Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

MIềN ĐấT HUYềN ảO (CÁC DÂN TộC MIềN NÚI NAM ĐÔNG DƯƠNG) (GIớI THIệU)

Tác giả: Dam Bo
Nguồn: NXB Hội nhà văn
Chủ đề: Dân tộc học , Văn hóa - Phong tục


LờI NGƯờI DịCH

Miền đất huyền ảo (Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương)

Mùa Xuân năm 1950, tạp chí Pháp Á đã ra một số đặc biệt dày dặn (số 49-50), giành riêng giới thiệu trọn công trình nghiên cứu về Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương của một tác giả ký tên là Dam Bo. Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương là cách Dam Bo dùng để nói về những con người mà ngày nay chúng ta gọi là các dân tộc Tây Nguyên [1] .
Về sau, người ta sẽ biết rằng Dam Bo chính là bút danh của một trong những nhà Tây Nguyên học say mê nhất và nổi tiếng nhất: Jacques Dournes. Ông sống ở Tây Nguyên gần suốt ba mươi năm, am hiểu sâu sắc hàng chục dân tộc thiểu số ở đây, nói thành thạo ngôn ngữ của họ, và đã viết hàng chục công trình có thể coi thuộc số những công trình nghiên cứu cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay. Trong số đó có những công trình được coi gần như là "kinh điển" trong khoa nghiên cứu về Tây Nguyên, như các cuốn "Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Giarai Ðông Dương", "Men theo những lối mòn của con người trên cao nguyên Việt Nam", "Nri, sưu tập luật tục của người Srê vùng Ðồng Nai Thượng", "Tôn giáo của người miền núi vùng Ðồng Nai Thượng"..., và đặc biệt cuốn sách cuối cùng tuyệt vời của ông "Rừng, Ðàn bà, Ðiên lọan, hành trình qua miền mơ tưởng Giarai".
Thấm đượm trong các nghiên cứu của Dam Bo-Jacques Dournes là một tinh thần khoa học nghiêm túc, trên cơ sở những quan sát chăm chú, tỉ mỉ, cẩn trọng, những so sánh và luận giải chặt chẽ, thấu đáo, những phân tích luôn cố gắng hết sức khách quan, đi đôi và hòa quyện với một tình yêu sâu sắc và một sự kính trọng chân thành đối với đối tượng nghiên cứu của mình: những con người Tây Nguyên, cái thế giới vừa vô cùng sâu xa, thăm thẳm trong Truyền thống minh triết lâu đời của họ, vừa lại rất mong manh, rất dễ bị đổ vỡ, bị xéo nát trước những thách thức hung bạo của sự phát triển hôm nay.

*

Trong khi đọc công trình nghiên cứu vừa nghiêm túc vừa say mê như một bút ký dân tộc học, một kiểu tác phẩm văn học độc đáo này, chúng ta luôn nhớ rằng nó đã được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Từ đó đến nay, trên vùng đất này đã diễn ra biết bao nhiêu biến động dữ dội, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ cuộc sống và con người ở đây. Nhiều sự kiện đã được soi sáng dưới những góc nhìn mới, do đó có thể được nhìn nhận và giải thích theo những cách mới, sáng rõ và chân xác hơn. Một số nhận định, ước thuyết của tác giả đã bị vượt qua, hoặc được đính chính lại, một số hiểu biết mới được bổ sung, do những nghiên cứu mới trong suốt thời gian từ đó đến nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận ra ở tác phẩm của Dam Bo không chỉ những tư liệu vô giá ngày nay hầu như không còn có khả năng tìm thấy được nữa, mà hơn thế rất nhiều, một số vấn đề cơ bản tác giả đặt ra về sự phát triển của xã hội và về số phận con người ở đây có thể nói vẫn còn nóng hổi tính cập nhật. Về một phương diện nào đó, công trình nghiên cứu công phu và đầy nhiệt tâm này đã vượt qua được sự thử thách của thời gian, và không hề lạc hậu.

*

Dam Bo viết: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu". Bài toán về sự phát triển của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại và trong thế giới ngày nay, như chúng ta đều biết, không hề là một bài toán đơn giản, dễ dàng. Chắc hẳn chúng ta cần cả hai vế trong mệnh đề trên của Dam Bo, nếu chúng ta thật sự tha thiết muốn góp phần giải quyết bài toán khó ấy của Tây Nguyên hôm nay. Cần phải yêu, một tình yêu đầy kính trọng và cả ưu tư như Dam Bo đã yêu đối với đất nước và con người Tây Nguyên để có thể hiểu nó một cách thấu đáo, đặng có thể xử lý những câu hỏi không hễ dễ dàng đặt ra vừa bức bách vừa lâu dài, cơ bản ở đây. Và để có được một tình yêu như vậy, thì lại phải chăm chú, tận tụy chăm chú hiểu nó, mảnh đất và con người ở nơi này, trong tất cả các chiều sâu tinh tế của nó, như tác giả của cuốn sách này, một con người không phải là người Việt Nam mà đã bỏ gần cả ba mươi năm, và là những năm dồi dào sức lực, trí tuệ nhất, những năm quý giá nhất của đời mình để cố tìm hiểu và yêu nó.
Ðưa công trình này của Dam Bo đến với bạn đọc, người dịch mong mỏi góp một phần nhỏ vào việc xây dựng sự hiểu biết và tình yêu đó.


Nguyên Ngọc


[1] Các dân tộc miền núi Nam Ðông Dương: Populations montagnardes du Sud-Indochinois, viết tắt là P.M.S.I., có thể thể đọc là Pemsi, do đó Dam Bo gọi người Tây Nguyên là "les Pémsiens". Trong bản dịch này chúng tôi xin thay thế từ Pémsien của Dam Bo bằng "người Tây Nguyên" theo cách gọi đã thành rất quen thuộc của chúng ta


MÀO ĐầU

Con người miền núi Nam Ðông Dương (Tây Nguyên) mà chúng ta sẽ nghiên cứu đây đối với chúng ta có thể sẽ rất kỳ lạ, thậm chí không thể hiểu được, như thuộc về một thế giới khác, một giống loài khác. Kỳ lạ và thuộc về một thế giới khác, quả đúng như vậy, theo một cách nào đó; tuy nhiên chúng ta có thể hiểu họ, bởi họ là một phần của chúng ta. Nhưng sau cuộc nghiên cứu này rồi, chúng ta có hiểu họ hơn không? Không nhất thiết đâu; bởi nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu. Phải yêu cuộc sống gian khó và bình dị, phải yêu thiên nhiên trinh khôi và say mê vẻ đẹp của nó, phải yêu cái không khí đầm ấm của căn nhà sàn và hơi nóng tỏa ra từ bếp lửa của nó, phải yêu khu rừng ngo và đêm đầy trăng.
Từ buổi nguyên sơ, con người vốn giống nhau; họ tiến hóa nhịp nhàng cùng nhau một thời gian, rồi tách nhau ra: những người này thì theo khuynh hướng bảo thủ truyền thống và cố định tôn giáo, những người khác thì ngả theo khoa học và nóng vội. Nhưng, thời gian trôi qua, có phải đến bây giờ đã có một cái hố không thể vượt qua chia cách họ với nhau?
Căn cứ vào nền văn minh của họ, đến một giai đoạn nào đó đã đứng sững lại, con người Tây Nguyên hôm nay là đương thời với những người Gaulois. Nhìn thấy họ bây giờ, tức là biết được những gì đã từng có nhiều thế kỷ trước đây. Ðiều đó không chỉ cho phép chúng ta có thể tiến hành một công việc phục dựng lịch sử dễ dàng, nghiên cứu thật thuận lợi một dân tộc đã quá thời. Con người Tây Nguyên hôm nay, là nhân chứng về quá khứ của nhân loại, chỉ cho chúng ta biết ngày xưa chúng ta là như thế nào; chỉ riêng một điều đó thôi, họ cũng đã đáng cho chúng ta chăm chú và yêu quý rồi. Quan sát họ, chúng ta thấy hiện lên một bức tranh độc nhất và hấp dẫn về chính chúng ta trong quá khứ, do đó chúng ta sẽ có ý thức về nó hơn, cũng giống như những cử chỉ đầu tiên của một đứa bé khiến chúng ta hiểu chúng ta thuở trước là như thế nào, và chẳng có cái khác gì có thể nhắc chúng ta nhớ lại được cho bằng.
Nhưng đứa con của tự nhiên không chỉ là một ký ức đối với những đứa con của ánh sáng, một nhân chứng hôm qua cho cái ý thức bị tương lai che phủ của họ; nó còn có cái tội làm phát lộ ra cái "nguyên thủy" đang còn hiện diện trong chúng ta, ít khi chúng ta ý thức được (bởi chúng ta đinh ninh rằng chúng ta đã là những con người tiến hóa và đã cắt đứt với cái "mê tín" dưới tất cả các hình thức) nhưng vẫn còn nguyên si trong một tiềm thức bị cấm đoán. Trong các nhân vật hợp nên cái tôi của chúng ta, có và vẫn còn có một kẻ biết nhìn ngắm và biết ngạc nhiên, một kẻ cả tin và mê tín, một kẻ sợ hãi và chưa bị thuần hóa. Việc thừa nhận sự thật đó là một bước tiến thêm trong việc tìm hiểu con người Tây Nguyên, người anh em của chúng ta. Từ sự ý thức này có thể toát ra một minh triết: chúng ta biết một hệ thống mặt trời và các điều kỳ diệu trong sự sắp đặt của nó; danh vọng làm người của chúng ta là chúng ta gọi tên ra được mỗi một yếu tố của nó; nhưng có phải vì chừng đó mà chúng ta đã trở thành các vị thần rồi không? Và nếu chúng ta còn biết thêm nhiều hệ thống nữa, có mặt trời hay không, và phân tích được cơ chế vận hành của chúng, thì chúng ta có vì thế mà trở thành thần thánh hơn không? Rồi chúng ta sẽ nhận ra sự nhỏ bé của mình nếu chúng ta được yêu cầu không phải hiểu biết mà là tổ chức một vũ trụ vô cùng to lớn, cho đến tận trong những chi tiết vô cùng nhỏ bé của nó. Thật là hiền minh khi tự nhận mình là thấp kém và dốt nát, khi tin ở ưu thế của tinh thần đối với vật chất, và ở những Trí tuệ cao hơn trí tuệ của chúng ta, mà ta phó thác sự điều hành vũ trụ và số phận của chính chúng ta. Thực tại Tây Nguyên hiện tồn, mà chúng ta sẽ phân tích, kỳ thực là một quá khứ còn sống sót cho đến ngày hôm nay, nhưng nó không nhất thiết sẽ phải biến mất đi... với điều kiện ta cứu vãn được những điều kiện tối thiểu để hoàn thiện được cuộc thử nghiệm. Người Tây Nguyên sống giống như trong quá khứ và họ sống bằng quá khứ. Họ không sống đúng thời của mình, trường hợp của họ là một ca lỗi thời. Tuy nhiên Truyền thống, đã gìn giữ cho họ được đến vậy cho tới hôm nay, chẳng phải là vô hiệu lực. Mà đấy là cả một bài thơ và một cuộc sống; nằm ngoài thời gian, nó không chỉ chăm chăm vào quá khứ; cho nên nó không nhất thiết là một cản trở đối với sự phát triển. Nếu sự phát triển đó vượt quá Truyền thống sống động, thì sự phát triển đó đã gồm trước trong chính Truyền thống và được vượt quá bằng chính tinh thần của Truyền thống. Toàn bộ vấn đề là làm thế nào cho vận động đang diễn ra có được những điều kiện một mặt vẫn giữ được một diện mạo truyền thống và mặt khác, ứng dụng vào một ngày mai mới mẻ, tìm thấy được sự tiến bộ làm cho Truyền thống ấy nảy nở.
... Ðêm bên bếp lửa đã tàn. Ai nấy đều im lặng; câu chyện của cụ Già làng đã hòa tan vào cái lặng thinh sâu thẳm của đêm. Trong bếp lửa ủ, ngọn lửa không còn bốc lên; đến lượt khói cũng tan dần và lẫn vào các đồ vật trong căn nhà. Chẳng mấy chốc bình minh đã dát bạc bầu trời còn mờ tái và khiến các đỉnh núi long lanh ngũ sắc. Một buổi sáng mới đang bắt đầu.
Buổi hoàng hôn của một thời đại đã đi qua; bình minh của một thời đại mới đang thoát ra khỏi đám sương mù ban mai. Nhưng cái ngày hôm sau này không chỉ là đơn thuần là một sự thức giấc và bắt đầu trở lại cái ngày hôm qua. Quá khứ, cố sức kéo dài mãi, đang chết dần, đã quá già cỗi, không được đổi mới, suy thoái, giống như một gia đình xưa đang suy biến. Ngày hôm qua, người Tây Nguyên đau khổ vì mệt mỏi, vì đói, luôn sợ tất cả những gì không phải là chính mình. Nỗi sợ đó, sự rã rời đó, khiến họ trở thành một kẻ nô lệ cho những niềm tín ngưỡng truyền lại từ tổ tiên, một nô lệ cho kẻ mạnh hơn mình và khiến họ có khuynh hướng bi quan. Cách nhìn thế giới của họ là một sự phóng chiếu trạng thái tinh thần của họ: một sự kỳ vĩ nào đó trong quan niệm và, trong toàn bộ, một lối ghi nhận chẳng mấy cởi mở về cái chu trình khép kín quỷ quái trong đó con người là một món đồ chơi của những thế lực khắc nghiệt, như một con sóc trong chiếc lồng của nó. Ðấy là mặt trái, phương diện không hay trong chủ nghĩa truyền thống của họ, đòi hỏi một sự giải phóng vật chất và tinh thần: để làm được việc đó, phải nuôi sống họ và làm cho họ cao lớn lên trong chính con mắt của họ.
Ngày hôm nay, người ta đem đến cho họ những gì cần có để xây dựng một ngày mai mới mẻ, và đấy là một nghĩa vụ mặc dầu nó hàm chứa những mạo hiểm có thể lường trước. Nếu họ không cầm lấy những công cụ người ta đưa cho họ, ấy là hoặc vì người ta đã đưa cho họ không phải cách, hoặc là vì họ bị mê hoặc bởi một quá khứ co cụm, nó sẽ làm cho họ trở thành một kẻ cùng khổ của nhân loại, họ sẽ là một người Mọi, không có ngày mai. Nhưng bên trong họ có một tiếng gọi hướng tới sự hồi sinh, trong mọi lĩnh vực. Truyền thống của họ không làm tắc nghẽn con đường giải phóng; nó chịu đựng được sự mở rộng, bừng nở, cho đến tan vỡ những hình thức xưa cũ; và tự nó sẽ mở ra từ chính nó, nếu tránh được một sự đứt gãy đột ngột.
Nó là than hồng trong bếp lửa đêm trong căn nhà sàn, đêm hôm trước được cụ Già làng thổi bùng lên, khi cụ cảm nhận ra cái bình minh mà cụ còn chưa nhìn thấy. Ðốm lửa ủ dưới lớp tro nóng của các thế hệ suốt lịch sử sẽ được khêu lên lại, để làm hồi sinh một ngọn lửa mới, không chỉ cho thế hệ trẻ "hiện đại", vốn không biết đến những mối hiểm nguy của một ngọn lửa quá nóng chói, mà là cho cả căn nhà, vừa vẫn thấm đượm được cái truyền thống xưa cũ vừa cảm nhận ra được cái buổi ban mai mới mẻ này.
Vấn đề Tây Nguyên như chúng ta sẽ thấy toát ra từ những đối tượng khác nhau của công trình nghiên cứu dân tộc học này của chúng tôi - bấy nhiêu quan điểm về tất cả các mặt đời sống Tây Nguyên - là một phương diện của một vấn đề rộng lớn hơn nhiều và không hề xa lạ với bất cứ dân tộc nào: sự cao quý và niềm tự do của con người. Những giá trị gắn với con người đó thường bị bỏ quên, vì lợi ích của những "giá trị" khác của túi tiền, mà bao nhiêu con người suy đồi vẫn đăm đăm đeo đuổi. Chẳng phải là nhân loại cần được lay chuyển bởi những giá trị gắn với con người sao, cái nhân loại sẽ bị lăng nhục khi người ta làm tổn thương đến danh dự của thành viên bé nhỏ nhất của nó?
Ðịnh mệnh của con người là vươn tới tiến bộ; nhưng mọi sự tìm tòi sẽ là vô nghĩa và kết quả sẽ là tai họa nếu vận động đó lại dẫn đến sự suy thoái của nhân cách. Có nghĩa gì một sự tiến bộ kỹ thuật nếu nó giết chết tinh thần? Niềm say mê hủy hoại của các thế lực "tiên tiến" có thật là cao hơn niềm kiêu hãnh của con người miền núi không? Một con người mà ý thức bị méo mó đi thì có thể đem lại được gì cho sự phát triển của một dân tộc "nguyên thủy"? Có những người lao động ở phương Tây bị nô lệ chẳng khác gì những người cu li phương Ðông. Ở bên ấy tiếp những người "hạ đẳng" ở bàn ăn của mình có thể khiến người ta ngạc nhiên chẳng khác gì ở bên này thấy một người da trắng ngồi cùng mâm với những người "bản địa", trong khi chính phản ứng ấy mới là cái đáng chướng tai gai mắt. Kẻ nào sợ nâng những con người mà mình sử dụng lên ngang tầm với mình, thay vì phục vụ họ, kẻ nào, đứng trước một người lao động không thể nhìn thấy gì khác hơn ở họ một cá nhân vô danh, bởi vì anh ta đã quên rằng mỗi con người là độc đáo và không thể thay thế, kẻ ấy không thể làm cho người Tây Nguyên ý thức được sự cao thượng thật sự của họ.
Chúng tôi đã chỉ ra cần phải thực hiện một sự tiến bộ thật sự theo phương hướng nào. Vấn đề không phải là tưởng tượng như kiểu Jean Jacques (Rousseau) rằng con người sống gần gụi với Tự nhiên hơn thì có đạo đức cao quý hơn và do vậy, người Tây Nguyên cứ vậy vốn đã hoàn mỹ. Ðấy là sai lầm mà một số người đã phạm phải, muốn cô lập họ ra một cách thái quá, trong một "thiên đường tìm lại được", cố làm mọi thứ để giữ cho nó cứ nguyên si như vậy; cũng tức là chẳng làm gì cả. Ta không có quyền tạo nên một bộ sưu tập được lựa chọn cho một bảo tàng với những con người, vốn bản chất là hòa đồng, vẫn suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng của mình để giao tiếp với những người khác. Cũng chẳng thể, không hướng dẫn những tiếp xúc và những kinh nghiệm của họ, để mặc họ lao mình vào thế giới hiện đại, ở đấy họ sẽ bị sa vào suy đồi trước khi bị nhấn chìm và tiêu tán.
Như vậy dân tộc này vẫn cứ phải là chính mình, giữ nguyên được bản sắc của mình, nhưng gặt hái được một giá trị thặng dư bằng một sự tiến bộ làm cho nó nảy nở mà không đảo lộn nó, và điều đó phải được diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, về mặt tinh thần ít ra cũng tương đương như mặt vật chất, như một phác thảo cần được hoàn tất theo chiều hướng và khát vọng mà nó đã chỉ ra và hàm ý.
Cùng lúc, nếu không phải là còn hơn thế nữa, trong cuộc đổi mới các tập quán, giải pháp cho bài toán này phải có trong tâm trí và con tim những con người mà người Tây Nguyên cần đến để thổi bùng lên lại ngọn lửa vẫn ấp ủ, những người mang đến cho họ các công cụ để họ có thể xây dựng cái ngày mai ấy. Sứ mệnh đó thuộc về những ai biết tin tưởng ở con người ấy, vững tin rằng ở trong họ vẫn tiềm ẩn cái khả năng của một người anh hùng và một vị thánh.
Và thêm vào đó nữa, những người đảm nhiệm sứ mệnh ấy không chỉ sẽ khám phá ra được ở đây một người anh em đầy hấp dẫn và được thụ hưởng sự giàu có mà khám phá đó đem lại, mà - không hề mâu thuẫn - họ còn được học một bài học về cách sống ở đời: không náo động khô cằn, mà là một sự bình thản dồi dào và khả năng tự chủ vững vàng; không phải là nỗi lo âu bệnh hoạn của đô thị hỗn loạn, mà là sự vô tư tươi mát, nó vốn là con đẻ của Ðức Tin; không phải là lối kiêu ngạo điên rồ của những lũ phá hoại phi nhân, mà là niềm nhún nhường nó chính là sự thấu hiểu sâu xa về con người; vượt qua tất cả các quốc gia cung cấp vũ khí, là sự thanh bình của cao nguyên; và cao hơn rất nhiều các nhà lô-gích duy vật tước đi hết mùi vị của mọi thứ, là những con người nhạy cảm, là niềm vui sống, niềm đam mê đối với Tạo hóa, niềm Minh triết.
Dam Bo

Rất đáng đọc vì nội dung cuốn sách và vì người viết và người dịch đều là những người đáng kính!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét