn công an phường hô yêu cầu thả người. Cũng chỉ vài phút, nhà cháu thấy chú thanh niên áo xanh chạy từ trong ra.

Bật cười là các chú công an lúng túng thật sự khi bị đòi thả 1 người nữa. Hóa ra bạn thanh niên kia bị đẩy vào đồn cùng 1 người nữa đã đi cùng từ đầu nên tưởng anh ta cũng BỘ HÀNH. Sau khi được ra, ngẩng lên  thì thấy chú thường phục ấy đang đứng trên tầng hai, tức là chú ấy thuộc LLBV. Nhầm lẫn được xóa bỏ khi đòan bộ hành quay lại đường Tràng Tiền với khẩu hiệu mới: Đoàn Kết !

Bỗng nhiên xuất hiện một tay trông rất NGẦU (đầu trọc, kính đen, ôm cái Xắc-xô-phôn) rất ngang ngược nhập đoàn bằng bài “Lên đàng” của cụ Lưu Hữu Phước. Rồi không khí sôi động hẳn lên với các bài hát “Nối vòng tay lớn” hòa cùng tiếng kèn


Từ đó, đoàn bộ hành vòng 1 vòng Bờ Hồ với 2 nhạc công đi đầu.


Anh chàng thổi xắc-xô-phôn còn thổi cả những bài hát của Đòan Thanh niên cộng sản HCM. Nhà cháu chộp được cảnh Lốc-gơ Mai Thanh Hải còng người tác nghiệp.


Ngang chỗ “Kem 4 mùa” phải ngưng vì có tới hơn 30 CSCĐ dàn hàng yêu cầu giải tán. Sau một hồi thuyết phục-trao đổi, một bác thường phục nói với đội CSCĐ: – Thôi, cứ để mọi người đi tiếp. Bác này cười rất tươi khi nhà cháu bắt tay cám ơn. Tiếc là chả ai chụp hộ.


Cũng khác mọi lần, hôm nay đoàn bộ hành vòng về đến tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì bảo nhau tự giải tán, sau khi đứng hô hát từ 11g15 đến 11g30.


Từ bóng cây mát gần cửa Sở Văn-Thể-Du Hà Nội có tiếng loa vọng sang: – Thôi mọi người về ăn cơm, đói rồi. Tất cả cười ồ và ai về nhà nấy.
Trên đường quay lại Thủy tạ uống bia cùng mấy lốc-gờ, nhà cháu bị một bác thường phục khác (quen mặt từ tuần trước) gọi lại than phiền: – Các ông làm bọn tôi mệt quá!
Nhìn cái cách nhà bác ấy ngồi duỗi dài chân trên cái ghế đá thì biết bác ấy mệt thật. Nhà cháu cười bảo: – Ấy là bác còn không hô hát. Thôi đi uống với bọn tôi cốc bia cho mát!
Bác thường phục nhăn nhó từ chối: – Thôi, tôi mệt quá, các ông đi đi. Để hôm khác!

Mấy anh em vào Thủy tạ uống bia. Báo hại, vì hôm qua thức khuya nên uống về nhà cháu ngủ tít. Giờ mới ngồi gõ tường thuật.
Có gì thiếu xót xin pàkon BỘ HÀNH bổ xung và miễn thứ cho !

(Bản tường thuật này do Blogger Gốc Sậy gửi cho Da Vàng blog. Xin cảm ơn tác giả)

http://davangblog.wordpress.com/2011/07/04/cu%E1%BB%99c-b%E1%BB%99-hanh-ngay-0372011/

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Gốc Sậy tường thuật rất tỷ mỷ và rất khách quan, nên đọc rất khoái, chứ tớ chán các bài viết của mấy bác đi biểu tình về rồi viết bài dậy người khác phải yêu nước thế nào lắm.
    À, mà công nhận bác Gốc Sậy thật khéo liên tưởng từ mấy viên đạn đá đến thành nhà Hồ rồi lại đến câu của Hồ Nguyên Trừng "Thần không ngại đánh, CHỈ SỢ LÒNG DÂN KHÔNG THEO MÀ THÔI!”
    Cụ Nguyễn Trãi cũng có một câu rất chí lý " đẩy thuyền là dân, và lật thuyền cũng là dân" “Lật thuyền mới biết dân như nước". Chỉ mong các bác lãnh đạo nên nhớ được mấy câu ấy của tiền nhân.

    Trả lờiXóa