Hà Vũ
09/01/2010
Ngày 7 tháng 1 vừa qua, trả lời câu hỏi của báo chí trong nước về việc mua tầu ngầm và máy bay của Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là một việc làm bình thường, tất cả các quốc gia khác đều làm như vậy nếu điều kiện kinh tế cho phép. Tuy nhiên sau khi có tin Việt Nam mua vũ khí của Nga, báo Bangkok Post bình luận cho rằng việc này sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang trong vùng. Hà Vũ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Ngô Vĩnh Long, bộ môn sử trường Đại học Maine và là chuyên viên về Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.
VOA: Thưa giáo sư, giáo sư nghĩ như thế nào về câu trả lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Nga là một việc bình thường trong khi báo Bangkok Post cho rằng việc này sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong vùng?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Bangkok Post nói như vậy cũng hơi quá vì chạy đua vũ trang trong khu vực cũng đã có từ mấy năm nay rồi, ví dụ như Indonesia đã mua tàu ngầm rồi. Trước sự đẩy mạnh của Trung Quốc vào biển Đông thì các nước trong khu vực cũng đều lo hết. Việt Nam gần Trung Quốc nhất nên lo nhất. Tôi thấy là trước sự đe dọa của Trung Quốc, nếu Việt Nam thật sự có điều kiện thì Việt Nam đúng là phải mua vũ khí để tự vệ. Không phải là Việt Nam tự mua vũ khí để tranh chấp biển Đông. Vấn đề này là vì Trung Quốc càng ngày càng lấn chiếm biển Đông nên Việt Nam mua vũ khí là một chuyện bình thường.Tuy nhiên đối với tôi thì số tiền bỏ ra để mua tàu ngầm và máy bay thì không bõ vì có thể làm cách khác để quy tụ sự ủng hộ của các nước khác. Việt Nam còn là một nước nghèo mà mua tàu ngầm như vậy rất tốn kém. Để số tiền đó giúp nông dân tốt hơn.
VOA: Giáo sư nói là Việt Nam có thể làm cách khác để quy tụ sự ủng hộ của các nước khác. Ý của giáo sư là Việt Nam cần kêu gọi sự ủng hộ của các nước ASEAN phải không?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Tranh thủ ASEAN là vấn đề cần làm và nên làm. Tuy nhiên hiện nay tranh chấp hai quần đảo ở biển Đông chủ yếu chỉ giữa Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia khác không có quyền lợi gì lớn. Thành ra vấn đề là làm sao để quốc tế hóa biển Đông, làm sao để mọi người thấy rằng mình đều có lợi, vấn đề thông thương, vấn đề an ninh khu vực là vấn đề cần thiết. Đây là vấn đề tranh thủ lâu dài.
VOA: Xin giáo sư giải thích thêm về vấn đề quốc tế hóa biển Đông.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Vấn đề Hoàng Sa Trung Quốc đã chiếm, bây giờ phải tiếp tục tranh đấu dư luận quần chúng để chứng tỏ rằng Trung Quốc làm như thế là sai trái nhưng đối với vùng Trường Sa, tôi nghĩ là Việt Nam không nên cứ dằng co với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền mà Việt Nam cần nói với tất cả các nước khác trên thế giới là chỗ còn mơ hồ mà chúng tôi hay các nước khác trên thế giới không có điều kiện rõ ràng thì đó là vùng biển quốc tế, ai đi qua cũng được và mọi người đều có thể sử dụng.
VOA: Giáo sư nghĩ gì về lời tuyên bố ngày 6 tháng 1 vừa qua của đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Trường cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay là tạm gác lại tranh chấp biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Buổi nói chuyện của ông đại sứ Trung Quốc rất là trịch thượng; họ là một nước lớn vẫn cứ tiếp tục hà hiếp dân chúng nước nhỏ, bắt bớ ngư dân Việt Nam. Vào cuối tháng 11 năm ngoái có một cuộc họp bàn về biển Đông thì Trung Quốc đưa tàu vào biển Đông khiêu khích. Tôi nghĩ điều này không được. Việt Nam là một nước nhỏ, khi có những chuyện gì xảy ra Việt Nam phải minh bạch, cho thế giới biết các vấn đề khó khăn trong khu vực. Việt Nam phải đấu tranh, còn Trung Quốc thì bảo đừng đấu tranh. Tôi nghĩ đây là một sự đe dọa.
Cám ơn giáo sư đã dành cho đài VOA chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
http://surfert.nl/index.php5?q=aHR0cDovL3d3dy52b2FuZXdzLmNvbS92aWV0bmFtZXNlLzIwMTAtMDEtMDktdm9hMjUuY2Zt&hl=3ed
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét